Wednesday, July 9, 2008

Chính phủ Việt Nam muốn giành tổ chức tăng lễ cho Đức Tăng thống

Lê Minh lược dịch

(New York - 9/07/2008) - Hôm nay Tổ chức Giám sát Nhân quyền quốc tế (HRW) đã tuyên bố rằng, chính phủ Việt Nam không nên can thiệp mà phải để cho các giáo đồ của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất tự lo liệu việc tổ chức và tham dự tang lễ của Đức Tăng thống. Chính phủ Việt Nam cũng đã loan báo rằng Giáo hội Phật giáo quốc doanh được nhà nước thừa nhận sẽ đứng ra lo liệu tang lễ cho Đức Tăng thống Thích Huyền Quang.

Là một người tích cực hoạt động cho hòa bình trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp và trong suốt cuộc nội chiến Nam Bắc, Hòa thượng Thích Huyền Quang đích thực là một nhà đấu tranh cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại Việt Nam. Ngài đã qua đời tại một tu viện tại tỉnh Bình Định ở miền Trung Việt Nam hôm 5 tháng 7 năm 2008, hưởng thọ 88 tuổi. Hòa thượng là thành viên của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất từ thập niên 60s, một giáo hội bị nhà nước Việt Nam đặt ra ngoài vòng pháp luật vì không chịu gia nhập vào giáo hội quốc doanh, khiến trong hơn 30 năm qua Ngài đã phải sống trong cảnh bị trù dập, khi thì trong tù, khi phải nay đây mai đó, khi thì bị quản thúc tại gia.

Ông Brad Adams, Giám đốc của HRW-Á Châu nói: “Trong hơn 30 năm qua Hòa Thượng đã xả thân vì nhân quyền và tự do tôn giáo ở Việt Nam. Chính phủ không nên can thiệp và các giáo đồ phải được phép tổ chức và tham dự tang lễ theo nguyện ý của mình”.

Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất dự trù tổ chức tang lễ cho Đức Tăng thống vào ngày 11 tháng 7 tại Tu viện Nguyên Thiều, Bình Định. Hòa Thượng Thích Quảng Độ, vị lãnh đạo thứ hai trong hàng giáo phẩm, rất có thể là người kế thừa - sẽ chủ tọa tang lễ. Tuy nhiên nhà nước Việt Nam muốn giành quyền kiểm soát và tổ chức tang lễ bằng cách tuyên bố là tang lễ sẽ do Giáo hội Phật giáo nhà nước đứng ra tổ chức.

Các phương tiện truyền thông báo chí nhà nước đã tung ra chiến dịch lăng mạ Hòa Thượng Thích Quảng Độ và tố ngài là “thành phần cực đoan khoác áo nhà tu”, lợi dụng cái chết của Đức Tăng thống để mưu đồ chính trị. Hôm 6 tháng 7, hệ thống truyền hình nhà nước VTV1 phát đi bản tin nói rằng “Trước những việc làm trái đạo lý của nhóm Quảng Độ, các môn đồ, đệ tử, những người tu hành chân chính ở Tu viện Nguyên Thiều đã phản ứng kịch liệt, kiên quyết không cho nhóm Quảng Độ đứng ra tổ chức tang lễ”.

Ông Adam nói “Chính phủ Việt Nam đang mạo hiểm khi đương đầu với giáo đồ của Đức Tăng thống bằng cách kiểm soát Ngài lúc còn sống và ngay cả khi qua đời”.

HT. Thích Huyền Quang, nguời từng được hai nhân vật nổi tiếng đề cử lãnh giải Nobel Hòa bình, đã trở thành Đức Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhẩt kể từ năm 1992.

Ngài xuất gia từ lúc 12 tuổi và có một quá trình lâu dài của một nhà hoạt động Phật giáo. Vào cuối thập niên 40s, Ngài có tham dự vào cuộc kháng chiến chống Pháp trong tư cách là Phó chủ tịch Phật giáo Cứu quốc (Liên khu 5). Vào thập niên 60s, trong cuộc chiến Việt Nam, Ngài là nhà hoạt động tích cực vì hòa bình và thường chỉ trích chính sách bài bác Phật giáo của Tổng thống Ngô Đình Diệm.

Sau 1975, HT. Thích Huyền Quang đã trở thành nhà đấu tranh vì dân chủ và nhân quyền. Mặc dầu Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất phản đối cuộc chiến, nhưng nhà cầm quyền Hà Nội vẫn trưng thu tài sản của giáo hội, bỏ tù nhiều nhà lãnh đạo trong hàng giáo phẩm và ép buộc gia nhập vào giáo hội quốc doanh. HT. Thích Huyền Quang bị bắt vào năm 1977 và lần sau vào năm 1982 vì đã kêu gọi nhà nước công nhận Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất và phản đối việc vi phạm tự do tôn giáo và nhân quyền. Năm 1982 Ngài bị bị trục xuất khỏi thành phố Saigon, đưa ra quản chế tại một ngôi chùa nhỏ tại một vùng hẻo lánh ở Quảng Ngãi.

Năm 1993, trong lúc còn bị quản thúc tại chùa, Ngài đã đưa ra “Tuyên cáo Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn”, nêu ra 12 điểm yêu cầu nhà nước thực thi cải cách dân chủ, thả tù nhân chính trị, nới lỏng tự do tôn giáo và tôn trọng nhân quyền.

Tổ chức Giám sát Nhân quyền quốc tế bày tỏ mối quan ngại về một số báo cáo từ trong nước cho rằng công an đã đến một số chùa ở các nơi, bao gồm Vũng Tàu, Bà Rịa và Bình Định, và ra lệnh cho các chư tăng không được tổ chức tang lễ cho HT. Thích Huyền Quang.

Khi nhà nước Việt Nam can thiệp vào việc chuyển tiếp quyền lãnh đạo giáo hội vào ngày 3 tháng 5 năm 1992 sau sự ra đi của Ðức Đệ tam Tăng thống Thích Đôn Hậu, đã làm bùng lên làn sóng chống đối của Phật tử. HT. Thích Đôn Hậu, vị lãnh đạo cao nhất của Giáo hội trước lúc lâm chung đã nói rằng, lễ tang của Ngài sẽ được thực hiện theo nghi lễ Phật giáo thuần túy mà không có sự can dự của nhà nước. Thế nhưng, ngay sau khi Ngài vừa viên tịch thì nhà nước đã bất ngờ ban cho Ngài huân chương Hồ Chí Minh và giành lấy quyền tổ chức tang lễ, mặc dầu nhiều sư tăng đã tuyệt thực để phản đối và sẵn sàng cúng dường bản thân. HT.Thích Huyền Quang khi đó đang bị quản chế tại chùa, chỉ được phép đến dự tang lễ sau một ngày tuyệt thực. Trong lời tác bạch tại tang lễ, Ngài đã lên án nhà nước đã tìm cách xóa bỏ Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất để sát nhập vào Giáo hội Phật giáo nhà nước

Ông Adams cũng nói rằng: “Nhà nước Việt Nam phải để cho bất cứ ai muốn tham dự tang lễ của HT. Thích Huyền Quang được tự do đến đó, thay vì gây khó khăn cản trở người ta đến dâng hương cho Ngài”.

Lê Minh lược dịch

http://hrw.org/english/docs/2008/07/08/vietna19311.htm

No comments:

Post a Comment