Tuesday, August 5, 2008

Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền

Luật Quốc Tế
NHÂN QUYỀN
Nguyễn Hữu Thống
Phiên dịch và diễn giảng
MẠNG LƯỚI NHÂN QUYỀN VIỆT NAM
http://www.vietnamhumanrights.net/Viet/vintbill.htm
Ấn hành

    MỤC LỤC

    - Lời giới thiệu………………………………………………..……2

    - Lời nói đầu……………..………….……………………....……..4

    - Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền…………………………........6

    - Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự,
    và Chính Trị……………………………………………………...11

    - Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế,
    Xã Hội, và Văn Hóa…………………………………….……....19

    - Phần Diễn Giải………………….……..……………………......25

    - Phụ Đính 1: các điều khoản nhân quyền trong
    Hiến Chương Liên Hiệp Quốc..…………………………….….36

    - Giới thiệu Luật Sư Nguyễn Hữu Thống….……………………37

LỜI GIỚI THIỆU

Ủy Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam hân hạnh giới thiệu với đồng bào trong và ngoài nước, cuốn LUẬT QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN. Cuốn này gồm ba tài liệu căn bản về luật nhân quyền do Liên Hiệp Quốc ấn hành:

    1. Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, ban hành năm 1948.

    2. Công Ước Quốc Tế về những quyền Dân Sự và Chính Trị, năm 1966.

    3. Công Ước Quốc Tế về những quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa, năm 1966.

Các bản văn này vốn viết bằng tiếng Anh, đã được luật sư Nguyễn Hữu Thống dịch ra tiếng Việt. Luật sư Thống cũng sọan thảo lời diễn giải để làm sáng tỏ ý nghĩa của nguyên bản được viết bằng tiếng chuyên môn của ngành luật quốc tế.

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam là một tập hợp của nhiều cá nhân và tổ chức trên thế giới tranh đấu cho nhân quyền tại Việt Nam. Mạng Lưới được hình thành từ tháng 11 năm 1997, và đây là cuốn sách đầu tiên được xuất bản và giới thiệu với đồng bào.
Chúng ta đã nghe nói nhiều về Nhân Quyền. Vậy Nhân Quyền là gì?

Nhân Quyền là những quyền tự do và những quyền căn bản khác của con người. Như quyền tự do tư tưởng, tự do phát biểu, tự do đi lại và cư trú, tự do hội họp và lập hội, quyền sở hữu, quyền tham gia chính quyền, quyền được hưởng giáo dục miễn phí, v.v...
Nhân Quyền không phải do ai ban phát mà có. Nhân Quyền là những quyền mà mọi người sinh ra đã có và đều có. Không ai có quyền tước đoạt nhân quyền của chúng ta.

Hầu hết các nước trên thế giới, kể cả Việt Nam, khi gia nhập Liên Hiệp Quốc đều chấp nhận hoặc ký kết các bản luật nhân quyền nói trên. Các nhà cầm quyền có trách nhiệm tôn trọng và tuân hành các luật quốc tế đó. Họ không thể viện bất cứ lý do gì để không thi hành các luật nhân quyền, ngoại trừ một số rất ít những trường hợp đã được qui định rõ trong luật.

Người dân chúng ta cần tìm hiểu Nhân Quyền để biết rõ mình có những quyền gì và quyền đó có được tôn trọng không. Nếu nhà cầm quyền vi phạm hay không thi hành đúng luật nhân quyền, thì chúng ta phải đòi cho bằng được. Đây phải là một cuộc đấu tranh lâu bền, không ngừng nghỉ.

Tuy sinh ra chúng ta đã có nhân quyền, nhưng khi quyền đó bị tước đoạt chúng ta không thể ngồi yên "há miệng chờ sung". Dân các nước thực sự dân chủ trên thế giới, như Mỹ, Anh, Pháp,...có được nhân quyền và dân chủ là do họ đã tranh đấu liên tục từ hơn 200 năm nay. Cho tới giờ phút này họ vẫn luôn luôn cảnh giác và sẵn sàng đấu tranh tiếp mỗi khi thấy nhân quyền bị vi phạm. Hầu hết dân chúng trên thế giới đã theo gương các dân tộc nói trên và đã đạt được nhiều thành quả tốt đẹp. Chúng ta hãy chứng tỏ là dân Việt Nam không chịu thua kém.

Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam sẽ tích cực yểm trợ đồng bào trong cuộc tranh đấu trường kỳ đòi nhân quyền, và tin tưởng là chúng ta sẽ thắng lợi.
Ủy Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam xin chân thành cảm tạ tất cả quí vị đã nhiệt thành góp sức trong việc soạn thảo và ấn hành cuốn sách này. Đặc biệt là:

  • Luật sư Nguyễn Hữu Thống đã dịch các bản luật và soạn phần dẫn giải.

  • Bạn Nguyễn Từ Thức đã giúp đánh máy và trình bày.

  • Ông Nguyễn Ngọc Quỳnh và Tiểu Ban Nghiên Cứu đã đọc bản thảo và góp ý.

  • Ông Bùi Quang Lâm đã giúp phần ấn loát.

Mong rằng cuốn sách này, cũng như những tài liệu sắp được xuất bản, sẽ đem lại nhiều ích lợi cho đồng bào trong việc tìm hiểu về Nhân Quyền. Chúng tôi sẵn sàng cố gắng giải đáp các thắc mắc của đồng bào về luật nhân quyền.

Quyết tâm của đồng bào trong việc tìm hiểu và đấu tranh đòi nhân quyền là bảo đảm chắc chắn nhất để đạt được và giữ vững nền dân chủ cho nước Việt chúng ta.

Tháng 4 năm 1998
Ủy Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam



LUẬT QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN
LỜI NÓI ĐẦU

Cách đây 50 năm, năm 1948 tại Paris, Liên Hiệp Quốc đã công bố Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Sở dĩ Liên Hiệp Quốc chọn Paris là vì, cũng tại nơi này năm 1789, Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền Pháp đã được phổ biến. Đây là bản tuyên dương những quyền con người xuất phát từ giá trị nội tại của con người và những quyền công dân được thừa nhận do tư cách công dân.

Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền nhắc lại lời cảnh giác của các nhà Cách Mạng Dân Quyền Pháp theo đó "sự khinh miệt, phủ nhận hay lãng quên nhân quyền là nguyên nhân duy nhất đem lại đại bất hạnh cho dân chúng và sa đọa cho chính quyền."

Vậy mà con người lúc vô sự thường hay vô tâm. Phải đợi đến khi hai cuộc thế chiến bùng nổ gieo đau thương tang tóc cho hàng chục triệu con người, lúc ấy nhân loại mới tỉnh ngộ và nhớ lại lời cảnh giác xưa. Ngoài ra, giữa hai cuộc thế chiến và ngay cả trong thời chiến tranh, nhân loại còn chứng kiến những cuộc tàn sát dã man, với 20 triệu nạn nhân tại Liên Bang Xô Viết và 6 triệu nạn nhân tại Đức Quốc Xã. Những nạn nhân này không phải là kẻ thù của dân tộc trong cuộc chiến, mà chỉ là những lương dân vô tội.

Dư luận quốc tế vô cùng xúc động và phẫn nộ về những hành động diệt chủng này. Vậy mà nhân loại văn minh đã không lên tiếng tố cáo hay phản kháng. Họ sợ mang tiếng vi phạm chủ quyền quốc gia, vi phạm quyền dân tộc tự quyết bằng cách can thiệp vào nội bộ của các quốc gia khác.

Sau khi chiến tranh kết thúc, nhân loại mới ý thức rằng quyền dân tộc tự quyết đã bị lạm dụng. Trên nguyên tắc, dân tộc tự quyết không phải là quyền của quốc gia, mà là quyền của người dân. Chiếu dân tộc tự quyết, người dân được tự do lựa chọn chế độ chính trị hay kinh tế và tự do lựa chọn chính quyền để thực thi chế độ.

Chiếu nguyên tắc Quân Bình giữa Quyền Lợi và Nghiã Vụ, quốc gia và công dân cùng có nghiã vụ hỗ tương. Người dân có nghiã vụ phải bảo vệ, nuôi dưỡng quốc gia, phải đóng thuế, phải thi hành nghiã vụ quân sự để giữ gìn bờ cõi quốc gia. Để đáp lại những hy sinh về tài sản và sinh mạng của người dân, quốc gia cũng có nghiã vụ phải bảo vệ và tôn trọng quyền của người dân, như quyền được sống, được tự do và mưu cầu hạnh phúc.
Sau hai trận thế chiến, nhân loại ý thức rằng việc thừa nhận nhân quyền của con người là điều kiện thiết yếu để duy trì hoà bình thế giới, tránh một trận thế chiến thứ ba (chiến tranh nguyên tử) toàn diện và toàn diệt.

Mùa Xuân năm 1945, 50 quốc gia đã họp Hội Nghị San Francisco để thành lập Liên Hiệp Quốc. Nhằm mục đích duy trì hoà bình cho các quốc gia và thực thi nhân quyền cho con người, Liên Hiệp Quốc đề ra 3 phương châm hành động:

    1. Không phân biệt kẻ thắng người bại, Liên Hiệp Quốc chủ trương hoà giải và hữu nghị giữa các dân tộc.

    2. Không đòi hỏi trả thù và bồi thường chiến tranh, Liên Hiệp Quốc khuyến khích sự hợp tác bình đẳng giữa các quốc gia.

    3. Không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ, hay tôn giáo, Liên Hiệp Quốc yêu cầu các quốc gia hội viên phải tôn trọng và thực thi nhân quyền cho tất cả mọi người.

Các đại biểu của 50 quốc gia hội viên sáng lập Liên Hiệp Quốc ý thức rằng mỗi con người là một công dân của quốc gia mình, đồng thời là công dân của thế giới; rằng chỉ có thể hoà bình thế giới nếu quyền của con người được tôn trọng; rằng nhân quyền cũng chỉ có thể được thực thi nếu không còn chiến tranh và bóng dáng de doạ của chiến tranh.

Do đó họ đồng tình ký tên vào Hiến Chương Liên Hiệp Quốc như một hiệp ước quốc tế, và long trọng cam kết sẽ phối hợp với Liên Hiệp Quốc để thực thi hai mục tiêu căn bản sau đây:

    1. Hợp tác quốc tế để giải quyết mọi mâu thuẫn và tranh chấp trong vòng hoà bình.

    2. Đề xướng và tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản của con người.

Khi ký tên vào Hiến Chương, cũng như khi gia nhập Liên Hiệp Quốc, các quốc gia hội viên minh thị xác nhận rằng nhân quyền từ nay không còn đơn thuần là việc nội bộ của các quốc gia mà là một vấn đề quốc tế.

Đây là lần đầu tiên trong lịch sử loài người, các quốc gia có nghiã vụ đối với người dân, phải tôn trọng, bảo vệ và thực thi nhân quyền và những quyền tự do căn bản của con người.

Những quyền này đã được liệt kê và diễn giải bởi Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ban hành năm 1948, và hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền ký kết năm 1966.

Từ đó nhân loại văn minh có luật Quốc Tế Nhân Quyền. Chúng ta kỳ vọng rằng trong thế kỷ tới đây, chiến tranh thế giới sẽ được thay thế bởi Luật Pháp Thế Giới.
Theo bác sĩ Linus Pauling, người đoạt hai giải Nobel về Hoá Học và Hoà Bình "chúng ta đang có cơ may sống trong một kỷ nguyên kỳ diệu, ranh giới của hai thiên niên kỷ, thiên kỷ trước với chinh chiến đau thương và thiên kỷ tới của hoà bình, an lạc, công lý và đạo lý."

Luật sư Nguyễn Hữu Thống
Mùa Xuân 1998
(Kỷ niệm 50 năm ban hành Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền)


TUYÊN NGÔN QUỐC TẾ NHÂN QUYỀN (1948)
LỜI MỞ ĐẦU

Xét rằng việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền tảng của tự do, công lý và hoà bình thế giới,

Xét rằng việc coi thường và khinh miệt nhân quyền đã đưa tới những hành động dã man làm phẫn nộ lương tâm nhân loại, và việc đạt tới một thế giới trong đó mọi người được tự do ngôn luận và tự do tín ngưỡng, đượïc giải thoát khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, được tuyên xưng là nguyện vọng cao cả nhất của con người,

Xét rằng điều cốt yếu là nhân quyền phải được một chế độ pháp trị bảo vệ để con người khỏi bị dồn vào thế cùng, phải nổi dậy chống áp bức và bạo quyền,

Xét rằng điều cốt yếu là phải phát triển những tương quan hữu nghị giữa các quốc gia,

Xét rằng, trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, các dân tộc đã tái xác nhận niềm tin vào những nhân quyền căn bản, vào phẩm cách và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng nam nữ, cùng quyết tâm thúc đẩy tiến bộ xã hội và nâng cao mức sống trong một môi trường tự do hơn,

Xét rằng các quốc gia hội viên đã cam kết hợp tác với Liên Hiệp Quốc để phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản,

Xét rằng một quan niệm chung về tự do và nhân quyền là điều tối quan trọng để thực hiện trọn vẹn cam kết ấy.

Vì vậy,

ĐẠI HỘI ĐỒNG LIÊN HIỆP QUỐC

Công bố bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền này như một tiêu chuẩn thực hiện chung cho tất cả các dân tộc và quốc gia, sao cho mỗi cá nhân và đoàn thể xã hội luôn nhớ tới bản tuyên ngôn này, nỗ lực phát huy sự tôn trọng các quyền tự do này bằng học vấn và giáo dục, và bằng những biện pháp lũy tiến trên bình diện quốc gia và quốc tế, bảo đảm sự thừa nhận và thực thi trên toàn cầu các quyền tự do này cho các dân tộc thuộc các quốc gia hội viên hay thuộc các lãnh thỗ bị giám hộ.

    Điều 1: Mọi người sinh ra tự do và bình đẳng về phẩm cách và quyền lợi, có lý trí và lương tri, và phải đối xử với nhau trong tình bác ái.

    Điều 2: Ai cũng được hưởng những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này không phân biệt đối xử vì bất cứ lý do nào, như chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc dân tộc hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.

    Ngoài ra không được phân biệt về quy chế chính trị, pháp lý hay quốc tế của quốc gia hay lãnh thổ mà người đó trực thuộc, dù là nước độc lập, bị giám hộ, mất chủ quyền hay bị hạn chế chủ quyền.

    Điều 3: Ai cũng có quyền được sống, tự do, và an toàn thân thể.

    Điều 4: Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch; chế độ nô lệ và sự mua bán nô lệ dưới mọi hình thức đều bị cấm chỉ

    Điều 5: Không ai có thể bị tra tấn hay bị những hình phạt hoặc những đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp nhân phẩm.

    Điều 6: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.

    Điều 7: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Mọi người đều được bảo vệ chống lại mọi kỳ thị hay xúi giục kỳ thị trái với Tuyên Ngôn này.

    Điều 8: Ai cũng có quyền yêu cầu tòa án quốc gia có thẩm quyền can thiệp chống lại những hành động vi phạm những quyền căn bản được hiến pháp và luật pháp thừa nhận.

    Điều 9: Không ai có thể bị bắt giữ, giam cầm hay lưu đầy một cách độc đoán.

    Điều 10: Ai cũng có quyền, trên căn bản hoàn toàn bình đẳng, được một toà án độc lập và vô tư xét xử một cách công khai và công bằng để phán xử về những quyền lợi và nghiã vụ của mình, hay về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc.

    Điều 11:

    1) Bị cáo về một tội hình sự được suy đoán là vô tội cho đến khi có đủ bằng chứng phạm pháp trong một phiên xử công khai với đầy đủ bảo đảm cần thiết cho quyền biện hộ.

    2) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế hiện hành; mà cũng không bị tuyên phạt một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp.

    Điều 12: Không ai có thể bị xâm phạm một cách độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hay bị xúc phạm đến danh dự hay thanh danh. Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.

    Điều 13:

    1) Ai cũng có quyền tự do đi lại và cư trú trong quản hạt quốc gia.

    2) Ai cũng có quyền rời khỏi bất cứ quốc gia nào, kể cả quốc gia của mình, và có quyền hồi hương.

    Điều 14:

    1) Khi bị đàn áp, ai cũng có quyền tìm nơi tị nạn và được hưởng quyền tị nạn tại các quốc gia khác.

    2) Quyền này không được viện dẫn trong trường hợp sự truy tố thực sự chỉ căn cứ vào những tội trạng không có tính cách chính trị hay vào những hành động trái với mục đích và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.

    Điều 15:

    1) Ai cũng có quyền có quốc tịch.

    2) Không ai có thể bị tước quốc tịch hay tước quyền thay đổi quốc tịch một cách độc đoán.

    Điều 16:

    1) Đến tuổi thành hôn, thanh niên nam nữ có quyền kết hôn và lập gia đình mà không bị ngăn cấm vì lý do chủng tộc, quốc tịch hay tôn giáo. Họ có quyền bình đẳng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú cũng như khi ly hôn.

    2) Hôn thú chỉ có giá trị nếu có sự thuận tình hoàn toàn tự do của những người kết hôn.

    3) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội, và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.

    Điều 17:

    1) Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng tư hoặc hùn hiệp với người khác.

    2) Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán.

    Điều 18: Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo; quyền này bao gồm cả quyền tự do thay đổi tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự giảng dạy, hành đạo, thờ phụng và nghi lễ, hoặc riêng mình hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.

    Điều 19: Ai cũng có quyền tự do quan niệm và tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền không bị ai can thiệp vì những quan niệm của mình, và quyền tìm kiếm, tiếp nhận cùng phổ biến tin tức và ý kiến bằng mọi phương tiện truyền thông không kể biên giới quốc gia.

    Điều 20:

    1) Ai cũng có quyền tự do hội họp và lập hội có tính cách hoà bình.

    2) Không ai bị bắt buộc phải gia nhập một hội đoàn.

    Điều 21:

    1) Ai cũng có quyền tham gia chính quyền của quốc gia mình, hoặc trực tiếp hoặc qua các đại biểu do mình tự do lựa chọn.

    2) Ai cũng có quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.

    3) Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia; ý nguyện này phải được biểu lộ qua những cuộc tuyển cử có định kỳ và trung thực, theo phương thức phổ thông đầu phiếu kín, hay theo các thủ tục tuyển cử tự do tương tự.

    Điều 22: Với tư cách là một thành viên của xã hội, ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội, cũng như có quyền đòi được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá cần thiết cho nhân phẩm và sự tự do phát huy cá tính của mình, nhờ những nỗ lực quốc gia, sự hợp tác quốc tế, và theo cách tổ chức cùng tài nguyên của quốc gia.

    Điều 23:

    1) Ai cũng có quyền được làm việc, được tự do lựa chọn việc làm, được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi và được bảo vệ chống thất nghiệp.

    2) Cùng làm việc ngang nhau, mọi người được trả lương ngang nhau, không phân biệt đối xử.

    3) Người làm việc được trả lương tương xứng và công bằng, đủ để bảo đảm cho bản thân và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu cần, sẽ được bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.

    4) Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

    Điều 24: Ai cũng có quyền nghỉ ngơi và giải trí, được hưởng sự hạn định hợp lý số giờ làm việc và những ngày nghĩ định kỳ có trả lương.

    Điều 25:

    1) Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan về phương diện sức khỏe và an lạc cho bản thân và gia đình kể cả thức ăn, quần áo, nhà ở, y tế và những dịch vụ cần thiết; ai cũng có quyền được hưởng an sinh xã hội trong trường hợp thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, góa bụa, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn.

    2) Sản phụ và trẻ em được đặc biệt săn sóc và giúp đỡ. Tất cả các con, dầu là chính thức hay ngoại hôn, đều được hưởng bảo trợ xã hội như nhau.

    Điều 26:

    1) Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải được miễn phí ít nhất ở cấp sơ đẳng và căn bản. Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách. Giáo dục kỹ thuật và chuyên nghiệp phải được phổ cập. Giáo dục cao đẳng phải được phổ cập cho mọi sinh viên trên căn bản bình đẳng, lấy thành tích làm tiêu chuẩn.

    2) Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; phải đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ những hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.

    3) Cha mẹ có quyền ưu tiên lựa chọn giáo dục cho các con.

    Điều 27:

    1) Ai cũng có quyền tự do tham gia vào đời sống văn hoá của cộng đồng, thưởng ngoạn nghệ thuật, được hưởng các tiến bộ khoa học và lợi ích của những tiến bộ ấy.

    2) Ai cũng được bảo vệ bởi những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.

    Điều 28: Ai cũng có quyền được hưởng một trật tự xã hội và trật tự quốc tế trong đó những quyền tự do ghi trong bản Tuyên Ngôn này có thể được thực hiện đầy đủ.

    Điều 29:

    1) Ai cũng có nghiã vụ đối với cộng đồng trong đó nhân cách của mình có thể được phát triển một cách tự do và đầy đủ.

    2) Trong khi hành xử những quyền tự do của mình, ai cũng phải chịu những giới hạn do luật pháp đặt ra ngõ hầu những quyền tự do của người khác cũng được thừa nhận và tôn trọng, những đòi hỏi chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng và an lạc chung trong một xã hội dân chủ cũng được thỏa mãn.

    3) Trong mọi trường hợp, những quyền tự do này không thể hành xử trái với những mục tiêu và tôn chỉ của Liên Hiệp Quốc.

    Điều 30: Không một điều khoản nào trong Tuyên Ngôn này có thể giải thích để cho phép một quốc gia, một đoàn thể, hay một cá nhân nào được quyền hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu hủy những quyền tự do liệt kê trong Tuyên Ngôn này.

(Phỏng theo bản dịch của Trung Tâm Việt Nam Về Nhân Quyền với sự tu chính của Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Nhân Quyền.)



CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ
VỀ NHỮNG QUYỀN DÂN SỰ VÀ CHÍNH TRỊ
(1966)
lời mở đầu

Các Quốc Gia Hội Viên ký kết Công Ước này:

Xét rằng, chiếu theo những nguyên tắc công bố trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền móng của tự do, công lý và hoà bình thế giới.

Nhìn nhận rằng những quyền này xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh của con người.

Nhìn nhận rằng, chiếu theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, lý tưởng về một con người tự do được hành xử những quyền dân sự và chính trị cũng như được giải phóng khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, chỉ có thể đạt được nếu hội đủ những điều kiện thuận tiện để con người được hưởng những quyền dân sự và chính trị cũng như những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá.

Xét rằng nghiã vụ của các quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do của con người.

Nhận định rằng con người có nghiã vụ đối với những người khác cũng như đối với cộng đồng, nên có trách nhiệm phải phát huy và tôn trọng những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này.

Đồng chấp thuận những điều khoản sau đây:

PHẦN I

    Điều 1:

    1) Các dân tộc đều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.

    2) Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghiã vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của nghiệp đoàn không thể bị tước đoạt.

    3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

PHẦN II

Điều 2:

1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng và bảo đảm thực thi những quyền được nhìn nhận trong Công Ước cho tất cả mọi người sống trong lãnh thổ và thuộc thẩm quyền quốc gia, không phân biệt chủng tộc, màu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.

2) Trong trường hợp những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này chưa được quy định thành văn trong luật pháp quốc gia, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước cam kết sẽ ban hành các đạo luật theo thủ tục luật pháp quốc gia và theo các điều khoản của Công Ước để các quyền này có hiệu lực.

3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết:

a) Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được đền bù hay đòi bồi thường thỏa đáng khi những quyền tự do của họ bị vi phạm, dầu rằng người vi phạm là một viên chức chính quyền.

b) Bảo đảm cho các nạn nhân quyền được khiếu nại tại các cơ quan tư pháp, hành chánh hay lập pháp quốc gia, hay tại các cơ quan có thẩm quyền và phát triển quyền khiếu tố trước toà án.

c) Bảo đảm các cơ quan thẩm quyền phải thi hành nghiêm chỉnh những sự đền bù hay bồi thường đã tuyên

Điều 3: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong việc hành xử những quyền dân sự và chính trị ghi trong Công Ước.

Điều 4:

1) Trong khi tuyên bố tình trạng khẩn trương công cộng vì lý do quốc gia bị đe doạ, Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này có thể ban hành một số biện pháp đình chỉ thi hành các nghiã vụ của quốc gia ấn định trong Công Ước này. Tuy nhiên những biện pháp này phải có tính cách thật cần thiết vì nhu cầu của tình thế, và không vi phạm các nghiã vụ của quốc gia phát sinh từ luật pháp quốc tế, và cũng không được dùng để kỳ thị chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo hay nguồn gốc xã hội.

2) Trong mọi trường hợp những quyền dân sự và chính trị ghi trong các điều 6, 7, 8 (khoản 1 và 2), và trong các điều 11, 15, 16, 18 của Công Ước không thể bị đình chỉ thi hành.

3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này phải lập tức thông báo qua vị Tổng Thư Ký Liên Hiệp Quốc cho các quốc gia hội viên kết ước khác hay biết những điều khoản nào trong Công Ước đã bị đình chỉ thi hành, và vì lý do gì. Ngay sau khi chấm dứt tình trạng khẩn trương công cộng, họ cũng phải thông báo theo thủ tục nói trên.

Điều 5:

1) Không một quốc gia, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền giải thích các điều khoản trong Công Ước này để cho phép họ hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu diệt những quyền tự do đã được Công Ước thừa nhận, hoặc để giới hạn những quyền tự do này quá mức ấn định trong Công Ước.

2) Các quốc gia hội viên kết ước nào đã thừa nhận một số nhân quyền căn bản trong luật pháp quốc gia, công ước, quy chế hay tục lệ, sẽ không được quyền giới hạn hay đình chỉ thi hành các nhân quyền căn bản đó, viện cớ rằng Công Ước này không thừa nhận những nhân quyền đó, hay chỉ thừa nhận trong một phạm vi hạn hẹp hơn.

PHẦN III

    Điều 6:

    1) Mọi người đều có quyền sống. Đây là một quyền bẩm sinh được luật pháp bảo vệ. Không ai có thể bị tước đoạt quyền sống một cách độc đoán.

    2) Trong các quốc gia chưa bãi bỏ hình phạt tử hình, toà án chỉ được tuyên án tử hình đối với những tội hình sự nghiêm trong nhất chiếu theo luật pháp áp dụng trong thời gian phạm pháp và không trái với những điều khoản của Công Ước này và của Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng. Hình phạt tử hình chỉ có thể được thi hành chiếu theo một bản án chung thẩm của một tòa án có thẩm quyền.

    3) Điều luật này không cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này được giải trừ các nghĩa vụ ghi trong Công Ước Ngăn Ngừa và Trừng Phạt Tội Diệt Chủng trong trường hợp sự hành quyết hay sát nhân cấu thành tội diệt chủng.

    4) Các bị cáo bị tuyên án tử hình có quyền xin ân xá hay ân giảm hình phạt. Lệnh đại xá, ân xá hay ân giảm hình phạt có thể được ban hành trong mọi trường hợp.

    5) Án tử hình không được tuyên đối với các bị cáo chưa đủ 18 tuổi khi phạm pháp, và cũng không được thi hành đối với các phụ nữ mang thai.

    6) Điều luật này không thể được viện dẫn để trì hoãn hay ngăn cản việc bãi bỏ hình phạt tử hình tại các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này.

    Điều 7: Không ai có thể bị tra tấn, hoặc phải chịu những hình phạt hay đối xử tàn ác, vô nhân đạo, làm hạ thấp phẩm giá con người. Đặc biệt là, nếu không có sự ưng thuận tự do của đương sự, không ai có thể bị dùng vào những cuộc thí nghiệm y học hay khoa học.

    Điều 8:

    1) Không ai có thể bị bắt làm nô lệ; chế độ nô lệ và mọi hình thức buôn bán nô lệ đều bị cấm chỉ.

    2) Không ai có thể bị bắt làm nô dịch.

    3)

    a) Không ai có thể bị cưỡng bách lao động.

    b) Khoản 3 (a) nói trên không được áp dụng tại các quốc gia trong đó luật pháp cho phép toà án có thẩm quyền tuyên án tù khổ sai.

    c) Trong phạm vi khoản này, không được coi là "lao động cưỡng bách":

    i) Ngoài trường hợp nêu ở khoản (b) trên đây, những công tác hay dịch vụ mà các tù nhân phải làm trong thời gian bị giam giữ chiếu theo một bản án hợp pháp của toà án, hay phải làm trong thời gian được phóng thích có điều kiện.

    ii) Nghiã vụ quân sự, hay nghiã vụ quốc gia áp dụng cho những người được luật pháp cho miễn thi hành nghiã vụ quân sự vì lý do lương tâm.

    iii) Nghiã vụ cộng đồng trong trường hợp khẩn trương hay thiên tai đe doạ đời sống hay sự an lạc của cộng đồng.

    iv) Những nghiã vụ dân sự thông thường.

    Điều 9:

    1) Ai cũng có quyền tự do thân thể và an ninh thân thể. Không ai có thể bị bắt giữ hay giam cầm độc đoán. Không ai có thể bị tước đoạt tự do thân thể ngoại trừ những trường hợp và theo những thủ tục luật định.

    2) Khi bị bắt giữ, bị cáo phải được tức thì thông báo về lý do bắt giữ, và phải được thông báo không chậm trễ về tội trạng bị cáo buộc.

    3) Bị cáo bị bắt giữ hay giam cầm về một tội hình sự phải được dẫn giải không chậm trễ tới một vị thẩm phán (hay một viên chức có thẩm quyền tư pháp theo luật), để được xét xử trong một thời hạn hợp lý hay được phóng thích. Theo thông lệ, không nhất thiết phải câu lưu bị cáo trước ngày toà xử. Tuy nhiên để bảo đảm sự hiện diện của bị cáo trong phiên xử hay trong các giai đoạn thẩm vấn, và để thi hành bản án, nếu cần, sự phóng thích tạm bị cáo đòi hỏi phải có bảo đảm.

    4) Những người bị bắt giữ hay giam cầm đều có quyền yêu cầu toà án thụ lý không chậm trễ về tính hợp pháp của sự giam giữ, và phải được phóng thích nếu sự giam giữ được xét là bất hợp pháp.

    5) Các nạn nhân trong những vụ bắt giữ hay giam cầm bất hợp pháp có quyền khiếu tố đòi bồi thường thiệt hại.

    Điều 10:

    1) Những người mất tự do vẫn phải được đối xử nhân đạo và tôn trọng nhân phẩm.

    2)

    a) Ngoại trừ những trường hợp đặc biệt, các bị cáo chưa được xét xử phải được giam giữ cách biệt với những người đã can án, và phải được đối xử theo quy chế của những người không can án.

    b) Các bị cáo thiếu nhi phải được giam giữ cách biệt với người lớn và phải được xét xử trong thời hạn sớm nhất.

    c) Chế độ lao tù phải đặt trọng tâm vào việc cải huấn tù nhân, tạo cho họ cơ hội cải hoá và hội nhập vào đời sống xã hội. Các thiếu nhi phạm pháp phải được giam giữ cách biệt với người lớn, và phải được đối xử tuỳ theo tuổi tác và tình trạng pháp lý của chúng.

    Điều 11: Không ai có thể bị giam giữ chỉ vì không có khả năng thi hành một nghiã vụ khế ước.

    Điều 12:

    1) Những người cư trú hợp pháp trong lãnh thổ một quốc gia đều có quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong lãnh thổ.

    2) Mọi người đều được quyền tự do rời khỏi một quốc gia, kể cả quốc gia của mình.

    3) Những quyền tự do ghi trên không thể bị giới hạn, ngoại trừ những trường hợp luật định vì nhu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khoẻ công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác, và nếu không trái với những quyền tự do khác được thừa nhận trong Công Ước này.

    4) Không ai có thể bị tước đoạt quyền hồi hương một cách độc đoán.

    Điều 13: Ngoại kiều cư trú hợp pháp trong lãnh thổ các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này chỉ có thể bị trục xuất do một quyết định hợp pháp. Trừ trường hợp có lý do cưỡng thúc về an ninh quốc gia, người bị trục xuất có quyền trình bày lý do để chống lại quyết định trục xuất, và có quyền nhờ người biện hộ nạp đơn xin tái xét hồ sơ trục xuất tại các cơ quan hay người đại diện cơ quan có thẩm quyền.

    Điều 14:

    1) Mọi người đều bình đẳng trước toà án. Mọi người đều có quyền được xét xử công bằng và công khai bởi một toà án độc lập, vô tư và có thẩm quyền theo luật, để phán xử về những tội trạng hình sự mà mình bị cáo buộc hay về những quyền lợi và nghiã vụ của mình trong các vụ tranh tụng khác. Báo chí và công chúng có thể không được tham dự một phần hay toàn thể phiên xử, vì nhu cầu đạo lý, trật tự công cộng hay an ninh quốc gia trong một xã hội dân chủ, hay để bảo vệ đời sống riêng tư của các đương sự tranh tụng, hay, trong những trường hợp thật cần thiết, khi toà án quyết định rằng xét xử công khai sẽ làm thiệt hại quyền lợi của công lý. Tuy nhiên các bản án hình sự và các bản án khác phải được tuyên đọc công khai trước toà, ngoại trừ trường hợp để bảo vệ quyền lợi của thiếu nhi hay của gia đình trong những vụ tranh tụng về hôn nhân hay về việc giám hộ các con.

    2) Bị cáo về các tội hình sự có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật.

    3) Trong các vụ hình sự, tất cả các bị cáo đều được hưởng đồng đều những bảo đảm tối thiểu sau đây:

    a) Được tức thì thông báo tội trạng với đầy đủ chi tiết bằng ngôn ngữ mà họ thông hiểu.

    b) Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị sự biện hộ và được quyền liên lạc với luật sư do mình lựa chọn.

    c) Được xét xử mau chóng, không diên trì quá đáng.

    d) Được hiện diện trong phiên xử để tự biện hộ hay nhờ luật sư biện hộ do mình lựa chọn; được thông báo về quyền này trong trường hợp tự biện hộ; và được quyền có luật sư biện hộ miễn phí vì nhu cầu công lý nếu bị cáo không có phương tiện mướn luật sư.

    e) Được đối chất với các nhân chứng buộc tội và được quyền đòi nhân chứng và chất vấn các nhân chứng gỡ tội cho mình, theo cùng một thủ tục.

    f) Được quyền có thông dịch viên miễn phí, nếu bị cáo không nói hay không hiểu ngôn ngữ của toà.

    g) Được quyền không khai, để khỏi phải tự buộc tội mình, hay khỏi phải thú nhận tội trạng.

    4) Trong các vụ án thiếu nhi, thủ tục xét xử phải căn cứ vào tuổi tác của bị cáo và hướng về mục tiêu cải huấn can phạm.

    5) Các bị cáo bị tuyên phạt có quyền kháng cáo lên toà trên theo thủ tục luật định.

    6) Trong trường hợp bị cáo bị tuyên hình phạt chung thẩm và sau này bản án bị tiêu huỷ hay đương sự được ân xá vì có sự kiện mới phát giác cho biết bị cáo đã bị phạt oan uổng, người bị kết án có quyền đòi bồi thường thiệt hại theo luật, trừ phi có bằng chứng cho biết, sở dĩ sự kiện mới này không được phát giác trong thời gian xử án, một phần hay hoàn toàn tại vì bị cáo.

    7) Không ai có thể bị tái thẩm hay bị tuyên phạt một lần nữa về một tội trạng đã được toà án phán xử chung thẩm bằng cách tuyên phạt hay tha bổng, chiếu theo luật pháp và thủ tục hình sự hiện hành.

    Điều 15:

    1) Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những điều mình đã làm hay không làm, nếu những điều ấy không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế áp dụng hồi đó; mà cũng không bị tuyên một hình phạt nặng hơn hình phạt được áp dụng trong thời gian phạm pháp. Tuy nhiên bị cáo được quyền hưởng hình phạt khoan hồng hơn chiếu theo luật mới ban hành sau ngày phạm pháp.

    2) Điều luật này không có tác dụng ngăn cản việc xét xử hay tuyên phạt một bị cáo vì đã làm hay không làm những hành vi cấu thành tội hình sự chiếu theo những nguyên tắc luật pháp tổng quát được thừa nhận bởi cộng đồng các quốc gia trong thời gian đương sự phạm pháp.

    Điều 16: Ai cũng có quyền được công nhận là con người trước pháp luật bất cứ tại đâu.

    Điều 17:

    1) Không ai có thể bị xâm phạm trái phép hay độc đoán vào đời tư, gia đình, nhà ở, thư tín, hoặc bị xúc phạm trái phép đến danh dự và thanh danh.

    2) Ai cũng có quyền được luật pháp bảo vệ chống lại những xâm phạm ấy.

    Điều 18:

    1) Ai cũng có quyền tự do tư tưởng, tự do lương tâm và tự do tôn giáo. Quyền này bao gồm quyền tự do theo một tôn giáo hay tín ngưỡng và quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng qua sự thờ phụng, hành đạo, nghi lễ hay giảng dạy, hoặc riêng tư hoặc với người khác, tại nơi công cộng hay tại nhà riêng.

    2) Không ai bị cưỡng bách tước đoạt quyền tự do lựa chọn tôn giáo hay tín ngưỡng.

    3) Quyền tự do biểu thị tôn giáo hay tín ngưỡng chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu bảo vệ an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay những quyền tự do căn bản của người khác.

    4) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền của cha mẹ hay người giám hộ trong việc giáo dục các con về tôn giáo hay đạo lý theo tín ngưỡng của họ.

    Điều 19:

    1) Mọi người đều có quyền giữ vững quan niệm mà không bị ai can thiệp.

    2) Mọi người đều có quyền tự do phát biểu quan điểm; quyền này bao gồm quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận, và phổ biến mọi tin tức và ý kiến bằng truyền khẩu, bút tự hay ấn phẩm, dưới hình thức nghệ thuật, hay bằng mọi phương tiện truyền thông khác, không kể biên giới quốc gia.

    3) Việc hành sử quyền tự do phát biểu quan điểm (ghi ở khoản 2 nói trên) đòi hỏi đương sự phải có những bổn phận và trách nhiệm đặc biệt. Quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi pháp luật vì nhu cầu:

    a) Tôn trọng những quyền tự do và thanh danh của người khác.

    b) Bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng hay đạo lý.

    Điều 20:

    1) Mọi hình thức tuyên truyền, cổ võ chiến tranh phải bị luật pháp cấm chỉ.

    2) Mọi hình thức gieo rắc căm hờn, xúi giục kỳ thị, hiềm khích, kích thích bạo động giữa các quốc gia, các chủng tộc hay các tôn giáo phải bị luật pháp cấm chỉ.

    Điều 21: Quyền hội họp có tính cách hoà bình phải được thừa nhận. Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác.

    Điều 22:

    1) Ai cũng có quyền tự do lập hội, kể cả quyền thành lập và gia nhập các nghiệp đoàn để bảo vệ quyền lợi của mình.

    2) Việc hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn bởi luật pháp, vì các nhu cầu cần thiết trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, an toàn công cộng, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý, hay những quyền tự do của người khác. Điều luật này không có tác dụng ngăn cấm việc ban hành các giới hạn luật định liên quan đến sự hành xử quyền tự do lập hội của các giới quân nhân và cảnh sát.

    3) Điều luật này không có hiệu lực cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước Lao Động Quốc Tế năm 1948 về Quyền Tự Do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Lập Hội, được ban hành hay áp dụng những đạo luật có tác dụng vi phạm những bảo đảm về những quyền tự do ghi trong Công Ước Lao Động Quốc Tế.

    Điều 23:

    1) Gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ.

    2) Thanh niên nam nữ đến tuổi thành hôn có quyền kết hôn và lập gia đình.

    3) Hôn thú chỉ được thành lập nếu có sự ưng thuận hoàn toàn tự do của những người kết hôn.

    4) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này phải ban hành những biện pháp để bảo đảm sự bình đẳng về quyền lợi và trách nhiệm của vợ chồng khi kết hôn, trong thời gian hôn thú, cũng như khi ly hôn. Trong trường hợp ly hôn phải quy định những biện pháp bảo vệ quyền lợi của các con.

    Điều 24:

    1) Không phân biệt chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản hay dòng dõi, các trẻ em, với tư cách vị thành niên, phải được gia đình, xã hội và quốc gia bảo vệ.

    2) Trẻ em phải được khai sinh ngay sau khi sinh, và được đặt tên họ.

    3) Trẻ em có quyền thủ đắc quốc tịch.

    Điều 25:

    1) Không bị kỳ thị (như đã quy định ở điều 2) và không bị giới hạn bất hợp lý, mọi công dân đều có quyền và có cơ hội:

    a) Được tham gia vào việc điều hành chính quyền, hoặc trực tiếp hoặc qua những đại biểu do mình tự do tuyển chọn.

    b) Được bầu cử và ứng cử trong những cuộc tuyển cử tự do và công bằng theo định kỳ, bằng phổ thông đầu phiếu kín, bảo đảm trung thực ý nguyện của cử tri.

    c) Được quyền bình đẳng tham gia công vụ trong nước.

    Điều 26: Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, và được pháp luật bảo vệ bình đẳng không kỳ thị. Trên phương diện này, luật pháp cấm mọi kỳ thị và bảo đảm cho tất cả mọi người quyền được bảo vệ một cách bình đẳng và hữu hiệu chống mọi kỳ thị về chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào.

    Điều 27: Đối với các cộng đồng thiểu số về chủng tộc, tôn giáo, hay ngôn ngữ tại các quốc gia hội viên, Công Ước này bảo đảm cho các thành phần thiểu số cũng với những người khác trong cộng đồng của họ được quyền hưởng văn hoá riêng, được truyền giáo và hành đạo riêng, và được sử dụng ngôn ngữ riêng của họ.

(Với sự tu chính của Uỷ Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam)

CÔNG ƯỚC QUỐC TẾ
VỀ NHỮNG QUYỀN KINH TẾ,
XÃ HỘI VÀ VĂN HÓA

(1966)
lời mở đầu

Các Quốc Gia Hội Viên ký kết Công Ước này:

Xét rằng, chiếu theo những nguyên tắc công bố trong Hiến Chương Liên Hiệp Quốc, việc thừa nhận phẩm giá bẩm sinh và những quyền bình đẳng và bất khả chuyển nhượng của tất cả các phần tử trong đại gia đình nhân loại là nền móng của tự do, công lý và hoà bình thế giới.

Nhìn nhận rằng những quyền này xuất phát từ phẩm giá bẩm sinh của con người.

Nhìn nhận rằng, chiếu theo Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền, lý tưởng về một con người tự do được giải phóng khỏi sự sợ hãi và khốn cùng, chỉ có thể đạt được nếu hội đủ những điều kiện thuận tiện để con người được hưởng những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá, cũng như những quyền dân sự và chính trị.

Xét rằng nghiã vụ của các quốc gia hội viên theo Hiến Chương Liên Hiệp Quốc là phát huy sự tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do của con người.

Nhận định rằng con người có nghiã vụ đối với những người khác cũng như đối với cộng đồng, nên có trách nhiệm phải phát huy và tôn trọng những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này.

Đồng chấp thuận những điều khoản sau đây:

PHẦN I

Điều 1:

1) Các dân tộc đều có quyền tự quyết. Chiếu theo quyền này, họ được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá.

2) Để đạt được mục tiêu này, các dân tộc có quyền tự do sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên của mình, miễn là không vi phạm những nghiã vụ phát sinh từ sự hợp tác quốc tế về kinh tế, đặt căn bản trên quyền lợi hỗ tương và luật pháp quốc tế. Trong mọi trường hợp các phương tiện sinh sống của nghiệp đoàn không thể bị tước đoạt.

3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này, kể cả những quốc gia có trách nhiệm bảo hộ hay giám hộ các lãnh thổ khác, phải tôn trọng và xúc tiến việc thực thi quyền dân tộc tự quyết chiếu theo các điều khoản của Hiến Chương Liên Hiệp Quốc.

PHẦN II

Điều 2:

1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết, sẽ tự mình và do sự tương trợ và hợp tác quốc tế, đặc biệt về kinh tế và kỹ thuật, ban hành những biện pháp tận dụng những nguồn lợi quốc gia vào mục đích thực thi lũy tiến và đầy đủ những quyền được nhìn nhận trong Công Ước này bằng những phương pháp thích nghi, đặc biệt là bằng việc ban hành các đạo luật.

2) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm thực thi các quyền liệt kê trong Công Ước này không phân biệt chủng tộc, mầu da, nam nữ, ngôn ngữ, tôn giáo, chính kiến hay quan niệm, nguồn gốc quốc gia hay xã hội, tài sản, dòng dõi hay bất cứ thân trạng nào khác.

3) Trong chiều hướng tôn trọng nhân quyền và căn cứ vào khả năng kinh tế trong nước, các quốc gia đang phát triển có thể ấn định những quyền kinh tế nào trong Công Ước này sẽ được bảo đảm áp dụng cho những người không có tư cách công dân.

Điều 3: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm quyền bình đẳng nam nữ trong việc hành xử những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá liệt kê trong Công Ước này.

Điều 4: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng, về việc hành xử những quyền ghi trong Công Ước, họ chỉ có thể ấn định các giới hạn luật định phù hợp với bản chất của những quyền này và chỉ nhằm mục đích phát huy sự an lạc chung trong một xã hội dân chủ.

Điều 5:

1) Không một quốc gia, một phe nhóm hay một cá nhân nào có quyền giải thích các điều khoản trong Công Ước này để cho phép họ hoạt động hay làm những hành vi nhằm tiêu diệt những quyền tự do đã được Công Ước thừa nhận, hoặc để giới hạn những quyền tự do này quá mức ấn định trong Công Ước.

2) Các quốc gia nào đã thừa nhận một số nhân quyền căn bản trong luật pháp quốc gia, công ước, quy chế hay tục lệ, sẽ không được quyền giới hạn hay đình chỉ thi hành các nhân quyền căn bản đó, viện cớ rằng Công Ước này không thừa nhận những nhân quyền đó, hay chỉ thừa nhận trong một phạm vi hạn hẹp hơn.

PHẦN III

Điều 6:

1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền làm việc và cam kết sẽ ban hành những biện pháp để bảo đảm quyền này. Quyền làm việc bao gồm quyền co cơ hội sinh sống nhờ công việc, quyền tự do nhận việc hay lựa chọn việc làm.

2) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này sẽ ban hành những biện pháp để thực thi đầy đủ quyền làm việc, như những chương trình huấn luyện, hướng dẫn kỹ thuật và hướng nghiệp, những chính sách và kỹ thuật để phát triển đều đặn về kinh tế, xã hội và văn hoá, cùng sự toàn dụng nhân công vào việc sản xuất trong điều kiện những quyền tự do chính trị và kinh tế căn bản của con người được bảo đảm.

Điều 7: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận cho mọi người quyền được hưởng những điều kiện làm việc công bằng và thuận lợi, đặc biệt với những bảo đảm sau đây:

a) Về việc trả lương cho các công nhân, tối thiểu phải có:

i) Tiền lương tương xứng và công bằng cho các công việc có giá trị ngang nhau không phân biệt đối xử. Đặc biệt phụ nữ được bảo đảm có những điều kiện làm việc tương xứng như nam giới, làm việc ngang nhau được trả lương ngang nhau.

ii) Một mức sống xứng đáng cho bản thân và gia đình phù hợp với những điều khoản của Công Ước này.

b) Có điều kiện làm việc an toàn và không hại đến sức khoẻ.

c) Có cơ hội thăng tiến đồng đều cho mọi người và chỉ căn cứ vào thâm niên và khả năng.

d) Có quyền nghỉ ngơi và giải trí; được ấn định hợp lý số giờ làm việc, kể cả những ngày nghỉ định kỳ có trả lương và những ngày nghỉ lễ có trả lương.

Điều 8:

1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết bảo đảm:

a) Quyền tự do thành lập nghiệp đoàn và tham gia nghiệp đoàn (theo nội quy và điều lệ), để bảo vệ và gia tăng quyền lợi kinh tế và xã hội của mình. Sự hành xử quyền này chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vì nhu cầu sinh hoạt trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hay sự hành xử quyền tự do của người khác.

b) Quyền của các nghiệp đoàn được kết hợp thành các tổng liên đoàn quốc gia, và từ đó thành lập hay gia nhập các tổ chức tổng liên đoàn quốc tế.

c) Các nghiệp đoàn được quyền tự do hoạt động và chỉ có thể bị giới hạn theo luật, vi nhu cầu sinh hoạt trong một xã hội dân chủ để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, hay sự hành xử quyền tự do của những người khác.

d) Quyền đình công được hành xử theo luật quốc gia.

2) Điều luật này không có tác dụng ngăn cấm việc ban hành các giới hạn luật định liên quan đến sự hành xử những quyền này của các giới quân nhân, cảnh sát và công chức quốc gia.

3) Điều luật này không có hiệu lực cho phép các quốc gia hội viên ký kết Công Ước Lao Động Quốc Tế năm 1948 về Quyền Tự do Lập Hội và Bảo Vệ Quyền Lập Hội được ban hành những đạo luật có tác dụng vi phạm những bảo đảm ghi trong Công Ước Lao Động Quốc Tế.

Điều 9: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận quyền của mọi người được hưởng an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội.

Điều 10: Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng:

1) Vì gia đình là đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội nên phải được bảo vệ và hỗ trợ mạnh mẽ nhất, đặc biệt trong giai đoạn thành lập và trong khi thi hành nghiã vụ chăm sóc và giáo dục các trẻ em. Hôn thú được thành lập do sự ưng thuận tự do của những người kết hôn.

2) Xã hội phải đặc biệt giúp đỡ các sản phụ trong một thời gian hợp lý trước và sau khi sinh nở. Trong thời gian này, các bà mẹ đi làm được nghỉ phép có trả lương hay được hưởng trợ cấp an sinh xã hội cần thiết.

3) Quốc gia phải ban hành những biện pháp đặc biệt để bảo vệ và hỗ trợ các trẻ em và thiếu niên không phân biệt tình trạng phụ hệ hay bất cứ thân trạng nào khác. Trẻ em và thiếu niên phải được bảo vệ chống mọi hình thức bóc lột về kinh tế và xã hội. Các thiếu niên không được tuyển dụng vào các công việc nguy hiểm đến đời sống hay phương hại đến đạo lý, sức khỏe hay đến sự phát triển bình thường của tuổi trẻ. Vi phạm điều này phải bị truy tố theo luật. Quốc gia cũng phải ấn định số tuổi tối thiểu cho các thiếu niên làm việc lao động có trả lương. Tuyển dụng các thiếu niên dưới tuổi luật định phải bị cấm chỉ và truy tố theo luật.

Điều 11:

1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng một mức sống khả quan cho bản thân và gia đình, đủ cơm ăn, áo mặc và nhà ở. Mức sống này phải được nâng cao liên tục. Các quốc gia hội viên kết ước sẽ ban hành những biện pháp thích nghi để quyền này được thực hiện, ý thức rằng sự hợp tác quốc tế trên căn bản tự nguyện giữ vai trò thiết yếu trong việc này.

2) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền căn bản được giải thoát khỏi sự đói khổ, và cam kết sẽ ban hành những biện pháp do quốc gia và do sự hợp tác quốc tế, để thực hiện những chương trình đặc biệt cần thiết như:

a) Cải tiến những phương pháp sản xuất, tồn trữ và phân phối thực phẩm bằng cách tận dụng các kiến thức khoa học kỹ thuật, phổ biến các kiến thức về dinh dưỡng, phát triển hay canh tân nông nghiệp để đạt được năng suất tối đa về phát triển và sử dụng tài nguyên thiên nhiên.

b) Trên phạm vi toàn cầu, phải tiến tới sự phân phối công bằng và hợp lý các thực phẩm trên thế giới tùy theo khả năng của các quốc gia xuất cảng thực phẩm và nhu cầu của các quốc gia nhập cảng thực phẩm.

Điều 12:

1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng tiêu chuẩn cao nhất về sức khỏe thể chất và tâm thần.

2) Để quyền này được thực thi đầy đủ, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này sẽ ban hành những biện pháp cần thiết sau đây:

a) Giảm bớt tỷ lệ tử vong của thai nhi và hài nhi, bảo vệ sức khỏe và sự phát triển của trẻ em.

b) Cải thiện những điều kiện vệ sinh trong môi trường sinh thái và môi trường kỹ nghệ.

c) Ngăn ngừa, điều trị và kiểm soát các bệnh dịch, các bệnh đặc biệt tại một địa phương hay tại một loại nghề nghiệp, cũng như các bệnh khác.

d) Tạo điều kiện để bảo đảm việc cung cấp các dịch vụ y tế và chăm sóc bệnh nhân khi đau yếu.

Điều 13:

1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận cho mọi người quyền được hưởng giáo dục. Giáo dục phải nhằm phát huy đầy đủ nhân cách và nhân phẩm, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản; cho mọi người được thực sự tham gia sinh hoạt trong một xã hội tự do, đề cao sự thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc, chủng tộc hay tôn giáo, và yểm trợ các hoạt động của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình.

2) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này nhìn nhận rằng, đường hướng sau đây sẽ giúp vào việc thực hiện đầy đủ quyền giáo dục:

a) Giáo dục tiểu học phải có tính cách cưỡng bách và miễn phí cho tất cả mọi người.

b) Giáo dục trung học kể cả các ngành phổ thông, kỹ thuật và hướng nghiệp phải được phổ cập cho tất cả mọi người bằng những phương pháp thích nghi và đặc biệt phải tiến dần đến miễn phí.

c) Giáo dục đại học phải được phổ cập bình đẳng cho mọi sinh viên bằng những phương pháp thích nghi, căn cứ vào khả năng, và đặc biệt phải tiến dần đến miễn phí.
d) Giáo dục căn bản tráng niên được khuyến khích và tăng cường tối đa cho những người chưa tốt nghiệp tiểu học.

e) Hệ thống giáo dục các cấp phải được tích cực phát triển, hệ thống học bổng tu nghiệp phải được thiết lập và điều kiện vật chất của các nhân viên giảng huấn phải được cải thiện liên tục.

3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền tự do của phụ huynh học sinh hay người giám hộ, được lựa chọn trường cho con em ngoài hệ thống giáo dục công lập, nếu trường này hội đủ những tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu do quốc gia ấn định. Các phụ huynh hay người giám hộ cũng được quyền phụ trách về giáo dục tôn giáo và đạo lý cho con em theo tín ngưỡng của họ.

4) Điều luật này không có tác dung can thiệp vào quyền tự do của các cá nhân hay tổ chức trong việc thiết lập và điều hành các định chế giáo dục tư thục với điều kiện cùng theo đuổi những mục tiêu giáo dục nêu ở khoản 1 điều này, và nếu hội đủ tiêu chuẩn giáo dục tối thiểu do quốc gia ấn định.

Điều 14: Trong thời gian ký kết hay gia nhập Công Ước này, nếu các quốc gia hội viên nào chưa tổ chức được hệ thống tiểu học cưỡng bách và miễn phí trong quản hạt quốc gia (hay trong các lãnh thổ mà họ bảo hộ hay giám hộ), họ cam kết sẽ thiết lập trong vòng 2 năm một chương trình hành động với đầy đủ chi tiết để tuần tự ban hành trong một thời gian hợp lý có ghi rõ trong chương trình, một hệ thống giáo dục cưỡng bách và miễn phí cho tất cả các học sinh tiểu học.

Điều 15:

1) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này thừa nhận quyền của mọi người:

a) Được tham gia vào đời sống văn hoá;

b) Được hưởng các lợi ích của những tiến bộ và sáng chế khoa học.

c) Được bảo vệ những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những sản phẩm khoa học, văn học hay nghệ thuật của mình.

2) Để thực thi đầy đủ quyền này, các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết sẽ ban hành những biện pháp cần thiết trong việc bảo tồn, phát triển và phổ biến khoa học và văn hoá.

3) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này cam kết tôn trọng quyền tự do cần thiết cho việc nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn học nghệ thuật.

4) Các quốc gia hội viên ký kết Công Ước này ghi nhận những lợi ích trong việc khuyến khích và phát triển những liên lạc và hợp tác quốc tế trên lãnh vực khoa học và văn hoá.

(Với sự tu chính của Ủy Ban Phối Hợp Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam)


PHẦN DIỄN GIẢI

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948) (TNQTNQ) công nhận cho con người 26 nhân quyền căn bản. Công Ước Quốc Tế về những Quyền Dân Sự và Chính Trị (CUDSCT) và Công Ước Quốc Tế về những Quyền Kinh Tế, Xã Hội và Văn Hóa (1966) (CUKTXHVH) công nhận thêm quyền dân tộc tự quyết.

Năm 1960 Liên Hiệp Quốc ban hành Quyết Nghị yêu cầu các đế quốc (Anh Pháp) trao trả độc lập cho các quốc gia bị trị (Á Phi). Tại diễn đàn Liên Hiệp Quốc, tổng thống Pháp De Gaulle cam kết tôn trọng quyền tự quyết của dân tộc Algeria, và hai năm sau tổ chức trưng cầu dân ý để trả độc lập cho Algeria.

Điều 1 của hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền định nghiã dân tộc tự quyết là "quyền của các dân tộc được tự do quyết định về chế độ chính trị và tự do theo đuổi đường hướng phát triển kinh tế, xã hội và văn hoá."

Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền chia các nhân quyền thành 4 loại:

    1) Những quyền dân sự về bản thân con người hay Quyền Tự Do Thân Thể.

    2) Những quyền dân sự của con người trong đời sống xã hội hay Quyền An Cư.

    3) Những quyền kinh tế, xã hội và văn hoá giáo dục hay Quyền Lạc Nghiệp.

    4) Những quyền tự do tinh thần và tự do chính trị hay Quyền Tự Do Dân Chủ.

Khái quát mà xét, chúng ta có thể xếp nhân quyền thành 3 bậc:

    1) Nhân Quyền bậc 1 mệnh danh là Quyền Tự Do Thân Thể, gồm những quyền liên quan đến thân thể con người, như quyền sống, quyền tự do thân thể không bị nô lệ hay nô dịch, quyền an toàn thân thể không bị bắt giam trái phép, không bị tra tấn hành hạ, được xét xử công bằng nếu bị truy tố, được toà án và luật pháp bảo vệ và được công nhận là "Con Người" để được bình đẳng trước pháp luật.

    2) Nhân Quyền bậc 2 gồm có những quyền dân sự, kinh tế, xã hội và văn hoá giáo dục mệnh danh là Quyền An Cư Lạc Nghiệp.

    a) Quyền An Cư (quyền dân sự) gồm có quyền tự do cư trú và đi lại, tự do xuất ngoại và hồi hương, quyền riêng tư cho bản thân, gia đình, nhà cửa, thư tín, quyền tị nạn, quyền có quốc tịch, quyền kết hôn và lập gia đình và quyền sở hữu.

    b) Quyền Lạc Nghiệp (quyền kinh tế, xã hội và văn hoá giáo dục) gồm có quyền làm việc, quyền thành lập nghiệp đoàn và đình công, quyền an sinh xã hội, quyền bảo vệ gia đình, quyền có đời sống khả quan cho bản thân và gia đình, quyền y tế, được hưởng giáo dục, được tham gia vào đời sống văn hoá.

    3) Nhân Quyền bậc 3 gồm có những quyền tự do tinh thần và tự do chính trị mệnh danh là Quyền Tự Do Dân Chủ, như tự do lương tâm và tự do tôn giáo, tự do tư tưởng và tự do phát biểu quan điểm (tự do ra báo), tự do hội họp và lập hội (cấm độc đảng), và quyền bình đẳng tham gia chính quyền (cấm độc quyền lãnh đạo).

    NHÂN QUYỀN BẬC 1:

QUYỀN TỰ DO THÂN THỂ



Một số quyền tự do thân thể được coi là bất khả xâm phạm, không thể bị tước đoạt hay đình chỉ thi hành dầu có chiến tranh hay khẩn trương công cộng, như quyền sống, quyền tự do không bị nô lệ hay nô dịch, không bị tra tấn hành hạ, không bị giam giữ vì thiếu nợ, quyền bình đẳng trước pháp luật, quyền không bị kết án do những hành động không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế (trong đó có Luật Quốc Tế Nhân Quyền).

Công Ước Dân Sự Chính Trị chi tiết hóa những quyền tự do thân thể ghi trong Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền:

1) Quyền Sống (Right to Life) (điều 3 TNQTNQ và điều 6 CUDSCT).

Là quyền thiết yếu nhất của con người được luật pháp bảo vệ chống lại mọi hành động sát nhân độc đoán.

Con người được bảo vệ quyền sống từ khi mới thụ thai.

Chế độ án tử hình được bãi bỏ hay hạn chế tối đa; chống nạn diệt chủng tập thể; không được tuyên án tử hình đối với các thiếu nhi dưới 18 tuổi, và các phụ nữ mang thai. Các bị cáo bị tuyên án tử hình có quyền xin ân xá, ân giảm hay hoán cải hình phạt. Các quốc gia đã bãi bỏ án tử hình không được tái lập chế độ này.

2) Quyền Không Bị Tra Tấn (Freedom from Torture) (điều 5 TNQTNQ và điều 7 CUDSCT).

Quyền này áp dụng cho mọi người, không bị tra tấn về thân thể, không bị hành hạ về tinh thần và tâm trí khi bị bắt giữ. Không bị những hình phạt tàn ác, vô nhân đạo làm tổn thương nhân phẩm khi bị kết án và giam giữ. Hình phạt chỉ được áp dụng cho kẻ phạm tội, không liên lụy đến gia đình. Các bị cáo chờ tòa xử phải được đối xử như những người chưa can án. Hình phạt tước đoạt tự do (phạt tù) phải nhằm mục đích cải hóa để tù nhân có thể trở về cuộc sống bình thường sau khi được trả tự do.

3) Quyền Không Bị Làm Nô Lệ (Freedom from Slavery) (điều 4 TNQTNQ, điều 8 CUDSCT)

Không ai có thể bị bắt làm nô lệ hay nô dịch. Cấm tổ chức buôn bán phụ nữ và gái vị thành niên. Không ai bị làm công việc khổ sai nếu không có án tòa hợp lệ. Trong mọi trường hợp, công việc khổ sai không được làm tổn thương đến phẩm giá và phương hại đến khả năng thể chất hay tinh thần của tù nhân. Các tù nhân chính trị hay tù nhân lương tâm phải được đối xử nhân đạo, chăm sóc sức khỏe, không bị kết án tù khổ sai. Các hội bảo vệ nhân quyền quốc tế như Hội Ân Xá Quốc Tế, Hội Quan Sát Á Châu, Ủy Ban Luật Gia Quốc Tế, Hội Nhân Quyền Quốc Tế v.v... là những tổ chức phi chính phủ đứng ra đấu tranh đòi phóng thích các tù nhân lương tâm bị giam giữ chỉ vì họ có lập trường hay tư tưởng chống lại chính sách của nhà cầm quyền.

4) Quyền Tự Do Nhân Thân (Right to Personal Liberty) (điều 9 TNQTNQ và điều 11, 14 khoản 6 CUDSCT)

Ai cũng có quyền tự do nhân thân và an toàn thân thể. Không ai có thể bị bắt giữ và giam cầm độc đoán. Khi bị bắt giữ để điều tra, bị cáo được quyền thông báo lý do hay tội trạng bị trách cứ. Bị cáo phải được dẫn giải không chậm trễ tới toà án để xét xử theo luật trong một thời gian hợp lý, hay để được toà án phóng thích vô điều kiện, hay được tại ngoại có thế chân. Những ai bị giam giữ đều có quyền yêu cầu toà án có thẩm quyền xét xử, để yêu cầu toà trả tự do nếu sự bắt giữ được xét là bất hợp pháp. Các nạn nhân trong những vụ bắt giữ và giam cầm trái phép co quyền được chính phủ bồi thường thiệt hại. (điều 14 khoản 6 CUDSCT)

Không ai có thể bị câu thúc thân thể vì thiếu nợ (điều 11 CUDSCT)

5) Quyền Được Xét Xử Công Bằng (Right to a Fair Trial) (điều 10, 11 TNQTNQ và điều 14 CUDSCT)

Mọi người đều được bình đẳng trước toà án, được quyền có một toà án độc lập, vô tư có thẩm quyền xét xử một cách công bằng và công khai để phán định về những quyền lợi và nghiã vụ của mình, hoặc về những tội trạng mà mình bị trách cứ về mặt hình sự. Bị cáo về các tội hình sự có quyền được suy đoán là vô tội cho đến khi bị chứng minh là có tội theo luật. (điều 11 TNQTNQ, điều 14 khoản 2 CUDSCT)

Trong vụ tranh tụng, mọi người đều được hưởng những bảo đảm sau đây về quyền biện hộ:

a) Được quyền có thông dịch viên miễn phí do toà án cung cấp nếu bị cáo không hiểu tiếng và danh từ của toà án.

b) Quyền được thông báo tội trạng với đầy đủ chi tiết trước khi toà mở cuộc điều tra và thẩm vấn.

c) Quyền có đủ thời gian và phương tiện để chuẩn bị sự biện hộ trước toà.

d) Quyền tự biện hộ hay nhờ luật sư do mình lựa chọn để biện hộ cho mình và được quyền tự do tiếp xúc với luật sư.

e) Quyền được có luật sư biện hộ là một quyền bất khả chuyển nhượng, luật sư được chỉ định miễn phí trong trường hợp bị can không tự biện hộ và không có khả năng muớn luật sư.

f) Quyền đối chất với nhân chứng trước toà, được đòi nhân chứng ra hầu toà kể cả các chuyên viên để làm sáng tỏ các sự kiện hồ sơ.

g) Quyền giữ im lặng không phải khai để khỏi tự buộc tội mình, quyền không bị cưỡng bách nhận tội. Sự nhận tội chỉ có giá trị nếu không bị cưỡng bách hay hăm dọa.

h) Quyền được chống án lên toà trên nếu bị xác nhận tội trạng; khi được toà tuyên phán là vô tội phải được phóng thích ngay và không thể bị truy tố lần thứ hai cũng về tội này.

i) Cuộc thẩm vấn và tranh luận trước toà phải diễn ra công khai với sự tham dự của báo chí và công chúng.

6) Quyền Được Toà Án Bảo Vệ (Right to Judicial Protection) (điều 8 TNQTNQ và điều 2 khoản 3 CUDSCT)

Để chống lại các hành vi độc đoán trái phép của các nhân viên công quyền làm thiệt hại quyền lợi hay vi phạm nhân quyền, mọi người đều có quyền khiếu tố trước toà án để đòi những biện pháp đền bù hữu hiệu (effective remedy), như hủy bỏ một quyết định hành chánh, tuyên bố một đạo luật vi hiến, truyền phóng thích bị cáo vì bị giam giữ trái phép, hay buộc chính phủ bồi thường thiệt hại cho nạn nhân v.v...

Các quốc gia kết ước cam kết sẽ tổ chức hệ thống tư pháp hữu hiệu để có thể cung cấp cho mọi người quyền khiếu tố trước toà án có thẩm quyền hầu bênh vực các quyền tự do của con người được luật pháp quốc tế nhân quyền bảo vệ. Những biện pháp bồi thường thiệt hại do toà tuyên án phải được thực sự thi hành.

7) Quyền Được Luật Pháp Bảo Vệ (Right to Legal Protection) (điều 11 khoản 2 TNQTNQ và điều 15 CUDSCT)

Không ai có thể bị kết án về một tội hình sự do những hành động không cấu thành tội hình sự chiếu theo luật pháp quốc gia hay luật pháp quốc tế, luật pháp quốc tế được hiểu là những nguyên tắc tổng quát của hình luật được công nhận bởi cộng đồng các quốc gia (văn minh)

Không ai phải chịu hình phạt nặng hơn hình phạt dự liệu bởi luật áp dụng trong thời gian phạm pháp. Tuy nhiên bị cáo có thể được hưởng hình phạt nhẹ hơn chiếu theo các điều khoản của luật mới ban hành.

8) Quyền Được Coi Là Con Người Có Tư Cách Pháp Nhân Trước Pháp Luật Và Được Bình Đẳng Trước Pháp Luật (Right to Juridical Personality and Right to Equal Protection) (điều 6, 7 TNQTNQ, điều 16, 26 CUDSCT)

Nhân quyền quan trọng hơn hết là quyền được công nhận tại bất cứ ở đâu, là một con người có tư cách pháp nhân trước pháp luật và được pháp luật đối xử bình đẳng (dầu là công dân hay không công dân, dầu có chính kiến khác biệt với chính sách của nhà cầm quyền v.v...)

NHÂN QUYỀN BẬC 2:

QUYỀN AN CƯ VÀ LẠC NGHIỆP

Quyền an cư và lạc nghiệp bao gồm hai loại nhân quyền:

I - QUYỀN AN CƯ:

Gồm những quyền dân sự cho phép con người được sinh sống yên ổn trong xã hội.



II - QUYỀN LẠC NGHIỆP:

    Gồm những quyền kinh tế xã hội và văn hoá giáo dục cho phép con người sinh hoạt và phát triển để mưu cầu hạnh phúc cho bản thân và gia đình.
    Những quyền dân sự gồm có quyền được có đời sống riêng tư, quyền tự do đi lại và cư trú, quyền tị nạn, quyền có quốc tịch và thay đổi quốc tịch, quyền kết hôn lập gia đình, và quyền sở hữu.



Những quyền kinh tế xã hội gồm có quyền làm việc, quyền tự do nghiệp đoàn và quyền đình công, quyền an sinh xã hội, quyền bảo vệ gia đình, quyền có mức sống khả quan, quyền y tế về thân thể và tinh thần v.v...

Những quyền văn hoá giáo dục gồm có quyền được hưởng giáo dục, quyền được sinh hoạt văn hoá, quyền được bảo vệ tác quyền v.v...

Đối với các cộng đồng thiểu số về chủng tộc, tôn giáo hay ngôn ngữ, Luật Quốc Tế Nhân Quyền bảo đảm cho họ quyền được hưởng văn hoá cổ truyền, được truyền giáo và hành đạo và được sử dụng tiếng nói riêng của họ (điều 27 CUDSCT)

I - QUYỀN AN CƯ:

9) Quyền Riêng Tư (Right to Privacy) (điều 12 TNQTNQ và điều 17 CUDSCT)

Không ai có thể bị xâm phạm trái phép vào đời tư, gia đình, nhà ở hay thư tín, hoặc bị xúc phạm đến danh dự và phẩm giá. Luật pháp bảo vệ con người chống lại những xâm phạm nói trên.

Từ thế kỷ 13 khi Đại Hiến Chương Magna Carta được ban hành, người Anh thường nói: "Căn nhà của chúng tôi có thể dột nát, mưa gió có thể lọt vào, nhưng vua chúa và công an cảnh sát thì không được vào!". Tại Việt Nam ngày nay, những biện pháp quản chế hành chánh (administrative internment) cho phép công an xâm phạm đến danh dự, phẩm giá, đời tư, nhà ở, thư tín của công dân đã hiển nhiên vi phạm nhân quyền, vì nạn nhân không phạm tội gì, không bị truy tố ra toà và vẫn được suy đoán là vô tội.

10) Quyền Tự Do Đi Lại Và Cư Trú (Freedom of Movement and Residence) (điều 13 TNQTNQ và điều 12 CUDSCT)

Ngoài quyền tự do đi lại và tự do lựa chọn nơi cư trú trong nước, người dân còn được quyền xuất ngoại và hồi hương. Tháng 8/1997, Liên Hiệp Quốc công bố bản phúc trình lên án Bắc Hàn vi phạm quyền Tự Do Đi Lại và Tự Do Cư Trú vì đã cấm người dân ra khỏi nước và cũng không cho phép người dân từ ngoại quốc trở về Bắc Hàn. Phẫn chí, Bắc Hàn rút ra khỏi Công Ước Dân Sự và Chính Trị Liên Hiệp Quốc (và mặc nhiên rút khỏi cộng đồng các quốc gia văn minh)

Cũng như các nhân quyền khác, quyền tự do đi lại và cư trú chỉ có thể bị hạn chế theo luật, mục đích để bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, đạo lý hay quyền tự do của người khác (điều 29 khoản 2 TNQTNQ và điều 12 khoản 3 CUDSCT). Trên thực tế, tại các quốc gia không theo chế độ tam quyền phân lập, các cơ quan tư pháp và lập pháp thường lệ thuộc vào chính phủ; những hạn chế nhân quyền chỉ là những vi phạm nhân quyền khéo che đậy và được diễn ra thường hằng tại các quốc gia chuyên chế và ấu trĩ.

11) Quyền Tị Nạn (Right to Asylum) (điều 14 TNQTNQ)

Trong trường hợp bị chính quyền ngược đãi, đàn áp hay bị đe doạ truy tố vì những hành vi chính trị, người dân có quyền tìm kiếm và hưởng quyền tị nạn tại các nước khác. Những ai bị đàn áp vì lý do chủng tộc hay tôn giáo cũng có thể được hưởng quyền này.

Các Công Ước Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc không đề cập đến quyền tị nạn (do áp lực và thỏa hiệp với các nước CS Âu Châu). Tuy nhiên nhiều quốc gia đã ký kết những Công Ước quốc tế khác trong đó quyền tị nạn vẫn được thừa nhận. Vả lại nếu đã có Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc thì cũng phải có quyền tị nạn. Tại Âu Châu, các chính phủ có quyền hạn chế các hoạt động chính trị của dân tị nạn. Trong mọi trường hợp, các thường trú nhân hợp pháp không thể bị trục xuất về nguyên quán nơi mà mạng sống và tự do của họ bị đe doạ vì lý do chính kiến, sắc tộc, tôn giáo hay thành phần xã hội. (điều 13 CUDSCT) Mọi quyết định trục xuất tập thể một số ngoại kiều đều bị cấm đoán.

12) Quyền Có Quốc Tịch (Right to Nationality) (điều 15 TNQTNQ)

Chiếu công pháp quốc tế, ai cũng có quyền có quốc tịch tại nơi sinh quán của mình. Ngoài ra nếu cha mẹ có quốc tịch ngoại quốc, các con cũng được quyền mang quốc tịch của cha mẹ. Không ai có thể bị tước quốc tịch nguyên thủy tại nơi sinh quán. Nếu sinh sống tại ngoại quốc và hội đủ điều kiện, các thường trú nhân có quyền thay đổi quốc tịch (quốc tịch là một khái niệm hành chánh, không có ý nghiã như tổ quốc).
Các Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc không đề cập đến quyền có quốc tịch của con người (do áp lực của các nước Cộng Sản Âu Châu). Đây là một "nghịch lý" (juridical anomaly) xuất phát từ những thỏa hiệp chính trị nhất thời (thêm một thí dụ về nghịch lý: chim không biết bay!). Đã đến lúc nhân loại văn minh tu chính lại nghịch lý này trong các công ước nhân quyền.

13) Quyền Kết Hôn và Lập Gia Đình (Right of the Family) (điều 16 TNQTNQ và điều 23, 24 CUDSCT)

Các thanh niên nam nữ đến tuổi thành hôn đều có quyền kết hôn và lập gia đình do sự thuận tình của đôi bên. Nam nữ được bình đẳng về hôn nhân khi kết hôn cũng như khi ly hôn.

Gia đình được công nhận là đơn vị tự nhiên và căn bản của xã hội và phải được xã hội và quốc gia bảo vệ. Điều 24 CUDSCT quy định quyền bình đẳng của các con (không phân biệt chính thức hay ngoại hôn), được quyền có quốc tịch và mang tên họ của cha/mẹ.

14) Quyền Sở Hữu (Right to Property) (điều 17 TNQTNQ)

Cũng như quyền tị nạn, quyền có quốc tịch và sở hữu không được ghi trong các Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc. Đây cũng là một "nghịch lý" cần phải tu chính. Quyền sở hữu có lẽ là quyền tự nhiên mạnh nhất của con người (trẻ em cầm đồ chơi trong tay, nếu ai giật đi, nó sẽ phản kháng bằng những võ khí mạnh nhất của nó: la hét và nước mắt). Có sờ hữu mới có động cơ cố gắng làm việc tạo nên tiến bộ và phát triển. Về mặt lý thuyết, quyền sở hữu là sự phản chiếu của quyền tự do từ bình diện tinh thần xuống bình diện kinh tế xã hội. Quyền sở hữu không phải là sự đánh cắp như Mác cố tình hiểu lầm. Sự truất hữu tập sản hoá mới chính là sự đánh cắp! Nó đã làm cho một nửa nhân loại lâm vào cảnh điêu linh đói khổ trong suốt nửa thế kỷ vừa qua.

Quyền sở hữu có tính cách vật chất (kinh tế) như nhà cửa, xe cộ, đồ đạc, quần áo, tiền bạc (tiêu thụ) hay tiền vốn (đầu tư buôn bán). Nó cũng có tính cách tinh thần (kỹ thuật hay văn hoá) như nghề chuyên môn, công trình phát minh khoa học, sáng tác văn học nghệ thuật, vốn trí thức (viết văn, dạy học) v.v... (intellectual, literary and artistic property).

Tuyên ngôn Quốc Tế Nhân Quyền viết: "Ai cũng có quyền sở hữu, hoặc riêng rẽ hoặc chung nhau (hùn vốn lập hội). Không ai có thể bị tước đoạt tài sản một cách độc đoán."

Từ 1789 các nhà Cách Mạng Dân Quyền Pháp đã nhận định trong Tuyên Ngôn Nhân Quyền và Dân Quyền như sau: "Quyền có tài sản là một quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm. Nó không thể bị nhà cầm quyền truất hữu dù có lý do lợi ích công cộng, nếu không có sự bồi thường thỏa đáng từ trước khi truất hữu."

Các Công Ước Mỹ Châu, Âu Châu, và Phi Châu cũng quy định quyền được hưởng dụng tài sản (sau khi đóng thuế cho quốc gia). Sự cho vay lãi nặng và chế độ "người bóc lột người" phải bị cấm chỉ theo luật.

Quốc gia phải tạo cơ hội cho mỗi người dân có một căn nhà để cư ngụ, có sở ruộng hay nghề chuyên môn để sinh sống hay có một số vốn để buôn bán hay đầu tư. Quyền sở hữu như vậy có cả tác dụng an cư và lạc nghiệp.

II - QUYỀN LẠC NGHIỆP



Tiếp theo những Quyền An Cư (quyền dân sự) là những Quyền Lạc Nghiệp (quyền kinh tế xã hội và văn hoá giáo dục). Những quyền này được ghi chép trong TNQTNQ và được phát triển bởi Công Ước Liên Hiệp Quốc về những quyền Kinh Tế Xã Hội và Văn Hoá (CUKTXHVH).

15) Quyền Làm Việc (Right to Work) (điều 23, 24 TNQTNQ và điều 6, 7 CUKTXHVH).

Ai cũng có quyền làm việc, được tự do lựa chọn việc làm để bảo đảm kinh tế cho mình và gia đình mình. Các quốc gia hội viên sẽ từng bước hoạch định các chương trình công tác, kỹ thuật, hướng nghiệp và huấn nghệ để đạt tới sự toàn dụng nhân công chống nạn thất nghiệp, trong điều kiện những quyền tự do chính trị và kinh tế căn bản của cá nhân được tôn trọng.

Các quốc gia hội viên, do sự san định luật pháp, sẽ tạo những điều kiện lao động thuận lợi để làm việc như sau:

    a) Trả lương tương xứng và công bằng không phân biệt đối xử (nam nữ) đủ để bảo đảm cho đương sự và gia đình một đời sống xứng đáng với nhân phẩm, và nếu không đủ, sẽ bổ sung bằng những biện pháp bảo trợ xã hội khác.

    b) Tạo những điều kiện làm việc an toàn để bảo vệ sức khỏe và tránh tai nạn lao động.

    c) Tạo cơ hội thăng tiến đồng đều căn cứ vào thâm niên (kinh nghiệm) và khả năng chuyên môn.

    d) Quy định quyền nghỉ ngơi và giải trí, ấn định hợp lý số giờ làm việc trong tuần (căn cứ vào năng suất và sức khỏe), kể cả thời gian nghỉ định kỳ thường niên có trả lương và các ngày nghỉ lễ có trả lương.

    16) Quyền Tự Do Nghiệp Đoàn và Quyền Đình Công (Right to Trade Union and Right to Strike) (điều 23 khoản 4 TNQTNQ và điều 8 CUKTXHVH).

    Ai cũng có quyền thành lập nghiệp đoàn hay gia nhập nghiệp đoàn để bảo vệ và gia tăng quyền lợi nghề nghiệp của mình (Hiệp Ước Lao Động Quốc Tế năm 1948)

    Quyền đình công được công nhận theo luật. Sự hành xử các quyền nói trên có thể bị đình chỉ đối với các giới quân nhân, công chức và cảnh sát.

    17) Quyền An Sinh Xã Hội (Right to Social Security) (điều 22 TNQTNQ và điều 9 CUKTXHVH)

    Là một thành viên của xã hội, ai cũng được quyền hưởng an sinh xã hội và bảo hiểm xã hội. Chế độ này bảo đảm đời sống của người dân khi bị thất nghiệp, đau ốm, tật nguyền, hậu sản, già yếu, hay thiếu phương kế sinh nhai do những hoàn cảnh ngoài ý muốn (tai nạn, thiên tai v.v...). Chế độ an sinh xã hội được thiết lập từng bước tùy theo khả năng kinh tế tài chánh của quốc gia, thông qua những cố gắng quốc gia và hợp tác quốc tế phù hợp với sự tổ chức và tài nguyên của mỗi nước.

    18) Quyền Bảo Vệ Gia Đình (Protection of the Family) (điều 25 khoản 2 TNQTNQ và điều 10 CUKTXHVH)

    Như đã trình bày ở trên, gia đình là một đơn vị tự nhiên và căn bản trong xã hội nên phải được xã hội và quốc gia bảo vệ. Gia đình góp phần quyết định vào việc giáo dục và nuôi dưỡng trẻ em.

    Quốc gia đặc biệt nâng đỡ các sản phụ và thiếu nhi. Phụ nữ đi làm được phép nghỉ có trả lương một thời gian trước và sau khi sanh. Các thiếu nhi không được làm các công việc nguy hiểm hay phương hại đến sức khỏe, đạo lý, hay sự phát triển bình thường của tuổi trẻ. Vi phạm các điều này sẽ bị truy tố về tội hình sự. Quốc gia phải ấn định tuổi tối thiểu cho các thiếu nhi tham gia lao động (như trong các ngành hỏa xa, quân lực v.v...).

    19) Quyền Có Đời Sống Khả Quan (Right to an Adequate Standard of Living) (điều 25 TNQTNQ và điều 11 CUKTXHVH)

    Ai cũng có quyền được hưởng một mức sống khả quan cho bản thân và gia đình, nhất là về thức ăn, quần áo, nhà ở. Mức sống này sẽ được nâng cao liên tục thông qua các cố gắng quốc gia và hợp tác quốc tế cũng như các tiến bộ và phát minh về khoa học kỹ thuật trong việc sản xuất, tồn trữ và phân phối thực phẩm, sự phổ biến các kiến thức về dinh dưỡng, phát triển và canh tân nông nghiệp v.v... Trên phạm vi vĩ mô, thế giới phải tiến tới sự phân phối công bằng và hợp lý các thực phẩm giữa các quốc gia sản xuất nông phẩm và các quốc gia nhập cảng (Tổ chức Lương Nông Quốc Tế đã được thành lập). Năm 1974 Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc khuyến cáo các quốc gia hội viên tiến tới việc thành lập một "trật tự kinh tế thế giới mới" (new international economic order) để làm giảm bớt những bất công và bất bình đẳng giữa các quốc gia tiên tiến (Âu Mỹ) và các quốc gia đang phát triển (Á Phi). Năm 1977 Đại Hội Đồng lại khẳng định rằng: "một trật tự kinh tế thế giới mới là yếu tố thiết yếu để tuyên dương hữu hiệu nhân quyền và các quyền tự do căn bản của con người".

    20) Quyền Y Tế (Right to Health) (điều 25 TNQTNQ và điều 12 CUKTXHVH)

    Sức khỏe phải được hiểu là sức khỏe thân thể và sức khỏe tâm thần. Nhiều quốc gia Âu Mỹ đã tiến tới chế độ y tế miễn phí. Tổ chức Y Tế Quốc Tế được thành lập để thúc đẩy sự thực thi quyền y tế. Trong phạm vi này, các quốc gia phải từng bước hoạch định những chương trình chăm sóc sản phụ và hài nhi, giảm bớt tỷ lệ tử vong của trẻ sơ sinh và bảo vệ sức khỏe cho hài nhi, phải cải thiện môi trường sinh sống nhất là trong các khu vực kỹ nghệ và đông dân cư, phải ngăn ngừa và bài trừ các bệnh dịch tễ, truyền nhiễm, phải cung cấp thuốc men và chăm sóc các bệnh nhân v.v...
    Như bà Eleanor Roosevelt, chủ tịch Ủy Ban Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc đầu tiên đã nhận định: "Trên thực chất, những quyền tự do trên toàn cầu chỉ có ý nghiã nếu những quyền thiết yếu của con người được tôn trọng tại những nơi nhỏ bé ngay gần nhà, trong khu phố hay thôn xóm nơi họ cư ngụ, trong trường học, xưởng thợ, đồng ruộng hay văn phòng. Tại những nơi này, đàn ông, đàn bà và trẻ em đứng lên đòi Bình Đẳng, Công Lý và Phẩm Giá ngang nhau, không phân biệt kỳ thị. Nếu những quyền này không có giá trị thực sự tại những nơi này, thì chúng cũng chẳng có giá trị gì ở bất cứ nơi nào khác. Nếu các công dân không đòi để các quyền này được tôn trọng ngay gần nhà họ, thì không thể có tiến bộ nhân quyền trên thế giới".

    21) Quyền Giáo Dục (Right to Education) (điều 26 TNQTNQ và điều 13, 14 CUKTXHVH)
    Ai cũng có quyền được hưởng giáo dục.

    áo dục phải nhằm phát huy nhân cách và nhân phẩm, tăng cường sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản, cho phép con người tham gia sinh hoạt trong một xã hội tự do, đề cao tình thông cảm, bao dung và hữu nghị giữa các quốc gia, các cộng đồng sắc tộc hay tôn giáo, đồng thời yểm trợ các nỗ lực của Liên Hiệp Quốc trong việc duy trì hoà bình thế giới.

    Giáo dục sơ đẳng có tính cách cưỡng bách và miễn phí. Các quốc gia phải lập các chương trình hành động trong vòng 2 năm kể từ ngày Công Ước có hiệu lực để, trong một thời gian hợp lý, kiện toàn chương trình giáo dục sơ đẳng cưỡng bách và miễn phí.
    Giáo dục trung đẳng kể cả các ngành phổ thông, kỹ thuật và huấn nghệ phải được phổ cập và tiến dần đến miễn phí.

    Giáo dục cao đẳng được phổ cập bình đẳng cho mọi sinh viên, chỉ căn cứ vào khả năng làm tiêu chuẩn nhập học, và cũng phải tiến dần đến miễn phí.

    Giáo dục tráng niên được khuyến khích và phổ cập cho những người chưa tốt nghiệp tiểu học.

    Hệ thống giáo dục các cấp phải được tích cực phát triển, đồng thời cải thiện các điều kiện giảng huấn và đãi ngộ các nhân viên giảng huấn.

    Cha mẹ được quyền tự do lựa chọn giáo dục cho các con kể cả về đạo lý và tín ngưỡng.



    22) Quyền Văn Hoá (Right to Culture) (điều 27 TNQTNQ và điều 15 CUKTXHVH)

    Các quốc gia hội viên và kết ước công nhận cho mỗi người:

    a) Quyền được tham gia vào đời sống văn hoá.

    b) Quyền được hưởng những lợi ích của những tiến bộ khoa học kỹ thuật.

    c) Các tác giả được bảo vệ những quyền lợi tinh thần và vật chất phát sinh từ những công trình phát minh hay sáng tạo về khoa học hay văn học nghệ thuật của họ.



    Các quốc gia phải định chế hoá sự bảo vệ tác quyền và phải góp phần vào việc bảo tồn, phát triển và phổ biến các công trình văn hoá và các tiến bộ khoa học.
    Các quốc gia cam kết tôn trọng quyền tự do nghiên cứu khoa học và sáng tạo văn học nghệ thuật.

    Sự kết ước và hợp tác quốc tế trong phạm vi khoa học và văn hoá sẽ đem lại lợi ích chung cho mọi quốc gia dân tộc.

    NHÂN QUYỀN BẬC 3:

    QUYỀN TỰ DO DÂN CHỦ
    (Những Quyền Tự Do Tinh Thần và Tự Do Chính Trị)
Năm 1948 Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền được 48 quốc gia chấp thuận. Năm 1966 hai Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền đã được hơn 100 quốc gia ký kết để 10 năm sau co hiệu lực chấp hành. Công Ước Kinh Tế, Xã Hội Văn Hóa dành 10 điều cho các quyền kinh tế xã hội và văn hoá giáo dục. Công Ước Dân Sự Chính Trị chỉ dành 5 điều cho các quyền tự do tinh thần và tự do chính trị, như tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm, tự do hội họp và lập hội và quyền tham gia chính quyền. Tuy nhiên đây là những quyền tối quan trọng như tự do tư tưởng, tự do lương tâm, tự do tôn giáo là những quyền không thể bị thâu hồi hay đình chỉ dầu trong trường hợp quốc gia ban hành tình trạng chiến tranh hay khẩn trương. Các tù nhân chính trị và tù nhân lương tâm là những nạn nhân của các chính quyền độc đoán đã vi phạm những quyền tự do chính trị và tự do tinh thần ghi trong Công Ước Quốc Tế cũng như trong hiến pháp và luật pháp quốc gia. Nhưng dầu vi phạm, họ vẫn chối cãi. Họ còn không thừa nhận có tù nhân chính trị. Họ giải thích rằng các tù nhân này đã được toà án thường tụng xét xử nên đã trở thành tù thường phạm. Chủ trương như vậy, họ đã phủ nhận tư cách tù nhân chính trị của các nhà tiền bối của họ bị bắt giam về các tội phản nghịch hay phá rối trị an. Họ đã lầm lẫn thủ tục với tội danh.

23) Tự Do Lương Tâm và Tự Do Tôn Giáo (Freedom of Conscience and Religion) (điều 18 TNQTNQ và điều 18 CUDSCT)

Quyền tự do tôn giáo bao gồm quyền thờ phượng, quyền truyền giáo, và hành đạo cũng như quyền thay đổi tôn giáo. Thờ phượng và truyền bá tín ngưỡng có thể diễn ra tại các nơi công cộng hay tại nhà riêng, có tính cách tập thể hay riêng tư. Cũng như các quyền tự do khác như tự do phát biểu quan điểm, tự do hội họp và lập hội, tự do đi lại, tự do xuất ngoại v.v... việc hành xử quyền tự do tôn giáo chỉ có thể bị giới hạn theo luật để bảo vệ các quyền và tự do của người khác, đáp ứng nhu cầu chính đáng về đạo lý, trật tự công cộng, an ninh quốc gia, sức khỏe công cộng và phúc lợi chung trong một xã hội dân chủ. (điều 29 TNQTNQ và điều 12, 18, 19, 21, và 22 CUDSCT)
Như đã quy định ở điều 13 CUKTXHVH về quyền tự do giáo dục, cha mẹ và phu huynh được lựa chọn trường học được lựa chọn trường học cho con em, kể cả việc giáo dục về tôn giáo và đạo lý theo tín ngưỡng của gia đình.

24) Tự Do Tư Tưởng và Phát Biểu Quan Điểm (Freedom of Thought and Expression) (điều 18, 19 TNQTNQ và 19 CUDSCT)

Ai cũng có quyền tự do tư tưởng và phát biểu ý kiến của mình, được quyền tự do giữ vững quan điểm mà không bị người khác can thiệp. Ai cũng có quyền tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến tin tức và ý kiến về mọi vấn đề, bằng mọi phương tiện truyền thông không phân biệt biên giới quốc gia. Tuy nhiên quyền tự do phổ biến tin tức và phát biểu quan điểm cũng bị hạn chế theo luật như quyền truyền bá tôn giáo và hành đạo.
Như Tuyên Ngôn về Quyền Con Người và Quyền Công Dân Pháp đã quy định từ cuối thế kỷ 18, "quyền tự do phát biểu quan điểm là một quyền cao quý nhất của con người. Công dân có quyền nói, viết và in ấn tự do và chỉ chịu trách nhiệm khi có sự lạm dụng tự do trong những trường hợp luật định." Nghiã là ai cũng có quyền phát biểu tin tức, ý kiến, lập trường bằng tài liệu mà không phải kiểm duyệt trước (prior censorship). Nghiã là công dân được quyền tự do ra báo, in sách, phát truyền đơn mà không cần phải xin phép xuất bản. Trong trường hợp việc hành xử quyền này vi phạm luật pháp như:

a) Xâm phạm quyền lợi hay danh dự người khác,

b) Xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự công cộng, sức khỏe công cộng, thuần phong mỹ tục v.v... các cơ quan tư pháp hay nạn nhân có quyền truy tố đương sự ra toà án về mặt hình sự hay dân sự để trả lời về trách nhiệm của họ. (subsequent liability)

Các đạo luật báo chí còn dự liệu cho nạn nhân Quyền Trả Lời (Right of Reply), bắt buộc các cơ quan ngôn luận vi phạm quyền lợi và xúc phạm danh dự của nạn nhân phải đăng tải bài trả lời theo những điều kiện tương xứng với bài báo đã phổ biến. Dầu sao quyền trả lời không có hiệu lực miễn trừ cho người phạm luật những hình phạt hay những khoản bồi thường thiệt hại do toà án quyết định. Liên Hiệp Quốc nhận định rằng với trật tự xã hội và trật tự quốc tế mới, đại gia đình nhân loại chỉ có thể được hưởng Tự Do, Hòa Bình và Công Lý nếu các quốc gia và cá nhân biết đối xử với nhau trong tình huynh đệ, hữu nghị, bình đẳng, ôn hòa, và hợp tác. Do đó các Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền cấm lạm dụng quyền tự do phát biểu quan điểm để tuyên truyền cổ võ chiến tranh, kích thích bạo động, gieo rắc thù hận và kỳ thị giữa các quốc gia, các chủng tộc, và các tôn giáo. (điều 20 CUDSCT)

25) Tự Do Hội Họp và Lập Hội (Right of Assembly and Freedom of Association) (điều 20 TNQTNQ và điều 21, 22 CUDSCT)

Ai cũng có quyền hội họp một cách hoà bình. Quyền tập hợp ôn hòa không bạo động và không võ trang được các quốc gia thừa nhận, như tham dự các cuộc biểu tình, tuần hành để bày tỏ quan điểm và nguyện vọng, hay để phản kháng những vi phạm về quyền con người và quyền công dân. Quyền tập hợp vì lý do chính trị, văn hoá kinh tế, xã hội cũng được tôn trọng như quyền tập hợp để thờ phượng, truyền giáo và hành đạo. Những giới hạn ghi trên của quyền tự do tôn giáo cũng áp dụng cho việc hành xử quyền tự do chính trị.

Ai cũng có quyền tự do lập hội để cùng theo đuổi những mục tiêu về ý thức hệ, tôn giáo, chính trị (thành lập chính đảng), kinh tế, lao động, (thành lập nghiệp đoàn), xã hội, văn hoá, thể thao v.v...

Quyền lập hội có thể bị hạn chế theo luật đối với các thành phần quân nhân và cảnh sát. Công Ước Quốc Tế Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc (1966) và Công Ước Nhân Quyền Âu Châu (1950) còn mở rộng sự hạn chế này đến với giới công chức quốc gia. Công Ước Nhân Quyền Mỹ Châu (1969) không cấm công chức tham gia đảng phái.

Quyền tự do lập hội lên án chế độ độc đảng. Nó không cho phép một chính đảng nào được độc quyền sinh hoạt trong đời sống chính trị quốc gia.

26) Quyền Tham Gia Chính Quyền (Right to Participate in Government) (điều 21 TNQTNQ và điều 25 CUDSCT)

Các công dân được hưởng quyền và cơ hội bình đẳng để tham dự vào chính quyền quốc gia, hoặc trực tiếp (bằng cách ứng cử) hay gián tiếp qua trung gian các đại biểu do họ tự do lựa chọn (bằng bầu cử). Những cuộc tuyển cử phải được tổ chức theo từng định kỳ bằng phương thức phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và kín để quyền tự do lựa chọn của cử tri được tôn trọng. Ý nguyện của quốc dân phải được coi là căn bản của mọi quyền lực quốc gia. Ý nguyện này phải được biểu lộ trung thực qua các cuộc tuyển cử tự do và công bằng.

Những điều kiện ứng cử vào các chức vụ công cử được quy định trong các đạo luật tuyển cử căn cứ vào tuổi, quốc tịch, cư trú, tư pháp lý lịch v.v...

Quyền bình đẳng có cơ hội tham gia công vụ không cho phép một chính đảng nào được độc quyền lãnh đạo quốc gia. Điều 4 Hiến Pháp Việt Nam phải được bãi bỏ.

Trong các chế độ độc tài đảng trị, những quyền tự do tinh thần và tự do chính trị thường bị vi phạm thô bạo là những quyền tự do tôn giáo, tự do tư tưởng, tự do phát biểu quan điểm, tự do hội họp, tự do lập hội và quyền bình đẳng cơ hội tham gia chính quyền. Các nạn nhân bị giam giữ do việc hành xử các quyền tự do tinh thần, tự do chính trị được Hội Ân Xá Quốc Tế vinh danh là tù nhân lương tâm.


PHỤ ĐÍNH 1

CÁC ĐIỀU KHOẢN NHÂN QUYỀN
TRONG HIẾN CHƯƠNG LIÊN HIỆP QUỐC (1945)

Điều 1


Những mục tiêu của Liên Hiệp Quốc là:

1. Duy trì hòa bình và an ninh thế giới.

2. Phát triển tương quan hữu nghị giữa các quốc gia đặt căn bản trên sự tôn trọng nguyên tắc bình đẳng quyền lợi và quyền dân tộc tự quyết, cùng thi hành mọi biện pháp thích nghi để củng cố hòa bình thế giới.

3. Đạt tới sự hợp tác quốc tế nhằm giải quyết những vấn đề kinh tế, xã hội, văn hoá, hay nhân đạo, và phát huy, khuyến khích sự tôn trọng nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo.

Điều 55

Nhằm mục đích đạt được những điều kiện về ổn định và phúc lợi cần thiết cho việc thiết lập những tương quan hòa bình và hữu nghị giữa các quốc gia đặt căn bản trên sự bình đẳng quyền lợi và quyền dân tộc tự quyết, Liên Hiệp Quốc đề xướng thực thi:

a. Một mức sống cao hơn, sự toàn dụng nhân công và tạo những điều kiện tiến bộ và phát triển về kinh tế xã hội

b. Tìm kiếm những giải pháp cho những vấn đề kinh tế xã hội và văn hóa, thực thi sự hợp tác quốc tế về văn hóa và giáo dục, và

(c) Tôn trọng và thực thi trên toàn cầu những nhân quyền và những quyền tự do căn bản cho tất cả mọi người không phân biệt chủng tộc, nam nữ, ngôn ngữ hay tôn giáo.

Điều 56


Các Quốc Gia Hội Viên cam kết, bằng những hành động riêng rẽ hay phối hợp, sẽ cộng tác với Liên Hiệp Quốc trong việc thực hiện những mục tiêu ghi trong điều 55 nói trên

Luật Sư NGUYỄN HỮU THỐNG



Luật sư Nguyễn Hữu Thống đã hành nghề luật sư tại Việt Nam từ năm 1954, tại Pháp từ năm 1975, tại Hoa Kỳ từ năm 1978.

Nguyên Đệ Nhất Phó Chủ Tịch Quốc Hội Lập Hiến Việt Nam Cộng Hòa (1966-67) và Giáo Sư môn chính trị học tại đại học Đà Lạt (1974-74).

Luật sư Nguyễn Hữu Thống là Chủ Tịch sáng lập Ủy Ban Luật Gia Bảo Vệ Dân Quyền và là Chủ Tịch Hội Luật Gia Việt Nam tại California từ năm 1989. Hiện nay ông là Cố Vấn Pháp Luật của tổ chức Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam.

Ngoài các hoạt động trong lãnh vực luật pháp, Luật sư Nguyễn Hữu Thống còn là một cây viết được nhiều người biết đến qua bút hiệu Nhuệ Hồng. Các tác phẩm đã xuất bản gồm có Chủ Nghiã Dân Chủ Xã Hội (1957), Lá Thư Miền Nam (1958), Những Chuyến Đi (1959), Nền Dân Chủ Trong Các Tân Quốc Gia (1960), Truyện Tòa Án (1962), và Nho Học Giản Dị (1966). Tác phẩm hoàn tất nhưng chưa xuất bản gồm có Xử Án Vương Thuý Kiều (1972) và Thư Gửi Bạn Trung Niên (1988) và Cẩm Nang về Nhân Quyền (1998)

http://www.vietnamhumanrights.net/Viet/vintbill.htm


No comments:

Post a Comment