Wednesday, August 6, 2008

Không có tự do tôn giáo ở Việt Nam


• Michael Benge, FrontPageMagazine 05/8/08,
Phan Lưu Quỳnh lược dịch

Chính sách về tự do tôn giáo không có hiệu quả tại Việt Nam

Mâu thuẫn trực tiếp với chính sách của Tổng thống Bush nhằm cổ xuý cho tự do tôn giáo trên thế giới, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã thiết lập một chính sách đối ngoại đối với Việt Nam, quảng cáo cho việc kiểm soát các tôn giáo của nhà nước cộng sản. Ðây chính cũng là một nhà nước đã sát hại hơn một triệu người dân của họ sau khi cộng sản chiếm được miền Nam vào năm 1975.

Vào thập niên 1980s, câu thành ngữ "Chính sách ngoại giao Coca-Cola" đã được chế ra để mô tả chính sách của Hoa Kỳ do các nhà ngoại giao giỏi nhất và thông minh nhất đề ra vào lúc ấy, mà theo chính sách đó thì giao thương và đầu tư của Hoa Kỳ sẽ đưa Trung Hoa cộng sản vào thế giới văn minh và làm thay đổi cái quá trình lâu dài của họ về xúc phạm nhân quyền, đàn áp tôn giáo và dân chủ. Chính sách đó đã không bao giờ có hiệu quả và chỉ đưa đến một hậu quả là làm thâm thủng trầm trọng cán cân mậu dịch, những đồng đô la Mỹ đã tài trợ cho một sự tăng cường quân sự to lớn, sản phẩm bị nhiễm độc và một con số không biết bao nhiêu mà kể --hàng chục ngàn người-- Tây Tạng lẫn Trung Hoa bị giết chết và tù đày trong các trại lao động khổ sai.

Chính phủ của ông Bush lại hà hơi tiếp sức làm sống lại cái "chính sách ngoại giao Coca-Cola" đã bị thất bại này và hiện đang áp dụng vào Việt Nam, và vào năm 2007, Hoa Kỳ đã thu lượm về 10.6 tỷ đô la thâm thủng mậu dịch.

Mới đây, hàng chục nhà hoạt động dân chủ, ký giả, các nhà bất đồng chính kiến xử dụng internet cùng các tín đồ Tin Lành và các nhà lãnh đạo tôn giáo khác đã bị CSVN bắt và bỏ tù. Các nhà lãnh đạo quốc hội Mỹ và các tổ chức nhân quyền đã tố cáo Hà Nội về "những vụ xúc phạm nhân quyền bừa bãi" , "làn sóng đàn áp tồi tệ nhất trong 20 năm qua". Một vài dân biểu đã cáo buộc chính phủ Hoa Kỳ đề cao chính sách "Chỉnh đốn giao thương" trong khi ngoảnh mặt làm ngơ các vấn đề bách hại tôn giáo và xúc phạm nhân quyền ở Việt Nam.

Mặc dù Việt Nam gia tăng xúc phạm nhân quyền, lần thứ ba vào ngày 24/6, Tổng thống Bush đã gặp gỡ các quan chức của CSVN tại Phòng Bầu Dục, lần này là với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng. Buổi hội kiến chú tâm vào việc cải thiện thương mãi, thậm chí phát triển thêm các quan hệ kinh tế cho gần gũi hơn và gia tăng đầu tư Hoa Kỳ vào Việt Nam nhằm nâng đỡ đưa Việt Nam ra khỏi tình trạng kinh tế đang suy sụp. Cùng dịp đó, Tổng thống Bush đã nói với ông thủ tướng rằng, ông Bush "nghĩ là các bước tiến lớn của nhà nước Việt Nam đang thực hiện về tự do tôn giáo thì đáng ghi nhận".

Thật sự là đáng ghi nhận. Quan điểm của ông Bush về tự do tôn giáo ở Việt Nam đặt căn bản một phần trên những tường trình đầy sai lầm được Bộ Ngoại giao báo cáo cho ông ta. Vào năm 2006, Việt Nam đã được tháo gỡ khỏi danh sách CPC dành cho các quốc gia vi phạm nghiêm trọng đến tự do tôn giáo của Bộ Ngoại giao Mỹ. Ủy ban Hoa Kỳ về Tự do Tôn giáo Thế giới cùng với Tổ chức Nhân quyền đã thúc giục Bộ Ngoại giao hãy đưa Việt Nam trở lại danh sách đen về vi phạm tự do tôn giáo CPC.

Một trong những lý do bào chữa của Bộ Ngoại giao về việc tháo gỡ Việt Nam khỏi danh sách đen của họ là chế độ cộng sản đã có ngụ ý cho tự do bỏ bớt hạn chế đối với các hội thánh tư gia. Nhưng có bằng chứng phản bác lại điều này. Thật ra thì chế độ CSVN đã áp đặt nhiều hạn chế thậm chí còn nghiêm ngặt hơn. Mặc dù gia đình các tín đồ Tin Lành bây giờ được phép cầu nguyện trong nhà riêng của họ, nhưng họ không được phép cầu nguyện chung từng nhóm - bao gồm cả việc cầu nguyện cùng bà con thân nhân trong họ hàng, hoặc ở nơi công cộng hoặc ở trong nhà thờ trừ khi được nhà nước cho phép và kiểm soát.

Ở Cao nguyên Trung phần và các khu vực nhiều lôi thôi khác, giới chức Hoa Kỳ được đưa tới làng Potempkin và các nhà thờ quốc doanh kiểu mẫu rồi được các an ninh mật vụ của nhà nước đội lốt lãnh đạo tôn giáo tường trình những tin tức sai lạc. Các viên chức Hoa Kỳ thường coi lời nói của những kẻ đội lốt này như phúc âm. Một an ninh mật vụ như thế, đồng thời cũng là kẻ cung cấp tin tức cho ông Ðại sứ lưu động về Tự do Tôn giáo Thế giới John Hanford có tên là Siu Kim, y là một người Thượng Montagnard thuộc về một nhà thờ ở Pleiku, làm việc cho nhà nước CSVN. Theo thống kê của chính phủ Hoa Kỳ, người Thượng Montagnard thuộc về những cư dân nghèo nhất ở Việt Nam; nhưng, Siu Kim đã đến Hoa Kỳ 4 lần, phí tổn do nhà nước cộng sản đài thọ để tuyên truyền trong cộng đồng người Thượng Montagnard ở đây.

Trong lúc được bổ nhiệm, Ðại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam, ông Michael Michalak đã nói rõ rằng ông sẽ tiếp tục chính sách của Ðại sứ Hanford nhằm xúc tiến làm nhanh chóng thêm việc đăng ký các giáo hội ở Việt Nam. Nhưng Ðại sứ Michalak đã sao lãng không giải thích những thiệt hại cho tự do tôn giáo do hậu quả của việc đăng ký này.

Ðể đăng ký, các giáo hội phải nộp cho Ban Tôn giáo trung ương một danh sách tên tuổi và địa chỉ của các thành viên, và chỉ có những người được Ban Tôn giáo chấp thuận thì mới được tham dự các lễ nghi tôn giáo. Tất cả các buổi hội họp và các bài thuyết giảng phải được Ban Tôn giáo chấp thuận, và bài giảng phải bằng tiếng Việt --ngay cả trong các nhà thờ toàn người dân tộc thiểu số. Các nhà truyền đạo và chủ tế không thể giảng chệch hướng bài giảng đã được chấp thuận hoặc thu nhận tín đồ mới, và có công an của Ban Tôn giáo theo dõi tất cả các buổi cầu nguyện. Các nhà thờ và các nhà truyền giáo cũng không được phép trợ giúp và an ủi dân làng tại địa phương. Ðây là một cách không chính thức mà cộng sản dùng để kiểm soát các giáo hội tại Việt Nam.

Phụ tá Ngoại trưởng Hoa Kỳ đặc trách Ðông Á và Thái Bình Dương Sự vụ, ông Christopher Hill, đã tái xác nhận thêm về chính sách lầm lẫn này trong buổi điều trần ngày 12 tháng 3 trước Uỷ ban Ðối ngoại Thượng viện, và như để bào chữa thêm ông ta đã nói rằng: "Kể từ khi danh sách CPC được tháo gỡ, đã có thêm nhiều tiến bộ. Nhà nước đã tổ chức hơn 3000 khoá đào tạo và 10,000 lớp huấn luyện cho các cán bộ trên toàn quốc về việc làm thế nào để thi hành nghị định mới về tôn giáo".

Cái mà ông Hill đã quên không đề cập đến là chỉ thị của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về "Ðề án vận động tôn giáo năm 2007-08 của ÐCSVN để đào tạo 21,811 cán bộ tôn giáo cộng sản nhằm vào việc quản lý chính trị trong tôn giáo, với chú tâm đặc biệt nhắm vào thành phần dân tộc thiểu số" (Vietnam News Agency, 6/13/07). Những "cán bộ" tôn giáo này sẽ bảo đảm các giáo hội và tín đồ phải tuân thủ theo những yêu cầu bắt buộc đăng ký của Ban Tôn giáo nhà nước và sự kiểm soát tôn giáo của cộng sản.

Nhà nước CSVN liên tục hứa hẹn là sẽ giảm bớt việc áp bức tôn giáo trong khi đó lại gia tăng đàn áp những ai cổ vũ cho tự do tôn giáo. Chính quyền cộng sản không phân biệt trong việc họ đàn áp tín ngưỡng, hoặc người mà họ ngược đãi - cả đàn ông lẫn phụ nữ. Ðáng chú ý nhất là Linh mục Công giáo Tađêô Nguyễn Văn Lý, người đã bị bịt miệng và kềm giữ như được miêu tả trên màn ảnh truyền hình trong khi bị kết án nhiều năm tù, trong một phiên toà kiểu kangaroo ở Việt Nam.

Hoà thượng Thích Huyền Quang, 87 tuổi, vị Tăng thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) vừa viên tịch gần đây, ngài là một trong những vị lãnh đạo tinh thần được thương mến và kính trọng nhất ở Việt Nam, cùng với người lãnh đạo phụ tá là Hòa thượng Thích Quảng Ðộ đã bị đày ải ngay trong nước vào năm 1982 và giam lỏng tại các tỉnh xa xôi suốt 26 năm qua vì từ chối không chịu đưa Phật giáo Việt Nam vào vòng kiểm soát của Ðảng cộng sản.

Mặc dù có trên 80% Phật tử Việt Nam trung thành với GHPGVNTN, nhưng chính phủ vẫn từ chối không công nhận GHPGVNTN và tiếp tục cố tình bắt buộc các thành viên gia nhập vào Giáo hội Phật giáo Việt Nam do nhà nước cộng sản kiểm soát. Các tăng ni và thành viên của GHPGVNTN, cùng với Giáo hội Phật giáo Hoà hảo và Giáo hội Phật giáo người Khmer Krom (người Miên thiểu số ở Việt Nam) vẫn liên tục bị sách nhiễu, đánh đập và bỏ tù.

Vào ngày 8 tháng 2, hai trăm nhà sư Phật giáo người Khmer Krom đã ôn hoà biểu tình ở Sóc Trăng, Việt Nam, để đòi hỏi tự do tôn giáo. Nhà nước Việt Nam phản ứng bằng cách đánh đập họ tàn nhẫn, bắt giữ và bỏ tù 19 nhà sư --trong đó 5 người bị tuyên án tù từ 2 đến 4 năm. Nhà cầm quyền Việt Nam còn đi xa hơn khi tổ chức bắt cóc Thượng tọa Tim Sakhorn, một công dân Cambodia và là nhà sư trụ trì Chùa Phnom Den ở tỉnh Takeo, Cambodia, đồng thời cũng là người giúp đỡ những người tị nạn Khmer Krom trốn thoát cảnh đàn áp tôn giáo ở Việt Nam sang Cambodia xin tị nạn. Thượng tọa Tim Sakhorn bị bỏ tù ở Việt Nam và trớ trêu thay, bị buộc tội là đã vượt biên giới không có giấy phép hẳn hòi. Gần đây nhất, nhà cầm quyền Việt Nam tuyên bố là Thượng tọa Tim Sakhorn đã được phóng thích, nhưng không một ai ngạc nhiên là ông ta đã "mất tích" kể từ đó.

Trong khi các cán bộ quan chức CSVN có thể đi lại thoải mái khắp đất nước Hoa Kỳ, thì các giới chức Hoa Kỳ lại không thể đi lại thoải mái ở Việt Nam mà không có sự thông báo trước cho chính quyền trung ương lẫn địa phương, và bị theo sát bởi những cán bộ nhà nước và nhân viên an ninh. Các cơ quan nhân quyền của Liên Hiệp Quốc lẫn các tổ chức nhân quyền độc lập đều không được phép có đại diện ở Việt Nam; do đó, các sự kiện xảy ra như việc "mất tích" của nhà sư Cambodia, hoặc một số lớn các vụ xúc phạm nhân quyền, không thể nào điều tra được.

Rất đều dặn, các tín hữu thuộc các giáo hội Tin Lành tư gia bị vây bắt và đánh đập, dí cho điện giật, và bỏ tù khi họ từ chối không chịu tham gia vào các giáo hội quốc doanh do cộng sản kiểm soát. Có nhiều báo cáo liên tục đưa ra từ Việt Nam rằng nhiều đàn ông và phụ nữ người Thượng Montagnard và Hmong vẫn phải chịu đựng sự bắt buộc từ bỏ đức tin Ki-tô giáo của họ, thường đưa đến hậu quả là bị tra tấn và đôi khi bị chết. Năm 2007, khi "chủ tịch" của cộng sản Việt Nam Nguyễn Minh Triết gặp gỡ Tổng thống Bush tại Toà Bạch Ốc, thì anh Y-Het Vin, một thanh niên người dân tộc thiểu số Hroi ở Phú Yên bị công an tôn giáo tra tấn. Anh đã chết vì các vết thương sau nhiều ngày bị công an đánh đập với mưu toan bắt buộc anh phải công khai chối bỏ đức tin Ki-tô. Ðây không phải là một trường hợp lẻ loi.

Trên 350 tù nhân chính trị người Thượng Montagnard, có nhiều người là các nhà truyền giáo Cơ Ðốc, đang mòn mỏi trong tù, và con số bị chết hoặc bị tra tấn trong khi tù đày thì không được biết rõ.

Vì sự liên tục bách hại tôn giáo và các xúc phạm nhân quyền khác, một số lớn người Thượng Montagnard vẫn tiếp tục đào thoát sang Cambodia xin tị nạn với Cao uỷ Liên Hiệp Quốc. Nhưng thật đáng buồn, chính sách của Cao uỷ Tị nạn Liên Hiệp Quốc đối với người Thượng Montagnard lại bị ảnh hưởng nặng nề của nhà cầm quyền CSVN, và người Montagnard tiếp tục bị bắt buộc phải quay về với cộng sản Việt Nam, và vì thế vi phạm vào hiến chương Liên Hiệp Quốc.

Cũng tương tự đáng buồn cho người Thượng Montagnard bị ngược đãi, là chính sách tị nạn của Hoa Kỳ, cũng bị ảnh hưởng nặng nề của CSVN. Trong một chuyến đi đến Cambodia hồi tháng Hai năm 2007, bà Ellen Sauerbrey, phụ tá Bộ trưởng dân số, tị nạn và di dân, đã nói trong một cuộc họp báo rằng người Thượng Montagnard nên ở lại Việt Nam và đừng đi xin tị nạn tại Cambodia vì các quan chức nhà nước Việt Nam đã bảo đảm với bà ta là người Montagnard sẽ không bị hành hạ.

Hãy nói như vậy với chị H'Suin Rmah, một người Montagnard vừa mới đào thoát sang Cambodia xin tị nạn với Cao uỷ Liên Hiệp Quốc sau khi bị cán bộ quan chức CSVN hãm hiếp. Chị đang sống trong sợ hãi, không biết là Cao uỷ Liên Hiệp Quốc có trả chị ta về Việt Nam hay không, mặc dù với bản chất của tội ác mà chị đã phải chịu đựng, thì chị đủ tư cách để được tái định cư tại Hoa Kỳ. Có nhiều trường hợp được báo cáo là phụ nữ Montagnard bị công an, cán bộ nhà nước địa phương liên tục hãm hiếp như là một cái giá phải trả để được cấp giấy tờ, hộ chiếu.

Bằng chứng cho thấy lời khuyến cáo của bà Sauerbrey là một cách xử sự rất kém cỏi. Vào tháng Tư năm nay, công an đã bắt giữ ông Y Ben Hdok ở Ðắc Lắc sau khi ông ta và nhiều người Montagnard khác ở cùng một quận huyện đã cố trốn chạy khỏi sự ngược đãi và xin tị nạn tại Cambodia. Công an Việt Nam đã từ chối không cho gia đình hoặc một luật sư vào thăm trong 3 ngày ông bị giam giữ. Vào ngày 1 tháng 5, công an bảo vợ ông Y Ben đến để nhận cái xác bị bầm dập của ông. Xương sườn và xương tay chân bị gãy nát, và răng của ông Y Ben đã bị rụng mất. Công an gán cho cái chết của ông Y Ben là một "vụ tự sát". Ðây không phải là một trường hợp riêng lẻ, và xảy ra quá thường xuyên.

Tổng thống Bush đã từng nói tự do tôn giáo là "quyền tự do đầu tiên của linh hồn con người". Nhưng ông ta sẽ không đến tham dự các buổi cầu nguyện ở nhà thờ St Johns ở bên kia đường từ Toà Bạch Ốc, nếu nhà thờ đó do đảng cộng sản kiểm soát, thế thì tại sao các phụ tá đề ra các chính sách đối ngoại của ông ta nghĩ là người dân Việt Nam muốn thờ phượng trong các nhà thờ chùa chiền bị kiểm soát bởi một chế độ chuyên môn đàn áp mà tôn giáo duy nhất của họ là cộng sản vô thần?

Chính sách lầm lẫn của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ về tôn giáo ở Việt Nam gởi một thông điệp rằng, nếu Hoa Kỳ ủng hộ việc cộng sản kiểm soát các tôn giáo, thì chúng ta cũng nên ngoảnh mặt làm ngơ đến việc họ liên tục đàn áp và bỏ tù những người chủ trương ủng hộ cho nhân quyền, dân chủ, tự do ngôn luận và tự do truy cập internet. Ðây chính là chính sách ngoại giao Coca Cola ở mức tồi tệ nhất, và tạo ra lợi thế cho cùng một chế độ tàn ác đã từng giết hại hơn 1 triệu người dân của họ.
_____________________________________
Michael Benge đã trải qua 11 năm ở Việt Nam với chức vụ Tuỳ viên Ngoại giao, bao gồm 5 năm là tù binh chiến tranh --1968-73, và là một sinh viên khoa Chính trị Ðông Nam Á. Ông rất tích cực trong việc cổ vũ cho nhân quyền và tự do tôn giáo, và đã viết khá nhiều về những đề tài này.

http://frontpagemagazine.com/Articles/Read.aspx?GUID=6B36AFC6-CFB6-4B60-9DF2-28D53B42A37F.

Phan Lưu Quỳnh lược dịch

No comments:

Post a Comment