Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy
NHẮC LẠI TIỂU SỬ GIÁO SƯ NGUYỄN NGỌC HUY
Cách mạng Quốc Gia Việt Nam trong thập niên 1930- 1940 đã sản xuất nhiều thiên tài như Đức Giáo chủ Huỳnh Phú Sổ, như ông Lý Đông A, Trương Tử Anh ... thì thế hệ kế tiếp, cách mạng Việt Nam từ giai đoạn cuối thập niên 1940 cho đến nay cũng khó tìm được một người như Giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.
Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một bản trường ca của một người yêu nước nồng nàn, hết lòng tận tụy trong công cuộc đấu tranh cho độc lập, cho tự do và dân chủ Việt Nam. Ngoài là một nhà cách mạng, một nhà chính trị, ông còn là nhà thơ, nhà báo, một học giả, một nhà khoa bảng, một nhà nghiên cứu, một người Thầy đã đào tạo rất nhiều nhân tài cho đất nước.
Cuộc đời và sự nghiệp của Giáo sư là một thể hiện hiếm hoi của tấm gương tranh đấu. Tranh đấu với cuộc sống, tranh đấu với bản thân, và tranh đấu cho đất nước.
Giáo sư sinh ngày 2 tháng 11 năm 1924 tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhưng quê quán là quận lỵ Tân Uyên, Biên Hòa. Lúc nhỏ học tiểu học tại quận lỵ Tân Uyên, và Cao Đẳng ở trường Pétrus Ký. Vì hoàn cảnh gia đình, chưa học hết bậc trung học, Giáo Sư phải xin làm Thư Ký tại Tòa Hành Chánh Cần Thơ.
Lúc còn trẻ, Giáo Sư rất yêu thơ và say mê sử. Khi làm thư ký tại Tòa Hành Chánh Cần Thơ, Giáo Sư bắt đầu sáng tác thơ hùng ca với bút hiệu Đằng Phương, nhưng vì dè đặt không gởi đăng báo nào cả, mãi đến năm 1945 chỉ còn nhớ lại một số bài như “Giòng Nước Sông Hồng, Chiến Sĩ Trần Triều, Bản Hành Quân Trương Phụ, Gởi Nguyễn Du..” sưu tập thành tác phẩm thơ hùng ca duy nhất của văn học Việt Nam hiện nay là tập thơ Hồn Việt. Tại sao chỉ làm thơ hùng ca, Giáo sư xác định:
- Tôi chỉ là một người dân nước Việt
Cảm nỗi buồn của kẻ mất quê hương
Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương
Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc
Lúc đường sống mịt mù chưa thấy được
Tôi mượn thơ để tỏ nỗi căm hờn
Nỗi u buồn chán nãn kẻ cô đơn
Khôn phụng sự giang sơn như ý nguyện.”
Với tình hình Việt Nam trong các năm đầu thập niên 40, người thanh niên trẻ Nguyễn Ngọc Huy, với lòng yêu nước nồng nàn, say mê công nghiệp anh hùng, liệt sĩ, ước mong được phụng sự giang sơn, dĩ nhiên đã không thể không bước theo tiếng gọi của non sông lúc bấy giờ. Đầu năm 1945, ông gia nhập Đại Việt Quốc Dân Đảng do Đảng Trưởng Trương Tử Anh thành lập để cùng sát cánh với những thanh niên yêu nước từ Bắc đến Nam, cùng tranh đấu cho sự độc lập của đất nước và sự sinh tồn của dân tộc. Sự nghiệp chính trị của Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy đã bắt đầu từ lúc này và đeo đuổi cho đến hơi thở cuối cùng.
Năm 1946, nhận thấy Mặt Trận Việt Minh là một tổ chức trá hình của đảng Cộng Sản và bị đảng Cộng Sản thao túng, Giáo Sư rời bỏ chiến khu về Sài Gòn và xin làm việc tại Thư Viện Quốc Gia, ăn ngủ ngay nơi làm việc. Trong thời gian này, Xứ Bộ Miền Nam của Đại Việt Quốc Dân Đảng giao cho Giáo Sư nhiệm vụ nghiên cứu, viết tài liệu tuyên huấn và bài vở cho các tờ báo ngoại vi của đoàn thể như tờ Thanh Niên, Đuốc Việt.. Ngoài những bài chính trị, Giáo Sư còn viết các bài châm biếm, trào phúng nên cũng dùng các bút hiệu như Cuồng Nhân, Ba Xạo. Vì anh em trong Ban Biên Tập của tờ Đuốc Việt phải lấy bút hiệu có chữ Việt đi kèm, nên Giáo Sư còn có bút hiệu là Việt Tâm. Năm 1948, Giáo Sư đã được tấn phong làm Ủy Viên Ban Chấp Hành Trung Ương của Đại Việt Quốc Dân Đảng.
Năm 1949, vì tình hình đất nước và nhu cầu của Đại Việt, Giáo Sư làm việc toàn thời gian cho Đảng. Ra Nha Trang làm huấn luyện viên chính trị cho trường Cán Bộ Thanh Niên Nha Trang. Năm 1951, Giáo Sư được đưa ra Bắc để phát triển Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn ở Bắc, nhưng cũng trong năm này chính phủ Nguyễn Văn Tâm ra lệnh giải tán Bảo Quốc Đoàn, nên Giáo Sư lại về Sài Gòn và được mời dạy Quốc Văn tại trường Trung Học Lê Bá Cang. Trong thời gian này, Giáo Sư vừa dạy học vừa học thi lấy bằng Tú Tài.
Năm 1955, Giáo Sư được Đảng chỉ định sang Pháp để giúp Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn. Qua Pháp, Giáo sư vừa làm việc cho Đảng, vừa mưu sinh, vừa ghi danh học trường Chính Trị Khoa Học Paris, trường Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Năm 1958, tốt nghiệp Viện Nghiên Cứu Chánh Trị khoa Bang Giao Quốc Tế. Năm 1959, tốt nghiệp Cử Nhân viện Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế Paris. Năm 1960, tốt nghiệp Cao Học với luận án: “ Lễ Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Thời Cổ”. Năm 1963 lấy văn bằng tiến sĩ trường Luật Khoa và Khoa Học Kinh Tế với luận án: “Người Ưu Tú Trong Tư Tưởng Chính Trị Trung Quốc Thời Cổ”. Vừa lấy được văn bàng Tiến Sĩ, trong nước, Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ nên Giáo Sư phải tức tốc bay về Sài Gòn.
Sau cuộc chỉnh lý của Tướng Nguyễn Khánh ngày 10 tháng 1 năm 1964, BS Nguyễn Tôn Hoàn được mời giữ chức Phó Thủ Tướng đặc trách bình định, Giáo Sư được cử làm đổng lý văn phòng. Sự hợp tác giữa Đại Việt và tướng Nguyễn Khánh không kéo dài được lâu. Đại Việt đã chống lại Hiến Chương Vũng Tàu của tướng Khánh. Do sự chống đối này, Bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn và Giáo Sư bị buộc phải rời Việt Nam. Tuy nhiên, chỉ hai tháng sau, trước sự chống đối của sinh viên và các lực lượng quốc gia, tướng Khánh đã phải nhượng bộ trao quyền cho Cụ Phan Khắc Sửu và Trần Văn Hương. Lúc bấy giờ Giáo Sư lại trở về VN.
Trong Năm 1964, nội bộ Đại Việt Quốc Dân Đảng có những bất đồng rộng lớn, Xứ Bộ Miền Nam và những người chủ trương dân chủ hóa Đảng đã đứng ra thành lập Tân Đại Việt, Giáo Sư được ủy nhiệm chức vụ Tổng Thư Ký. Trong năm này G.Sư cũng ấn hành bộ sách Chủ Nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn gồm 2 quyển. Đây là bộ sách đầy đủ nhất về chủ nghĩa chỉ đạo của Đại Việt được cập nhật, thâu nhận thêm các tư tưởng Tự Do và Dân Chủ.
Từ năm 1965, Giáo Sư một mặt hoạt động xây dựng đảng Tân Đại Việt, một mặt đi dạy học để góp phần đào tạo cán bộ cho quốc gia. Từ năm 1965- 1975, Giáo Sư dạy môn Chính Trị và Hiến Pháp Học tại các trường Đại Học:
• Học Viện Quốc Gia Hành Chánh
• Đại Học Luật Khoa Cần Thơ
• Đại Học Sư Phạm Sài Gòn
• Đại Học Luật Khoa Huế
• Đại Học Vạn Hạnh và Minh Đức.
đồng thời cũng là giảng viên cho các trường:• Cao Đẳng Quốc Phòng
Giáo sư đã được mời giữ chức Khoa Trưởng trường Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Cần Thơ năm 1967 – 1968.
• Đại Học Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt.
• Trường Chỉ Huy Tham Mưu Cao Cấp.
Trong năm 1968, Giáo Sư được mời tham dự phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự Hòa Đàm Paris nên từ chức Khoa Trưởng trường Đại Học Luật Khoa và Khoa Học Xã Hội Cần Thơ. Đến Paris, Giáo Sư thấy âm mưu của Cộng Sản Bắc Việt chỉ dùng hòa đàm để mua thời gian và làm diễn đàn tuyên truyền nên sau khi giúp phái đoàn VNCH xây dựng hệ thống lý luận để đối phó với CS, Giáo Sư đi các nước Âu Châu để trình bày với kiều bào về tình thế chung và lập trường của Việt Nam Cộng Hòa, rồi trở về Sài Gòn. Năm 1973, Giáo Sư lại cũng được mời tham dự phái đoàn Việt Nam Cộng Hòa tham dự hội nghị La Celle Saint Cloud, nhưng cũng chỉ ở Pháp trong vài tháng.
Năm 1969, trở về từ Hội Nghị Paris, nhận thấy điều kiện chính trị trong nước có thể hoạt động công khai và nhu cầu cần thiết phải có một chính đảng mạnh để áp lực chính quyền cải tổ chế độ và đấu tranh với Cộng Sản nên Giáo Sư vận động đồng chí Tân Đại Việt, một số nhân sĩ và một số đồng chí Việt Nam Quốc Dân Đảng thành lập Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến. Giáo sư Nguyễn Văn Bông được suy cử làm chủ tịch và Giáo Sư làm Tổng Thư Ký. Chủ trương của Phong Trào Quốc Gia Cấp Tiến một mặt giúp chính quyền trong việc đối phó với Cộng Sản, một mặt đòi hỏi chính quyền phải thực thi dân chủ, chấm dứt nạn tham nhũng và đưa bè phái bất tài nắm giữ các chức vụ quan trọng.
Việt Nam Cộng Hòa, do hậu quả của bất tài và tham nhũng cai trị, đối lập quá khích do Cộng Sản giựt giây liên tiếp gây rối loạn hậu phương, làm dân chúng hoang, thế lực phản chiến ở Hoa Kỳ có cơ hội khai thác nên cuối cùng phải bị mất trong ngày 30 tháng Tư, 1975.
Năm 1975, sang Hoa Kỳ, Giáo Sư được mời làm việc cho trường Đại học Havard. Trong mấy năm đầu, công việc chính của Giáo Sư là chú thích Bộ Luật Hồng Đức sang tiếng Anh. Công trình này đã được Ohio University Press ấn hành dưới tên The Lê Code. Bên cạnh việc dịch thuật này, Giáo Sư đã nghiên cứu sâu rộng thêm và viết bộ Bộ Quốc Triều Hình Luật gồm 9 quyển, Quyển A mang tựa đề là Bộ Luật Quốc Triều Hình Luật Trong Pháp Chế Sử Việt Nam. Qua quyển này, Giáo Sư trình bày sơ lược vế pháp chế sử Việt Nam, nói lên những đặc điểm của Bộ Luật Hồng Đức. Quyển I và quyển VI phiên dịch và chú thích 6 quyển Quốc Triều Hình Luật. Hai quyển chót đăng bản dịch các tài liệu phụ thuộc cho bộ luật nhà Hậu Lê là Khám Tụng Điều Lệ và Quốc Triều Thư Khế, các bản đối chiếu, sách dẫn để giúp độc giả dễ dàng tra cứu. Bộ sách Quốc Triều Hình Luật có thể nói là công trình nghiên cứu văn hóa công phu và sáng giá nhất kể từ năm 1975 đến nay.
Là một nhà ái quốc cách mạng, công tác văn hóa không phải là công tác chính mà Giáo Sư theo đuổi. Con tim và bầu nhiệt huyết của Giáo Sư vẫn là hoài vọng cho một nước Việt Nam Tự Do. Năm 1981, Giáo Sư thành lập Liên Minh Dân Chủ Việt Nam và được bầu làm Chủ Tịch Ủy Ban Chấp Hành Trung Ương. Uy tín, tài năng và đức độ của Giáo Sư đối với anh em Liên Minh, không chỉ là một lãnh tụ, mà là một người Anh, một người Thầy bất khả thay thế. Chủ trương chiến lược của Liên Minh ngoài xây dựng lực lượng mạnh ở hải ngoại, ở trong nước, còn phải đẩy mạnh công tác vận động sự giúp đỡ của các quốc gia tự do và đặc biệt không để lệ thuộc vào một quốc gia duy nhất nào. Ngay cả Hoa Kỳ. Do quan niệm này, năm 1986, Ủy Ban Quốc Tế Yểm Trợ Việt Nam Tư Do đã được Giáo Sư vận động và thành lập ở Bỉ qui tụ hàng trăm dân biểu, nghị sĩ, và tướng lãnh của nhiều nước trên thế giới. Ông Paul Vankerkhoven, một dân biểu của Nghị Viện Âu Châu đã được bầu làm chủ tịch của Ủy Ban này. Song song với phát triển Ủy Ban Quốc Tế, Giáo Sư cũng đã cùng nhiều đoàn thể và nhân sĩ quốc gia ngồi chung nhau thành lập Phong Trào Tham Gia Ủy Ban Quốc Tế để mọi khuynh hướng chính trị có thể ngồi chung nhau cùng làm công tác ngoại vận, tạo cơ hội làm việc chung, tiến tới việc đoàn kết lực lượng quốc gia hải ngoại. Đối với các hệ phái Đại Việt, Giáo Sư cũng nỗ lực vận động để hai hệ phái Tân Đại Việt và Đại Việt Cách Mạng kết hợp lại với nhau, phiên họp đầu tiên của các lãnh tụ Đại Việt ấn định chương trình thống nhất được triệu tập năm 1988, tại San Francico. Theo đó, trong vòng 4 năm sẽ thống nhất Đảng. Chẳng may Giáo Sư mất sớm nên sự kết hợp đã không được thành công như mong muốn.
Khi Liên Minh Dân Chủ Việt Nam dưới sự hướng dẫn của Giáo Sư đang trên đà phát triển lực lượng ở hải ngoại, lực lượng trong nước và đẩy mạnh công tác ngoại vận, thì bệnh ung thư mà Giáo Sư đã chịu đựng trên mười năm đã không cho phép Giáo Sư tiếp tục hướng dẫn đoàn thể để đi đến mục tiêu cuối cùng, cũng không cho phép Giáo Sư được chủ tọa Đại Hội Liên Minh Dân Chủ đang sắp đến ngày tổ chức ở Hòa Lan. Giáo Sư đã vĩnh viễn ra đi lúc 9:30 giờ ngày 28 tháng 7 năm 1990. Hưởng thọ 67 tuổi. Tang lễ được cử hành ngày 5 tháng 8 năm 1990, và lễ hỏa táng được cử hành một ngày sau đó.
Giáo sư vĩnh viễn ra đi để lại hậu thế một tấm gương sáng trên con đường tranh đấu, tấm gương sáng của một chiến sĩ quả cảm kiên cường, hy sinh mọi vui thú của đời người, hy sinh gia đình, khắc phục bệnh hoạn để hiến thân cho lý tưởng, thì trên lãnh vực văn học, Giáo Sư cũng đã lưu lại cho hậu thế một tài sản rất lớn. Ngoài hàng trăm bài bình luận, nhận định, và thuyết trình, còn có trên 20 tác phẩm, với ba thứ tiếng Việt, Anh và Pháp.
Giáo sư ra đi chẳng những là một mất mát vô cùng lớn lao cho Liên Minh Dân Chủ Việt Nam, mà sự mất mát chung rất lớn lao cho công cuộc đấu tranh của người quốc gia Việt Nam. Một sự mất mát chung của nền văn học Việt Nam.
Đối với công cuộc tranh đấu chung, tinh thần Giáo Sư là tinh thần tranh đấu không ngưng nghỉ, tinh thần luôn luôn đặt đại cuộc lên trên mọi dị biệt cá nhân, tinh thần đoàn kết và hài hòa với anh em, với mọi người. Hy vọng rằng mỗi ngày lễ tưởng niệm Giáo Sư, tinh thần của Người sẽ thắp sáng trong lòng của mọi đoàn viên Liên Minh, của đồng chí Đại Việt, của mọi người Việt quốc gia hải ngoại để chúng ta cùng hướng về tương lai chung của dân tộc, và cùng nhau đưa cuộc tranh đấu cho tự do và dân chủ sớm đi đến thành công.
Ngày 28 tháng 7 năm nay, đúng 10 năm Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy nằm xuống, đoàn viên Liên Minh Dân Chủ Việt Nam hẳn không ai không khỏi ngậm ngùi tưởng nhớ người Anh Cả kính yêu., Trong lúc tưởng nhớ tới Anh, người đoàn viên do Anh xây dựng có lẽ cũng nên tự hỏi chính mình sau khi Giáo Sư ra đi anh em đã làm gì cho sự nghiệp đấu tranh chung còn đang dang dở? Liên Minh Dân Chủ đã phát triển tới đâu? Có thể hoàn thành tâm nguyện Giáo Sư hay không? Mấy năm sau khi Giáo Sư nằm xuống, Liên Minh ra mắt Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ đã làm cho đoàn thể chia rẽ, cộng đồng người Việt tỵ nạn phản đối.
Nhiều năm đã đi qua, thành phần lãnh đạo Liên Minh đã nghiêm chỉnh tự hỏi Phong Trào Quốc Gia Thống Nhất Dân Tộc và Xây Dựng Dân Chủ đã “thành công” như thế nào? Đã sai lầm chiến lược và chiến thuật như thế nào một cách nghiêm chỉnh hay chưa? Những sự sai lầm đáng trách nào đó do một số người lãnh đạo Liên Minh sau khi Giáo Sư mất làm ra, nhưng vẫn tiếp tục mượn danh Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy, lấy uy tín của người Anh Cả để bào chữa cho những việc làm sai trái của mình đó là điều vô cùng đang trách.
Mong rằng nhân ngày giỗ 18 năm của Giáo Sư Huy, những nghi ngờ chung quanh vụ đạo diễn Phong Trào Thống Nhất Dân Tộc & Xây Dựng cần phải được làm sáng tỏ, phải được trả lời một cách rõ ràng để trả lại sự trong sạch cho Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.
(Lấy từ: http://take2tango.com/default.aspx?display=4736)
No comments:
Post a Comment