- Việt Nam, sáu tháng đầu tiên của năm 2008
Tình hình Việt Nam
Việt Nam ta cũng không tránh khỏi. Mặc dù giá xăng, giá gạo và vài nông yếu phẩm cần thiết được kềm giá do sự ủng hộ của chính phủ, nạn lạm phát vẫn không tránh khỏi. Lạm phát từ đầu năm đến nay được đánh giá chỉ là 25% thôi. Giá xăng mặc dù được bao cấp nay đã vượt khỏi một Mỹ kim một lít, giá tăng 50%. Một dĩa cơm bình dân ở chợ giá nay đã là 10 ngàn đồng VN. Một công nhân nếu ăn ngày hai buổi cơm dĩa sẽ tiêu xài chỉ có cá nhân mình thôi trên 2/3 phần lương bổng của mình (trường hợp chung, lương vào khoảng 800.000 đồngVN/tháng) – 16 000 đVN = 1 US$.
Đấy là chỉ nói tới xăng và gạo thôi, chưa kể tiền nhà, tiền điện, tiền nước, tiền củi, học phí con cái, bệnh hoạn. Lớp dân lao động nghèo đã đành. Từng lớp trung lưu cũng vậy, dân “chơi” chứng khoán, phá sản. Dân “đầu tư” bất động sản cũng thế: mượn tiền nhân hàng tiền lời 18 phân, mua nhà, mong bán đi được lời, nay nhà xuống giá 25% có khi 50%. Đã có vài trường hợp phá sản, nghe nói đã có người tự tử vì không trả nổi nợ ngân hàng (mặc dù đã mất nhà, nhưng vẫn còn mang nợ).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đầu năm nay, đi viếng nước Mỹ, xin viện trợ, xin lời “khuyên” của ông Greenspan để làm sao làm dịu cơn sốt lạm phát hiện đang hoành hành Việt Nam. Lời khuyên gì khi Việt Nam không có một tổ chức và một cơ cấu tốt để sửa sai?
Đồng thời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng cũng dắt một phái đoàn đi viếng giới chủ nhân xí nghiệp Pháp. Hiệp hội Chủ nhân các xí nghiệp tư doanh Pháp, đối thủ của Đảng cộng sản và Công đoàn Lao động Pháp ngày nay biến thành người bạn của Đảng Cộng sản Việt Nam. Còn đâu tình hữu nghị bất diệt ngày nào của thời Quốc tế Vô sản? của thời “quốc tế Ca” - “Vùng lên hởi những nô lệ của thế gian …”?
Thế gian tư bản là của những người làm ăn, thế gian tư bản của những người chỉ biết lợi nhuận đang khuyến khích những tay nhà giàu mới, những kẻ tập tễnh làm ăn, kiểu Việt Nam, chạy đua vào nghề thương mãi tư doanh, miệng nói nào thị trường chứng khoán, nào dịch vụ ngân hàng, nào chỉ số phát triển, nhưng thật sự không biết thế nào là chứng khoán? thế nào là một bảng chiết tính Ngân hàng?
Vì sợ chỉ số Sản xuất đầu người GNP (GNP Gross National Product hay Produit National Brut) làm nản lòng các quốc gia chậm tiến, thí dụ Việt Nam là 550 dollars/năm. Người ta chế ra cái gọi là chỉ sô “tương đương mãi lực” (parité du pouvoir d’achat – equivalent of cost of life – hay equivalent of purchasing power). Thí dụ VN là 2500 US$. Nghĩa là mặc dù dân VN làm ra chỉ 500 US$ một năm thôi, nhưng thật sự họ có một mãi lực tương đương với 2500 US$. Nhưng đó là những chỉ số của những năm qua. Còn năm nay?
Nhưng vì ở trong một quốc gia có một chế độ chánh trị là Công An trị, nên Đảng cầm quyền mới yên tâm tuyên truyền độc diễn được, tung ra thế giới là hình ảnh một nước Việt Nam đang lên, một con Cọp con, hay một con Rồng con. Nhưng đó là “hình ảnh tươi mát” của bọn người cầm quyền bán cho bọn tư bản nhà giàu quốc tế, và cũng do các anh tư bản quốc tế muốn được như vậy “để trấn an dư luận của mình” nên cũng đang ca tụng để dụ khị các anh “chậm tiến” như VN để chấp nhận các anh tư bản bỏ tiền đầu tư bóc lột sức lao động dân Việt Nam. Nhưng tư bản vẫn là tư bản, chỉ có lợi nhuận mới là quan trọng, khi cần bỏ rơi, họ sẽ ra đi.
Một bằng chứng. Tuần qua, trong cơn sốt sửa soạn Thế vận Hội Beijing (Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa, Trung Hoa Cộng sản), Adidas, công ty sản xuất dụng cụ thể thao không ngần ngại tuyên bố sẽ đóng cửa các xưởng sản xuất ở Trung Hoa để dời qua Ấn độ hay các nước Đông Nam Á láng giềng (Việt Nam, Cao Miên, Lào). Viện cớ ở Tàu giá nhân công đã đến một cái mốc gọi là mắc rồi – 120 US$. Ở Ấn độ chỉ 100 US$, còn Việt Miên Lào hãy còn là 35 US$. Adidas, khi tuyên bố như vậy không cần đoái hoài đến vận mạng thợ thuyền địa phương (ở đây là Tàu) và cũng chả cần đến thị trường tiêu thụ địa phương (thị trường Tàu). Việc nầy chứng minh cho ta rõ là các nhà tư bản đặt rất nhẹ vào cán cân, thị trường Tàu với 1 tỷ 300 triệu dân, khi cần lợi nhuận họ vẫn giải quyết như thường, đặc biệt là khi họ đã tạo được nhu cầu và thị trường cho giầy và dụng cụ thể thao. Nói tóm lại Đảng cộng sản Tàu ngày mai có tẩy chay được hàng Adidas không? Chuyện ấy sẽ hạ hồi phân giải, vì, và, sẽ còn nhiều hiệu nữa cũng sẽ ra đi.
Như vậy chúng ta, nay, khi đã nắm rõ tình hình thế giới trong cái suy nghĩ “trật tự thế giới” ấy, chúng ta phải tiên liệu làm sao để cho tự do, dân chủ, công bằng xã hội đến cho đất nước Việt Nam.
Còn những tình hình bề mặt?
Như những quyết định của Quốc hội Việt Nam vừa qua (Quốc hội Cộng sản bù nhìn):
- Nói về vai trò của Trí thức và vận động người Trí thức để đóng góp cho đất nước.
Từ nay Việt Nam chúng ta sẽ có một mô hình giai cấp mới theo định nghĩa của Đảng Cộng sản Việt Nam, ba giai cấp, theo thứ tự mới: Công –Nông – Trí. Quan trọng lắm, 60 năm mới được phục hồi. Trí, từ lúc “Trí Phú Địa Hòa đào tận gốc, giết tận rễ”, nay đã được sống lại và được vào làm thành phần thứ ba của xã hội. Đây cũng để chúng ta suy nghĩ đến cái bế tắc của Đảng Cộng sản. Nhưng khi ta thử so sánh với “Sĩ Nông Công Thương” của thời phong kiến? Chúng ta vẫn thấy Đảng cộng sản và cái giáo điều CS chủ nghĩa vẫn còn sợ chữ “thương” của giai cấp thương mãi.
Thế giới ngày nay là giai cấp của kinh tế thị trường, của tiếp thị, của ngành thương mãi. Lý luận giáo điều về sản xuất Công nghiệp là lý luận cùa đầu thế kỷ 20. Bắt đầu sau thế chiến thứ hai, sau khi đã xây dựng lại những tàn phá của chiến tranh, Âu Mỹ và Nhựt bổn đã bước ngay vào thời đại của Marketing rồi: Món hàng tiêu thụ được nhin toàn vẹn, từ khâu khám phá, kỹ thuật, sản xuất, gói hàng, thị trường … cho đến tay người tiêu thụ.
Cộng sản Việt Nam với não trạng thủ cựu mác-xít lê–nin–nít, vẫn còn suy nghĩ của Đại-nhảy-vọt mao-ít, tuy mồm nói là Kinh tế thị trường “xã hội chủ nghĩa” nhưng vẫn sợ Kinh tế thị trường
Chớ vội mừng vi Nguyễn Tấn Dũng vừa sửa sai Quân khu thủ đô, fire (giải nhiệm) các tướng lãnh. Ta chớ cho đó là một dấu hiệu tốt. Vì sửa sai ấy tuy là của ông thủ tướng đấy, nhưng đạo diễn thật là ai? Có phải của quan Thái thú Tàu không? Cắt lông cắt cánh “quân đội nhân dân Viêt Nam” cũng là tỉa bớt những đối lập có tinh thần “chống Tàu”?
Chớ vội mừng khi Công An, Nhà Nước và Đảng Cộng sản Việt Nam đang đổi chiến thuật bằng cách trục xuất các nhà đối kháng trong nước: Ls Bùi Kim Thành đã đến Mỹ, rồi nay mai các Ls Lê Thị Công Nhân, Nguyễn Văn Đài cũng sẽ đến Mỹ rồi Linh mục Nguyễn Văn Lý. Mỹ cũng đồng lõa trong chiến dịch nầy để “ba phải” làm vừa lòng cả trong lẫn ngoài.
Đảng Dân chủ Mỹ cũng sẽ đi đến một chánh trị “thoa dịu” để thỏa mãn mọi thành phần trong cái thế giới đầy căn thẳng của ngày hôm nay:
- Âu châu với Đông Âu, với Vùng Địa Trung hải
- Trung Đông với Palestine/ Do Thái (Thủ tướng Olmert vừa từ chức giao quyền cho bà Tzipi Livni, ôn hòa hơn) để nói chuyện với Syria và Iran; với những cuộc tự sát khủng bố ở Thổ Nhĩ Kỳ (Turkey – DCVOnline), ở Án Độ, ở Pakistan, ở Iraq – chống Shia, thân Mỹ.
Thế giới tạm yên lành ngày nay chỉ cón có Đông Á và Đông Nam Á:
- Đông Á với vai trò lưởng cực Nhựt-Tàu, nhưng với cục xương Bắc hàn mà chỉ có anh Nam Hàn trị được.
- Đông Nam Á, với vai trò anh Tàu lục địa đang chơi trò “anh cả ăn hiếp đàn em”, nhưng lại gặp hai cục xương khó nuốt là anh Đài loan (đang tiếp tục võ trang mua súng đạn của Mỹ) và anh Singapore – cũng là dân gốt Tàu với nhau. Lại thêm “không khí rất Hồi giáo” của Indonésia (đã từng dám ra tay “Sát” một triệu anh Tàu cộng dưới thời Suharto) và anh Mã Lai. ASEAN rất ô hợp, APEC cũng thế, chỉ có tiếng nhưng chẳng có miếng nào cả. Anh Tàu vẫn là kẻ cả. Hoàng sa, Trường sa, biển Đông vẫn là Nam Sa, Tây Sa và Nam hải (Tàu vừa cảnh cáo hảng dầu ExxonMobil của Mỹ không được ký kết với VN ở Biển Đông ).
Vai trò Hải ngoại chúng ta, vai trò các Đảng quốc gia
Bổn phận Hải ngoại chúng ta. Hãy nhận định cho rõ vị trí của mình. Khi rõ vị trí rồi hãy nhận định vai trò, để sống chung là làm bổn phận công dân của quê hương trú quán của mình, để sống chung với các đoàn thể đấu tranh cho nhạn dân Việt Nam cho quê hương gốc gác của mình.
Tạo một đối lập có trọng lượng kỹ thuật về mặt quản lý chánh trị, xã hội, kinh tế, kỹ thuật khoa học, mội trường, để hỗ trợ và đáp ứng vai trò làm tiếp liệu các đòi hỏi của các lực lượng đối lập chánh trị trong nước.
Phải có chương trình, phải có viễn kiến, vì vậy phải theo dõi cập nhựt hóa tinh hình kinh tế, xã hội, kỹ thuật thế giới. Nhiếu suy nghĩ cho những chương trình với những giả thuyết khác nhau: giá dầu lên 200 US$/một thùng, Tàu đánh Tibet, Tàu bị loạn Hồi giáo. Mỹ rút khỏi Iraq và Afghanistan nhường vai trò lại cho Tàu, ai sẽ làm chủ Nam Thái Bình Dương? …. Làm sao nâng cấp kỹ thuật công nhân VN? Vì hiện nay, ngay tại VN hay ở khâu xuất cảng Công nhân (Đại hàn, Mã Lai, Jordan, …) Công nhân VN là thứ công nhân hạng tồi không có tay nghế.
Hải ngoại chúng ta phải có mặt trong cái trận chiến; các Đảng phái quốc gia phải là đầu tàu:
- Đòi công bằng và đạo đức, trong tranh chấp chủ / tớ. Công nhân các nước chậm tiến phải được bảo vệ, phải cùng với các thế lực thế giới tranh đấu để các công nhân và công dân thế giới nhứt là ở các quốc gia và khu vực chậm tiến có được một đòi sống có an bình và công bằng xã hội. Công việc được bảo vệ, an lành, tình trạng lao động được an toàn, vệ sanh, giờ giấc, hưu trí, sức khoẻ, lỹ thuật được theo dỏi chăm sóc. Theo thế giới để du nhập vào VN. Những của ngõ có thể xâm nhập được, bảo vệ các người đang lao động tại nước ngoài, đang bị những chủ nhân địa phương bóc lột (thí dụ Mả lai, Jordan). Liên lạc với những nghiệp đoàn địa phương để họ bảo vệ người công nhân VN du nhập.
- Đòi các quyền con người tối thiểu của một nước tân tiến. Quyền lập hội, lập Đảng, làm báo, ngôn luân tự do, Tư do Hội họp … tự do tín ngưởng.
Thông tin, chuyển tin, biểu tình, nói chuyện, hội luận, viết bài, giữ truyền thống Việt Nam tự do dân chủ, không ngừng, không mệt mỏi. Bổn phận của chúng ta, bổn phận của những nhân chứng lịch sử, của một thời tự do, một thời dân chủ, một thời để thương, một thời để nhớ. Hãy tiếp tục để trả nợ cho các đàn anh đã nằm xuống cho Tự do, đã chết đuối trong biển cả. Bổn phận của chúng ta, bổn phận của những người sống sót.
Vì cái Việt Nam ngày nay là Việt Nam tuy là của những phái đoàn mang cà vạt mặc áo tây đi du lịch chánh trị ra xứ người; nhưng trong nước vẫn thiếu tự trọng và lễ độ ngoại giao tối thiểu đã đuổi khách ngoại giao quốc tế, đã mua vé máy bay hạng nhứt xuống ngồi ghế cá kèo.
Cũng đừng quên năm ngoái, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng qua Roma chào Giáo Hoàng Bê Nê Đíc tô 16 về đến nhà bắt ngay Linh mục Nguyễn Văn Lý và cho bịt miệng trước Tòa án.
Vì Việt Nam ngày nay là một cô ca–ve đang đi bản Tango trong một vũ trường quốc tế, một bước tiến, ba bước lùi: xập xàng, xập xình, du dương đấy, mê mẩn đấy! khách sộp quốc tế: Mỹ, Tây, Tàu nhưng Việt Nam hãy coi chừng khi thức dậy.
Khi tiếng nhạc Tango chấm dứt, không biết còn nước Việt Nam của người Việt Nam hay không? hay chỉ là một phần đất của một bộ phận dân tộc Việt, một thành phần trong các thành phần dân tộc: Hán, Mông, Hồi, Thanh, Tạng và Việt của tập thể các bộ phận dân tôc của nước Đại Hán.
Phan Văn Song
No comments:
Post a Comment