Sunday, August 3, 2008

Ngày Giới Trẻ Của Thế Giới


Ls. Hoàng Duy Hùng

Đầu thập niên 1960s, khi còn là một linh mục ở St. Florain thành phố Krakow, Polan, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II làm việc với một nhóm khoảng 200 người và ngài gọi là Srodowisko. Srodowisko có nghĩa là hoàn cảnh hoặc là nhìn tổng diện cả một bức tranh. Họ gồm có các bậc phụ huynh và con cái của họ. Nhóm người này sinh hoạt, liên đới với nhau rất gần gũi, thân thiết như một tiểu gia đình - Rodzinka. Trọng tâm của nhóm này là cổ suý giới trẻ ra sinh hoạt, đặc biệt, hỗ trợ cho giới trẻ nhận ơn gọi để trở thành một người dấn thân cho Thiên Chúa và Giáo Hội trong đời sống tu trì.

Trong ngôi vị Giáo Hoàng, Đức Gioan Phaolô II lúc nào cũng băn khoăn làm sao trẻ trung hóa Giáo Hội và làm sao Giáo Hội lắng nghe được tiếng nói của giới trẻ, và ngược lại, giới trẻ cũng dễ dàng cởi mở tâm hồn của mình với Giáo Hội hơn. Chính vì vậy, Giáo Hoàng Gioan Phaolô II nhớ lại Srodowisko, Ngài muốn áp dụng những kinh nghiệm của ngài đã có với Srodowisko cho giới trẻ trên toàn thế giới để họ có thể sinh hoạt với nhau cách thân thiện như một gia đình.

Năm 1984, để kỷ niệm Năm Thánh Cứu Chuộc, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II phát động chiến dịch Ngày Giới Trẻ - World Youth Day (viết tắt WYD). Ngày 15/4/1984, thánh lễ được cử hành tại Vương Cung Thánh Đường Thánh Phêrô, Vatican, và khoảng 300 ngàn giới trẻ tham dự. Năm đó, Đức Giáo Hoàng giao cây thánh giá cứu chuộc lại cho giới trẻ.

Ngày Giới Trẻ bắt đầu tạo sự chú ý trên toàn thế giới. Năm 1985, 300 ngàn giới trẻ tham dự ở Roma. Năm 1987, 900 ngàn người tham dự ở Buenos Aires, Argentina. Năm 1989, 400 ngàn người tham dự ở Santiago de Compostela, Spain. Năm 1991, 1 triệu 600 ngàn người tham dự ở Czestochowa nước Poland. Năm 1993, 500 ngàn người tham dự ở Denver. Năm 1995, 4 triệu người tham dự ở Manila, Philippines. Năm 1997, 1 triệu 200 ngàn người ở Paris. Năm 2000, 2 triệu người ở Rome. Năm 2002, 800 ngàn ở Toronto. Năm 2005, 1 triệu 200 ngàn người tham dự ở Cologne nước Đức. Năm nay, 400 ngàn người tham dự ở Sydney. Ba năm nữa, Ngày Giới Trẻ sẽ được tổ chức vào ngày 15 -21 tháng 8 năm 2011 ở Madrid, Spain.

Ngày 24/5/2005, Hồng Y Joseph Alois Ratzinger, lên kế vị ngai Giáo Hoàng. Chỉ vài tháng sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, ngài trở về cố hương nước Đức và tham dự Ngày Giới Trẻ ở Cologne. Năm đó, giới trẻ Việt Nam tham dự rất đông, và một đại kỳ Vàng Ba Sọc Đỏ đã được giới trẻ rước cách trang trọng. Đi đến đâu cũng thấy là cờ Vàng tới đó nên việc này đã làm cho nhà cầm quyền Hà Nội cảm thấy sượng sùng nhức nhối.

Vào ngày 4/6/2008, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn gởi một văn thư Mục Vụ đến 3 giám mục và bản sao được gởi đến nhiều nơi, trong đó Đức Hồng Y nhận định về Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ trong Đại Hội Giới Trẻ là sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ Việt Nam. Trong lá thư này, Đức Hồng Y còn nhận định thêm về lá cờ có lúc chỉ là biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng. Thêm vào đó, ngày 25/05/2008, trả lời phỏng vấn Catholic New Service, Đức Hồng Y nhắn nhủ người Việt ở hải ngoại hãy từ bỏ căn cước tỵ nạn cộng sản của mình: Tôi bảo họ, các bạn ở đây, các bạn không còn là người tỵ nạn nữa.

Những lời phát biểu trên của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn gây nhiều tranh luận và xáo trộn trong cộng đồng người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản. Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn dự trù đến dâng thánh lễ tại San Jose, nhiều người phản đối kịch liệt, họ dự trù tổ chức cuộc biểu tình phản đối ngài, ngài phải hủy bỏ chương trình dâng thánh lễ. Sau đó, ngài tính đi Seattle thì cũng bị sự phản ứng tương tự.

Chính vì sự phản đối dữ dội của người Việt hải ngoại, Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã không đến tham dự Ngày Giới Trẻ ở Sydney và ngài cũng hủy bỏ chương trình đến chủ tế Đại Hội Thánh Mẫu ở Dòng Đồng Công tại Missouri vào tháng 8 này.

Đứng trước sự phản ứng dữ dội của quần chúng, năm (5) cộng đồng Người Việt Quốc Gia tại Texas gồm có Houston, Dallas, Forth Worth, San Antonio và Austin cùng chung ra một Minh Định gồm có những điểm như sau:

1. Không đồng ý với nhận định của Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn.

2. Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là cờ của dân tộc, là biểu tượng tiến trình tranh đấu cho Tự Do và Dân Chủ.

3. Căn cước của người Việt ở hải ngoại là tỵ nạn cộng sản.

4. Ủng hộ Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia Tỵ Nạn Cộng Sản Úc Châu phất cao ngọn cờ Vàng trong Ngày Giới Trẻ và Ngày Biểu Dương Lực Lượng.

5. Để tránh những phân hóa không cần thiết, kính mong Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn không xuất hiện tại Ngày Giới Trẻ ở Úc và Đại Hội Thánh Mẫu tại Dòng Đồng Công Missouri. [Năm ngoái, ngày bế mạc Đại Hội, Dòng ĐC đã cả ngàn cho bong bóng bay cuốn theo lá cờ vàng 3 sọc đỏ rất lớn, lên bầu trời trong xanh, dưới mắt hoan hỉ của gần 50,000 người Việt hành hương. Năm nay mà có sự hiện diện HY Mẫn thì thế nào cũng bị HY phán là cờ vàng làm "nghẽn đường hiệp thông", thì kẹt cho Đại Hội quá. Dòng ĐC vẫn còn hận VC bỏ tù cha Thủ cho đến chết]

Trước khi lên ngôi Giáo Hoàng, Đức Benedicto XVI nổi tiếng là một nhà thần học cứng rắn và bảo thủ. Ngài từng là Chủ Tịch Bộ Tín Lý của Giáo Hội, và vì sự bảo thủ cứng rắn của ngài, nhiều người đã gọi ngài là gác dan giữ nhà đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Nhưng từ khi lên làm Giáo Hoàng, Đức Benedicto XVI có sự cởi mở và phóng khoáng hơn trước. Ngài đi lại con đường đối thoại của vị tiền nhiệm và nhiều người nhận định ngài sẽ hoàn tất những gì mà Đức Gioan Phaolô II đã để lại dang dở.

Trong tinh thần cởi mở và hiệp thông đó, Đức Benedicto XVI đến tham dự Ngày Giới Trẻ ở Úc được tổ chức từ ngày 15 -20 tháng 7/2008 tại Sydney. Đây là chuyến hành trình xa nhất của ngài từ khi lên làm Giáo Hoàng. Nghị trình chuyến đi của ngài, ngoài việc tham dự Ngày Giới Trẻ, ngài còn tiếp xúc với các vị lãnh đạo cao cấp và các con chiên tại lục địa này, đặc biệt, là ngài công khai xin lỗi các nạn nhân, nhất là những người thổ dân, đã bị các giáo sĩ lạm dụng tình dục gây tổn thương không những cho các nạn nhân mà cho cả toàn thể Giáo Hội. Đây là dấu hiệu cởi mở và hiệp thông của Vatican mà trước đây ít khi thấy. Trong buổi gặp gỡ Đức Hồng Y George Pell và các giáo sĩ, Đức Benedicto XVI yêu cầu Giáo Hội tại Úc phải quyết tâm hơn nữa trong việc thanh lọc hàng ngũ tu sỹ trong vấn đề sắc dục để giảm thiểu gương mù và làm rõ nét lại hình ảnh phục vụ tha nhân của Chúa Giêsu nơi trần thế.

Cởi mở và hiệp thông là nhu cầu của Giáo Hội và của dân tộc Việt Nam, nhưng cởi mở và hiệp thông như thế nào là một vấn đề rất tế nhị và phải ứng xử rất khéo léo kẻo gây ra nhiều ngộ nhận dễ đưa đến sự phân hóa trầm trọng mà Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn là một điển hình.

Đọc qua các ý kiến của những người trẻ trong nước trên trang nhà BBC, ai cũng thông cảm nỗi khổ tâm của giới trẻ ở Việt Nam khi ra nước ngoài tham dự Ngày Giới Trẻ e sợ đứng dưới lá cờ Vàng khi trở về nước sẽ gặp khó khăn với công an. Đây là phạm trù chính trị, đáng lẽ Đức Hồng Y Phạm Minh Mẫn nên thinh lặng vì nó không phải là phạm vi chuyên môn của ngài. Nếu ngài thinh lặng thì không ai trách cứ được ngài, cả nhà cầm quyền CSVN cũng không có lý do gì để phàn nàn. Nhưng nếu ngài lên tiếng, ngài nên né tránh những khía cạnh tiêu cực của cả hai bên, ngài nên tập trung vào khía cạnh tích cực, chắc chắn ngài đã tạo nhịp cầu cho sự hiệp thông mà ai cũng mong muốn. Âu đó cũng là một kinh nghiệm để các vị lãnh đạo tinh thần khác suy gẫm trước khi phát biểu điều gì.

Cách phát biểu của Đức Hồng Y đã không mang lại kết quả như ngài mong muốn, ngược lại, người Việt tại Úc tổ chức một cuộc biểu dương cờ Vàng khoảng 5 ngàn người tham dự tạo nên một dấu ấn lạ lùng trong Ngày Giới Trẻ. Đặc biệt, Đức Giáo Hoàng Benedicto XVI đã nhận một khăn quàng cổ cờ Vàng và choàng lên người, Ngài đã làm cho nhiều người xúc động không cầm được nước mắt. Nhiều người trẻ trong nước đi tham dự mang cờ Đỏ bỏ trong cặp của mình, trước khí thế của cờ Vàng, không dám trương ra, và một số bạn trẻ trở về trong nước viết trên các diễn đàn điện tử họ hãnh diện khi thấy cờ Vàng tung bay trong Ngày Giới Trẻ vì họ biết đó là cờ của Việt Nam thật sự.

Lời Kết:

Cởi mở và hiệp thông là nhu cầu của Giáo Hội và dân tộc Việt Nam nhưng đừng để cho quần chúng hiểu lầm đối thoại là sự đầu hàng êm ái. Dân tộc Việt Nam đã quá điêu linh mà còn nằm sát nách Trung Quốc khổng lồ với âm mưu bành trướng và thôn tính Việt Nam thì tất cả các con dân Việt Nam cần phải suy tính cân nhắc cẩn thận để cho đất nước sớm có Dân Chủ thật sự ngõ hầu chúng ta mới đủ giàu mạnh và thế lực để ngăn chận tham vọng đó của Trung Quốc.


L.s Hoàng Duy Hùng


No comments:

Post a Comment