Thursday, August 21, 2008

Ăn Trộm Tiếng Hát (Báo Chí)


bé Miaoke 9 tuổi và bé Peiyi 7 tuổi

Đỗ Thái Nhiên

Người ca sĩ bao giờ cũng mong muốn được trình bày một bản nhạc trong tình trạng tâm và thân hòan toàn thư thái. Có như vậy tiếng hát mới xuất thần, có như vậy tiếng hát mới đồng điệu với nhịp đập của quả tim. Ở vào một vài hoàn cảnh đặc biệt, hoặc vì mệt mỏi, hoặc vì không thể vừa hát vừa nhảy múa theo môt vũ điệu quá dồn dập người ca sĩ phải chọn một giải pháp “chẳng đặng đừng”. Giải pháp đó là: Ca sĩ thâu âm trước tiếng hát của mình để rồi khi trình diễn trên sân khấu ca sĩ chỉ nhép miệng theo tiếng hát tiền chế. Hát như vậy gọi là hát nhép. Hát nhép là hát giả theo tiếng hát thật của chính mình. Mặt khác nếu ca sĩ A hát vờ theo tiếng hát của ca sĩ B với chủ ý tạo cho khán thính giả sự ngộ nhận rằng A và B là một thì hát nhép trở thành một tội phạm.

Tội phạm kia gọi là tội ăn trộm tiếng hát. Câu chuyện ăn trộm tiếng hát xảy ra như sau:

Ngày 08/08/2008, cô bé Lâm Diệu Khả 9 tuổi đã góp phần vào lễ khai mạc Thế Vận Hội 2008 Bắc Kinh bằng cách trình bày bài hát “Ngợi Ca Tổ Quốc”. Trong bộ áo đỏ, tóc thắt bím, nụ cười thiên thần, giọng hát truyền cảm, bé Lâm Diệu Khả gần như lập tức nổi tiếng trên toàn Trung Quốc. Thế nhưng sau khi lễ khai mạc kết thúc, tin tức loan truyền cho biết người hát bài “Ngợi Ca Tổ Quốc” không là Lâm Diệu Khả 9 tuổi mà lại là cô bé Dương Bái Nghi 7 tuổi. Lâm Diệu Khả có nhan sắc thiên thần, Dương Bái Nghi có tiếng hát bay bổng. Từ đó nhà cầm quyền Bắc Kinh quyết định ăn trộm tiếng hát của Dương Bái Nghi. Sau đó, Bắc Kinh mang tiếng hát kia gắn vào miệng của Lâm Diệu Khả. Ăn trộm là đoạt lấy tài sản của người khác ngoài sự bằng lòng của nạn nhân. Nạn nhân Dương Bái Nghi chỉ mới 7 tuổi. Ở tuổi này, luật pháp ghi nhân Dương Bái Nghi chưa đủ khả năng trí tuệ để bằng lòng hay không bằng lòng cho phép người khác lấy đi tiếng hát của mình. Giờ chót có thể Cha Mẹ của Dương Bái Nghi đã thay mặt cô bé này để nói lên hai chữ bằng lòng theo kiểu nhân dân Tây Tạng “bằng lòng” cho dân Trung Quốc tràn ngập lãnh thổ Tây Tạng. Như vậy, không có sự chối cãi rằng Bắc kinh đã ăn trộm tiếng hát của em bé Dương Bái Nghi. Tiếng hát là loại tài sản vô hình của một người. Quyền của ca sĩ làm chủ tiếng hát của mình gọi là bản quyền tác giả. Ăn trộm bản quyền tác giả của bé Dương Bái Nghi, Bắc Kinh đã vi phạm điều 17 Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Điều này qui định quyền tư hữu của người dân phải được tôn trọng.

Khi được hỏi về lý do dẫn tới sự việc Bắc Kinh quyết định chiếm đoạt bản quyền tác giả của bé Dương Bái Nghi, ông Wang Wei phó chủ tịch ủy ban tổ chức Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 đã tỏ ra rất vô tư và thoải mái trả lời rằng; “Chúng tôi phải đặt lợi ích của đất nước lên trên hết”. Trong thực tế lợi ích của đất nước chính là lợi ích của đảng CS Trung Quốc. Lợi ích của đất nước là kiểu nói vu vơ nhất nhưng lại được nhà cầm quyền độc tài các loại thường sử dụng nhất trong việc biện minh cho những quyết định độc tài của giới thống trị.

Chẳng những coi thường quyền tư hữu của người dân, nhà cầm quyền Trung Quốc còn nhân danh quyền lợi tối cao của tổ quốc để coi thường hoặc nếu cân, hủy diệt toàn bộ hạnh phúc trong đời sống riêng tư của người dân. Ngày 15/08/2008 trong một bài phóng sự viết từ Bắc Kinh, ký giả Nguyễn Khanh, đài Á Châu Tự Do, cho biết:

“Tổng cộng Trung Quốc có hơn ba ngàn “nhà máy” quốc doanh chuyên sản xuất lực sĩ đẳng cấp quốc gia và quốc tế. Tại những nhà máy sản xuất lực sĩ này, vô số bé trai và bé gái phải rời khỏi mái ấm gia đình từ lúc mới lên năm lên sáu, phải tập luyện hàng chục tiếng đồng hồ mỗi ngày, mỗi năm chỉ được về thăm bố mẹ một hoặc hai lần.

Cô bé He Kexin, một trong sáu nàng công chúa, vừa chiếm chiếc huy chương vàng toàn đội nữ môn thể dục dụng cụ là một thí dụ

“Năm nay cháu mười sáu tuổi, tuổi con khỉ”, cô tâm sự với các nhà báo sau khi lãnh huy chương. Cô vào trại từ năm mới lên năm. Học tập đúng mười năm trước khi được ông huấn luyện viên công nhận “Đủ trình độ tốt nghiệp”. Năm ngoái vào ngày sinh nhật thứ 15 của cô, He Kexin cho biết “cháu mừng sinh nhật ở trong trai với các bạn” chứ không được về nhà chung vui cùng bố mẹ.

Ở một cuộc họp báo khác, nữ lực sĩ cử tạ Lui Chunhong tươi cười khoe chiếc huy chương vàng thứ nhì vừa đạt được(chiếc đầu tiên ở Athens 2004), bảo ngay: “ước mơ của em bây giờ là được phép về nhà thăm bố mẹ”, nói tiếp: “từ Thế Vận Hội 2004 cho đến bây giờ , cả thảy em được sống chung với bố mẹ chỉ có sáu ngày” (Hết lời dẫn)

Những thông tin về hàng ngàn “nhà máy” sản xuất lực sĩ tại Trung Quốc cho thấy lực sĩ Trung Quốc được đào tạo theo một chế độ hết sức đặc biệt. Đặc biệt có nghĩa là nhà nước Trung Quốc có toàn quyền tùy tiện bắt trẻ em 5 hay 6 tuổi tập trung vào những trại cấm goi là trại huấn luyện lực sĩ. Trai cấm không hề quan tâm tới tuổi thơ của học viên. Trại cấm ném bỏ ra bên ngoài trại mọi quan hệ tình cảm giữa cha mẹ với con cái, giữa anh chị em ruột thịt với nhau. Trại cấm chỉ biết tập trung vào công việc làm thế nào sau nhiều năm huấn luyện, học viên có được thể lực theo kiểu bắp thịt to, xương dài, gân cốt dõe dai. Trại cấm không bao giờ nói cho học viên nghe thế nào là tinh thần Olympic, tinh thần đoàn kết và hòa bình của toàn nhân loại. Trại cấm thường xuyên nhào nặn vào đầu óc của học viên chân lý quái đản rằng nhà nước là cha mẹ của dân, nhà nước có quyền cưởng đoạt tiếng hát, tuổi thơ và ngay cả mạng sống của bất kỳ người dân nào mà nhà nước muốn biến đương sự trở thành nạn nhân. Sau hơn một thập niên bị tôi luyện trong trai sản xuất nhân tài thể thao, trẻ em Trung Quốc sẽ trở thành những lực sĩ robot. Những lực sĩ này chỉ biết miệt mài chăm sóc bộ xương và bắp thịt của mình với tâm lý thường xuyên háo hức nghĩ đến các loại huy chương Olympic. Họ hoàn toàn vô cảm trước các vấn dề khác của đời sống. Dân chủ, nhân quyền, tình nhân loại là những gì hoàn toàn xa lạ.

Muốn nhận định chân xác về mối liên hệ giữa lực sĩ Trung Quốc và tổ chức Olympic, chúng ta nên trở về với buổi bình minh của lịch sử Olympic. Olympic ra đời từ năm 776 trước Công Nguyên tại thành phố Olympia, Hy Lạp. Thời bấy giờ Olympic là lễ hội thể thao chỉ dành riêng cho giới đàn ông quý phái dòng dõi Hy Lạp. Mãi cho đến năm 1896, Nam Tước người Pháp Pierre Frèdy de Coubertin mới biến Olympic cổ đại Hy Lạp thành Đại Hội Thể Thao Toàn Thế Giới ngày nay. Từ đó thế giới đồng lòng tôn vinh Olympic như là cơ hội bốn năm một lần giúp cho xã hội quốc tế, vận dụng những thi đấu thể thao để nhấn mạnh và đề cao chủ đề HÒA BÌNH và ĐOÀN KẾT cho toàn nhân loại. Như vậy hòa bình và đoàn kết là chính, các loại huy chương thể thao là phụ. Muốn diễn tả hòa bình và đoàn kết trên các sân đấu thể thao thì lực sĩ của quốc gia tham dự Olympic phải có đời sống lành mạnh cả về thể chất lẩn tinh thần.

“Lành mạnh về mặt thể chất” có nghĩa là lực sĩ phải thi đấu bằng thể lực tự nhiên của con người. Các hóa chất làm tăng thể lực, goi chung là doping, triệt để bị nghiêm cấm. Doping vừa tạo ra bất công trên đấu trường, vừa gây nguy hại cao độ cho sức khỏe của lực sĩ .

“Lành mạnh về mặt tinh thần”. Những phương tiện tối tân về vật lý, hóa học giúp con người khám phá ra những kẻ sử dụng doping, những kẻ có thể chất không lành mạnh một cách dễ dàng và chính xác. Bây giờ chúng ta hãy bàn tới đề tài: Thế nào là lành mạnh về mặt tinh thần?Tìm giải đáp câu hỏi vừa nêu chúng ta phải nhìn lại quá trình giáo dục và đào tạo dành cho một lực sĩ ở Trung Quốc. Như đã trình bày ở trên, quá trình kia chính là quá trình sản xuất ra đội ngũ lực sĩ robot.

Xin đừng quên rằng khi thể chất của lực sĩ bị doping xâm nhập thì những thi đấu thể thao trở nên bất công. Mặt khác, khi tinh thần của lực sĩ bị robot hóa thì những thi đấu thể thao trở thành những cuộc đọ sức giữa động vật với động vật. Tại sao thế giới chỉ chú trọng đến doping trong thể lực mà quên đi tình trạng robot hóa trong tim, óc của người lực sĩ?

Vụ Bắc Kinh ngang nhiên ăn trôm tiếng hát của một bé gái 7 tuổi đã làm nổi bật sự thật rằng tại Trung Quốc ngày nay: nhà nước là cha mẹ của dân. Từ vị trí cha mẹ kia, Trung Quốc quyết định thị uy thế giới bằng cách sản sinh ra hàng loạt lực sĩ robot. Phương cách thị uy vừa kể đã đẩy nhân loại tới vị trí đối diện với các ý nghĩ sau đây:

1) Lực sĩ robot đánh đuổi tinh thần hòa bình và đoàn kết cho toàn nhân loại (nội dung trọng tâm của Olympic) ra khỏi vận động trường.

2) Lực sĩ robot là sản phẩm của chủ nghĩa Fascist Trung quốc. Chủ nghĩa này kích động tinh thần dân tộc cực đoan nhằm buộc người dân Trung Quốc, muôn người như một, đoàn kết thành một khối, triệt để bảo vệ chế độ độc tài.

3) Văn hóa Fascist kiểu muôn người như một đã tạo ra cho lễ khai mạc Olympic Bắc Kinh 2008 nhiều màn trình diễn vô cùng hoành tráng. Những hoành tráng như vậy đã mạnh mẽ gợi nhớ Vạn Lý Trường Thành hoành tráng, Kim Tự Tháp Ai Cập hoành tráng. Bên dưới mỗi hoành tráng kia là vô số máu và nước mắt của người dân cùng khổ.

4) Olympic không cần những hoành tráng kiểu phô trương của bậc đại đế . Olympic bao giờ cũng trông chờ những tấm lòng hoành tráng, mỗi tấm lòng hoành tráng là một bó hoa tươi biểu tượng cho niềm ước mơ tha thiết về thế giới hòa bình và đoàn kết cho toàn nhân loại.

Đỗ Thái Nhiên

No comments:

Post a Comment