Sunday, August 10, 2008

HUYỀN THOẠI HOẠT ĐỘNG TÌNH BÁO PHƯỢNG HOÀNG của Tác giả “Đóa Hồng Gai”

Mai Vĩnh Thăng

Lời nói đầu

“Tôi suy nghĩ mãi mới quyết định viết những dòng nầy. Với đức tính khiêm nhường, người quốc gia chúng ta ít khi tranh luận các vấn đề nhạy cảm, tế nhị vì có thể đưa đến đụng chạm mất lòng. Nếu có, sẽ gây đổ vỡ, mất đoàn kết, có lợi cho Việt Cộng. Tuy nhiên một số sách báo hải ngoại ngày nay, vì vô tình hay cố ý trình bài sự việc một cách thiếu trung thực, lệch lạc sai sự thật. Cho dù lầm lỗi của chính tác giả, người góp ý hay tài liệu tham khảo, đều có thể đưa đến ngộ nhận, làm mất uy tín các nhân vật trong cuộc.

Cụ thể hơn nữa, một số văn nghệ sĩ thời cơ xôi thịt hoặc Cộng Sản trá hình tạo dựng những mẫu chuyện, lời ca chống Cộng nhưng hàm ý cứu Cộng và phỉ báng chính thể Việt Nam Cộng Hòa. Dù vậy khi bọn bọn văn nô nầy bị vạch mặt cũng có một số người bênh vực vì quyền lợi vật chất, quan điểm cá nhân hoặc xu hướng chính trị. Chừng ấy người Việt tỵ nạn chúng ta sẽ tự đào hố chia rẽ và làm suy yếu tinh thần chống Cộng.

Khi bình luận về “Đóa Hồng Gai” cũng sẽ có dư luận xuôi ngược. Nhưng tôi quan niệm rằng sự thật là chân lý và sẽ tồn tại với thời gian. Nói lên sự thật là tiếng nói của lương tâm, và tôi viết những dòng bình luận nầy cũng vì chân lý đó”.


Nhận xét

Tôi đã đọc quyển hồi ký Đóa Hồng Gai ấn bản lần thứ 5 của tác giả Nguyễn Thanh Nga, nhận thấy trong sách có những điểm thiếu trung thực nên xin góp ý. Mục đích bài viết nầy là để giúp tác giả hiểu rõ hơn về tổ chức và hoạt động của Chương trình Phượng Hoàng (The Phoenix Program), để từ đó độc giả có thể phân tích, nhân định về “Huyền thoại hoạt động tình báo Phượng Hoàng” của tác giả.

Sau tháng 4, 1975, người quốc gia phục vụ trong chính quyền và quân đội Việt Nam Cộng Hòa đều bị bọn Việt Cộng trả thù bằng nhiều hình thức khác nhau: bị thủ tiêu trong âm thầm, bi xử tử hình công khai để thị oai, bị hành hạ dã man, hoặc thông thường nhất, là nhốt trong trại tù mệnh danh là cải tạo. Tác giả Đóa Hồng Gai là một trong những tù nhân chính trị đó.

Trong dịp đến thành phố Brisbane, Úc châu vào đầu tháng 5 vừa qua, tác phẩm và tác giả Đóa Hồng Gai được quảng bá khá rộng rãi. Từ báo chí đến bích chương nhằm gợi tính hiếu kỳ để thu hút tối đa sự chú ý của người Việt địa phương. Nội dung quảng bá lần nầy cũng tương tự như lời giới thiệu trong ngày ra mắt tác phẩm Đóa Hồng Gai tại Little Saigon ngày 20/1/2008: “Một cựu tù nhân chính trị hoạt động tình báo trong Chiến dịch Phượng Hoàng bị giam ở trại Tiên Lãnh”.

Tuy nhiên suốt 243 trang của quyển hồi ký, độc giả không thấy có đoạn nào tác giả mô tả về tổ chức, cùng hoạt động tình báo của Phượng Hoàng. Nhất là các công tác mà tác giả đã đảm nhận. Đã thế, tác giả lại thêu dệt nhiều chi tiết phi lý làm cho cảm tình của độc giả vừa đến đã vụt ra đi.

Xin trích dẫn một số chi tiết:

Đoạn 1 & 2 trang 37 và đoạn 1 & 2 trang 39, phần Vào đời.

“Năm 19 tuổi, mẹ tôi không còn đủ sức nuôi tôi ăn học nữa, tôi đành bỏ học đi kiếm việc làm. Cậu tôi là một cán sự y tế, thường đến chích thuốc chữa bệnh cho gia đình Đại Tá Nguyễn Bích Thuần, Trung Tâm Trưởng Trung Tâm Bình Định Phát Triển Quân Khu I, nên đã nhờ Đại Tá Thuần kiếm cho tôi một việc làm ... Ngày 15 tháng 5 năm 1971, tôi đến nha nầy trình diện. Tôi được dẫn vào gặp Đại Tá Hà Thúc Sanh. . .

Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn Quân Khu I do Đại Tá Hà Thúc Sanh làm Trưởng Cơ Quan và ông Elaidon làm Cố Vấn. Phần hành chính của Nha nầy là phát triển nông thôn, trong đó có việc tham gia vào chiến dịch Phượng Hoàng để bảo đảm an ninh cho các vùng đang được bình định và xây dựng.

Ít lâu sau, khi thấy tôi có óc bén nhạy về tình báo và có lý lịch tốt, Đại Tá Hà Thúc Sanh đã cử tôi làm đại diện Văn Phòng Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn Quân Khu I đến làm việc với Văn Phòng Thường Trực Ủy Ban Phượng Hoàng Quân Khu I do Trung Tá Phan Thanh Thới làm Văn Phòng Trưởng và Trung Tá Holland làm Cố Vấn. Nhiều người tại nơi tôi đang làm việc đã tỏ ra ngạc nhiên về sự bổ nhiệm nầy. Họ không hiểu tại sao một người còn quá trẻ và có ít thâm niên công vụ như tôi lại được cử vào một chức vụ khá quan trọng như vậy. Nhưng khi biết rõ quá trình đối đầu với Cộng Sản của gia đình tôi, họ mới nhìn nhận rằng Đại Tá Sanh đã có lý khi chọn tôi phụ trách công việc nầy. Đây là một công việc không những đòi hỏi khả năng chuyên môn mà còn phải được tin cậy nữa.

Tôi làm việc ở Văn Phòng Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn Quân Khu I từ tháng 5 năm 1971 cho đến khi Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn giải tán vào năm 1974 ...”


Đoạn 2, trang 245, Vài hàng về tác giả.

“. . . Khi lớn lên, tôi được tuyển dụng làm nhân viên Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn Quân Khu I do Sự Vụ Lệnh số 034/PTNT/211/SVL ngày 5.5.1971.

Vì có lý lịch đáng tin cậy, tháng 9 năm 1971, tôi được Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn cử làm đại diện Nha nầy tại Văn Phòng Thường Trực Ủy Ban Phượng Hoàng Quân Khu I ...”

Đoạn 1, ngày ra mắt Đóa Hồng Gai tại little Saigon ngày 20/1/2008.

“... bà Nguyễn Thanh Nga, một cựu tù chính trị hoạt động tình báo trong Chiến Dịch Phượng Hoàng đã bị giam ở Trại Tiên Lãnh, ...”

Bình luận

Mới vào đời ở tuổi 19, vỏn vẹn với 4 tháng làm việc (tháng 5 đến tháng 9/1971), nghĩ rằng tác giả vẫn phải còn bỡ ngỡ, mò mẫm từng bước đi trong công việc, thì làm gì có thể được bổ nhiệm vào “một chức vụ khá quan trọng.” Ðây là sự hoang tưởng, hàm chứa chút kiêu hãnh cho một ước mơ không bao giờ thành của người con gái ở tuổi đôi mươi. Mặt khác, chức vụ này lại đòi hỏi khả năng chuyên môn tình báo lại do một Ðại Tá chọn lựa và bổ nhiệm. Thật là một huyền thoại hoang đường! Ðiều nầy chứng tỏ tác giả không biết gì:

a) về chuyên môn tình báo: Tác giả đã qua khoá huấn luyện tình báo nào chưa? Khả năng chuyên môn của tác giả là về những gì? Làm thế nào để Đại Tá Thuần có thể biết được tác giả có óc bén nhạy về tình báo?

b) về ngạch trật trong hệ thống hành chánh cũng như quân đội thời Việt Nam Cộng Hòa.

Chỉ với 4 tháng tập sự, loanh quanh bên chiếc bàn giấy, so với một trời kiến thức về tình báo bao la của chiến tranh lạnh thời đó, tác giả có thể ngộ nhận, viết sai. Tuy nhiên, khi viết hồi ký là ghi lại một quãng đời đã chìm sâu trong tiềm thức, sao tác giả lại vẽ vời, phịa chuyện, cố tình lừa dối độc giả như vậy được?

Ðoạn 9, ngày ra mắt Ðóa Hồng Gai tại Little Saigon, ngày 20/1/08.

“... Bà hoạt động trong Chương Trình Phượng Hoàng cho tới năm 1974 thì chấm dứt vì Nha Đại Diện Bộ Phát Triển Nông Thôn bị giải tán, nguyên do chính yếu là Việt Cộng làm áp lực trong Hiệp Định Paris 1973 yêu cầu Hoa Kỳ và VNCH phải hủy bỏ chương trình này thì mới đàm phán được”.

Ðây là một sai lầm lớn về sự hiểu biết về Hiệp Ðịnh Paris năm 1973, được ký kết giữa Hoa Kỳ-Bắc Việt. Theo đó Bắc Việt buộc chính phủ Hoa Kỳ phải giải thể Chính quyền miền Nam trước khi ký hiệp ước hòa bình. Tuy nhiên vì áp lực của B.52 từ đất Miên, lãnh thổ miền Nam Việt Nam đến Hải Phòng và Hà Nội trong tháng 5/1972 nên Bắc Việt đành phải rút lại điều kiện đó vào tháng 10/72.

Ngân sách điều hành Chương trình Phượng Hoàng do CIA tài trợ, Chương trình Phát Triển Nông Thôn thuộc Ngân sách Ngoại viện. Sau khi Hiệp Ðinh Paris được ký vào tháng 1/1973, Hoa Kỳ phải rút quân theo lịch trình và giảm bớt một số ngân sách tài trợ cho VNCH. Chính phủ VNCH thời đó không còn chọn lựa nào khác hơn là phải cho giải tán một số cơ quan. Việc giải tán này không phải do Việt Cộng làm áp lực.


Xin độc giả xem trích dẫn dưới đây:

“The Paris Agreement: History’s Judgement,” page 11

“... First a few factual points. The agreement was signed formally in Paris on January
27, 1973. It was the product of the secret negotiations that have been discussed, the secret negotiations between Dr. Kissinger, who was then President Nixon’s National Security Advisor, and the North Vietnamese, principally Le Duc Tho,who was the Politburo member in charge of these negotiations.

The main elements of it were, first, a cease-fire in place. It also called for the withdrawal of all the remaining U.S. troops in Vietnam over a 60-day period. It called for the release of American prisoners of war over the same 60-day period. It called for a full accounting for our MIAs.

The agreement had in it no coalition government. This is a very important point. There was no coalition government. As you’ve heard it discussed here, for four or five years, the North Vietnamese had insisted that no peace agreement was possible unless we dismantled the South Vietnamese government and put in its place a coalition which they would control. It was not until October of 1972 that the North Vietnamese dropped this demand.

The Paris agreement allowed the South Vietnamese government to continue in place. The United States was permitted to continue giving military aid and economic aid to the South Vietnamese government. The Paris agreement had a ban on North Vietnamese infiltration of men or materiel into the South. It included a ban on North Vietnamese use of Laos and Cambodia for purposes of prosecuting the war in South Vietnam and it required a North Vietnamese withdrawal, in fact, from Laos and Cambodia ...”

Ðến đây xin tóm lược đại cương về Chương trình Phượng Hoàng và các hoạt động của Chương trình này nhằm vô hiệu hóa Hạ Tầng Cơ Sở Việt Cộng (HTCSVC). Ðây là những chi tiết được sưu tầm từ nhiều nguồn tài liệu khác nhau của MACV cùng với những hiểu biết trong thời gian chúng tôi làm việc với Văn phòng Phượng Hoàng từ 1968 – 1973.

CHIẾN DỊCH PHƯỢNG HOÀNG (The Phoenix Program)

“Chiến dịch Phượng Hoàng được chính thức thành hình ngày 20/12/67 sau khi Thủ Tướng Chính Phủ VNCH ký Nghị Định cho phép (Số 89-Th.T/VP/M ngày 20/12/1967). Sau Tết Nguyên Ðán, lực lượng Nhân Dân Tự Vệ cũng được thành lập trên toàn quốc với mục đích xây dựng một hệ thống dân sự chiến đấu phòng thủ địa phương (Sắc lệnh của Tổng thống VNCH số 82/TT-SL ngày 11/7/1968 cải tổ Ủy ban Quốc gia và các Ủy ban Ðịa phương thành Nhân dân Tự vệ). Nhằm đẩy mạnh chiến dịch, tháng 7/68 Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu với sự hỗ trợ của ông William Colby, cựu giám đốc CIA, đưa ra quyết định thành lập các Ủy Ban Phượng Hoàng trên toàn quốc. Ủy ban Trung Ương đặt tại Sài Gòn, 4 uỷ ban cấp Vùng, 44 cấp Tỉnh và 243 cấp Quận với danh xưng “Trung Tâm Phối Hợp Tình Báo Hành Quân” IOCC (Intelligence and Operations Coordinating Centre).

Theo sơ đồ tổ chức, các Trung Tâm Phối hợp Tình Báo Hành Quân cấp Quận là căn bản và là đầu não của Chiến dịch Phượng Hoàng. Thời đó do CIA cung cấp tài chánh, phương tiện và trực tiếp điều hành Chiến dịch này, đặc biệt là hai đơn vị đặc nhiệm là:

(1) Navy SEALs thuộc Hải quân Mỹ, và
(2) Thám Sát Tỉnh PRUs (Provincial Reconnaissance Units).

Các đơn vị Thám Sát Tỉnh được tuyển mộ nhân viên địa phương và do người địa phương chỉ huy. Hai đơn vị thiện chiến này có trách nhiệm đột kích, bắt sống hoặc tiêu diệt VC vũ trang ngay trong lòng địch.

Mục đích chính của Chiến dịch Phượng Hoàng là vô hiệu hóa hạ tầng cơ sở (HTCS) Việt Cộng, gồm cán bộ chính trị, thuế vụ, hành chánh, hậu cần, v.v., thuộc Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (MTGPMN).

Ðến năm 1969 Chiến dịch Phượng Hoàng được giao phó trách nhiệm vô hiệu hóa các cán bộ HTCS Việt Cộng trên toàn quốc. Danh sách các cán bộ HTCS Việt Cộng do cơ quan Tình Báo Trung Ương Sài Gòn thu thập từ năm 1965 đến năm 1970, và cung cấp cho Chiến dịch Phượng Hoàng.

Từ lúc thành lập cho đến tháng 7/68 Chiến dịch Phượng Hoàng do nhân viên CIA và vị Ðại Sứ Mỹ ở Sài Gòn điều hành. Sau tháng 7/69 Chương trình Phượng Hoàng được cải tổ và do các Cố Vấn Quân Sự Mỹ MACV (Military Assistance Command Vietnam) điều hành. Từ đó MACV cấp Tỉnh cung cấp tài chánh và phương tiện cho Chương trình Phượng Hoàng. Tuy nhiên CIA vẫn còn phụ trách một số công việc chuyên môn và hai đơn vị Navy SEALs và Thám Sát Tỉnh PRUs.

Từ tháng 7/69 về sau các Trung Tâm Phượng Hoàng cấp Quận trở thành cơ quan chính, với trách nhiệm thành lập danh sách bìa đen, phân loại và lưu trữ hồ sơ cá nhân HTCS Việt Cộng, được gọi là Hệ Thống Quản Trị Tin Tức Phượng Hoàng, Phuong Hoang Management Information System (PHMIS). Bấy giờ Cảnh Sát Quốc Gia (CSQG) đóng vai trò chính trong việc quản trị, theo dõi và nhật tu hồ sơ, hành quân thanh lọc HTCS Việt Cộng và do Cố Vấn Quân Sự Mỹ MACV huấn luyện.

Từ đó các trung tâm Phượng Hoàng cấp Tỉnh được cung cấp thêm nhiều hồ sơ HTCS Việt Cộng là nhờ chương trình Chiêu Hồi, Phòng II Tiểu Khu và Chi Khu, các đơn vị Ðịa Phương Quân, Nghĩa Quân và Nhân Dân Tự Vệ. Các Ủy Ban Phượng Hoàng cấp Vùng chỉ lưu trữ dữ kiện thống kê về tổng số HTCS Việt Cộng tình nghi, bị bắt và vô hiệu hóa từ các trung tâm Tỉnh gởi về. Tất cả các trung tâm Phượng Hoàng đều có đại diện các cơ quan dân sự hay quân sự gởi đến để phổ biến tin tức như Chiêu Hồi, Phòng II, Ðịa Phương Quân và Nghĩa Quân, CSQG, Bình Ðịnh Phát Triển Nông Thôn, Nhân Dân Tự Vệ.

Với sư yểm trợ của các đơn vị quân sự địa phương, CSGQ thường xuyên tổ chức hành quân thanh lọc HTCS Việt Cộng. Khi một HTCS Việt Cộng hoặc người tình nghi bị bắt, họ được đưa về Ủy Ban Phượng Hoàng Quận phỏng vấn sơ khởi. Nếu có bằng chứng sẽ phải chuyển lên Trung Tâm Thẩm Vấn Tỉnh Provincial Interrogation Centre (PIC). Nơi đó nhân viên CSQG Ðặc Biệt và Tư Pháp sẽ thẩm vấn và lập hồ sơ đệ trình lên Biện Lý Tòa Án để xin lệnh tạm giam. Nếu vẫn còn nghi vấn hoặc không đủ chứng cớ, người bị tình nghi sẽ được Tòa ban lệnh trả tự do. HTCS Việt Cộng được đề cập đến trong bài viết nầy là những người dân làm việc, sống bình thường và hợp pháp trong làng mạc hay thành phố. Khác với VC có vũ khí và hoạt động trong mật khu hay thôn, xóm hẻo lánh sẽ không được đối xử như người tình nghi, nên khi bị bắt thường được đưa ra tòa và có thể bị kết án tù tùy theo tội trạng.

Chương trình Phượng Hoàng bị giải thể năm 1973 sau khi Mỹ–Bắc Việt–VNCH– MTGPMN ký hiệp định đình chiến ngày 27/1/1973. Theo đó hai bên trao trả tù binh và đồng thời Mỹ rút quân. Các đơn vị PRUs cũng bị giải thể, được sáp nhập và đồng hóa cấp bậc với Cảnh Sát Quốc Gia. Lợi dụng đình chiến tại chỗ, VC-MTGPMN và Bắc Việt xua quân cưỡng chiếm miền Nam vào tháng 4/75 và kết thúc 20 năm nội chiến Nam-Bắc”.

Kết luận

Chương trình Phượng Hoàng do CSQG phụ trách, phối hợp với Phòng II Quân đội VNCH nhằm vô hiệu hóa VC nằm vùng. Hạ tầng cơ sở VC là dân sự nên từ việc thẩm vấn, tạm giam đến ra tòa đều do CSQG Ðặc biệt và Tư Pháp thực hiện. Vì thế nhân viên CSQG và quân sự được bổ nhiệm đến văn phòng Phượng Hoàng là những người chuyên môn, theo nhu cầu cần thiết, và cần phải được điều chuẩn an ninh với mật độ “Mật”, kể cả tôi, là một Thông Dịch Viên quân sự.

CSQG, Phòng II và các toán Thám Sát Tỉnh PRUs tuyển mộ, huấn luyện và điều hành lưới tình báo mật của họ. Dĩ nhiên các Mật Báo Viên nầy không bao giờ được tiết lộ lý lịch và hoạt động của mình trong bất kỳ trường hợp nào. MACV chỉ đóng vai trò yểm trợ tài chánh (chi phí hoạt động và tiền thưởng cho Mật Báo Viên), phương tiện và cố vấn khi cần, nhưng thường không xen vào việc nội bộ các cơ quan này.

Tác giả Ðóa Hồng Gai là một nhân viên biệt phái Bộ Phát Triển Nông Thôn, không phải là nhân viên thường trực của Phượng Hoàng và cũng không thể làm Mật Báo Viên. Lý do đơn giản: Nguyễn Thanh Nga chỉ là dân sự không được huấn luyện chuyên môn, không thể điều chuẩn an ninh, và là một công chức ngoai ngạch đã lộ diện.

Ðộc giả rất ngạc nhiên về một điểm:

Chỉ sau 4 tháng làm việc, tác giả được một ông Ðại Tá bổ nhiệm đến cơ quan Phượng Hoàng để giữ một chức vụ khá quan trọng lại đòi hỏi khả năng chuyên môn (nhưng chẳng biết chức vụ quan trọng đó và chuyên môn là chuyên môn gì) (trang 39, đoạn 2).

Thật là chuyện khôi hài. Ở điểm này, có phải tác giả:

(1) cố ý sỉ nhục một sĩ quan cao cấp của Quân lực VNCH tắc trách trong việc nhũng lạm quyền thế thu dụng nhân viên, đề cử và bổ nhiệm bất chấp nguyên tắc? và
(2) cho rằng Chương trình Phượng Hoàng là một tổ chức ô hợp?

Hay đây là một bức tranh hý họa tạp nhạp mà tác giả “Ðóa Hồng Gai” dựng lên với dụng ý gởi đến các độc giả mến mộ mình?
Tôi tin, với thời gian, sự thật sẽ được phơi bày và tác giả sẽ phải đối diện với sự thật đó.

Mai Vĩnh Thăng

No comments:

Post a Comment