Wednesday, May 20, 2009

Kẻ Sĩ - Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Công Trứ 1778-1858

    Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc
    Nợ tang bồng vay trả, trả vay
    Chí làm trai nam bắc đông tây
    Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể ...
Đôi dòng tiểu sử:

  • Nguyễn Công Trứ (1778-1858) hiệu là Ngộ Trai, tự là Hy Văn, quê quán tại làng Uy Viễn, huyện Nghi Xuân, tỉnh Nghệ Tĩnh.

  • Ông xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Cụ thân sinh là Nguyễn Tần, đỗ Hương Cống đời nhà Lê.

  • Buổi thiếu thời, dù sống trong cảnh hàn vi, ông luôn cố công trau dồi kinh sử để mong thi đỗ ra làm quan giúp dân, giúp nước. Sau nhiều lần thi hỏng, ông cuối cùng đậu Tú Tài năm 1813 và đậu Giải Nguyên năm 1819.

  • Hoạn lộ của ông lắm bước thăng trầm: ông làm quan ở nhiều tỉnh, nhiều vùng, có khi lên đến Binh Bộ Thượng Thư, nhưng cũng có lắm lần bị dèm pha giáng chức. Ông giúp triều đình nhà Nguyễn đàn áp nhiều cuộc khởi nghĩa lớn (Lê Duy Lương, Nông Văn Vân, Phan Bá Vành...); làm Doanh Điền Sứ, giúp dân khai khẩn đất hoang (1828)...

  • Ông mất ngày 7 tháng 12 năm 1858 tại chính quán, thọ 81 tuổi, được phong tước Dinh Bình Hầu.

  • Nguyễn Công Trứ để lại nhiều tác phẩm chữ Hán (câu đối, sớ) cũng như chữ Nôm (thơ, hát nói, phú, câu đối, ca trù...). Thơ văn Nguyễn Công Trứ phản ảnh khá trung thực sự biến chuyển tâm lý của một nhà nho cổ điển qua từng giai đoạn đời sống. Phần lớn các tác phẩm hào hùng và ngạo nghễ, biểu lộ một bản lĩnh vững chắc, một chí khí mạnh mẽ, và thái độ cầu tiến, vươn lên. Lúc về già, sáng tác của ông lại tìm về tư tưởng an nhàn, hưởng lạc.

Kẻ Sĩ

Tước hữu ngũ sĩ cư kỳ liệt,
Dân hữu tứ sĩ vi chi tiên. (1)
Có giang sơn thì sĩ đã có tên,
Từ Chu Hán, vốn sĩ này là quý.

Miền hương đảng đã khen rằng hiếu nghị,
Đạo lập thân phải giữ lấy cương thường.
Khí hạo nhiên chí đại, chí cương,
So chính khí đã đầy trong trời đất.

Lúc vị ngộ hối tàng nơi bồng tất, (2)
Hiêu hiêu nhiên điếu Vị, canh Sằn. (3)
Xe bồ luân (4) dầu chưa gặp Thang, Văn,
Phù thế giáo một vài câu thanh nghị.

Cầm chính đạo để tịch tà, cự bí,
Hồi cuồng lan nhi chướng bách xuyên. (5)
Rồng mây khi gặp hội ưa duyên
Đem quách cả sở tồn làm sở dụng.

Trong lang miếu, ra tài lương đống,
Ngoài biên thùy rạch mũi can tương.
Làm sao cho bách thế lưu phương,
Trước là sĩ sau là khanh tướng.

Kinh luân khởi tâm thượng,
Binh giáp tàng hung trung.
Vũ trụ chi gian giai phận sự,
Nam nhi đáo thử thị hào hùng. (6)

Nhà nước yên mà sĩ được thung dung,
Bấy giờ sĩ mới tìm ông Hoàng Thạch. (7)

Năm ba chú tiểu đồng lếch thếch,
Tiêu dao nơi hàn cốc, thanh sơn,
Nào thơ, nào rượu, nào địch, nào đờn,
Đồ thích chí chất đầy trong một túi.
Mặc ai hỏi, mặc ai không hỏi tới,
Gẩm việc đời mà ngắm kẻ trọc thanh,
Này này sĩ mới hoàn danh.

Nguyễn Công Trứ

1. Tước có năm bậc thì sĩ cũng dự vào; dân có bốn nghề thì sĩ đứng đầu tiên.

2. Bồng tất: tên hai loại cỏ; cả câu chỉ chốn thảo dã kẻ sĩ ẩn thân lúc chưa gặp thời.

3. Điếu Vị: tích Lã Vọng xưa ngồi câu bên sông Vị; canh Sằn: tích Y Doãn xưa làm ruộng ở đất Sằn.

4. Bồ luân: xe nhà vua thường dùng để đi rước người hiền về giúp nước.

5. Ngăn sóng dữ để giữ trăm dòng sông.

6. Việc chính trị đã định sẵn trong lòng; Việc giáp binh đã sắp sẵn trong bụng; Việc đời đều coi là phận sự của mình; Làm trai như thế mới đáng mặt hào hùng.

7. Hoàng Thạch: tức Hoàng Thạch Công. Cuối đời nhà Tần, Trương Lương đi chơi ở đất Hạ Bì, đến Dĩ Kiều gặp ông già trao cho quyển Binh Thư Tam Lược mà dặn: "Đọc kỹ sách này sau có thể bình thiên hạ. Sau 13 năm nhà ngươi đến núi Cốc Thành, nếu thấy hòn đá vàng thì biết là ta đấy !" (Vì thế sau này người đời tôn ông lão là Hoàng Thạch Công). Đúng như lời dặn của ông, Trương Lương sau này cố công lớn trong việc giúp Lưu Bang lập nên nhà Hán
*
* *
Chí Làm Trai

Vòng trời đất dọc ngang, ngang dọc.
Nợ tang bồng (1) vay trả, trả vay.
Chí làm trai Nam, Bắc, Đông, Tây,
Cho phỉ sức vẫy vùng trong bốn bể.
Nhân sinh tự cổ thùy vô tử,
Lưu thủ đan tâm chiếu hãn thanh. (2)
Đã chắc rằng ai nhục ai vinh,
Mấy kẻ biết anh hùng khi vị ngộ.
Cũng có lúc mưa dồn sóng vỗ,
Quyết ra tay buồm lái với cuồng phong.
Chí những toan xẻ núi lấp sông,
Làm nên tiếng anh hùng đâu đấy tỏ.
Đường mây rộng thênh thênh cử bộ,
Nợ tang bồng trang trắng, vỗ tay reo
Thảnh thơi thơ túi rượu bầu.

Nguyễn Công Trứ

1.
Tang bồng: từ "tang bồng hồ thỉ" -- cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Theo Lễ Kinh: cha mẹ mới sinh con trai, lấy cung tên bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng treo ở ngoài cửa, có ý mong cho con mình sau này lấy cung tên làm nên sự nghiệp vang thiên hạ.


2. Hai câu thơ trong bài Quá Linh Đinh Dương của Văn Thiên Tường đời Tống. Người ở đời chẳng ai mà không chết, phải làm sao lưu lại tấm lòng son soi trong sử xanh.

o0o

Phận Sự Làm Trai

Vũ trụ chức phận nội (1)
Đấng trượng phu một túi kinh luân. (2)
Thượng vị đức, hạ vị dân, (3)
Sắp hai chữ "quân, thân" mà gánh vác,
Có trung hiếu nên đứng trong trời đất
Không công danh thà nát với cỏ cây.
Chí tang bồng hồ thỉ (4) dạ nào khuây,
Phải hăm hở ra tài kinh tế (5)
Người thế trả nợ đời là thế
Của đồng lần thiên hạ tiêu chung,
Hơn nhau hai chữ anh hùng.

Nguyễn Công Trứ

1. Chức phận mình ở trong vũ trụ.

2.
Kinh luân: Trong việc kéo tơ, lấy tơ chia ra gọi là kinh, hợp những sợi tơ lại mà se thì gọi là luân (chỉ những người giỏi việc chính trị).

3.
Trên vì người có đức (tức vua), dưới vì dân hưng lợi.

4.
Tang bồng hồ thỉ: cung bằng gỗ dâu, tên bằng cỏ bồng. Theo Lễ Kinh: cha mẹ mới sinh con trai, lấy cung tên bằng gỗ dâu và tên bằng cỏ bồng treo ở ngoài cửa, có ý mong cho con mình sau này lấy cung tên làm nên sự nghiệp vang thiên hạ.

5.
Kinh tế: từ cụm từ kinh bang tế thế -- giúp nước cứu đời.

No comments:

Post a Comment