Friday, May 29, 2009

Thư của Ông Võ Văn Ái gởi Ông Nguyễn Quốc Nam


Thưa Anh Nguyễn Quốc Nam,

Ba lý do khiến tôi hồi âm góp ý với anh về bức thư «Kính thưa Quý Anh Chị Em» anh gửi lên mạng Internet hôm qua 28.5:

Một là thư gửi tới địa chỉ của tôi.

Hai là anh có lòng tốt xác nhận qua thư anh viết là «Việc YỂM TRỢ TỐI ĐA GHPGVNTN do Đại Lão HT THÍCH QUẢNG ĐỘ LÃNH ĐẠO đã, đang và sẽ là một chọn lựa RÕ RÀNG VÀ MINH BẠCH. Chúng ta đã minh chứng BẰNG NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA HIỆN NAY».

Ba là, câu anh viết: «KHÔNG PHẢI LÚC để chúng ta đem việc tranh chấp NỘI BỘ của GHPGVNTN vào các Tổ Chức Đấu Tranh, vốn đã có nhiều khó khăn, cũng vì những đánh phá vô ý thức, chỉ có lợi cho vc».

Dù thư anh viết đề cập chuyện anh đang thực hiện Bữa Cơm Xã Hội Tại Chùa Khánh Anh của HT Thích Minh Tâm, nhưng lại đề cập sâu đến Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (GHPGVNTN) nhưng sai lầm khi cho rằng có «tranh chấp NỘI BỘ của GHPGVNTN». Nên tôi muốn góp ý về những điểm sai lạc của anh.

Góp ý thứ nhất: Có thể do anh chuyên hoạt động về chính trị đảng phái, ít có cơ hội nghiên cứu hay tìm hiểu về tôn giáo tại Việt Nam nói chung và Phật giáo nói riêng. Nên anh đã viết một câu không đúng với thực tại của Phật giáo tại Việt Nam khi nhận định rằng: «KHÔNG PHẢI LÚC để chúng ta đem việc tranh chấp NỘI BỘ của GHPGVNTN vào các Tổ Chức Đấu Tranh».

Chữ «tranh chấp NỘI BỘ» làm cho người ta nghĩ tới chuyện riêng, chuyện cá nhân, chuyện vặt vãnh của một tổ chức. Chứ không là chuyện ly khai nhau vì lập trường dân tộc hay chính trị. Anh có nghe ai nói cuộc đấu tranh giữa người Việt dân tộc và người Cộng sản độc tài là «chuyện Nội Bộ của Việt Nam không» ? Không. Nó là chuyện tranh đấu sinh tử giữa độc tài và dân chủ, giữa dân tộc và ngoại lai.

Thưa anh.

Việc mà anh gọi là «tranh chấp nội bộ của GHPGVNTN» liên quan mật thiết với cuộc đấu tranh chống độc tài Cộng sản hiện nay, không còn là chuyện nội bộ riêng tư như anh hiểu và anh không muốn dính vào hay lơ đi. Trái lại các «Tổ chức Đấu Tranh» như tổ chức của anh phải quan tâm, không thể tránh né. Việc ly khai và tranh chấp giữa nhóm của Hòa thượng Thích Minh Tâm (chùa Khánh Anh) với GHPGVNTN cơ bản xuất phát từ quan điểm chính trị giữa hai con đường tranh đấu hay thủ tiêu tranh đấu trước nạn độc tài Cộng sản đang làm đất nước điêu linh, dân chúng đói nghèo.

Trước khi đi sâu vào việc này, tôi cần mở dấu ngoặc để tránh ngộ nhận có thể xẩy ra. Tôi phân biệt Hòa thượng Minh Tâm như một Tăng sĩ trong nhiệm vụ dạy đạo cho quần chúng Phật tử với Hòa thượng Minh Tâm theo đường hướng chính trị mới của ngài. Tôi có thể đến học đạo hay bàn luận giáo lý đạo Phật với ngài như mọi tín đồ. Ở phạm vi này không có tranh chấp. Nhưng tôi có thể và có quyền bất đồng với ngài Minh Tâm trên phương diện lập trường hay đường hướng chính trị liên quan đến văn hiến dân tộc và giáo lý đạo Phật. Ở phạm vi này tôi đối diện với con người chính trị Thích Minh Tâm, chứ không là đối diện với một vị sư, một Tăng sĩ. Cũng thế, chùa Khánh Anh như một tự viện sinh hoạt tín ngưỡng, tâm linh, tôn giáo, thì Phật tử chúng tôi đến lễ Phật, học đạo, tu dưỡng thân tâm, y như người Công giáo đến giáo đường, nhà thờ. Không có mảy may tranh chấp. Tranh chấp chỉ xẩy ra khi vị trụ trì ngôi chùa ấy, vị linh mục một giáo xứ kia, có quan điểm chính trị khác với quan điểm dân tộc của tín đồ Việt Nam.

Vậy xin phân biệt hai phạm trù tôn giáo và thế sự khi thảo luận.

Nội bộ GHPGVNTN không có tranh chấp cá nhân, quyền lợi, mà có tranh chấp trên lập trường dân tộc tương ứng với Hiến chương của GHPGVNTN bản tu chính ngày 12.12.1973 thông qua Đại hội khoáng đại kỳ V tại Saigon, và đối diện với ý thức hệ ngoại lai cộng sản.

Ngày 7.1.2007, Hòa thượng Thích Minh Tâm tự ý triệu tập cuộc họp Tăng Ni, vượt khỏi khuôn khổ của Hiến chương và Quy chế GHPGVNTN. Từ cuộc họp này, mặc dù ngài đã là thành viên thuộc GHPGVNTN, nhưng ngài lại cho thành lập một tổ chức mới lấy tên «Tăng Ni Việt Nam Hải ngoại» do ngài làm Trưởng ban Điều hợp. Chín tháng sau, trong 3 ngày 21, 22 và 23.9.2007 ngài triệu tập «Đại hội Về Nguồn» tại chùa Pháp Vân ở thành phố Toronto, Canada, đẩy mạnh việc ly khai GHPGVNTN. Vì vậy từ đó mới có tên Nhóm Về Nguồn. Nhóm Về Nguồn của Hòa thượng Thích Minh Tâm kết hợp với nhóm Thân hữu Già Lam của Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ và Giáo sư Lê Mạnh Thát tại Bắc Mỹ đưa tới việc ly khai GHPGVNTN của 8 vị Hòa thượng, Thượng tọa ở Hoa Kỳ. Tám vị này thành lập tổ chức mới vào tháng giêng 2008, lấy tên «Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ» đứng đầu danh sách là Hòa thượng Thích Giác Nhiên, người đã về tham dự Phật Đản LHQ tại Hà Nội tháng 5.2008. Bức hình ngài Giác Nhiên đứng chụp trước Lăng ông Hồ Chí Minh phổ biến rộng rãi tại Hoa Kỳ.

Do phản ứng của Phật tử, và đặc biệt của Cộng đồng Người Việt Tị nạn chống đối khuynh hướng thỏa hiệp với Hà Nội của một số Tăng sĩ, Phật tử ở hải ngoại làm cho sinh hoạt tại các ngôi chùa này sa sút. Vì vậy mà trong năm 2008 có hiện tượng các nhóm ly khai GHPGVNTN bỗng trở về sử dụng lại danh xưng GHPGVNTN. Điển hình là tại Đại hội Về Nguồn do Hòa thượng Thích Minh Tâm chủ trì tại chùa Bát Nhã, Nam California, trong hai ngày 18 và 19.9.2008 đã lấy quyết định bỏ tên ly khai «Cộng đồng Phật giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ» để tiếm lại danh xưng GHPGVNTN tại Hoa Kỳ.

Thưa anh Nguyễn Quốc Nam,

Muốn hiểu rõ vấn đề «tranh chấp nội bộ GHPGVNTN» hay «thay đổi lập trường chính trị của Hòa thượng Minh Tâm trên phạm trù thế sự, và bất tuân Hiến chương cùng quy chế GHPGVNTN trên lĩnh vực giáo hội» anh cần đọc 2 văn kiện của Nhóm Về Nguồn do Hòa thượng Thích Minh Tâm cầm đầu, thì anh mới nắm vững vấn đề liên quan giữa tôn giáo, dân tộc và Cộng sản ngày nay:

- Văn kiện thứ nhất có tên “Tuyên Bố Chung” của một số Tăng Ni hải ngoại theo đường hướng Hòa thượng Minh Tâm ký ngày 9.9.2008. Nội dung phản chống Giáo chỉ số 9 do Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang ban hành ngày 8.9.2007 với chủ trương đấu tranh chống Cộng sản đàn áp GHPGVNTN, phản chống Thông bạch Hướng dẫn thi hành Giáo chỉ số 9 của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ ban hành ngày 25.9.2007, cũng như Thông bạch Tiếm danh GHPGVNTN của Đại lão Hoà thượng Thích Quảng Độ ban hành ngày 24.8.2008.

- Văn kiện thứ hai có tên Thông bạch công bố ngày 1.1.2009 thiết lập cái gọi là «Văn phòng Điều hợp Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất Hải ngoại Liên châu» trụ sở đặt tại chùa Khánh Anh ở Pháp sau cuộc họp tại Sydney, Châu Úc, giữa mười ba (13) vị Tăng sĩ do Hòa thượng Minh Tâm cầm đầu. Thông bạch này tố cáo 3 điều: Một là tố cáo Viện Hóa Đạo do Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ làm Viện trưởng và Văn phòng II Viện Hóa Đạo; hai là tố cáo các văn kiện kêu gọi đấu tranh của Viện Hóa Đạo gây ra đại nạn chia rẽ Phật giáo và không đúng với «sinh hoạt dân chủ ở xã hội ngày nay» ; ba là tố cáo những người Việt «nhân danh chống Cộng» gây rối sự tu học của các chùa viện, Tăng Ni, Phật tử ở hải ngoại.

Tôi biết anh không có thì giờ đọc hết các văn kiện thông qua các Thông cáo báo chí mà chúng tôi gửi đến anh thường xuyên, đưa tới sự hiểu lầm Phật giáo qua các câu viết trong thư anh. Cho nên tôi lấy ví dụ trước mắt mà nhiều người chứng kiến, kể cả anh, để anh dễ hiểu vấn đề. Đó là thái độ và hành xử của Nhóm Hòa thượng Minh Tâm và ông Lai Thế Hùng tại cuộc biểu tình trước LHQ ngày 8.5 vừa qua:

Như anh biết, vì hoạt động tại cơ quan Nhân quyền LHQ từ năm 1985 đến nay, nên tôi hiểu những vấn đề trầm trọng cần đối ứng. Ngày 8.5 là lần đầu tiên Hà Nội phải phúc trình trước Hội đồng Nhân quyền LHQ theo thể thức Kiểm điểm Thường kỳ Toàn diện (Universal Periodic Review). Cơ sở Quê Mẹ: Hành động cho Dân chủ Việt Nam và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam đã chuẩn bị hồ sơ Nhân quyền từ một năm trước, rồi đi gặp gỡ vận động các chính phủ thành viên LHQ suốt một năm ròng. Nhờ vậy mà các câu hỏi đã cất lên chất vấn và khuyến cáo phái đoàn Hà Nội hôm 8.5 rút từ thông tin của chúng tôi cung cấp. Không có các chất vấn ấy, thì chỉ còn lại những lời khen tặng của các quốc gia thân Hà Nội. Anh có thể đọc bản phúc trình của chúng tôi, được đăng trên Trang nhà LHQ, rồi so chiếu với các câu chất vấn tất hiểu lời tôi nói. Đó là chuyện bên trong. Chuyện bên ngoài Điện Quốc Liên, chúng tôi nghĩ rằng Người Việt Hải ngoại cần nói thay cho người dân không có tiếng nói trong nước bằng một cuộc biểu dương. Vì vậy, ngày 10.04.2009 chúng tôi tung lời kêu gọi đồng bào khắp năm châu về tham dự Biểu tình trước LHQ Genève ngày 8.5 ngay vào lúc Phái đoàn Hà Nội phúc trình bên trong Điện Quốc Liên.

Ngay tại cuộc Hội luận ở Paris hôm 11.4 mà anh có mặt và do anh Nguyễn Phúc Tửng nhân danh Văn phòng Liên lạc các Hội đoàn Người Việt tại Pháp tổ chức để hậu thuẫn Lời Kêu gọi Tháng 5 Bất tuân dân sự - Biểu tình Tại gia của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ. Sau khi thuyết trình về Lời Kêu gọi này, tôi lên tiếng mời các đoàn thể có mặt tham gia Biểu tình ngày 8.5 và đã được hội trường hưởng ứng hoan nghênh. Sau đó chúng tôi nhận được sự hưởng ứng nồng nhiệt của nhiều đoàn thể, tổ chức, cá nhân tại các nước Tây Âu, Bắc Âu, Hoa Kỳ, Úc châu. Danh sách cuối cùng gồm có 40 tổ chức, hội đoàn, cộng đồng, đảng phái. Thế là cuộc biểu tình do Cơ sở Quê Mẹ kêu gọi trở thành cuộc Biểu tình của Người Việt Năm châu, từ hưởng ứng đến cộng tác.

Thế nhưng, ngày 23.4.09, mười ba ngày sau, Nhóm Hòa thượng Minh Tâm và ông Lai Thế Hùng ra thông báo kêu gọi Biểu tình cùng ngày cùng địa điểm trước LHQ Genève. Rồi sang ngày 5.5.09, đột nhiên HT Minh Tâm ra thư kêu gọi biểu tình suốt 3 ngày 6, 7 và 8.5.09, hai ngày đầu nhằm cầu nguyện. Chẳng có gì đáng nói về hai kêu gọi mới này, vì sống ở các nước dân chủ, ai cũng có quyền tổ chức biểu tình. Biểu tình cho lý tưởng nhân quyền thì càng đông lời kêu gọi, càng đông tổ chức càng quý. Miễn đừng trống đánh xuôi kèn thổi ngược.

Điều đáng nói và đáng buồn là những chuyện xẩy ra tại Công trường LHQ sáng ngày 8.5.

Việc tách làm riêng qua hai lần kêu gọi ngày 24.4 và 5.5 của Nhóm HT Minh Tâm – ô. Lai Thế Hùng làm cho Ban tổ chức Biểu tình của Người Việt năm châu lo ngại. Vì vậy, thông qua đường dây viễn liên với mấy chục tổ chức các nước, tôi nhân danh Trưởng ban Tổ chức xin ý kiến nhằm đối ứng tình hình. Những việc tôi thực hiện là do ý kiến chung. Tại Pháp, bốn đảng Liên Minh Dân chủ (anh Nguyễn Quốc Nam), Đại Việt Cách Mạng Đảng (anh Nguyễn Bắc Ninh), Tổ chức Phục Hưng (anh Trần Minh Răn) và Đảng Thăng Tiến (anh Nguyễn Mạnh Hà) đại diện cho Phái đoàn Pháp tham dự biểu tình đáp lời mời của tôi đến họp tại trụ sở Quê Mẹ tối ngày 5.5 để hội ý việc diễn tiến cuộc biểu tình tại Genève. Do dư luận xôn xao về sự xuất hiện của Nhóm HT Minh Tâm – ô. Lai Thế Hùng, nên không ai muốn xẩy ra tình trạng có 2 cuộc biểu tình. Đầu buổi họp anh Nguyễn Quốc Nam đề nghị nên nhượng bộ HT Minh Tâm. Nhưng tất cả các anh có mặt không đồng tình, các anh lập luận rằng việc khởi xướng biểu tình công bố hôm 10.4 không đến từ HT Minh Tâm, nay Ban tổ chức đã hình thành và đã công bố thì cứ tiến hành. Lại có người cho biết trong buổi họp rằng theo sự thăm dò của nhiều người, thì lúc đầu HT Minh Tâm không có ý tham gia biểu tình khi Hòa thượng khẳng định rằng: «Để cho ông Ái làm». Nhưng chẳng hiểu vì cớ gì 13 ngày sau (23.4) HT Minh Tâm lại ra thông báo riêng kêu gọi biểu tình riêng, thay vì tham gia chung với Người Việt Năm châu đã được xướng xuất 13 ngày trước đó (10.4.09) ?.

Trọng tâm buổi họp là mối âu lo trên một công trường mà có 2 bàn thờ tổ quốc, hai lễ chào quốc kỳ ! Do đó, tôi đề xuất rằng Ban tổ chức đã cậy nhờ Cộng đồng Việt Nam Tỵ Nạn tại Hòa Lan cáng đáng việc thiết lập Bàn thờ Tổ quốc, giàn âm thanh và lễ chào quốc kỳ. Vậy hãy nhờ Cộng đồng Hòa Lan liên lạc với HT Minh Tâm thương thảo để tiến tới việc chỉ có một bàn thờ Tổ quốc, một lễ chào quốc kỳ mà thôi. Sau đó ai muốn thực hiện cầu nguyện hay chương trình gì thì mỗi nơi tự lo lấy. Đề nghị của tôi được đa số tuyệt đối thông qua và đưa vào biên bản gửi đi hôm sau.

Ngày hôm sau, 6.5, anh Nguyễn Liên Hiệp, Chủ tịch Cộng đồng Việt Nam Tị nạn tại Hòa Lan điện thoại nói chuyện với HT Minh Tâm thì được Hòa thượng đồng ý dùng chung một bàn thờ Tổ quốc và một lễ chào quốc kỳ. Anh chủ tịch Hiệp báo tin vui này tới các thành viên trong Ban Tổ chức và cùng gửi cho HT Minh Tâm để biết. Anh Hiệp nói rằng gửi cho HT Minh Tâm cốt xem phản ứng ngài nếu anh viết sai sự thỏa thuận và hứa hẹn giữa anh và ngài. Nhưng ngài không hề phản ứng, tức ngài đồng ý với những chuyện ngài hứa khi được viết ra văn bản.

Than ôi, sáng ngày 8.5 tại Công trường LHQ Genève Hòa thượng Minh Tâm đã nuốt lời hứa qua 3 sự kiện:

Một là bắt mọi người phải quy phục chương trình riêng của Nhóm Minh Tâm – Lai Thế Hùng nếu muốn được sử dụng Bàn Thờ.

Hai là đồng bào khắp năm châu tề tựu về Công trường từ 6 giờ đến 8 giờ sáng theo lời kêu gọi ngày 10.04 của Cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam, đã bị HT Minh Tâm và ông Lai Thế Hùng 3 (BA) lần kêu cảnh sát Thụy sĩ đến đuổi đi. Chỉ những ai tháp tùng HT Minh Tâm mới được ở lại trên Công trường LHQ. Phái đoàn của Hòa thượng từ Pháp sang chỉ có 20 Phật tử, 8 vị Sư, cộng với 15 người thuộc một đảng chính trị ! HT Minh Tâm nói với những người bị đuổi rằng «Ông Võ Văn Ái không có giấy phép biểu tình» nên không ai được tới đây. Thật không có sự nhẫn tâm và kỳ lạ nào hơn cho một Tăng sĩ (HT Minh Tâm) và một chính trị gia (ô. Lai Thế Hùng) nói là «tranh đấu cho nhân quyền» lại kêu cảnh sát ngoại quốc đuổi người đồng hương đến tham dự biểu tình chống sự dối gạt của Phái đoàn Hà Nội ! Được tin này, tôi ra Công trường LHQ lúc 8 giờ sáng mang theo Giấy phép nhà chức trách Genève cho phép tôi tổ chức biểu tình ngày 08.05. Giấy ghi rõ tên tôi và tổ chức Ủy ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam. Nhờ vậy mới chận đứng việc mượn tay cảnh sát nước ngoài trục xuất người Việt đến biểu tình. Thử tưởng tượng việc này xẩy ra tại Saigon, thì bao nhiêu Phật tử, bao nhiêu công dân Việt đã đi vào nhà tù Cộng sản ?!

Ba là, khi sự việc xẩy ra không tốt, trong tư cách Trưởng ban Tổ chức, tôi kêu gọi mọi người bình tĩnh, không phản ứng, và chờ cho Nhóm HT Minh Tân – ô. Lai Thế Hùng cử hành xong lễ chào cờ và cầu kinh, thì chúng tôi mới bắt đầu chương trình của chúng tôi. Thế nhưng trong thời gian chúng tôi cử hành nghi lễ, rồi tới đọc Thông điệp của 8 Nhân sĩ quốc tế hỗ trợ cuộc biểu tình, hoặc các nhân sĩ, đoàn thể lên máy vi âm phát biểu, HT Minh Tâm và ông Lai Thế Hùng cho mở loa cực mạnh phát lời tụng kinh rất lớn mong át các lời phát biểu của chúng tôi. Là Phật tử, tôi vô cùng xấu hổ cho những lời kinh nguyện cao siêu đem sử dụng đàn hặc tiếng nói cho nhân quyền, dân chủ của Người Việt từ năm châu tụ về. Tôi sực nhớ tới chùa Giác Minh ở Đà Nẵng trong lễ Phật Đản vừa qua, Công an Đà Nẵng bắt loa phóng thanh để trước mặt chùa rồi vặn âm thanh cực mạnh phát những bài hát cách mạng để át tiếng tụng kinh của chư Tăng và Phật tử trong chùa !!!

Trên đây là sự thật mà tôi nghĩ anh Nam và đông đảo người chứng kiến không thể phủ nhận.

Ba sự kiện nêu trên là lời tra vấn lương tâm người Việt đấu tranh sau 34 năm lưu vong. Nhân quyền là thế ư ? Dân chủ là thế ư ? Tôn giáo là thế ư ? Đây không còn là sự tranh chấp, ganh đua vặt nữa, mà là lợi dụng nhiệt huyết của quân chúng đấu tranh cho những viễn đồ không mấy sáng sủa, hay âm mưu gì khác ?.

Hòa thượng Thích Minh Tâm xuất hiện đấu tranh cho nhân quyền lần cuối vào năm 2003, khi ngài tháp tùng với Phái đoàn của Mặt Trận, nay gọi là Việt Tân, vào Quốc hội Châu Âu ở Bruxelles. Sau đó ngài nghỉ hưu tranh đấu cho đến đầu năm nay, 2009, sáu năm sau mới xuất hiện trở lại với ông Lai Thế Hùng trong chuyến thăm viếng các quốc hội ở Châu Âu, rồi xuất hiện trong cuộc biểu tình ngày 8.5 vừa qua. Hòa thượng thông báo cuộc biểu tình 3 ngày, thì hai ngày đầu 6 và 7.5 dành cho việc cầu nguyện. Những ai có mặt tại Genève hai ngày 6 và 7 không thấy một vị sư hay Phật tử nào ngồi cầu nguyện cả. Ngoài hàng cờ vàng và bàn thờ sắp sẵn như cuộc chiếm đóng công trường, thay vì cầu nguyện nghiêm chỉnh. Bản thân tôi đã đến chụp hình cảnh «cầu nguyện» hoang vắng này. 8 vị sư có mặt hôm 8.5 thì một vị đến từ Canada là «bộ đội chiến trường Kampuchia» trước khi xuất gia, đời sống đức hạnh như thế nào đồng bào Phật tử ở Toronto biết rất rõ, ông là một trong những Tăng sĩ chủ súy sự ly khai GHPGVNTN tại Canada, một vị đến từ Úc (Ghi chú của teolangthang: Thích Quảng Ba), dù vị này luôn luôn tuyên bố chống Cộng rất tợn, nhưng là người được Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng, Thứ trưởng Bộ Công an, khen trong việc vận động tổ chức Phật Đản LHQ tại Hà Nội và việc chuẩn bị đưa Tăng Ni, Phật tử Hải ngoại về tham dự. Sự kiện này do Hòa thượng Thích Không Tánh cho biết khi bị bắt tại Hà Nội ngày 23.8.2007 trong chuyến đi cứu trợ Dân Oan. Hòa thượng nghe từ miệng ông Hưởng «khen ngợi» trong khi bị thẩm vấn tại Bộ Công an Hà Nội. Ông Hưởng ao ước chư Tăng trong GHPGVNTN nên noi gương vị Thượng tọa ở Úc này.

Nếu không có sự phản ứng mãnh liệt của quần chúng Phật tử và các Cộng đồng người Việt, thì Nhóm Về Nguồn đã thực hiện dự tính đưa 500 Tăng Ni và Phật tử hải ngoại về tham dự Phật Đản LHQ tại Hà Nội. 500 người chả là bao, nhưng ý nghĩa chư Tăng, Phật tử hải ngoại về Hà Nội dự lễ Phật Đản của nhà nước cộng sản mới là đòn tuyên truyền lớn lao. Giống như 200 Tăng thân Làng Mai theo chân Sư Ông Nhất Hạnh 3 lần về nước tuyên truyền giúp Hà Nội thoát ly khỏi danh sách CPC của Hoa Kỳ. Nhà cầm quyền Cộng sản giao việc tổ chức Phật Đản LHQ cho Giáo sư Lê Mạnh Thát. Giáo sư Thát đã sang Châu Âu giữa năm 2007 ở chùa Viên Giác của Thượng tọa Như Điển bên Đức và chùa Khánh Anh tại Pháp của HT Minh Tâm để vận động hải ngoại về tham gia Phật Đản LHQ ở Hà Nội. Thời gian này, chính hai Thượng tọa Thích Quảng Ba và Thích Như Điển đã điện thoại về Saigon vận động mời Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ và Đức cố Tăng thống Thích Huyền Quang ra Hà Nội dự Phật Đản. Nhưng đã bị Ngài bác bỏ và rầy la.

Cuộc khánh thành chùa Thiện Minh ở Lyon tháng 8.2008, HT Minh Tâm đã mời Hòa thượng Thích Thiện Nhơn (có chức vụ lớn trong Giáo hội Phật giáo Nhà nước) và một cán bộ trong Ban Tôn giáo chính phủ sang tham dự.

Tôi không chụp mũ các vị trên đây là Cộng sản qua những hành xử họ làm. Tôi nhận định rằng Cộng sản hay không chẳng quan trọng. Ý nghĩ và hành động của người quốc gia nào gây thiệt hại cho lý tưởng dân tộc trên phạm vi nhân quyền, dân chủ, tự do tôn giáo, đều không thể chấp nhận, đều làm lợi cho việc cứu vãn ngày tàn của chế độ Cộng sản. Mặt khác, tôi biết rằng hiện nay đang manh nha khuynh hướng mới trong một số chư Tăng, Phật tử, như Thượng tọa Thích Tuệ Sỹ, Giáo sư Lê Mạnh Thát, Nhóm Về Nguồn, Nhóm Thân hữu Già Lam (ở Hoa Kỳ, Canada, Châu Úc, Châu Âu). Khuynh hướng này nghĩ rằng «phải thỏa hiệp với Nhà nước Cộng sản để phát triển Phật giáo», nghĩa là thủ tiêu tranh đấu cho nhân quyền và tự do tôn giáo. Tôi tôn trọng ý kiến này của họ, nhưng tôi không thể theo họ, ủng hộ lập trường này của họ, lý do khiến họ viết hàng chục bài nặc danh vu khống và mạ lỵ tôi 3 năm qua. Vì sao tôi không ủng hộ họ ? Vì cái gương trước mắt tôi thấy, là năm 1981, cố Hòa thượng Thích Trí Thủ, cố Hòa thượng Thích Thiện Siêu, Hòa thượng Thích Minh Châu … những vị giáo phẩm trong GHPGVNTN, đã nghĩ như thế nên với tư cách cá nhân các Ngài gia nhập Giáo hội Phật giáo Nhà nước. Thế nhưng 28 năm sau, Phật giáo không được phát triển chút nào mà còn tiêu trầm, lại còn biến bộ phận Phật giáo trong Giáo hội Nhà nước thành công cụ chính trị phục vụ Đảng Cộng sản.

Góp ý thứ hai: Anh xác nhận trong thư anh rằng «Việc YỄM TRỢ TỐI ĐA GHPGVNTN do Đại Lão HT THÍCH QUẢNG ĐỘ LÃNH ĐẠO đã, đang và sẽ là một chọn lựa RÕ RÀNG VÀ MINH BẠCH. Chúng ta đã minh chứng BẰNG NHỮNG HÀNH ĐỘNG CỦA CHÚNG TA HIỆN NAY». Đọc lên tôi thấy có điều mâu thuẫn nội tại. Anh không thể ủng hộ cuộc đấu tranh Giải trừ Quốc nạn và Pháp nạn của GHPGVNTN dưới sự lãnh đạo của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, cùng lúc với việc ủng hộ HT Minh Tâm, là người chống lại lập trường và đường hướng của Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, chống lại GHPGVNTN.

Góp ý thứ ba: Chúng ta không thể nại cớ đừng làm gì, nói năng gì «có lợi cho Cộng sản» hay «ngư ông đang chờ trục lợi» để im lặng trên những hủ tục trong cộng đồng vốn chỉ làm trì hoãn cuộc đấu tranh và ngăn chận con đường chiến lược đưa tới tiến trình dân chủ hóa Việt Nam. Là một cộng đồng đấu tranh lấy lý tưởng dân chủ làm đầu, tức phải chấp nhận sự minh bạch trong đối thoại, trao đổi và phê phán. Chỉ có những hội kín, phát xít, cộng sản, mafia mới sợ công luận phê phán mà thôi. Không phê phán tất không có tiến bộ, không có khai mở kiến thức.

Chúng ta tranh đấu chống độc tài, ắt không thể công nhận lối làm việc, hành xử độc tài, độc đoán, riêng tư như kiểu vừa xẩy ra hôm 8.5 tại Công trường LHQ ở Genève của Nhóm HT Minh Tâm – ô. Lai Thế Hùng. Càng giấu diếm và không công khai thảo luận thì những lề thói ấy sẽ tiếp diễn làm hư hỏng cuộc đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ. Rồi những kẻ nằm vùng sẽ khai thác để phân hóa, ly gián làm hư thối cộng đồng. Trái lại nếu ta công khai thảo luận và khôn ngoan giải quyết mới là thượng sách phá vỡ sự khai thác của đối phương. Đừng quá sợ Cộng sản biết chúng sẽ cười, sẽ khinh. Chúng quá biết và biết rõ hơn cả chúng ta. Vấn đề của chúng ta hôm nay là vô hiệu hóa cái biết và sự khai thác làm ly tán cộng đồng của đối phương.

Góp ý thứ tư về việc khiếu kiện tại LHQ: Thư anh viết đề cao việc «tái in Cáo trạng VC» mà anh Nam cho là «HỒ SƠ vô cùng quan trọng (…) Làm được điều đó, chúng ta mới có được TƯ THẾ CHỦ ĐỘNG đánh vào MỘT TRONG NHỮNG TỮ HUYỆT của tập đoàn Mafia Hà Nội». Do đó mới có việc tổ chức bữa cơm gây quỹ tại chùa Khánh Anh của HT Minh Tâm.

Tôi đọc thấy phấn khởi. Tuy nhiên do lâu năm làm việc ở LHQ nên hiểu rõ các cơ cấu, thể thức, tôi bỗng e sợ cho anh nếu không làm đúng như khẩu hiệu anh minh xác «Tư thế chủ động đánh vào một trong những Tử huyệt của tập đoàn Mafia Hà Nội», tất sẽ làm cho đồng bào thất vọng.

Tôi đoán là anh Nam muốn nói tập hồ sơ nhân quyền mà anh và các bạn định dùng tố cáo Hà Nội tại LHQ theo thể thức Ecosoc 1503 ? Nếu đúng vậy, thì xin thưa rằng thể thức khiếu kiện Ecosoc 1503 nay chẳng còn hiệu lực gì. Hai mươi năm trước còn gây hiệu quả đánh động dư luận tại LHQ, vì thời ấy Hà Nội còn bị các nước Âu Mỹ bao vây kinh tế (Embargo) nên những chi tiết tố cáo còn được báo chí, LHQ quan tâm. Nhưng ngày nay Âu Mỹ làm ăn với Hà Nội một cách đồng lõa, báo chí lơ là chuyện vi phạm nhân quyền. Cho nên phải tìm những thể thức hoạt động khác, thích nghi xu thế toàn cầu mới mong đánh động dư luận. Không thể cứ «xưa sao nay vậy».

Tôi biết rõ thể thức Ecosoc 1503, vì cơ sở Quê Mẹ và Ủy ban Bảo vệ Quyền làm Người Việt Nam sử dụng và đệ nạp hồ sơ cho LHQ mỗi năm theo thể thức này, từ năm 1985 cho đến cuối thập niên 90. Khi thấy thể thức này vô hiệu lại tốn công vô ích khi thu tập và ngồi viết hồ sơ, nên chúng tôi đã bỏ, không đeo đuổi nữa. Có những cách làm, những việc làm khác hữu hiệu hơn.

Ecosoc 1503 là thể thức KÍN trong cơ cấu nhân quyền LHQ. Ai cũng có quyền nộp hồ sơ khiếu kiện. Nộp xong nhận được biên lai ghi nhận. Và thế là hết. Chẳng ai xét, chẳng ai lưu tâm giải quyết. Vì sao ? Vì trước kia trong Ủy hội Nhân quyền LHQ có hai phe kình địch một bên là Liên Xô một bên là Âu Mỹ tự do. Nộp hồ sơ xong còn phải vận động chọt ruột mới nhích tập hồ sơ đi từ cơ cấu này tới cơ cấu kia. Bao lâu chưa đưa ra khoáng đại thì coi như bỏ muối xuống biển. Tại các cơ cấu cấp dưới, phe Liên Xô vận động khối trung lập Châu phi, Châu Á, Ả Rập ngăn chặn tất cả hồ sơ khiếu kiện để vứt vào xọt rác.

Hôm 8.5 vừa qua, các quốc gia thân Hà Nội làm đuôi từ 6 giờ sáng để ghi danh phát biểu nhằm «mẹ hát con khen» Hà Nội. Bởi vậy mới có cảnh 15 quốc gia ghi danh mà không được phát biểu vì hết giờ. Trong số này có những nước dân chủ như Tiệp, hiện là Chủ tịch luân phiên Liên Âu, Irlande, Tây Ban Nha, Bỉ, v.v… Và khi phát biểu mỗi quốc gia chỉ được nói trong vòng 2 (hai) phút! Cơ cấu Nhân quyền LHQ là như thế đấy !

Thập niên 90, Liên Xô tan vỡ, thì tại Ủy hội Nhân quyền LHQ nẩy sinh khối liên minh độc tài tả - hữu mới, gọi là nhóm « Like Minded Group » (tôi dịch là Nhóm Ngưu tầm ngưu) để ngăn chận tất cả hồ sơ tố cáo nhân quyền hay tiếng nói của các tổ chức Phi chính phủ. Qua năm 2006, Ủy hội chuyển thành Hội đồng Nhân quyền LHQ, thì nhóm Ngưu tầm Ngưu chuyển thành «Trục Cực Quyền» (Axis of Sovereignty, xem phân tích trong TCBC của chúng tôi ngày 13.5.09). Nhóm này chỉ chiếm 10% như Tàu, Cuba, VN CS, Bắc Triều tiên, Birmanie, Sudan, Iran, v.v… vận động khối Ả Rập và Châu Phi chống lại mọi mưu toan bảo vệ nhân quyền.

Anh và các bạn hãy nhìn mấy con số sau đây để biết rằng việc tranh đấu cho nhân quyền không đơn giản là chuyện có một tập hồ sơ nộp cho LHQ là xong, khi chưa có sách lược nhân quyền toàn cầu và nhân sự hiểu biết vấn đề cùng nắm vững các cơ cấu LHQ:

Tại Đại hội đồng LHQ phiếu bầu cho Hoa Kỳ tụt từ 50,6% năm 1995 xuống 23,6% năm 2006. Về nhân quyền tại LHQ, Trung quốc tăng vọt từ 43% lên 82%, trong khi Hoa Kỳ từ 53% tụt xuống 22% !

Cho nên cái gọi là Hồ sơ nhân quyền Việt Nam có thành công hay không tùy thuộc vào ba yếu tố. Một là nội dung văn bản, tức tài liệu và cách viết. Hai là thể thức thu nhận tại LHQ có hiệu quả hay không. Ba là phương cách vận động bên trong thông qua các cơ cấu vừa phức tại vừa quan liêu. Tôi nói với sự hiểu biết và trong tư cách của người làm việc trong nội bộ LHQ 24 năm qua.

Thể thức Khiếu kiện 1503 như đã nói chẳng còn bao nhiêu hiệu lực. Và tôi dám khẳng định 99% là hồ sơ các anh sắp nộp, sau khi nhận được mẩu biên lai, là chìm vào hố lãng quên. Vì các cơ cấu nhân quyền LHQ chẳng giúp gì cho các anh, thêm Trục Cực Quyền sẽ tẩy phá tất cả những chuyện các anh dự tính.

Cho nên tôi rất e sợ câu viết của anh tuy rôm rả, hay ho: «HỒ SƠ vô cùng quan trọng (…) Làm được điều đó, chúng ta mới có được TƯ THẾ CHỦ ĐỘNG đánh vào MỘT TRONG NHỮNG TỮ HUYỆT của tập đoàn Mafia Hà Nội». Nếu anh không thực hiện được 20% của ý muốn sẽ làm thất vọng quần chúng đấu tranh đang trông đợi ở sự khôn ngoan, giỏi giắn và chuyên nghiệp của anh và các bạn.

Những lời viết trên có chói tai, phật ý, thì xin anh thông cảm. Vì biết mà không nói là bất nghĩa. Cộng sản đã lừa dân, mị dân 60 năm qua. Tôi kỳ vọng ở con người làm chính trị như anh không vô tình hay cố ý sa vào bước xe trước đã đổ.

Trân trọng

Võ Văn Ái



No comments:

Post a Comment