1. Sau 62 Năm MỞ LẠI VỤ ÁN PHẠM QUỲNH
Không có Công lý, khi kẻ giết một người thì bị trừng phạt, có khi phải đền mạng, còn kẻ giết hàng triệu người lại được đúc tượng, xây lăng, ướp xác.
Theo lời một số nhân chứng và thân nhân ông Phạm Quỳnh, ông đã bị lực lượng vũ trang Việt Minh bắt giữ ngày 23/8/1945 tại Huế và bị giết chết ngày 6/9/1945 tại khu rừng Hắc Thú thuộc tỉnh Quảng Trị, nằm về phía bắc thành phố Huế.
Ông đã bị đập vỡ sọ bằng cuốc và vùi thây dưới một giao thông hào cùng với hai nạn nhân khác là Ngô Đình Khôi, anh cố Tổng thống VNCH Ngô Đình Diệm, và người con trai Ngô Đình Huân.
Mười một năm sau, 1956, do sự chỉ dẫn của một nhân chứng, thân nhân của các nạn nhân mới tìm được nơi chôn xác và cải táng. Theo thân nhân ông Phạm Quỳnh, di cốt của ông đã không còn nguyên vẹn và chỉ được xác nhận nhờ cặp kính cận thị, vật bất ly thân của ông.
Nhưng, Phạm Quỳnh là ai ?
Có thể nói rằng không người Việt Nam có văn hóa nào không biết Phạm Quỳnh, hay không nghe tên ông. Vì học giả Phạm Quỳnh là ngôi Sao Bắc Đẩu của văn hóa Việt Nam tiền bán Thế kỷ 20. Vì nhà báo Phạm Quỳnh là người đã khai đường mở lối cho nền báo chí Việt Nam. Vì nhà cai trị Phạm Quỳnh trong phẩm trật Thượng Thư triều đình Huế là người có lòng yêu nước, có tầm nhìn xa và có đầu óc cách mạng. Viết về sự nghiệp của ông cần nhiều pho sách, và không phải là mục đích của bài viết này, xin hẹn để một dịp khác.
Mục đích của bài viết này là đi tìm thủ phạm đã giết Phạm Quỳnh, những chính phạm đã gây ra tội ác này - không chỉ với bản thân Phạm Quỳnh mà còn với dân tộc Việt Nam, và với nhân loại.
Thật vậy, trong tội ác này các thủ phạm không chỉ giết Phạm Quỳnh mà còn hủy diệt một tinh hoa của đất nước Việt Nam, và loại trừ một thành viên ưu tú trong cộng đồng nhân loại.
Trong vụ án này có chính phạm và những tòng phạm, hay nói cách khác, kẻ ra lệnh và người thi hành. Ngày nay, mọi người đều biết lực lượng vũ trang của Việt Minh tại Huế vào năm 1945 đã bắt và giết Phạm Quỳnh. Nhưng, ai là kẻ ra lệnh?
Việt Minh lúc ấy là tên tổ chức kháng chiến chống Pháp dưới quyền chỉ huy và điều khiển của Đảng Cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo. Những người theo Việt Minh lúc đầu hầu hết là những người yêu nước đã đáp lời kêu gọi của Hồ Chí Minh để tham gia kháng chiến, đánh đuổi thực dân Pháp, giành lại độc lập cho Việt Nam. Không mấy ai biết “kháng chiến, chống Pháp” chỉ là một chiêu bài được Đảng CSVN dùng để cướp chính quyền, cai trị toàn lãnh thổ Việt Nam dưới thể chế độc tài cộng sản. Vì vậy, CSVN đã thẳng tay diệt trừ những cá nhân và những thành phần có thể là chướng ngại vật trên đường tiến tới quyền lực và củng cố quyền lực của họ, trong đó có những người ở ngoài và cả ở trong hàng ngũ kháng chiến.
Đó là lý do vì sao Phạm Quỳnh bị giết.
Phạm Quỳnh không phải là người xa lạ với Hồ Chí Minh. Ngoài việc ông là một nhân vật rất nổi tiếng thời bấy giờ, về văn hóa cũng như chính trị, Phạm Quỳnh đã có những giao tiếp cá nhân với Hồ Chí Minh từ thời Pháp thuộc khi phong trào giành độc lập đang nhen nhúm trong giới được gọi là “sĩ phu” thời ấy. Trong cuốn nhật ký do chính tay Phạm Quỳnh ghi chép vào thời gian ông sang Pháp năm 1922, ông có ghi vắn tắt gặp Hồ Chí Minh (lúc đó còn mang bí danh Nguyễn Ái Quốc) hai lần, một lần vào ngày 13/7/1922: “ăn cơm an-nam với Phan Văn Trường và Nguyễn Ái Quốc ở nhà Trường”, một lần vào ngày 16/7/1922: "ở nhà.- Trường, Ái Quốc và Chuyền đến chơi". (Chuyền là Nguyễn Thế Truyền). (Xem phóng ảnh đính kèm do người viết chụp từ nguyên bản Nhật ký hiện do Nhạc sĩ Phạm Tuyên, con trai út của ông lưu giữ).
Trong nhật ký, ông chỉ ghi vắn tắt, không nói rõ chi tiết hay nội dung những câu chuyện trao đổi, có thể vì không muốn là bằng cớ để tự buộc tội mình một khi lọt vào tay mật thám Pháp, nhưng chắc chắn không phải những người này gặp nhau chỉ để đánh chén hay nói chuyện trời mưa trời nắng. Sau này, trong thiên “Hành trình Nhật ký”, ông ghi rõ thêm là có “nói chuyện nước nhà” với “mấy ông chí sĩ”. Qua những câu chuyện ấy, Hồ Chí Minh đã biết tư tưởng và quan điểm chính trị của những người đối thoại, trong đó có Phạm Quỳnh.
Hai mươi mốt năm sau, tình hình Việt Nam chuyển động mạnh do ảnh hưởng của trận Thế Chiến II ở vào giai đoạn chót mà Quân Phiệt Nhật đang làm bá chủ miền Đông Á, trong đó có Việt Nam, hất cẳng Pháp khỏi thuộc địa Đông Dương, nhưng chính Nhật cũng đang trên đường bại trận.
Các đảng phái chính trị, những người Việt Nam yêu nước đều rộn rịp hoạt động để chuẩn bị nắm thời cơ. Khi ấy, Phạm Quỳnh đang là Thượng thư Bộ Lại, một chức chưởng tại triều đình Huế thời ấy có thể xem như thủ tướng, đã có cái nhìn chính xác và thực tế về tương lai nước Việt Nam. Theo nhân chứng Hoàng Tâm V.T., lúc ấy là Tri phủ Quận Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi, trong một lần đi kinh lý các tỉnh miền Trung, ngày 22/1/1945, Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh đã nói với ông trong phòng riêng như sau: “Này ông phủ, chiến tranh ở Âu Châu đã đến độ chấm dứt và ở Thái Bình Dương chiến tranh cũng đã vào thời kỳ kết thúc. Đây là vận hội tốt cho rất nhiều nước bị trị được trả tự do. Nhưng ta không nên nghĩ rằng tự do ấy sẽ được hiến dâng cho ta trên khay bạc, mâm vàng. Ta phải tranh đấu nhiều, ông hiểu tôi muốn nói tranh đấu nhiều là sao rồi, đó là tranh đấu quyết liệt và toàn diện ...”
Tuy nói vậy, Phạm Quỳnh chỉ làm nhiệm vụ của một nhà cai trị của triều đình Huế dưới quyền Vua Bảo Đại. Không có tài liệu hay nhân chứng nào cho thấy ông có những hoạt động liên hệ đến một đảng phái hay phe nhóm nào.
Những tháng đầu năm 1945 tình hình Việt Nam có những biến chuyển lớn khi Nhật đảo chính Pháp, lật đổ chế độ thuộc địa ở Đông Dương ngày 9/3/1945 và tuyên bố trả độc lập cho ba nước Việt, Miên, Lào trên bán đảo này để gia nhập khối Đại Đông Á do Nhật đứng đầu.
Theo hồi ký “Con Rồng Việt Nam” của Bảo Đại, ngày 11/3/1945 Vua Bảo Đại và Thượng thư Bộ Lại Phạm Quỳnh đã cùng toàn thể thượng thư nội các Nam triều ký vào bản “Tuyên ngôn độc lập” do Phạm Quỳnh soạn thảo, hủy bỏ tất cả các hiệp ước Pháp-Việt trước đó. Một tuần sau, ngày 19/3, nội các Nam triều từ chức. Vua Bảo Đại giao cho Học giả Trần Trọng Kim lập chính phủ Việt Nam độc lập đầu tiên để hợp tác với Nhật sau khi tham khảo ý kiến nhiều người. Phạm Quỳnh không giữ chức vụ gì trong nội các mới và trở về ở tại tư thất Hoa Đường nằm trên bờ sông An Cựu, Huế. Chính tại ngôi biệt thự này, ông đã bị Việt Minh bắt và đưa đi thủ tiêu.
Trước đó, Đảng CSVN do Hồ Chí Minh đứng đầu núp dưới tên Mặt Trận Việt Minh đã lợi dụng khoảng trống quyền lực sau khi Nhật đầu hàng (14/ 8) và chính phủ Trần Trọng Kim tê liệt, cướp chính quyền tại Hà Nội ngày 19/8/1945, và đòi Vua Bảo Đại thoái vị. Tuy đã đầu hàng nhưng quân đội Nhật tại Việt Nam chưa bị giải giới, còn nguyên sức mạnh và có thể dẹp tan cuộc đảo chính của Việt Minh với lực lượng vũ trang thô sơ, nhưng Vua Bảo Đại đã không chấp nhận đề nghị của viên đại sứ Nhật tại Huế vì sợ gây nội chiến. Do đó, nội các Trần Trọng Kim tuyên bố giải tán sau khi họp phiên cuối cùng ngày 23/8/1945. Hai ngày sau, 25/8, Vua Bảo Đại ra chiếu thoái vị và ngày 30/8 trao quốc ấn và bảo kiếm cho phái đoàn đại diện Việt Minh do Trần Huy Liệu cầm đầu tại cửa Ngọ Môn, và tuyên bố: “Thà làm dân một nước độc lập còn hơn làm vua một nước nô lệ.”
Câu nói hay đẹp ấy không biết ai mớm cho nhà vua thiếu trách nhiệm với đất nước đã hợp pháp hóa chính quyền Việt Minh do cộng sản cầm đầu chẳng khác nào “giao trứng cho ác”, trong lúc những người quốc gia yêu nước bị ruồng bố và tàn sát. Trong đó có Phạm Quỳnh, cựu Thượng thư Bộ Lại của triều đình Bảo Đại.
Dựa theo những nguồn tin xác thực, nhà viết sử Trần Gia Phụng thuật lại như sau trong bài “Trường hợp Phạm Quỳnh”: “Trong khi đó, lấy cớ tìm kiếm vũ khí còn tàng trữ tại nhà các vị có chức quyền trước đây, Việt Minh cho người lục soát biệt thự ‘Hoa Đường’ ngày 23-8-1945. Tuy không tìm được gì, họ vẫn ‘mời’ Phạm Quỳnh và người con rể là Nguyễn Tiến Lãng đi ‘họp’ với Ủy ban cách mạng Trung Bộ đóng ở tòa Khâm sứ Pháp cũ. Đây là thủ thuật bắt người của chính quyền cộng sản rất mới lạ lúc đó, và rất quen thuộc với người Việt Nam sau này. Có lẽ cần chú ý việc Phạm Quỳnh về trí sĩ mà không phòng thân, hoặc không lo tìm đường mà trốn tránh, ngay cả sau khi Việt Minh đảo chánh, chứng tỏ bản thân Phạm Quỳnh nghĩ rằng ông chẳng phải là tay sai của Pháp để phản dân hại nước, và ông cũng chẳng theo một đảng phái chính trị nào, nên chi có gì phải sợ đề phòng. Nếu quả thật ông là tay sai của Pháp thì ông đã cao bay xa chạy, và Việt Minh không dễ bắt được ông như vậy.
“Nguyễn Tiến Lãng bị giam riêng, không cùng chỗ với nhạc gia. Ông Lãng và gia đình không biết tin tức gì của Phạm Quỳnh, cho đến những ngày Việt Minh sửa soạn đưa ông Lãng ra tòa, nhóm họp tại Điện Thái Hòa vào khoảng đầu năm 1946, thì báo chí Việt Minh công bố rằng ông Phạm Quỳnh, cùng ông Ngô Đình Khôi và con trai trưởng đang làm thông ngôn cho Nhật là Ngô Đình Huân, đã bị xử tử hình, nhưng không cho biết ngày giờ các ông bị giết, cũng như đã chôn các ông ở đâu. Về sau, gia đình mới được biết Phạm Quỳnh đã bị giết ngày 6-9-1945 tại vùng cách Huế khoảng 20 cây số. Có lẽ cần ghi nhận thêm lúc bấy giờ, chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của phong trào Việt Minh ở Huế là Tố Hữu.”
Tiếp xúc với người viết tại nhà ông ngày 18/7/2007, ông Phạm Tuân xác nhận những điều trên đây và nhấn mạnh di cốt của thân phụ ông không còn đầy đủ, sọ bị nứt một đường dài, và chỉ nhận ra được do cặp kính cận gãy gọng.
Trong cuốn “Hồi ký người lính già”, Đại tá (CSVN) Đặng Văn Việt có nói đến việc ông Phạm Quỳnh đã bị bắt và giết như thế nào, nhưng cũng chỉ nói một nửa sự thật, phần sự thật được cho phép nói.
Nhưng “tòa” nào đã xử và kết tội ông Phạm Quỳnh? Những ai ngồi xử và diễn ra tại đâu? Ngày nào? Hay, ai đã ra lệnh giết Phạm Quỳnh?
Ông Trần Gia Phụng lưu ý người đọc: “Phạm Quỳnh bị bắt ngày 23-8-1945, và bị giết ngày 6-9, nghĩa là ông không bi nhóm Việt Minh địa phương Huế giết liền khi họ nổi dậy. Ông bị giam giữ một thời gian rồi mới bị giết sau khi nhóm Trần Huy Liệu đến Huế dự lễ thoái vị của Vua Bảo Đại. Khi có sự hiện diện của đại diện trung ương, các cán bộ Việt Minh địa phương không dám tự tiện ra tay, mà chắc chắn phải có ý kiến của trung ương. Nhóm Trần Huy Liệu cũng không thể tự quyết định được việc này. Như vậy phải chăng chính nhóm Trần Huy Liệu đã đem lệnh từ Hà Nội vào Huế giết Phạm Quỳnh? Và lệnh đó từ đâu, nếu không phải là từ Hồ Chí Minh?”
Theo hồi ký viết năm 1992 của bà Phạm Thị Thức, người con gái của Phạm Quỳnh, sau khi Phạm Quỳnh bị giết, bà cùng người chị là Phạm Thị Giá đã ra Hà Nội gặp Hồ Chí Minh qua sự giúp đỡ của người cận vệ của ông ta là ông Vũ Đình Huỳnh. Bà Thức cho biết Hồ Chí Minh chối, không nhận đã ra lệnh giết Phạm Quỳnh và đổ tội cho cán bộ địa phương. Họ Hồ bảo: “Hồi ấy tôi chưa về... Và trong thời kỳ khởi nghĩa quá độ và có thể có nhiều sai sót đáng tiếc.”
Sự thật ra sao?
Nếu ngày 6/9/1945 Hồ Chí Minh “chưa về” thì ai đọc “tuyên ngôn độc lập” tại Hà Nội ngày 2/9/1945? Ai ra lệnh cho bộ máy tuyên truyền của nhà nước cộng sản trong nhiều năm trời sau đó vu cáo Phạm Quỳnh là “Việt gian”, tay sai thực dân Pháp, và bôi xóa tên Phạm Quỳnh trong văn học sử Việt Nam?
Nếu Phạm Quỳnh chỉ là nạn nhân của “nhiều sai sót đáng tiếc” thì Tố Hữu, kẻ nắm chức chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa của Việt Minh ở Huế lúc giết Phạm Quỳnh không thể thăng tiến đều đều trên nấc thang đảng CSVN để sau này lên đến phó thủ tướng.
Vì vậy, câu trả lời của Hồ Chí Minh chỉ là một lời nói dối sống sượng. Nó còn cho thấy thái độ coi mạng người như cỏ rác của kẻ cầm đầu Đảng CSVN, xem việc giết người chỉ là “sai sót đáng tiếc”, rồi thôi, không điều tra, không trừng phạt kẻ có tội, không phục hồi danh dự và bồi thường cho nạn nhân. Không khác nào chuyện bắt của dân con gà, con vịt.
Thật ra, Phạm Quỳnh không phải là nạn nhân của “nhiều sai sót đáng tiếc ... trong thời kỳ khởi nghĩa quá độ”. Ông đã là một trong hơn một triệu nạn nhân của chính sách tàn bạo được hoạch định từ cấp cao nhất của Đảng Cộng sản Việt Nam. Trong bản danh sách đen ấy, có lẽ Phạm Quỳnh đã được xếp hạng “ưu tiên” vì những lý do đặc biệt.
Mặc dù không có hành động nào chống lại Việt Minh lúc ấy, Phạm Quỳnh được coi là mối nguy cho chính quyền non yếu của Hồ Chí Minh trong giai đoạn sơ khai vì ông đang là người có uy tín rất lớn với mọi giới trong xã hội Việt Nam, lại có tài năng lãnh đạo và cai trị mà Hồ Chí Minh biết rõ điều ấy do thành tích của ông và qua sự giao tiếp cá nhân như đã nói ở phần trên. Và điều quan trọng hơn cả, cũng qua giao tiếp cá nhân, Hồ Chí Minh biết rõ Phạm Quỳnh không chấp nhận chủ nghĩa cộng sản và không thể khuyến dụ.
Khi bị giết, Phạm Quỳnh mới 53 tuổi - cái tuổi chín mùi của tài năng, sung mãn sinh lực và già dặn kinh nghiệm.
Đó là lý do vì sao Hồ Chí Minh không giết Vua Bảo Đại mà lại giết cựu Thượng thư Phạm Quỳnh. Trong cuộc “cách mạng tháng mười” năm 1917 tại Nga, bọn cộng sản Bôn-sê-vích, đàn anh và đồng chí của Hồ Chí Minh, không chỉ giết Sa Hoàng Nicolai II mà còn tàn sát cả gia tộc vua, giết luôn cả tôi tớ của hoàng gia. Dưới mắt Hồ Chí Minh, Bảo Đại là một kẻ vô hại, dù đang làm vua nhưng chỉ ngồi làm vì trên ngai vàng, không có tài năng gì và chỉ thích ăn chơi, nhu nhược, không thể lãnh đạo một lực lượng đối nghịch nào chống lại cộng sản. Nhưng, Phạm Quỳnh thì có thể bất cứ lúc nào trở thành một kẻ thù nguy hiểm. Hồ Chí Minh đã nhận xét không sai về Vua Bảo Đại. Sau khi thoái vị, trao quyền cho Hồ Chí Minh, công dân Vĩnh Thụy vui vẻ nhận chức “cố vấn tối cao” và đi Hong Kong nghỉ mát.
Với Phạm Quỳnh, Hồ Chí Minh còn có một lý do thầm kín khác để cần phải trừ khử. Hồ Chí Minh tự biết thua kém Phạm Quỳnh về mọi mặt, và ngược lại, Phạm Quỳnh cũng biết rõ quá khứ u ám của Hồ Chí Minh, kẻ tự nhận là Nguyễn Ái Quốc. Hồ Chí Minh cùng lứa tuổi với Phạm Quỳnh, khi gặp nhau tại Pháp năm 1922 cả hai cùng khoảng 30. Khi ấy, Phạm Quỳnh đã là một học giả lẫy lừng, một nhà báo nổi tiếng, “hoạn lộ” thênh thang, sang Pháp cùng với Vua Khải Định dự Hội chợ Marseille, và được mời diễn thuyết tại Trường Thuộc địa Paris (École Coloniale) - chính cái trường mà năm 1911, Hồ Chí Minh dưới tên Nguyễn Tất Thành đã viết đơn cho tổng thống Pháp xin đặc ân theo học nhưng bị từ chối (trong đơn này, HCM khai là sinh năm 1892, cùng năm sinh với Phạm Quỳnh). Cho tới lúc gặp Phạm Quỳnh, Hồ Chí Minh không có nghề nghiệp ổn định, không có tên tuổi nhất định, lý lịch mù mờ, và đã gia nhập Đảng Cộng sản Pháp được vài năm, hoàn toàn vô danh trong xã hội Việt Nam.
Là một cán bộ cộng sản, Hồ Chí Minh không thể không biết tài năng và lập trường chính trị của Phạm Quỳnh, nhất là sau mấy lần gặp gỡ ở Paris. Vì vậy, khi cướp được chính quyền năm 1945, Hồ Chí Minh đã ra tay trừ khử Phạm Quỳnh.
Phạm Quỳnh cũng không phải “chỉ là nạn nhân của một chế độ buổi giao thời hỗn loạn” như có người nói. Ông đã là nạn nhân tất yếu của chính sách đẫm máu của người cộng sản được thi hành một cách có kế hoạch, có hệ thống.
Phạm Quỳnh và những nạn nhân khác đã chết vì đứng ở thế đối kháng với cộng sản, dù không, hay chưa có hành động gì tích cực. Họ cần được tôn vinh, chứ không cần được “giải oan” vì họ đã không bi xét xử và kết tội bởi một tòa án nhân danh công lý. Họ đã bị thủ tiêu một cách mờ ám và phi pháp trong bóng tối mà chính kẻ cầm đầu chế độ cũng không dám nhận trách nhiệm. Chế độ bất lương ấy càng không có tư cách để “giải oan” cho những nạn nhân của nó, mà chính chế độ ấy cần phải bị lên án và kết tội.
Trong lễ khánh thành Đài Tưởng Niệm hơn 100 triệu nạn nhân cộng sản trên thế giới tại Washington DC ngày 12/6 vừa qua, Tổng Giám Mục Pietro Sambi nói rằng: “Hàng triệu người đã bị cộng sản giết hại. Chúng ta không biết mặt họ, không biết tên tuổi họ, nhưng Thượng đế biết.” Có lẽ cần thêm: “Và Thượng đế biết những kẻ đã giết họ.”
Những nạn nhân ấy đòi hỏi Công Lý, chứ không xin được giải oan. Công lý không chỉ cần cho người sống, nhưng cũng cần cho những người đã bị giết chết như những con vật không phương thế tự vệ.
Không có Công lý, khi kẻ giết một người thì bị trừng phạt, có khi phải đền mạng, còn kẻ giết hàng triệu người lại được đúc tượng, xây lăng, ướp xác.
ST
Nguồn: http://vietland.net/main/showthread.php?t=6045
No comments:
Post a Comment