Saturday, May 23, 2009

Ai Đã Ra Lệnh Treo Cờ Phật Giáo Tại Huế: Tết Mậu Thân 1968 - Hàn Giang Trần Lệ Tuyền

AI ĐÃ RA LỆNH TREO CỜ PHẬT GIÁO
TẠI HUẾ: TẾT MẬU THÂN, 1968

TẠI ĐÀ NẴNG TỪ 29-03 ĐẾN 30-04-1975 ?

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền
Vừa qua tôi đã đọc tất cả những loạt bài viết về cuộc thảm sát tại Huế, Tết Mậu Thân, 1968 ; của các tác giả , trong đó có Tác giả Liên Thành, Cựu Trưởng Ty Cảnh Sát Thừa Thiên-Huế, và của Tác giả Trần Gia Phụng trên Trang điện tử vnfa.com.

Về Tác Giả Liên Thành, thì không ai có thể phủ nhận được những điều Ông đã viết về «Thầy tu Thích Đôn Hậu» đã được một người mang tên Hoàng Tố Loan ở trong chùa Từ Đàm, tên này đã có một đứa con với một ni cô trong chùa. Và chính Hoàng Tố Loan đã đưa Thích Đôn Hậu và đồng bọn chạy ra chiến khu của VC, qua loạt bài «Biến Loạn Miền Trung» vì Ông là một chứng nhân qua những cuộc thảm sát tại Huế.

Về Tác Giả Trần Gia Phụng qua chương: «Tàn Sát Thiên Chúa Giáo». Ông đã viết:

«… Khi mới vào Gia Hội, cộng quân ra lệnh mọi nhà phải treo cờ Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam. Dân chúng không có cờ MTGP, nên cộng quân ra lệnh treo cờ Phật giáo ( Don Oberdorfer, sđd. 225). Đây là một âm mưu của cộng sản: Cộng quân dư biết dân chúng sống dưới chế độ Miền Nam không thể có cờ MTGPMN mà vẫn ra lệnh treo cờ Mặt Trận nầy, rồi lấy lý do không có cờ MTGP mới đổi qua cờ Phật Giáo, cộng quân sẽ biết nhà nào theo Thiên Chúa Giáo. Vì những gia đình theo Đạo Thiên Chúa làm gì có cờ Phật Giáo mà treo ?».

Thực ra, ít ai biết đến một sự thật là vào Tết Mậu Thân 1968, trong lúc Việt cộng đã kiểm soát được Thành phố Huế, nên khi các vị đã thấy cờ của Phật giáo được treo trên khắp đường phố, thì các vị cứ tưởng rằng Việt cộng đã ra lệnh treo cờ Phật giáo. Nhưng mọi chuyện hoàn hoàn không như các vị đã nghĩ. Còn riêng tôi, tôi không phải chỉ viết mà đã thấy tận mắt những kẻ đem cờ Phật giáo treo tràn ngập tại thành phố Đà Nẵng, và đã đứng bên cạnh những người tay cầm loa phóng thanh, mồm không ngớt kêu gọi mọi người hãy treo cờ Phật giáo từ ngày 29/3/1975, cho đến ngày 30/04/1975, tại thành phố Đà Nẵng. Cũng như tôi đã chứng kiến qua những cuộc thảm sát mà Phật giáo Ấn Quang đã gọi là những «cuộc đấu tranh» đến nỗi Trời long, đất lở !!!

AI ĐÃ RA LỆNH TREO CỜ PHẬT GIÁO ?

Tôi sinh ra và trưởng thành trong một gia đình có Đức Tin, tôi tuyệt đối tin vào Đấng Toàn Năng, tức Ông Trời của người Việt Nam. Bởi vậy, khi đặt bút viết, hoặc khi nói một điều gì là tôi đã tự đặt mình như đứng trước Thượng Đế trong giờ phán xét sau cùng. Vì thế, tôi không bao giờ viết hay nói một điều gì sai với sự thật cả.

Tôi đã sống qua những ngày tháng kinh hoàng nhất tại Đà Nẵng. Đặc biệt, là những ngày cuối cùng trước khi ĐN rơi vào tay của cộng sản. Tôi đã nghe lời kêu gọi của HT Thích Đôn Hậu phát đi từ «Đài Phát thanh Giải phóng» và được truyền thanh tại chùa Pháp Lâm ở số 500, đường Ông Ích Khiêm ĐN, đã phát ra lời kêu gọi của «Hòa thượng» Thích Đôn Hậu như sau:

«Tôi Hòa thượng Thích Đôn Hậu, Đại diện Trung ương Liên minh các Lực lượng Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình Việt Nam - Đại diện Chính phủ Cách mạng Lâm thời Miền Nam Việt Nam,- và Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất miền Vạn Hạnh (miền Trung). Tôi long trọng tuyên bố: Kể từ giờ phút này, GHPGVNTN đã hoàn thành sứ mạng của lịch sữ. Vì vậy, tôi yêu cầu tất cả đồng bào hãy treo cờ Phật giáo, nếu nhà nào không có, thì hãy đến mua tại các chùa, để chào mừng cách mạng đã thành công và cũng để thể hiện rằng đồng bào không chống đối chính quyền cách mạng».

Tại Đà Nẵng vào thời điểm ấy, khi nghe những lời kêu gọi của «Hòa thượng» Thích Đôn Hậu như trên, mọi người ai cũng hiểu là «Hòa thượng» Thích Đôn Hậu vừa kêu gọi vừa cảnh cáo ngầm rằng «… để thể hiện rằng đồng bào không chống đối chính quyền cách mạng». Nghĩa là Ai không treo cờ Phật giáo là chống cộng sản.

Vì thế, nên nhiều người bình thường họ chỉ thờ cúng ông bà hoăc Khổng giáo; song vì muốn yên thân nên đã đến các «chùa» mua cờ ngũ sắc đem về treo trước cửa, xem như là lá bùa hộ mệnh. Trừ ba tôn giáo đã chấp nhận mọi thứ nhưng cương quyết không treo cờ Phật giáo đó là Công Giáo, Tin Lành và Cao Đài.

TẠI SAO THÍCH ĐÔN HẬU RA LỆNH TREO CỜ PHẬT GIÁO ?

Bởi Thích Đôn Hậu đã từng được sống bên cạnh Hồ Chí Minh, được Hồ Chí Minh tin cậy và nhất là đã «lập nhiều chiến công dâng Bác» nên đã cậy vào những «công lao» to lớn ấy lại thêm «phật tử» đông đảo, nên Thích Đôn Hậu nhất định phải tóm thâu hết mọi quyền hành trong tay. Như mọi người đã thấy, ngay Võ Nguyên Giáp mà cho đến nay sắp chết rồi, Việt cộng mới chuẩn bị vinh danh sáu mươi năm làm tướng và trao «Ấn kiếm» tượng trưng; song suốt sáu mươi năm làm tướng mà Võ Nguyên Giáp cũng chỉ có hai cái phần thưởng là: Huân Chương Sao Vàng và Huân Chương Hồ Chí Minh. Còn Thích Đôn Hậu cũng được Hà Nội ban thưởng: Huân Chương Hồ Chí Minh ngang bằng với Võ Nguyên Giáp. Ngoài ra, Thích Đôn Hậu còn có Huân Chương Độc Lập- Huân Chương Vì Sự Nghiệp Đại Đoàn Kết Toàn Dân, cộng thêm với quá nhiều chức tước mà tôi đã kể qua trong bài Tưởng Niệm Bốn Mươi Năm Cuộc Thảm Sát Mậu Thân.

Chính vì thế, nên Thích Đôn Hậu muốn tranh và cướp quyền với cộng sản Hà Nội. Chính Thích Đôn Hậu đã ra lệnh cho các «chùa» phải sắm sẵn nhiều cờ để đem ra treo tràn ngập tại Huế. Bởi Thích Đôn Hậu đã tưởng là Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa sẽ không tái chiếm nổi thành phố Huế, để nói với dân miền Nam rằng: Phật giáo Ấn Quang đã chiến thắng. Để mọi người kể cả cộng sản Hà Nội cũng phải thần phục, vì Việt Nam có đến tám - chín mươi phần trăm là Phật tử (ma). Nhưng, Thích Đôn Hậu và cả Phật giáo Ấn Quang đã không lượng được tài sức của mình, có lẽ vì thấy đã từng «thành công» qua những cuộc bạo loạn đầy máu lửa tại miền Trung, nên cứ tưởng rằng cũng sẽ áp đảo được Việt Cộng trong biến cố Mậu Thân, 1968 tại Huế. Nhưng Thích Đôn Hậu và cả Ấn Quang đã lầm; vì cộng sản Hà Nội chúng cao tay hơn nhiều, nên những ngày đầu khi Thích Đôn Hậu ra lệnh treo cờ Phật giáo tại Huế, thì Việt cộng đã thấy rõ mưu đồ của Phật giáo. Vì thế, Việt cộng đã ra lệnh phải hạ cờ Phật giáo ngay, và treo cờ của «Mặt trận Giải phóng Miền Nam Việt Nam».

Nhưng cuồng vọng ấy Phật giáo Ấn Quang cũng không từ bỏ, nên từ ngày 29/03/1975 đến 30/04/1975 tại Đà Nẵng; Thích Đôn Hậu cũng ra lệnh treo cờ Phật giáo và Ra lệnh cho Quân-Cán-Chính-Việt Nam Cộng Hòa phải đến trình diện tại chùa Pháp Lâm, ở số 500, đường Ông Ích Khiêm, là «Trụ sở Ủy ban Hòa hợp-Hòa giải Thị bộ Đà Nẵng» , rồi cũng cấp giấy trình diện cho các vị ấy, để rồi sau đó Phật giáo Ấn Quang đã bị những cán bộ cao cấp của đảng cộng sản như: Hoàng Châu Ký, Hoàng Văn Lai, Trần Thận ... chửi như tạt nước vào mặt cũng tại chùa Pháp Lâm này. Người dân Đà Nẵng vẫn nhớ vào ngày 18/05/1975, chính Thích Đôn Hậu đã ra lệnh cho đồng bào tại Đà Nẵng và các vùng lân cận: «Mỗi gia đình ít nhất phải có một người để cầm đèn đuốc đi diễn hành trong đêm 18 rạng ngày 19/05/1975, để mừng sinh nhật của bác Hồ vị cha già của dân tộc»; mà tôi đã viết qua trong bài 30/4/1975, Máu Và Nước Mắt.

Song những bài học xương máu ấy, vẫn không làm cho Phật giáoẤn Quang chịu từ bỏ cái cuồng vọng tái lập Lý triều. Mặc dù mỗi ngày những Phật tử chân chính họ càng thêm sáng suốt, họ nhận ra những hành vi của các «thầy». Vì vậy, mà một số đông khi vào tù cải tạo của việt cộng, trong những tháng năm dài bị hành hạ, khổ đau trong lao lý họ đã suy nghiệm được tất cả, và họ đã quyết định tu tâm, tu tại gia chứ không dám tới chùa chiền nữa. Một số đông các vị đã trở thành những tín hữu TCG, trong đó có Trung tá Nguyễn Tối Lạc, Quận trưởng quận Đức Dục, Ông đã xin ba vị Linh Mục đó là: Linh Mục Vũ Dần - Linh Mục Tống Kiên Hùng và Linh Mục Đặng Đình Canh để được học giáo lý ngay trong nhà biệt giam 2.79 (Đồng Mộ), Tiên Phước, Quảng Nam.

Chẳng những thế, mà giờ đây tại Đà Nẵng, ngay những Phật tử mà trước đây họ từng nghe lời xúi dục của các «thầy», họ đã lên với xuống đường, từng là «Thanh niên Phật tử quyết tử ...» . Nhưng giờ đây, chẳng những họ không đến chùa, mà họ còn đem tất cả các bài học xương máu của ngày xưa để kể lại cho con cháu nghe, và khuyên con cháu họ đừng bao giờ đến chùa, vì họ sợ con cháu của họ sẽ rơi xuống vực sâu của tội ác.

Và cũng chính vì thế, tôi muốn nói với các thầy, thôi đừng mơ mộng đến một cuộc đấu tranh cái kiểu bê bàn Phật xuống để đầy đường như mùa hè 1966. Đừng kêu gào đến dân oan vô ích, bởi những người đó nếu quả họ có oan thì họ cũng chỉ đòi hỏi sự công bằng, chứ chẳng có ai đi tranh đấu để tranh quyền, đoạt lợi dùm cho các thầy đâu. Không phải bây giờ, mà cả sau này không còn cộng sản, hay cho đến muôn nghìn kiếp sau cũng vậy.

LỰC LƯỢNG HÒA HỢP-HÒA GIẢI: KHỦNG BỐ VÀ GIẾT NGƯỜI

Như mọi người đã thấy, hầu hết các cuộc tấn công của cộng quân tại miền Nam là các «thầy» đều biết trước và chuẩn bị mọi sự một cách chu đáo, trong đó phải có sẵn thật nhiều cờ Phật giáo ở các «chùa». Để rồi dưới ngọn cờ ngũ sắc kia là cả một đoàn quân với sắc mặt lạnh lùng, đằng đằng sát khí, chỉ biết khủng bố và giết người, không hề biết động lòng xót thương trước những lời khẩn cầu của những người mẹ, người vợ và những đứa con thơ dại đang quỳ dưới chân họ vừa khóc, vừa lạy, để xin tha mạng cho chồng, cho con của họ!!!

NGÀY GIỖ THỨ 33 CỦA CÁC NẠN NHÂN ĐÃ CHẾT DƯỚI BÀN TAY CỦA PHẬT GIÁO THÔNG NHẤT (ẤN QUANG)

Đến đây, nhân ngày giỗ lần thứ 33 của các nạn nhân đã chết thảm dưới bàn tay của «Lực lượng Hòa hợp - Hòa giải Phật giáo» tại Đà Nẵng. Tôi xin phép các bậc phụ huynh cho tôi được nhắc lại những cái chết của các vị ấy kể từ ngày 29/03/1975 đến 30/04/1975:

Trước hết là Thiếu tá Trần Quốc Dân, trước năm 1954, ông ở trong hàng ngũ kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, ông tập kết ra Bắc giữ cấp bậc Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sao Vàng, Trung đoàn phó là Nguyễn Chơn. Năm 1962, Trung doàn Sao Vàng vào Nam, khi bắt được sự liên lạc lạc với một người của Ông Ngô Đình Cẩn, nên trong một lần giao tranh với quân đội Việt Nam Cộng Hòa tại Đại Lộc, Quảng Nam, ông Trần Quốc Dân đã trốn và vượt qua sông Thu Bồn về được Đà Nẵng. Sau đó, ông được người của ông Ngô Đình Cẩn đưa vào Sài Gòn, và ông đã gặp được Tổng Thống Ngô Đình Diệm, ông kể với người thân:

- «Tôi muốn vào Sài Gòn để trình diện Tổng Thống Ngô Đình Diệm, vì chỉ có Tổng Thống mới hiểu được những người tham gia kháng chiến và đặc biệt là trường hợp của tôi. Và tôi đã nghĩ đúng. Vì khi gặp mặt Tổng Thống, sau khi nói rõ về mình và trình bày nguyện vọng của tôi thì Tổng Thống đã dạy rằng: "Tôi hiểu được chú em, bây giờ đáng lẽ ra tôi trả lại em quân hàm Trung tá, vì ngoài đó có cấp Thượng tá, nhưng thôi vì danh dự của Quân Đội Quốc Gia, em hãy nhận quân hàm Thiếu tá". Tôi xin được ra chiến đấu nhưng Tổng Thống bảo: - Không được, hãy về tìm thân nhân để đoàn tụ trước khi nhận công tác. - Và Tổng Thống nói, vì biết tôi trở về với hai bàn tay trắng, không nhà cửa để nương thân, nên chính từ tay củaTổng Thống đã ban thưởng tôi ba trăm ngàn đồng (tiền VNCH) để tạo điều kiện cho tôi tái lập gia đình».
Trở về Đà Nẵng sau một thời gian ngắn ông Dân mua một căn nhà tại đường Trần Cao Vân và cưới vợ. Sau đó ông làm việc tại Bộ Công Dân Vụ.

Một năm sau, Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã bị bọn Hội đồng Gian nhân phản loạn giết chết. Là người cứng cỏi nhưng ông Dân đã rơi nước mắt, ông kêu lên:

«Thế là hết, Ngô Tổng Thống không còn nữa thì sẽ không còn ai hiểu tôi ngoài Tổng Thống».

Sau một thời gian ông lại tâm sự với người thân:
«Tôi chán nản trước nạn kiêu binh và kiêu tăng ngày càng lộng hành trên đất nước, chắc tôi sẽ xin xuất ngũ».

Tôi không nhớ rõ ngày tháng, nhưng sau đó ông đã xin xuất ngũ với giấy chứng nhận của Bác sĩ vì bệnh tật. Đã bao nhiêu năm qua rồi, nhưng tôi vẫn không hề quên những lời của ông đã kể như sau:

«Vì muốn tiếp tục phục vụ đất nước nên sau nhiều đêm suy nghĩ, tôi muốn gia nhập vào Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tôi nhận thấy tại Quảng Nam-Đà Nẵng có hai phái dù hoạt động riêng; nhưng cũng đều nhân danh là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Trước hế, là một lực lượng đông đảo có hệ thống, kỷ cương trong đó có: Biệt Kích Quân Tây Hồ, Biệt Chính Nhân Dân, Lực Lượng Tình Báo Tác Chiến, Trung Tâm Dân Ý Vụ và Thanh Niên Đoàn Miền Trung … (Các lực lượng này được hưởng ngoại viện) tất cả đều trực thuộc Trung Ương Pháp Định do cụ Vũ Hồng Khanh lãnh đạo.

Lực lượng này không bao giờ tham gia vào những cuộc đấu tranh biểu tình mang bàn Phật xuống đường của Phật giáo Ấn Quang, mà còn tiếp tay với chính phủ một cách đắc lực không cho Phật giáo chiếm Huế và Đà Nẵng để lập thành lập «Chính phủ Miền Trung» theo chỉ đạo của cộng sản Hà Nội; và một nhóm thứ hai là Kỳ Đảng Bộ Trung Việt, thường được gọi là Kỳ bộ Trung Việt, hoặc là Kỳ bộ; nhóm này cũng xưng là Việt Nam Quốc Dân Đảng, nhưng luôn ủng hộ và tôn vinh ông Nguyễn Tường Tam là lãnh đạo của Đại Việt Dân Chính. Rất nhiều người đã biết ông Nguyễn Tường Tam vì muốn đứng ké dưới hào quang của anh hùng Nguyễn Thái Học, nên đã có liên minh với Việt Nam Quốc Dân Đảng do cụ Vũ Hồng Khanh, cụ Nghiêm Kế Tổ và cụ Chu Bá Phượng lãnh đạo một thời gian ngắn; mục đích là để cướp quyền lãnh đạo của Việt nam Quốc Dân Đảng Chính Thống, nhưng không thành. Sau biến cố Ôn Như Hầu, tháng 3/1946, cụ Vũ Hồng Khanh đã rút quân lên vùng Bùi-Phát và đã được Đức Cha Lê Hữu Từ và Giáo dân giúp đỡ phương tiện, kể cả việc cung cấp thực phẩm để thành lập Chiến khu Cao-Bắc-Lạng để chiến đấu với cộng sản. (Bởi Ân Đức ấy, nên khi Đức Cha Lê Hữu Từ tạ thế, chính Tướng Siêu Hải Vũ Hồng Khanh, Nguyên Tư lệnh Chiến khu Cao-Bắc-Lạng, đương kim Chủ tịch Trung ương Pháp định đã ra lệnh cho tất cả đảng viên VNQDĐ trên toàn quốc đều làm lễ Truy điệu và chịu tang).

Còn ông Nguyễn Tường Tam ngay sau biến cố Ôn Như Hầu đã rút lui khỏi liên minh và cùng một nhóm Đại Việt Dân Chính đã chạy trốn sang Tàu… Vì vậy, đương nhiên kể từ lúc đó, tháng 3/1946, là ông Nguyễn Tường Tam đã trở lại với Đại Việt Dân Chính. Nhưng tiếc rằng, vẫn có nhiều người vì không thấu đáo mọi chuyện, nên đã lầm tưởng ông Nguyễn Tường Tam là Việt Nam Quốc Dân Đảng. Tại miền Trung, người ta biết ông Nguyễn Tường Tam đã đứng đàng sau nhiều người.

Trước hết, là ông Lê Đình Duyên cựu Quận trưởng quận Duy Xuyên, Quảng Nam, ông Lê Đình Duyên đã mang con dấu quận trưởng đem trả cho chính phủ, kế đến là ông Phan Thiệp, quận trưởng quận Tam Kỳ, người thứ ba là ông Phan Vỹ, quận trưởng quận Thăng Bình. Cả ba người này sau khi đem trả con dấu Quận trưởng họ đều rút ra bưng cùng một số đảng viên thành lập ra Chiến Khu Nam-Ngãi, để chống chính quyền Đệ Nhất Cộng Hòa.

Ông Lê Đình Duyên là con ruột của Bác sĩ Lê Đình Thám là người Quảng Nam, là một đảng viên cộng sản kỳ cựu đã tập kết ra Bắc; song ông đã hồi kết, và vẫn như bóng vời hình tại miền Nam, đặc biệt là tại miền Trung. Chính Bác sĩ Lê Đình Thám là người đã đẻ ra cái gọi là «Gia đình Phật tử», là một tổ chức ngoại vi của đảng cộng sản Hà Nội. Trong thời gian này, dưới sự chỉ đạo của Bác sĩ Lê Đình Thám, cộng thêm với cảm tình với ông Nguyễn Tường Tam là người gốc Quảng Nam, nên nhóm này đã lôi kéo được một thiểu số đảng viên của Cụ Vũ Hồng Khanh ra chiến khu. Chính điều này, đã đưa Cụ Vũ vào một thế vô cùng khó xử … Song sau đó nhờ sự sáng suốt của Ông Ngô Đình Nhu mà đa số những người này đã tự ý rời bỏ «Chiến khu Nam- Ngãi» trở về làm việc lại như cũ, chứ Chiến khu Nam- Ngãi không hề bị quân đội VNCH tấn công như những lời tuyên truyền xuyên tạc của Phật giáo. Chỉ có một thiểu số vẫn trung thành với hai ông Nguyễn Tường Tam và Lê Đình Thám mà thôi. Vì vậy, nên cuối cùng tôi quyết định xin cộng tác với cụ Vũ Hồng Khanh, bởi tôi không bao giờ chấp nhận những hành vi của đảng Đại Việt Dân Chính do ông Nguyễn Tường Tam lãnh đạo».

Chức vụ cuối cùng của ông Trần Quốc Dân là một trong bốn Phó Chủ tịch Thành bộ Hợp nhất Đà Nẵng. Vào ngày 24/03/1975, trong lúc Đà Nẵng chưa mất, nhưng Lực lượng Hòa hợp-Hòa giải Phật giáo kiểm soát Thành phố Đà Nẵng rồi. Trong lúc ông Dân chuẩn bị đưa vợ con di tản, thì bất ngờ hai ông Đại đức Thích Như Ký, Tổng thư ký Giáo hội Tăng già Quảng Nam-Đà Nẵng cùng Huỳnh Phổ, cư sĩ Chánh đại diện Giáo hội Phật giáo quận nhì (cả hai là cố vấn của LLHHHG thị bộ Đà Nẵng) đã dắt theo một đám thanh niên Phật tử có vũ trang đến nơi (sau này tất cả đều trở thành công an VC). Hai người vào nhà ông Dân, Thích Như Ký nói:

«Chúng tôi ban lãnh đạo Lực lượng hòa hợp-hòa giải thị bộ Đà Nẵng mời ông lên chùa tỉnh hội (chùa Pháp Lâm) để cùng làm việc, ông hãy tin tưởng vào chúng tôi và ông sẽ có một chỗ đúng trong lòng dân tộc».

Nói là «mời» nhưng đám thanh niên Phật tử đứng sau lưng hai ông này, tên nào cũng lăm lăm tay súng. Không còn cách nào khác hơn nên ông Dân đành phải theo chúng lên «chùa».

Ông Dân đi rồi, gia đình biết ông sẽ gặp nguy nên vợ ông đã dắt hai đứa con nhỏ của ông lên «chùa» Pháp Lâm ở số 500, đường Ông Ích Khiêm để xin gặp mặt chồng, nhưng đội «An ninh Phật tử» chặn ngay ngoài cổng không cho vào. Vợ ông khóc lóc van lạy thế nào cũng không được nên đành dắt con trở về.

Ngày 30/03/1975, khoảng 10 giờ sáng, Ủy ban Hòa giải Phật giáo đã đưa ông Trần Quốc Dân đi từ «chùa» Pháp Lâm đến nhà giam Kho Đạn ở số 15, đường Đào Duy Từ, Đà Nẵng. Chúng đã trói hai tay ông ra sau, còn tròng thêm một vòng thòng lọng lên cổ, cách trói này giống như chúng đã trói các vị viên chức chính quyền, các cán bộ Nghiệp đoàn lao công và các đảng viên VNQDĐ, trong cuộc bạo loạn mang bàn Phật xuống đường, vào mùa hè 1966, khi áp giải các vị nói trên đến nhà tù (chùa) Phổ Đà ở số 340, đường Phan Châu Trinh ĐN. Bởi cách trói này, nếu nạn nhân bỏ chạy, thì sợi dây sẽ tự thắt cổ lại mà chết. Như thế mà vẫn chưa đủ mà «An ninh Phật tử» còn cầm súng đi kèm. Thấy ông Trần Quốc Dân bị chúng áp giải trên đường phố, đồng bào Đà Nẵng đã gọi chúng là «Ủy ban Phật giáo Áp giải».

Ngày 03/03/1975, khoảng 9 giờ tối, Nguyễn Chơn, tướng VC, đã cùng mấy tên cận vệ đến nhận ông Trần Quốc Dân tại nhà giam rồi dẫn ông ra khỏi trại. Đến sáng hôm sau, người ta phát hiện ông Trần Quốc Dân đã chết, xác ông được bỏ vào Nhà Vĩnh Biệt của Quân Y Viện Duy Tân, Đà Nẵng; và trên thân thể của ông có nhiều vết đạn. Ai cũng hiểu rằng những vết đạn ấy là do chính Nguyễn Chơn đã bắn chết ông Trần Quốc Dân.

Điều đáng nói không phải là chuyện Nguyễn Chơn xử tử ông Trần Quốc Dân, bởi Chơn là cộng sản thì giết người là chuyện bình thường. Mà điều đáng phải lên án là cái «Lực lượng Hòa hợp-Hòa giải Phật giáo», đã theo lệnh của Việt cộng là phải bắt ông Trần Quốc Dân giam trong chùa Pháp Lâm từ ngày 24/03/1975 , để chờ giao cho Nguyễn Chơn để xử bắn. Ngoại trừ cộng sản, không ai có thể chấp nhận được những việc làm tàn ác này của Phật giáo Ấn Quang. Bởi, nếu Phật giáo không sai Thích Như Ký và Huỳnh Phổ Chánh đại diện Phật giáo QN-ĐN, đến bắt ông Trần Quốc Dân đem giam tại chùa rồi đem nộp mạng cho Nguyễn Chơn, trong lúc ông sửa soạn đưa vợ con di tản, thì biết đâu có thể ông đã ra hải ngoại, hoặc vào tù cải tạo, hay chết trong tù chứ không chết một cách tức tưởi như thế !!!

Sau khi ông Trần Quốc Dân đã chết bọn VC đã xông vào nhà ông dùng bạo lực đuổi vợ con ông ra khỏi nhà. Vợ ông chỉ được ôm mấy bộ áo quần và dắt hai đứa con thơ về nương tựa với mẫu thân tại chợ Tân Lập, Đà Nẵng.

Nhưng những tên sát thủ trong cái gọi là «Lực lượng Hòa hợp-Hòa giải Phật giáo»; không phải chịu ngưng lại ở cái chết của ông Trần Quốc Dân. Mà ngay trong đêm 29/03/1975, cả lũ chúng đã kéo nhau đi tìm những vị khác mà chúng đã gọi là: «Cần Lao-Quốc Dân Đảng ác ôn», để giết chết trước khi Việt cộng tiếp thu để trả thù, vì các vị này đã phản đối cuộc tấn công Thanh Bồ-Đức Lợi, 24/8/1964; và đã tiếp tay với chính quyền để dẹp loạn bàn phật xuống đường, mùa hè 1966. Và bởi chúng muốn chính tay chúng giết và cũng sợ Việt cộng chỉ bỏ tù các vị đó chứ không giết; vì các vị ấy, người có chức vụ cao nhất là Phường trưởng mà thôi.

Nên biết, từ ngày 20/03/1975, tại Đà Nẵng Phật giáo đã cướp chính quyền của VNCH. Phật giáo Ấn Quang đã tự xưng là «Chính Quyền Hòa Giải Phật Giáo». lúc bấy giờ họ cũng xưng là Phường trưởng, Xã trưởng … và có «Lực lượng An ninh Phật tử - Lực lượng Vũ trang Chính quyền Hòa giải …».

Và như LLHHHGPG đã nói: «Phải tận diệt thành phần ác ôn». Vì vậy, nên vào đêm 29/03/1975, Lực lượng Vũ trang Chính Quyền Hòa giải Phật giáo đã đến tận nhà của các vị sau đây để bắt họ đem đi xử bắn tại An Hải Bắc, Quận 3, Đà Nẵng, đó là các Ông:

Hồ Hân, quê Quảng Ngãi, nhà ở An Thị, An Hải Bắc, quận 3 Đà Nẵng, nguyên Trưởng ban Thẩm vấn Ty Cảnh sát Quốc gia thời Đệ Nhất Cộng Hòa. Năm 1964 đã bị Phật giáo bắt đánh về tội «Dư đảng Cần lao».

Nguyễn Phận, nhà ở An Tân, An Hải Bắc, nhân viên ban 2, Chi khu quận 3, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng.

Phạm Lý, quê Tứ Câu, Thanh Thủy, Điện Bàn, Quảng Nam, nhà ở An Cư 3, An Hải Đông, công nhân sở Mỹ, đảng viên Việt Nam Quốc Dân Đảng.

• Cùng bị bắn với ba vị kể trên còn có hai vị nữa, tôi nhớ một người tên Mua và một người tôi quên tên; nhưng tôi biết cả hai người này là đảng viên đảng Công Nông.

• Riêng ông Bùi Ngọc Cang, Phường trưởng Phường An Hải Bắc, thời Đệ Nhất Cộng Hòa ông là Nhân viên Phòng 2 Thị đoàn Bảo An Đà Nẵng. Năm 1964, bị Phật giáo bắt đánh về tội «Dư đảng Cần Lao». Lúc «Lực lượng Vũ trang Hòa Giải Phật giáo» đến nhà ông Bùi Ngọc Cang, vợ Ông Bùi Ngọc Cang ra mở cửa. Vừa thấy mặt Ông Bùi Ngọc Cang là một tên đã bắn xả vào Ông liền mấy phát. Ông Bùi Ngọc Cang gục chết ngay giữa nhà trước sự kinh hoàng của vợ con, bà Cang ngất xỉu, các con ông thét gào lên kêu cứu. Lực lượng Hòa giải Phật giáo lạnh lùng quay lưng bỏ đi, để còn tìm thêm những «thành phần ác ôn» khác để giết tiếp.

Một trường hợp khác, vào khoảng 10 giờ sáng ngày 29/03/1975, trong cơn chạy loạn khi xe tôi chạy đến ngay ngã ba Huế, bỗng thấy một dòng người chạy theo sau đám «Lực lượng Hòa giải Phật giáo» khi thấy lũ này đang tiến về một căn nhà nằm ở ngay góc ngã ba, phía trái trên con đường từ Đà Nẵng chạy về phía Phước Tường. Có lẽ họ đã biết rằng một khi đám này đến nhà một người nào thì trong căn nhà đó phải có người chết. Thấy đám đông trước cổng căn nhà này, vì kẹt xe và cũng muốn biết chuyện gì, tôi dừng lại. Trước mặt tôi, phía trong cổng là một căn nhà khá khang trang, các cửa đều đóng kín, trong sân có trồng nhiều loại hoa, những chậu cây cảnh đặt phía trước thềm nhà và dọc theo mấy bậc tam cấp.

Khi vào đến trước căn nhà này, đám LLHHHGPG lên tiếng gọi: «Mở cửa, hãy mau mau mở cửa, không mở thì chúng tao sẽ phá cửa!»

Im lặng một lúc sau, tôi cùng đồng bào bỗng thấy cánh cửa bên hông trái của căn nhà xịch mở, hai người đàn ông mặc đồ dân sự, trạc chừng dưới ba mươi tuổi bước ra. Nhưng khi cả hai người này vừa bước xuống hết bậc tam cấp thì không ai biết có bao nhiêu người đã bấm cò; nhưng mọi người đã nghe nhiều loạt đạn nỗ bắn thẳng vào hai vị này; cả hai đều gục chết ngay nằm trên vũng máu, dưới chân bậc tam cấp của nhà họ. Trước cảnh đó, đồng bào cũng như tôi đều biết Lực lượng Hòa giải Phật giáo đang say máu người nên phải nhanh chóng rời xa nơi đó. Song trước khi cho xe chạy đi tôi đã hỏi qua đồng bào tại đó, thì được đồng bào cho biết, hai vị đó là hai anh em ruột và đều là cảnh sát.

Cho đến giờ này và mãi mãi tôi không bao giờ quên được căn nhà này; cũng như hai anh em ruột là cảnh sát. Mặc dù tôi không biết tên, không biết gì về cả hai người này; nhưng tôi đã nguyện rằng: Không thể để tên họ của những nạn nhân đã chết thảm khốc dưới bàn tay của Phật giáo Ấn Quang đi vào quên lãng: Vì thế, chắc chắn sẽ có một ngày tôi trở lại, để đến căn nhà đó. Nếu gia đình họ không còn ở nơi ấy nữa, tôi vẫn tin rằng tôi sẽ tìm ra thân nhân và tên họ của hai vị này; nhất định tôi phải tìm ra, để với tất cả tâm thành tôi sẽ đốt nén nhang cắm lên bàn thờ, cắm trước mộ phần của họ, là hai người đã bị giết chết một cách tức tưởi không kịp nói được nữa lời; Ôi ! Hòa hợp ! Ôi ! Hòa giải ! Ôi ! Phật giáo !!!

Với những cái chết vô cùng thảm thương và oan uổng như đã kể trên. Tôi vẫn hằng tâm nguyện sẽ có một ngày tôi sẽ trở về, để tìm cho ra tất cả tên họ của những nạn nhân đã chết thảm dưới bàn tay của Phật giáo Thống nhất (Ấn Quang) qua những cuộc thảm sát mà tôi đã chứng kiến, có người tôi biết tên, có người tôi đã thấy họ bị giết mà không biết tên vì trong lúc chạy giặc, kể từ năm 1960 cho đến 30/04/1975. Tôi và những thân nhân của họ sẽ nhờ đến ngọn đèn công lý để xét soi. Nhất định chúng tôi phải đòi cho được lẽ công đạo cho những oan hồn uổng tử.

Viết đến đây, lòng tôi bỗng vô cùng đau xót. Tôi muốn nói rằng: Nếu Phật giáo Ấn Quang không giết các vị ấy, thì biết đâu khi việt cộng kiểm soát hết thành phố Đà Nẵng; vì các vị ấy chỉ là những cựu viên chức nhỏ Thời Đệ Nhất Cộng Hòa, hoặc những viên chức nhỏ và chỉ là đảng viên của các đảng phái mà thôi; thì có thể họ sẽ bị vào trại cải tạo, rồi họ ra tù, họ sang Hoa Kỳ. Thà rằng để cho Việt Cộng giết chết họ trong và ngoài nhà tù. Và đó, là lý do mà giờ đây người dân Đà Nẵng đã không còn nghe theo lời kêu gọi của các «thầy» nữa

Phật giáo Ấn Quang tàn ác dã man lắm; vì đã đang tâm giết chết họ, họ đã bỏ lại vợ dại con thơ trong cơn khiếp đảm, kinh hoàng, và vợ con họ đã kéo lê những tháng năm dài trong nỗi đau đớn khốn cùng. Những tang thương ấy cho đến bao giờ mới phai mờ trong ký ức của họ ? ? ? !!!
AI QUYẾT ĐỊNH TRONG VIỆC THỐNG NHẤT PHẬT GIÁO VÀO NĂM 1981 ?

Như đã nói ở trên, ngay Võ Nguyên Giáp làm tướng Việt Cộng đến sáu mươi năm, mà bây giờ sắp chết mới được Hà Nội ban phát cho cái «Ấn kiếm». Còn về Huân chương, Huy chương, và chức tước, thì Võ Nguyên Giáp còn thua xa Thích Đôn Hậu.

Chính vì thế, nên sau ngày 30/04/1975, Thích Đôn Hậu từ miền Bắc, từ bưng biền trở về, Y đã tự xem mình là anh hùng đã từng chinh Trung, chiến Nam. Nay trở về thì nhất định là phải đăng quang lên ngôi cửu ngũ. Tại Đà Nẵng, trong buổi lễ sinh nhật Hồ Chí Minh do Y chủ trì tại «chùa» Pháp Lâm, với những lời ca tụng «công đức» của HCM; rồi còn bảo: «Phật tử hãy thiết lập bàn thờ để thờ bác Hồ vĩ đại tại nhà». Với những chiến công to lớn đã được Hà Nội ghi nhận như vậy. Song cộng sản Hà Nội cũng đâu phải là những tay vừa; Hà Nội đã biết, đã thấy rõ cái cuồng vọng của Phật giáo Ấn Quang, nên Hà Nội đã thì thầm, to nhỏ với Thích Đôn Hậu là: «Ngài hãy tìm mọi cách để thống nhất Phật giáo đi, đảng sẽ đưa ngài lên ngôi lãnh đạo Phật giáo cả nước». Bởi thế, nên chính Thích Đôn Hậu đã hối thúc Hòa thượng Thích Trí Thủ và đồng môn Ấn Quang phải thống nhất Phật giáo cả nước thành một khối; bởi Thích Đôn Hậu đinh ninh rằng một khi Đại hội Thống nhất Phật giáo được tổ chức thì cái chức Tăng Thống sẽ về tay Y. Để rồi từ cái chức tăng thống ấy Y sẽ tóm thâu hết «sơn hà xã tắc» trong tay. Nghĩa là Thích Đôn Hậu đã mưu toan sẽ nắm giữ cả giáo quyền lẫn thế quyền.

Ngày nay Thích Đôn Hậu đã chết, thì Hòa thượng Thích Quảng Độ và các đồ đệ lại cũng tiếp tục với giấc mộng tái lập Lý triều với một nước Việt Nam Phật Quốc.

Điều này, để thấy rõ ràng hơn, tôi xin quý vị độc giả hãy đọc lại 1 trong 3 điều trong bản tuyên ngôn của Phật giáo đã đăng trên báo Quê Mẹ số 137-138, năm 1997, trang 89 nguyên văn như sau:

«TUYÊN NGÔN VÀ QUYẾT NGHỊ CỦA ĐẠI HỘI KHOÁNG ĐẠI KỲ I TẠI HOA KỲ- VĂN PHÒNG II VIỆN HÓA ĐẠO: Điều 3 - Mở cuộc vận động giải thể thế quyền và ảnh hưởng chính trị bè phái manh động làm ung thối nội tâm nền Phật giáo dân tộc, để trang nghiêm đất nước và pháp giới».

«Giải thể thế quyền» Nghĩa là nước Việt Nam phải chịu sự cai trị bởi GIÁO QUYỀN; mà chắc chắn là cái «Tuyên ngôn của Đại hội khoáng đại …» này không bao giờ đòi giáo quyền của một tôn giáo nào khác là Giáo Quyền của Phật giáo. Mà có tôn giáo nào đòi cầm quyền đâu ?

Chỉ cần một Điều 3 này thôi, thì dù bất cứ một người nào Ngu như tôi đây cũng hiểu được cái tham vọng hay nói đúng hơn là cái cuồng vọng của Phật giáo rồi; khỏi cần phải giải thích dài dòng thêm một lời nào nữa cả.

Trở lại với Thích Đôn Hậu; vì đã không lường được mọi sự nên đến khi đại hội thống nhất Phật giáo Nam-Bắc được khai diễn thì Hòa thượng Thích Đức Nhuận đã được «đại hội bầu» lên ngôi Pháp chủ; còn Thích Đôn Hậu chỉ được «suy cử» vào Hội đồng Chứng minh và giữ chức Phó Pháp chủ kiêm Giám luật Hội phật giáo Việt Nam». Kể từ đó Thích Đôn Hậu ngày đêm vẫn cứ suy tính để làm cách nào giành lại quyền hành; nên ta thấy khi Hà Nội cử đi đến nước nào Thích Đôn Hậu cũng đều đi cả, vì vừa đi vừa toan tính; nhưng tính đến chết Thích Đôn Hậu cũng chỉ là Phó Pháp chủ kiêm giám luật Hội Phật giáo Việt Nam mà thôi. Cả nước ai cũng biết Thích Đôn Hậu chưa hề làm Tăng thống một phút giây nào cả.

Còn một điều nữa, tôi muốn hỏi nhỏ ông Võ Văn Ái. Ông còn nhớ hay đã quên hồi còn mồ ma cái chức «Phó chủ tịch Liên đoàn Quốc tế Nhân quyền» ông còn đến được với Cơ quan Quốc Tế Nhân Quyền; để chỉ đánh bóng tên tuổi của mấy ông sư cộng sản, và đã có lần ông nhận được cái «Đơn kiện của Đại lão Hòa thượng Thích Quang Thể; người đứng đầu của tổ chức Tăng đoàn bảo vệ chánh pháp» gửi sang Paris cho ông; mục đích là nhờ ông đưa ra Quốc tế nhân Quyền để kiện cộng sản Hà Nội về việc «chính quyền đã chiếm dụng 17 (mười bảy) ngôi chùa ở Đà Nẵng».

Ông đã vô cùng «hồ hởi-phấn khởi» đưa ngay lên Quốc tế Nhân quyền; nhưng ông đã không ngờ được là ở ngay Ủy ban Quốc tế Nhân quyền cũng đã có một lá thư của «Đại lão Hòa thượng» Thích Quang Thể. Nội dung thư này «Đại lão HT Thích Quang Thể» đã phủ nhận hoàn toàn rằng không hề viết và không hề biết cái đơn kiện đó …

Còn một điều khác mà xem ra ông Võ Văn Ái khó có thể hiểu được đó là «Thượng tọa» Thích Minh Tuấn, Hiệu trưởng Trường Trung-tiểu học Bồ Đề tại Đà Nẵng, người gốc Huế; song đã bắt rễ ở Đà Nẵng đã lâu, TT Thích Minh Tuấn từng là người lãnh đạo «Phật giáo Cứu quốc» trong cuộc tấn công đốt nhà, đánh giết đồng bào Thanh Bồ-Đức Lợi, 24/08/1964, và cuộc bạo loạn bàn Phật xuống đường vào mùa hè 1966, Thích Minh Tuấn cũng đã lãnh đạo «Đoàn Thanh niên Phật tử Quyết tử» đã đánh và bắn chết em Lê Quang San ngay phía trong cổng chùa Pháp lâm. Rồi đến 29/03/1975, Thích Minh Tuấn đã công khai đem cả đoàn xe ra tận núi rừng để rước bộ đội Bắc Việt vào ĐN; sau đó đã «Nhân danh là Hiệu trưởng Trường Bồ Đề xin dâng hiến tất cả Trung-tiểu học Bồ Đề cho cách mạng». Thích Minh Tuấn đã làm phó đại diện đứng sau Thượng tọa Thích Quang Thể Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo Quảng nam- Đà Nẵng suốt mấy chục năm qua. Ấy vậy mà bỗng dưng bây giờ «Thượng tọa» Thích Minh Tuấn lại giao chức Phó đại diện lại cho «Hòa thượng» Thích Giác Viên để cùng làm công việc «Phật sự» bên «Đại lão Hòa thượng» Thích Quang Thể, Chánh Đại diện cho đến ngày … sàng tịch. Còn «Thượng tọa» Thích Minh Tuấn đã hô … biến một cái là đã vào ngay Tu viện Nguyên Thiều, Quảng Ngãi, và hiện đương làm «Thị giả của Đại lão Hòa thượng Thích Huyền Quang, Đệ tứ Tăng thống GHPGVNTN». Với chức năng «Thị giả » Thích Minh Tuấn luôn luôn thường trực bên cạnh Đệ tứ Tăng thống không rời một bước; chẳng những thế, mà bất cứ ai khi đến Tu viện Nguyên Thiều muốn hỏi điều gì về Tăng thống cũng phải qua sự đồng ý của «Thị giả» Thích Minh Tuấn. Nhưng thường là chỉ được «Thị giả» trả lời và giải quyết mọi việc; còn về Tăng thống có lần «Thị giả» Thích Minh Tuấn nói: «Giáo chỉ số 9 thì do một người ở Sài Gòn đưa ra, chứ Đức Tăng thống đang bị bệnh nặng không nói năng gì được».

Và người trả lời phỏng vấn nói tiếng pha lẫn vừa Quảng Nam vừa Quảng Ngãi, được cho là của Đức Tăng thống; song có người lại chưa chịu tin. Như vậy, tôi nghĩ ngay cả «Viện Hóa Đạo II» cũng không biết đường đâu mà mò. Thôi thì đành chờ thời gian sẽ trả lời mọi sự; hay là ông Võ Văn Ái hãy hô … biến như «thị giả» Thích Minh Tuấn để về tận Tu viện Nguyên Thiều xem hư thực ra sao, khi đó lời nói của «phát ngôn nhân» nghe mới thuyết phục được.

PHẬT GIÁO ẤN QUANG KHÔNG DÁM NHÌN NHẬN SỰ THẬT.

Cho đến giờ này và mãi mãi Ấn Quang vì khư khư ôm cái cuồng vọng tái lập Lý triều, cứ mơ màng về một nước Việt Nam Phật Quốc nên vẫn cứ loay hoay mãi trong cái vòng lẫn quẫn không bao giờ có lối thoát. Hồi còn bé tôi đã nghe Mẹ tôi ru em bằng câu hát như sau:

Con kiến mà leo dây bầu, Leo lên leo xuống từ đầu chí đuôi. Leo ngược rồi lại leo xuôi, Leo lên leo xuống từ đuôi chí đầu. Con kiến mà leo dây bầu Leo lên leo xuống từ đầu chí đuôi. Leo ngược rồi lại leo xuôi, Leo lên leo xuống từ đuôi chí đầu.
……….

Và cứ vậy, những con kiến này nó cứ leo, leo tới, leo lui, leo lên, leo xuống, leo hoài, leo mãi, leo cho đến chết cũng không chịu tìm cách để thoát khỏi cái dây bầu; vì thế nó không bao giờ biết cái gì khác ngoài cái dây bầu cả.

Mà kể ra cũng bế tắc; bởi Phật giáo Thống nhất (Ấn Quang) đều biết Thích Đôn Hậu là một đảng viên cộng sản kỳ cựu và cao cấp thứ thiệt, biết tất cả; nhưng không có can đảm để nói ra sự thật đó. Phật giáo đều biết tội ác của Thích Đôn Hậu trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân, 1968, tại Huế, biết Y ra chiến khu theo Việt Công, rồi ra Bắc đã ở bên cạnh Hồ Chí Minh. Nhưng vẫn cứ ca là Thích Đôn Hậu bị việt cộng bắt khiêng đi, bị bắt buộc phải như thế này, như thế nọ bị … bị … và bị … Nhưng trên các báo Quê Mẹ ông Võ Văn Ái luôn luôn viết rằng:

«ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH ĐÔN HẬU VỚI TINH THẦN VÔ ÚY …».

Đã nói là VÔ ÚY thì sợ cái gì nữa chứ ? ? ?. VÔ ÚY thì việt cộng làm sao bắt buộc Hòa thượng Thích Đôn Hậu làm những điều mình không muốn. Chẳng lẽ những lần lên máy bay công du đến các nước như Nga, Tiệp Khắc, Mông Cổ … Việt cộng cũng đã áp giải hay sao ? ? ? Đã VÔ ÚY thì lúc nào cũng sẵn sàng tử đạo, hoặc chết vì lý tưởng. Vô Úy !!! và Vô Úy !!! … Bao nhiêu năm qua rồi, người dân Việt đã chết thảm, đã đau thương, đã khốn khổ dưới bàn tay của Phật giáo; thì hôm nay những oan hồn của những nạn nhân ấy, cũng như những nạn nhân còn sống với những vết thương không bao giờ lành được. Tất cả đều gọi kêu Phật giáo Ấn Quang hãy chấm dứt ngay những trò ngụy biện; bởi chỉ có những kẻ cuồng tín, dại khờ mới tin Phật giáo Ấn Quang; còn người dân Việt bây giờ đa số họ đã sáng suốt lắm. Song xét cho cùng cũng như những con kiến ấy nó cứ leo … leo hoài … leo mãi … leo cho đến một ngày nó sẽ chết giấc trên cái dây bầu mà thôi. Bởi vậy, dù đã biết Thích Đôn Hậu không hề có làm Tăng thống một giây phút nào hết; nhưng ngặt nỗi là không có Đệ tam Tăng thống, thì làm sao có Đệ tứ với Đệ ngũ … ???!!!

ĐẠI LÃO HÒA THƯỢNG THÍCH QUẢNG ĐỘ: «ẨM THỦY TƯ NGUYÊN»
.

Riêng về Đại lão Hòa thượng Thích Quảng Độ, tôi thấy trên báo Quê Mẹ số 131, tháng 1-2-1995, nơi trang 78, có đăng lời của HT rằng: Lúc bị quản thúc ở Thái Bình Hòa thượng đã viết bằng chữ Tàu lên một tấm bảng gỗ và treo trước cửa trên đó có bốn chữ «Ẩm Thủy Tư Nguyên» Hòa thượng Thích Quảng Độ đã chê một tên một công an dốt khi nói:
«Hắn viết những chữ gì … vì anh ta không biết chữ Hán vì bốn chữ này rất thông dụng».

Về điều này ai cũng hiểu, vì công an Việt Nam thì làm sao biết chữ Tàu; và HT Thích Quảng Độ là người Tàu hay sao mà lại vẽ Bùa chứ không viết chữ Việt ? Mà bốn chữ này mà «rất thông dụng» hay sao ? Tôi nghĩ có bao nhiêu người Việt Nam đã đọc được, đã hiểu được bốn chữ Tàu này mà HT gọi là «rất thông dụng». ??? Bởi vậy, chẳng phải một tên công an kia dốt, mà còn nhiều người cũng dốt nữa. Bởi, bốn chữ đó nó không đơn giản là «Ẩm Thủy Tư Nguyên» đâu; mà nó còn hàm chứa những điều ẩn ức trong lòng của Hòa thượng:

Ôi ! Uống nước nhớ nguồn, hay Ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Ôi ! Sao các người không nhớ những tháng ngày CS và PGVNTN cùng chung lưng đấu cật, kề vai sát cánh để «Đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào». Để rồi bây giờ các người đành đoạn ngồi Ẩm Thủy mà chẳng Tư Nguyên. Hay nói nôm na là sao các người nỡ đoạn đành ngồi Ăn quả mà chẳng nhớ kẻ cùng trồng cây. Và còn nói một cách dễ hiểu hơn là: Tại sao các người không nhớ những tháng năm làm cộng sản với nhau, mà bây giờ các người tự chia chác QUYỀN và LỢI với nhau mà nỡ tâm đành đoạn chẳng chia cho ta một tí. Nhìn thấy các người ngồi ăn quả với nhau, ta thấy mà ta vừa thèm rỏ dãi vừa ấm ức trong lòng. Ôi! Tiếng kêu than: «Ẩm Thủy Tư Nguyên !» Sao mà nghe thê thiết đến thế ! Hỡi người ơi! Ta muốn nói:

- Chiến trường ai khóc chia phôi,
- Khải hoàn ai nhắc đến người hôm qua ???!!!

Nhưng khi đặt bút để viết bốn chữ tàu: «Ẩm Thủy Tư Nguyên», thì có lẽ nào Hòa thượng Thích Quảng Độ đã quên rằng cái chức Tăng thống đó nó đã bắt đầu từ Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Những điều này kể ra thì nó quá dài dòng và không cần thiết, bởi chính HT Thích Quảng Độ và Phật giáo ấn Quang đều biết. Ở đây tôi chỉ muốn nói chính HT Thích Quảng Độ và Phật giáo Thống Nhất (Ấn Quang) đều là những người đã bội nghĩa vong ân, bởi cứ luôn luôn đòi cái chức Tăng thống, mà đã quên đi Người đã giúp cho ra đời cái chức Tăng thống, đó là Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Ngược lại, qua những bài viết của Hòa thượng Thích Quảng Độ và các sư thuộc GHPGVNTN (Ấn Quang) và của ông Võ Văn Ái trên các số báo Quê Mẹ tất cả những người này cũng cứ nói rằng «thời Đệ Nhất Cộng Hòa Phật giáo luôn bị đàn áp và kỳ thị …». Cho đến bây giờ ai đã từng lần dở lại những trang sữ cũ, thì đều đã thấy rõ ràng là Hòa thượng Thích Quảng Độ và cả Phật giáo Thống nhất (Ấn Quang) đã Ẩm Thủy mà không hề có một phút Tư Nguyên. Bởi, cái chức Tăng thống đó nó đã do từ Tổng Thống Ngô Đình Diệm mà có.

TẠM KẾT

Theo tôi thấy, đã mấy chục năm qua từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa, cho đến bây giờ Phật giáo Ấn quang vẫn ca những bài ca Pháp nạn, đàn áp Phật giáo … và đặc biệt cứ đòi thực thi Dân Chủ; trong khi chính Phật giáoẤn Quang chẳng có dân chủ một tí nào cả.

Trước kia, sống trong thể chế của cả hai Nền Cộng Hòa Việt Nam mặc dù không muốn, nhưng chính quyền vì phải lo đối phó nhiều mặt, nên đã làm ngơ mới có chức Tăng Thống. Nhưng có Tăng Thống rồi mà cũng chưa thỏa mãn, còn gây ra những cuộc bạo loạn, giết hại dân lành, gieo tang thương, máu lữa vì còn muốn cướp chính quyền nữa. Bởi vậy, nên cả hai Nền Cộng Hòa Việt Nam phải sụp đổ. Việt Nam Cộng Hòa sụp đổ, Thể chế Cộng Hòa đã mất, Tổng Thống không còn thì đương nhiên Tăng thống và Phật giáo Việt Nam Thống nhất cũng phải cáo chung. Phật giáo Ấn Quang phải nên nhớ kỹ rằng: Đã làm cộng sản, đã biết cộng sản thì cũng phải biết rằng chế độ cộng sản không bao giờ có chức Tăng thống.

Đó là cái Quả mà Phật giáo phải gặt bởi cái Nhân đã cùng cộng sản đánh đổ cả hai nền Công Hòa Việt Nam. Như thế mà Hòa thượng Thích Quảng Độ còn đòi việt cộng «phải phục hoạt cho GHPGVNTH như trước 1975». Như vậy, thì tại sao trước 1975, từ thời Đệ Nhất Cộng Hòa Phật giáo cứ luôn luôn ca bài «Pháp nạn» rồi kêu gọi «đấu tranh để đánh đổ Mỹ-Diệm, Độc tài, gia đình trị». Sau khi Nền Đệ Nhất Cộng Hòa đã sụp đổ, thì vẫn tiếp tục kêu gọi đấu tranh mang bàn Phật xuống đường và «Phải đánh đổ Thiệu-Kỳ-Hương, Thiệu-Kỳ phải từ chức, Mỹ phải rút quân …???»

Như mọi người đã biết, ròng rã mấy chục năm qua Phật giáo Ấn Quang luôn luôn đòi hỏi thực thi dân chủ, mà không biết rằng muốn như vậy, thì trước hết chính Phật giáo phải dân chủ trước. Nội cái chuyện thanh trừng qua các «Giáo chỉ» cũng đã phơi bày cho mọi người thấy cái độc tài của Phật giáo rồi. Tại sao Phật giáo không nhìn thấy cách bầu Đức Giáo Hoàng của Tòa Thánh. Tòa Thánh có khi phải năm lần bảy lượt mới bầu lên được một Vị Giáo Hoàng. Còn Phật giáo Ấn Quang thì vẫn cứ khư khư là cái «Di Chúc»; làm như là VUA không bằng.

Theo tôi, chỉ có hai vị: Hòa thượng Thích Tịnh Khiết và Hòa thượng Thích Giác Nhiên mới thực sự là Tăng thống đã được đại hội bầu một cách dân chủ mà thôi.

Tôi vì ngu dốt nên đã nghĩ rằng: Phật giáo Ấn Quang nên bình tâm mà nhìn lại «con đường ai đang đi đó sẽ đưa … sang đâu … ?» Phật giáo Ấn Quang hãy mở mắt ra để nhìn xuống phía dưới con đường chênh vênh mình đang đi là vực thẳm, còn bao quanh là đầy những chông gai và không biết bao nhiêu là hiểm nguy, bất trắc, lại thêm phải lần mò trong bóng tối thâm u. Tại sao đã là Phật tử mà không chịu lắng nghe theo lời của Đức Phật Tổ đã dạy:

«Chúng sanh hãy tự đốt đuốc tìm đường mà đi».

Hàn Giang Trần Lệ Tuyền


No comments:

Post a Comment