Friday, May 15, 2009

Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam - Ðỗ Thái Nhiên



Ðỗ Thái Nhiên


Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam, vừa mới được khánh thành, nằm bên trong khuôn viên nghĩa trang Westminster ở Quận Orange, Nam California.

Ðứng bên trong khuôn viên vừa kể, quay lưng lại với đường Bolsa, khách viếng tượng đài sẽ thấy một bãi cỏ xanh và rộng. Kế đến là lư hương đồng đen. Ðàng sau lư hương là kiến trúc trọng tâm của tượng đài. Kiến trúc này bao gồm một hồ nước hình quả trám, lớn bằng chiếc thuyền vượt biên. Chung quanh hồ nước là những tảng đá màu trắng ngà, mặt mài bằng, diện tích non một thước vuông. Trên mỗi tảng đá, danh vị của thuyền nhân tử nạn được ghi bằng mực đen, nét khắc sâu và sắc. Tại một tảng đá bên hông tượng đài, gần trung tâm mặt đá, tình cờ tôi bắt gặp phương danh “Tô Lai Chánh”. Anh này là bạn rất thân của tôi tại trường Luật Saigon từ 1963. Hồi bấy giờ, Tô Lai Chánh là chủ tịch Ban Ðại Diện Sinh Viên Luật Khoa Saigon. Khi nhập ngũ, Tô Lai Chánh trở thành chánh án công tố của Tòa Án Quân Sự Nha Trang. Giữa năm 1985, Tô Lai Chánh từ trại tù “cải tạo” về. Tôi từ khám Chí Hòa ra. Hai chúng tôi gặp nhau tại một quán cóc bên đường Trần Quang Khải, gần Cầu Bông. Sau đó tôi mất liên lạc với Chánh. Tôi có hơn hai thập niên đi tìm tông tích người ban họ Tô nhưng tuyệt vô âm tín. Mãi cho tới sáng 25/04/09 tôi mới gặp lai Tô Lai Chánh trên phiến đá này, bên hông Tượng Ðài Thuyền Nhân. Ðây là tin tức ngắn nhất, bất ngờ nhất, chính xác nhất, bàng hoàng và xoáy tim óc nhất. Nhìn không chớp mắt vào danh vị Tô Lai Chánh, tôi thấp thoáng thấy đôi mắt to và đen của anh chủ tịch Sinh Viên Luật Khoa Saigon vài thập niên về trước...

Bây giờ hãy trở lại với cấu trúc của Tượng Ðài Thuyền Nhân. Ở giữa hồ nước mang hình dáng chiếc thuyền như đã nói ở trên là một tảng đá lớn, biểu tượng cho đảo tỵ nạn. Bên trên tảng đá kia là hình tượng một gia đình gồm năm người: bà cụ già, cặp vợ chồng trẻ và một cháu bé khoảng dưới một tuổi. Người phụ nữ gần ngã sấp nhưng vẫn cố vươn mình lên cao, tay trái ôm cháu bé mắt nhắm nghiền, tay phải đưa ra phía trước như một cầu cứu. Cạnh đó là chiếc nón lá của phụ nữ Việt Nam và chai sữa dành cho trẻ em nằm lăn lóc trên mặt đất. Tiếp sau là hình tượng người thanh niên, tóc tai rũ rượi đang dìu bà lão đi tới. Toàn cảnh tượng đài là bức tranh ghi nhận: ba thế hệ Việt Nam chịu chung một tai họa. Thế hệ thứ nhất là bà cụ mà người chồng có thể đang bị khổ sai ở trại tù cải tạo nào đó. Thế hệ thứ hai là cặp vợ chồng trẻ. Thế hệ thứ ba là cháu bé với đôi mắt nghiền trước một tương lai mịt mù mây xám. Trong ngôn ngữ của biểu tượng: ba thế hệ là nhiều thế hệ, là toàn bộ dòng sống của dân tộc. Bảo là một tai họa nhưng đây là loại tai họa có chọn lựa. Trên bước đường vượt biên có một ngàn lẽ một tai họa khác nhau, tai họa nào cũng khủng khiếp, cũng vượt ra ngoài trí tưởng tượng của loài người. Trong phạm vi của một bài bình luận ngắn, bài viết này xin trình bày một tai họa điển hình. Hồ sơ của tai họa này được tìm thấy trong văn khố của cơ quan Cao Ủy Tỵ Nạn của Liên Hiệp Quốc năm 1979. Diễn tiến của sự việc được trình bày như sau:

“Anh Huỳnh Văn Trân, 34 tuổi, ngồi trên 1 băng ghế gỗ ở trại tị nạn Songkhla ở một bờ biển cực nam của Thái Lan, thuật lại câu chuyện của mình lần thứ ba. Anh ra đi trên một chiếc tàu gồm 62 người: đàn ông, phụ nữ và trẻ em. Họ may mắn gặp thời tiết và gió thuận lợi, không bị rắc rối gì với máy tàu. Vào ngày thứ 5 trên biển, một chiếc tàu mã lực lớn dài 15 mét đến cặp sát mạn tàu anh. Có 12 người đàn ông trên thuyền, tất cả đều trang bị vũ khí đầy đủ. Trước hết, chúng ra lệnh cho hai người trong số phụ nữ sang tàu chúng. Một trong hai người này là vợ anh Huỳnh Văn Trân. Cô này bị ghì chặt xuống, súng trường kê sát thái dương, và bị ra lệnh không được kêu la. Cô bị bọn chúng cưỡng hiếp.

Bọn hải tặc sau đó nhảy qua tàu tỵ nạn, cướp đi mọi thứ có giá trị, bắn một người đàn ông còn do dự khi chúng cướp. Sau đó chúng tăng tốc độ phóng đi với các món của cải chiếm được, nhưng thình lình quay ngoắt lại. Vẫn giữ nguyên tốc độ tối đa, chúng nhắm thẳng vào tàu tỵ nạn và đâm mạnh. Chiếc tàu hải tặc đã lập đi lập lại hành động này trong khi nhóm người tỵ nạn đang hốt hoảng ngoi ngóp giữa biển khơi. Bọn cướp biển cố ý lái tàu cán qua vô số chiếc đầu đang nhấp nhô, có lẽ vì không muốn để sót lại nhân chứng nào. Khi vợ anh Trân còn đang chới với trên mặt nước, với đứa con trai mới lên 3 đang níu chặt cổ mẹ, cả hai đã bị tàu cán qua và chết đuối, 10 người trong số họ sống sót, sau đó được vớt lên và đưa tới Songkhla, Thái Lan.”
(Hết lời dẫn)

Tai họa kể trên cùng hàng vạn tai họa khác cho thấy thuyền nhân bị giết chết trong những tình huống vô cùng tàn ác nhưng cũng vô cùng bi tráng.

Bi tráng bởi lẽ: không phải những người chuẩn bị vượt biên không biết tất cả những hung hiểm trên sông, trên biển. Thế nhưng thuyền nhân vẫn quyết tâm vượt biên, quyết tâm bước vào con đường chỉ có thể chọn lấy một trong hai giải pháp: “Tự do hay là chết”. Con người có nhiều phương cách để diễn đạt tư tưởng. Con người có thể nói bằng ngôn ngữ bình thường, có thể nói bằng quả đấm, bằng tiếng thở dài, bằng cái nhíu mày, cau mặt. Trong tất cả những kiểu nói và cách nói kia, tiếng nói của im lặng là tiếng nói của tận cùng lạnh lùng và quyết liệt. Im lặng chôn dầu vượt biển, im lặng đút hối lộ cho công an, im lặng qua mặt các toán tuần duyên CSVN, im lặng đối mặt với hải tặc, im lặng viết tên của chính mình trên phiến đá ở Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam. Tất cả các im lặng vừa diễn tả chỉ dễ nói lên một điều:

Chúng tôi là con người Việt Nam, Chúng tôi không thể sống không có tự do. Chúng tôi sẵn sàng mang sinh mạng của mình để đổi lấy tự do. Ðiều kỳ lạ là thuyền nhân Việt Nam đi vào cõi chết nhưng vẫn nheo mắt nhìn đời với miệng cười ngạo nghễ. Thông thường mỗi thuyền nhân trước giờ vượt biên đều thấy trước ba con đường: nếu vượt biên thoát thì đương sự sẽ làm việc kiếm tiền trợ giúp gia đình. Nếu bị bắt thì gia đình phải đi thăm nuôi. Nếu gặp tai họa giữa biển cả thì an giấc ngàn thu dưới đáy biển. Chúng ta hãy nghe một thuyền - nhân - trẻ từ giã mẹ già trước giờ vượt biên. Từ giã rằng:
    “Một là con nuôi Má,
    Hai là Má nuôi con,
    Ba là con nuôi cá.”
Rõ ràng lời giã từ rất đắng cay nhưng vẫn không thiếu phần hài hước. Chính tính hài hước trong hỏa ngục mới diễn tả trọn vẹn niềm thống hận của thuyền nhân. Trong niềm thống hận kia thuyền nhân gói ghém hai ước mơ:

Ước mơ một: Vượt biên vừa để phản kháng CSVN độc tài, phản nhân tính vừa để tìm lại cho gia đình, cho bản thân một đời sống đầy đủ tự do và dân chủ. Ðồng thời, giúp cho các thế hệ tương lai được giáo dục và đào tạo thành con người.

Ước mơ hai: từ giã đất tạm dung, quay trở về quê cũ, quyết tâm xây dựng lại một Việt Nam tự do dân chủ. Triệt để loại bỏ mọi bùa phép dân chủ ngụy trá của CSVN.

Thật là đau đớn, mỗi người hai ước mơ, hàng triệu ước mơ đã bị vùi sâu dưới đáy biển. Với thời gian, ước mơ của thuyền nhân từ lòng biển đã vang vọng về với dương thế làm xao xuyến hàng triệu triệu quả tim Việt Nam. Cuối con đường xao xuyến là Ðài Tưởng Niệm Thuyền Nhân Việt Nam. Tưởng niệm không chỉ là hương khói với hoa tươi. Tưởng niệm phải biểu hiện bằng quyết tâm biến ước mơ của thuyền nhân thành hành động cụ thể. Hành động cụ thể đó chính là đào thải chế độ Hà Nội ra khỏi vị trí cầm quyền, buộc chế độ này phải trả lời trước công lý về vô số tội ác tham ô, độc tài và bán nước

Ðỗ Thái Nhiên



No comments:

Post a Comment