Monday, May 18, 2009

Tiền là Tiên là Phật - Bùi Trọng Nghĩa

Bùi Trọng Nghĩa
(phiếm)

“Khi nào tường đá nở hoa; nhà tù họp chợ thì ta sẽ về.” Ðó là lời “Sấm” phát xuất từ những người tù “cải tạo“ trại Ba-Sao tỉnh Nam-Hà vào khoảng năm 1980. Ngày đó, sắp đến Tết Nguyên-Ðán, tù nhân phải vẽ hoa trên tường đá cao hơn hai thước, phía ngoài chung quanh trại giam. Ðồng thời cũng là lần đầu tiên các cai tù “thi đua” bán hàng ăn cho tù nhân. Ðúng là một biến cố lớn! Sau năm năm tù giam biệt xứ, các quan “ngụy” được đi chợ sắm tết thỏa thê. Người tù thì mua, cai tù thì bán ... Tíu tít, ồn ào, náo nhiệt như ở chợ Bà-Chiểu năm xưa. Ðặc biệt là mấy cai tù, tranh nhau khách hàng, cãi nhau chí chóe. Dùng đủ mọi lời để chê hàng của “đồng chí” khác! Thời kỳ kinh tế mở cửa ... ở nhà tù bắt đầu.

Tôi có một người bạn, anh là một nhiếp ảnh gia khá nổi tiếng. Trong chuyến về Việt-Nam vừa qua, anh có ý muốn thâu thập một ít cảnh đẹp, thiên nhiên của núi rừng Hoàng Liên Sơn. Trên đường Nghĩa-Lộ thuộc tỉnh Yên-Bái, anh dừng chân ở một quán nhỏ, mái tranh, vách đất bán đồ nhậu, gọi là quán nhậu, nhưng thật ra chỉ lèo tèo vài con khô mực, vài con cá khô, với vài ba cút rượu trắng. Trong quán đã có sẵn hai, ba người khách, xem ra có vẻ đã xưa sứa. Một tửu khách chửi thề: “M ... giải phóng xong, mấy thằng đảng viên có máu mặt cùng họ hàng nhà nó vội vàng ùa vào Nam. Mình không có đảng tịch nó bắt ở lại đón bọn “ngụy” đưa ra giam ở ngoài này. Ngày nay đứa nào đứa nấy giầu sụ, béo tròn, có nhà, có của ở trong đó, lại còn ôm đầy tay về ngoài này, chia nhau mua đất, cất nhà. Con cháu, họ hàng chúng nó ăn xài, vênh váo! Còn mình coi mấy thằng tù, bán cho chúng nó vài cân gạo, vài củ khoai, vài cây rau xanh. Bây giờ phục viên, nghèo rớt mùng tơi, sống vất vưỡng như con chó đói. Hy sinh đời bố, củng cố đời con, mình hy sinh, chúng nó thì không, vậy mà bây giờ nó cũng cố con cháu nó đi ăn, đi chơi, đi du học ở tít tận bên Mỹ, ăn xài cả trăm ngàn đô la mỗi tháng, lại còn mua nhà, mua đất, làm ăn, phát huy kinh tế ngay giữa cái thủ đô của người Việt ở bên đó. Nghĩ mà tức hộc máu mồm.”

Một người bạn nhậu của hắn an ủi: “Thôi đi, than thở làm gì, Ðại Tướng Giáp nhà mình kia, ai lại không biết, một đại đảng viên to tổ bố còn bị nó cho ‘Ngày xưa đại tướng cầm quân; bây giờ đại tướng cầm quần chị em’ đó thôi.”

Chiến tranh đã kết thúc, những “Cương lĩnh chính trị” trong đấu tranh “Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào” đã lỗi thời, không còn nữa, giờ đây “Ðảng ta”, thay vào đó là “cương lĩnh kinh tế” như sau:

“Tiền là tiên, là Phật, là sức bật của con người, là tiếng cười của tuổi trẻ, là sức khỏe của tuổi già, là cái đà của danh vọng, là cái lọng để che thân, là cán cân công lý, là thắm tình đồng chí. Tiền là hết ý.”

Vậy thì “tiền là hết ý” ra sao? Mẹ tôi, vượt ngàn dặm trên con tàu “Thống-Nhất,” để đi tiếp tế, nuôi con. Sau năm năm cách biệt, lần đầu tiên gặp lại, thay vì hỏi han con mình, bà chỉ than thơ: “Suốt ba ngày không chợp mắt, chỉ tại con mụ Bắc kỳ vào Nam buôn hàng mang ra Bắc, thằng chồng ngồi ôm hàng ngủ gật, để mất cắp hai gói bột mì chính (bột ngọt), mà nó chửi chồng nó lải nhải suốt dọc đường.”

Tôi hỏi: “Vậy không ai can gián sao?” Mẹ tôi trả lời: “Ai mà dám lên tiếng, cái mặt nó cứ vênh lên ra điều ta đây là kẻ thắng trận.” Quà mẹ tôi tiếp tế có hai hộp sữa ông thọ, đó ý là “thuốc bổ” quý nhất của tôi để phòng lúc cơ hàn, ốm đau. Nhưng khi khui ra, trong ruột toàn là bùn đen, bóc nhãn hiệu, cạnh hộp có một vết hàn nhỏ, chính từ cái lỗ hàn đó, sữa đã được rút ra, bùn được bơm vào. Mẹ tôi cho biết hai hộp sữa quý đó đã được bán ngay giữa thủ đô Hà-Nội ngàn năm văn vật, nơi mà con cháu “Bác Hồ”, người của “đỉnh cao trí tuệ” đã giải phóng từ ngày 20-7-1954. Tội nghiệp mẹ tôi, bà đã phải nhịn ăn để có hai hộp sữa đó.

“Quyền lực của đồng tiền trong đời sống con người, được người Mỹ diễn tả bằng câu: “Money talk,” còn người Pháp là: “Largent c’est la clé, qui ouvre toute la porte,” (Tiền là cái chìa khóa mở được mọi cửa). Tôi tưởng rằng như vậy đã là “hết ý,” nào ngờ con cháu “Bác Hồ” được bác trồng mới chưa đủ trăm năm mà đã tình tự ví tiền ngang với ông Phật, ông Tiên, thì quả thật cái sáng tạo của họ trong đấu tranh “giải phóng” đồng tiền, vận dụng vào thực tế đời người, vượt xa ngàn dặm mấy cái ông Mỹ, và ông Pháp. Ví von đồng tiền như cái “cương lĩnh kinh tế” của người Hà-Nội, thì người Sài-Gòn chào thua. Vì ở miền Nam “phồn vinh giả tạo” kia chưa từng có hộp sữa nào có ruột là bùn, chưa từng có chị vợ nào chửi chồng sa sả chỉ vì đánh mất hai gói bột ngọt như cháu gái ngoan của “Bác Hồ”.

Vào, vơ, vét, về, đó là bước đầu của “cương lĩnh”. Tiếp theo là cướp, là trấn lột, qua những “chiến dịch” đánh tư sản mại bản, đánh tiểu tư sản, đổi tiền, đi kinh tế mới, cướp nhà, cướp của... Trong tù, tôi được một chiến hữu kể rằng: “Hai tên công an áo vàng, mới từ miền Bắc vào, bước vào nhà anh, hùng hổ, hách dịch hỏi anh rằng ‘Anh đi lính, lương hàng tháng của anh được bao nhiêu?", anh trả lời: ‘Tiền lương chỉ đủ để sống." Tên công an hỏi tiếp: ‘Vợ, con anh làm gì?’ anh trả lời: ‘Con đi học, vợ ở nhà chăm sóc con cái, bếp nước.’ Tên công an kết luận: ‘Tiền lương chỉ đủ sống, vậy tiền ở đâu anh có được căn ‘hộ’ to như thế này? Rõ ràng là chỉ có từ nhân dân. Anh lấy của nhân dân, vậy, bây giờ anh phải trả lại nhân dân. Anh và vợ con có ba ngày để chuẩn bị ra khỏi nhà này.’ Ðúng ba ngày sau, một lực lượng công an võ trang đến áp đảo đẩy vợ chồng, con cái anh ra khỏi căn nhà được xây cất bằng mồ hôi, nước mắt của vợ chồng anh qua bao năm. Trong đám hàng xóm vây quanh đứng xem, có người lẩm bẩm: ‘bọn cướp cạn.’” Ngày ra tù, anh về sống ở vùng kinh tế mới với vợ con, nơi đất hoang, xa xôi hẻo lánh. Bây giờ, 34 năm sau, căn nhà của anh trị giá cả triệu đô la, người ở ra, vào nói giọng Bắc kỳ 75 khó nghe. Tôi trộm nghĩ, nếu có ai đó thử làm một cuộc tổng kiểm kê xem có bao nhiêu căn “hộ” ở miền Nam, nói chung, tại các đô thị nói riêng, đặc biệt là tại thành phố Sài-Gòn, bị các người Cộng-Sản Hà-Nội chính hiệu là “Ðầy tớ của nhân dân” cưỡng chiếm. Tôi dám khẳng định không dưới con số 30%.

Cách nay ít tháng, bà Dân Biểu Liên Bang Loretta Sanchez khởi xướng một phong trào đòi hỏi Việt-Cộng phải trả lại người Việt lưu vong những căn nhà mà chúng đã cưỡng chiếm từ sau 30/4/1975. Ðề nghị đó được xem như thiện ý khởi đầu của hòa hợp, hòa giải dân tộc. Thế nhưng, “Ðảng” ta im lặng. Tôi có một đứa cháu ngoại đang học lớp 12, tôi bảo nó kể cho tôi cuộc chiến tranh Nam, Bắc của người Mỹ xưa kia. Qua lời cháu, tôi được biết khi tướng miền Nam đề nghị đầu hàng, tướng miền Bắc đã vô cùng xúc động, cảm phục tính hy sinh và lòng can đảm của vị tướng miền Nam. Họ kính nể, và tôn trọng nhau, thân mật hội họp trong một căn nhà của một người dân thường ở giữa một cánh đồng. Tướng miền Bắc hỏi tướng miền Nam có yêu cầu gì? Tướng miền Nam chỉ xin hãy trao trả cho lính của ông những con ngựa, để họ tự do về nhà, và sống đời dân dã bình thường. Yêu cầu đó đã hoàn toàn được thỏa mãn. Tôi hỏi cháu có dấu hiệu nào cho thấy là kẻ thắng cướp của, lấy nhà của người thua trận không? cháu trả lời: “Không”, đoạn cháu kể tiếp, đoàn quân thắng trận còn dàn chào đoàn quân bại trận, và hiện nay ở trong bảo tàng viện người Mỹ còn có tượng cả hai ông tướng Bắc, Nam thắng, bại đo. Phần tôi, để trả công cho cháu, tôi lại kể cho cháu biết những hành động ở những ngày sau 30/4/1975 của kẻ thắng đối với người thua ở miền Nam trên quê hương yêu dấu của cháu. Nghe xong cháu lỡ miệng “Semi civilize” (bán khai). Thấy cháu nóng giận, tôi sinh lòng hối hận đã vô ý làm vẩn đục cái hồn nhiên của tuổi thơ.

Tư tưởng chỉ đạo hành động. Cương lĩnh kinh tế cho thời hậu chiến kể trên xuất phát từ những người của “Ðỉnh cao trí tuệ” được triệt để phát huy, ngày, đêm không ngừng, nghỉ theo đúng tôn chỉ “Cướp ngày chưa đủ, tranh thủ cướp đêm.” Cho nên trong suốt 34 năm qua, họ liên tục cướp nhà,cướp đất, cướp ruộng, cướp vườn, cướp cơm, cướp áo, thậm chí cướp cả sự sống của nhân dân!

“Tiền là Tiên, là Phật“.Người Cộng-Sản không có tôn giáo, do đó Việt Cộng không thờ Phật, họ ví tiền với Phật, chỉ vì tiền dính liền với người dân miền Nam hiền hòa, chất phác của một xứ sở phồn vinh thật sự mà họ đã trấn lột dễ dàng trong suốt những năm dài qua. Trái lại, người Cộng-Sản Hà-Nội họ tôn thờ tiên, bởi vì tiên hóa phép ra tiền. Do đó chỉ trong một thời gian ngắn ngủi, từ không, bây giờ thành có, đang một đời sống “Cơm niêu, nước lọ” bây giờ nhà cao, cửa rộng, phương tiện di chuyển, cũng như vật dụng trong nhà hoàn toàn từ Mỹ đưa về.

Một viên đại tá công an “tư hữu” cả chục triệu đô la Mỹ, là Ðảng viên cao cấp, tốt nghiệp viện triết học xưa kia của ông Hoàng-Minh-Chí nh về môn triết lý Mác-Lê. Trong lúc say sưa đã hào hứng, hùng hồn khẳng định “Chân lý có thay đổi”.

Bùi Trọng Nghĩa


No comments:

Post a Comment