Sunday, May 3, 2009

Thuyền nhân khúc ruột ngàn dặm - Thanh Quang

Thanh Quang


Phần âm Thanh


Một trong những vấn đề mà biến cố 30 Tháng Tư khơi lại trong tâm trí những cựu thuyền nhân Việt Nam ở hải ngọai là sự thăng trầm mà họ trải qua, từ “kẻ phản quốc” đến “khúc ruột ngàn dặm” do Hà Nội gán cho.

Nhưng rồi giới tán tụng, chiêu dụ “khúc ruột ngàn dặm” ấy lại không ngần ngại tìm cách phá bỏ di tích thuyền nhân tại Đông Nam Á. Những nỗi thăng trầm – đôi khi xót xa – đó, được Thanh Quang trình bày sau đây:

Những người vượt biên phản quốc?

Ngược dòng thời gian trở về mấy thấp niên trước, những ai trong nước rời bỏ “thiên đường cộng sản” qua con đường vượt biên nhưng bất thành khiến phải vào tù hẳn không quên cán bộ trại giam gọi họ là “kẻ vượt biên phản quốc”, “bọn lười biếng”, “những kẻ ham mê bơ thừa sửa cặn của Đế Quốc Mỹ”…

Rồi khi nền kinh tế chỉ huy của cộng sản VN bên bờ vực thẳm, phải nhanh chóng cứu vãn theo chiều hướng thị trường và mở ngỏ với tư bản bên ngoài, nhất là cần phải o bế người Việt tỵ nạn ở hải ngọai để thu hút nguồn kiều hối càng nhiều càng tốt , thì “những kẻ vượt biên phản quốc” ngày nào ấy lại trở thành “khúc ruột ngàn dặm” của Đảng Cộng Sản và Nhà Nước Việt Nam.

Nhưng liệu “khúc ruột ngàn dặm” có được chiếu cố thực tâm không, hay chỉ là…khúc ruột thừa, như nhận xét của anh Trần Đông, Giám Đốc Văn Khố Thuyền Nhân Việt Nam - trụ sở tại Úc, sau đây:

Ông Trần Đông: Cũng cảm thấy đau xót một điều là những bà con ở Châu Âu, hoặc là ở Hoa Kỳ, hoặc là ở Úc đi về Malaysia, hay là đi Thái Lan, hay là đi Singapore thì chúng ta không cần phải xin visa gì cả, nhưng mà về Việt Nam thì chúng ta lại phải xin visa.

Và có những người xin visa được đóng dấu cho về nước đàng hoàng nhưng tới phi trường lại bị chận lại không cho vô. Và vấn đề xin visa đó cho tôi một cảm nhận rằng tôi chính là người ngoại quốc trên chính quê hương của tôi.

Mình được cái đảng và nhà nước đó gọi là "Việt kiều yêu nước", "khúc ruột ngàn dặm", "một bộ phận không thể tách rời của nước Việt Nam", nhưng mà khi trở về thì mình lại phải xin visa, trong khi đi các nước khác, những nước như Mã Lai, Singapore... chúng ta không cần phải xin visa.

Bây giờ có nhiều người nói nhà nước VN cần tiền, bây giờ cần tiền thì cũng nên làm giống như là Indonesia vậy, khi vào Indonesia thì đóng visa tại chỗ 25 đôla nếu ở dưới một tuần và 45 đôla nếu ở trên 2 tuần.

Vấn đề đó thì OK! Còn bây giờ đã xin visa suốt một tháng và thậm chí khi mà tới phi trường rồi lại không cho vô, bắt trở về, thì đó là những vấn đề nghịch lý, một lần nữa đã cho thấy vấn đề là cộng sản nói, cộng sản tuyên truyền, và chỉ là tuyên truyền, chỉ là để dụ dổ người ta mà thôi chớ thực chất thì nói một đường làm một nẻo.

Nói một đường làm một nẻo

Tình trạng “nói một đàng làm một nẻo” ấy khiến người ta liên tưởng đến số phận của hai bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở các trại tỵ nạn thuyền nhân ngày nào tại Đông Nam Á, khi nhà cầm quyền Việt Nam một mặt kêu gọi người Việt tỵ nạn – những cựu thuyền nhân – để lại quá khứ sau lưng và hướng về tương lai cho sự hưng thịnh của quê hương đất nước, nhưng mặt khác lại áp lực Kuala Lumpur và Jakarta đập phá 2 bia tưởng niệm thuyền nhân trên các đảo Bidong và Galang.

Số phận của 2 bia tưởng niệm này hiện ra sao? Và các cựu thuyền nhân tại hải ngọai tìm phương cách nào khác để tưởng nhớ những bạn đồng hành không may mắn nằm lại vĩnh viễn dưới lòng biển cả trên con đường đi tìm tự do?

Thanh Quang: Thưa anh Trần Đông, sau chuyến đi vừa qua từ vùng Đông Nam Á trở về thì xin anh vui lòng cho biết tình trạng hiện tại của bia tưởng niệm thuyền nhân ở hai đảo Bidong (Malaysia) và Galang (Indonesia).

Ông Trần Đông: Cảm ơn anh Thanh Quang. Vấn đề bia tưởng niệm thuyền nhân ở Bidong và Galang tới năm nay là 4 năm đã qua rồi. Bốn năm đã qua rồi thì hình ảnh của bia tưởng niệm tại Bidong và Galang vẫn còn đậm nét trong lòng của người tị nạn tại hải ngoại.

Bia tưởng niệm tại Bidong thì đã bị đập nát từ Tháng Mười 2005 và vẫn còn như vậy cho đến ngày hôm nay. Riêng bia tưởng niệm tại Galang vào Tháng Năm 2005 đã bị đục bỏ và từ đó đến nay thì nó đã thay hình đổi dạng nhiều lần, và đến bây giờ thì bia tưởng niệm đó không còn nữa.

Thanh Quang: Thưa anh, qua hình ảnh chúng tôi được biết là bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Galang sau khi bị đục bỏ thì đã có nhiều lần thay đổi, xin anh cho biết thêm chi tiết.

Ông Trần Đông : Thưa quý thính giả, một điểm đặc biệt đối với bia tưởng niệm thuyền nhân tại Galang là sau khi bia đã bị đục bỏ thì ở tại California bà con có biểu tình trước Lãnh Sự Quán Indonesia. Chính ông phó lãnh sự của Toà Lãnh Sự Indonesia ở Cali cũng đã hứa là sẽ xây dựng lại bia tưởng niệm thuyền nhân tại Galang.

Vào lúc đó ông ta nói rằng bia tưởng niệm thuyền nhân bị phá hoại chớ không phải là chủ trương của chính phủ. Tuy nhiên, sau đó chúng tôi có gặp gỡ giới chức tại khu vực đó và cái tin chính thức được họ chính thức loan báo, đó là do áp lực của nhà cầm quyền Hà Nội cho nên Indonesia không thể làm gì khác hơn là phải thực hiện theo đòi hỏi của nhà cầm quyền Hà Nội.

Đến Tháng Tám 2005 khi chúng tôi trở về thì cái lỗ trống của bia tưởng niệm đó cũng vẫn còn đó, và cái khung của bia tưởng niệm vẫn còn. Tháng Tư 2006 chúng tôi trở về Galang thì cái lỗ trống đó được lấp bằng cái logo của Trại Galang ngày xưa. Ở hai mặt là hình ảnh của cái logo.

Đến Tháng Tư 2007 khi chúng tôi trở về thì nguyên cái khung đó và cái logo đó không còn nữa. Coi như họ gút hẳn cái khung nền của đài tưởng niệm. Cái khung của đài tưởng niệm bị dời đi đâu mất, mình không biết. Và chỉ còn lại cái nền thôi.

Và Năm 2008 chúng tôi trở về đó thì đài tưởng niệm chỉ còn lại cái nền như Năm 2007. Và mới đây, cách nay mấy tuần chúng tôi trở về đó, cái nền bây giờ họ cũng tháo ra, coi như không còn dấu vết gì cả. Điều này cho chúng thấy một cách thầm lặng thì cái bia tưởng niệm thuyền nhân của chúng ta tại Bidong và Galang đều bị hủy theo sự đòi hỏi của nhà cầm quyền Hà Nội. Nó đã bị triệt hạ một cách hoàn toàn không còn dấu vết theo thời gian.

Bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam trên khắp thế giới

Thanh Quang: Trước tình trạng các bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở Bidong và Galang như vậy thì hẳn chúng ta liên tưởng đến bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam ở ngay tại những nơi mà người tị nạn đang sinh sống. Thưa anh, đến năm nay là đã 4 năm trôi qua, đã có bao nhiêu bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại hải ngoại được dựng lên để thay thế hai tấm bia thuyền nhân Việt Nam ở nơi hoang đảo Bidong và Galang ?

Ông Trần Đông: Vẫn theo thời gian lịch sử từ đó đến nay thì chúng ta thấy rằng trước khi bia tưởng niệm thuyền nhân tại Bidong và Galang được dựng lên thì chúng ta có hai bia tưởng niệm thuyền nhân tại nước ngoài. Một cái là bia tưởng niệm thuyền nhân tại thủ đô của Canada, tức là tại Ottawa, và ở tại Santa Ana trong khuôn viên chùa của Thượng Toạ Thích Quảng Thành đã được bà con và cộng đồng tại chỗ dựng lên trước khi bia tưởng niệm thuyền nhân tại Bidong và Galang được dựng lên.

Sau khi bia tưởng niệm thuyền nhân tại Galang và Bidong bị đập phá thì ở nhiều nơi khác bà con và cộng đồng tại chỗ đã dựng lên nhiều tấm bia tưởng niệm thuyền nhân khác để thay thế cho hai tấm bia bị đập phá ở hai hoang đảo xa xôi không người ở là Bidong và Galang.

Và chúng ta thấy rằng cho tới ngày hôm nay có một bia tưởng niệm thuyền nhân tại Pháp, gần thủ đô Paris, tại Chùa Khánh Anh. Tại Thuỵ Sĩ cũng có một bia tưởng niệm. Tại nước Đức dã có hai bia tưởng niệm được dựng lên rồi, và sắp tới đây sẽ có một bia tưởng niệm khác sẽ được khánh thành do các cựu thuyền nhân Cap Anamur dựng lên.

Tại Vương Quốc Bĩ cũng đã có một bia tưởng niệm thuyền nhân đã được khánh thành rồi. Tại Melbourne (Úc Châu) năm rồi, bia tưởng niệm thuyền nhân cũng đã được khánh thành. Tại Nam California (Hoa Kỳ) trong Tháng Tư này cũng đã khánh thành bia tưởng niệm ở tại Nghĩa Trang Westminster. Như vậy chúng ta thấy có tổng cộng đến 8 bia tưởng niệm thuyền nhân được dựng lên tại nơi cư trú của chúng ta.

Và theo chỗ chúng tôi được biết thì hiện nay đang có nhiều dự án của nhiều cộng đồng và nhiều bà con ở các nơi trên thế giới đang đệ trình dự án để xin dựng bia tưởng niệm thuyền nhân ở tại chính nơi sinh sống của mình, để mình đi ra đi vô mình có thể thấy, có thể sờ mó, có thể tưởng nhớ, mình có thể tổ chức tưởng niệm những thân nhân, anh em họ hàng của mình đã qua đời trên con đường vượt biên, vượt biển.

Thanh Quang: Thưa anh, nếu như vậy thì việc Việt Nam áp lực Malaysia và Indonesia đập bỏ hai bia tưởng niệm thuyền nhân Việt Nam tại Bidong và Galang có mang lại cho họ hiệu quả gì không ?

Ông Trần Đông: Qua vấn đề này chúng ta thấy cộng sản Việt Nam đã thực sự lầm khi hạ lệnh đập bỏ hai bia tưởng niệm thuyền nhân ở Bidong và Galang. Họ hoàn toàn sai lầm trong vấn đề này. Chúng ta đã bị mất hai cái, nhưng bà con đã tự động dựng lên một chục cái, rồi sẽ có mỗi nơi một cái để thay thế cho hai cái đã mất.

Muốn xoá bỏ lịch sử thuyền nhân Việt Nam

Thanh Quang: Việc xây dựng bia tưởng niệm thuyền nhân tại những nơi như anh vừa nói có bị Hà Nội áp lực phản đối hay không? Nếu có thì làm sao mà cộng đồng hải ngoại có thể thực hiện được điều này?

Ông Trần Đông: Vấn đề thực hiện bia tưởng niệm thuyền nhân bị Hà Nội phản đối một cách rất mạnh mẽ bởi vì chủ trương của cộng sản Việt Nam là họ muốn xoá sổ giai đoạn thuyền nhân để rồi trong tương lai con cháu chúng ta nghĩ rằng do đường lối sáng suốt mở rộng tự do dân chủ của đảng và nhà nước cho nên chúng ta có hàng triệu người từ trong nước đi ra nước ngoài sinh sống và vì vậy cho nên con cháu chúng ta phải đời đời nhớ ơn này kia nọ, vân vân...

Đó là điều mà họ muốn và vì vậy cho nên họ không ngần ngại dùng thủ đoạn và các phương pháp mờ ám. Tuy nhiên, lịch sử đã không thể nào xoá được, nhất là lịch sử thuyền nhân là một lịch sử lớn trong dòng lịch sử 4.000 năm của chúng ta, mà không riêng tại Việt Nam mà tại các nơi khác trên thế giới.

Thanh Quang: Như vậy thì thế hệ mai sau sẽ quên hay là cộng sản Việt Nam có thể xoá sổ lịch sử thuyền nhân Việt Nam được không ạ?

Ông Trần Đông: Theo tôi, thế hệ mai sau sẽ không bao giờ quên và tài liệu tham khảo về các cộng đồng sắc tộc khác cho thấy một điểm giống nhau là thế hệ thứ nhứt và thế hệ thứ hai là những thế hệ mà họ phải làm việc cật lực để lo ổn định đời sống.

Thế hệ thứ hai và thứ ba sẽ là những thế hệ lo hội nhấp vào cuộc sống mới. Và bắt đầu từ thế hệ thứ ba, thứ tư, sớm nhứt cũng là thế hệ thứ ba hoặc là thế hệ thế hệ thứ tư, thứ năm trở về sau thì đó là những thế hệ về nguồn, mức độ về nguồn rất là mạnh, và lúc đó họ mới bắt đầu nghiên cứu, tìm hiểu nguồn gốc của họ.

Và nhu cầu tìm hiểu nguồn gốc trở thành nhu cầu rất là lớn trong cộng đồng, cho nên vấn đề của chúng ta ngày hôm nay, chúng ta là những người thuộc thế hệ thứ nhứt, chúng ta là những người thuộc thế hệ nhân chứng, công việc và trách nhiệm của chúng ta là phải làm sao lưu giữ lại những di sản này, lưu giữ lại chứng tích này để làm tài liệu lịch sử cho con cháu, bởi vì không ai biết rõ giai đoạn này hơn chúng ta.

Và nếu một mai chúng mai một đi, và nếu di sản này , di tích này mai một đi thì coi như là mai một vĩnh viễn, mất vĩnh viễn, rất khó tìm hiểu lại được. Và nếu có tìm hiểu, làm sống lại thì nó vẫn không trung thực bằng thế hệ chúng ta tìm hiểu và gin giữ nó.

Cho nên ngày hôm nay trách nhiệm của chúng ta là gom góp lại, tàng trữ lại và có sao giữ vậy. Con cháu của chúng ta mai sau sẽ nghiên cứu, sẽ sàng lọc, sẽ đánh giá, sẽ luận công, sẽ kết tội.

Và thưa quý thính giả, không có sự thật nào mà có thể được che giấu dưới ánh sáng mặt trời. Rồi ra ai là người có công, ai là kẻ có tội, thì lúc đó sẽ được sáng tỏ trước lịch sử. Và phần luận xét đó sẽ do các thế hệ mai sau. Thế hệ chúng ta là thế hệ mà cần nên gìn giữ lại những di sản này để làm chứng tích lịch sử cho các thế hệ mai sau.

Thanh Quang, phóng viên đài RFA
2009-05-01


No comments:

Post a Comment