Saturday, May 9, 2009

Việt Nam ghi tên thềm lục địa chung với Mã Lai

Hình bên: Bản đồ Biển Đông do Trung Cộng tự vẽ với lằn ranh chiếm gần hết diện tích như hình lưỡi bò. Các nước Đông Nam Á có bờ biển quanh biển Đông lại chỉ được “chia” cho một tí rẻo sát bờ biển. Sự tham lam và ngang ngược ỷ thế nước lớn bá quyền của Trung quốc hiện rõ trên tấm bản đồ này.

HÀ NỘI 8-5 (TH) - Nhà cầm quyền CSVN nộp hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng với Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa của LHQ (Commission on the Limits of the Continental Shelf được gọi tắt là CLCS) và tức thời bị Bắc Kinh chống lại nhưng chỉ chống một nửa.

“Ngày 7/5, chính phủ Việt Nam đã trình Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa của Liên Hợp Quốc báo cáo quốc gia xác định ranh giới thềm lục địa nằm ngoài phạm vi 200 hải lý tính từ đường cơ sở của Việt Nam.”

Bản tin của TTXVN ngày 8/5/2009 viết. “Trước đó, ngày 6/5, Việt Nam và Malaysia cũng đã phối hợp trình Ủy Ban Ranh Giới Thềm Lục Địa báo cáo chung về khu vực thềm lục địa kéo dài liên quan đến hai nước. Việc trình các báo cáo này là để thực hiện các quy định liên quan của Công Ước Luật Biển năm 1982 của LHQ.”

Năm 1974, Trung cộng chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Từ năm 1988 đến 1995 Trung cộng chiếm một số đảo trong quần đảo Trường Sa từ Việt Nam và Phi Luật Tân. Sau đó, Trung cộng vẽ lại bản đồ biển Đông, ngang nhiên vạch vẽ ranh giới chiếm gần hết biển và các nước trực tiếp có bờ biển là Việt Nam, Phi Luật tân, Mã Lai chỉ còn một rẻo biển nhỏ sát bờ.

Những diễn biến xảy ra gần đây cho thấy dấu hiệu Bắc Kinh không ngừng bành trướng bá quyền nước lớn dù đã chiếm đất của nhiều nước khác trên đất liền. Nay Bắc Kinh vẫn không ngừng ỷ thế nước lớn và có sức mạnh quân sự so với các lân bang nhỏ bé phía nam để lấn biển.

Khi Việt Nam vừa nộp hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng như công ứơc quốc tế về luật biển ấn định, Bắc Kinh liền áp lực với tổng thư ký Liên Hiệp Quốc.

Bản tin Tân Hoa Xã thuật lời một viên chức Trung Quốc tại LHQ nói “Phái đoàn thường trực của Trung quốc vừa trao một công hàm cho Tổng Thư Ký LHQ Ban Ki-moon yêu cầu CLCS không xét hồ sơ đăng ký chung của Việt Nam và Mã Lai về thềm lục địa mở rộng bên ngoài 200 dặm.”

Trước áp lực của dư luận người Việt trong và ngoài nước, nhà cầm quyền Hà nội đã phải hoàn tất việc đăng ký nói trên trước hạn chót 13/5/09 theo Công Ước về Luật Biển 1982 (USCLOS) mà CSVN đã phê chuẩn năm 1994.

Công ước này qui định mỗi nước ven biển có vùng đặc quyền kinh tế tối đa 200 hải lý tính từ đường cơ sở (bờ biển) của nước này. Công ước USCLOS cũng ấn định nếu thềm lục địa kéo dài hơn 200 hải lý thì nước đó có đặc quyền khai thác tài nguyên dưới đáy biển trong một vùng ngoài 200 hải lý gọi là thềm lục địa mở rộng.

Sau khi đã lấn chiếm một số đảo và quần đảo của các nước trong khu vực, Bắc kinh coi gần hết biển Đông là của mình.

“Mã Lai và Việt Nam trình bản đăng ký chung tới LHQ hôm Thứ Tư, xâm phạm chủ quyền lãnh thổ Trung quốc, quyền pháp lý ở biển Đông.”

Tân Hoa Xã viết. “Chính phủ Trung Quốc, do đó, long trọng kêu gọi CLCS không xem xét đơn đăng ký chung (nói trên) căn cứ theo công ước về luật biển và thủ tục đăng ký CLCS.”

Bản tin này không nói gì đến bản đăng ký riêng về thềm lục địa mà CSVN đệ nạp. Bản tin Tân Hoa xã nói rằng theo thủ tục ghie tên đặc quyền kinh tế thềm lục địa CLCS “trong những trường hợp mà đất liền hoặc biển tranh chấp tồn tại, ủy ban sẽ không xét đơn và công nhận hồ sơ đăng ký từ bất cứ một nước nào liên quan trong vụ tranh chấp”.

Nếu đúng theo tinh thần này, hai hồ sơ đăng ký đặc quyền kinh tế trên thềm lục địa của Việt Nam và hồ sơ ghi tên chung Việt Nam-Mã Lai có thể gặp rắc rối.

Từ Hà Nội, phản ứng lại sự chống đối của Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao CSVN, Lê Dũng, nói rằng, “Việc trình các báo cáo này là việc làm bình thường của quốc gia thành viên, nhằm thực hiện nghĩa vụ của mình theo đúng quy định của Công Ước LHQ về Luật biển năm 1982. Nội dung công hàm của phía Trung Quốc và bản đồ kèm theo công hàm đó đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán hợp pháp của Việt Nam ở Biển Đông. Đường yêu sách 9 đoạn của Trung Quốc thể hiện trên bản đồ đi kèm với công hàm là không có giá trị vì không có sơ sở pháp lý, lịch sử và thực tiễn”.

Đây là một trong những lần hiếm hoi người ta thấy nhà cầm quyền Hà Nội nói thẳng tên nước Trung Quốc trong các vấn đề tranh chấp chủ quyền lãnh thổ. Những lần khác, kể cả những lần hải quân Trung Quốc bắn giết ngư phủ Việt Nam ngay trong vùng biển của mình, Hà Nội hoặc nín lặng hoặc chỉ phản đối bóng gió chiếu lệ.

Tuy nhiên, lời nói của Lê Dũng cũng như hồ sơ mà CSVN nộp tại cơ quan UNCLOS có nhiều điều đáng nghi ngờ.

Trong bản hồ sơ nộp chung với Mã Lai, liên quan đến khu vực biển Đông ở phía Nam chung với Mã Lai, CSVN nói trong bản tóm tắt là hai nước (Việt Nam và Mã Lai) “có những tranh chấp chưa giải quyết ở những vùng xác định trong bản đăng ký chung” (The two coastal states wish to inform the Commission that there are unresolved disputes in the Defined Area of this Joint Submission).

Nhưng trong bản nộp riêng về khu vực biển Đông ở phía Bắc, CSVN lại nói “không có trùng lặp và tranh chấp” (not a subject of any overlap and dispute) tuy vẫn nói chủ quyền Việt Nam gồm có cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.

Đây là lý do tại sao Bắc Kinh chỉ phản ứng đối với bản đăng ký mà CSVN nộp chung với Mã Lai chứ không đả động gì tới bản CSVN nộp riêng về vùng biển phía Bắc. Đây là nguyên văn phần 4 của bản văn CSVN nộp riêng về “Không có tranh chấp” (Absence of disputes):

“Căn cứ theo đoạn 2(a) của Phụ bản I về Luật Lệ và Thủ Tục của Ủy Ban, Việt Nam kính loan báo cùng Ủy Ban rằng có một sự hiểu biết chung là khu vực thềm lục địa (là đối tượng của bản hồ sơ đệ nạp này) có sự trùng lặp lợi ích của các nước có bờ biển liên quan (Việt Nam và Trung Quốc). Tuy nhiên, chiếu theo Công Ước UNCLOS 1982, Việt Nam coi khu vực thềm lục địa này (đối tượng của bản hồ sơ đăng ký này) không là đối tượng của sự tranh chấp hay trùng lặp nào”.

Sự mâu thuẫn này, theo sự phân tích của một người đấu tranh dân chủ thì “CSVN đã đồng ý chia quyền lợi với Bắc Kinh ở biển Đông rồi, không còn tranh chấp nữa”. Như vậy, CSVN không nhờ LHQ đứng ra tài phán các sự tranh chấp chủ quyền lãnh thở lãnh hải giữa CSVN với Trung Quốc. Nói khác, CSVN xác nhận những gì Trung Quốc nhìn nhận trên biển Đông của họ là của họ chăng? Dù bề ngoài vẫn ra bộ nói rằng hai quần đảo Hoàng sa và Trường Sa là của Việt Nam để đánh lừa dư luận quần chúng.

Đây là hai cái link để mọi người có thể đọc hai văn bản mà nhà cầm quyền Hà Nội thông báo việc ghi tên thềm lục địa biển Đông:



Hồi năm ngoái, công ty BP của Anh quốc và công ty Exxon Mobil của Mỹ đã nhìn nhận không tiếp tục tiến hành các dự án dò tìm dầu khí trên thềm lục địa Việt Nam vì sự chống đối của Bắc Kinh.

Được biết cơ quan CLCS không có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp chủ quyền lãnh thổ, vùng biển khi có sự chồng lấn lên nhau. CLCS chỉ xét đăng ký nếu vùng tranh chấp có sự thỏa thuận của các nước liên hệ.

Theo sự khảo cứu của ông Dương Danh Huy về biển Đông, trường hợp có sự tranh chấp tồn tại, sự đăng ký có thể tiến hành như đăng ký toàn bộ thềm lục địa mở rộng và nêu rõ những vùng bị tranh chấp. Hoặc chỉ đăng ký cho phần không bị tranh chấp và sẽ đăng ký phần bị tranh chấp sau, có thể sau hạn kỳ 10 năm. Hoặc một số nước tranh chấp có thể đăng ký chung phần chỉ có những nước này tranh chấp và những nước này sẽ phân định những phần này với nhau sau.



No comments:

Post a Comment