Lời tòa soạn: Vào ngày 23/3/2009 chúng tôi có nhận được một số tài liệu gởi từ Perth bao gồm một DVD và một UBS, trong đó có nhiều video clip dài tổng cộng gần 2 giờ đồng hồ. Đó là những hình ảnh đã quay được bên trong chùa Chánh Giác do cư sĩ Lê Tấn Kiết đang trụ trì, đồng thời ông Kiết cũng đang là Chủ Tịch Hội Phật Giáo Việt Nam Tây Úc. Nội dung của những tài liệu này tố cáo hành động lạm dụng tình dục của ông Kiết với một phụ nữ từ Việt Nam mới qua. Sau đó chúng tôi có liên lạc với một số người có liên hệ để kiểm chứng nguồn tin và đồng thời gởi một phóng viên đến Perth để tìm hiểu thêm sự việc, lắng nghe từ hai để có cái nhìn khách quan và chính xác hơn.
Sau đây là bài tường thuật của ký giả Nhật Thường sau chuyến đi Perth với những gì mắt thấy tai nghe. Tất cả những lần tiếp xúc đều có ghi âm với sự đồng ý của đương sự, ngay cả lần gặp ông Lê Tấn Kiết tại chùa Chánh Giác.
http://vietluanonline.com/030409/nhunggixayraochuachanhgiac.html
* *
Khi xảy ra việc này tôi được quen với anh T., một đồng hương sống hơn 20 năm tại Perth, anh tình nguyện bỏ ra trọn một ngày để làm hướng dân viên cho tôi. Nhân dịp này cho tôi gởi đến vợ chồng anh chị T. lời cám ơn đặc biệt. Hai anh chị này đã quá tử tế với tôi.
Từ phi trường tôi chạy xe đến nhà anh T., rồi từ đó chúng tôi đến gặp cô Nguyễn Thị Huệ, hiện tạm thời sống tại nhà của một hội viên của hội Connecting Communities Vietnam, viết tắc là CCV, thuộc vùng ngoại ô của Perth. Chúng tôi chỉ gặp có chị thôi, còn An Khang thì đang đi học tiếng Anh tại một trường chuyên dạy sinh ngữ để chuẩn bị cho các du học sinh vào trung học hay đại học. Tôi hẹn gặp Khang và bà Lyn lúc 4 giờ chiều tại đó sau khi Khang tan học. Trong thời gian này bà Lyn thường xuyên đưa đón Khang.
Sau vài câu câu trao đổi với cô Huệ, tôi nhận ra ngay ở cô cái nét chất phát của các cô gái Nam Kỳ Lục Tỉnh, tôi hỏi gì cô trả lời đó, kiểu “có sao nói vậy” không có chút gì cầu kỳ kiểu cách. Cô nói chuyện với tôi như những lời tâm tình hơn là một cuộc phỏng vấn.
Dưới đây tôi viết lại những gì đã ghi nhận sau khi gặp Cô Nguyễn Thị Huệ.
Cô Huệ năm nay 40 tuổi, khi còn ở Việt Nam sống tại ấp Giồng Nổi, xã Tam Kỳ, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh. Cô học lên đến hết lớp 12 thì bỏ học vì gia đình không có khả năng tài chánh để học tiếp lên đại học, cô ở nhà phụ giúp gia đình làm ruộng.
Cô quen anh Phạm Thành Niên từ năm cô 18 tuổi, người cùng quê, lớn hơn cô 5 tuổi. Sau khi tốt nghiệp trường Nông Lâm Súc tại Vĩnh Long, anh Niên học tiếp lên Đại Học Hải Sản Nha Trang, chương trình 5 năm, nhưng theo lời cô thì đến năm thứ 5 anh Niên phải bỏ học vì gia đình anh làm ăn sa sút không còn đủ khả năng trang trải chi phí cho anh ăn học nữa.
Không lâu sau khi trở về quê thì hai người lấy nhau (lúc đó cô Huệ 23 tuổi còn anh Niên 28 tuổi), họ có một mối tình kéo dài 5 năm thật đẹp như phần lớn các cuộc tình của những đôi trẻ khác.
Sau khi lấy nhau họ sống bằng nghề làm ruộng, sau đó có nhau 2 người con: An Khang sinh năm 1993 và một đứa em trai sinh năm 1995.
Là một người có học thức nhưng cuối cùng phải sống một cuộc đời lam lũ, nhà tranh vách đất, làm ruộng chỉ đủ sống qua ngày, khiến ông Niên trở thành người thất chí, càng lớn tuổi ông càng thích tìm rượu để giải sầu, sau những lần say xỉn trở về, nhiều lần ông đã đánh đập vợ con một cách vô cớ. Có 2 lần ông đánh chị nặng đến độ phải chở vô bệnh viện.
Theo lời chị thì từ lúc nhỏ Khang tỏ ra là một bé thông minh, về môn toán Khang thường khi đứng
nhất trong lớp. Đến năm 12 tuổi, Khang hơi lơ đãng chuyện học và có thú thích chơi bida. Trong lúc đó ông Niên cấm Khang không được chơi bida, nhưng thỉnh thoảng Khang trốn cha đi chơi lén. Chiều ngày 25 tháng 8 năm 2005 trên đường đi nhậu về, ông Niên phát hiện con mình đang chơi bida, ông kéo con về nhà rồi trót lại đổ dầu vô châm lửa đốt. Ngay sau lúc đó cô Huệ đang đi về nghe con mình la hét chạy vô dập tắt ngọn lửa, nhưng đã trễ, vết phỏng đã quá nặng. Họ chở Khang xuống bệnh viện Chợ Rẫy rồi sau đó chuyển qua Bệnh Viện Nhi Đồng 1, nằm ở đó 4 tháng, thì phải trở về nhà là vì gia đình cô Huệ không còn tiền để trả chi phí bệnh viện và bác sĩ Việt Nam cũng bó tay trước vết thương quá nặng của Khang.
Trong 4 tháng đó ông Niên có phụ với vợ để chăm sóc cho Khang ở bệnh viện, nhưng sau đó ông bị
tòa tuyên án 9 năm tù, kể từ đó cô Huệ phải một mình lo cho 2 đứa con. Trong cơn tuyệt vọng, cô được người ta chỉ đến Hội Y Sĩ Quốc Tế ở Sài Gòn. Hội này email cho bà Lyn Annadale, chủ tịch hội Connecting Communities Vietnam về trường hợp của Khang. Theo lời bà Lyn kể lại thì lúc đó nhìn thấy những tấm hình này bà thương tâm quá nên làm đơn ngay gởi cho Bộ Duy Trú Úc xin cho Khang qua đây chữa bệnh, đồng thời bà liên lạc với Bác sĩ Fiona Woods, là bác sĩ giỏi nhất của Úc chuyên về chữa phỏng, để nhờ giúp đỡ cho trường hợp của Khang. Bs Woods đồng y ngay và sẵn sàng chữa miễn phí cho Khang, hội CCV chỉ lo trả chi phí cho bệnh viện mà thôi.
Sau đó Bộ Di Trú đồng ý cho Khang qua Úc chữa bệnh với điều kiện là phải có người bảo đảm chỗ ăn ở. Bà Lyn liên lạc với cộng đồng người Việt tại Tây Úc và được giới thiệu đến ông Lê Tấn Kiết – trụ trì chùa Chánh Giác, ông Kiết ký giấy đồng ý giúp cho mẹ con cô Huệ được ở tại chùa miễn phí.
Cuối cùng mẹ con cô Huệ đến Úc vào ngày 15/12/2007. Kể từ ngày bà Lyn nhận được email đầu tiên về Khang cho đến ngày em được Úc mất khoảng 1 năm.
Từ đó đến nay Khang đã trải qua 3 cuộc giải phẩu lớn: cổ, hai nách và tay. Cuộc giải phẩu cổ và nách thì thành công, còn tay thì không thành công. Khó khăn nhất đối với Khang hiện này là không thể ăn được như người bình thường, vì xương hàm bị dính lại cho nên không thể mở miệng lớn được, hiện tại Khang chỉ ăn thức ăn xay nhiễn ra rồi dùng ống hút để hút. Khang cũng không thể tắm được một mình vì không thể vơ hai cánh tay lên cao. Theo Bs Woods cho biết thì bước sắp tới bà sẽ giải phẩu xương hàm để Khang có thể ăn uống được như người bình thường. Hiện tại chưa làm được là vì kháng thể trong người Khang yếu, sợ không đủ sức chống lại nếu trường hợp vết thương bị nhiễm trùng.
Cô Huệ phải làm việc như thế nào ở chùa?
Ông Kiết sống tại chùa Chánh Giác một mình (vợ của ông chỉ thỉnh thoảng vào chùa), từ hơn một
năm nay thì thêm mẹ con cô Huệ. Theo cô Huệ cho biết thì cô coi chùa như nhà của mình, hơn thế nữa chùa này đã cưu mang gia đình cô trong cơ hoạn nạn, cho nên ngoài việc chăm sóc cho con, cô không bao giờ câu nệ làm tất cả các công việc trong chùa như quét dọn, lau chùi, nấu ăn cho ông Kiết v.v.. Những ngày rầm, ngày lễ hay có đám tang thì làm nhiều hơn bình thường. Các nhân viên của CCV mỗi khi đến thăm đều thấy cô làm việc, họ không hài lòng nhưng cô cho biết cô thích làm việc hơn là ở không, nên họ cũng không thắc mắc nữa.
Làm việc cô không ngại, nhưng điều làm cho cô Huệ buồn và khóc nhiều lần là thái độ của ông Kiết đối với mẹ con cô.
Theo những người sống lâu năm tại Tây Úc mà tôi có dịp tiếp xúc đều nhận xét về ông Kiết là một con người “cực kỳ thủ đoạn và nham hiểm”. Nhận xét chung của tôi là phần đông đều ghét ông nhưng tất cả đều sợ ông. Họ cho tôi biết rất nhiều tin tức về ông nhưng tất cả đều yêu cầu tôi phải giữ kín tên tuổi của họ đừng để lộ, nếu không họ hoặc gia đình có thể bị trả thù. Nói như thế mới thấy sự sợ hãi bao trùm lên cộng đồng của chúng ta khi đụng đến các thế lực tôn giáo, mặc dầu chúng ta đang sống trong một xã hội văn minh và có luật pháp.
Những thủ đoạn ông Kiết áp dụng với mẹ con cô Huệ
Theo cô Huệ thì ông Kiết áp dụng hai cách sau đây đối với mẹ con cô:
1. Trước mặt mọi người ông Kiết luôn tìm cách nói xấu mẹ con cô Huệ và cô lập mẹ con cô với các phật tử đến chùa
2. Khi mọi người đã ra về thì đó là lúc ông “dỗ ngọt” cô Huệ và nói xấu người khác, ông thường xuyên nhắc đi nhắc lại với cô câu này “Không ai tốt với mày đâu, chỉ có tao mới là người tốt thôi” (ông Kiết luôn luôn xưng mầy tao với cô Huệ).
Theo những người sống lâu tại Tây Úc và hiểu rõ ông Kiết, tất cả những việc làm của ông Kiết đều có tính toán.
Theo họ, ông cần phải cô lập mẹ con cô Huệ với mọi người là để cô và Khang không có cơ hội tiết lộ những hành động tồi bại của ông.
Lý do ông cần phải bêu xấu mẹ con cô Huệ để mọi người nghĩ đây là những người xấu (bad reputation), cho nên dù mẹ con cô Huệ có tiết lộ những chuyện xấu về ông chăng nữa thì người ta cũng không tin.
Còn lý do ông cần phải dỗ ngọt cô Huệ là để cô tiếp tục phục vụ sinh lý cho ông.
Ông Kiết bắt đầu dở trò với cô Huệ từ lúc nào?
Trong cuộc gặp gỡ giữa tôi và ông Kiết tại chùa Chánh Giác, ông Kiết cho biết là trước đây ông có thuê một cô Việt Nam tên V. mỗi tuần đến đấm bóp cho ông mỗi tuần 3 lần, mỗi lần $50. Một phật tử trong chùa thấy vậy đề nghị với ông là thay vì trả cho cô V. $50 mỗi lần làm massage, tại sao ông không thuê cô Huệ để cô có chút tiền gởi về Việt Nam nuôi con. Cho nên bắt đầu từ tháng 5 năm 2008 ông dùng cô Huệ thay thế cho cô V. đấm bóp cho mình. Tôi có kiểm tra lại chuyện này với cô Huệ thì được cô Huệ cho biết như sau:
- Khoảng tháng 5/2008 cô bắt đầu đấm bóp cho ông Kiết nhưng không phải mỗi tuần 3 lần mà là mỗi ngày.
- Ông Kiết không có trả tiền cho cô Huệ $50 mỗi lần như ông nói với tôi, nhưng chỉ thỉnh thoảng cho tiền cô thôi.
Ông Kiết áp dụng chiến thuật tranh thủ “dành dân lấn đất”. Lúc đầu chỉ có đấm bóp thuần túy rồi thêm thắt từ từ. Theo lời cô Huệ thì từ 8/2008 lấy lý do là cần thêm “nhân điện” để làm phật sự, ông cần được đấm bóp toàn người. Rồi tiếp thêm bước nữa là trong lúc cô đấm bóp thì một tay ông rờ rẫm vào người của cô Huệ.
Rồi sau cùng bắt đầu từ đầu tháng 12 năm rồi cho đến giữa tháng 3 năm nay, ông bắt cô Huệ phục vụ sinh lý cho ông.
Trả lời câu hỏi phỏng vấn của tôi tại chùa Chánh Giác vào chiều hôm thứ Sáu vừa rồi (27/3/2009), ông Kiết xác nhận cuốn băng thu hình là có thật, ông cũng có trong tay DVD thu hình đó, nhưng ông nói rằng ngoài chuyện đấm bóp r5a, chuyện “cởi quần” chỉ xảy ra duy nhất có hai lần thôi như trong cuốn thu băng đó thôi, chớ không phải lâu dài như lời cô Huệ đã nói với tôi. Ông cũng nói thêm rằng ông năm nay đã 90 tuổi rồi, đã hết khả năng làm tình từ năm 75 tuổi, và nếu không làm tình thì không thể gọi là xâm phạm tình dục. Theo ông Kiết, 2 lần đó xảy ra, ông nghĩ là do cô Huệ bỏ thuốc vào ly sửa đậu nành của ông. Tất cả những chi tiết trong cuộc phỏng vấn với ông Kiết đã được thâu băng đầy đủ (với sự đồng ý của ông Kiết) và sẽ được đăng tải trong số báo tới.
DVD gởi cho chúng tôi được thu trong những ngày đầu của tháng 3, nhưng theo cô Huệ cho biết thì ông Kiết đã giở trò với cô từ khoảng tháng 8 năm rồi cho đến 1 tuần trước khi cô rời khỏi chùa Chánh Giác vào 23/3/2009. Đến giữa tháng 3 khi biết những việc làm của ông đã bị thu băng, ông Kiết đã tìm đủ cách để thuyết phục cô và Khang hủy bỏ những video đó, nếu họ đồng ý thì ông sẽ đưa ngay $4000 và sau khi cô trở về Việt Nam thì mỗi tháng sẽ gởi về vài trăm phụ cấp. Nhưng cô Huệ cho biết là cô từ chối tất cả.
Khi tôi hỏi là tại sao cô phải “phục vụ” cho ông Kiết trong một thời gian dài như vậy mà không báo hội CCV biết, cô Huệ trả lời là vì cô sợ và lòng mang ơn.
Cô sợ là nếu rời khỏi chùa không biết ở đâu, cô không muốn tạo thêm gánh nặng cho hội CCV, bởi vì những cuộc giải phẩu của Khang đã làm hao tốn của hội CCV và ROMAC gần $100,000.
Cô sợ một con người đầy quyền lực như ông Lê Tấn Kiết có thể sẽ tìm cách trả thù mẹ con cô.
Đồng thời cô cũng mang ơn ông Kiết đã cưu mang mẹ con cô trong cơn hoạn nạn – chính 2 điều này khiến cô phải cam chịu trong một thời gian dài như vậy.
Theo lời cô Huệ, để được tiếp tục được thỏa mãn sinh lý, ông Kiết thuyết phụ cô là nhờ cô mà đầu
óc ông được minh mẫn, yêu đời, có sức để tiếp tục đóng góp cho phật pháp.
Tại sao cô Huệ quyết định tố giác chuyện này?
Đến một lúc gần đây cô cảm thấy không còn có thể tiếp tục như vậy được nữa, nên đã tâm sự với Khang: “Chỉ vì con mà má phải hy sinh làm những việc như vậy, má cảm thấy tội lỗi quá”.
Khang và cô Huệ quyết định phải làm một cái gì đó để chấm dứt chuyện này. Khi gặp Khang, tôi có hỏi về điều này thì Khang cho biết chính em đã thâu những các video clip này. Tôi hỏi Khang nguyên nhân nào thúc đẩy Khang làm điều này, thì Khang trả lời nguyên văn như sau: “Ông Kiết là người rất nguy hiểm, phần lớn phật tử chỉ tin lời của ông thôi, nếu không có chứng cớ làm sao con và má cãi lại ông ấy.”
Khang đã dùng mobile phone để thâu hình ảnh này, không phải một đêm mà liên tiếp 5,6 đêm. Cuối cùng khoảng ngày 19/3/2009 Khang kể cho bà Lyn biết tất cả và cho bà ấy xem video mà Khang thâu được. Đến đến sáng thứ Hai 23/3/2009, bà Lyn đã đến chở mẹ con cô Huệ ra đồn cảnh sát để khai tất cả sự thật và sau đó chở đến sống tạm tại nhà của một hội viên của CCV.
Cô Huệ cho biết là khi ở Việt Nam mặc dầu gia đình cô theo đạo Phật nhưng cô không hiểu gì về giáo lý nhà Phật cả. Mỗi khi gặp nạn cô chỉ van vái Trời Phật chớ không biết gì khác. Cô cho rằng mình thật may mắn là trong thời gian ở chùa Chánh Giác cô có một phật tử tên H. thường xuyên lui tới đến chùa, cô kính trọng ông H. như người anh ruột thịt vì chính ông là người đã giảng cho cô hiểu được giáo lý của đạo Phật và những bước căn bản để tu thân. Cô muốn tu để cầu xin Trời Phật phù hộ cho đứa con bất hạnh của cô, cứu vớt cho Khang được trở lại như người bình thường.
Lòng muốn tu nhưng bị bắt buộc phải làm những việc trái luân thường đạo lý khi phải “phục vụ” cho ông Kiết, chính điều này đã làm cho cô dằn dặt lương tâm suốt nhiều tháng qua. Cô cho biết cô đã khóc thầm nhiều đêm vì sự dằn dặt này.
Gặp Khang và bà Lyn Đúng như giờ hẹn tôi gặp Khang bên ngoài trường của em, vì đã trông thấy hình rồi cho nên tôi đã chuẩn bị trước tinh thần. Bà Lyn có lẽ cố tình đến trễ để cho tôi và Khang nói chuyện được thoải mái. Sau vài phút nói chuyện tôi nhận ra ngay là Khang mặc dầu bị tàn phế thân thể nhưng đầu óc thông minh. Khang cho biết là trong những môn học Khang giỏi nhất là môn toán, thường khi đứng đầu trong lớp.
Tôi không đủ cam đảm để nói em kể lại tai nạn, nhưng bổng nhiên Khang nói là em không thể quên ngày rầm tháng rầm tháng 7 Âm lịch tức ngày ngày 20/8/2005 Dương lịch, vì ngày đó là ngày tai nạn xảy ra đến với em.
Sau đây là cuộc đối thoại giữa tôi và Khang:
- Khang có thể tha thứ cho cha được không?
- Có thể được.
- Khang có thương ba nhiều không?
- Chỉ ít thôi.
- Ba Khang có bao giờ nói xin lỗi hay có khóc trước mặt Khang không?
- Có xin lỗi và khóc nhiều lần.
- Giữa Úc và Việt Nam Khang thích sống ở đâu hơn?
- Ở Úc hơn.
- Tại sao?
- Bởi vì ở Úc bạn bè và đặc biệt là thầy cô đối xử rất tốt với con.
- Ước mơ lớn nhất của Khang lúc này là gì?
- Con có 2 ước mơ lớn, thứ nhất là bác sĩ sẽ giải phẩu thành công để con có thể ăn uống bình thường và có thể tự tắm rửa được và ước mơ thứ hai là khi trở vào lại trường trung học vào giữa năm nay con sẽ theo kịp bạn bè.
Điều thật đáng mừng là vì thấy hoàn cảnh đáng thương của Khang cho nên chính phủ Úc cấp cho Khang học bổng 6 năm.
Càng sống lâu tại đây tôi càng thấy quý trọng những giá trị nhân bản của dân Úc, tôi không nhớ vị danh nhân nào đã nói câu này: “Người ta đánh giá sự văn minh của một quốc gia qua sự đối xử với người tàn tật”.
Giữa năm nay Khang sẽ vào học lớp 10, tôi cầu Trời cho Khang vượt qua được những khó khăn lúc
đầu. Tôi khuyên Khang phải cố gắng học vì đó là con đường duy nhất để có tương lai tươi sáng, Khang trả lời: “Con biết điều đó”.
Khoảng 4 giờ rưỡi thì Lyn đến. Đúng như tôi mong đợi, đây là một phụ nữ trung niên với khuôn mặt và giọng nói thật nhân ái. Tôi nói với bà rằng tôi không dám đại diện cho ai cả, nhưng xin thay mặt cho bán tuần báo Việt Luận gởi đến bà lời cám ơn đặc biệt, bà đã giúp cho đồng bào của tôi những việc mà bản thân tôi không làm được.
Tôi nói tiếp: “Tôi biết tất cả những lời cám ơn đối với bà đều dư thừa nhưng cho phép tôi được nhắc lại câu ngạn ngữ của người Do Thái "Cứu một mạng người cũng gần giống như cứu cả thế giới" (Save one life is as if you have saved the world)”
Bà Lyn trả lời khiêm tốn rằng thấy hoàn cảnh thương tâm như vậy bà chỉ làm theo tiếng gọi của lương tâm.
Đáng tiếc là bà không thể cho chúng tôi một cuộc phỏng vấn, vì luật sư của CCV không cho phép bà được tuyên bố bất cứ điều gì với báo chí liên quan đến việc “sách nhiễu tình dục” của ông Lê Tấn Kiết cho đến khi họ có một quyết định.
Cả bà và một hội viên khác trong CCV tên là Sue mà tôi có dịp gặp trước đó đều tỏ bực tức về sự tiết lộ muộn màng của cô Huệ, họ cho rằng đúng ra cô Huệ phải thông báo ngay cho họ biết khi có những chuyện như vậy xảy ra.
Khi từ biệt, bà nắm tay Khang và nói với tôi “He is my son” (cậu ta là con của tôi). Tôi cầu Trời những người như bà Lyn sẽ mãi mãi thương yêu Khang như thương yêu chính đứa con của bà, những người như Khang cần một tình thương để làm lại cuộc đời. Tôi biết lúc đó bà nói thật với lòng mình, tôi nhìn họ bước đi mà không sao cầm được nước mắt và tự hỏi tại sao lại có những người ngoại quốc tốt với đồng bào của tôi như thế.
Ai là chủ nhân thật sự của chùa Chánh Giác?
Một nhân vật quan trọng khác có liên hệ với chùa Chánh Giác mà tôi có dịp gặp trong chuyến đi vừa rồi là ông Lâm Ngọc A. Theo ông A thì chính ông mới là chủ nhân thật sự của chùa Chánh Giác, ông đưa cho tôi xem title nhà (bảng chánh) đang giữ và tất cả các chi phiếu mà ông đã trả cho ngân hàng, ông đồng ý cho tôi giữ tất cả các bảng photocopy.
Trong lúc gặp ông Lê Tấn Kiết tại chùa Chánh Giác tôi có nêu câu hỏi này, thì ông Kiết phủ nhận lời nói của ông A. Ông Kiết đồng ý là ông A có trả cho ngân hàng số tiền là $380,000 vào tháng 12 năm 1994 để thanh toán tất cả số nợ của chùa Chánh Giác, nhưng tài sản ngôi chùa này thuộc về ông Kiết dưới tên của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Tây Úc. Coi như ông A đã tặng cho Giáo Hội của ông Kiết rồi chớ không còn là của ông A nữa.
Chúng tôi sẽ trình bày chi tiết hơn về vấn đề này trong những số báo tới.
Tôi rời Perth bằng chuyến bay lúc 12 giờ 30 phút khuya, tức là 2 giờ 30 phút sáng theo giờ Sydney, mệt thật nhưng tôi ngồi trên máy bay suốt 2 tiếng đồng hồ sau vẫn không sao nhắm mắt được, những hình ảnh của Khang, của cô Huệ, của bà Lyn, Sue và các bạn VN khác ở Perth… cứ hiện ra trong trí tôi và dĩ nhiên có cả những hình ảnh của ông Lê Tấn Kiết ...
Nhật Thường
No comments:
Post a Comment