Monday, May 11, 2009

CHẾ LINH VÀ NGƯỜI LÍNH “HÈN”

CA SĨ CHẾ LINH VÀ NGƯỜI LÍNH “HÈN”

Người Lính Hèn

“Thưa các bạn, để trở lại chương trình phần 2, tôi xin hát tặng các bạn những bài hát về LÍNH, do lời yêu cầu. Mặc dù tôi không phải là Lính trước đây, những bài hát này không phải chỉ dành riêng cho LÍNH VIỆT NAM CỘNG HÒA, mà xin tặng luôn cho các anh lính bộ đội, đặc biệt là anh Hải Bộ Đội có lời yêu cầu tôi. Vì theo tôi, người Lính nào cũng đáng ca tụng vì cùng hoàn cảnh chiến tranh phải đi lính mà thôi”

Đó là những gì mà ca sĩ Chế Linh đã phát biểu mà tôi không hề thêm bớt, vào buổi tối Thứ Sáu, ngày 1 tháng 5 năm 2009, trước khá đông thực khách ở nhà hàng Đại Dương, Hopkins Street, Footscray Victoria Australia.

Là một người Lính Việt Nam Cộng Hòa trước đây, tôi chợt nhói buốt con tim, nhìn quanh đám thực khách nhà hàng xa lạ vô tư: Phía trước mặt tôi là những bàn tiệc của các vị thương gia quen mặt đang cụng ly vui cười hể hả. Kế đó là các bàn của bạn bè bộ đội Hải đang phì phèo thuốc lá, mặc dầu lệnh cấm hút thuốc trong nhà hàng của chính phủ. Họ vỗ tay hoan hô nồng nhiệt lời phát biểu của ca sĩ Chế Linh.

Tôi bỏ dở bữa ăn cuối tuần, cùng vợ bước ra khỏi nhà hàng, lòng vừa đau, vửa giận mình HÈN, không có can đảm bước lên sân khấu cướp micro để có đôi lời với người ca sĩ này.

Bông dưng phía sau tôi có tiếng ồn ào: Độ ba, bốn thanh niên vừa kéo một người bạn ra ngoài cửa, vửa can ngăn:

- Ông đừng nóng, bây giờ mà ông lên lấy micro, nóng nẩy la lối là phiền lắm đó!

- Nhưng các ông phải để cho tôi nói chứ! Nơi đây là Cộng Đồng Tỵ Nạn, cớ sao lại nhập các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa với bọn bộ đội Việt Cộng? Lính VNCH chiến đấu để giành tự do dân chủ đất nước. Còn lính VC chúng chỉ chiến đấu cho chủ nghĩa cộng sản.

Người bạn trẻ nóng tính cố gắng dằng tay những người bạn can mình đễ hướng miệng vào cửa nhà hàng trong cơn giận dữ.

Tôi tưởng có một mình tôi tôi bất bình, không ngờ lại có các bạn trẻ cùng chia xẻ nỗi đau này. Tôi tiến tới nhóm bạn trẻ này, ôn tồn khuyên can:

- Bọn chúng đông lắm, các em nóng nẩy sẽ sinh chuyện lớn, phiền lắm.

Sau một hồi thảo luận, nhóm bạn trẻ này đồng ý giải pháp cùng trở lại bàn ăn để yêu cầu ban tổ chức cho lên sân khấu phảt biểu cảm tưởng về lời nói của ca sĩ Chế Linh. Một người trong bọn nói với tôi:

- Chú đừng về, hãy theo tụi cháu vô để hỗ trợ tụi cháu. Bảo đảm với chú, sẽ không có chuyện gì gây gỗ, đánh nhau đâu.

Tôi cùng đám bạn trẻ này bước trở vào nhà hàng. Nhưng trong khi chờ đợi, vợ tôi, vì lo cho tuổi già sức yếu của tôi, nên đã kéo tôi đi về, nên tôi đã không biết các bạn trẻ của tôi đã hành động ra sao?

Hỡi ơi! Tên lính già khiếp nhược! Thực đáng phỉ nhổ!

Tôi xin lỗi các bạn. Xin cúi đầu tạ lỗi!

Thưa quý bạn và các bạn trẻ,

Bài viết này, lại thêm một lần nữa lấy ẩn danh là “Người lính hèn”, với mục đích tạ lỗi cùng các bạn, đã hèn hạ chạy trốn trong lúc bầu máu nóng của các bạn đang cố giành lại danh dự cao đẹp nhất cho những người lính năm xưa , thới mà các bạn còn là những đứa trẻ đùa giởn trong sân trường hoặc là những sinh viên đang mài đũng quần trước ngưỡng cửa đại học.

Và bài viết nầy mong rằng sẽ được đưa lên báo chí và internet xin lên tiếng với cộng đồng hải ngoại như lời trần tình cùng ca sĩ Chế Linh, một trong những “Tứ Đại Danh Ca” mà ông Nam Lộc đã từng coi trọng trong những show diễn âm nhạc do ông làm MC.

(Thực sự, tôi đã đưa tên và địa chỉ cho ban biên tập để dễ bề đối chiếu và liên lạc).

Thưa quý bạn đọc,

Thực ra, xưa nay, tôi chưa từng ái mộ mà thậm chí còn ghét cay ghét đắng tiếng hát Chế Linh mà trước đây, ngày còn trong lính, chúng tôi thường gọi nháy đi là “Lính Chê”. Theo tôi, những bài hát do ông sáng tác, toàn là loại nhạc “SẾN” qua tiếng hát của Chế Linh nỉ non ai oán dễ đưa nguời lính tác chiến buồn thảm, nhớ nhà, buông súng đầu hàng giặc hoặc đào ngũ. Do đó, có dạo Bộ Thông Tin Chiêu Hồi và Tổng cục Chiến Tranh Tâm Lý đã ra lệnh cấm tiếng hát Chế Linh trên các đài truyền thanh, truyền hình.

Sau những năm tháng tù đầy rồi vượt thoát ra được hải ngoại, tôi lại bắt gặp được hình ảnh Chế Linh qua các video, DVD do các trung tâm băng nhạc phát hành, vẫn với các âm điệu nhạc “SẾN” nỉ non, ai oán của một kẻ thất tình hoặc anh lính xa nhà nhớ vợ con. Nhưng tôi đã thay đổi phần nào những điều mình không thích năm xưa: Phần vì qua hình ảnh những bộ đồ lính trận ông mặc trong các show diễn rất chỉnh, rất giống những bộ quân phục chúng tôi đã mặc ngày xưa, và những bài hát tôi đã ghét cay ghét đắng ngày xưa bây giờ lại giúp tôi gợi nhớ lại những hình ảnh khó phai mờ của các chiến hữu của tôi ngày nào nghêu ngao trong các “Đồn vắng chiều xuân”. Phải nói, cung cách và những lời phát biều của Chế Linh trong các show ca nhạc đã quay thành DVD làm cho tôi có phần nào đã có chút cảm tình với anh.

Vừa qua, trên báo chí và internet có những bài viết chỉ trích và chê trách anh về việc anh về lại Việt Nam xin phép chính quyền Cộng Sản cho phép anh hát lại. Thực sự, điều này tôi có đọc qua và không mấy quan tâm vì cá nhân tôi thông cảm hoàn cảnh sinh sống và nghề nghiệp của các ca sĩ hải ngoại khi về già: Tiếng hát của họ đã hết thời, quá nhàm chán với khán thính giả hải ngoại, lại còn bị giới trẻ đang lên lấn áp dành chỗ đứng. Các show lưu diễn chẳng còn ai mời mọc nữa, nên đành về kiếm sống trong nước vậy! Kể cả bọn linh già chúng tôi cũng có người mỗi năm ky cóp ít tiền còm pension và nhục nhã đem thân về quê nhà mà quên đi nỗi thù vong quốc.

Nhưng hôm nay, tôi xin thưa với anh Chế Linh, cứ như tối thứ Sáu vừa qua, anh cứ hát, cứ ca, cứ thân tình với khán thính giả trong giới hạn của người nghệ sĩ với giới mộ điệu, đừng nói những lời nói có vẻ sỉ nhục người lính VNCH, xếp họ ngang hàng với bọn Việt Cộng, thì mọi người ra về lòng thơ thới hân hoan, vui biết mấy,

Thế mà anh nỡ lòng nào đem những bài hát ngày xưa để tặng cho các bộ đội và lại còn nói “Lính nào cũng giống nhau”.

Giả sử đây là buổi diễn trong nước, anh có dám tặng các bộ đội bài hát “Đêm buồn tỉnh lẻ” hoặc “Trên bốn vùng chiến thuật” hay chăng?

Thưa anh Chế Linh, anh đang sống trong một đất nước tự do dân chủ, anh lại có cơ hội đi lưu diễn khắp các nơi và anh đã lợi dụng cái tự do này đễ khuynh đảo cả một trật tự lương tâm của con người. Tôi nghĩ, anh là một nghệ sĩ lớn, chắc anh cần giữ tiếng thơm đời đời chứ không cần tiền đâu. Tôi đề nghị, nếu mai đây có dịp gặp lại các bộ đội hào sảng bao anh ăn nhậu, biếu xén tiền bạc, anh cố học thêm vài bài hát như “Tiếng chầy trên sóc Bombo” hoặc “Cô gái tải đạn” mà tặng cho họ, thì quý giá hơn biết chừng nào. Chẳng ai dám chỉ trích, làm khó dễ anh đâu. Còn những bài hát ngày xưa, hoặc do anh, hoặc do các nhạc sĩ khác sáng tác, đó là những tâm tư, tình cảm của các anh dành cho các anh em chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa chúng tôi, xin anh giữ lại như chút lòng tri ân của chúng tôi.

Thưa anh Chế Linh,

Đau lắm, anh ạ! Chúng tôi, những người lính thua trận, sau những năm tháng tù đày và nhục nhã bị đối phương tàn nhẫn trả thù, chúng tôi đã mất tất cả. Giờ đây chúng tôi đang cố gắng chữa lại vết thương lòng rướm máu, chúng tôi chỉ còn chút quá khứ ôm ấp để làm niềm vui và hãnh diện với con cháu mai sau.

Xin anh, hãy cho chúng tôi chỗ dứng riêng với các bộ đội của anh.

Thưa các bạn trẻ ở nhà hàng Đại Dương đêm Thứ Sáu 01 05 2009 vừa qua, tôi vẫn còn nhớ những gương mặt quả cảm của các bạn. Hai đêm nay tôi thao thức nhớ lại cơn giận dữ của các bạn vì lời phát biểu làm nhục các chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa của ca sĩ Chế Linh, để kính phục tuổi trẻ của các bạn. Đáng lý ra, tôi phải là người cùng các bạn tiến lên sân khấu để nói chuyện phải quấy với ông bạn “Đại Danh Ca” này, rồi tới đâu thì tới. Nhưng tôi đã hèn hạ chuồn sớm.

Một lần nữa, xin các bạn tha thứ cho tên lính già hèn mọn này.

Bài viết của: Người Lính Hèn
(Tên thật và địa chỉ đã được gởi cho tòa báo Việt Luận cùng với thư này).
(Nguồn Vietluan)



No comments:

Post a Comment