Sunday, August 3, 2008

Khúc Quanh Chữ U



Nguyễn Ðạt Thịnh

Chiếc xe thồ Việt Cộng đang đánh một đường quanh chữ U khá đẹp mắt: ngày thứ Hai 28 tháng Bẩy báo Hà Nội Mới online loan tin Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đột ngột quyết định thuyên chuyển toàn bộ 5 tướng lãnh nắm quyền chỉ huy Quân Khu Thủ Ðô của Việt Cộng. Dũng ký một loạt 6 quyết định thay đổi tư lệnh, tư lệnh phó, chính ủy, phó chính ủy và tham mưu trưởng quân khu Thủ Ðô, nói cách khác, phá vỡ guồng máy chỉ huy của quân khu.

Quyết định số 999/QĐ-TTg thuyên chuyển Trung tướng Nguyễn Như Hoạt, Tư lệnh Quân khu Thủ đô sang giữ chức Giám đốc Học viện Quốc phòng, bốn quyết định số 1001, 1002, 1003 và 1004/QĐ-TTg, cất chức trung tướng Nguyễn Ðăng Sáp, chính ủy, thiếu tướng Trần Trung Khương, phó chính ủy, thiếu tướng Lê Hải Bình, tư lệnh phó kiêm tham mưu trưởng và thiếu tướng Nguyễn Văn Nghịnh, phó tư lệnh, giao hoàn họ trở về bộ quốc phòng để nhận công tác khác.

Cuộc thuyên chuyển toàn bộ và đột ngột rõ rệt mang tính chất cấp bách cất chức để phòng ngừa, nếu không nói là để chặn đứng một cuộc đảo chánh, vì quân khu thủ đô là quyền lực chỉ huy những đơn vị trấn đóng Hà Nội và những vùng ngoại vi, lực lượng duy nhất có thể thực hiện một cuộc đảo chánh quân sự.

Những tướng lãnh bị cất chức bị coi là thuộc phe thân Trung Cộng, nên việc thay đổi không thể không liên hệ đến Trung Cộng, đến Hoa Kỳ, đến cuộc tranh chấp giếng dầu Hoàng Sa, và đến thái độ của hai hãng dầu quốc tế British Petroleum (BP) và Exxon. Trung Cộng đã yêu cầu hai hãng dầu này ngưng không cộng tác với Việt Nam trong việc khai thác giếng dầu hiện đang hoạt động, và dò tim để khoan thêm những giếng dầu mới. Các chuyên viên về thị trường dầu hỏa cho rằng hai hãng dầu này sẽ nhượng bộ Trung Cộng để bảo vệ quyền lợi thương mại của họ lớn đến nhiều tỉ mỹ kim và những cơ sở thương mại đang hoạt động trên lục địa Trung Hoa.

Tháng trước BP, hãng dầu của Anh, đã tạm ngưng hoạt động trên bờ biển Việt Nam, nhưng sau khi thấy Exxon, hãng dầu của Mỹ, không lui, mặc dù Exxon cũng bị Trung Cộng yêu cầu rút ra khỏi những hoạt động tìm dầu trên vùng biển mà Trung Cộng nói là lãnh hải của họ, và mặc dù chiến hạm Trung Cộng đã bắn bổng, cảnh cáo một chiếc tầu chở chuyên viên dò tìm dầu hỏa của Exxon, BP đổi thái độ, trở lại hoạt động trên thềm lực địa Việt Nam.

Phản ứng của Trung Cộng đối với thái độ ương ngạnh của hai hãng dầu quốc tế như thế nào? Họ có ý định thực hiện một cuộc đảo chánh tại Hà Nội không? Hai câu hỏi này chỉ có Nguyễn Tấn Dũng và 5 tướng bị cất chức mới trả lời được; tuy nhiên ai cũng biết nếu Trung Cộng có chủ mưu đảo chánh Hà Nội, và nếu họ thành công, thì họ không cần đuổi hai hãng dầu BP và Exxon ra khỏi Hoàng Sa nữa, mà tân chánh phủ Việt Cộng sẽ làm chuyện đó, tránh cho họ cái nguy cơ đụng chạm quân sự với Hoa Kỳ và Anh.

Chưa có tin tức nào đề cập đến giả thuyết này; nhưng chăc chắn cuộc đảo chánh lật đổ nhóm Việt Cộng đang cầm quyền hiện nay để thay vào đó bằng một nhóm Việt Cộng khác, có quan điểm thân Trung Cộng, là việc dễ làm hơn việc đối phó với 2 hãng dầu có sự yểm trợ của hai lực lượng quân sự đáng nể của Anh và Hoa Kỳ.

Hải quân Trung Cộng không dám hạ nòng khẩu đại bác đã bắn cảnh cáo tầu tìm dầu của Exxon, để bắn trực xạ đánh đắm con tầu họ thù ghét đó. Họ thừa biết một phát đại bác bắn ra như vậy sẽ là tiếng súng lệnh khởi đầu cuộc chiến tranh Trung Cộng-Hoa Kỳ, cuộc chiến họ không muôn xẩy ra, và cũng chưa đủ sức đương cự.

Ðể hiểu rõ ý nghĩa của “sự cố” này, hãng thông tấn RFA tìm hỏi ý kiến những chuyên viên về Việt Nam; cựu đại tá Việt Cộng Bùi Tín dè dặt nhận xét:

“Có thể nói trong lịch sử quân đội chưa bao giờ có một sự thay đổi như thế; thứ hai nữa là cái thay đối này không cùng loạt với các quân khu khác trong cả nước.

“Ngoài ra Quân Khu Thủ Đô là quân khu trực tiếp của Bộ Quốc Phòng, nó làm nhiệm vụ bảo vệ các cơ quan đầu não của Bộ Chính Trị, của chính phủ, thế mà chỉ riêng thay đổi có mỗi quân khu đó thôi thì có thể nói đây là một sự kiện vô tiền khoáng hậu, tức là trước kia cũng chưa từng có và sau này cũng ít khi mà có thể có như thế.

Cái này nó diễn ra không phải vào cuối năm, cũng không phải vào một dịp cách mạng tháng tám hay mùng 2 tháng 9 như là bình thường, mà ở đây nó diễn ra vào thời điểm đặc biệt sau hôi nghị trung ương 7 vừa rồi”.

Là một chuyên viên về Việt Cộng, nhưng ông Bùi Tín lại chỉ nói để không nói gì cả, không giải thích gì cả; ông nói chuyện cất chức hàng loạt 5 tướng lãnh là việc chưa bao giờ xẩy ra, điều đó ai cũng biết; ông lại nói việc cất chức chỉ xẩy ra riêng tại quân khu Thủ Ðô thôi, không xẩy ra tại các quân khu khác, bản tin Hà Nội Mới đã nói rõ đặc tính đó trước ông.

Thấy ông Tín chỉ nói huề vốn, RFA tìm hỏi thêm một nhà phân tích khác về Việt Nam, tiến sĩ Nguyễn Văn Huy; ông Huy nói, “Từ lâu nay Bộ Quốc Phòng cũng như Bộ Chính Trị chuẩn bị một sự thay đổi nhân sự quan trọng để trẻ hoá guồng máy lãnh đạo quân đội tại Quân Khu Thủ Đô, đồng thời cũng để cải cách một số dư luận người ta than phiền về cán bộ quân đội tại Quân Khu Thủ Đô với các vụ việc như là tham nhũng về đất đai, hay là về vật tư, hay là chức quyền này nọ tại Quân Khu Thủ Đô”.

Giầu óc tưởng tượng đôi chút người ta còn có thể hình dung ra việc tống đạt nghị định cất chức được giao cho 5 tiểu đội an ninh võ trang, và 5 ông tướng Việt Cộng bị “thuyên chuyển” được những tiểu đội này “hộ tống” trên đường giao hoàn họ trở về ngồi chơi xơi nước tại bộ quốc phòng.

Nói cách khác: không cho họ có thì giờ để kịp trở tay phản ứng. Giờ này họ có còn được tự do hay không, cũng là một câu hỏi.

Tính chất đột ngột và quyết liệt trong hành động của Nguyễn Tấn Dũng là chuyện không thể phủ nhận; tuy nhiên sau khúc quanh chữ U vô cùng quan trọng này, việc gì sẽ xẩy ra?.

Trả lời câu hỏi này là job của Cậu Chín, ông thầy bói nổi tiếng của Houston, vì sau việc Nguyễn Tấn Dũng “ba rê” được cú “sút” đảo chánh của phe thân Trung Cộng thì giờ này quả bóng đang nằm trên sân Bắc Kinh.

Một cách khác để đặt lại cùng một câu hỏi vừa nêu là: Hồ Cẩm Ðào sẽ làm gì để tiếp tục quản lý quận Tam Sa – tên Tầu của quần đảo Hoàng Sa mà Trung Cộng có tham vọng chiếm đoạt?

Nguyễn Ðạt Thịnh

No comments:

Post a Comment