Thursday, August 7, 2008

Bài Học Qua Biến Cố Hồng Y Phạm Minh Mẫn


Linh mục Nguyễn Hữu Lễ

Hôm nay đúng 2 tháng lá thư gây sóng gió của Hồng Y Phạm Minh Mẫn gởi đến 3 vị Giám Mục Việt Nam đi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney được phổ biến. Với nội dung và ngôn từ của lá thư, Hồng Y Phạm Minh Mẫn bị phê phán và chống đối khắp nơi tạo thành một biến cố lôi kéo sự chú ý của rất nhiều người nhiều giới. Trong bài viết này, tôi cũng muốn nhắc lại một bài học rút ra từ biến cố xảy ra của Giáo Hội Công Giáo Ba Lan hơn một năm trước vì có điểm tương đồng với hiện tượng Hồng Y Phạm Minh Mẫn của Việt Nam.

Ngày Chúa nhật 7 tháng Giêng năm 2007, Giáo Hội Công Giáo Ba Lan đã “lên cơn sốt” bởi làn sóng phản đối mãnh liệt của dân chúng yêu cầu vị Tổng Giám Mục chỉ định của Tổng Giáo Phận Warsaw phải từ chức ngay trong ngày lễ nhậm chức (investiture). Lý do là vì Ủy Ban Điều Tra phanh phui ra bằng chứng cho thấy Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus trong quá khứ từng là điềm chỉ viên cho mật vụ của chế độ Cộng sản Ba Lan.

Các đài truyền hình ngày hôm đó chiếu đi chiếu lại cảnh dân chúng Ba Lan tập họp đông nghẹt bên ngoài nhà thờ Chánh Tòa thủ đô Warsaw, tay giơ cao biểu ngữ, miệng la hét inh ỏi yêu cầu Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus phải từ chức. Khi đó bên trong nhà thờ, ống kính truyền hình tập trung vào vị Tổng Giám Mục 67 tuổi trong phẩm phục đại trào đang khóc tức tưởi, đôi môi run rẩy, nước mắt chảy dài, đang cúi gầm đầu đọc bản văn từ chức, chỉ một vài phút trước khi bắt đầu nghi thức nhậm chức Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Warsaw là chức vụ cao trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo Ba Lan. Cảnh tượng nhục nhã này diễn ra trong một buổi lễ rất long trọng, có mặt đông đủ các chức sắc đạo đời, kể cả Tổng Thống Ba Lan. Hình ảnh đó làm tôi nhớ mãi.

Vài ngày sau đó, tôi đã viết bài “MỘT BÀI HỌC QUA VIỆC TỔNG GIÁM MỤC WARSAW TỪ CHỨC” và tôi gửi lại kèm theo đây để đọc giả có dịp so sánh sự việc của hai vị chức sắc cao cấp trong Giáo Hội Công Giáo Ba Lan và Việt Nam đã gây ra. Mặc dù tình tiết câu chuyện có khác nhau nhưng có điểm chung là cả hai vị chức sắc cao cấp đều bị dân chúng phẫn nộ và phản đối ầm ĩ. Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus đã nhận tội và xin từ chức, Hồng Y Phạm Minh Mẫn thì đang phải lánh mặt không dám chính thức công khai xuất hiện tại Hải Ngoại như trước nữa.

VÀI NÉT VỀ HỒNG Y PHẠM MINH MẪN

Trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Hồng Y Phạm Minh Mẫn là một trong 5 vị Hồng Y từ trước tới nay. Vị Hồng Y tiên khởi của Việt Nam là Trịnh Như Khuê Tổng Giám Mục Hà Nội, được phong tước vị Hồng Y ngày 24 tháng 5 năm 1976, kế tiếp là những vị: Hồng Y Trịnh Văn Căn được phong tước vị Hồng Y ngày 30 tháng 6 năm 1979, Hồng Y Nguyễn Văn Thuận được phong tước vị Hồng Y ngày 21 tháng 2 năm 2001, Hồng Y Phạm Đình Tụng được phong tước vị Hồng Y ngày 26 tháng 11 năm 1994. Hiện nay Giáo Hội Công Giáo Việt Nam chỉ còn được hai vị là Hồng Y Phạm Đình Tụng nguyên Tổng Giám Mục Hà Nội đã về hưu và Hồng Y Phạm Minh Mẫn.

Hồng Y Phạm Minh Mẫn sinh năm 1934, xuất thân là một Linh Mục thuộc Giáo phận Cần Thơ, theo học tại Đại Chủng Viện Sài Gòn và chịu chức Linh Mục năm 1965. Năm 1993, cha Phạm Minh Mẫn được chọn làm Giám Mục Phó Giáo phận Mỹ Tho. Chỉ sau 5 năm Giám Mục Phó Phạm Minh Mẫn được chuyển về làm Tổng Giám Mục của cái gọi là Tổng Giáo Phận thành phố Hồ Chí Minh, nguyên là Tổng Giáo Phận Sài Gòn trước kia, đã bị đổi tên sau khi Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam. Ngày 21 tháng 10 năm 2003 Ngài được phong tước vị Hồng Y.

Như vậy, Hồng Y Phạm Minh Mẫn là một vị chức sắc được “thăng quan tiến chức” nhanh nhất trong lịch sử Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Chỉ trong vòng 10 năm từ vị trí khiêm tốn của một Giám Mục Phó trong một Giáo phận nhỏ ở miền quê đã được nâng lên tước vị Hồng Y cao trọng nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam.

VỊ HỒNG Y CỦA “MỤC VỤ DI DÂN”

Hồng Y Phạm Minh Mẫn trở thành một khuôn mặt quen thuộc của đồng bào Công Giáo và Cộng Đồng Người Việt tỵ nạn Cộng sản tại Hải Ngoại qua vai trò đặc biệt có tên là “Mục Vụ Di Dân” của Ngài. Dưới danh nghĩa “Mục Vụ Di Dân” đó, mặc dầu trên thực tế giáo dân Công Giáo Hải Ngoại không có nhu cầu để Giáo Hội Công Giáo tại Việt Nam cần phải tiếp tay lo lắng nhưng Ngài vẫn đi lại thường xuyên qua nhiều quốc gia, xuất hiện nhiều nhất tại các Cộng Đồng Người Việt tỵ nạn ở Hoa Kỳ qua sự tiếp tay của một số Giáo Sĩ và Giáo dân tại địa phương. Vì thế, công tác “Mục Vụ Di Dân” của Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong những năm qua tỏ ra gặt hái nhiều thành công cụ thể và tương lai hứa hẹn sẽ thu góp thêm được nhiều thành quả ở trước thời điểm lá thư gây sóng gió được chính thức “chào đời” vào ngày 4/6/2008!

Tuy nhiên con đường “Mục Vụ Di Dân” của Hồng Y Phạm Minh Mẫn không phải lúc nào cũng êm thắm và từ từ đã tự hé mở quan điểm của Ngài qua những lần trả lời phỏng vấn hoặc qua lá thư Mục Tử khi lên tiếng về Linh mục Nguyễn Văn Lý với bài viết “ngôn sứ thật, ngôn sứ giả”; có lần Ngài gọi đồng bào tị nạn Cộng sản tại Hải Ngoại là “tha phương cầu thực”. Gần đây nhất, Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã kêu gọi Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại nên xóa bỏ căn cước tị nạn! Những điều này đã làm cớ cho một số người lên tiếng chống đối.

Phải chăng thời gian rồi đã qua đi và những tiếng nói chống đối cũng thưa dần rồi lặng im, mọi chuyện đâu lại vào đấy mà Hồng Y Phạm Minh Mẫn lại vẫn mạnh tiến trên con đường “Mục Vụ Di Dân”“luôn đầy ắp công việc của Giáo phận, của Giáo hội Việt Nam và trong cương vị Hồng Y còn thêm những công việc của Toà Thánh, với tuổi càng cao, càng thường xuyên đau yếu ...” nhưng chương trình chu du Hải Ngoại của vị Hồng Y tuổi cao sức yếu này khiến cho những nhà ngoại giao chuyên nghiệp nhìn vào cũng phải chóng mặt.

Điều này cũng dễ hiểu vì có nhiều Giáo Sĩ và cơ sở tôn giáo Hải ngoại lúc nào cũng sẵn sàng “trải thảm đỏ” để đón vị chức sắc cao cấp nhất của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Sự có mặt của Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong các dịp Đại Hội, các dịp lễ, các dịp rước kiệu, các dịp hành hương, các dịp khánh thành, các dịp kỷ niệm của giáo xứ và cộng đồng đã trở thành mốt thời thượng làm cho buổi lễ thêm phần long trọng để thu hút giáo dân tới tham dự cho đông. Trong các trường hợp đó, hình ảnh và tên tuổi của Hồng Y Phạm Minh Mẫn lúc nào cũng chiếm chỗ trang trọng trên các tờ thông báo chương trình.

DÂY ĐÀN CĂNG THẲNG

Với nội dung và ngôn từ của lá thư ngày 4 tháng 6 vừa qua, Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã lái thuyền vào vùng biển động! Ngài đã đụng chạm tới một sự kiện rất tế nhị đối với Cộng Đồng Người Việt tị nạn Cộng sản tại Hải Ngoại qua quan điểm Cờ Vàng, Cờ Đỏ! Đề tài này lúc nào cũng căng thẳng như một dây đàn, chỉ sờ nhẹ vào đã bật ra tiếng kêu, nói gì đến việc Ngài dùng ngón tay búng mạnh vào đó!

Ai cũng biết những người Việt tại Hải Ngoại đại đa số là những nạn nhân đã phải trốn chạy chế độ Cộng sản và muôn đời lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là một biểu tượng thiêng liêng và bất khả xâm phạm. Ngược lại, họ kinh tởm lá Cờ Đỏ Sao Vàng mà họ gọi là “cờ máu”, vì lá cờ máu này mà họ đã phải liều chết vượt biên trốn chạy chế độ Việt cộng man rợ, mang theo lời sỉ vả của Phạm Văn Đồng là thủ tướng Việt cộng lúc bấy giờ: “bọn chúng đàn ông là hạng ma cô, đàn bà là hạng đĩ điếm. Bọn chúng phải ra đi cho sạch đất nước ...”. Trong tình cảnh đó, Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã công khai lên tiếng đòi triệt hạ Cờ Vàng và gián tiếp giới thiệu Cờ Đỏ trong dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney thì tránh sao cho khỏi sự phẫn nộ của đồng bào Hải Ngoại?

Trong phạm vi bài viết này tôi chỉ muốn ghi lại sự kiện là vì thư đó mà Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã gặp sự chống đối một cách dữ dội của nhiều người và nhiều giới, phần đông là người Công Giáo. Có thể nói trong lịch sử của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam từ trước tới nay chưa có một chức sắc cao cấp nào bị nhiều người người phê bình, phản đối, chế diễu, bêu rếu với lời lẽ nặng nề qua các câu vè, thơ phú, tranh biếm họa .... lên án gắt gao như Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Có người còn mượn gió bẻ măng, nhân cơ hội này đã mang luôn cả Giáo Hội Công Giáo đặt lên bàn mổ. Từ sự việc đó có thể rút ra một bài học nhớ đời cho nhiều người, trước tiên là cho chính con người đã gây ra cớ sự.

BÀI HỌC CỦA HỒNG Y PHẠM MINH MẪN

Trước tiên phải nói, có lẽ vì từ trước tới nay Hồng Y Phạm Minh Mẫn được các Giáo sĩ và Giáo dân Hải Ngoại tranh nhau đón rước và dâng cúng tiền bạc một cách hậu hĩnh trong các chuyến đi “Mục Vụ Di Dân” đã khiến cho Ngài lầm tưởng là Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam Hải Ngoại là một đàn chiên ngoan dễ sai dễ bảo và sẵn sàng cúi đầu vâng nghe theo lập trường chính trị của cá nhân Ngài. Sự kiện này đã được ông Mặc Giao, một cây bút Công Giáo nhận xét trong bài tựa đề TỨ MÃ NAN TRUY của ông được phổ biến gần đây; “Điều này cũng cho thấy các vị có thẩm quyền của Giáo Hội tại quê nhà từ lâu có thói quen coi thường giáo dân. Giáo dân trong nước ít phản ứng vì không dám. Giáo dân Hải Ngoại có nhiều phản ứng hơn nhưng bị coi là hành động của một thiểu số cứng đầu, thích “phản chứng” (contestataire), còn lại đều là một đàn cừu ngoan ngoãn để xoa đầu cạo lông, hay một đàn bò béo để vắt sữa. Các vị cứ làm như giáo dân Hải Ngoại không có cái mồm để nói, không có cái đầu để suy nghĩ.”

Về điểm này, Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Sydney và Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu đã có câu trả lời cho Hồng Y Phạm Minh Mẫn một cách rất hùng hồn trong Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Sydney vừa qua.

Đề tài Cờ Vàng, Cờ Đỏ không thuộc về bổn phận của một chức sắc tôn giáo phải nêu lên. Nếu Hồng Y Phạm Minh Mẫn tôn vinh lá cờ đỏ, nếu nhờ lá cờ máu mà Ngài được thăng quan tiến chức để có vị trí như hiện nay thì việc “ăn cây nào phải rào cây đó” là chuyện đương nhiên. Dù vậy, khi Ngài dùng cách nói ví von về người mẹ Việt Nam lúc mặc áo vàng lúc mặc áo đỏ ... để có ý rao bán món hàng “cờ đỏ” với Cộng Đồng Việt Nam Tị Nạn Cộng sản tại Hải Ngoại là một ước tính sai lầm. Làm như thế chẳng khác nào một nhà buôn mở cửa hàng bán thịt lợn giữa thủ đô của nước Á- rập Saudi!

Một điểm khác, tôi nghĩ là qua sự việc này cũng giúp Hồng Y Phạm Minh Mẫn bài học về cách xử dụng ngôn từ trong các văn thư. Ba chữ “một thói đời” trong ngôn ngữ Việt Nam có nghĩa rất xấu, chỉ dùng để bày tỏ sự khinh dể hoặc khi muốn sỉ nhục kẻ khác. Nếu vì chưa hiểu được ý nghĩa của ba chữ đó mà Ngài đã dùng “một thói đời” với những người tôn vinh lá Cờ Vàng, thì lúc này, qua cơn thịnh nộ của họ, chắc Ngài đã hiểu. Ngược lại nếu Hồng Y Phạm Minh Mẫn hiểu được ý nghĩa mà đã cố tình dùng cách nói “một thói đời” để nhục mạ Cộng Đồng Người Việt Hải Ngoại thì từ nay làm sao Ngài có thể rao giảng đức bác ái được? Với lối xử dụng ngôn từ như thế, chẳng những Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã tự hạ giá trị bản thân và tước vị Hồng Y mà Ngài được tặng phong mà còn mắc món nợ ân tình với những người đã từng đón tiếp và đóng góp tài chánh cho Ngài. Với lối xử dụng ngôn từ như thế Ngài đã gây đau buồn và tủi nhục cho người Công Giáo, chưa kể tới Hồng Y Phạm Minh Mẫn còn mắc món nợ danh dự đối với Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại.

Có lẽ điểm sau cùng và quan trọng nhất là qua biến cố nói trên Hồng Y Phạm Minh Mẫn biết là tên tuổi của Ngài đã chết đối với Cộng đồng người Việt Hải Ngoại. Con đường “Mục Vụ Di Dân” thực sự đã tắt nghẽn vì những chiếc cầu đã bị sập toàn bộ bởi quả bom có sức công phá khốc liệt mà tự tay Ngài đã châm ngòi cách nay vừa đúng hai tháng. Bằng chứng là Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã không dám xuất hiện tại các nơi đã được thông báo trong chương trình như Portland, Seattle, San Jose, Sydney. Cách đây vài ngày Ban Tổ Chức Đại Hội Thánh Mẫu thường niên của Dòng Đồng Công ra thông báo cho biết Hồng Y Phạm Minh Mẫn sẽ không tham dự.

Tôi mong là Hồng Y Phạm Minh Mẫn nên tiếp tục hủy bỏ chuyến đi Lourdes, vì trong Lá Thư Mục Tử ngày 15 tháng 7 vừa qua, Ngài nói là được mời đi Lourdes nhưng viết thêm một câu thòng “nếu sức khỏe cho phép” thì Ngài sẽ đi! Trong hoàn cảnh hiện nay, tôi thiết nghĩ sức khỏe của Ngài “không cho phép” ngoại trừ có “sức ép từ một thế lực” nào đó mà Ngài vẫn cần phải tham dự!

TÂM TÌNH THAY LỜI KẾT

Câu chuyện về Hồng Y Phạm Minh Mẫn là một câu chuyện buồn. Nỗi buồn này không phải cho riêng cá nhân Hồng Y Phạm Minh Mẫn mà còn cho Cộng Đồng Công Giáo Hải Ngoại đã từng quý mến và ân cần tiếp đón Ngài. Nỗi buồn cho những người tôn vinh lá Cờ Vàng là biểu tượng thiêng liêng của hai chữ Tự Do. Đây là nỗi buồn cho những người Công Giáo Việt Nam nói chung, nhưng quan trọng và xâu xa hơn nữa là qua sự kiện này gợi lại nỗi buồn về số phận của Dân Tộc Việt Nam.

Dù vậy qua biến cố này có dấu hiệu chứng tỏ giáo dân Việt Nam đã trưởng thành, không còn giữ thái độ cúi đầu vâng dạ một cách thụ động nhưng đã mạnh dạn bày tỏ ý kiến và phê phán việc làm sai trái của Hồng Y Phạm Minh Mẫn cho dù Ngài là chức sắc cao cấp nhất của Giáo Hội. Người Công Giáo phải hiểu là Giáo Hội luôn được hướng dẫn bởi Thần Linh Thiên Chúa, nhưng Giáo Hội được điều hành bởi những con người. Người Công Giáo phải tin là giáo lý của Đức Kitô không bao giờ sai lầm, Thần Linh Thiên Chúa không bao giờ sai lầm, nhưng con người thì ai cũng có thể sai lầm được. Vì thế không có gì tai hại cho bằng đồng hóa các chức sắc lãnh đạo Giáo Hội với chính Giáo Hội.

Biến cố Hồng Y Phạm Minh Mẫn cũng nhắc nhớ Dân Tộc Việt Nam về chủ thuyết ngoại lai Cộng sản đã gây ra bao đau thương tang tóc cho Dân Tộc. Chủ thuyết đó đã và đang tìm cách hủy diệt nền tảng đạo lý và gây hận thù trong lòng Dân Tộc giữa hai thành phần đối kháng nhau. Cũng vì chủ thuyết đó mà một thành phần Dân Tộc đã phải trốn chạy bỏ nước ra đi.

Tuy hai biến cố của Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus và Hồng Y Phạm Minh Mẫn có điểm tương đồng, nhưng câu chuyện nước người đã kết thúc, vì chế độ Cộng sản Ba Lan không còn tồn tại và vị Tổng Giám Mục đã từ chức lui vào bóng tối. Ngược lại, chế độ Việt gian Cộng sản đang còn đó và chế độ quỷ quyệt này không bao giờ mệt mỏi trong ý định thò vòi ra hút máu Cộng Đồng Việt Nam Hải Ngoại. Chúng thực hiện âm mưu này bằng tất cả mọi thủ đoạn, kể cả lợi dụng các tôn giáo.

Lời cuối cùng tôi muốn chia sẻ là bao lâu chế độ Việt cộng còn tồn tại là bấy lâu Dân Tộc Việt Nam còn chia rẽ, còn hận thù và các Tôn giáo còn bị chúng lợi dụng trong âm mưu đen tối. Xét cho cùng, tất cả chúng ta đều là nạn nhân của những đầu óc tinh ma trong bộ máy cai trị của đảng Cộng sản Việt Nam. Qua biến cố này, Dân Tộc Việt Nam càng xác định rõ bổn phận phải làm hết mọi cách để tháo gỡ bộ máy quyền lực của chế độ Cộng sản Việt Nam, một chế độ phản dân hại nước đang cố bám vào huyền thoại giả trá Hồ Chí Minh để tồn tại hầu tiếp tục đè đầu cưỡi cổ Dân Tộc.

BÀI HỌC QUA VIỆC TỔNG GIÁM MỤC WARSAW TỪ CHỨC

Một bản tin được hầu hết các cơ quan truyền thông trên thế giới loan tải với tựa đề lớn:

“Giáo Hoàng Benêđicto XVI đã yêu cầu Tổng Giám Mục chỉ định của Warsaw từ chức vài phút trước khi cử hành lễ nhậm chức, sau khi Tổng Giám mục Stanislaw Wielgus xác nhận ông đã từng là một điềm chỉ viên cho mật vụ thời chế độ cộng sản Ba Lan”.

Ngoài phần tin tức và bình luận khá dài trên các báo, ngày 8-1-2007 các kênh truyền hình CNN và BBC còn chiếu nhiều hình ảnh liên quan tới sự kiện này. Hình ảnh vị Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus, 67 tuổi, mặc phẩm phục đại triều trong ngày lễ nhậm chức tại nhà thờ chánh tòa Warsaw, đang ngồi cúi gập đầu, nước mắt chảy dài và đôi môi mấp máy trong tư thế vô cùng khổ sở là hình ảnh làm tôi nhớ mãi.

Trong đoạn phim khác chiếu cảnh một viên chức Tòa Thánh mặc áo dòng đen, đang giơ cao bản “giao kèo” mà Tổng Giám Mục (TGM) Stanislaw Wielgus đã ký với mật vụ cộng sản Ba Lan nhận làm điềm chỉ viên ngay từ những năm 1960. Tờ giao kèo đó là bản “án tử hình” mà TGM Stanislaw Wielgus đã tự ký cho mình từ mấy chục năm trước và vừa mới được moi ra từ văn khố của chế độ này đã sụp đổ 17 năm qua. Trước cái bóng ma trong quá khứ hiện về như thế, TGM Wielgus không còn có thể tiếp tục biện minh cho quá khứ vô tội của mình như ông đã từng làm để phản bác những người chống đối việc ông được được Giáo Hoàng Bênêđictô XVI bổ nhiệm vào chức vụ cao trọng nhất của giáo hội Ba Lan. Ông phải từ chức!

ĐẦU ĐUÔI CÂU CHUYỆN

Các tài liệu của Ủy ban điều tra cho biết Stanislaw Wielgus đã được mật vụ cộng sản Ba Lan móc nối ngay từ khi còn là sinh viên ở Đại Học Lublin từ năm 1967 và có bí danh là “Agent Grey” hoặc “Adam Visocki” và có nhiệm vụ theo dõi những hoạt động “phản cách mạng” của các linh mục.

Theo tin của hãng REUTERS, sau khi chịu chức linh mục Wielgus đã có thời là Giáo sư triết học và là Giám đốc Đại học Công Giáo Lublin trước khi trở thành Giám mục tại Plock vào năm 1998. Dưới chế độ cộng sản ông được được hưởng đặc ân xuất ngoại và phải tiếp xúc với mật vụ trước và sau các chuyến đi.

Tờ báo có khuynh hướng bảo thủ Gazeta Polska, trích dẫn những tài liệu từ thời cộng sản Ba Lan, sau này đã được công khai hoá cho thấy Wielgus làm việc với mật vụ cộng sản Ba Lan trong hơn 20 năm kể từ thập niên 60 cho tới khi chế độ đó sụp đổ. Ủy ban điều tra của giáo hội trong vụ này đã cho biết “nhiều tài liệu đã xác nhận Wielgus tình nguyện... cộng tác” (many documents which confirm Wielgus’s willingness to...cooperate.)

Ý DÂN LÀ Ý TRỜI

Khi Đức Hồng Y Josef Glemp, Tổng Giám Mục Warsaw hưu trí, Giáo Hoàng Bênêđictô XVI đã bổ nhiệm TGM Stanislaw Wielgus thay thế vào chức vụ này. Ngay sau khi tin đó được công bố đã có sự phản kháng từ nhiều giới, nhưng Giáo Hoàng vẫn giữ lập trường. Cho đến trước lễ Giáng sinh 2006 vừa rồi, Giáo Hoàng còn tuyên bố là ngài đã biết rõ về quá khứ của người mà ngài đã chọn lựa vào chức vụ Tổng Giám Mục Warsaw. Tuy nhiên làn sóng những người phản đối càng lúc càng dâng cao và sau khi đại diện Toà Thánh có cuộc họp với chính phủ Ba Lan, và trước nguy cơ có sự phân hoá trầm trọng trong nội bộ Giáo Hội Ba Lan và nhất là sau khi những tài liệu mật do Ủy Ban điều tra công bố cho thấy TGM Wielgus đã từng là một điềm chỉ viên của mật vụ cộng sản Ba Lan nên Giáo Hoàng đã phải nhượng bộ và ra lệnh cho Tổng Giám Mục Wielgus từ chức chỉ vài phút trước nghi thức nhậm chức (investiture) trong thánh lễ Chúa Nhật 7 tháng Giêng tại nhà thờ Chánh Toà Warsaw, sau khi đã ở trong chức vụ chỉ định này được 2 ngày.

Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus đã đọc bản văn từ chức trong thánh lễ có đủ chức sắc cao cấp đạo đời tham dự, kể cả Tổng Thống Ba Lan Lech Kaczynsky và Hồng Y Stanislaw Dziwicsw, TGM Giáo phận Cracow, nơi Giáo Hoàng John Paul II phụ trách khi còn là Hồng Y Carol Vojtyla. Thánh lễ hôm đó được báo chí mô tả là “hỗn độn” vì bên ngoài có đám đông biểu tình la ó đòi TGM Stanislaw Wielgus phải từ chức trong khi đó bên trong nhà thờ một số người lớn tiếng van nài: “Xin cha ở lại với chúng con!”

Hãng REUTERS còn cho biết, hiện nay chính phủ Ba Lan đang có nỗ lực đoạn tuyệt với quá khứ cộng sản bằng cách cho mở các hồ sơ mật của chế độ cộng sản để thanh lọc hàng ngũ và nhất là đang xem xét lại vai trò của giáo hội Công Giáo trong thời kỳ đảng cộng sản cầm quyền. Linh mục Isakiewics-Zaleski thuộc nhóm đối lập với đảng cộng sản Ba Lan, sắp xuất bản cuốn sách mà người ta nghĩ là sẽ phanh phui danh tánh thành phần giáo sĩ làm tay sai cho chế độ cộng sản, mà mới đây một giới chức Toà Thánh cho biết có tới 15 % trong tổng số linh mục đã hợp tác với chế độ cộng sản. Mục tiêu hàng đầu của chính quyền bảo thủ hiện nay của Ba Lan là loại bỏ những gương mặt nổi trong chế độ cộng sản ra khỏi các vị trí quan trọng tại Ba Lan. Tổng Giám mục Stanislaw Wielgus đã rơi vào trường hợp này.

ĐIỀM CHỈ VIÊN LÀ GÌ?

Những ai đã từng sống với cộng sản, nhất là những tù nhân chính trị của chế độ cộng sản, đều có kinh nghiệm, và có khi là nạn nhân, của cách thức công an mật vụ cộng sản chiêu dụ người trong hàng ngũ đối phương vì một quyền lợi nào đó để trở thành “tai mắt” của chế độ trong công tác rình mò theo dõi và báo cáo hành vi những người chung quanh. Biện pháp “người mình kiểm soát người mình” được các mật vụ cộng sản khai thác tối đa trong cố gắng ngăn chặn và diệt trừ thành phần chống đối đảng. Một tài liệu của Chính phủ Đức vừa công bố sau khi khai quật hồ sơ mật thời chế độ cộng sản Đông Đức cho thấy tên tuổi của 91.000 công an mật vụ và 300.000 điềm chỉ viên – hay một điềm chỉ viên trên 50 người dân Đông Đức!

Đối với những thành phần mà người cộng sản biết là lúc nào cũng có tư tưởng chống đối chế độ như giáo hội Công Giáo thì hệ thống tổ chức “điềm chỉ viên” càng được coi trọng và được móc nối công phu hơn. Những điềm chỉ viên nào ít bị anh em chung quanh nghi ngờ nhất sẽ là điềm chỉ viên lý tưởng. Như vậy có một điềm chỉ viên trong hàng giáo sĩ như Stanislaw Wielgus để theo dõi và báo cáo hoạt động “phản cách mạng” của giáo hội Ba Lan thật là lý tưởng đối với mật vụ cộng sản Ba lan. Dĩ nhiên các điềm chỉ viên sẽ được phần thưởng, theo nguyên tắc có làm có hưởng, làm ít hưởng ít làm nhiều hưởng nhiều. Phần thưởng có nhiều hình thức khác nhau, trong trường hợp Stanislaw Wielgus, phần thưởng cho vai trò điềm chỉ viên là được cho phép đi nước ngoài! (Allowed to travel abroad).

ÂN HUỆ CỦA ĐẢNG

Ai cũng biết chế độ cộng sản kiểm soát dân rất chặt chẽ bằng chính sách hộ khẩu. Mặc dù tùy theo hoàn cảnh và thời gian mà sự kiểm soát này có thể gia giảm, nhưng nói chung sự di chuyển của người dân từ nơi này đến nơi khác, ngay cả trong nước, luôn luôn là một vấn đề đối với người dân. Hiểu như vậy sẽ thấy rằng “cho phép đi nước ngoài” quả là một ân huệ lớn lao của đảng cộng sản Ba Lan ban cho và Stanislaw Wielgus đã tự ký một “bản án tử hình” từ những năm xa xưa để được hưởng ân huệ đó.

Một điều đáng nói ở đây là khi nhận công tác làm điềm chỉ viên cho mật vụ Ba Lan, Stanislaw Wielgus đã không nghĩ rằng có ngày chế độ cộng sản quỉ quái đó sẽ sụp đổ và tờ giao kèo mà ông đã ký khi nhận làm tay sai cho bọn chúng sẽ có lúc bị phanh phui và được công bố trên toàn thế giới! Những giọt nước mắt của Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus chảy dài xuống má chỉ vài phút trước khi chính thức nhận chức vụ cao cả nhất của giáo hội Công Giáo Ba Lan: Tổng Giám Mục của Tổng Giáo Phận Warsaw, thủ đô nước Balan, có ý nghĩa rõ rệt trọng của nó. Rõ ràng đó là những giọt nước mắt của sự hối hận. Dù vậy không phải TGM Stanislaw Wielgus hối hận vì đã phản bội giáo hội Công Giáo Ba Lan, mà hối hận vì đã khờ khạo không nghĩ là có ngày chế độ cộng sản Ba Lan sẽ phải sụp đổ và nhất là hối hận vì đã dại dột lưu lại bằng chứng về hành vi phản bội của mình.

TRÔNG NGƯỜI LẠI NGẪM ĐẾN TA

Biến cố Stanislaw Wielgus đã khiến tôi suy nghĩ rất nhiều về hoàn cảnh của Giáo hội Công giáo Việt Nam dưới chế độ cộng sản. Khi thấy trên màn ảnh TV cảnh một viên chức Toà Thánh giơ cao “bản án tử hình” mà Wielgus đã tự ký để đổi lại ân huệ nhà cầm quyền cộng sản Ba Lan cho phép xuất ngoại tôi chợt giật mình liên tưởng tới hiện tượng “ra nước ngoài” khá tấp nập của một số giáo sĩ và tu sĩ Việt Nam trong nhiều năm qua. Phần đông là đi Mỹ.

Tôi không phản đối việc xuất ngoại này, vì mỗi người đều có lý do riêng để xuất ngoại và tôi luôn tôn trọng những lý do đó. Đối với các vị Hồng Y, Giám Mục tôi lại càng kính cẩn hơn vì các ngài là những chức sắc cao cấp của Giáo Hội, có thể các ngài có những sứ mệnh thiêng liêng cao cả cần phải ra nước ngoài mà tôi không thể biết được. Tuy nhiên có đôi lần tôi nghe biết có một số giáo sĩ xuất ngoại chỉ với mục đích vận động tài chánh, dĩ nhiên là với mục đích cao cả như xây nhà thờ và lo các việc từ thiện bác ái.

Đồng bào Công Giáo Viêt Nam hải ngoại rất rộng rãi khi được kêu gọi đóng góp tiền bạc giúp đỡ các nhu cầu về tôn giáo và xã hội trong nước. Có thể sự rộng rãi của đồng bào hải ngoại đó đã góp phần tạo nên “cơn cám dỗ” cho các giáo sĩ xây sửa nhà thờ và các nhà hoạt động xã hội lo mở mang cơ sở, làm cho phong trào ra nước ngoài càng lúc càng sôi nổi hơn chăng? Xin đừng quên rằng “cho phép đi nước ngoài” là một ân huệ của đảng cộng sản ban cho và tôi không tin là đảng ban phát ân huệ đó vô điều kiện.

Riêng những vị ra nước ngoài với mục đích vận động tài chánh, khi mang về nước chắc sẽ được giải quyết theo phương thức “cả ba ta cùng có lợi”. Người hải ngoại cho tiền sẽ được hưởng phước đời sau; các chức sắc có công xuất ngoại vận động xin tiền, sẽ có phương tiện xây nhà thờ, lo việc từ thiện, bác ái; những cán bộ cộng sản ký giấy cho phép các ngài xuất ngoại, ngồi nhà chờ sẳn để nhận “chút ít” hầu có cái sinh sống mà quyết tâm phục vụ và lo cũng cố cho... Đảng. Vì còn đảng là còn tiền!

MỘT BÀI HỌC ĐÁNG GHI NHỚ

Sự kiện Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus của Ba Lan bị buộc phải từ chức sau khi chứng tích đã cộng tác với mật vụ cộng sản trong quá khứ được phơi trần, là một bài học quý báu cho những giáo sĩ đang sống dưới các chế độ cộng sản, nhất là những chức sắc đang được hưởng ân huệ của đảng ban cho.

Tôi không biết các giáo sĩ Việt Nam được đảng cộng sản ban ân huệ cho ra nước ngoài có phải ký một thứ giấy tờ gì như TGM Wielgus không? Nếu không, xin các ngài hãy dâng lễ tạ ơn Chúa, vì như thế là bọn mật vụ cộng sản Việt Nam quá u mê khờ khạo, thua xa đám mật vụ cộng sản Ba Lan trong phạm vi này. Ngược lại, nếu các ngài đã phải ký “bản án tử hình” rồi, xin nhớ là khi chế độ cộng sản Việt Nam sụp đổ, phải nhanh chân vào văn khố của đảng tìm và hủy diệt ngay bằng chứng. Trong trường hợp không thể thủ tiêu được “bản án tử hình” thì phải rút lui vào bóng tối, đừng bao giờ xuất đầu lộ diện để nhận một chức vụ gì, kẻo phải trượt chân té ngã khi đang bước lên đài danh vọng như Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus trong ngày Chúa Nhật 7 tháng Giêng 2007 vừa qua.

Thiết nghĩ chúng ta cần phải có tầm nhìn xa hơn TGM Stanislaw Wielgus để hiểu rằng chế độ Việt cộng rồi có ngày sẽ sụp đổ và chừng đó tên tuổi của những chức sắc tôn giáo đã hợp tác và làm tay sai cho chế độ phản dân hại nước đó sẽ bị phơi bày ra ánh sáng. Chừng đó các chức sắc tôn giáo này sẽ phải đối diện với giáo dân và chịu sự “phán xét” của công luận. Trường hợp TGM Stanislaw Wielgus của Ba Lan là một thí dụ điển hình.

Một thời gian sau sẽ chẳng còn ai nhớ tới Tổng Giám Mục Stanislaw Wielgus, nhưng bài học rút ra từ câu “Mưu sự tại nhân, Thành sự tại thiên” hoặc “Ý Dân là Ý Trời” qua việc vị Tổng Giám Mục này “chuẩn bị lễ cưới, cử hành lễ tang” tại nhà thờ chánh toà Warsaw trong ngày Chúa Nhật 7 tháng Giêng 2007 sẽ còn được dư luận khắp thế giới nhắc tới như một bài học. Theo tôi nghĩ đây là một bài học vô cùng quý báu cho những giáo sĩ đang sống trong mấy chế độ Cộng sản còn sót lại trên thế giới, trong đó có Việt Nam .

Linh mục Nguyễn Hữu Lễ
Tuyên Úy Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam tại Auckland. New Zealand

No comments:

Post a Comment