Ngô Nhân Dụng
Tại sao 600 tờ báo cùng các đài ti vi, radio ở Việt Nam không nơi nào loan tin chính phủ Nhật Bản đang giúp nước ta bằng việc chống tham nhũng?
Cựu chủ tịch công ty PCI và ba người Nhật khác bị truy tố đã hối lộ các quan chức người Việt quản lý dự án Ðại Lộ Ðông Tây ở Sài Gòn. Nhân viên của công ty PCI, trúng thầu sử dụng tiền viện trợ Nhật Bản làm con đường này, đã đem 820 ngàn đô la Mỹ (90 triệu đồng Yen) hối lộ các quan chức Việt trong những năm 2003 và 2006. Trong vụ PMU ở ngoài Bắc, cũng là tiền viện trợ Nhật Bản cho Bộ Giao Thông Vận Tải! Ðúng là một đường lối nhất trí, trước sau như một! Nếu số tiền này được dùng mua xi măng, mua cát, vân vân, thì chắc cái xa lộ Ðông Tây ở Sài Gòn đã dài thêm được mấy chục mét, đồng thời hàng ngàn công nhân Việt Nam đã được lãnh lương đem về đóng học phí cho các con! (Số tiền đó lớn gấp đôi số tiền viện trợ làm cái sân đá banh bằng cỏ nhân tạo mới khai trương ở Hà Nội, và được cả thế giới biết đến vì cảnh ông quan đánh nhà báo).
Nhật báo Yomiuri cho biết Nhật Bản là quốc gia viện trợ cho Việt Nam nhiều nhất. Nếu nhờ vụ truy tố này mà từ nay trở đi các công ty Nhật Bản tới nước ta bớt đút lót, bớt hối lộ thì chắc đường sá ở Việt Nam sẽ rộng hơn và các cây cầu cũng vững chắc hơn! Cho nên đây là một tin vui, vui vì chính phủ Nhật Bản cũng giúp dân Việt Nam bài trừ tham nhũng! Tin này được các báo, các đài ở Tokyo tường thuật và nhật báo Người Việt cũng loan tải đầy đủ ngày hôm qua. Nhưng báo chí trong nước đều im lặng, thế mới lạ!
Báo chí Việt Nam không cho bà con biết người nhận hối lộ hơn 800 ngàn Mỹ kim có phải tên là Huỳnh Ngọc Sỹ như bên Tokyo họ viết hay không. Không ai phỏng vấn ông để biết ông cầm tiền về rồi trao cho những ai, họ chia chác như thế nào. Trong thời gian năm 2002 đến 2006 đó những ông nào giữ chức vụ nào ở thành phố? Các ông nào trong số đó đang ngồi trong Bộ Chính Trị và Trung Ương Ðảng? Bao nhiêu điều dân Việt Nam muốn biết nhưng không được biết!
Và chắc chắn không nhà báo Việt Nam nào dám bàn luận về bản tin đó, ngoài một ký giả của nhật báo Người Việt. Ký giả Gia Ðịnh đã nhân bản tin này mà thuật lại những vụ tham nhũng khác như vụ liên quan đến Siemens, một công ty Ðức bị truy tố ở Munich về tôi hối lộ ở Việt Nam. Anh cũng giải thích những lý do tại sao chính quyền cộng sản Việt Nam không muốn tham gia các định chế quốc tế chống tham nhũng! Vì trừ tham nhũng thật thì lộ hết!
Nhưng nhật báo Yomiuri bên Nhật Bản khi loan tin này đã nêu lên một vấn đề lớn trong mục xã luận: Vấn đề danh dự quốc gia. Xin nói ngay để bà con mình khỏi thắc mắc, báo Yomiuri không bàn gì về danh dự quốc gia của người Việt Nam. Họ chỉ bàn về danh dự của họ, là dân Nhật Bản mà thôi. Ðèn nhà ai nhà ấy rạng. Danh dự nước Việt Nam chắc phải để người Việt lo với nhau!
Mục Xã Luận Nhật báo Yomiuri, trong số báo ngày 5 tháng 8, 2008, đã viết: “Không thể tha thứ được khi các công ty (Nhật Bản) coi chuyện hối lộ ở những nước đang phát triển chỉ là một cách làm kinh doanh bình thường! Vụ truy tố tội hối lộ đầu tiên này liên can tới chương trình viện trợ phát triển chính thức (ODA) phải coi là tín hiệu mạnh mẽ cho các công ty Nhật Bản biết để thay đổi cách nhìn của họ.”
Xin nói thêm là đạo luật Ngăn Cấm Cạnh Tranh Bất Chính mới được quốc hội Nhật tu chính vào năm 1998, sau khi họ ký vào công ước bài trừ tham nhũng của các nước OECD (Tổ Chức Hợp Tác Và Phát Triển Kinh Tế). Các nước ký vào công ước này đều phải thay đổi luật lệ trong nước mình để thi hành đúng những điều khoản trong công ước. Nhà báo Gia Ðịnh hôm qua viết rằng Việt Nam đã ký vào công ước đó nhưng không bao giờ chính thức hóa cả. Từ khi Nhật Bản ký tới nay, vụ hối lộ ở Việt Nam là vụ truy tố đầu tiên nhân danh đạo luật mới này. Nhật báo Yomiuri đã nhắc các độc giả của họ là nước Việt Nam ta được đóng vai mở hàng - còn gọi là tiên phong - trước các nước khác, trong việc thi hành luật lệ mới. Công ty PCI đã trúng thầu ở 16 nước được Nhật viện trợ trực tiếp ODA, và công ty này đã trình những bản kế toán “không bình thường” về công việc làm ở các nước này, trong đó có Việt Nam. Tổng số tiền không minh bạch trong sổ sách của PCI lên tới 140 triệu Yen, trải ra 16 nước thì cũng không nước nào địch nổi Việt Nam, với 90 triệu “chi bất thường” chỉ trong một dự án ở Sài Gòn!
Tờ báo Yomiuri, có 10 triệu ấn bản mỗi ngày, cũng làm nhiệm vụ nhắc nhở các độc giả của họ rằng “Nhật Bản là quốc gia viện trợ nhiều nhất cho Việt Nam, năm ngoái đã tặng 100 tỷ Yen, tức là gần một tỷ đô la.” Rồi họ viết ngay để nhắc nhở, “Ðây là tiền do dân chúng (Nhật Bản) đóng thuế!” Họ muốn nói, số tiền 800 ngàn đô la đem hối lộ đó là mồ hôi nước mắt của dân Nhật chứ không phải là tiền các quan đã xin được của đền Bà Chúa Kho!
Nhật báo Yomiuri lên tiếng than phiền chính phủ Nhật không ráo riết trong việc bài trừ tham nhũng. Họ nêu thí dụ năm 2002, công ty Mitsui đã bị điều tra về vụ hối lộ các quan chức Mông Cổ 1.3 triệu Yên trong vụ thực hiện một viện trợ ODA khác. Năm đó, công tố viện đã chuẩn bị truy tố đại công ty này, nhưng sau lại bỏ. Tờ Yomiuri không nói lý do, chỉ có thể đoán là công ty Mitsui đã xin nộp phạt để khỏi bị ra tòa. Nhưng theo báo Yomiuri, tha cho một công ty đi hối lộ như vậy là làm cho cả nước mang tiếng, vì tổ chức OECD đã phải nhiều lần nhắc nhở chính phủ Nhật hãy tích cực hơn trong việc thi hành công ước bài trừ tham nhũng! Bài trừ gì mà từ năm 1998 đến nay, đã 10 năm mới truy tố có một vụ hối lộ các quan lại Việt Nam! Ðể so sánh cho người Nhật thấy chính phủ của họ không nỗ lực đủ để làm bảo vệ uy tín quốc gia, Nhật báo Yomiuri nêu lên trường hợp nước Mỹ - mà dân Nhật thì vẫn muốn họ phải hơn dân Mỹ. Tờ báo viết, “Hãy so sánh để thấy, kể từ khi công ước được thi hành, nước Mỹ đã truy tố khoảng 100 công ty về tội hối lộ các quan chức ngoại quốc.” Thế mới biết dân Nhật Bản họ lo bảo vệ danh dự quốc gia như thế nào, ngay cả trong chuyện bài trừ tham nhũng ở ngoại quốc họ cũng không muốn thua kém ai!
Về vụ hối lộ ở Việt Nam, nhật báo Yomiuri thú nhận, “Không thể nào trừ hết tệ đoan các công ty đi đút lót khi các quan chức chính quyền xứ họ đòi ăn hối lộ, như trong vụ PCI này, trừ khi những người ăn hối lộ bị chính quốc gia họ trừng phạt.” Ðây có thể là một lời biện minh mà công ty PCI sẽ nêu lên khi bị ra tòa. Họ có thể mời quý ông Nguyễn Việt Tiến, Huỳnh Ngọc Sỹ, vân vân, sang Nhật làm chứng, cho thấy là quý ông lúc nào cũng được bình an, thanh thản, chả thấy có tội nào hết! Tuy nhiên, tờ báo này vẫn chỉ lo đến danh dự quốc gia của người Nhật, cho nên họ lại nhắc các công ty Nhật, “Các công ty nên nhớ rằng nếu họ chấp nhận đem tiền đút lót theo đòi hỏi của các quan chức tham nhũng, hành động đó sẽ khiến cho cộng đồng quốc tế mất lòng tin vào nước Nhật chúng ta!”
Người Nhật có vẻ rất lo ngại làm mất lòng tin. Khi một người không được ai tin thì coi như danh dự và phẩm giá không còn nữa. Khi một nước bị mất lòng tin của thế giới cũng vậy, không còn ai kính trọng nữa. Người Nhật nghĩ như thế mà chắc người Việt mình cũng nghĩ như thế. Cho nên, chúng tôi muốn gửi các bạn đồng nghiệp trong nhật báo Yomiuri lời xin lỗi của một người Việt Nam. Người Việt chúng tôi rất ân hận đã có những quan chức đòi hối lộ khiến cho các công ty Nhật phải lấy tiền đóng thuế của người dân quý quốc đem đút lót, một hành động mà chính đạo đức nước tôi lên án cũng như luật pháp nước Việt Nam ngăn cấm. Chúng tôi xin cúi đầu xin lỗi với tất cả mọi người Nhật Bản.
Trở lại nước mình, chúng ta lại càng ngạc nhiên khi thấy trong hai ngày qua báo chí trong nước không ai nhắc tới mối nhục chung này. Chúng tôi không trách các bạn đồng nghiệp, nhất là quý bạn ở Sài Gòn, nơi diễn ra vụ tham nhũng này. Vì chúng tôi biết quý vị đều nằm trong vòng kiểm soát gắt gao. Và các nhà báo cũng còn nhớ cảnh một ông thuộc liên đoàn bóng đá tát tai một ký giả, mới xảy ra tuần trước. Nhật báo Người Việt hôm qua cũng đăng tin này. Vụ hành hung diễn ra giữa công chúng, trước mặt các khách ngoại quốc! Nhưng đáng thương nhất là các trẻ em phải chứng kiến cảnh tượng đó, chúng sẽ học được gì ở người lớn trong cái “Trung Tâm Ðào Tạo Trẻ Quốc Gia” này? Nhưng các nhà báo đã học lại được một điều, là trong xã hội Việt Nam các quan khinh rẻ dân, đặc biệt là người ta khinh rẻ nhà báo.
Ở Nhật Bản, một tờ nhật báo như Yomiuri lâu lâu lại đánh thức lương tâm của cả dân tộc họ. Cho nên mới có bài xã luận tựa đề là “Hối lộ quan chức ngoại quốc là làm mất danh dự quốc gia.” Ở Việt Nam dù không ai được viết, nhưng tất cả mọi người đều nghĩ rằng dân tộc mình cũng biết phải giữ danh dự của quốc gia không khác gì dân Nhật Bản! Nhưng người ta chỉ có thể bảo nhau giữ danh dự quốc gia nếu được tự do!.
Ngô Nhân Dụng
No comments:
Post a Comment