Wednesday, July 16, 2008

Nhân phiên họp lần 7 khóa 10 đảng csVN

Nguyễn Tấn Dũng Sẽ Bị Thay Thế (?)

Lê Hồng Anh

Đảng CSVN đang họp Ban Chấp Hành Trung Ương (BCHTƯ) khoá 10 lần thứ 7, phiên họp bắt đầu từ ngày 9 và sẽ kết thúc trong ngày 17/7. Báo chí quốc tế, đặc biệt là báo chí Việt Nam hải ngoại, trước đó đã nêu lên nhiều đồn đãi sẽ có thay đổi nhân sự qua phiên họp. Phần lớn đều cho rằng nhân cơ hội suy sụp kinh tế Việt Nam trong thời gian gần đây, thành phần bảo thủ trong đảng sẽ viện cớ để lật đổ Nguyễn Tấn Dũng là người thuộc phe cải cách.

Những người thuộc khuynh hướng bảo thủ có thể sẽ lên thay thế Nguyễn Tấn Dũng là Lê Hồng Anh, nhân vật số 2 trong Bộ Chính Trị, hay một trong ba phó thủ tướng: Trương Vĩnh Trọng, Phạm Gia Khiêm, Nguyễn Sinh Hùng. Họ là những người đã bị ông Dũng tước bỏ bớt quyền hành bằng cách chỉ định thêm hai phó thủ tướng là Nguyễn Thiện Nhân và Hoàng Trung Hải.

Từ lâu, sự phân tích tình hình chính trị ở Việt Nam và Trung Cộng của các bình luận gia Tây Phương phần lớn đều trong mẫu mực cho rằng trong nội bộ luôn luôn có hai khối canh tân và bảo thủ tranh giành nhau. Đặc biệt đối với đảng CSVN còn phân ra 2 khối Thân Tàu và Thân Mỹ! Họ cho rằng hiện ông Nông Đức Mạnh là người cầm đầu phe bảo thủ thân Tàu, ông Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng là những người cầm đầu phe cải cách thân Mỹ. Trong ngày 19 tháng 6, một chuyên viên nghiên cứu Việt Nam là Giáo sư Carlyle Thayer của Trường Đại Học New South Wales, Viện Quốc Phòng Úc ở Canberra cũng đã viết một bài báo trên tờ Wall Street Journal nói rằng ông Mạnh cầm đầu phe bảo thủ đang thắng thế, nếu những dân biểu trong quốc hội Việt Nam không cứng rắn đối với phe bảo thủ thì mọi sự cải cách ở Việt Nam bao lâu nay sẽ bị hạn chế tất cảû! (For Vietnam to succeed in its present course, it is vital for National Assembly deputies, not back room party conservatives, to assert their authority to review government policy and the stewardship of the prime minister. If they don't, Vietnam's recent successes could soon be curtailed.).

Những bài bình luận mới nhất, sau khi thấy phiên họp BCHTƯ của đảng CSVN chỉ tập trung bàn luận về những vấn đề kinh tế, một số bình luận gia cũng đã vội vã nói rằng nhờ chuyến đi Hoa Kỳ của ông Dũng rất thành công nên vấn đề thay đổi ông Dũng sẽ không còn đặt ra trong phiên họp BCHTƯ/CSVN khoá 10, lần 7!

Bất cứ đoàn thể, tổ chức chính trị nào cũng có sự tranh giành ảnh hưởng và thế lực nội bộ. Một số đảng Quốc Gia và đoàn thể Quốc Gia ở hải ngoại trong nhiều năm qua cũng đã cho thấy rõ với những chức vụ chỉ có “tiếng”, có thể chỉ đem lại một chút ít danh dự tương đối nào đó trong Cộng Đồng bằng cơm nhà áo vợ, nhưng cũng đã có tình trạng tranh giành nhau chí choé. Cũng có những ông Chủ tịch đảng đi không vững, nói không ra hơi vẫn cố bám “chức” cho tới chết làm cho đảng hay đoàn thể mà ông ta làm Chủ tịch ngày càng tê liệt, cũng chết theo ông ta, thì việc cạnh tranh chức vụ trong một đảng đang cầm quyền, mang đến nhiều quyền lợi vô cùng “cụ thể” cho bản thân, gia đình, dòng họ cũng là những việc dĩ nhiên.

Tuy nhiên, sự phân biệt canh tân và bảo thủ, thân Tàu và thân Mỹ trong hàng ngũ giới lãnh đạo CSVN là những sự sai lầm rất lớn, có thể tạo cảm tưởng tốt, hy vọng tốt cho một số nhân vật nào đó nhưng hoàn toàn sai lạc. Có thể từ trên quan niệm ủng hộ “người thân Mỹ” sẽ có lợi có quốc gia, một ngày nào đó khối người Việt hải ngoại sẽ hai tay “ủng hộ” thủ tướng CSVN. Từ ông Kiệt, ông Khải, tới ông Dũng.. ông nào cũng coi được coi là phe cải cách, thân Mỹ cả! Ảo tưởng này có thể ảnh hưởng nhiều tới tinh thần đấu tranh, công cuộc đấu tranh, và chứng tỏ người “đấu tranh” không biết gì về tổ chức đảng Cộng Sản.

Có thể những bình luận gia Tây Phương có dụng ý rất sâu sắc nào đó, bởi vì những hợp đồng làm ăn mua bán đầu tư của các nước đều phải ký kết với chính phủ CSVN, hay các cơ quan chính phủ chứ không phải với đảng CS. Mọi sự biện hộ, cho rằng những người cầm đầu chính phủ CSVN đều là những người canh tân đổi mới, đi ngược với thành phần bảo thủ lãnh đạo đảng CS cũng có thể là một hình thức biện hộ chính đáng cho sự đầu tư, làm ăn buôn bán của họ. Một ngày nào đó, họ có thể nói rằng: hỡi những người chống Cộng Việt Nam hãy ủng hộ chính phủ Việt Nam ở Hà Nội vì họ là những người canh tân, thân Tây Phương có lợi cho Việt Nam.

Không có điều gì để có thể kết luận một người từng tham gia hoạt động CS từ lúc mới 13 tuổi, đã giữ nhiều chức vụ bí thư, chính ủy, đặc trách ngành công an, thứ trưởng bộ nội vụ là một người canh tân, thân Mỹ. Một điều, mà các nhà phân tích cũng đã quên là cách nay vừa đúng 11 năm, hàng ngàn người dân 52 làng tỉnh Thái Bình, từng là cái nôi của đảng CS, của những người “chiến sĩ CS” như Tạ Quốc Luật, người bắt tướng de Castries, dựng cờ ở Điện Biên Phủ; Bùi Quang Thận là người đầu tiên đưa xe tăng vào Dinh Độc Lập; Phạm Tuân là người CSVN đầu tiên lên không gian, nhưng cũng là quê hương của những nhà đấu tranh chống Cộng tên tuổi như Hoà Thượng Thích Quảng Độ, Dương Thu Hương, Nguyễn Hữu Đang ... đứng lên biểu tình chống nghèo đói, tham ô. Cầm đầu cuộc biểu tình là những cựu đảng viên, quân nhân từng tham gia 2 cuộc chiến, điều này đã làm đảng CS bối rối. Lúc bấy giờ Nguyễn Tấn Dũng không còn làm thứ trưởng bộ nội vụ, chỉ đảm nhận chức chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Ban chấp hành Trung Ương đảng CSVN, nhưng Dũng là người đã tỏ ra cứng rắn, tuyên bố nhiều câu sắt máu nhất, chống lại chủ trương vuốt ve người biểu tình của Phạm Thế Duyệt vốn là người gốc Thái Bình. Dũng đã vận động phải đàn áp mạnh cuộc đứng dậy. Chính thái độ của Dũng trước cuộc biểu tình này đã đưa Dũng lên chức Phó Thủ tướng sau đó. Quá trình quân đội, công an của Dũng không có điều nào để nói Dũng là người Canh Tân. Nhìn qua quá trình của ông Mạnh, ngoài chức tổng bí thư hiện nay, trước sau ông ta chỉ là một chuyên viên lâm nghiệp, không có điều nào để kết luận ông ta là bảo thủ. Tuy nhiên, điều mà ta có thể kết luận chính xác: cả hai đều là những người lãnh đạo CSVN, một đảng đã và đang làm cho dân tộc chúng ta chưa một ngày được biết thế nào là tự do dân chủ.

Theo tổ chức của đảng CS, mọi quyết định căn bản, sắp xếp nhân sự đều do BCHTƯ, cầm đầu là Bộ Chính Trị quyết định. Quốc Hội CS chỉ là bù nhìn giơ tay theo lệnh của đảng, của Bộ Chính Trị chứ không phải giống như quốc hội của các nước tự do theo chế độ Đại Nghị. Bài báo ngày 19/6 của Giáo sư Carlyle Thayer hình như ông ta đã lầm lẫn giữa quốc hội CSVN với quốc hội Úc!.

Chuyến thăm viếng của một nguyên thủ nào đến một nước khác, mọi hợp đồng, hiệp ước đều đã được nhân viên ngoại giao hai bên làm việc đâu vào đó. Họ chỉ là người đặt bút ký, hay chứng kiến các công ty ký kết, chương trình đã được ấn định sẵn từ lâu, có thể nhiều tháng trước, cả năm trước, chứ không phải ông Dũng tới Mỹ mới trổ tài ngoại giao thuyết phục để đem về những kết quả mong muốn. Việc cho rằng nhờ thành công chuyến đi Mỹ, ông Dũng mới không bị hạ bệ .. chỉ là những lời “trời ơi thiên hạ” Chuyến đi Mỹ của ông Dũng đúng ra là một sự thất bại, trước sự phản đối của khối cộng đồng Việt Nam chống Cộng ở Hoa Kỳ, nhiều giới chức Hoa Kỳ đã phải hủy bỏ những cuộc tiếp xúc đã được ông Dũng và phái đoàn của ông ta hy vọng từ trước. Ông Dũng tới Houston ký hợp đồng với thương gia trong thành phố, nhưng chính quyền Houston không tiếp rước, chiêu đãi là một sự thất bại chua cay.

Hệ thống tổ chức đảng CSVN khác chút ít với đảng CS Tàu. Ở Tàu, tổng bí thư đảng kiêm luôn chức chủ tịch nhà nước nên Hồ Cẩm Đào có danh nghiã chính đáng là nguyên thủ lãnh đạo nước Tàu, ông ta có thể đến các quốc gia khác trên tư cách Chủ tịch nước, chính danh tham dự các cuộc hội nghị thượng đỉnh. Ở Việt Nam, tổng bí thư không kiêm chức chủ tịch nước, cho nên ông Nông Đức Mạnh chỉ có thể đi tới những nước có đảng Cộng Sản còn đang cầm quyền như nước Tàu, Cuba và một số nước độc tài, không bị trở ngại mới tiếp đón ông ta với tư cách một người lãnh đạo VN, còn đối với hầu hết các nước trên thế giới, ông Mạnh không phải là người có tư cách đại diện cho một nước. Sự đi lại của bí thư đảng CSVN trên thế giới bị giới hạn, nhưng theo quyền lực của đảng CSVN, tổng bí thư đảng mới là người thực sự chỉ đạo chính sách ngoại giao và mọi chính sách căn bản trong nước. Không thể có việc ông Nông Đức Mạnh theo Tàu, nhưng ông Dũng chống Tàu, theo Mỹ! Cá nhân ông Mạnh, ông Triết, ông Dũng bị chi phối bởi một tập thể là Bộ Chính Trị, chóp bu của BCHTƯ. Mọi chính sách căn bản đối ngoại và đối nội trong nước đều do những bộ phận nằm ngoài khuôn khổ guồng máy nhà nước là các Ủy Ban Trung Ương Đảng nghiên cứu đề xướng, được Bộ Chính Trị thông qua. Thủ tướng và chính phủ CSVN chỉ là những người thừa hành, điều khiển cơ sở hành chánh, các cơ quan trong nước triển khai, áp dụng, thi hành những “nghị quyết”, đường hướng của Đại Hội Đảng, BCHTƯ và trên hết là Bộ Chính Trị đưa ra, không thể đi ra ngoài khuôn khổ đó.

Chính sách của đảng CSVN đã liên tiếp lập lại trong các đại hội đảng, đó là tiếp tục “ đẩy mạnh đổi mới, hội nhập quốc tế, tạo bước ngoặc trong kinh tế đối ngoại” cho nên việc mở rộng liên hệ đối ngoại, kêu gọi đầu tư, đặc biệt là cải thiện liên hệ với siêu cường kinh tế Hoa Kỳ, hay với các nước Tây Phương không thể coi là nằm ngoài chủ trương của đảng, coi việc ông Dũng đi Mỹ là đang thách thức và đối chọi với việc ông Mạnh mới đi Tàu.

Đối với CS Tàu, là nước mặc dù vẫn còn nhiều tranh chấp trên biển Đông, đảng CSVN đã liên tiếp xác định liên hệ hai nước CS anh em vẫn là môi hở răng lạnh, được chỉ đạo bằng 16 chữ : “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai”! CSVN là đảng đang dưạ theo Chính sách của Trung Cộng, chính sách từ thời Mười-Anh-Kiệt tới nay chỉ là rập khuôn theo Bắc Kinh với vài chút thay đổi trong ngôn ngữ, danh xưng. Những nhà đầu tư ở Việt Nam, dân chúng Việt Nam không ai muốn chế độ CS tồn tại, thì cũng không ai muốn Việt Nam thân Tàu, lệ thuộc Tàu, nhưng đối với đảng CSVN lại hoàn toàn khác, họ vẫn luôn lo sợ “diễn biến hoà bình”; đòi hỏi nhân quyền, tư tưởng dân chủ và tự do Tây Phương luôn luôn là đe doạ đối với chế độ độc đảng; đảng CS Tàu là chỗ dưạ chắc chắn nhất đối với đảng CSVN nên những hy vọng người CSVN vì lẽ này, hay lẽ khác, như bị Trung Cộng áp bức, CSVN sẽ đi với Mỹ, nhờ Mỹ giúp để chống Trung Cộng chắc chắn chỉ là những ảo tưởng!

Cổ võ hô hào cho chủ trương chống Tàu, thân Mỹ của một số tổ chức đấu tranh hải ngoại có thể cũng rất cần để chúng ta phải cân nhắc lại, tự hỏi đây có phải là một chiến lược giữ an đất nước, là chiến lược cần có của một nước nhỏ nằm bên một nước lớn hay không? Chúng ta cũng từng có kinh nghiệm xương máu khi dựa vào Hoa Kỳ để chống lại sự xâm lăng của CS miền Bắc. Chúng ta cũng cần tự hỏi chiến lược ngàn đời của ông cha ta giúp giữ yên đất nước vẫn luôn luôn là “Bắc Hoà”, khi bị xâm lăng cầm gươm đứng lên hào hùng chống lại, khi chiến tranh kết thúc vẫn tìm cách làm hoà để tránh cảnh chiến tranh liên tục có phải là sai lầm hay không? Với thời đại nguyên tử hiện nay biến Việt Nam làm nơi tranh chấp của các siêu cường, dưạ vào nước này chống lại nước kia, lợi có thể rất ít mà hiểm họa thì có thể vô cùng khủng khiếp. Muốn lật đổ CSVN, chiến lược giữ nước của những người tranh đấu đưa ra rất cần phải có tính thuyết phục, phục vụ lợi ích lâu dài của dân tộc, thích hợp với điạ lý chính trị quốc gia.

Hội nghị lần 7 khoá 10 của đảng CSVN lần này, qua bài diễn văn khai mạc của ông Mạnh là: “Tăng cường sự lãnh đạo đối với công tác thanh niên thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá; xây dựng đội ngũ trí thức; vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn; nghe báo cáo, thảo luận và cho ý kiến về tình hình kinh tế, xã hội trong 6 tháng đầu năm 2008, nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2008”.

Vấn đề thanh niên, ông Mạnh ca tụng đảng CSVN đã tạo được một thế hệ thanh niên có đạo đức, có tri thức, có sức khoẻ và tư duy phát triển năng động, tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, nêu cao lòng yêu nước v.v. và v.v. Nhưng thực tế là gì? Thế hệ thanh niên Việt Nam hiện nay như thế nào? Dĩ nhiên cũng có những người chăm làm, chăm học, thì hầu hết do thất vọng với chế độ, do xã hội suy đồi, đạo đức băng hoại, đa số đã trở thành những người nghiện rượu, bê tha, xì ke, đĩ điếm. Những thanh niên thể hiện được lòng yêu nước, quan hoài tới vận mệnh và tương lai dân tộc thì hình như lại bị chế độ đày ải, cho vào tù!

Đề cập tới hàng ngũ trí thức, ông Mạnh cũng đã thẳng thắn thừa nhận “Số lượng, chất lượng và cơ cấu của đội ngũ trí thức chưa đáp ứng nhu cầu của sự phát triển, số chuyên gia đầu ngành còn thiếu, đội ngũ kế cận hụt hẫng..” Sự thưà nhận này của ông Mạnh cũng đã được nhiều lần nêu lên, giống như CSVN lúc nào cũng nói rằng tham nhũng là đại nạn của đảng, của đất nước. Hàng ngũ trí thức ở Việt Nam hiện nay có thể vẫn còn thiếu, nhưng hàng ngũ trí thức thất nghiệp ở Việt Nam lại rất nhiều. Thành phần trí thức lương thiện có thực tài không muốn làm việc với nhà nước, họ có khuynh hướng tìm việc ở các công ty ngoại quốc. Hàng ngàn kỹ sư, bác sĩ tốt nghiệp đã không thể tìm được việc làm chỉ vì không có tiền hối lộ khi xin việc, hay họ cũng không thể làm việc lâu dài nếu không sớm hoà đồng trở thành một người tham nhũng, vào bè, vào băng, a tòng với thành phần lãnh đạo. CSVN nhấn mạnh đến nhu cầu đào tạo trí thức, hoàn toàn giống như lời than đối với tham nhũng, càng chứng tỏ muốn trong sạch đội ngũ, tham nhũng càng phát triển, càng nói tới nhu cầu trí thức, trí thức vẫn tiếp tục bị bạc đãi. Trường học cũng tham nhũng, buôn bán bài thi ... đa số du học sinh là con ông cháu cha, ít người do học hành giỏi dang được đưa ra nước ngoài du học.

Không hiểu ông Dũng sẽ nêu lên những điểm lạc quan nào đối với nền kinh tế. Nhưng với những ghi nhận từ năm 2007 tới nay, nền kinh tế Việt Nam đã gặp nhiều khó khăn, và chính vì thế mới có tin đồn ông Dũng sẽ bị thay thế trong phiên họp lần này. Thâm thủng mậu dịch trong 6 tháng đầu năm 2008 là 14.7 tỷ mỹ kim, lạm phát trong tháng 6 lên mức 26.8% là mức cao nhất trong vòng 1 thập niên qua. Thị trường bất động sản đứng chựng, chỉ số chứng khoán mất trên một nửa từ 800 điểm xuống còn 384 điểm, giá thực phẩm từ đầu năm tới nay tăng lên 74.3%. Nợ ngoại quốc lên 34.6% GDP. Tình trạng vật giá leo thang đã đưa tới nhiều cuộc đình công của công nhân đòi tăng lương. Tình hình chung đang làm nãn lòng các nhà đầu tư. Ông Mark Matthews của công ty Merrill Lynch đặc trách Á Châu Thái Bình Dương cảnh cáo các nhà đầu tư nên cẩn thận đối với thị trường Việt Nam khi tình hình kinh tế chưa sáng tỏ. Công ty chứng khoán Daiwa của Nam Hàn đã lỗ nặng ở Việt Nam và cảnh cáo sự vội vàng đầu tư ở Việt Nam.

Theo các nhà kinh tế, hiện tình kinh tế Việt Nam lâm vào tình trạng khó khăn hiện nay là do chính sách điều hành kinh tế sai lầm. Kinh tế gia Jonathan Pincus của Chương Trình Phát Triển Liên Hiệp Quốc (UNDP) nói rằng tình hình VN xấu hơn các nước trong vùng là do chính quyền không nắm vững nguyên tắc tài chánh và ngân khố. Những nhà kinh tế khác nói rằng Chính phủ Việt Nam đã không quan tâm tới quân bằng xuất nhập cảng, quan tâm tới con số tỷ lệ phát triển, nhưng không phải là phát triển có thực chất làm cho người công nhân kiếm được nhiều tiền hơn, nhưng đời sống khó khăn hơn. Theo những báo cáo kinh tế mới đây, kinh tế Việt Nam hiện gặp khó khăn là do chủ trương bảo thủ chứ không phải từ nổ lực canh tân, đổi mới, sửa đổi theo hướng đi quốc tế mong muốn. Ông Dũng là một trong những người bảo vệ quyền lợi của các của các Tổng Công Ty, gom thu khai thác mọi tài nguyên và dịch vụ quan trọng trong nước. Các tổng công ty này là biến thái, tập trung của những công ty, xí nghiệp quốc doanh thua lỗ bị thế giới chỉ trích, có hại cho nền kinh tế. Khoảng 20 tổng công ty của CSVN hiện mắc nợ ngân hàng khoảng 69.577 tỷ đồng, gấp đôi số vốn đầu tư, và đang tiếp tục bòn rút tiền tiền ngân hàng, tiền thuế của dân chúng. Nó là phương tiện giúp CSVN kiểm soát nền kinh tế đất nước, làm giàu cho thành phần lãnh đạo, các ban ngành trong đảng.

Với những nguyên nhân nào, người làm thủ tướng chính phủ cũng là người phải chịu trách nhiệm đối với tình hình kinh tế. Ông ta sẽ bị coi là người không thi hành đúng đắn những “nghị quyết” của đảng, là sự lầm lẫn, bất lực, thiếu khả năng của ông Dũng mà không phải đảng.

Sự thay thế ông Dũng một ngày nào đó, không thể được coi một cách đơn giản là đổi mới thất bại, bảo thủ thắng thế như quan điểm của một số nhà báo Tây Phương. Bởi đổi mới là chủ trương của cả đảng. Lúc nào đảng ta cũng “ đẩy mạnh công cuộc đổi mơí”. Tất cả 3 triệu đảng viên CSVN đều là những người hưởng lợi ích lớn nhất từ chủ trương đổi mới, từ sự phát triển kinh tế. Thất bại kinh tế sẽ làm cho thành phần này thiệt hại lớn nhất. Bất động sản của họ sẽ mất giá, chứng khoán của họ mất giá, đầu tư của gia đình họ sẽ bị thua lỗ. Sự thay đổi Nguyễn Tấn Dũng có xảy ra, thì Dũng chỉ là con vật tế thần để trấn an sự bất mãn của người dân và cứu nguy cho tài sản của thành phần đảng viên CS và nhất là thành phần lãnh đạo mà thôi.

Sự suy sụp kinh tế của Việt Nam có thể là cơ hội để CSVN phải “đổi mới” thêm, chứ sẽ không làm cho CSVN dừng lại. Đây là quyền lợi của chúng. Con người CSVN hiện nay không có ai “bảo thủ” và cũng không có ai “canh tân”. Mỗi con người CSVN hiện nay đều có 2 bản thể. Một, muốn tiếp tục canh tân đổi mới để tiếp tục làm giàu. Bản thể thứ 2 trong con người của chúng là làm sao tiếp tục giữ “ổn định chính trị”, tức tiếp tục giữ sự cai trị của đảng, sự cầm quyền của đảng, để có thể tiếp tục hưởng được lợi ích lâu dài, cha truyền con nối. Đổi mới để phát triển kinh và “ổn định chính trị” là 2 trụ cột phải quân bằng của đảng CSVN.

Hình như chỉ khi nào sự “đổi mới” tiếp tục theo xu hướng hiện nay làm mức thang lợi tức xã hội thêm lớn rộng, sự giàu có của thành phần lãnh đạo quá lớn đè lên cổ người dân không còn chịu đựng được nữa, CSVN chỉ còn phải nghĩ tới “ổn định chính trị” thì lúc đó thì lúc đó Việt Nam mới hy vọng có tương lai tươi sáng.

Thanh niên Việt Nam, những người thanh niên Việt Nam hào hùng thật sự, đội ngũ trí thức Việt Nam, những thành phần trí thức thực sự, sẽ là niềm hy vọng của dân tộc Việt Nam. Thanh niên, trí thức VN hãy nhìn rõ bộ mặt của từng tên lãnh đạo CSVN, nhìn rõ sẽ thấy chúng là cá mè một lưá, cùng là quà quạ, kênh kênh trên xương thịt mẹ VN. Hãy cùng nhau đứng dậy cho quê mẹ, cho tương lai dân tộc Việt. Mong thay!

Huệ Vũ

No comments:

Post a Comment