Monday, July 14, 2008

Con tôi không về


Binh nhì Joseph Dwyer

Nguyễn Ðạt Thịnh

Bà Maureen Dwyer mếu máo, “Con tôi đi Iraq, rồi không bao giờ trở về nữa”, trong lúc thật sự anh binh nhì Joseph Dwyer đã trở về nguyên vẹn, không thương tích, mà còn nổi tiếng là một người lính anh hùng trong một trận giao tranh giữa Lữ Ðoàn 7 kỵ binh, thuộc Sư Ðoàn 3 bộ binh và quân đội Iraq vào tháng Ba 2003, ngày chiến tranh Iraq mới khởi diễn.

Lữ Ðoàn 7 lọt vào ổ phục kích của quân Iraq, anh Dwyer, ngày đó mới 26 tuổi, nổ súng chống trả mãnh liệt mặc dù anh chỉ là một quân nhân y tá.

Không quân bay đến trợ chiến thả bom vào những làng mạc lân cận nơi tình nghi là chứa chấp quân Iraq; hỏa lực không yểm giúp Lữ Ðoàn 7 làm chủ tình hình. Nhưng tiếng súng giao tranh vừa tắt thì một người đàn ông Iraq cầm cờ trắng chạy ra nói với quân nhân Hoa Kỳ là gia đình ông có 4 người bị thương; lính Mỹ bảo ông đem thân nhân ra bờ đường cho họ săn sóc.

Người đàn ông chạy trở vào làng, rồi vài phút sau chạy ra, tay ẵm một đứa bé khoảng 3 tuổi.

Dwyer khoác vội lên vai khẩu súng anh đang cầm lăm lăm, chạy lại đỡ đứa bé trên tay người đàn ông rồi bảo ông trở về làng đem những người bị thương khác ra bờ đường để được săn sóc.

Những người bạn đồng đội của anh dựng vội lên một trạm y tế dã chiến để giúp những thường dân vô tội nạn nhân đầu tiên của cuộc chiến Iraq.

Hành động của anh Dwyer chỉ là phản ứng tự nhiên và nhân đạo của một người Mỹ bình thường, nhưng bức ảnh anh phóng viên quân đội Warren Zinn chụp cảnh anh bồng đứa bé trúng thương trên tay hớt hải chạy ngược trở về đội hình Lữ Ðoàn 7, đăng trên tờ Army Times đã biến anh thành một vị anh hùng trong hành động cấp cứu.

Người anh hùng vì lòng nhân đạo

Một phản ứng khác, cũng bình thường, nhưng cũng không kém anh hùng của Dwyer là anh tình nguyện đầu quân ngày 13 tháng Chín 2001, hai ngày sau cuộc tấn công khủng bố tại Nữu Ước.

Nhìn qua góc cạnh nhân bản, Dwyer là một thanh niên Mỹ yêu nước, tòng quân nhập ngũ ngay khi đất nước bị tấn công, và anh là một trong hàng triệu người Mỹ vốn tốt bụng, lại càng tốt hơn mức bình thường hàng ngày khi nạn nhân là một đứa trẻ Iraq trúng bom Mỹ.

Phản ứng của anh là trực giác, anh không cân nhắc lợi hại, không quan tâm đến nguy cơ một người lính bắn xẻ của Iraq còn lẩn trốn đâu đó, có thể giết anh bằng một viên đạn chính xác.

Không ai bắn Dwyer cả, nhưng anh vẫn trúng thương.

Mẹ anh nói, “Nó bị bức ảnh thôi miên; nó không nhìn vào ảnh để thấy nó làm công việc cứu thương mà mọi người đánh giá là một hành động anh hùng; nó không thấy vẻ hớt hải, khẩn trương trên mặt nó. Nó chỉ nhìn thấy vẻ kinh hoàng khiếp sợ của đứa bé nạn nhân. Từ ngày hồi hương, nó không còn là thằng Joseph, con tôi ngày xưa nữa.”

Joseph Dwyer thay đổi, khuôn mặt khép kín, anh nuốt trọng buồn khổ, và gần như không còn “có mặt” trong lúc vẫn sống với những người thân. Vợ anh, cô Matina, 30, chán nản bồng con, bé Megan, 2 tuổi, bỏ đi, chỉ còn bà mẹ anh nâng giấc, chăm sóc bất chấp tình trạng vô thức của Joseph, không còn quan tâm đến mọi diễn biến quanh anh nữa.

Anh thường đóng cửa căn apartment anh ở, không tiếp ai; có lần anh đã “tử thủ” suốt 3 tiếng đồng hồ chống cảnh sát mà anh ngỡ là quân Iraq truy kích tìm giết anh.

Bà Maureen, mẹ anh, xin quân đội cho anh vào dưỡng trí viện, nhưng bị từ chối vì bác sĩ không thấy triệu chứng là anh điên.

Ngày 28 tháng Sáu vừa rồi, anh uống loại hóa chất rửa computer; lúc bị hoá chất cắt ruột, anh gọi tắc xi để vào nhà thương. Nghe người tài xế tắc xi gọi cửa, nhưng anh không còn đủ sức ra mở cửa. Cảnh sát được gọi đến, tông cửa vào thấy Joseph nằm dưới đất, vẫn còn tỉnh nhưng không đủ sức đứng dạy. Vài phút sau đó, anh tắt thở.

Bà Maureen thấm thía hiểu là chỉ có một mình bà biết tâm bệnh của con; bà yêu cầu quý vị chính khách ngưng ca tụng người lính anh hùng, mà hãy thương người lính khủng hoảng tâm thần vì những cảnh giết chóc vô lý họ chứng kiến tại Iraq.



Càng thương anh Joseph, thương bà Maureen, tôi lại càng phục người lính VNCH; tôi chứng kiến họ sống giữa những đau thương, tang tóc vô cùng lớn lao hơn những đau thương, tang tóc đang diễn ra tại Iraq, nhưng họ không có quyền điên, không có quyền giải ngũ, như anh Joseph đã giải ngũ, đã điên, và họ còn không có cả quyền buông lơi khẩu súng giữ nước.

Tinh thần chiến đấu dũng mãnh của họ, tinh thần hy sinh vô bờ bến của họ đang được thế hệ hậu chiến biết ơn và ca tụng. Những ca sĩ chưa hơn 30 tuổi, chào đời trong cảnh lưu vong, mất nước, đang mặc bộ chiến phục của cha, anh họ ngày xưa lên sân khấu trình diễn những xúc động, những mối tình, bị chiến tranh dồn nén, bóp nghẹt, tiêu diệt.

Họ kể lại chuyện hàng vạn bà Maureen Việt Nam khóc những đứa con không còn bao giờ trở về nữa, và thương những đứa con “trở về trên đôi nạng gỗ”.

Họ ca tụng hiện tượng một dân tộc bại trận, mất nước suốt 33 năm vẫn hiên ngang, bất khuất như hiện tượng thần bí chưa từng thấy trong lịch sử nhân loại.

Nguyễn Ðạt Thịnh


No comments:

Post a Comment