Friday, July 18, 2008

Sự phức tạp của tình hình Chính Trị Biến Thái.


Thụy Ái

33 năm nước mất về tay cộng sản nhưng người Việt hải ngoại vẫn nuôi ý chí đấu tranh phục hồi tự do dân chủ cho dân tộc. Các phái đoàn lãnh đạo cộng sản Việt Nam 33 năm qua mỗi khi đi ra nước ngoài công tác vẫn phải lén lút, lẩn lánh các cuộc biểu tình chống đối của người Việt tự do khắp nơi. Các phản ứng và các diễn biến xẩy ra tại hải ngoại trong thời gian gần đây nhất lại càng xác quyết thêm lập trường chống cộng của người Việt quốc gia. Chẳng hạn như sự việc thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng sang Mỹ rao bán tài nguyên, lao động đất nước đã bị các cộng đồng người Việt Nam rượt đuổi làm hạ thể. Như Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã bị phản đối mạnh mẽ khi nhân danh tôn giáo viết lá thư khuyến dụ không treo cờ vàng tại đại hội thanh niên công giáo thế giới tổ chức tại Sydney Úc Châu với lý do cản trở hiệp thông. Kết quả là Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã không thể và không dám xuất hiện công khai trong chuyến đi mà ông gọi là “mục vụ di dân”.

Tôn giáo là một vấn đề tế nhị nhậy cảm, không ai muốn đụng vào, vì dễ gây những phàn ứng và những hậu quả nặng nề tiêu cực. Là nhân vật số một của giáo hội Công giáo Việt nam, hồng y Mẫn có thể tin chắc rằng những lời của mình sẽ ít người dám có phản ứng. Nhưng thực tế đã diễn ra khác hẳn. Những tiếng nói dứt khoát nhất có ý kiến với hồng y Mẫn là những nhân vật công giáo có tiếng, có tư thế xã hội. Đây là một sự kiện quan trọng. Nó cho thấy rằng ở thế kỷ 21, người Việt hải ngoại đã có cái nhìn rất sáng suốt về các tu sĩ, đã có sự phân biệt đúng đắn giữa niềm tin thần quyền với vị trí của thế quyền.

Niềm tin tôn giáo là không thể thách đố. Quan điểm chính trị xã hội của tu sĩ là điều không thể áp đặt. Mặc dầu tôn kính chức vị giáo quyền của hồng y Mẫn, nhưng lập trường chính trị sai trái của hồng y đã không thể che chở bởi diễn dịch tôn giáo quỷ biện mà ông dùng trong lá thư khuyến cáo không nêu cờ vàng. Kỹ thuật này của hồng y Mẫn đã bị phê phán nặng nề bởi chính những giáo dân và tu sĩ công giáo.
Hồng Y Phạm Minh Mẫn
Hiện tượng hồng y Mẫn chỉ ra cho chúng ta thấy rằng tình hình đấu tranh thực là phức tạp trong quá trình biến thái của Hà nội từ CS toàn trị sang độc tài tư bản, với sự tiếp tay của các tài phiệt thế giới và các thành phần chính trị thời cơ. Nhưng những diễn tiến thời sự vài năm nay đã cho thấy rằng cộng đồng hải ngoại đủ sức đối phó với những mánh khoé chính trị CS và đồng loã. Chúng ta đã thấy qua những vụ marathon lúp xúp chạy theo Nguyễn Tiến Trung, Nguyễn Hoàng Lan ở San Jose, vụ Madison Nguyễn nỗ lực loại bỏ cái tên Little Saigon vì nó quá chính trị, vụ báo Người Việt ở Orange County ỡm ờ xanh vỏ đỏ lòng, vụ triển lãm văn hoá “phở-chó” ở Perth, Tây Úc, và mới đây vụ thất bại hồng y Phạm Minh Mẫn với cờ vàng xuất hiện cùng 168 quốc gia khác trong ngày đại hội giới trẻ Sydney tháng 7/2008.

Những người có định kiến cho rằng CS tài giỏi trăm mưu ngàn kế và giảo quyệt vô chừng đã đến lúc phải xét lại cách nhận thức của mình.

Ở vùng trời hải ngoại, sự kết hợp kinh nghiệm của những người đi trước, với đầu óc khách quan khoa học hiểu ra trong lối sống tự do dân chủ của những người lớp sau, đã xoá bỏ được những tiền đề và định kiến. Những người này ít thôi, và đây là điều bình thường, nhưng đã giúp định hình một cộng đồng hải ngoại chính trị vững chãi chống cộng sản biến thái thành độc tài tư bản.

Trận đấu trí tuệ tại hải ngoại ngày nay với cộng sản VN rất quan trọng, do kết quả thành bại trong trận đấu này sẽ ảnh hưởng đến vận mệnh, tương lai đất nước. Sự đánh bật được ảnh hưởng của cộng sản và các tổ chức thời cơ ngay tại hải ngoại sẽ phát huy cao độ ý thức quật cường của các thế hệ thanh thiếu niên Việt Nam hải ngoại trong trọng trách nối gót ông cha trường kỳ đấu tranh cho giống nòi. Sự thành công của các cộng đồng hải ngoại ngoài ra sẽ tạo điều kiện và khả năng hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh lâu dài của các lực lượng dân tộc dân chủ ngay trên đất nước Việt Nam, tạo được niềm tin cho người dân quốc nội vùng lên đấu tranh cho quyền lợi của chính mình và cho tương lai dân tộc.

Cái tâm thức chống độc tài Cộng sản đã có và vẫn vững chãi trong cộng đồng hải ngoại. Những luận cứ chính trị quỷ biện thoáng nghe hào nháng tốt đẹp để khỏa lấp, của CS biến thái và chính trị thời cơ không thể thành công, vì những chiêu bài hay nhãn hiệu làm sao có thể xoá được cái bản chất chính trị tự do đã hình thành nên các cộng đồng hải ngoại? Làm sao có thể mập mờ đồng hoá chế độ với dân tộc với đất nước? Làm sao có thể đồng hoá việc giúp chế độ ở mặt này hay mặt khác với việc giúp đất nước?

Hiện tượng PMM là một bài học kinh nghiệm cho hải ngoại nhưng cũng là một bài học cho CSVN. Bởi thế, cuộc đấu tranh giữa hải ngoại và chế độ CSVN sẽ vẫn tiếp diễn gay go, phức tạp.

Thụy Ái
http://www.tamthucviet.com

No comments:

Post a Comment