Monday, July 14, 2008

Những khó khăn trong nội tại


Ngô Quỳnh

Ở bài viết trước có tựa đề là "Việt Nam cần biên soạn một bộ sử mới", tác giả đã đề cập đến khía cạnh này và đề xuất việc biên soạn một bộ sử mới. Kiến thức lịch sử mà học sinh và sinh viên Việt Nam được cung cấp chủ yếu hiện nay là từ những cuốn sách giáo khoa và giáo trình lịch sử, nếu suy xét theo khái niệm " lịch sử là những gì đã qua" và ta ghi lại lịch sử là để làm hành trang, làm tấm bản đồ cho những hành trình tiếp theo thì những cuốn sách giáo khoa gọi là lịch sử hiện nay có thực sự là lịch sử hay không là một câu hỏi lớn? Đơn giản thôi bởi vì nếu nó là một tấm bản đồ đúng thì hẳn nhiên chúng ta đã không gặp quá nhiều gập ghềnh và trắc trở trên đường đi về đích để đến nỗi như ngày hôm nay. Chúng ta, hơn tám mươi triệu người dân quốc nội đang đứng bên bờ vực của những tai hoạ chưa thể lường trước. Thế giới đang trải qua những thay đổi trọng đại mà quá trình đó đã được Thamas L. Friedman miêu tả rất rõ trong hai cuốn sách "Chiếc Lexus và cây Oliu" và cuốn "Thế giới phẳng", quá trình toàn cầu hoá đang xảy ra mạnh mẽ và lan đến mọi nơi trên thế giới. Cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất và thế chiến thứ hai đã chia cắt và tạo ra những khoảng cách đã làm cho quá trình toàn cầu hoá chậm đi chút ít, gần đây nó đã bứt tốc và chứng minh rằng nó mới là xu thế áp đảo. Xuất phát từ vị thế là một nước nông nghiệp, hiện nay chúng ta không chỉ chịu sự xâm lấn đất và biển của Trung Quốc (một đất nước ở cùng tầm phát triển với chúng ta), chúng ta còn đang chịu sự xâm lấn về công nghệ của các nước phát triển. Phải đổi rất nhiều gạo chúng ta mới có được một con chíp điện tử.

Và trong đoạn bàn về những nguy cơ của Việt Nam trong bối cảnh thế giới mới của cuốn sách " Thành công thế kỷ 21" xuất bản năm 2001, Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên đã viết:

"Trong một bối cảnh quốc tế như vậy, tương lai của Việt Nam rất bấp bênh.

Mặc dầu trên nguyên tắc nước ta đã có quan hệ bình thường với mọi quốc gia và đã là thành viên của ASEAN, nhưng sự theo đuổi một cách ngoan cố chủ nghĩa Mác-Lênin, những vi phạm trắng trợn về nhân quyền và dân quyền, tệ quan liêu và tham nhũng, sự do dự trước những cải tổ cần thiết và cách cư xử thô vụng trong những giao thiệp quốc tế đã khiến Việt Nam lâm vào một thế cô lập lớn trên thực tế. Việt Nam vắng mặt trong hầu hết mọi chương trình hợp tác và cũng vắng mặt trên mọi thị trường quốc tế quan trọng.

Chính sách mở cửa về kinh tế thị trường được thực hiện từ 1987 đã cải thiện một cách đáng kể mức sống của nhân dân nhưng đã mau chóng đạt tới giới hạn của nó. Từ 1996 trở đi đà tăng trưởng đã khựng lại sau quyết định xiết lại của đại hội 8 của Đảng Cộng Sản Việt Nam. Dưới áp lực của những khó khăn ngày càng gia tăng, đảng cộng sản gần đây đã phải chấp nhận một số biện pháp cải tổ kinh tế, nhưng sự ngoan cố từ chối cải tổ chính trị vẫn không cho phép Việt Nam ra khỏi trì trệ.

Ngoại thương của Việt Nam, dù đã phần nào gia tăng, vẫn không đáng kể, đầu tư đã thấp lại sút giảm trong những năm gần đây trong khi các quốc gia khác không ngừng vận dụng mọi sáng kiến để thu hút tư bản quốc tế dựa trên ưu thế sẵn có. Lợi tức quốc gia quá thấp đã khiến chính quyền bỏ rơi giáo dục, cơ sở hạ tầng, thiết bị sản xuất và ngay cả những ưu tư tối thiểu về lương thực và sức khỏe cho dân chúng.

Chất liệu nhân xã của chúng ta đã bị rách nát do những cuộc tương tàn kéo dài và thảm khốc, do tinh thần bất dung và thù hận mà những cuộc chiến này đẻ ra, do chính sách phân biệt đối xử mà đảng cộng sản thi hành trong suốt thời gian qua, do chênh lệch giàu nghèo quá lộ liễu và do sự nghi hoặc toàn diện của dân chúng đối với các giá trị cơ bản của mọi xã hội.

Công nghiệp đã bị quản lý một cách thô vụng lại còn phải chịu sự cạnh tranh bất chính của hàng nhập cảng lậu thuế. Nhiều thiết bị sản xuất đã cũ và lỗi thời nhưng vẫn chưa thay thế được. Nhiều cơ sở hạ tầng hư hao mà không được tu bổ.

Trong những năm gần đây, chúng ta chứng kiến một thảm kịch mới : đó là sự hao mòn ngay ở nền tảng của đất nước. Cây rừng bị chặt phá để xuất khẩu tống tháo lấy ngoại tệ, bờ biển bị ô nhiễm, đất nước trở thành cằn cỗi, lụt lội và hạn hán kế tiếp nhau hàng năm. Đất nước không những chỉ bị hủy hoại mà còn bị đem bán, rất nhiều vùng đất có giá trị kinh tế chiến lược đã bị người ngoại quốc mua mất.

Đồng thời tài nguyên quí nhất của quốc gia là con người cũng bị xuống cấp một cách thê thảm. Sức khỏe của nhân dân suy nhược vì thiếu dinh dưỡng, thuốc men và chăm sóc. Các chứng bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lan tràn một cách báo động mà không có biện pháp ngăn chặn. Thanh thiếu niên bỏ học hàng loạt. Trí tuệ dân tộc suy giảm nặng với sự xuống cấp bi đát của hệ thống giáo dục. Tệ nghiện ma túy ngày càng gia tăng. Cuộc sống khó khăn làm con người càng ngày càng rời xa các giá trị căn bản của mọi xã hội : đạo đức, lương thiện, thật thà, cần cù, kỷ luật, v.v.

Giềng mối của xã hội cũng bị tan rã : bất công lộ liễu và thách đố, trộm cướp hoành hành công khai, buôn lậu trở thành một phong trào quốc gia, tham nhũng trở thành một thông lệ, sự dối trá, giật giọc trở thành một nếp sống.

Trước thực trạng nguy ngập đó, nhà cầm quyền thay vì dồn mọi cố gắng để cứu nước lại áp đặt làm mục tiêu hàng đầu việc xây dựng chủ nghĩa xã hội, một chủ nghĩa đã bị cả thế giới, kể cả các nước đã khai sinh ra nó, từ bỏ và đã bị nhân dân Việt Nam coi là nguyên nhân của tình trạng bi đát hiện nay. Nhà nước cộng sản đã thất bại trên mọi phương diện và trong tất cả mọi địa hạt, nhưng vẫn tiếp tục cầm quyền như một thách đố với nhân dân và không những thế, còn khẳng định quyết tâm giữ độc quyền chính trị vô hạn định. Nhà nước cộng sản vì vậy là một khiêu khích hàng ngày đối với nhân dân và một tai họa. Tai họa đó kéo dài quá lâu đã khiến người dân, bất lực và chán chường, không những chỉ ghét chính quyền mà còn dần dần mất cả lòng tin vào đất nước. Mỗi người tự luồn lách để tìm những giải đáp cá nhân cho những vấn đề cá nhân. Mộng ước của rất nhiều người Việt Nam ngày hôm nay là được rời khỏi Việt Nam và làm công dân của một nước khác. Nhà nước mất dần độc quyền bạo lực về tay các băng đảng trộm cướp và xã hội đen, và ngày càng mất quyền thu thuế do tình trạng buôn lậu và tham nhũng. Chúng ta đang tiến dần tới sự giải thể quốc gia. Chúng ta phải thét lên tiếng thét báo động. Nếu đà này tiếp tục, ý niệm quốc gia có lúc sẽ mất hết nội dung, các ý đồ ly khai, tự trị sẽ xuất hiện và tăng trưởng, các thế lực ngoại bang sẽ ngày càng có điều kiện khuynh loát chúng ta, trong một thế giới mà ý niệm quốc gia dân tộc đang bị chất vấn. Sự tồn vong của chính đất nước ngày càng không chắc chắn."

Là một công dân Việt Nam trong giai đoạn này đáng lẽ chúng ta đã phải thấy trách nhiệm thật lớn nhưng dường như chúng ta đã chưa ý thức được. Bằng chứng là chưa xuất hiện một tổ chức dân chủ có tầm vóc. Văn hoá đa nguyên dường như đã chưa gặp gỡ Việt Nam. Chúng ta đã chưa chịu hiểu sáu tỷ người trên hành tinh là sáu tỷ cá nhân khác nhau và có sáu tỷ bộ óc khác nhau. Thay vì nỗ lực để đoàn kết và bao dung với nhau chúng ta đã đưa ra những kết luận có thể gây đổ vỡ ngay cả khi chưa có đủ những bằng chứng xác thực. Không một con người văn minh nào lại làm thế, nó là bằng chứng chứng minh rằng chúng ta chưa thực sự có nhu cầu được sống văn minh, nếu có thì nhu cầu đó chưa thực sự đủ lớn, nếu không chúng ta phải giải thích về nó như thế nào?

Ngô Quỳnh.

No comments:

Post a Comment