Friday, July 18, 2008

Tuổi trẻ hiệp thông trong ngày chào đón Đức Giáo Hoàng





Mai Ly

Mãi đến chiều 17/7/2008, Đức Giáo Hoàng Benedict XVI mới chính thức ra mắt cùng Đại Hội Thanh Niên Thế Giới, mặc dù Ngài có mặt tại Úc từ mấy hôm nay, tham dự những cuộc gặp gỡ với các chính khách, với các tôn giáo bạn và với các nạn nhân do những vi phạm trong giới tu sĩ công giáo tại Úc trong thời gian qua. Báo chí đăng tải rộng rãi về những cuộc gặp gỡ này trên những trang đầu. Đường phố mang những tấm phiến bằng vải hoặc bằng điện tử với khuôn mặt khả ái của Đức Giáo Hoàng. Tuy nhiên giây phút thực sự đón tiếp Đức Giáo Hoàng bằng xương bằng thịt mới là cảm động làm sao!

Cũng tại cảng Sydney với rừng người tham dự Thánh lễ Khai Mạc Đại Hội ngày Thứ Ba 15/7, cũng khoảng giờ 3g30 chiều, cũng bầu trời trong xanh, không khí lành lạnh của mùa đông Sydney một lần nữa, tuổi trẻ thế giới quy tụ trong tiếng reo hò để chào đón vị cha chung từ từ tiến vào đất liền trên chiếc tàu mang tên Captain Cook Cruise. Sau khi Đức Hồng Y George Pell, đại diện chủ nhà đọc lời chào mừng, tiếng gào thét chúc tụng vang dội không ngừng nghỉ khiến cho Đức Giáo Hoàng phải khó nhọc lắm mới bắt đầu lên tiếng chào đám đông 150,000 người. Đức Hồng Y George Pell nhận xét cùng Đức Giáo Hoàng: “Đây chỉ là bước đầu của niềm hân hoan chào đón Ngài”. Và tiếng vỗ tay, tiếng reo hò lại vang dội thật lâu . Nét mặt của Đức Giáo Hoàng tỏ rõ niềm xúc động.

Các bạn trẻ phất cờ của quốc gia mình, để nhấn mạnh sự hiện diện của mình trong rừng người tưng bừng đó như để than thưa: “Cha ơi, chúng con đây, chúng con đến chào mừng Cha đây, Cha đừng quên chúng con nhé.”

Một lần nữa, lá cờ Quốc Gia của nước Việt Nam lại tung bay, màu vàng rực rỡ giừa rừng cờ các nước.

Không phải chỉ tại chỗ, Barangaroo Park, ngay cảng Sydney mới có cái không khí hiệp thông đó. Trên mọi nẻo đường, trên các toa xe lửa, tại các trạm xe, từng đoàn người trẻ, hàng hàng lớp lớp, cười nói tung hô, họ quy tụ quanh lá cờ của nước họ và lá cờ nước Úc. Từng tốp từng tốp, họ reo vang và ca hát những bài ca tập thể. Chẳng cần người bên cạnh có hiểu mình hát gì không, vì đó là tiếng Ý, tiếng Na Uy, tiếng Đức, v.v... Thỉnh thoảng, để lôi kéo các bạn thuộc sắc tộc khác đứng gần kề cùng hát theo, thì thôi cùng hát bài “Happy Birthday to you” vậy!!!, thế là cả làng cùng vang dội. Chưa bao giờ những lời ca sau đây của các bạn trẻ Việt Nam lại mang đầy ý nghĩa hiệp thông như sau:

    “Lạy Chúa chúng con về từ bốn phương trời
    Lạy Chúa chúng con về từ khắp thôn làng
    Cùng với lớp sóng người hành hương
    Về nhà Chúa đi, về nhà Chúa đi!
    Hành trang con mang theo, đầy đau buồn của thế giới
    Hành trang con mang theo niềm lo sợ của lớp nghèo
    Về đây xin dâng Cha trong lo âu
    GIANG HAI TAY QUYẾT CHUNG XÂY THẾ GIỚI MỚI
Và các bạn hát đi hát lại, vỗ tay theo nhịp điệu nhanh hơn.

Bài hát đó, giữa rừng người hăng say, giữa lá cờ vàng phất phới nói lên niềm khát khao xây dựng của người dân Việt. Bài hát đó quen thuộc với mọi người trẻ công giáo Việt Nam trong cũng như ngoài nước.

Giả sử, (giả sử thôi nhé vì chưa thấy!) đâu đó lại một lá cờ máu trong không khí này thì thật là ... lạc quẻ vô cùng. Nó có thể được kéo cao chót vót trên cái cột cờ giữa những cột cờ các nước trong phạm vi lễ nghi giao tế của các chính phủ với nhau trong ngày Lễ Bế Mạc 20/7. Nhưng dứt khoát trong lòng dân Việt, từ khắp bốn phương trời tụ họp về đây để “chung xây thế giới mới, Việt Nam mới”, trong đó có hàng trăm bạn trẻ từ mọi nẽo đường Việt Nam đến, chắc chắn lá cờ đó không có chỗ đứng, vì nó làm hoen ố, nó là bức cản nỗ lực xây dựng tương lai Việt Nam của tuổi trẻ Việt Nam. Bởi vì, lá cờ đó đại diện cho gian tà, dối trá, bạo lực.

Chẳng gì khi không khí hiệp nhất tưng bừng nở rộ tại Sydney thì hai sư kiện đau buồn đang xẩy ra tại quê nhà:

    1- Bản đồ Việt Nam được chính thức công bố cùng công chúng sau một tháng Nông Đức Mạnh sang viếng thăm Trung Quốc. Nơi bản đồ đó quần đảo Hoàng Sa được ghi chú là: “còn đang trong vòng tranh chấp giữa đôi bên”. Tại sao đất Mẹ Việt Nam lại phải bị tranh chấp? Nếu Phạm Văn Đồng không ký giấy công nhận chủ quyền Hoàng Sa cho Trung Quốc vào năm 1958, thì nay đâu cần phải đặt vấn đề tranh chấp? Mà tranh chấp với đàn anh khổng lồ Trung Quốc thì nắm được bao nhiêu phần thắng khi vẫn cúi đầu nghe họ chỉ bảo cho từng chính sách để dễ bề đàn áp dân? Da thịt Mẹ Việt Nam bị các người cầm quyền xẻo từng thớ thịt đem dâng cho ngoại bang để giữ ngôi vị cai trị đất nước.

    2- Lễ tang của Đức Tăng Thống Thích Huyền Quang “được” đài truyền hình VTV1 phổ biến một cách dối trá, trắng trợn đánh lừa người dân. Hòa Thượng Thích Quảng Độ thuộc Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất chủ tế, mà trên màn ảnh truyền hình thì lại là những khuôn mặt của các tăng ni thuộc giáo hội Phật Giáo quốc doanh!
Nghĩa tử là nghĩa tận. Sao lại ... dã man đến thế là cùng !

Vậy thì không khí hiệp thông của Đại Hội Giới Trẻ ắt phải đem lại một luồng không khí mới, một ngày mai tươi sáng cho Việt Nam.

Nơi đó, không có gian tà, bạo lực.
Nơi đó, những thớ thịt của Mẹ Việt Nam được bảo tồn.

Và tuổi trẻ sẽ vươn lên, hãnh diện cùng năm châu dưới lá cờ chính nghĩa của Quốc Gia Việt Nam. Tuổi trẻ Việt Nam từ trong nước sẽ không còn e dè, nhưng xác quyết một niềm tin sẽ cùng nhau xây dựng một Việt Nam dân chủ, tự do, phú cường.

Mai Ly
Sydney 17/7/2008
Ngày đón Đức Giáo Hoàng

No comments:

Post a Comment