Wednesday, July 16, 2008

Phải chấm dứt tấn tuồng gian dối



Ngô Nhân Dụng

Coi bài “phát biểu” của ông Nông Ðức Mạnh đọc trước hội nghị trung ương đảng ở Hà Nội hôm Thứ Tư vừa qua, những lời lẽ in đầy bốn trang giấy - chỉ toàn là khẩu hiệu, những khẩu hiệu trống rỗng, không thấy được một ý kiến thành thật hay một đề nghị cụ thể nào cả.

Bài diễn văn của một tổng bí thư đảng Cộng Sản đọc trước một hội nghị ban chấp hành trung ương đảng có tầm quan trọng ngang với những bản thông điệp về “Tình trạng Liên bang” mà các vị tổng thống Mỹ phải đọc trước Quốc Hội mỗi năm. Ðó là dịp để người nắm quyền cao nhất trong một nước trình bày những ý kiến, những chương trình, kế hoạch cho cả nước theo.

Ông Nông Ðức Mạnh chỉ hô những khẩu hiệu. Nội dung bài phát biểu của ông nêu lên bốn điểm, về thanh niên, về trí thức, về nông thôn và nông dân, và về tình hình kinh tế, xã hội trong năm. Nhưng ông chỉ nói chung chung, hùng hồn và rỗng tuếch, tuyệt nhiên không có một kế hoạch cụ thể nào cả. Ðó là một cách lảng tránh, trốn trách nhiệm. Những lời nói hoa hoét mĩ miều không chứa đựng nội dung nào đáng chú ý, đó chỉ là một hình thức nói dối.

Về thanh niên, ông Nông Ðức Mạnh nói những câu như “Một trong những thành tựu của công cuộc đổi mới đất nước do đảng ta khởi xướng và lãnh đạo là xây dựng một thế hệ thanh niên thời kỳ mới có đạo đức, có tri thức, sức khỏe và tư duy phát triển năng động; tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, của đảng...”

Các thanh niên ở Việt Nam đều biết rằng đảng Cộng Sản không hề “khởi xướng” việc đổi mới. Họ bị buộc phải thay đổi, nếu không thì đi theo số phận của Ceausescu ở Rumani. Trong thực tế thì đảng Cộng Sản đã thất bại trong việc giáo dục. Chưa có một quốc gia nào ở Á Châu bắt học sinh tiểu học phải đóng học phí, chỉ có ở Việt Nam. Ðầu năm nay, ông Nguyễn Thiện Nhân, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng giáo dục vừa mới thú nhận rằng trong năm rồi có 100 ngàn học sinh phải bỏ học. Niên học 2003-04 có 580 ngàn học sinh bỏ học; niên học 2005-06 có 600 ngàn học sinh bỏ học. Còn về đạo đức, chưa bao giờ tình trạng gian lận thi cử, bằng giả, thi giả tung hoành như báo chí ở Việt Nam tường thuật gần đây. Chưa bao giờ nạn ma túy lan tràn đầu độc thanh niên, phụ nữ phải đi bán thân nhiều như trong chế độ Cộng Sản bây giờ. Ðọc những lời khoe khoang “công ơn đảng” như vậy mà không thấy xấu hổ hay sao?

Ông Nông Ðức Mạnh hô to: “Tương lai của thanh niên gắn liền với vận mệnh và tương lai của dân tộc...” thì điều này đứa trẻ con cũng biết. Nhưng ông nói câu đó để tiếp theo liền một đoạn khác “...vận mệnh và tương lai của dân tộc dưới sự lãnh đạo của đảng!” Nghe đến đó thì phải hãi hùng. Các ông còn muốn tiếp tục “lãnh đạo” cho đến bao giờ mới tha cho thanh niên, tha cho dân tộc?

Ðối với đề tài trí thức, ông Nông Ðức Mạnh cũng “khua chiếc thùng rỗng” y như vậy. Xin phép lạm dụng tính kiên nhẫn của quý vị để trích ra đây vài câu, quý vị có thể vừa đọc vừa cười để giải trí, như khi nghe các em bé nói những lời ngây ngô chúng ta cũng bật cười vậy. Ông Nông Ðức Mạnh nói về đội ngũ trí thức như thế này: “ ... trí thức ngày càng giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển của đất nước và đang đứng trước những đòi hỏi cao và yêu cầu mới, cả thời cơ lớn và những thách thức gay gắt.” Có điều gì mới lạ hay không? Nhưng ông cũng không quên nói tiếp ngay: “Ðảng cần tiếp tục đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo đối với trí thức!”

Gần đây, đảng đã “nâng cao năng lực lãnh đạo” rồi! Ðảng đã bắt giam những luật sư, những nhà báo có ý kiến khác ý lãnh tụ, bắt luôn cả hai nhà báo nổi tiếng chống tham nhũng!

Ðọc vài đoạn như trên đủ thấy tất cả chỉ là những lời lẽ khuôn sáo, trống rỗng! Ðọc vài chữ cũng có thể đoán được cả câu sẽ viết như thế nào, trí óc người đọc và người nghe hoàn toàn không cần phải suy nghĩ! Nếu một học sinh trung học ở Việt Nam kiên nhẫn cắt các bài xã luận của nhật báo Nhân Dân về cùng một đề tài rồi ghép lại, thế nào cũng thành một bài diễn văn tương tự như ông tổng bí thư đảng mới đọc! Có thể còn hay hơn. Những vị phụ trách viết diễn văn cho ông Nông Ðức Mạnh thật sự là thiếu trí tưởng tượng. Hoặc là họ không thể viết điều gì sâu xa hơn, vì trình độ của ông tổng bí thư đảng Cộng Sản chỉ có thể đọc những thứ khẩu hiệu rỗng như vậy. Hoặc là họ cố ý không muốn cho ông nói gì hết, ngoài việc hô những khẩu hiệu quen thuộc, để chính họ được an toàn. Vì những người viết diễn văn không thể bịa ra những điều mà họ biết không chứa trong đầu ông tổng bí thư, cũng không chứa trong đầu trung ương đảng. Cho nên những người viết diễn văn cứ phải tiếp tục cho cậu học sinh lên diễn đàn “trả bài” một bài học thuộc lòng trống rỗng. Khi nói những lời trỗng rỗng như thế tức là nói những lời dối trá.

Nhà văn Nguyễn Khải, rất nổi tiếng trong quân đội miền Bắc với lối viết tiểu thuyết lúc nào cũng theo đúng chính sách của đảng Cộng Sản từng giai đoạn, trước khi từ biệt cuộc đời, đã hối tiếc vì phí phạm tài năng của mình cả đời phục vụ một chế độ dối trá. Ông viết một bài nhan đề “Ði Tìm Cái Tôi Ðã Mất,” trong đó ông nhận xét về ngôn ngữ của các lãnh tụ Cộng Sản như sau: “...các buổi trả lời phỏng vấn báo chí, diễn văn tại các buổi lễ kỷ niệm, báo cáo của đảng, chính phủ, Quốc Hội, tất cả đều dùng các từ rất mơ hồ, ít cá tính và ít trách nhiệm nhất.”

Nguyễn Khải đã nói thẳng, “Và nói dối, nói dối hiển nhiên, không cần che đậy... Nói dối lem lẻm, nói dối lỳ lợm, không biết xấu hổ...”

Nhấn mạnh đến căn bệnh dối trá nhưng Nguyễn Khải cũng đề cập tới một căn bệnh khác của các lãnh tụ Cộng Sản từ trên xuống dưới, là trốn tránh không nhận trách nhiệm cá nhân. Trong chế độ này, chỉ những lãnh tụ tối cao kiểu Stalin, Mao Trạch Ðông mới dám đứng trước công chúng nhận mình là người chịu trách nhiệm. Và không ai dám phê bình họ. Nhưng lãnh tụ cỡ nhỏ đều lấy nhãn hiệu “tập thể lãnh đạo” để lẩn trốn không chịu trách nhiệm cá nhân. Muốn khỏi chịu trách nhiệm, cứ nói những lời lẽ đại cương, mơ hồ, thời nào nghe cũng đúng, chỗ nào cũng dùng được thành khẩu hiệu đẹp đẽ. Nông Ðức Mạnh không có bản lĩnh được như những Lê Duẩn, Nguyễn Văn Linh, Võ Văn Kiệt, lại càng có lý do sợ hãi cúi đầu nấp đằng sau những khẩu hiệu rỗng, cho an toàn!

Nhưng trong tình thế Việt Nam hiện nay, khai mạc một cuộc họp ban chấp hành trung ương đảng với những khẩu hiệu chung chung, mơ hồ như thế, còn cho thấy tình trạng khô cạn về tư tưởng, khô cạn về ý kiến của toàn bộ giới lãnh đạo đảng Cộng Sản. Họ không còn gì để nói với nhau ngoài việc hô các khẩu hiệu. Họ cũng không nẩy ra một sáng kiến nào trước những khó khăn chồng chất do chính họ tạo ra.

Trong bốn trang bài phát biểu của ông Nông Ðức Mạnh không hề thấy nhắc đến chủ nghĩa Mác Lê nin, cũng không đả động tới cái gọi là “tư tưởng Hồ Chí Minh” nữa. Hai chữ được nhắc tới nhiều lần là “Ðổi Mới.” Mà ai cũng biết rằng “đổi mới” tức là đi ngược đường với chủ nghĩa Mác Lê và đường lối chính trị, kinh tế Cộng Sản. Ngoài cái khẩu hiệu “đổi mới” ra, những người lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam hiện giờ không còn một cái kim chỉ nam nào hết! Và họ biết chỉ còn một nhãn hiệu “đổi mới” có thể bán được, cho nên cứ bám lấy, dù chính họ không biết cái lối đổi mới nửa vời của họ đã dẫn tới những bế tắc, ngay trước mắt.

Vì ngay trong phạm vi chính sách để đối phó với các khó khăn chồng chất hiện nay, bài phát biểu của ông Nông Ðức Mạnh cũng không nói điều nào hết! Ông không hề nhắc đến nạn lạm phát gần 30% một năm; không nói tới tình trạng tê liệt của hệ thống ngân hàng, nỗi hoang mang của giới đầu tư quốc tế; không nói tới cảnh một nước xuất cảng gạo mà dân thiếu ăn; xuất cảng dầu lửa mà xe hàng phải nằm ụ không chạy vì thiếu xăng; không nói tới cảnh chênh lệch giầu nghèo làm cho chính những người tự mình tạo ra của cải trở nên giầu có họ cũng phải hổ thẹn khi nhìn thấy những đồng bào không may đang đói khổ bên mình. Chính các đảng viên Cộng Sản cũng phải hổ thẹn. Ðảng Cộng Sản bây giờ được gọi là “Ðảng của Hồ Chí Minh, Nông Ðức Mạnh, Nguyễn Việt Tiến!”

Trong cả bài diễn văn ông Nông Ðức Mạnh không hề nói đến tình trạng tham nhũng và sự thoái hóa, giật lùi trong việc chống tham nhũng. Nhưng điều đáng thất vọng nhất là trong một phần ba bài nói đến nông thôn và nông dân ông Nông Ðức Mạnh không hề nhắc tới những nỗi oan ức mà nông dân Việt Nam đang phải chịu vì cường hào cướp đất tư và đất công để cung ứng cho tư bản trong nước và ngoại quốc.

Trong một bài đang trên báo Nông Thôn Ngày Nay ra ngày 1 Tháng Tư năm 2008 chúng ta thấy hình ảnh tiêu biểu ở ba thôn trong xã Phù Chẩn ở tỉnh Bắc Ninh, dân chúng đã dùng gạch đá đánh bọn cường hào. Dân ném gạch ngói vào nhà bí thư chi bộ xã, nhà của tất cả bọn lãnh đạo thôn, xóm đều bị dân kéo tới ném gạch. Cứ tối đến là người dân đánh kẻng tập trung lại, các phụ nữ lo tiếp tế gạch ngói vụn, học sinh cấp II và cấp III làm pháo thủ ném gạch. Cảnh sát huyện Từ Sơn phải đem 2 xe với các công an cơ động mặc áo giáp, vác lá chắn, đội mũ bảo hiểm đến tận nhà giải vây cho ông bí thư đảng xã.

Tại sao người nông dân lại nổi giận? Chỉ vì tham nhũng lộng hành. Khi thi hành lệnh giải tỏa ruộng đất của dân để trao cho công ty ViSip (Việt Nam-Singapore) khai thác, thay vì chỉ bán những ruộng đất trong khu thuộc dự án, các cán bộ đã nhân cơ hội giải tỏa hết, để có cớ cướp ruộng của dân. Không những thế, bọn cán bộ cầm đầu các thôn còn tìm ra những mảnh đất công rải rác, đất của thôn xã, nhưng chúng ghi tên các cán bộ làm chủ những mảnh đất đó, để khi bán cho liên doanh ViSip thì các cán bộ đương nhiên được “bồi thường” bỏ túi! Tổng cộng 23 mảnh đất công, diện tích lên tới hàng chục ngàn mét vuông đã được các cán bộ lãnh đạo thôn xã “ăn” hết!

Cảnh xẩy ra ở xã Phù Chẩn tiêu biểu cho cảnh tượng trên toàn quốc: Một nhóm người tự chiếm quyền lãnh đạo, thừa cơ “đổi mới” để bòn rút của cải chung, bỏ vào túi riêng cho mình và đồng đảng cùng hưởng trong khi tìm đường “hạ cánh an toàn” theo lối đồng chí Nguyễn Việt Tiến!

Chúng ta lại có dịp cảm thông với tâm sự của nhà văn Nguyễn Khải vào lúc cuối đời. Ông đã tham dự hai cuộc chiến tranh, đã góp công “xây dựng Chủ Nghĩa Xã Hội” ở miền Bắc rồi đem vào trong Nam. Nhưng lúc cuối đời ông cũng nhận thấy bao công lao của ông chỉ dẫn tới “...một xã hội có hàng triệu cá nhân không được đếm xỉa, không được tôn trọng; nhưng một nhúm cá nhân lại được tôn vinh hết mức và được hoàn toàn thỏa mãn trong mọi nhu cầu; là cái xã hội gì đây, là xã hội kiểu mẫu cho nhân loại tương lai ư?”

Những lời thành thật, chân tính trong câu hỏi đó có ai nghe hay không? Tất cả mọi người dân và tất cả các đảng viên đảng Cộng Sản Việt Nam có quyền và có bổn phận đặt câu hỏi đó gửi tới ông Nông Ðức Mạnh và tất cả nhóm người thuộc trung ương đảng Cộng Sản. Phải hét vào tai cho họ nghe thấy. Bảo họ phải chấm dứt cái tấn tuồng gian dối mà họ đang trình diễn trong cái hội nghị này và những hội nghị khác, chấm dứt càng sớm càng tốt.

Ngô Nhân Dụng



No comments:

Post a Comment