Đỗ Văn Phúc
Thế là đã quá rõ ràng, không ai có thể phủ nhận việc lá Cờ Vàng Ba Sọc Đỏ là biểu tượng chính thức, duy nhất của người Việt Nam yêu nước, nhất là của những người Việt tị nạn Cộng sản.
Trong suốt những ngày sinh hoạt của Đại hội Thanh niên Công giáo Thế giới 2008 diễn ra ở Sydney, Australia từ hôm thứ Ba 15 tháng Bảy - qui tụ hàng trăm ngàn người đến từ khoảng 170 quốc gia - có ít nhất ba ngàn thành viên Việt Nam - 500 lá cờ vàng khổ lớn và hàng ngàn lá cờ nhỏ cầm tay đã tung bay cùng quốc kỳ các nước khác trong khi không thấy bóng dáng lá cờ đỏ nhuốm máu của Cộng sản Việt Nam.
Theo dõi Lễ Khai Mạc tại Whitlam Center và Thánh lễ bế mạc tại Trường Đua Sydney, được chiếu liên tục trên đài truyền hình WMTN, lòng chúng ta không khỏi dâng lên niềm tự hào, xúc động khi nhìn thấy màu vàng thân yêu của lá cờ Tổ quốc hiện diện khắp mọi nơi, lấn át tất cả cờ của 170 nước khác. Ít nhất, trong đời chúng ta, những người tị nạn, cũng đã có một lần đã bật khóc nức nở khi được lần đầu nhìn lại lá cờ vàng tại hải ngoại sau hàng chục năm dài chịu đựng chế độ lao tù, quản chế trong các trại tù lớn nhỏ và ngay ngoài đời thường ở Việt Nam.
Từ ba mươi ba năm qua kể từ khi đất nước rơi vào vòng nô lệ của Cộng Sản, lá cờ Vàng đã biến mất trên quê hương thân yêu. Nhưng gần ba triệu người Việt di tản đã ấp ủ lá cờ trong tim mình khi đến đất nước tạm dung. Dù qua bao nhiêu biến cố thăng trầm, những bất đồng, tranh chấp về chính trị, chúng ta vẫn coi lá cờ Vàng là biểu tượng duy nhất để từ đó cùng gắn bó với nhau trên con đường đấu tranh chống lại chế độ phi nhân Cộng Sản. Bởi vì lá cờ đó là lá cờ chính thức của Tổ Quốc Việt Nam lưu truyền từ chế độ Phong Kiến nhà Nguyễn, qua hai chế dộ Cộng Hoà. Vì đó là biểu tượng thiêng liêng mà hàng trăm ngàn thanh niên Việt Nam ưu tú đã đổ máu xương để bảo vệ trong hàng thế kỷ qua. Người phụ nữ Việt Nam có thể mặc áo vàng, đỏ, xanh tìm, hồng… nhưng người Mẹ Việt Nam chỉ mặc áo màu Vàng là màu đất quê hương mà bao đời lam lũ, đấu tranh để sinh tồn. Chỉ có người Cộng Sản Việt Nam mới coi những nhà độc tài Lenin, Staline là cha mẹ, ông bà, nên mới khoác chiếc áo đỏ cho bà Mẹ Việt Nam.
Giữa dòng người hành hương mà con số lên đến 350000 người, ba ngàn thanh niên Công giáo Việt Nam đã thực sự cho Hồng Y Phạm Minh Mẫn một câu trả lời rất xác quyết và minh bạch rằng là cờ Vàng không những không làm cản trở sự hiệp thông của thanh niên Công Giáo, mà còn là một biểu tượng của sự đoàn kết và niềm tin trong tương lai, ngay cả đối với các thanh niên từ Việt Nam đến tham dự ngày Đại Hội.
Những phỏng vấn chớp nhoáng đã cho thấy giới trẻ từ Việt Nam đã tỏ ra vô cùng hân hoan khi được cộng đồng Việt tại Úc và thanh niên Việt Nam hải ngoại đón tiếp chân tình, cởi mở. Họ như bừng tỉnh sau những năm tháng bị tuyên truyền của chế độ Cộng Sản. Có em đã nói: “Em biết lá cờ đỏ sao vàng là cờ của đảng CSVN, mà tại sao họ lại gán cho là cờ quốc gia. Như thế là sai trái.” Có em lúc ban đầu đã yêu cầu đừng chụp hình có dính với cờ vàng “Vì sợ sẽ bị rắc rối khi trở về nước.” Nhưng sau cùng thì: ”Anh cứ chụp đi, em sẽ giải thích cho họ biết ở đâu cũng thấy cờ vàng cả thì làm sao mà tránh được.”
Có em còn thành thật tiết lộ rằng các em được lệnh mang theo cở đỏ trong cặp, nhưng thấy khí thế của cờ vàng, nên không “dám” phất cờ đỏ. Một nhà báo Việt Cộng đã phải yêu cầu một em giương lá cờ đỏ để chụp một vài tầm ảnh hòng đem về nước tuyên truyền.
Sự “hiệp thông” giữa giới trẻ Việt Nam trong nước và hải ngoại đã diễn ra vô cùng tốt đẹp, đầy cảm thông đúng như ý nghĩa của nó. Cao hơn nữa là sự hiệp thông với Thiên Chuá, khi Đức Giáo Hoàng Benedicto đã làm phép cho lá cờ Vàng và đón nhận một cách trân trọng từ tay một thanh niên Việt Nam. Ngài đã quàng chiếc khăn mang màu quốc kỳ Việt Nam đó vào mình như một sự thừa nhận mặc thị.
Từ biến cố vĩ đại “Đại Hội Thanh Niên Công Giáo Thế Giới”, chúng vui mừng khi thấy thế hệ thứ hai của người Việt tị nạn đã trưởng thành về mặt chính trị, có một ý thức và lập trường minh bạch về lòng ái quốc. Đồng thời chúng ta cũng đặt nhiều kỳ vọng vào giới trẻ trong nước rằng không phải vì sinh ra và lớn lên, bị giáo dục nhồi sọ bởi Cộng Sản mà họ không nhìn ra lẽ phải. Họ đã thực sự mở mắt khi ra hải ngoại, dù trong một thời gian ngắn ngủi. Họ đã thấy cung cách sống tự do, dân chủ, tấm lòng bao dung của người Việt hải ngoại. Đó sẽ là những hạt nhân để nẩy lên mầm tranh đấu cho dân chủ, tự do và nhân quyền, nối tiếp các nhà tranh đấu đang tích cực hoạt động trong nước. Sẽ không có một cường lực nào ngăn cản nỗi khi tập thể thanh niên cùng đứng dậy cho quyền sống của mình.
Điểm son trong Đại Hội Thanh Niên Công Giáo Thế Giới này, chúng tôi xin dành tặng cho Cộng Đồng Người Việt tại Úc Châu và tất cả các thanh niên Công Giáo Việt Nam. Chúng tôi cũng ghi nhận sự vận động ráo riết, những phản ứng rất lịch sự, nhưng không kém phần cứng rắn của những người Việt hải ngoại trước lời tuyên bố sai trái của Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Có lẽ do thế, mà ông đã tránh mặt, không đến tham dự Đại Hội Trẻ tại Sydney. Hy vọng từ đây, ông sẽ chiêm nghiệm lại các thái độ và quan điểm của mình để cùng đứng về phiá các tu sĩ và giáo dân đang bị nhà cầm quyền Cộng sản bức hại.
Đây là một bài học đích đáng cho những kẻ manh nha phản bội lý tưởng quốc gia của mình, những kẻ ăn cháo đái bát đối với nền văn minh dân chủ tự do mà họ từng được hưởng, để quay mặt chạy về ve vuốt Cộng Sản chỉ vì chút hư danh hay lợi lộc.
Đỗ Văn Phúc
No comments:
Post a Comment