Mặc Giao
Hồng Y Phạm Minh Mẫn
Các cụ xưa có câu: "Một lời phát ra, ngựa Tứ[1] chạy theo không kịp" (Nhất ngôn kỳ xuất Tứ mã nan truy). Nếu lời nói hay và đúng thì cần gì cho ngựa đuổi theo để "bắt" lại. Chỉ những lời nói hố, hoặc thiếu suy nghĩ, hay nói để trả nợ đời, mới cần thu lại để hạn chế những tai hại cho chính người nói và cho rất nhiều người khác. Vì vậy mới có hiện tượng hai webs Công Giáo Việt Nam (trong nước) và Vietcatholic (hải ngoại) đã vội rút lại lời tuyên bố về cờ vàng của Hồng Y Phạm Minh Mẫn sau khi đăng vài ngày, trong khi những bài khác thường được phổ biến liên tiếp hàng tháng. Tuy chỉ vài ngày, sự thiệt hại đã lan ra quá lớn. Do đó, điện báo Công Giáo VN ngày 13-07-2008, trong phần Tiếng Vọng Gioan Baotixita (tôi không biết CGVN với Tiếng Vọng GB khác nhau ra sao, chỉ được đọc lời minh xác rằng HY Mẫn không phải là "chủ" của web này), đã vội chữa cháy bằng một bài cám ơn và xin lỗi một cách rất lúng túng đến tội nghiệp.
Với tựa đề "Thư cám ơn và xin lỗi của Ban Biên Tập CGVN về bức tâm thư của ĐHY Gioan Baotixita", Ban Biên Tập đã nhận ra sự không hài lòng của dư luận về bức thư của ĐHY nên đã "tự ý xóa đi sau một ít thời gian ngắn". Ban Biên Tập "xin được trân trọng cám ơn tất cả mọi người đã dành sự quan tâm cho GHVN, cho cá nhân ĐHY Gioan Baotixita, và còn là cho website CGVN. Những đóng góp xây dựng của Quý vị đối với chúng tôi là vô giá, bởi lẽ đã có rất nhiều điều được Quý vị đề cập một cách rất thuyết phục, mà cứ lẽ thường tình chính chúng tôi đã không thể am tường".
Ban Biên Tập biện minh cho ĐHY là ngài luôn đầy ắp công việc của giáo phận, của Giáo Hội VN và của cả Tòa Thánh, với tuổi cao, hay đau yếu, lại phát biểu trong một bài viết ngắn "đề cập những việc qúa rộng và phức tạp, khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn, không được rõ ràng và đầy đủ hết ý nghiã cần thiết". Ban Biên Tập tự nhận lỗi là "cộng thêm lòng nhiệt thành một cách thiếu khôn ngoan, thiếu cẩn trọng của BBT CGVN, đã vội vàng phổ biến bản văn này mà không chờ đợi để xin ĐHY hiệu đính. Vô tình đã tạo ra nhiều điều đáng tiếc trong cộng đoàn. BBT chúng tôi đã có một phần trách nhiệm trong sự việc này".
Cuối cùng là lời xin lỗi: "Với tất cả sự trân trọng, chúng tôi chân thành xin lỗi Quý Độc giả CGVN, và cũng xin được chuyển lời Tạ lỗi đến với hết mọi người xa gần, cách riêng với đồng bào và đồng đạo Hải Ngoại (chữ in đậm là do CGVN). Tha thứ là món quà quý giá nhất mà con người có thể trao tặng cho nhau. Mọi sự rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình yêu thương mới tồn tại và đủ sức chữa lành tất cả".
Lá thư có những lời lẽ chân thành, nhưng website CGVN có lỗi gì đâu mà phải xin lỗi? CGVN chỉ làm công việc thông tin, phổ biến một bản văn do một người khác viết và chịu trách nhiệm. Trách nhiệm chọn đăng hay không đăng là trách nhiệm nhỏ. Điều thắc mắc là trong khi tự đấm ngực nhận mình là vội vàng, không chịu chờ xin ĐHY hiệu đính, phải chăng CGVN cũng có năng quyền can thiệp vào những bài viết của ĐHY? Câu hỏi được đặt ra: CGVN là ai? Giữ vị trí gì trong Giáo Hội? Nếu không có một vị thế quan trọng, làm sao CGVN dám đứng ra cám ơn giùm cho cả Giáo Hội VN và ĐHY Phạm Minh Mẫn? Tôi không nghi ngờ kiểu "Tào Tháo" đối với CGVN, nhưng lối nhận lỗi kiểu Lê Lai cứu chúa của CGVN khiến người ta phải đặt câu hỏi như vậy. Khi thấy những phản ứng của đồng bào trong và ngoài Giáo Hội Công Giáo, Ban Biên Tập đã nhìn ra sự thật, dù quá trễ. Điều này cũng cho thấy các vị có thẩm quyền của Giáo Hội tại quê nhà từ lâu có thói quen coi thường giáo dân. Giáo dân trong nước ít phản ứng vì không dám. Giáo dân hải ngoại có nhiều phản ứng hơn nhưng bị coi là hành động của một thiểu số cứng đầu, thích "phản chứng" (contestataire) , còn lại đều là một đàn cừu ngoan ngoãn để xoa đầu cạo lông, hay một đàn bò béo để vắt sữa. Các vị cứ làm như giáo dân hải ngoại không có cái mồm để nói, không có cái đầu để suy nghĩ.
CGVN viết: "Mọi sự rồi cũng sẽ qua đi". Nhưng qua đi như thế nào mới là điều đáng kể. Chúng tôi không trở lại chuyện tranh cãi về những lời của ĐHY Mẫn. Hãy để chúng qua đi, nhưng không thể không nói tới những hậu qủa do những lời nói đó gây nên, và để từ đó rút ra những bài học cho tương lai.
Có thể nói những lời tuyên bố lần này của HY Phạm Minh Mẫn đã chôn vùi tên tuổi của HY. Với tư cách là một nhà lãnh đạo tinh thần cao cấp, HY lại đề cập một việc tranh chấp chính trị nhân một biến cố tôn giáo, với hậu ý bênh một phe và chỉ trích phe khác. Đó là điều không xứng đáng và không thích hợp. Lý do tuổi già sức yếu (dù mới trên 70), đa đoan công việc, nên có những lời lẽ thiếu sót, lẩm cẩm, không đứng vững. Nếu ngài mệt nhọc và bận rộn như thế, tại sao ngài có thể bỏ con chiên và tổng giáo phận đi chu du thiên hạ suốt mấy tháng trời, từ đông tây nam bắc Hoa Kỳ rồi lại dự tính đi Úc? Có nghĩ tốt cho ngài thì cũng chỉ có thể nói ngài bị áp lực phải viết hoặc có ai đó viết hộ rồi buộc ngài ký những điều mà trong thâm tâm ngài không nghĩ như vậy. Ai làm việc này, chúng ta đã biết rồi. Tại sao HY phải ký, chúng ta cũng nên hiểu những khó khăn và những cam kết của HY khi ngài tuyên bố: "Tôi đi từ Mỹ Tho lên Sài Gòn chỉ có 60 cây số mà phải mất 3 năm".
Hậu qủa tất yếu cho cá nhân ngài là phải hủy bỏ những cuộc xuất hiện công khai tại những cộng đồng Công Giáo VN ở Nam Cali, Bắc Cali, Seattle, Houston, và đau nhất là phải "cáo lỗi" Đức Hồng Y Pell vì không thể đến Sydney dự Ngày Giới Trẻ Thế Giới. Việc xuất hiện linh đình của ngài tại vùng Washington DC vào đầu tháng 6 chỉ có thể xảy ra khi lời tuyên bố về cờ vàng cờ đỏ chưa được phổ biến. Từ nay về sau, ngài còn nghĩ tới việc bỏ con chiên ở nhà để đi làm "mục vụ di dân" ở ngoại quốc nữa hay không? Hoặc có đi, liệu có dám xuất hiện giữa chốn đông người hay chỉ âm thầm gặp gỡ một số chức sắc và một số chiên ngoan, bò béo?
Ngoài hậu qủa gây ra cho chính cá nhân mình, HY còn gây ra những thiệt hại rất lớn cho giáo phận và Giáo Hội. Giáo phận Sài Gòn từ nay sẽ gặp nhiều khó khăn trong "mục vụ quyên góp" ở hải ngoại. Nhiều dự án chắc sẽ bị ngưng trệ hay teo tóp vì nguồn tài trợ sẽ không còn như dự liệu. Ai có thể quyên tiền hữu hiệu bằng vị hồng y đứng đầu tổng giáo phận? Giáo Hội thì bị mất uy tín, nếu không nói bị coi khinh vì thái độ và lời nói của vị giáo phẩm cao cấp nhất. Nhiều bài trên báo in và báo điện đã chỉ trích HY không nể lời. Có kẻ còn mượn nước đục thả câu, viết những bài chỉ trích không những Giáo Hội CG mà cả Chúa Giêsu lẫn những giáo huấn của Ngài. Họ gieo mầm chia rẽ tôn giáo, chia rẽ các thành phần dân tộc, làm lợi cho ai, chúng ta đã hiểu. Đừng đổ thừa cho những cây viết Công Giáo đã "vạch áo cho người xem lưng". Không vạch, người ta cũng đã biết lưng của chúng ta đẹp xấu ra sao rồi. Không nói còn bị chỉ trích là cả giáo hội các anh bưng bít cho nhau, kiểu "đẹp đẽ phô ra, xấu xa đậy lại".
Một đại diện cộng đồng Công Giáo VN tại Úc đã nói với những đồng hương không Công Giáo rằng "Vụ này, người Việt Quốc Gia đau một, người Việt Công Giáo chúng tôi đau mười". Nhiều người chúng tôi đã điếc tai nghe những bạn bè ngoài Công Giáo, những người có học thức, có suy nghĩ, biết tự chế, nói thẳng với chúng tôi những câu khinh mạn Giáo Hội và những người lãnh đạo GH. Chúng tôi đau lắm. Chúng tôi hổ thẹn và lo lắng cho Giáo Hội. Nhưng chúng tôi không thể bênh những điều không thể bênh được. Điều chúng tôi có thể nói lên trước công luận là những gì một GM hay HY trong GHCG phát ngôn hoặc viết ra liên quan tới quyền lợi của quốc gia dân tộc, tới danh dự tập thể người Việt tỵ nạn ở hải ngoại chỉ phản ảnh ý kiến, quan điểm riêng của quý vị ấy, không thể được hiểu là tiếng nói chung của người Công Giáo và càng không phải là quan điểm của Giáo Hội. Trong trường hợp lá thư của HY Mẫn, thì chính những người trẻ CG hiên ngang phất cao cờ vàng tại Đại Hội đã chứng minh điều ấy.
Một hậu qủa khác, có thể gọi là hậu qủa ngược. Đó là lời tuyên bố không muốn thấy lá cờ vàng trong Ngày Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới của HY Mẫn đã "khích tướng" giới trẻ Công Giáo VN hải ngoại, nếu không nói là gây chiến với toàn thể hàng ngũ người Việt Quốc Gia. Kết qủa là Đại Hội đã tràn ngập cờ vàng ba sọc đỏ, nhiều hơn những lần đại hội trước. Chẳng có ông cảnh sát mũi lõ nào cầm dùi cui đến cấm và bắt bỏ bót những người trưng cờ và dấu hiệu không được phép, như lời dọa của "luật da dổm" Lữ Giang. Thậm chí trong cuộc diễn hành với phần dẫn đầu bằng cờ của 168 quốc gia, cờ vàng ba sọc đỏ đã hiên ngang tung gió cùng với cờ các nước khác.
Trên tầu Cruise MV Sydney 2000 đưa Đức Giáo Hoàng từ cảng Sydney tới khu Barangaroo, nơi hành lễ, một thanh niên VN, anh Phạm Vũ Anh Dũng, đã được chọn vào nhóm thanh niên đại diện các quốc gia đứng bao quanh Đức Thánh Cha trên tầu. Anh Phạm Vũ Anh Dũng đã xin Đức Thánh Cha làm phép chiếc khăn mầu vàng ba sọc đỏ, sau đó dâng lên Ngài và điều đặc biệt nhất là chính Ngài đã tự tay khoác lên cổ mình trong giây phút trước khi được người tháp tùng giữ lại như một trong những món quà lưu niệm của ĐTC trong dịp chủ tọa Ngày Giới Trẻ Thế Giới 2008 tại Úc.
Khi được hỏi về sự kiện này trong một cuộc họp báo, Linh mục Federico Lombardi, Giám đốc Văn Phòng Báo Chí Tòa Thánh đã phát biểu: "Có một bạn trẻ người Úc di dân từ VN đã được đi trên thuyền với Đức Thánh Cha. Người Úc gốc Việt Nam là thành phần quan trọng của xã hội Úc. Vì thế bạn trẻ đó đã kể cho Đức Thánh Cha về lịch sử Sydney và tầm quan trọng của lịch sử di dân Việt Nam" (Vietcatholic News 17/07/2008). Như vậy ai dám nói Đức Giáo Hoàng và Tòa Thánh không biết mầu cờ vàng ba sọc đỏ là biểu tượng trân quý của người tỵ nạn VN?
Chưa hết, trong thánh lễ khai mạc Đại Hội do Đức Giáo Hoàng chủ sự, cô Trần Thị Duy Linh được chọn là một trong những người trẻ dâng của lễ. Cô đã mặc áo dài khăn đóng, quàng chéo vai dải quốc kỳ mầu vàng ba sọc đỏ.
HY Mẫn cho cờ vàng có khi là "thói đời đối kháng". Người ta thấy cờ vàng ở Đại Hội lần này không đối kháng ai, nhưng đã được dùng như một sự khẳng định lập trường và hàng ngũ, một trả lời đốp chát cho Hồng Y và những người cộng sản VN muốn triệt hạ biểu tượng của những người không chấp nhận cộng sản.
Với những hậu qủa không đáng hãnh diện như trên, chúng ta rút ra được những bài học gì, cho ai, sau biến cố phát ngôn vụng về này?
Bài học thứ nhất cho chính HY Phạm Minh Mẫn và cho mọi người chúng ta là đừng nên kết án tiên thiên, nghi ngờ người khác khi sự việc chưa xảy ra. Kết án dựa trên một giả định theo lập trường của riêng mình phần lớn dẫn đến sai lầm. Lời lên án những người trẻ hải ngoại trưng cờ vàng sẽ cản trở sự hiệp thông với những người trẻ trong nước đã được chứng minh là sai lầm hoàn toàn. Thực tế, khoảng 600 người (trẻ chỉ chiếm hai phần ba, còn lại là linh mục, tu sĩ và nữ tu) từ trong nước đi dự Đại Hội đã hiệp thông rất ngoạn mục với khoảng 3000 người Việt trẻ ở hải ngoại. Chẳng ai đặt vấn đề gì với ai. Có những linh mục trong phái đoàn giới trẻ từ quốc nội đã hãnh diện khoác lên mình lá cờ vàng ba sọc đỏ. Tóm lại tất cả đều sinh hoạt chung một cách vui vẻ, cởi mở trong tinh thần con một Cha trên trời và con một Mẹ VN dưới đất. Ngày Thứ Tư 16 tháng 7, họ đã dự Đại nhạc hội Trở Về Nguồn với những tiết mục văn nghệ giao lưu do các đoàn từ khắp nơi, kể cả Việt Nam, trình diễn. Họ đã vui chơi, cầu nguyện và học hỏi cùng với nhau. Đức Cha Bùi Văn Đọc của giáo phận Mỹ Tho đã hướng dẫn đề tài "Được mời gọi sống trong Chúa Thánh Thần". Đức Cha Mai Thanh Lương của giáo phận Orange (Hoa Kỳ) đã giảng thuyết trong thánh lễ. Ngày Thứ Năm 17 tháng 7 lại có chương trình hội thảo và sinh hoạt khác, trong đó có bài học hỏi của Đức Cha Vũ Văn Thiên, giáo phận Hải Phòng, về đề tài "Chúa Thánh Thần, linh hồn Giáo Hội". Chẳng có gì có thể ngăn cản sự hiệp thông giữa những người trẻ. Việc gì phải lo chuyện trời xập giùm cho ai?
Bài học thứ hai dành cho các vị lãnh đạo Giáo Hội Việt Nam là đừng coi thường trí tuệ và quyết tâm của cộng đồng người Việt hải ngoại, trong đó có những người Việt Công Giáo. Trong khi lo lắng bảo vệ tự do tín ngưỡng cho các giáo hội, trong khi tích cực đóng góp vật chất để các giáo hội có phương tiện hành đạo và mở đạo, họ rất nhạy cảm với những lời nói và hành động đụng chạm tới lý tưởng yêu chuộng tự do và nhân quyền của họ. Lý do dễ hiểu: họ là những nạn nhân của cộng sản, là những người chạy trốn cộng sản. Đừng thấy mỗi năm có hàng trăm ngàn người trong số họ về thăm đất nước là tưởng họ đã thay đổi lập trường. Riêng với những người Công Giáo tỵ nạn, họ không còn là những con chiên vâng phục tối mặt như 50 năm trước đây. Họ đã được dậy, được nhìn, được thực hành bổn phận và quyền lợi của giáo dân trong việc xây dựng Giáo Hội. Hãy đối xử với họ theo cung cách của thời đại hậu Công Đồng Vatican II. Công Đồng đã diễn ra cách đây trên 40 năm rồi.
Cuối cùng, nhà cầm quyền cộng sản VN cũng phải rút ra bài học là đừng coi thường phản ứng và sức mạnh của cộng đồng người Việt hải ngoại. Sau 33 năm, họ vẫn kiên vững tinh thần. Lá cờ vàng của họ không phải chỉ được những ông bà già "thù dai" (?) gìn giữ, nhưng được những thế hệ con cháu của họ trân quý và hãnh diện. Những người phất cờ vàng hăng hái nhất trong mọi dịp là những người trẻ có học, đang là những sinh viên đai học, những chuyên viên thượng thặng, những người chỉ huy trong xã hội họ sống. Họ không phải là những người dốt nát, dễ bị dụ dỗ. Nhiều người sinh ra và lớn lên ở hải ngoại nhưng họ đã hiểu vì sao ông bà, cha mẹ họ phải bỏ nước lưu vong, vì sao quê cha đất tổ và đồng bào ruột thịt còn chịu lầm than. Cờ vàng là biểu tượng cho lý tưởng tự do của thế hệ trước, được truyền lại cho các thế hệ sau. Đã là biểu tượng thì không gì có thể phá hủy. Vì vậy mọi mưu toan dẹp cờ vàng đều rước lấy những thất bại nặng nề.
Ông Trần Quốc Khánh, Phó Tổng Lãnh Sự Việt Nam cộng sản tại Sydney đã tuyên bố phủ nhận cờ vàng, kết án những người muốn làm sống lại lá cờ này. Đó là bổn phận của ông, ăn cây nào rào cây ấy. Không ai chối cãi cờ đỏ sao vàng của những người đang nắm quyền hiện được coi như lá cờ chính thức về phương diện chính trị và ngoại giao, cũng giống như cờ chữ vạn của Hitler hay cờ búa liềm của Liên Xô thuở nào. Nhưng cũng không ai có thể cấm những người Nga lưu vong giữ cờ thời Nga Hoàng để cắm trên điện Kremlin thay thế cờ búa liềm 70 năm sau. Tòa Lãnh Sự cộng sản đã chạy đôn chạy đáo vận động Ban Tổ chức cấm cờ vàng nhưng không kết qủa. Họ tính tổ chức một cuộc "đua cờ" ngày bế mạc Đại Hội 20 tháng 7 bằng cách bắt các sinh viên du học và Việt kiều theo họ trà trộn vào đám đông để phất cờ đỏ sao vàng trong buổi lễ. Nhưng, dự tính của họ không thành, hẳn vì đại đa số những sinh viên du học này ngày nay đã có cái nhìn khác. Ho đã biết thế nào là giá trị của tự do, dân chủ.
Trong khi ấy, theo lời ông Bùi Xuân Vũ, một người tham dự cuộc biểu dương cờ vàng trong ngày bế mạc Đại Hội, thì "Lúc 7 giờ sáng, đoàn cờ Việt Nam đi rất đẹp trên đại lộ dẫn vào khuôn viên hành lễ. Riêng cờ lớn, ban tổ chức cho biết là có trên 500, cờ nhỏ không kể. Đoàn người đi rải dài trên phố nên đoàn cờ trông càng hùng dũng hơn. Khi vào đến bên trong nơi hành lễ, sân lễ qúa rộng, mấy trăm cái cờ của mình như muối bỏ bể, chỉ còn chia nhau lác đác mỗi chỗ năm ba ngọn cờ giơ cao. Tuy thế, ngay từ đêm trước, các bạn trẻ Việt Nam ở Úc và cả các bạn trẻ từ Mỹ và Âu châu cũng đã cột ngọn cờ của Việt Nam lên nhiều địa điểm cao trong sân vận động rồi. Nên nhìn chỗ nào cũng thấy cờ Việt Nam". Các hình chụp cũng cho thấy nhiều cờ vàng nổi bật giữa đám đông. Không hề thấy một cờ đỏ sao vàng nào. Lá cờ này chỉ được tạm sống trên đất Việt Nam hiện nay. Cờ đỏ không được "welcome" và không có đất sống ở bất cứ nơi nào khác trên thế giới nơi có người Việt tỵ nạn sinh sống. Cờ vàng thì trái lại. Cộng sản và những tay sai nên suy nghĩ từ thực tế và sự thất bại cay đắng này.
Chuyện cờ quạt gây ra do Hồng Y Tổng Giám Mục "TP Hồ Chí Minh" với những hậu qủa của nó nên được kết thúc. Lời nói đã bay đi rồi, dù có bốn ngàn thần mã phi nước đại cũng không đuổi theo được. Những tai hại cũng vung vãi ra rồi, như chén nước đổ xuống đất không thể hốt lại được nữa. Chúng ta chỉ tự an ủi là trong cái rủi này, có những cái may khác. Đó là lý tưởng tự do được hâm nóng thêm, sự hiệp thông giữa những người trẻ VN được khắng khít thêm, những vị có trách nhiệm trong Giáo Hội có cơ hội nhìn vấn đề một cách sát thực tế hơn để thay đổi thái độ cho thích hợp. Tạm thời, hồn ai nấy giữ, cờ ai nấy phất, chờ một ngày đẹp trời khi nhân dân Việt Nam được hỏi và được trả lời một cách tự do là muốn giữ lá cờ nào hay muốn chọn một mẫu cờ khác.
Mặc Giao
1. Ngựa Tứ là giống ngựa qúy có sức dẻo dai và nước phi thần tốc
- Dưới đây là thư cám ơn và xin lỗi của ban biên tập Công Giáo Việt Nam
- THƯ CÁM ƠN VÀ XIN LỖI CỦA BAN BIÊN TẬP CGVN VỀ BỨC TÂM THƯ CỦA ĐHY GIOAN BAOTIXITA
Trọng kính Quí Đức Cha, Quí Cha và Quí Độc giả CGVN.
Trong những ngày qua, từ khắp nơi đã có nhiều bài viết, email được gởi phổ biến rộng rãi để bày tỏ sự không hài lòng về bức thư ngỏ của ĐHY Gioan Baotixita V/v chuẩn bị cho Đại hội Giới Trẻ Thế Giới. Bức thư này do CGVN phổ biến với tên gọi (nick name) Tiếng Vọng Gioan Baotixta và CGVN cũng đã tự ý xóa đi sau một ít thời gian ngắn.
Sau khi chúng con đã cẩn thận lắng nghe tất cả trong tinh thần rất chân thành, chúng con xin được trình bày với Quí Độc giả khắp nơi một vài chi tiết khá quan trọng mà một số Độc giả có thể chưa biết, với hy vọng vấn đề được sáng tỏ hơn.
Tâm tình đầu tiên chúng tôi xin được trân trọng cám ơn tất cả mọi người đã dành sự quan tâm cho GHVN, cho cá nhân ĐHY Gioan Baotixita, và còn là cho website CGVN. Những đóng góp xây dựng của Quí vị đối với chúng tôi là vô giá, bởi lẽ đã có rất nhiều điều được Quí vị đề cập đến một cách rất thuyết phục, mà cứ lẽ thường tình chính chúng tôi đã không thể am tường.
Cách đây không lâu, khi khai trương Trang mục Tiếng Vọng Gioan Baotixita, BBT CGVN đã viết: Chúng tôi đặc biệt trân trọng ý kiến của Dân Chúa Hải Ngoại vì Quí vị có nhiều phương tiện hơn chúng tôi và đang có mặt ở khắp nơi hầu có thể tiếp nhận nhiều tinh hoa hơn. Muốn biết chi tiết, phải đến gần; muốn nhìn tổng quát cần đứng xa. Quí vị vừa đứng xa để nhìn tổng quát, nhưng cũng có thể "đến gần" dễ dàng. Chỉ cần một lần về thăm Quê hương, đi dọc Saigon - Huế - Hanoi là được biết khá nhiều, còn anh em trong nước đôi khi gần mà lại khó khăn hơn
http://www.conggiaovietnam.net/index.php?m=home&v=detail&ia=348
Đây là một bằng chứng quan trọng để minh xác rằng tên gọi "Tiếng Vọng Gioan Baotixita" chỉ là một sự trùng hợp tình cờ với tên Thánh của ĐHY, chứ không phải ĐHY là "chủ" của Trang mục này. Gioan Baotixita chính là vị Tiền Hô vĩ đại của Chúa Cứu Thế. Mọi người đều có thể gởi bài viết tham gia Trang mục này để góp phần xây dựng GHVN. Hiện nay đã có khá nhiều tác giả tham gia Trang mục này.
Ngoài ra trong Trang mục "Lời Chủ Chăn", do việc trình bày (design) đã không thực sự rõ nghĩa nên cũng đã tạo nhiều sự hiểu lầm trong cộng đoàn. Đúng nhất, BBT phải trình bày đầy đủ "Lời chủ chăn của Tổng giáo phận Saigon"
Phương tiện duy nhất chúng ta đang sử dụng ở đây để truyền thông với nhau chính là chữ viết, những ký tự rất lạnh lùng nhưng lại có thể chứa đựng nhiều phong phú, đa dạng cũng như phức tạp, và cả mâu thuẫn, lẫn tối nghĩa...
Phải chăng hoàn cảnh của ĐHY thì lại luôn đầy ắp công việc của Giáo phận, của Giáo Hội Việt Nam và trong cương vị Hồng Y còn thêm những công việc của Tòa Thánh, với tuổi càng cao, càng thường xuyên đau yếu? Một bài viết thật ngắn nhưng lại phải đề cập đến những việc quá rộng và phức tạp, khiến nảy sinh nhiều mâu thuẫn, không được rõ ràng và đầy đủ hết ý nghĩa cần thiết.
Cộng thêm lòng nhiệt thành một cách thiếu khôn ngoan, thiếu cẩn trọng của BBT CGVN, đã vội vàng phổ biến bản văn này mà không chờ đợi để xin ĐHY hiệu đính. Vô tình đã tạo ra nhiều điều đáng tiếc trong cộng đoàn. BBT Chúng tôi đã có một phần trách nhiệm trong sự việc này.
Kính thưa Quí vị,
Trong thân phận làm người, sau bao năm khó nhọc ngược xuôi với việc rao giảng Tin Mừng, chính Thánh Phaolô đã phải thốt lên: "Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm" (Rm 7,15). Trong vai trò một giáo sĩ hay một giáo dân cũng thế, có lẽ mọi người đều dễ dàng cảm nhận được rằng: tuy tôi có làm được chút gì cho Giáo Hội, song cũng chẳng thiếu những lần tôi sai lỗi và làm thiệt hại cho Giáo Hội của Đức Kitô - Đấng vẫn còn đang tiếp tục chịu đóng đinh cho con người. Quan trọng là tôi có dám làm theo lời kêu gọi của Thánh Gioan Baotixita "Hãy sinh hoa quả để tỏ lòng sám hối" (Mt, 3,8) hay không mà thôi.
Với tất cả sự trân trọng, chúng tôi chân thành xin lỗi Quí Đọc giả CGVN, và cũng xin được chuyển lời Tạ lỗi này đến với hết mọi người xa gần, cách riêng đối với đồng bào và đồng đạo Hải Ngoại. Tha thứ là món quà quí giá nhất mà con người có thể trao tặng cho nhau. Mọi sự rồi cũng sẽ qua đi, chỉ có tình yêu thương mới tồn tại và đủ sức chữa lành tất cả.
Nguyện xin Thiên Chúa bù đắp cho những thiếu sót của chúng con, và đặc biệt xin chúc lành cho hết thảy những ai mà do vô tình chúng con đã làm thiệt hại.
- Hãy tha thứ cho tình yêu nhân rộng,
Để hạt mầm bác ái mãi thăng hoa.
Cũng da vàng máu đỏ: giống một nhà,
Tình liên đới, hòa bình luôn bất diệt.
BBT CGVN
Tác giả: Ban Biên Tập CGVN
No comments:
Post a Comment