Wednesday, July 16, 2008

Viết Về Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy

Giao Chỉ
San Jose

Lúc còn đi học, ngay từ trường Nguyễn Khuyến tỉnh Nam Ðịnh, chúng tôi đã hâm mộ thơ Ðằng Phương.

    “Ðây sông Gianh, đây biên cương thống khổ.
    Ðây sa trường, đây nấm mộ trời Nam”.

Ðó là bài Hận Sông Gianh.

Và đây là vần thơ lẫm liệt viết về Ngày tang Yên Bái:

    “...và tử thần kính cẩn đứng ghi tên.
    Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc”.

Ôi, thơ như thế mới hào sảng và rung động biết chừng nào. Có thể đã 60 năm qua rồi, chẳng biết lời thơ nhớ lại còn đúng được bao nhiêu? Vậy mà cho đến đầu thập niên 90, mới có dịp biết rằng thi sĩ Ðằng Phương là bút hiệu của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Ông Ðỗ Tiến Ðức ở Los Angeles cho rằng danh tiếng nhà thơ Ðằng Phương nổi hơn nhà chính khách Nguyễn Ngọc Huy. Thực khó mà quyết đoán như thế. Ðây là hai mặt của một người.

Nhất Linh chẳng hạn. Vừa là nhà văn, vừa là nhà cách mạng. Và Nguyễn Ngọc Huy vừa là nhà tranh đấu, vừa là nhà thơ. Cả hai ông đều là người yêu nước. Cả 4 nhân vật đều là tinh hoa của dân tộc. Khó lòng mà xác định nhà thơ Ðằng Phương và giáo sư Nguyễn Ngọc Huy ai nổi tiếng hơn ai. Ðó là người chúng tôi muốn giới thiệu với quí vị.

Cuối tuần này giáo sư Nguyễn Ngọc Huy trở lại San Jose. Chẳng phải là “Anh Ba Huy” về gặp gỡ chúng ta, mà đĩa DVD của các thân hữu, chiến hữu của ông thực hiện về cuộc đời của một danh nhân Nam Kỳ sẽ ra mắt bà con.

Tôi đã được xem qua DVD dài 2 giờ đồng hồ, đầy đủ về thân thế, sự nghiệp, gia cảnh, học vấn, đấu tranh, tác phẩm, thành quả chẳng thiếu mặt nào. Tài liệu tuyên dương, nhưng rất trung thực, rất phong phú và trình bày khoa học.

Thực hết sức ngạc nhiên là tác phẩm DVD này lại do một bạn trẻ và các anh em của nhóm gọi là Câu lạc bộ Ðằng Phương thực hiện. Các em thậm chí lại còn chưa hề gặp giáo sư Nguyễn Ngọc Huy lúc sinh tiền. Chỉ nghe tiếng và tìm hiểu. Rồi đọc sách, đọc thơ đem lòng yêu mến để soạn thành một tác phẩm với hình ảnh, âm thanh, kỹ thuật sống động. Quả thực nếu mà ông còn sống xem được chắc hẳn hết sức xúc động và cảm kích.

Tôi sẽ không giới thiệu với quí vị chi tiết về cuộc đời giáo sư Nguyễn Ngọc Huy. Sinh trưởng ra sao, lấy vợ như thế nào. Học hành chưa xong sao đã yên bề gia thất. Có gia đình rồi mới đại đăng khoa. Rồi đi vào con đường đấu tranh ra sao. Nói tóm lại DVD của thế kỷ thứ 21 cho ta trọn vẹn hình ảnh của một con người đã sinh ra đã sống, đã đấu tranh và sau cùng đã chết như thế nào ở cuối thế kỷ 20. Ðể lại sự thương tiếc cho bao nhiêu người. Người ở lại đã nói gì về người ra đi. Người ra đi đã để lại cho chúng ta những bài học gì.

Phải xem DVD mới cảm được toàn vẹn câu chuyện về một đời người.

Khi còn sinh tiền, ông Nguyễn Ngọc Huy đến thăm San Jose nhiều lần. Ông họp với các chiến hữu, các đồng chí. Khi nào mở rộng ra cho cộng đồng thì anh Nguyễn Quan Vĩnh, người đại diện cho ông Huy thường mời tôi đến dự.

Thú thực, tôi vốn chỉ biết chuyện nhà binh, rất dè dặt với các chính khách. Lại chẳng biết đảng nào vào với đảng nào. Nghe nói nào là Ðại Việt miền Bắc, Ðại Việt miền Trung, Ðại Việt miền Nam. Rồi Ðại Việt Quan Lại. Ðại Việt, Quốc Dân Ðảng và cả Tân Ðại Việt. Sinh hoạt với nhau trong phạm vi Liên Hội thì có cả Mặt trận lẫn Phục Hưng và Liên Minh Dân Chủ. Bên ngoài thì tất cả đều là anh em cộng đồng nhưng bên trong các bạn tôi mỗi người sinh hoạt đảng ra sao hoàn toàn là chuyện nội bộ.

Thời kỳ đó cộng đồng người Việt chúng ta còn hiền khô, nhưng xem ra anh Ba Huy cũng đã gặp nhiều sóng gió. Tại nhà bạn Nguyễn Quan Vĩnh, nhà tranh đấu Nguyễn Ngọc Huy bền bỉ thuyết phục mọi người. Ông luôn luôn nhắc đi nhắc lại ba con đường đấu tranh. Một là cho người về nước vận động đấu tranh đòi tự do dân chủ. Hai là vận động đoàn kết giữa người Viêt quốc gia và ba là vận động đồng minh trong thế giới tự do.

Thầy nói thầy nghe chứ thực ra anh em ta cũng chưa có lòng tin. Xâm nhập đường biển như Trần văn Bá đã lãnh án tử hình. Kinh Kha thời đại như Võ Ðại Tôn chịu đau thương ở xứ Lào kéo theo 9 năm tù tội. Ðường về đấu tranh võ trang như bên ông Hoàng cơ Minh cũng phải hy sinh trong núi rừng biên giới. Bây giờ niên trưởng cho người về nước đấu tranh bằng máy bay thì e rằng tiến thoái lưỡng nan. Phía trước đương đầu với công an trong nước, sau lưng thì bị anh em hải ngoại chụp ngay nói cối.

Xem ra việc đưa người về nước vận động dân chủ hơi khó đấy, thưa giáo sư... Giáo sư Huy cười mà nói rằng: Thôi, anh em cả, đừng có giáo sư hay niên trưởng gì nữa.

Tiện đà anh em bèn hỏi ngay: Nghe nói anh Ba lãnh đạo Liên Trường chủ trương kỳ thị Bắc Kỳ phải không. Lại còn cái vụ án giáo sư Bông, người thì bảo phe ông Kỳ giết, người thì bảo nội bộ thanh toán. Rồi còn vụ cơm không lành, canh không ngọt với bên ông Hà Thúc Ký, rồi vụ bác sĩ Nguyễn Tôn Hoàn.

Ôi chao, thật là rắc rối tơ vò. Anh Ba Nam Kỳ rỉ rả giãi bầy biết bao nhiêu là nguồn cơn oan khuất. Ông đem chuyện bên Tàu nói chuyện bên ta. Ông đem Kim Dung ra luận bàn, nào là thế võ “Lộng giả thành chân” nào là “Tương kế tựu kế”. Lại nói cả chuyện Mao Trạch Ðông kêu Giang Thanh vào rầy la bắt nàng phải đóng cửa hai nhà máy gang thép và mũ nón. Thì ra vào cái thời cuối trào cách mạng văn hóa, nhóm tứ nhân bang của cô vợ nhỏ chủ tịch Mao ra tay đánh phá (máy gang thép) và chụp mũ anh em là bọn phản động xét lại (nhà máy mũ nón).

Mao Trạch Ðông bắt Giang Thanh đóng cửa 2 nhà máy làm thép và làm nón ý nói cấm không được dùng báo Ðảng để đánh phá và chụp mũ các đồng chí.

Ðó chính là những mẫu chuyện cổ kim uyên bác của giáo sư Nguyễn Ngọc Huy.

Bẵng đi một thời gian, người ta thấy có chỉ dấu đấu tranh chính trị ngay trong mước. Một chương trình hội thảo dân chủ do người đồng chí cùng tên là Nguyễn Ngọc Huy từ Việt Nam phác họa. Phía Hoa Kỳ có giáo sư Stephen B.Young tiếp tay.

Tiếc thay việc lớn không thành, những người chủ trương bị bắt và xử tội. Tuy nhiên con đường đấu tranh từ trong nước bằng phương pháp bất bạo động đã mở ra.

Về phần vận động thế giới tự do, giáo sư Huy đạt được nhiều thành công cụ thể hơn từ Âu Châu qua Mỹ quốc. Các tổ chức kết hợp chính khách của thế giới tự do cho một Việt Nam tự do thành hình và hứa hẹn tương lai tốt đẹp.

Nhưng cái vế thứ ba thuộc về cộng đồng người Việt hải ngoại thì hình như mộng ước của ông không đạt được. Khi ông còn sống, cộng đồng chia ba xẻ bảy, cho đến khi ông ra đi cộng đồng ta vẫn xẻ bảy chia ba. Các nhà máy gang thép và nhà máy sản xuất mũ nón mở ra khắp mọi nơi, phe nào cũng có cửa tiệm.

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại, thấy thừa hai cây.

Thởi sinh thời cho đến khi ra đi giáo sư Nguyễn Ngọc Huy vẫn được ca tụng là người xuất sắc. Học vấn, văn tài, điều hợỳp, tổ chức, và tấm lòng hy sinh vì đại cuộc, tất cả đều được mọi người kính phục. Nhưng vượt lên trên tất cả là đức độ. Suốt cuộc đời tranh đấu ông không hề lên án anh em, không bút chiến trả đũa các chiến dịch đánh phá dù là bạn hay thù. Tuy không nói ra, nhưng dứt khoát con người tranh đấu Nguyễn Ngọc Huy đã đem chính nghĩa chống hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo.

Ông cũng đã từng nói rằng phải lấy nhu thắng cương, giữa anh em phải chịu đựng và thuyết phục chứ không đánh phá trả đũa. Và sau cùng, ông luôn luôn giữ cho mình một bộ thắng thật tốt. Trong đấu tranh phải biết ở đâu là chỗ dừng lại, cỗ xe càng có sức mạnh lại càng cần bộ thắng tốt. Tiếc thay, ông ra đi mà không để lại một bộ thắng thật tốt cho cộng đồng chúng ta.

Thương tiếc giáo sư Nguyễn Ngọc Huy và yêu mến thi sĩ Ðằng Phương biết chừng nào.

Người sĩ phu đất Nam Kỳ một thời đã khóc bên bờ con sông Gianh.

    “Ðây dòng sông, ngàn dân Việt thác oan
    Đây cổ mộ, xương tàn xưa chất đống
    Sông còn đây, hận phân chia nòi giống
    và còn đây, niềm cốt nhục tương tàn.”
    Ai biết rằng, sau sông Gianh chia cắt lại có sông Bến Hải.
    Rồi sau Bến Hải thống nhất thì cả nước tiếp tục lầm than.

Còn ở đây bây giờ, tuy người Việt đã trở thành người Mỹ, nhưng sao nhìn đâu cũng thấy ra toàn là cộng sản. Chẳng còn ai nghe được lời khuyên khoan dung, đức độ của nhà cách mạng Nguyễn Ngọc Huy.

Viết tưởng nhớ thi sĩ Ðằng Phương nhân dịp ghi dấu hiệp định Geneve 20/7/1954

Giao Chỉ
San Jose

No comments:

Post a Comment