Wednesday, July 23, 2008

Thông Điệp Cờ Vàng




Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

Đại Hội Giới Trẻ Công Giáo Thế Giới WYD2008 đã bế mạc. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI đã trở về Roma. Các giám mục, linh mục đã rời về nhiệm sở. Các bạn trẻ và những người tham dự cũng đã giã biệt bạn bè để về với gia đình. Thành phố cảng Sydney của nước Úc với 2 công trình nổi bật là cây cầu Harbor và hí viện Opera House bắt đầu lại cuộc sống bình thường của nó. Mọi người từ phương xa tới đã rời Sydney với một dấu ấn khó quên về ngày Giới Trẻ WYD2008.

Riêng người Việt Nam, bất kể từ trong nước ra hay từ thập phương tới, có thể nói tất cả khi trở về đều mang theo hình ảnh lá Cờ Vàng 3 sọc đỏ thân thương. Không biết ở đâu mà nhiều cờ đến thế. Cả một rừng cờ, toàn cờ là cờ. Không chỗ nào không có bóng dáng lá Cờ Vàng 3 sọc đỏ. Sự thể trái hẳn với những kỳ Đại Hội WYD trước, cũng có các bạn trẻ VN tham dự, nhưng chỉ với một vài lá cờ tương đối nhỏ tượng trưng. Hiển nhiên là nếu không có lá thư khiêu khích của HY Phạm Minh Mẫn thì đã không có hiện tưọng “rừng cờ” tại WYD Sydney.

Kinh nghiệm cho thấy tinh thần chống cộng của cộng đồng tỵ nạn VN trên toàn thế giới rất cao và rất kiên cường. Cái cộng đồng này mỗi khi bị chọc tức thì nó phản ứng rất mãnh liệt không ai cản nổi. Đặc biệt lần này sự phản ứng bùng lên từ giới trẻ là những ngưòi có thể nói đa số không có kinh nghiệm bản thân về CS. “Biến cố Cờ Vàng” tại Đại Hội Giới Trẻ CG tại Sydney như vậy rõ ràng là một Thông Điệp trả lời cho HY Phạm Minh Mẫn, đặc biệt là trên hai điểm qui kết tàn nhẫn và ác độc nhất trong lá thư của ông: Cờ Vàng là một thói đời mang tính đối kháng và nó là nguyên nhân làm tắc nghẽn sự hiệp thông của tuổi trẻ VN trên thế giới.


Sự thật tại Sydney đã trả lời như thế nào?

Thứ nhất, lá Cờ Vàng không phải là một thói đời mang tính đối kháng.

1/ Lá Cờ Vàng 3 sọc đỏ tại WYD2008 chắc chắn đã bị ban tổ chức (BTC) đại hội cấm không cho xuất hiện và nó đã bị cả nửa triệu tham dự viên tẩy chay nếu nó là biểu tượng của một lối sống, hoặc một thói đời mang nặng thù hận và đối kháng như HY Phạm Minh Mẫn tố cáo. Suốt thời gian đại hội, người ta không hề thấy BTC hoặc bất cứ ai lên tiếng phê bình hoặc dị nghi về tính chất của lá Cờ Vàng. Do đó lời tố cáo của HY Mẫn là sai sự thực và có ác ý. Mục đích và đặc tính của đại hội là thương yêu chứ không phải thù hận, là hiệp thông chứ không phải đối kháng. Lá Cờ Vàng đã đáp ứng những yêu cầu cho mục đích của đại hội nên nó đã hiên ngang và được tự do xuất hiện trong suốt thời gian đại hội không bị ai cấm cản. Giả sử một thí dụ phản chứng như sau: có một đoàn thanh thiếu niên người Đức thuộc thành phần thanh niên đầu trọc (skinhead) mang lá cờ chữ Vạn của Đức Quốc Xã tới Sydney tham dự Đại Hội WYD thì chuyện gì sẽ xẩy ra? Tôi tin chắc nửa triệu tham dự viên của đại hội sẽ nhất định có phản ứng. Họ dứt khoát sẽ không đứng chung với lá cờ của Hitler đã một thời thực sự mang tính đối kháng với mọi dân tộc trên thế giới. Và tôi cũng dám khẳng định BTC Đại Hội và ngay cả Đức Giáo Hoàng cũng không không chấp nhận sự hiện diện của lá cờ này vì nó đã gây chết chóc cho hàng triệu sinh linh, làm điêu đứng hầu như cả thế giới, mặc dù lá cờ này đã có một giai đoạn là lá cờ tổ quốc của nước Đức của Ngài. Đấy mới là lá cờ mang tính đối kháng thực sự.

2/ Việc Đức Thánh Cha ưu ái làm phép lá Cờ Vàng và tự tay choàng nó lên cổ Ngài rõ ràng là một sự phủ định lời tố cáo của HY Phạm Minh Mẫn: lá Cờ Vàng là một thói đời mang tính đối kháng. Nếu lá Cờ Vàng biểu tượng cho một cái gì đó xấu xa mang tính phá hoại như HY Mẫn tố cáo thì chắc chắn Đức Thánh Cha đã không bầy tỏ cảm tình ưu ái đó đối với nó. HY Mẫn hay có ai đó nghĩ rằng Giáo Hoàng không biết? Xin thưa, Đức Thánh Cha là một bậc trí thức uyên thâm, hơn nữa Ngài là con dân của nước Đức, một đất nước cũng bị chia cắt vì CS như VN. Ngài không thể không biết, trái lại Ngài biết rõ hơn ai hết ý nghĩa mà lá Cờ Vàng biểu tượng. Có ai đó cứ thử đem lá cờ của chế độ CS Đông Đức cũ cho Giáo Hoàng xem Ngài có ưu ái nó như lá Cờ Vàng không? Tôi tin là không bao giờ.

Thứ hai, lá Cờ Vàng không hề làm tắc nghẽn sự hiệp thông của tuổi trẻ VN.

1/ Vì có lá thư của HY Phạm Minh Mẫn nên việc báo chí theo dõi các biến cố liên quan đến lá Cờ Vàng, đặc biệt là báo chí tiếng Việt, trở thành điểm nóng của Đại Hội WYD2008. Tuyệt nhiên không có một lá cờ máu nào xuất hiện trong đại hội, mặc dầu người ta thấy bọn CSVN đã có những nỗ lực đáng kể để trương lá cờ đỏ của chúng lên trong đại hội. Trái lại tại khắp nơi trong suốt đại hội, người ta chỉ thấy lá Cờ Vàng. Thế nhưng tuyệt nhiên đã không có xẩy ra sự phân cách nào giữa các bạn trẻ trong nước và ngoài nước. Tất cả các em gặp nhau như anh chị em một nhà, rất thân tình và rất hòa ái. Tất cả các bạn trẻ trong nước tham dự đại hội đều được đồng hương tỵ nạn đón tiếp tận tình và chu đáo. Tại đại hội này như thế và tại các đại hội trước cũng như thế cả. Hoàn toàn không có chuyện gọi là tắc nghẽn hiệp thông vì lá Cờ Vàng như HY Mẫn cáo buộc. Nếu có chuyện gì xẩy ra làm tắc nghẽn sự hiệp thông giữa trong nước và hải ngoại, việc đó chắc chắn không qua mắt nổi giới báo chí, nhất là báo không phải là tiếng Việt. Như thế lời cáo buộc của HY Mẫn rõ ràng là một lời gian dối. Một người quyền cao chức trong và có uy tín như HY Mẫn không thể ăn nói hàm hồ, hẳn là phải có mưu đồ gì?

2/ Hơn thế nữa có mấy vị linh mục từ trong nước ra còn choàng lá Cờ Vàng trên mình để chụp hình. Các vị này tỏ vẻ hân hoan và vui sướng nhìn thấy lá Cờ Vàng như gặp lại người thân. Các vị không sợ bị làm khó dễ khi trở về như một vài người lên tiếng lo ngại. Điều đó một mặt chứng tỏ tính “chính danh và chính thống” của lá Cờ Vàng đối với mọi người có tên là Việt Nam, ở trong nước cũng như ở ngoài nước, một mặt cho thấy người dân trong nước đã vượt qua được sự sợ hãi đối với chế độ CS tàn bạo.

Ở đây tưởng cũng nên khen bọn VGCS một phát. Nói vậy xin đừng có ai vội đội nón cối cho tôi kẻo tội lắm. Tin tức cho biết có tới khoảng 60 tên công an tôn giáo trà trộn trong đoàn người trong nước sang Úc tham dự Đại Hội WYD. Bọn này phối hợp với tòa lãnh sự CS cố gắng để trương cho được ít nữa vài lá cờ máu trong đại hội nhưng đã thất bại. Chúng thất bại không phải vì chúng không làm nổi, mà vì chúng biết dừng lại ở chỗ cần phải dừng. Khen là khen ở chỗ đó. Nếu chúng giương lá cờ máu lên thì cứ cầm chắc rằng sẽ có chuyện gì xẩy ra. Chuyện xẩy ra sẽ bị cảnh sát Úc can thiệp và báo chí sẽ làm rùm beng lên. Người giương lá cờ máu nếu là một em trong đoàn thanh thiếu niên CG hẳn em sẽ khai ra do kẻ nào xúi bẩy. Còn nếu người giương cờ máu là một tên công an chính hiệu con nai vàng ngơ ngác thì liệu hắn có giám chối “lậy ông con KHÔNG ở bụi này” không. Cuối cùng thì đàng nào cái đuôi kẻ phá thối cũng sẽ phải lòi ra. Bọn VGCS biết dừng tay là đúng. Chịu thua thiệt một chút còn hơn là bị mang tiếng xấu phá hoại.

“Biến cố Cờ Vàng” còn mang ý là một thông điệp gởi cho Hội Đồng Giám Mục VN (HĐGMVN) và luôn cả bọn đầu lãnh Hànội nữa.

* Với HĐGMVN, qua đường lối xưa nay của HĐGM và nhất là qua hành động của HY Phạm Minh Mẫn lần này, GHVN chứng tỏ đang đứng về phe kẻ thù của của Dân Tộc và của chính mình. GH đang đứng bên lề dòng sinh mệnh của Dân Tộc chứ không phải đồng hành cùng Dân Tộc như chủ trương mà HĐGM vẫn rêu rao. GH đã trở thành một thứ “chó câm” trước các bất công xã hội và sự vô luân của cường quyền. Đường lối đối thoại với CS của HĐGM đã tỏ ra phá sản. GH dựa vào cường quyền chỉ có thể mở mang đôi chút về cơ sở vật chất, hưởng một chút tự do hơn trước trong một số mặt sinh hoạt, nhưng đã phải hy sinh mục tiêu tối hậu của Phúc Âm là rao giảng công bình xã hội và đem thương yêu đích thực đến cho người cùng khổ. Đối thoại nói trắng ra là một thương lượng đổi chác quyền lợi. GH hy sinh những quyền lợi tinh thần là rao giảng Phúc Âm để đổi lấy một vài nhượng bộ của con cái Satan, về căn bản là một thiệt thòi trông thấy. Những quyền lợi đó không thể đem ra mà đổi chác được. Rõ ràng đường lối đã sai từ căn bản. Cuối cùng cái mà đường lối đối thoại mang lại là GH bị mất tin tưởng và còn bị khinh khi.

* Với bọn đầu lãnh Hànội, “biến cố Cờ Vàng” tại Sydney có tác dụng đập tan luận điệu xuyên tạc của VGCS và bọn tay sai của chúng về ý chí chống cộng của người dân VN trong cũng như ngoài nước. VGCS và bọn đầy tớ, điển hình nhất là tên Nguyễn Cao Kỳ, vẫn thường huyênh hoang rằng thành phần chống đối CS chỉ là thiểu số ồn ào và là lớp người già hoài niệm dĩ vãng xa xưa. Bọn đầu lãnh Hànội có giỏi cứ thử ra ngoài này tụ tập được lấy dăm chục tên tay sai phất cở đỏ ủng hộ chúng xem có nổi không? Đa số thầm lặng không có nghĩa là họ ủng hộ CS. Hàng triệu người về VN không có nghĩa là họ theo CS. Bọn đầu lãnh Hànội nên hiểu rõ điều đó. Không phải chỉ có những người già mới nằm ôm dĩ vãng mà chống cộng. Tuổi trẻ VN có mặt tại Sydney đã đập nát tan tành luận điệu bịp bợm này của VGCS.

Đến đây coi như có thể tạm kết thúc bài viết này được rồi. Tôi không tự đưa ra phần kết cho bài viết của tôi mà xin mượn tâm tình của một em từ VN tên Mai Ly đã tham dự Đại Hội WYD để làm kết luận. Những tâm tình này thật đơn sơ và chân thành hy vọng sẽ củng cố và là bảo chứng cho những điều tôi đã trình bầy trên. Tôi xin được em Mai Ly thuận cho. Tôi xin phép em trước và đường đột như thế này vì không biết địa chỉ của em mà xin phép. Thành thật cám ơn em.

(Phần mượn làm kết luận)

Thành phần được CSVN “gài” vào Đại Hội Thanh Niên Thế Giới Sydney, từ 15 đến 20/7/2008, họ là những ai?

Thành phần được CSVN “gài” vào Đại Hội Thanh Niên Thế Giới Sydney, từ 15 đến 20/7/2008, họ là những ai, họ được chỉ thị phải làm gì và họ đã làm gì trong suốt tuần Đại Hội này, ít ai được rõ.

Lý do là vì họ không ra mặt, và dường như họ... chẳng làm gì hết.

Nói cách khác, chắc họ thấy rõ không nên ra tay làm gì cả vì nó sẽ... lố bịch lắm, nó sẽ... phơi bày cái ác giữa bầu không khí nhân ái, thánh thiện của suốt tuần lễ Đại Hội.

Theo tuần tự thời gian, một số bạn trẻ từ trong nước đã tâm tình như sau:

Ngày 13/7, Chủ Nhật, ngày đầu tiên chúng em đặt chân đến Sydney, chúng em được sắp xếp ở chung với các nhóm trẻ Việt Nam từ các nơi đến. Chúng em hỏi các bạn: À, bạn này từ Mỹ thì mang cờ Mỹ, nhóm kia ở Canada đến thì cầm cờ Canada, còn tụi em từ Việt Nam thì cầm cờ Việt Nam chứ ạ? Bọn em có mang theo cờ trong cặp này.

Các bạn nhìn chúng em rồi bảo: Bạn ra hỏi Ban Tổ Chức đi nhé. Ban Tổ Chức thì bảo chúng em: Các em cứ cất trong cặp đi, đừng mang ra, ở hải ngoại không dùng cờ này đâu, vài ngày nữa rồi tính.

Thế là chúng em cất trong cặp.

Ngày thứ hai, ngày thứ ba, và các ngày kế tiếp, chúng em sinh hoạt chung với nhau trong hội trường Whitlam Centre, tất cả các bạn đến từ mọi nơi, có khi chung cả khối 3 ngàn người Việt Nam, có khi chia ra từng nhóm nhỏ. Rất vui, rất cởi mở. Các bạn ở Úc đón tiếp chúng em rất niềm nở, hỏi han đủ chuyện. Từ chuyện học hành đến chuyện việc làm và sinh hoạt trong gia đình, trong các giáo xứ chúng em ở Hà Nội, Bùi Chu, Hà Tĩnh, Huế, Đà Lạt, Kontum, Cần Thơ, Vĩnh Long, Cà Mau, Sàigòn, v.v... và cả những sinh hoạ t ngo ài xã hội. Lạ quá, các bạn hải ngoại đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác qua những câu chuyện chúng em kể. Các bạn ấy không biết (và không chấp nhận) rằng ở Việt Nam , làm gì cũng phải hối lộ. Ở Úc, hối lộ là mất việc làm! Đối với bọn em, ở trong nước quen rồi, không hối lộ làm sao mà sống? Này nhé, bằng cấp đại học hay tiến sĩ hay tốt nghiệp phổ thông, cứ chi tiền ra là có ngay. Chạy xe ngoài đường, có lỡ phạm luật thì cứ nhét tiền cho công an là xong, chứ mà để họ ghi phạt thì rắc rối to! Ở Úc thì đừng hòng hối lộ người ghi phạt, đã bị phạt nặng hơn, còn bị trừ điểm! À hay quá, ở cái xứ có luật lệ thích nhỉ!

Còn nữa, ở Úc, chuyện COCC (xê ô xê xê/con ông cháu cha) là không có đâu. Bạn này học giỏi, bạn kia khôn lanh, được chọn trong những kỳ tuyển chọn nhân viên là sẽ được việc. Không phải như ở Việt Nam , con cán bộ là có việc ngon, còn bọn em thì mãi-mãi chỉ có những việc làm... đói meo. Con bạn học cùng với em, bố nó là cán bộ “khung” nghĩa là cán bộ “gộc”, thành ra nó là “dân nhà nòi” rồi. Hiện nó đang du học ở Mỹ, khi về nó sẽ đương nhiên là trưởng phòng, rồi từ-từ, mai kia mốt nọ, nó sẽ làm đến... Thứ Trưởng như bố nó đấy! Bọn em chẳng tin là con cháu cán bộ du học về rồi sẽ thay đổi Việt-Nam tốt hơn đâu.

Ngược lại, một bạn trẻ sanh ra ở Úc kể cho chúng em rằng gia-đình bạn toàn là đàn ông, chỉ có một “đứa” con gái, đó là... mẹ của bạn. Ối giời ơi! bạn phải nói là “nhà bạn chỉ có một người đàn bà, đó là mẹ bạn, tiếng Việt mình phong phú lắm!”.

Chúng em được học hỏi giáo lý rất nhiều về Đức Chúa Thánh-Thần, vì chủ đề của Đại hội là: “Hãy lãnh nhận Sức Mạnh từ Chúa Thánh-Thần, và hãy trở nên nhân chứng của Ngài.”

Vâng, chúng em tin rằng trong mấy ngày này, Đức Chúa Thánh-Thần đang thổi hơi, đang ban sức mạnh và soi-sáng chúng em qua những trao đổi với các bạn trẻ, với các cô các chú ở Úc và từ các nơi. Chúng em nhận ra được đâu là gian tà, đâu là chân-lý. Sự ác cạnh sự lành, những dối trá cạnh những hành xử đầy nhân bản, yêu thương. Các bài hướng dẫn đến từ các Đức Giám-Mục, các linh-mục và cả từ các bạn trẻ lên chia sẻ kinh nghiệm thực tế đã đánh động chúng em. Rồi đến các buổi văn nghệ. Chúng em hòa đồng và hiệp thông trong yêu thương. Chúng em cùng hòa vang trong các bài hát chung, nhất là bài của linh-mục Chu-Văn-Chi tại Sydney: “Gần nhau trao cho nhau yêu thương tình loài người, gần nhau trao cho nhau tin yêu đừng gian dối, gần nhau trao cho nhau ánh mắt nhân loại này, tình thương trao cho nhau xây đắp trong tình người. Cho dù rừng thay lá xanh đi, cho dù biển cạn nước bao la, ta vẫn yêu thương nhau mãi-mãi!”

Rồi đến ngày đón Đức Giáo Hoàng, Thứ Năm 17/7. Trước khi tất cả được xe bus chở đến Barangaroo Park trên City, thì một anh trong Ban Tổ Chức hỏi thăm bọn em thấy thế nào trong mấy ngày qua, còn định mang cờ đỏ đi không. Câu trả lời là : “Anh ơi, chúng em không đưa cờ đỏ ra đâu, vì nó sẽ kỳ lắm, nó sẽ lạc lõng trong cái không khí vui tươi, hiệp thông và thánh thiện này. Nhưng mà anh ơi, bọn em tâm sự với anh thật lòng thế này, bọn em mong anh hiểu cho, anh đừng chụp hình bọn em mà có “dính” cờ vàng nhé, vì bọn em được chọn qua đây rồi thì về cũng phải báo cáo cho tập thể chứ đâu phải không, nên anh hiểu cho bọn em nhé.”

Trong thâm tâm chúng em đã hiểu rằng, cờ vàng là cờ của Việt-Nam, đã được dùng từ lâu lắm, trước khi bọn em ra đời, và cả trước khi ba má bọn em ra đời nữa. Còn cờ đỏ là cờ của một đảng phái đem ra làm cờ cho cả nước. Ở Úc này, cờ đảng phái không bao giờ được áp đặt cho cả dân tộc Úc. Nếu xẩy ra đìều này thì ngay cái đảng phái đó bị tẩy chay ngay, nhất là khi đảng phái đó làm cho dân nghèo hơn, đói hơn, bị đối xử bất công hơn và còn để cho mất đất mất biển nữa. Nhưng mà ở Việt-Nam, quyền hành ở trong tay “người ta” thì bọn em làm gì được? Thôi thì cứ phải thủ cho an toàn.

Ra đến City, trong ngày Khai Mạc Đại Hội, chúng em chứng kiến đoàn rước cờ các nước. Đẹp quá! Một bạn trẻ Việt-Nam trong Đại Hội đã cầm lá cờ vàng đại diện cho Việt-Nam. Tất cả mọi người Việt-Nam tham dự đều hoan-hô, vỗ tay la hét ầm-ĩ. Hễ đứng cạnh một người Việt-Nam là thấy reo hò như muốn bể lồng ngực. Chúng em cũng chia sẻ niềm vui này. Trong thâm tâm, chúng em, là những người đang sống cảnh bất công, kềm kẹp tại Việt-Nam, tiếng gào thét trong lòng chúng em cho một Việt-Nam công bằng, nhân ái còn phải lớn hơn các bạn ở Úc.

Trước khi qua Úc, chúng em lo lắm, cứ nghĩ là người Việt ở Úc và các nước... dữ-dằn lắm! Vì sẽ xem chúng em như là.... Việt cộng con!! Nhưng mà, sau mấy ngày gần gũi, chúng em thấy rõ lòng nhân ái của các bạn và của các cô các chú chăm sóc cho chúng em. Chúng em đâu có bà con họ hàng gì với các cô các chú trong các giáo xứ tại Úc mà được các cô các chú cho ăn, ngủ, còn đưa đi đón về suốt cả tuần, còn nấu phở, bún riêu cho chúng em. Trong chỗ Đại Hội, hôm nào mà Ban Tổ Chức Úc lo phần ẩm thực, thì chúng em khổ tâm lắm vì không nuốt được thịt trừu, nó hôi quá!! Đi bộ hằng 5-7 cây số, mệt nhừ tử. Về đến phái đoàn Việt-Nam chúng em được ăn cháo gà. Có bữa đứa nào về trễ quá thì chỉ còn mì gói, nhưng sao nó ngon lạ lùng trong cái không khí lạnh căm của mùa đông Sydney .

Rồi đến sáng ngày Chủ Nhật 20/7, lễ Bế Mạc Đại Hội. Trước đó, chúng em nhận được lệnh của trong nước là phải giương 400 lá cờ đỏ, để át cờ vàng đã xuất hiện quá nhiều trong ngày Khai Mạc Đại Hội. Tuy nhiên, chúng em đã bảo nhau không thực hiện lệnh này. Và quyết định liều lĩnh này của chúng em đã tỏ ra sáng suốt, bởi vì, chao ôi, nhìn đâu cũng thấy cờ vàng, nhất là khi phái đoàn người Việt, có đến 5,000 người tiến vào trong khu chính thức cử hành lễ tại Randwick Race Course. Rợp trời, một màu vàng chói chang, lộng lẫy giữa những lá cờ muôn sắc của các nước khác! Đẹp quá, và ý nghĩa quá! Lúc đó, có chụp hình góc cạnh nào cũng “dính” cờ vàng, nhưng chúng em không sợ nữa. Tới đâu hay đó, khi về chúng em có bị làm khó dễ thì chúng em sẽ trả lời là: Không có cách nào chụp hình mà không có cờ vàng, vì ở đâu cũng có, chụp từ trái, từ phải, từ đằng trước, đằng sau, chụp gần sân khấu cử hành lễ hay chụp xa sân khấu cũng có cờ vàng, không tránh được.

Ấy thế mà bọn chúng em cũng có vài đứa bị một phóng viên Báo Thanh Niên kéo ra một chỗ, trong góc kẹt, để giăng vài lá cờ đỏ và chụp hình lén lút để phóng viên này “tường trình” về Đại Hội. Bọn em chẳng lạ gì cái kiểu tường trình dối trá này.

Nhưng bọn em sẽ là nhân chứng của sự thật!

Đi một đàng học một sàng khôn. Qua Đại Hội Thanh Niên Sydney 2008, chúng em học được không biết bao nhiêu là sàng khôn! Rất nhiều điều chúng em đã hiểu ra. Cho đến lúc bước lên máy bay về Việt-Nam, chúng em vẫn còn như đang sống trong mơ. Thực tế ra sao khi chúng em trở lại cuộc sống bình thường? Sẽ bị hạch hỏi? Sẽ phải làm báo cáo? Sẽ phải tường trình theo chỉ thị? Và còn gì nữa? Sẽ bị theo dõi trong sinh hoạt hằng ngày và trên các trao đổi vi tính với các bạn trẻ mà bọn em vừa được sống chung những ngày vui tươi, thân ái và đầy ý nghĩa?

Chúng em tin tưởng là Đức Chúa Thánh-Thần đang sống trong chúng em, đang ban sức mạnh cho chúng em, sẽ giúp chúng em làm chứng nhân.

Chúa Thánh-Thần sẽ tác động cho người trẻ Việt-Nam trong cũng như ngoài nước tiếp tục hiệp thông để cùng xây dựng một Việt-Nam nhân ái, công bằng, dân-chủ, tự-do.

Sau Thánh lễ Bế Mạc, Đức Giáo Hoàng tuyên bố chính thức: “Chúng ta sẽ gặp lại nhau tại Đại Hội Thanh Niên Thế Giới lần tới tại Madrid vào năm 2011”. Các bạn trẻ Tây-Ban-Nha nhẩy cỡn, vỗ tay, reo hò bằng tiếng Tây Ban Nha, la hét theo nhịp điệu: “Viva/Papa”, “Benedicto/we can’t live without you” “Madrid, Espagnola!”. Họ quàng vai nhau kết thành một chuỗi dài vừa đi vừa tung-tăng nhẩy nhót. Họ giương cao ngọn cờ Tây Ban Nha để được các phóng viên chụp hình, nét mặt rạng-rỡ tin yêu. Họ làm rầm trời rầm đất như thể cả cái sân với 500,000 người này chỉ có mình họ hiện diện.

Chúng em nhìn họ mà thèm. Họ ngây thơ sung-sướng quá! Chúng em mơ ngày Đại Hội Thanh Niên sẽ được tổ chức tại Việt-Nam. Nhưng Việt-Nam thế nào? Dứt khoát phải là một Việt-Nam công-bằng, nhân ái, nơi đó dân chủ tự do triển nở, để các bạn trẻ Việt-Nam năm châu cùng nắm tay nhau xây dựng đất nước phú cường và hiệp thông với nhau, như lần này, để cùng tổ chức Đại Hội. Và ngọn cờ được phất cao, dứt khoát không phải là ngọn cờ của bạo lực, dối trá, gian tà như hiện nay.

Mai Ly
Sydney 21/7/2008”

(hết phần mượn để kết luận và chấm dứt)

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất


No comments:

Post a Comment