Nhân đọc bức thư của Đức Hồng Y gởi cho UBGM đặc trách về giới trẻ, vì muốn hội thông với Đức Hồng Y cũng như với mọi người, nên tôi xin có ít lời thô thiển trình với Đức Hồng Y, để mong giúp chút gì cho việc Hội thông mọi thành phần trong xã hội được dễ dàng hơn:
Đọc qua thư của Ngài, chúng tôi thấy Ngài dị ứng với màu cờ sắc áo, nhất là cờ ba sọc đỏ. Có lẽ Ngài bận đường tu trì không quan tâm đến lịch sử nước nhà cũng như sự hưng vong của dân tộc, không nắm vững được tính chất tượng trưng của lá cờ, nên Ngài mới e ngại sự hiện diện của Ngài dưới cờ vàng ba sọc đỏ. Tôi xin mạo muội viết bức tâm thư này, mong được góp đôi ý về lá cờ cũng như đôi điều trong bức thư của Ngài.
Trước tiên tôi tưởng cũng nên để cập tới hai là cờ: cờ vàng ba sọc đỏ và cờ đỏ sao vàng, để nhận rõ mỗi lá cờ tượng trưng cho những giá trị nào?
I.- Cờ vàng 3 sọc đỏ
1.- Ba sọc.
Ba sọc là 3 hào của quẻ Càn đầu tiên trong Bát quái của Kinh Dịch (Đây là di sản quý giá của Việt tộc khắp Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, chứ không riêng gì của Tàu ): hào trên chỉ Thiên, hào dưới chỉ Địa, hào giữa Chỉ Nhân. Nên Nho có câu: Nhân giả kỳ Thiên Địa chi đức: Con người là cái đức của Trời Đất, là tinh hoa của Trời Đất.
Người Kitô giáo nói trong mỗi người đều có đền Chúa Ngự, Phật giáo thì cũng bảo mọi người đều là Phật sẽ thành. Vì con người linh hơn vạn vật, nên con người cao trọng lắm vậy! Nhân đứng giữa Trời cùng Đất, được Trời che Đất chở, nên có một vị trí rõ ràng, không bị Trời kéo lên (duy tâm), không bị đất kéo xuống (duy vật), mà là Nhân hoàng trong tam hoàng: “Ta cùng Trời đất ba ngôi sánh” (Trần Cao Vân), nghĩa là con người có một vị trí trong Trời Đất, là một con người cao cả xứng đáng là con Thiên Chúa, con Phật. Đây là quan niệm của con người Nhân chủ, biết cách làm chủ vận hệ của mình, gia đình mình và đất nước mình, không làm nô lệ cho bất cứ thế lực ngoại lai nào. Con Người Nhân chủ này khác với con người duy nhân là con người chỉ biết có mình, không coi Trời Đất ra gì cả, đó là những con người vô thần, còn con người Nhân chủ là con Người có khả năng tiếp tục công việc sáng tạo của Tạo hóa, nên luôn biết sống tham thông cùng Thiên Địa để sống hoà với mọi người.
Cờ này tượng trưng cho tinh thần dân tộc, cho đường lối xây dựng con người và xã hội: Muốn nước được độc lập thì phải có con người Nhân chủ, muốn mọi người dân sống hoà với nhau thì phải un đúc Nhân Nghĩa. Đây là con đường xây dựng con Người và đất nươc trên tình thần Nhân ái và lẽ Công bằng. Có như vậy mới mong các con của Mẹ như ngài đã nói tới mói có “áo lành” mặc.
2.- Màu đỏ
Còn màu đỏ là màu của quẻ Ly, là màu lửa, là màu của Viêm đế nước Viêm bang, là Tiên Tổ của nòi giống Việt, màu đỏ là màu của phương Nam, phương Nam là phương có nếp sống “ khoan nhu dĩ giáo, bất báo vô đạo” khác với nếp sống của các nền văn hoá du mục bạo động. Màu đỏ cũng là màu của sự may mắn.
3.- Nền Vàng
Theo Ngũ hành thì phương Nam (hành Hỏa) có màu đỏ, phương Bắc (hành Thuỷ) màu đen, phương Đông (hành Mộc) có màu xanh lá cây, phương Tây (Kim), màu trắng. Còn Thổ ở trung cung có màu vàng.Bốn phương Đông Tây Nam Bắc, và bốn Mủa Xuân, Hạ, Thu, Đông thuộc về thế giới hiện tượng, còn trung cung hành Thổ thuộc về thế giới Tâm linh. Vậy màu vàng là màu tượng trưng cho thế giới Tâm linh, là nơi chúng ta cần tìm về để có thể tiếp cận được với Thần linh, với Thượng đế.
Nếu ai từ chối đời sống tâm linh là đi vào con đường Hận thù và Bạo lực
4.- Tượng trưng của cờ vàng ba sọc đỏ
Vậy lá Cờ vàng ba sọc đỏ này tượng trưng cho tinh thần dân tộc, cho đường lối xây dựng con người và xã hội: Muốn nước được độc lập thì phải có con người Nhân chủ, muốn mọi người dân sống hoà với nhau thì phải un đúc Nhân Nghĩa. Đây là con đường xây dựng con Người và đất nước trên tình thần Nhân ái và lẽ Công bằng. Có như vậy mới mong các con của Mẹ như ngài đã nói tới mói có “ áo lành “ mà mặc.
Lá cờ này được khai sinh từ ngày thực dân Pháp ký hiệp ước trao trả độc lập cho nước Việt Nam vào năm 1948 dưới chính phủ Nguyễn Văn Xuân. Là cờ này tiếp tực được duy trì dưới thời đệ nhất, đệ nhị Công hoà cho đến 1975. Tuy các chế độ khai sinh và duy trì ngọn cờ đã không còn nữa, nhưng như Ngài đã biết, chính quyền thì nhất thời, mà nhân dân thì vạn đại, nên không vì sự vắng bóng của chế độ đó mà con dân Việt Nam bỏ lá cờ tượng trưng cho tinh thần dân tộc được, vì bỏ tinh thần này thì dân tộc chúng ta trở về đời sống man rợ.
II.- Cờ đỏ sao vàng
Vào tháng 8 năm 1945, cờ đỏ sao vàng được xuất hiện với chế độ dân chủ nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của ông Hồ Chí Minh là một người phụ trách về Đông Á sự vụ cho đệ tam quốc tế CS. Đây là một lá cờ nguỵ trang của đảng CSVN.
1.- Màu đỏ.
CS chọn màu đỏ là màu của đấu tranh, nhất là đấu tranh giai cấp, là cuộc đấu tranh có chiến lược là hung tàn và cường bạo phát khởi từ lòng hận thù, và chiến thuật là tạo ra chiến tranh để sử dụng bạo lực cách mạng, hầu diệt các thành phần đối lập, mà họ cho là kẻ thù. Vậy màu đỏ là màu của CSVN theo đệ tam quốc tế.
2.- Ngôi sao 5 cánh
Theo những người CS rêu rao thì 5 cánh đại diện cho các thành phần: Sĩ, Nông, Công, Thương, Binh để kêu gọi đoàn kết toàn dân thực hiện cuộc cách mạng ( vô sản ), mà cũng còn có nghĩa là mang hoài vọng của những người CS là nhuộm đỏ cả 5 châu. Sao 5 cánh là ngôi sao chỉ đường của cái Chủ nghĩa bách chiến bách thắng Marx, Lenin để nhuộm đỏ thế giới.
3.- Màu vàng
Màu vàng theo người CS là màu da của Á Châu, ông Hồ Chí Minh phụ trách về công cuộc nhuộm đỏ Đông Nam Á Châu, không những nhuộm đỏ Việt Nam, mà cả Mên Lào nữa.
Tượng trưng của cờ đỏ sao vàng
Cờ đỏ sao vàng là ngọn cờ tiên phong của cuộc cách mạng bạo lực của đảng CSVN. Đây là công cuộc tước đoạt tài sản và quyền tự do căn bản của toàn dân, chưa nói đến sự tiêu diệt hết thành phần tinh hoa của dân tộc, để thiết lập chủ nghĩa CS không tưởng như ta đã thấy rõ. Vậy cờ đỏ sao vàng tượng trưng cho sự Hung tàn và cường bạo cũa chủ nghĩa CS, nó dựa trên sức mạnh của Hận thù nên đã giáng cấp con người, phá hoại gia đình và phá tan đất nước như ngày nay. Không biết có phải Đức Hồng Y đã ám chỉ là thời con mẹ Việt Nam mặc “áo rách” phải không?
Không biết Hồng Y có nghĩ là cờ vàng ba sọc đỏ ngày nay được người Tỵ nạn (nạn nhân của những người CS đã bất công và áp bức) dùng làm biểu tượng cho tình thần quốc gia cho truyền thống dân tộc, có phải là “một thói đời mang tính chất đối kháng” (được gán cho là của những người vô ý thức) không? Quả thật, nó mang tinh thần đối kháng, đối kháng với bất công áp bức, cướp bóc, chà đạp và giết chóc con người, phá gia đình và tàn hại quốc gia của CSVN, có lẽ Đức Hông Y ở dưới chế độ độc tài áp bức CS, nên Hồng Y sợ khi đứng dưới ngọn cờ đó thì sẽ làm mất lòng CS, vì như vậy là Hồng Y đã đứng vế phe chống độc tài rồi, điều này làm rắc rối cho cuộc sống Hồng Y chăng ?
II.- Lý do người quốc gia chọn Ngọn cờ vàng ba sọc đỏ
Qua sự trình bày trên, ta có thể kết luận: Hai ngọn cờ tượng trưng cho hai chủ trương về xây dựng con Người và Quốc gia khác nhau. Hai tinh thần này được cụ Nguyễn Trãi đã gói ghém tài tình trong hai câu bất hủ trong Bình Ngô đại cáo:
"Lấy đại Nghĩa mà thắng Hung tàn,
Đem chí Nhân mà thay Cường bạo."
Người Quốc gia chân chính lấy chí Nhân và đại Nghĩa làm mục tiêu, còn người CSVN lấy Hung tàn và Cường bạo làm cứu cánh.
III.- Truyền thống văn hoá dân tộc
Theo sự hiểu biết đơn sơ của mọi người dân Việt Nam mà Tổ tiên ta gọi là chất gia, thì truyền thống này cũng đơn giản lắm, không cần phải dài giòng, để ai ai cũng có thể hiểu. Nhưng đối với những ai có tư tưởng cao siêu quá, thoát ra khỏi kiếp nhân sinh lầm than của dân tộc thì lại khó hiểu. Số là tất cả con dân Việt Nam đều sinh ra cùng một Mẹ, nhưng khổ thay lại là Mẹ Âu Cơ, Mẹ của non Nhân, và Cha Lạc Long là Cha của Nước Trí là lòng Công chính, hay là Cha Mẹ của lòng bác ái và lẽ công bằng, chứ không phải là con cháu của Karl Marx, Lênin, là những ông Tổ của Hận thù và Bất công xã hội.
Khi có lòng Nhân thì con người biết yêu thương nhau, biết đoàn kết lại với nhau, để xây dựng gia đình và xã hội. Khi có trí sáng suốt thì biết sống công bằng với nhau, sống hoà với nhau, mà xây dựng, thì mới mong xây dựng được hạnh phúc chung. Trái lại, với động cơ Hận thù, nhìn ai cũng là kẻ thù, thì tất nhiên đi đến chỗ giết người cướp của, phá hoại mọi sự, vì sức mạnh của Hận thù là sức phá hoại ghê gớm. Chủ nghĩa CS đã phá hoại thế giới như thế nào chắc ai ai cũng biết, mà nên ghi lấy làm lòng.
Còn nói theo kiểu văn gia thì truyền thống văn hoá của Dân tộc là truyền thống Đạo Đức: Đạo là con đường về nguồn, nguồn Nhân ái hay lòng Bác ái. Còn Đức là những đức tính để thi hành Đạo Nhân ra ngoài xã hội, đó là lẽ Công bằng, Tổ tiên chúng ta đã chi tiết hóa thành Nghĩa, Lễ, Trí, Tín. Đây là cách sống hai chiều “Có đi có lại”, “Phải người phải ta” là cách sống công bằng trong xã hội để mọi người sống hoà với nhau. Truyền thống dân tộc ta là Lòng Nhân ái và Lẽ công bằng, cũng chẳng khác gì tinh thần Kitô giáo là Bác ái và Công bằng.
Một điều nên nhận rõ, khi sống trong xã hội mọi người đều phải cử xử với nhau theo lẽ Công bằng. Muốn sống được Công bằng thì phải luyện đức Nhân. Có sống Đạo thật sự mới có đức Nhân, cũng như có mến Chúa thật thì mới có lòng Bác ái.
Mọi nan đề trong xã hội là do con người ăn ở Bất công với nhau. Xã hội chúng ta ngày nay đang đứng trên vờ vực thẳm là do sự Bất công mà ra. Ai có lòng Bác ái thì mới có thể sống Công bằng và chống Bất công được. Ai bao dung Bất công thì biết chắc là không có lòng Bác ái thứ thiệt. Sống Công bằng là đá thử vàng của những bậc tu trì và những người có lương tâm. Nhân danh lòng bác ái mà bao dung sự Bất công là sống phản chứng, trái với lẽ Công bằng.
Còn nói truyền thống dân tộc là “Tứ hải giai huynh đệ, là vợ chồng sống khăng khít với nhau cũng như lá lành đùm lá rách” tuy rất quan trọng nhưng chỉ là những mảnh vụn của nền văn hoá. Theo thiển ý, nếu ta không nắm được cốt tuỷ và mối nhất quán của nền Văn hóa nhiều khi chúng ta sẽ đi trật đường.
Theo Hồng Y, ngày nay người quốc gia mặc áo vàng (dùng cờ vàng làm biểu tượng quốc gia) còn người CS mặc áo đó (dùng cờ đỏ sao vàng là biểu tượng của giai cấp đấu tranh, nguyên nhân cho việc tước đoạt quyền tư hữu và quyền tự do căn bản của toàn dân), hai bên chiến đấu cho hai mục tiêu khác nhau, một bên cho Công bằng và Bác ái, một cho Hận thù và Bất công, thì xin Hồng Y có diệu kế gì giúp cho những đồng bào chống CS và những người CSVN có một phương cách hữu hiệu để hai bên có thể hội thông với nhau, để cho Tình yêu hội thông với Hận thù ?
Khi con cháu giết chóc anh em đồng bào, cướp của, bán nưóc, làm cho nước nhà đứng trên bờ vưc thẳm thì Cha Ông Tổ tiên có HỘI THÔNG được với những ngườì con hoang như vậy không?
Người quốc gia chân chính đang khát khao mong chờ mọi người con dân Việt đều đi vào lòng Đạo lý dân tộc, đi vào nẻo Bác ái và Công chính để được sống hội thông với nhau. Liệu Hồng Y có giúp người CSVN sống lại nếp sống công bằng để hội thông với anh em đồng bào không? Vì chỉ có khôi phục lại nếp sống công bằng với nhau trong xã hội, thì mới giúp hai bên hội thông với nhau được. Chứ Đức Hồng Y không muốn làm mất lòng những người CS để mà trông chờ giới trẻ được HỘI THÔNG với nhau thì chỉ là con đường Kiệt!
IV.- Tinh thần hiệp thông trong Giáo hội, trong Dân tộc.
Đức Hồng Y viết: “Đời sống cũng như hiệp thông trong Giáo hội chưa bao giờ được xây trên trần thế” hay “một thói đời mang tính chất đối kháng”, “một chủ nghĩa Trần thế” v..v.. Tôi không thông thạo gì nhiều về giáo lý, nhưng theo lương tri của một người bình thường, một chất gia, tôi hiểu vài điều sơ đẳng:
Khi mình thực sự mến Chúa thì mình hội thông được với Chúa, thân tình với Chúa, khi thực sự yêu Người khác thì con Người khác đó sẽ thông cảm với mình, mình cũng hội thông được với họ.
Chúa Yê su xuống thế làm Người là để đem đời sống Tâm linh vào Thế sự, để cho thế giới Tâm linh hội thông với Trần thế, tức là kết liên hai mối liên hệ Mến Chúa và Yêu Người làm một, tức là vì lòng Bác ái mà đem lẽ Công bằng làm tiêu chuẩn cho đời sống xã hội.
Đó là Lòng Bác ái để giúp mọi người biết cách ăn ở với nhau theo lẽ công bằng để mỗi người Kitô giáo là một viên đá xây dựng Hoà bình, vì con người là bất toàn, nên Chúa Yê su dạy thêm là phải có thêm lòng tha thứ để làm hoà lại với nhau, một lần chưa làm hoà được thì phải làm hoà nhiều lần. Đó là đời sống hoà giữa mọi người.
Nếu đời sống cũng như tinh thần hiệp thông không xây trên trần thế, là nơi có con người, trong xã hội loài người, để mọi người làm hoà với nhau, thì khi đó tìm con người ở đâu để mà “yêu ngườì” để mà hiệp thông với nhau. Khi đó, ta chỉ còn một mối liên hệ mến Chúa mà thôi. Thế là đứt mối liên hệ với người, thì làm sao cho mọi người hội thông với nhau. Mặt khác, nếu lòng “ Mến Chúa “ mà không đem lại cách “yêu người” một cách hiệu qủa thì ta nên xét lại đó có thực là lòng Mến Chúa không hay chỉ là lời Mến Chúa mà thôi. Có lời nói mà không có việc làm, nói một đàng mà làm một nẻo là bệnh của thế giới ngày nay, nguyên nhân cũng là Đạo Đời đôi ngả. Trong trường hợp này thì Đạo đi một đàng, Đời một ngả.
Thực ra Đạo với Đời không phải là hai mà là Một. Đạo và Đời phải khăng khít với nhau: Đời Không có Đạo thì đời mất hướng như diều đứt dây, như Việt Nam ngày nay đang đi trên con đường vô định. Vì vắng sự hướng dẫn của Đạo, thiếu gương sáng soi của Đạo, nên Đời sa vào nẻo Hận thù, Đạo không đem vào Đời để giúp đời để có đời sống hoà bình thì Đạo không có tác dụng.
Thực ra ta phải sống Đạo một cách tích cực, chứ chỉ giữ Đạo thì Đạo càng ngày càng héo mòn đi mà thôi, khi đó chỉ còn lại đức Tin chết. Cứ xem vào tình trạng của Đời trong trần thế, thì nhận ra tác dụng của Đạo và nhận ra vai trò của các vị lãnh đạo tinh thần. Đất nước đang khao khát sự lãnh đạo tinh thần tích cực của quý vị lãnh đạo tinh thần.
Ngày nay sống trong chế độ CS, khi có sự việc xẩy ra giữa cá nhân Đức Hồng Y với một người khác, họ xử bất công với Ngài thì Hồng Y có thể dùng thái độ bác ái để cảm hoá họ, nếu họ có vả bên má này thì Đức Hống Y sẽ dơ má bên kia cho họ, để mà cảm hoá họ.
Nhưng khi Đức Hồng Y là đại diện cho 6, 7 triệu giáo dân, cho một thành phần của Toà thánh Vatican, và cũng cho toàn dân Việt Nam nữa, thì đứng trước bạo lực của CS, đức Hồng Y không thể lấy tinh thần bác ái cá nhân mà lờ đi được, ít nhất các vị cao cấp trong giáo hội cũng nhân dịp này để làm sáng tỏ được những điều cao quý của đạo Chúa, đây là cơ hội thuận lợi nhất mà từ trước tới nay chưa bao giờ có, không làm bây giờ thì đợi đến lúc nào, không phải một mình Ngài, mà các Ngài khác cũng phải gióng lên tiếng nói cho những kẻ khốn cùng, còn nói gì, làm gì thì đã có sự hướng dẫn của đức Chúa Thánh thần. Mặt khác chẳng có gì mà phải sợ, vì các ngài chỉ nói lên lẽ phải, có đi tranh quyền cướp nước của ai đâu. Lại nữa trước đây Giám mục Kim Điền chỉ nói một mình trong bức màn tre, nên họ mới trù dập được, chứ nay ở trong thời đại rộng mở này, nếu tất cả quý vị và giáo dân cùng nói lên đạo lý của Chúa thôi thì phỏng ai có thể dập tắt được tiếng nói chân lý không ?
Với giới trẻ
Giới trẻ là cột trụ, là tương lai của đất nước, và của Giáo hội nữa. Đây là dịp ngàn vàng để Đức Hồng Y nên hiện diện để thể hiện thiên chức của mình. Thiên chức đó là nói lên Chân lý của đạo Chúa, vì chỉ có Chân lý mới giải phóng được con người ra khỏi mọi gông cùm của tội lỗi bất công. Đức Hồng Y muốn được hội thông với mọi thành phần, thì chỉ có Chân lý và Đạo lý dân tộc mới là chỗ hội thông cho mọi con dân Việt. Giới trẻ đang trông mong được Đức Hồng Y tới dự, nhân dịp này dầu có sự trưng cờ vàng ba sọc đỏ đi nữa, thì Đức HồngY cứ nói lên tinh thần của ngọn cờ, để cho mọi người lựa chọn cách xây dựng con người và quốc gia, tất sẽ hội thông được với giới trẻ, vì có ánh sáng của đạo Chuá sáng soi, thì dầu có ở đâu cũng không thể làm lu mờ sự thực đi được.
Đây là chỗ mà đức Hồng Y có thể phát biểu tự do, chứ đâu như ở bên nhà. Phỏng người CS có tìm cách quấy rầy Hồng Y khi trở về , thì họ cũng không viện lý do gì mà bắt bẻ Hồng Y được, chỉ có trường hợp Hồng Y sợ họ mà thôi, nhưng ngày xưa Chúa đã có dạy bảo chúng con đừng Sợ!
Giới trẻ đang khát khao muốn biết văn hoá truyển thống dân tộc là những gì, tinh hoa của Kitô giáo là những gì và phương cách đem tinh thần Đạo lý đó vào đời ra sao, cách họ sống hoà với mọi người làm sao, đó mới là những điều cốt tuỷ, cần được Đức HồngY dạy bảo. Chính những người lớn và nhất là các vị lãnh đạo tinh thần trong và ngoài nước phải dạy bảo cho rõ ràng, là người tiên phong, sống làm gương trước, phải là chứng nhân đích thực trước khi rao giảng, khi đó thì mới mong cứu đất nước ra khỏi vũng bùn hiện nay.
Đó là điều vạn hạnh cho Đất nước và Giáo hội nữa.
Theo lời Tổ tiên dặn bảo, “Quốc gia hưng vong, thất phụ hữu trách”, nên tôi mạo muội viết vài điều cắn xé trong lương tâm, để góp một vài ý thô thiển. Kính xin Đức Hồng Y cũng như quý vị lãnh đạo tinh thần các tôn giáo cũng như các bậc thức giả cùng nhau đứng lên giúp nhân dân Việt nghèo khốn lầm than thoát vòng lao lý .
Kính xin quý vị chỉ điểm cho những điều thất thố, nếu có điều xúc phạm thì xin rộng lòng hỷ xả cho.
Trân trọng Kính chào Hồng Y,
Nguyễn Quang
Để tiện việc đối chiếu, tôi xin kèm theo búc thư của Đức Hồng Y, sau đây:
- Lạy Thánh Tâm Chúa Giêsu là trái tim chứa đầy lòng từ bi bao dung của Cha trên trời, xin uốn lòng chúng con nên giống như Trái Tim Chúa.
Tháng kính Thánh Tâm Chúa Giêsu, ngày 4, năm 2008
Kính gởi Đức Cha chủ tịch UBGM đặc trách Mục vụ Giới Trẻ,
Đức Cha chủ tịch UBGM đặc trách Giáo lý Đức tin,
Đức Cha Giuse, Giám mục Lạng Sơn
Thưa quý Đức Cha,
1. Đức Hồng Y G.Pell mới biên thư tha thiết mời cá nhân tôi đến Sydney dự WYD 2008. Thấy không từ chối được, tôi phải cắt bớt chuyến đi công tác mục vụ di dân của tôi và những ngày nghỉ để đáp lời mời của Ngài. Sau khi suy nghĩ mình phải làm gì đem lại lợi ích thiêng liêng cho các bạn trẻ VN từ nhiều châu lục quy tụ về một chỗ để cùng gặp gỡ Chúa và gặp gỡ nhau, để làm chứng cho niềm tin của mình, tôi muốn chia sẻ vài ý nghĩ với quý Đức Cha sẽ có mặt trong WYD. Mục đích là cùng nhau giúp cho các bạn trẻ, - là sức sống của Giáo Hội, của đất nước -, khai thông con đường hiệp thông với Chúa là Cha trên trời, hiệp thông với nhau là con một Cha, là anh em một nhà. Một sự hiệp thông phong phú hoá, tăng lực cho sức sống trẻ của các bạn.
2. WYD ba lần trước ở Pháp, Đức, Canada, đều có một sự kiện mà một số bạn trẻ ở một số nơi coi như một sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN. Sự cố đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được dương lên trong lúc các bạn trẻ VN từ nhiều châu lục quy tụ lại để cử hành phụng vụ hoặc sinh hoạt chung.
3. Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia... Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng. Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tín hữu và cho bản thân tôi bài học lịch sử nầy : người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá. Di sản đó là truyền thống văn hoá của dân tộc VN, một nền văn hoá khá phong phú với những giá trị tinh thần và đạo đức. (như Tứ hải giai huynh đệ; Chuyện hôn nhân là chuyện trăm năm, là mối tình chung thuỷ; Lá lành đùm lá rách...)
4. Mặt khác, lịch sử thế giới xác minh hai sự thật nầy: (1) đời sống cũng như tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ được xây trên nền tảng một chủ nghĩa trần thế, hay một thói đời mang tính đối kháng; (2) một chủ nghĩa trần thế , dù là tư bản, hay cộng sản, hay quốc gia, bao giờ cũng tạo nên sự phân rẽ mang tính đối kháng và loại trừ nhau trong lòng một dân tộc, trong hàng ngũ con cái chung một mẹ.
5. Bản chất của Giáo Hội Công Giáo là hiệp thông với Chúa, với nhau, với mọi người anh em đồng bào và đồng loại. Và đời sống hiệp thông của Giáo Hội chỉ có thể được xây đắp trên nền tảng một niềm tin, tin rằng Thiên Chúa là Cha trên trời giàu lòng từ bi bao dung, tin rằng mọi người là con một Cha, là anh em một nhà, tin rằng tình huynh đệ giữa đồng bào còn có thể phát huy trên cơ sở một sắc tộc và một nền văn hoá dân tộc.
6. Tôi thành tâm khẩn cầu cho quý Đức Cha, cho mọi người trong ban tổ chức WDY, cho các bạn trẻ VN quy tụ trong WDY nầy, cho người người lãnh nhận tràn đầy Thánh Thần là nguồn lực tình yêu, là sức mạnh đổi mới Giáo Hội cũng như xã hội. là ánh sáng soi lòng mở trí cho mọi người biết dùng cơ hội quy tụ nầy như con đường bồi đắp cho tình hiệp thông hiếu thảo với Chúa, cho tình hiệp thông huynh đệ với nhau, cho tinh thần hiệp thông liên đới huynh đệ tương thân tương trợ trong Giáo Hội Công Giáo tại VN cũng như trên thế giới toàn cầu hoá hôm nay. Ước mong mọi người cũng nhận được sự bình an của Chúa Kitô, và niềm vui của cuộc gặp gỡ giữa anh em một nhà.
Gioan B. Phạm Minh Mẫn
Hồng Y Tổng Giám mục
No comments:
Post a Comment