Tuesday, July 8, 2008

Noi Gương


Nguyễn Khắc Anh Tâm

    Đúng là

    Thạch khả phá nan địch kỳ kiên
    Chu khả miên nan địck kỳ xích
Đá có thể bị nghiền nát nhưng khó mà mất đi tính chất kiên trì của đá; son có thể bị mài tan nhưng khó mà mất đi màu đỏ của son.

Ngài Huyền Quang không những là bậc cao tăng của Phật giáo, Ngài còn là bậc anh hùng, dám trực diện và đối kháng với cả một khối công an của bạo quyền vốn dã man từ bản chất, ròng rã 33 năm, hoàn toàn không chao đảo, hòng giải trừ pháp nạn và quốc nạn. Công cuộc đấu tranh ôn hoà nhưng quyết liệt của Ngài, song song với tinh thần bất khuất của Ngài, do đó, đã đánh thức được lương tâm của toàn thể Phật tử, nói riêng, và của toàn thể dân tộc nói chung.

Ở cuộc diện khác, khi nhân loại đang đắm chìm trong vị kỷ và hưởng thụ, thì hành động của Ngài, tiếng nói của Ngài, trong chốn lao tù, quản thúc, nhằm để tranh đấu vì tự do, dân chủ cho cả 85 triệu người khác hơn là cho chính bản thân của Ngài, cũng đã đánh thức được lương tâm của toàn thể thế giới.

Ngày 4 tháng 4 năm 1968, khi Martin Luther King bị giết hại trên con đường đấu tranh đòi nhân quyền cho người Mỹ da đen, không chỉ người Mỹ da đen đã mất mát vị anh hùng của riêng họ, mà toàn thể nước Mỹ, toàn thể nhân loại đã mất mát một vị anh hùng can đảm cất tiếng nói của lương thức giữa một rừng người vô lương thức.

Bởi vậy, sự mất mát của Ngài Huyền Quang, do đó, không chỉ là sự mất mát to lớn cho tất cả Phật tử Việt Nam, cho dân tộc Việt Nam, mà còn là sự mất mát cho nhân loại, sự mất mát của một tiếng nói dõng mạnh, kiên cường, đấu tranh từ ngục tù, từ quản thúc, cho cả khối người hoàn toàn bị bịt miệng không được nói, và lắm khi, không được sống.

Đau buồn và vô cùng thương tiếc vì sự mất mát này, do đó, là chuyện đương nhiên. Nói ra đã là thừa thải.

Nhưng chúng ta - tất cả con dân Việt Nam - phải làm tốt hơn là chỉ biết than khóc. Than khóc có mấy thì những giọt lệ này tới lúc rồi cũng ... khô cạn. Nếu thật sự đau buồn và thương tiếc Ngài, như chúng ta dễ dàng đau buồn và vô cùng thương tiếc bất cứ vị anh hùng dân tộc nào đã hy sinh, chúng ta phải làm hơn là chỉ dành cho Ngài những giọt lệ mang đầy cảm tính. Cảm tính thường có tánh chất đoản kỳ và thiếu hẵn sự cương quyết để noi gương Ngài, nối gót Ngài, trên con đường đấu tranh cho quê hương xứ sở.

Noi gương Ngài, nối gót Ngài không có nghĩa chúng ta phải theo đạo Phật, hay xuất gia như Ngài. Noi gương Ngài, nối gót Ngài là phải đấu tranh như Ngài đã đấu tranh dù chúng ta đang theo Thiên Chúa giáo, Tin Lành, Hoà Hảo, hay Cao Đài. Giáo dân của mọi tôn giáo phải nhớ cho rằng chúng ta trước hết là con dân Việt Nam. Nếu chúng ta không làm tròn bổn phận con dân Việt Nam của chúng ta trước, chắc chắn chúng ta không thể làm tròn bổn phận của giáo dân đối với tôn giáo mà chúng ta đang theo đuổi. Đã không làm tròn, hay tệ hơn, không muốn làm tròn, bổn phận trong gia đình thì người ấy khó mà làm tròn bổn phận với xóm làng.

Thêm nữa, tất cả giáo dân của mọi tôn giáo đều phải hiểu cho rằng không tôn giáo nào có thể sống còn, hay ít ra được độc lập, để có được tự do tôn giáo thật sự dưới bản chất vô thần của bạo quyền. Bởi vậy, giáo dân của mọi tôn giáo phải đấu tranh để đòi hỏi tự do tôn giáo, nói riêng, và tự do dân chủ cho toàn thể dân tộc, nói chung.

Quan trọng hơn, tất cả giáo dân của mọi tôn giáo phải ý thức được rằng chúng ta không thể khoán trắng công việc đấu tranh tự do tôn giáo của tôn giáo mình cho bất cứ tôn giáo nào khác. Nhà chúng ta đang cháy, chúng ta từ chối chữa cháy nhưng chúng ta lạy lục hàng xóm chữa cháy cho mình, rồi chúng ta khoanh tay đứng ngó là hành động vô trách nhiệm. Chẳng những vậy, đó là hành động tàn nhẫn của những người sẵn sàng bỏ rơi dân tộc, bỏ rơi những vị lãnh đạo tinh thần của chính họ đã, và đang bị giết hại để bảo vệ tôn giáo cho chính họ. Giáo dân như vậy là những giáo dân chỉ theo đạo để tô son điểm phấn vào những sinh hoạt thường nhật, hay vì tính a-dua, ai sao tôi vậy, ông bà cha mẹ tôi theo, cho nên tới đời tôi thì tôi cũng theo. Những giáo dân như vậy không thể là những giáo dân biết dấn thân, biết hy sinh, và biết bảo vệ tôn giáo của họ, nói chi tới đất nước của họ.

Thêm nữa, ngoài pháp nạn mà tất cả mọi tôn giáo đều đang gánh chịu, với tình hình đất nước hiện giờ, tôn giáo nào không cảm nhận nổi cái đau khổ của 85 triệu người dân Việt Nam để vùng lên đấu tranh, tôn giáo đó chưa đủ đạo hạnh để có thể gieo rắc yêu thương trên toàn đất nước Việt Nam, nói chi đến cả thế giới. Từ bi không đồng nghĩa với khuất nhục, bác ái không đồng nghĩa với đê hèn, ôn hoà không đồng nghĩa với tiêu cực, vị tha không đồng nghĩa với ngu dốt, không nhận ra nổi ai là kẻ buôn thần bán thánh, ai là kẻ buôn dân bán nước, ai là kẻ đem nhục nhằn và đau thương đến cho 85 triệu người dân của mình. Không đủ can đảm để hy sinh cho những kẻ cùng khổ ngay trước mặt họ thì họ sẽ không đủ can đảm chết vì đạo tín của họ, cho quê hương của họ.

Không những vậy, giáo dân của mọi tôn giáo phải biết đoàn kết với giáo dân của các tôn giáo bạn hòng đem lại kết quả hữu hiệu trong công cuộc đấu tranh đầy cam go và thử thách này.

Trong nỗi đau thương của đất nước, đã 33 năm, nếu chúng ta còn đứng riêng rẽ, còn tị hiềm vì lằn ranh của tôn giáo, giai cấp, chúng ta sẽ là những tội đồ của dân tộc. Trong nỗi đoạ đầy của dân tộc, đã 33 năm, nếu chúng ta còn tiếp tục tự bịt mắt, bịt miệng để không thấy được rằng chúng ta cần phải đấu tranh, chúng ta cần phải nói lên một tiếng nói, chúng ta sẽ là những tội đồ của quê cha đất tổ.

Chưa có gì buồn cười hơn khi chúng ta bắt con em của chúng ta học tiếng Việt, học sử Việt, và bắt chúng kiêu hãnh vì dòng giống bất khuất của dân Việt, trong khi chúng ta lại đóng vai đê hèn, hoàn toàn từ chối bổn phận đấu tranh của chúng ta, trước mặt chúng.

Thêm nữa, trong sự thống khổ của kiếp lưu đày, nếu còn công kích vì khác biệt tôn giáo, ganh ghét cá nhân, chụp mũ nhau dưới bất cứ hình thức nào và nhân danh bất cứ ai, nhất là cứ miệt mài công kích, chụp mũ suốt 33 năm, đến độ không bị chụp mũ không phải là người Việt, chúng ta đang tiếp tay đắc lực cho bạo quyền để tiêu diệt khí thế đoàn kết của chính chúng ta.

Thực tiễn hơn, chúng ta hãy noi gương Ngài, nối gót Ngài bằng cách:

(1) Ý thức được trách nhiệm đấu tranh là trách nhiệm của mỗi chúng ta.

Tôi không đấu tranh cho anh, cho chị, cho em. Tôi đấu tranh cho riêng tôi. Quê hương này cũng là của tôi, dân tộc này vốn là dân tộc của tôi, những trang sử hiện đại có hào hùng hay không cũng là do bản thân của tôi đóng góp.

Chúng ta hãy chấm dứt ngay tệ nạn khoán trắng công việc đấu tranh cho những người khác, và chúng ta đành đoạn đứng bên lề để ... ngó. Suốt 32 năm qua chúng ta ngó chưa đủ sao, nếu chưa, thì phải ngó tới bao giờ mới đủ?

Chỉ có những dân tộc của các nước muôn đời là nhược tiểu, gánh hoài trên vai tinh thần nô lệ, mới khoán trắng công việc đấu tranh của họ cho ngoại bang, hay cho người đồng hương không may đứng ... bên cạnh.

(2) Nhập cuộc, và chấp nhận chung vai sớt gánh, cùng nhau mà đấu tranh cho quê hương, cho dân tộc.

Không ai làm quan, không ai làm lính. Đã là con dân Việt Nam thì ai cũng được gọi bằng “thằng”. Chúng ta đều mang nỗi nhục mất nước mà còn khoe khoang, lớn lối, tự cao tự đại thì sự thiếu tự trọng, vô liêm sĩ của chúng ta quả thật đang ở mức nhất nhì thế giới.

Dân Ba Lan chỉ có những anh thợ điện như anh Lech Walesa, và không chừng họ chỉ có những anh thợ điện như vậy mà họ làm nên lịch sử trong những thập niên 80s. Chúng ta suốt 33 năm bận bịu so tài coi ai bị làm thằng, ai được làm ông, cho nên chúng ta cứ phải dật dờ trên xứ lạ, ca bài hoài quốc muôn năm.

(3) Nhìn nhận mặt trận tôn giáo là mặt trận chính mà bạo quyền đang dùng để đối đầu với tất cả người Việt tại hải ngoại, và cũng qua mặt trận này, chúng đã, đang, và sẽ nhuộm đỏ hải ngoại.

Báo chí, sách vở, ai cũng bàn luận về NQ-36, đến độ con số 36 này được nhắc, nhớ nhiều hơn số tuổi của chính họ. Vậy mà họ cứ tưởng NQ-36 chỉ có ở mặt văn hoá, hoàn toàn quên rằng NQ-36 bao gồm luôn cả mặt trận tôn giáo. Thậm chí có nhiều đảng phái, đoàn thể, cơ quan truyền thông chống Cộng mãnh liệt đã thề nhất định không đụng tới tôn giáo, dù biết rằng tôn giáo đó đang bị CS lũng đoạn, giật giây, điều khiển suốt từ những thập niên 1980 tới nay.

Mỗi lần Nguyễn Minh Triết hay Nguyễn Tấn Dũng tới hải ngoại thì chúng ta hăng hái biểu tình, Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng về, chúng ta liền tan hàng … cố gắng, ai nấy đều tưởng VC không có trước mặt nữa để mà chống.

Bởi vậy, những kẻ tu hành quốc doanh mà Đảng lượm lặt từ phường chợ búa, hay kết nạp từ những cơ quan tình báo, công an, mang NQ-36 tới chùa chiền, nhà thờ, thánh thất, v.v… có thể công khai lên mặt “dạy dỗ” chúng ta. Trên phán, dưới chúng ta phủ phục quỳ, lắng tai nghe. Buồn cười hơn là nghe xong có người trong chúng ta liền chạy ra coi Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng còn hay không để họ biểu tình, chống đối tiếp.

Trên thực tế thì tôn giáo nào ít nhiều gì cũng đã bị lũng đoạn bởi VC. Đừng viện cớ chúng ta còn chùa chiền, nhà thờ, thánh thất, còn kinh điển, còn các vị lãnh đạo tinh thần là tôn giáo chúng ta chưa bị ô uế bởi tập đoàn vô thần của CS. Không lẽ chúng ta đợi giấy chứng nhận từ Bộ Công An của CS gởi qua chúng ta mới nhìn nhận hay sao?

Phật giáo thì đã có rất nhiều “tung tăng” ở hải ngoại bị mua chuộc để trở thành “ma tăng”. Phật tử nhẹ dạ phủ phục dưới chân để chúng nhục mạ Phật tổ, bổn sư, đạo pháp của mình ngay trong chánh điện, trong ngôi chùa mà mình đã góp công xây dựng. Buồn thay, vô số Phật tử đã và đang cuồng tín đến độ họ cứ cho rằng sư nào cũng là sư, nếu họ cứ quỳ, cứ lạy, cứ phục vụ miệt mài thì có ngày họ cũng được phước báo dù rằng vị sư đó đang thực thi NQ-36. Tệ hơn, số Phật tử này - theo tinh thần kể trên - còn tiếp tay để chống đối những vị cao tăng, chống đối Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất - một tổ chức tôn giáo do dân lập - theo đuổi truyền thống từ ngàn xưa bằng cách nhập thế để bảo vệ quê hương, hòng làm vui lòng ma tăng, thầy của họ. Qua những công việc hộ tự đầy tính chất gia nô này, họ còn hy vọng thầy của họ nói giúp cho họ một tiếng với chư Phật để gia đình họ được hưởng phước báo kiếp này. Quen biết dù sao cũng lợi, thêm nữa, chờ hưởng phước báo ở kiếp sau … coi bộ không chắc! Để lâu sợ thầy mình hay Phật … quên. Khôi hài đến mức đó là cùng!

Thiên Chúa giáo thì đã có rất nhiều “giáo gian”. Hết Linh mục, Giám Mục tới Hồng Y lên tiếng bài bác Tổng Giám Mục Nguyễn Kim Điền - người đã bị CS giết hại; Linh mục Nguyễn Văn Lý - người đã bị CS bỏ tù. Những giáo gian có quyền cao chức trọng này thay vì phải đề cao tinh thần bất khuất của đồng đạo thì lại vu cáo họ tham gia chính trị, trong khi họ chỉ gióng lên tiếng nói để đòi hỏi quyền tự do và độc lập của tôn giáo họ, và cho dân tộc của họ. Tệ hơn, những Lm, Gm và mới đây vị Hồng Y thay phiên nhau xuất ngoại chỉ để xin tiền rồi sẵn dịp, nhục mạ lá cờ vàng, lá cờ mà giáo dân của họ đã và đang kính trọng. Có nhiều vị ngon cơm hơn, nhục mạ cờ vàng trước rồi xin tiền sau vì họ biết rằng dù gì đi nữa họ cũng được ủng hộ trên mặt tài chánh. Dựa hơi vào cây Thánh Giá, dựa hơi vào Đức Chúa Trời, dựa hơi vào quyền hạn của bậc chủ chiên họ xâm phạm đến danh dự những con chiên của họ một cách công khai và hỗn xược. Buồn thay, vô số giáo dân cuồng tín đến độ họ cứ cho rằng nếu cứ tiếp tục tuân lời, tiếp tục ủng hộ tài chánh cho những vị giáo gian này - như một hình thức hối lộ - thì một ngày nào đó họ cũng được lên thiên đàng. Quen biết để cầu cạnh được lên thiên đàng, với số giáo dân này, chắc mẩm, cũng giống trần gian, để đạt thêm lợi ích. Có giáo dân sau khi cho tiền vị chủ chăn đã nhục mạ lá cờ vàng của mình, còn lật đật chạy ra ngoài chào cờ vì hôm đó có lễ thượng kỳ. Khôi hài đến mức đó là hết nói!

Chúng ta phải mạnh dạn phân định đâu là "chánh", đâu là "tà" ngay cả trong hàng ngũ tu hành. Tu hành đúng, chúng ta sẵn sàng phủ phục, tu hành sai, hay trá hình để thực thi NQ-35, hay nhất định chỉ tu-không-thôi nhưng bịt mắt, bịt tai trước thảm cảnh của quê hương hòng tiêu diệt khí thế đấu tranh thì chúng ta phải dứt khoát chống, sẵn sàng chống, như chúng ta đã dứt khoát và sẵn sàng chống Nguyễn Minh Triết và Nguyễn Tấn Dũng. Mang danh nghĩa gì, ngay cả của tôn giáo, mặc quần áo gì, ngay cả của tôn giáo, ăn nói và hành xử gì, ngay cả nhân danh tôn giáo, nếu có hơi hướng của bạo quyền đều phải bị chống đối.

Đó không phải là hành động quá khích mà là hành động sáng suốt và công bằng. Hể có hơi hướng VC là chống! Hể cố tình tiêu diệt khí thế đấu tranh là chống! Giản đị có chừng ấy!

Chúng ta phải hiểu được rằng nhiều năm qua, chính chúng ta chứ không ai khác, không phải "bàn tay lông lá vô hình của ngoại bang" nào khác, không phải “bàn tay nhám xịt vô hình của bọn đặc tình” nào khác, chúng ta đã trực tiếp nuôi sống ma tăng để chúng đánh phá chánh tăng, tiêu diệt khí thế đấu tranh của những bậc cao tăng và anh hùng như Ngài Huyền Quang, Ngài Quảng Độ, như TGM Nguyễn Kim Điền, Lm Nguyễn Văn Lý, như Mục sư Nguyễn Hồng Quang.

(4) Hãy nghiêm chỉnh kính trọng lá cờ đầy chính nghĩa của chúng ta.

Năm nào chúng ta cũng có dịp để nêu cao ngọn cờ chính nghĩa của mình. Thấy ai đó giương cao ngọn cờ yêu quý này khó có ai trong chúng ta có thể cầm được những dòng nước mắt buồn tủi. Buồn thay, thấy riết rồi quen… Quen hình ảnh ngọn cờ yêu quý này đang tung bay trên vòm trời xứ lạ mà quên rằng lá cờ yêu quý đó không được tung bay trên vòm trời quê hương. Không khéo, lá cờ chính nghĩa của chúng ta, sẽ mãi mãi chỉ có quyền được tung bay trên vòm trời xứ lạ.

Chúng ta là dân lưu vong, trên tinh thần của một dân tộc, chúng ta không ít thì nhiều cũng đã và đang bị khinh khi; lá cờ của chúng ta, do đó, chắc chắn, cũng đã ít nhiều mất đi sự kính nể. Giương cao ngọn cờ chính nghĩa là chuyện phải làm nhưng đừng quên, hành động giương cao đó chưa đủ để rửa nhục cho lá cờ của chúng ta, chưa đủ nói lên sự kính trọng nghiêm chỉnh của chúng ta đối với lá cờ chính nghĩa ấy.

Chúng ta phải biết hẹn nhau như người Do Thái năm nào khi họ đã từng hẹn gặp lại nhau tại thành phố Jesuralem. Chúng ta phải biết hẹn gặp lại nhau tại Sài Gòn, và phải phất cao ngọn cờ chính nghĩa ngay tại thủ đô tự do của chúng ta. Muốn rửa nhục, hay tỏ vẻ kính trọng lá cờ vàng yêu quý của chúng ta một cách nghiêm chỉnh, đúng đắn, chúng ta phải đem lá cờ ấy về lại quê hương ta, cắm trên Sài Gòn thủ đô của ta đã đành, chúng ta phải cắm luôn ở Hà Nội, đảo Trường Sa, Hoàng Sa của chúng ta, bằng mọi giá.

Tóm lại, gương sáng của Ngài - hay của bất cứ vị anh hùng nào khác của dân tộc từ ngàn xưa đến hiện đại - không nhằm để chúng ta khóc thương, dù đó là chuyện đương nhiên, mà là để chúng ta noi gương.

Dòng họ của giống Lạc Hồng, xưa kia thua, bỏ chạy, cởi con ngựa Lạc, theo dấu giống con chim Hồng, về phương Nam, nhất định không chấp nhận ở lại, cầu cạnh để bị đồng hoá, điều đó không có gì để thẹn. Dòng họ của Quang Trung noi gương kiêu dũng, đứng lên đánh đuổi ngoại xâm, điều đó càng không có gì để thẹn. Dòng họ của dòng giống bất khuất, noi gương Ngài Huyền Quang, đứng lên để đấu tranh cho tự do, cho dân chủ, điều đó không có gì để thẹn, nếu không muốn nói điều đó là điều chúng ta nên hãnh diện.

Dân Nhật - dòng giống con trời - không nổi tiếng hào hùng chỉ vì chiếc áo Kimono và rượu saké của họ!

Dân Việt - dòng giống Lạc Hồng - không nổi tiếng bất khuất chỉ vì chiếc áo dài và tinh thần nô lệ, suốt đời van xin thế lực ngoại bang.

Dòng họ của bất cứ giống dân nhược tiểu có tinh thần nô lệ nào cũng đều giống nhau ở chỗ … họ cam tâm khuất phục. Dòng họ của bất cứ dân tộc anh hùng có tinh thần bất khuất nào cũng đều giống nhau ở chỗ … họ vùng lên để tranh đấu. Thắng cũng tranh đấu, thua cũng tranh đấu. Còn thở là còn tranh đấu, không thể không tranh đấu. Ngài Huyền Quang ngay trong lòng địch, trong lao tù, trong sự quản thúc, đã tranh đấu tới hơi thở cuối cùng, hoàn toàn không chao đảo, chúng ta sống đầy đủ trên những bến bờ tự do ở hải ngoại, chẳng lẽ không?

Nguyễn Khắc Anh Tâm

No comments:

Post a Comment