Monday, July 7, 2008

Hiện Tượng Hồng Y Phạm Minh Mẫn




Linh mục Nuyễn Hữu Lễ


Có lẽ chưa bao giờ tên tuổi của Hồng Y Phạm Minh Mẫn được nhiều người Việt Nam ở khắp nơi đề cập tới bằng nhiều cung điệu khác nhau như trong một tháng qua, kể từ ngày Hồng Y Phạm Minh Mẫn công bố một lá thư gởi cho 3 vị Giám mục Việt Nam đi tham dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới (ĐHGTTG) tổ chức tại Sydney từ ngày 15 đến 20 tháng 7 năm 2008 sắp tới.

Càng gần tới ngày khai mạc ĐHGTTG thì “hiện tượng Hồng Y Phạm Minh Mẫn” càng trở nên nóng bỏng hơn. Có người đã dùng ngôn từ không ra gì với lời lẽ nặng nề để phản đối Hồng Y Phạm Minh Mẫn. Là một linh mục Việt Nam, tôi rất đau buồn và cảm thấy nhục nhã khi phải đọc những lời lẽ nặng nề mà một số người đã dùng với một chức sắc cao cấp của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam như thế.

Vậy Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã viết những gì trong lá thư nói trên để rồi sóng gió và giông bão nổi lên như thế?

Trọng tâm của lá thư gồm 6 đoạn và dài hơn một trang giấy, Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã công khai bày tỏ thái độ chống báng lá cờ vàng ba sọc đỏ, không muốn hình ảnh lá cờ vàng hiện diện trong ĐHGTTG tại Sydney và gọi đó là “sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN” (đoạn 2). Trong đoạn 3, Hồng Y Phạm Minh Mẫn giải thích khá dài dòng về ý nghĩa lá cờ và nhắc lại bài học quý giá mà ngài đã học được từ một vị giám mục quá cố về “Người mẹ VN lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ)...” Lá thư đó, đã được nhiều cơ quan ngôn luận và các diễn đàn điện tử cho in lại cùng với những lời bình luận chung quanh ý nghĩa và giá trị tinh thần của lá cờ vàng ba sọc đỏ trong tâm trí của đồng bào tỵ nạn Cộng sản ở Hải Ngoại và để phản đối quan điểm của Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong nhận định về lá cờ này.

Lá thư đó đã gây ra nhiều sự chống đối mạnh mẽ từ nhiều phía, từ những người Công giáo và các tín hữu thuộc các tôn giáo bạn, đáng kể nhất là Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu đã lên tiếng quan ngại về nội dung lá thư một cách chính thức. Cộng Đồng Người Việt Tự Do Úc Châu còn ra một Tuyên Bố Chung kêu gọi đồng hương bày tỏ lập trường quyết tâm bảo vệ lá cờ vàng ba sọc đỏ trong dịp ĐHGTTG tại Sydney. Khi tôi đang viết những dòng này cũng nhận được một bản Tuyên Cáo của Cộng Đồng Người Việt Quốc Gia tiểu bang Washington phản đối lời tuyên bố của Hồng Y Phạm Minh Mẫn và kêu gọi đồng hương mang cờ vàng ba sọc đỏ “dàn chào” Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong thánh lễ dự trù được diễn ra vào chiều ngày 9 tháng 7 tại nhà thờ Thánh Tử Đạo Việt Nam ở Seattle.

Đứng trước làn sóng chống đối càng lúc càng dâng cao, đặc biệt là thái độ phản kháng một cách quyết liệt tại những nơi mà trong chương trình Hồng Y Phạm Minh Mẫn sẽ tới với danh nghĩa làm công tác Mục Vụ, tôi nghĩ là Hồng Y Phạm Minh Mẫn nên xem xét lại việc xuất hiện trong ĐHGTTG ở Sydney. Trong quá khứ đồng bào Việt Nam tỵ nạn Cộng sản tại Úc Châu đã nhiều lần chứng tỏ sự đoàn kết quyết tâm bảo vệ lá cờ vàng ba sọc đỏ và không bao giờ khoan nhượng trong việc thẳng tay tẩy trừ những kẻ nào có manh tâm muốn gieo rắc ảnh hưởng của chế độ Cộng sản Việt Nam tại đất nước này.

Vai trò Mục Vụ của Hồng Y Phạm Minh Mẫn trong những chuyến thăm viếng theo đúng nghĩa là đem an bình và hợp nhất đến cho đàn chiên. Nhưng trong lần tham dự ĐHGTTG sắp tới tại Sydney, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy Hồng Y Phạm Minh Mẫn chẳng những không mang lại được cho đàn chiên Công Giáo tại Úc Châu sự hợp nhất và bình an, mà còn có thể gây ra sự phẫn nộ, chia rẽ và rối loạn trong Cộng đồng người Việt tỵ nạn tại quốc gia này. Như vậy, Hồng Y Phạm Minh Mẫn đến Sydney trong dịp đó để làm gì? Nếu vì một lý do nào khác mà Hồng Y Phạm Minh Mẫn vẫn phải xuất hiện tại ĐHGTTG ở Sydney thì chắc chắn ngài sẽ thất vọng vì “sự cố” mà ngài đã viết trong thơ là “làm tắc nghẽn sự hiệp thông của các bạn trẻ VN” ở ba lần ĐHGTTG trước tại Pháp, Đức và Canada, lần này chắc chắn sẽ được đồng bào tỵ nạn ở Úc Châu bày tỏ cách dữ dội hơn. Không lẽ khi thấy cờ vàng ba sọc đỏ xuất hiện trong ĐHGTTG, lúc đó Hồng Y Phạm Minh Mẫn sẽ rời ghế đứng dậy ra về?

Tôn vinh lá cờ vàng ba sọc đỏ cho dù bị Hồng Y Phạm Minh Mẫn cho là: “Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng”, điều này cũng không có gì khó hiểu. Là một linh mục Việt Nam tỵ nạn Cộng sản, tôi xin nói rằng đồng bào tỵ nạn Cộng sản ở Hải Ngoại và ngay cả đại đa số những đồng bào đang phải sống ở trong nước vì hiểm họa Cộng Sản sau biến cố đau thương 30/4/1975, trong tâm tư mỗi người luôn ấp ủ hình ảnh lá cờ vàng ba sọc đỏ. Đó là linh hồn của Dân Tộc Việt.

Lá cờ vàng ba sọc đỏ là hình ảnh mạnh mẽ nhất mà những đồng bào tỵ nạn đã may mắn trốn chạy thoát khỏi chế độ độc tài Cộng sản dùng để bày tỏ sự đối kháng chế độ phản dân hại nước và những kẻ làm tay sai cho chúng.

Linh mục NGUYỄN HỮU LỄ




CỜ VÀNG TRONG ĐẠI HỘI THANH NIÊN THẾ GIỚI
QUAN NIỆM CỦA HỒNG Y PHẠM MINH MẪN


Saigon Times


Trung tuần tháng 7 năm 2008, Đại Hội Thanh Niên Công Giáo Thế Giới (WYD) sẽ được tổ chức tại Sydney, quy tụ hàng trăm ngàn thanh niên Công Giáo đến từ các quốc gia, trong đó có đông đảo thanh niên Công Giáo Việt Nam hải ngoại. Nhận thấy đây là cơ hội để tuyên truyền cho chế độ CSVN, đồng thời nguỵ tạo bộ mặt tự do tôn giáo với thế giới, và tạo phân hóa cộng đồng Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước, CSVN đã nham hiểm và thâm độc tìm mọi cách thao túng, lũng đoạn Đại Hội, qua nhiều hình thức, giật dây nhiều nhân vật, bao gồm cả một số vị linh mục. Hiểu được truyền thống của Đại Hội WYD từ xưa đến nay thường xuất hiện đông đảo thanh niên Công Giáo Việt Nam hải ngoại cùng với Cờ Vàng, CSVN đã một mặt cho xuất ngoại khoảng 600 thanh niên Công Giáo trong đó có nhiều "cán bộ đảng, đoàn thanh niên CS Hồ Chí Minh", mặt khác CS tìm mọi cách triệt hạ Cờ Vàng trong Đại Hội.

Là nạn nhân của chế độ CS trong suốt thời gian hơn nửa thế kỷ, hiển nhiên người Công Giáo Việt Nam trong và ngoài nước không lạ gì âm mưu và thủ đoạn của CS. Tuy nhiên, điều khiến mọi người Công Giáo Việt Nam ngạc nhiên là chính Hồng Y Tổng Giám Mục Phạm Minh Mẫn, trong lá thư đề ngày 4 tháng 6, 2008, đã có những lời lẽ công khai toan tính triệt hạ Cờ Vàng, qua những đoạn 2, 3 và 4 nguyên văn như sau:

    "2. WYD ba lần trước ở Pháp, Đức, Canada, đều có một sự kiện mà một số bạn trẻ ở một số nơi coi như một sự cố làm tắc nghẽn con đường hiệp thông của các bạn trẻ VN. Sự cố đó là lá cờ vàng ba sọc đỏ đã được dương lên trong lúc các bạn trẻ VN từ nhiều châu lục quy tụ lại để cử hành phụng vụ hoặc sinh hoạt chung.

    "3. Một lá cờ biểu tượng cho điều gì? Có lúc lá cờ được coi là biểu tượng cho một đất nước, lúc khác được coi là biểu trưng một chủ nghĩa, chủ nghĩa tư bản, chủ nghĩa cộng sản, chủ nghĩa quốc gia... Có lúc chỉ biểu trưng một thói đời mang tính đối kháng. Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tín hữu và cho bản thân tôi bài học lịch sử nầy: người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá. Di sản đó là truyền thống văn hoá của dân tộc VN, một nền văn hoá khá phong phú với những giá trị tinh thần và đạo đức. (như Tứ hải giai huynh đệ; Chuyện hôn nhân là chuyện trăm năm, là mối tình chung thuỷ; Lá lành đùm lá rách...)

    "4. Mặt khác, lịch sử thế giới xác minh hai sự thật nầy: (1) đời sống cũng như tinh thần hiệp thông trong Giáo Hội Công Giáo chưa bao giờ được xây trên nền tảng một chủ nghĩa trần thế, hay một thói đời mang tính đối kháng; (2) một chủ nghĩa trần thế , dù là tư bản, hay cộng sản, hay quốc gia, bao giờ cũng tạo nên sự phân rẽ mang tính đối kháng và loại trừ nhau trong lòng một dân tộc, trong hàng ngũ con cái chung một mẹ."

Như chúng ta đã biết, mục đích và ý nghĩa của Đại Hội WYD từ xưa đến nay vô cùng cao đẹp, giống như sứ mạng của tôn giáo, trong đó có đạo Công Giáo là, gieo rắc niềm tin tôn giáo, giúp mọi người làm điều thiện, tránh điều dữ, mà chủ nghĩa cộng sản vô thần (trong đó có cộng sản VN) là đối tượng những người công giáo chân chính phải tiêu diệt. Vì hiểu rõ điều đó nên từ xưa đến nay trong các Đại Hội WYD, Cờ Vàng luôn xuất hiện, và Ban Tổ Chức của các Đại Hội WYD không hề có bất cứ văn thư hay lời tuyên bố nào phản đối. Không những vậy, trong văn thư mới nhất gửi các vị lãnh đạo cộng đồng người Việt tự do tại Úc, Giám Mục Anthony Fisher OP, đặc trách điều hợp toàn bộ Đại Hội WYD 2008 tại Sydney, còn khẳng định, việc thanh niên Công Giáo Việt Nam mang theo Cờ Vàng khi tham dự Đại Hội không những là quyền tự do, mà còn là điều đáng khích lệ và ca ngợi vì điều đó thể hiện rực rỡ màu sắc đa dạng và đa văn hóa của Đại Hội. Rất tiếc, Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã không thấu hiểu được tư tưởng trong sáng và ý nghĩa cao cả này của Đại Hội. Không những vậy, Hồng Y Phạm Minh Mẫn còn không thấu hiểu nhân tâm của dân tộc Việt Nam trong đó có người Công Giáo Việt Nam, qua lời dậy của chính Giám Mục của Ngài cách đây 30 năm.

Hồng Y Phạm Minh Mẫn viết: "Giám mục của tôi, cách đây hơn 30 năm, lúc còn sinh thời, đã để lại cho các tín hữu và cho bản thân tôi bài học lịch sử nầy: người mẹ VN, lúc mặc áo vàng (cờ vàng), lúc mặc áo đỏ (cờ đỏ), lúc mặc áo lành, lúc áo rách, vẫn là người mẹ đã dày công sinh thành dưỡng dục con dân VN, vẫn là người mẹ đã để lại cho dân tộc VN một di sản vô giá."

Đọc đoạn thư trên, ta thấy Hồng Y Phạm Minh Mẫn chỉ thấy được cái bề ngoài "người mẹ VN có lúc mặc áo vàng, có lúc mặc áo đỏ" mà không thấy được tình cảm của người Mẹ VN khi mặc áo vàng là tự nguyện, là hạnh phúc, là thấy Đời với Đạo hợp nhất; còn khi mặc áo đỏ là bị bắt buộc, là đau khổ, là thấy Đời trái ngược với Đạo.

Bằng chứng hiển nhiên, năm 1954, hàng triệu người Công Giáo VN đã từ bỏ chiếc "áo đỏ" để lũ lượt di cư vào Nam; rồi sau 1975, hàng triệu người Việt trong đó có rất đông người Công Giáo Việt Nam, cũng đã từ bỏ chiếc "áo đỏ" để lũ lượt vượt biển vượt biên, chấp nhận mọi rủi ro sinh tử; và đặc biệt cuộc sống cơ cực của dân tộc VN, trong đó có hầu hết người Công Giáo VN (ngoại trừ một số người bao gồm Hồng Y Phạm Minh Mẫn), phải mặc "áo đỏ" kể từ sau 1975, đã chứng tỏ "áo đỏ" là thảm họa cho dân tộc, cho đất nước quê hương, cho Đạo; và "áo vàng" là lý tưởng là hạnh phúc cho dân tộc, cho quê hương đất nước và cho Đạo.

Như vậy, rõ ràng Hồng Y Phạm Minh Mẫn tuy nghe lời dậy chân tình của Giám Mục từ hơn 30 năm trước, nhưng Ngài đã không hiểu. Rồi trải qua thời gian hơn 30 năm qua, chính Hồng Y Phạm Minh Mẫn đã mắt thấy tai nghe không biết bao nhiêu tang thương của đất nước, của dân tộc, của Đạo Công Giáo, do những người CS gây nên, khi mẹ Việt Nam phải mặc "áo đỏ", nhưng Hồng Y Phạm Minh Mẫn vì lý do này, hay lý do khác, Ngài cũng không hiểu. Nguy hiểm hơn nữa cho Giáo Hội VN, Ngài lại ở cương vị của một người lãnh đạo khả kính, nên sự không hiểu của Ngài đã tạo nên những tác hại vô cùng to lớn. Và như vậy, chúng ta mới nhận thấy, nguyên nhân gây nên những thảm kịch cho dân tộc Việt Nam, cho tôn giáo VN, trong đó có đạo Công Giáo VN, không phải chỉ có chủ nghĩa CS vô thần mà còn vì những người lãnh đạo tinh thần như Hồng Y Phạm Minh Mẫn.

Saigon Times

No comments:

Post a Comment