Saturday, July 12, 2008

Chiến Dịch Hoàng Diệu và sự thật về Kho Vàng Bảy Viễn

Kính gởi điện báo Take2Tango,

Bài viết của nhà văn Giao Chỉ để giới thiệu hai quyển sách "Về Nguồn" và "Thức Tỉnh" trên điện báoTake2tango là khởi nguồn điện thư của tôi gởi Tiến sĩ Lâm Lễ Trinh nhưng chưa bao giờ được giải đáp thỏa đáng. Nghĩ rằng vì công bằng mà quý vị luôn luôn tôn trong, kính xin quý vị cho phổ biến bài giải đáp của tôi trong việc thủ tiêu xác chết Lê quang Vinh tức Ba Cụt và vụ "tẩu tán kho vàng của Bình Xuyên" mà T.S Lâm Lễ Trinh trắng trợn viết trong quyển Về Nguồn. T.S. Lâm Lễ Trinh đã viết như cáo trạng của Ông Biện Lý đối với nghi can - dù rằng nghi can đã qua đời, không khả năng biện hộ, không phải của một nhà văn với tất cả dè dặt.

Bài trả lời về vụ tẩu tán kho vàng của Bình Xuyên đính kèm theo đây đã được phát thanh trên đài PT (VN) hải ngoại lúc 6:00 giờ chiều ngày Chủ Nhật 29 tháng 6 năm 2008. Tôi viết với tất cả lễ độ so với lời vu cáo của tác giả LLT. Tuy nhiên tôi đồng ý để quý vị bỏ những chữ Take2Tango cho là quá khích.

Trân trọng kính chào,

Trịnh Bá Lộc

Chiến Dịch Hoàng Diệu và sự thật về Kho Vàng Bảy Viễn

Sau khi bị đẩy lui khỏi Đô Thành, Bảy Viễn rút về Rừng Sát, hy vọng có thể cố thủ cứ địa hiểm trở cũ của Bình Xuyên trước khi về đầu thú Pháp. Chỉ hai ngày sau khi Thủ Tướng Ngô Đình Diệm công bố Hiến Ước Tạm thời và trở thành Tổng Thống VNCH, Đại Tá Dương Văn Minh hoàn tất vẻ vang chiến dịch Hoàng Diệu. Từ sau ngày đoàn quân chiến thắng trở về Thủ Đô, không hiểu vì sao, thỉnh thoảng trên báo chí và trên các sách phổ biến sau khi Đại Tướng Dương Văn Minh qua đời, có nhiều nghi vấn được tung ra về việc tịch thâu kho vàng và tiền mặt của Bảy Viễn.

Ngày 29 tháng 6, 2008 vưà qua, phóng viên của Đài Phát Thanh Hải Ngoại tại Washington, D.C. có đặt câu hỏi nầy và được Ông Trịnh Bá Lôc, nguyên Sĩ Quan Tùy Viên của Đại Tướng Dương Văn Minh giải thích và làm sáng tỏ vấn đề như sau:

Câu hỏi: Có dư luận cho rằng trong thời kỳ dẹp loạn Bình Xuyên, ÐT Minh đã tịch thu được rất nhiều vàng bạc và tiền mặt của Bình Xuyên, nhưng ÐT đã không giao số chiến lợi phẩm này lại cho chính phủ Ngô Ðình Diệm, mà lại tẩu tán làm của riêng. Thưa Ông, ông có biết gì về chuyện này không?

Trả lời: Dư luận lần đầu tiên bộc phát là vào năm 1971, khi Sài Gòn bắt đầu chuẩn bị tranh cử Tổng Thống. Khi Đại Tướng Dương Văn Minh hội đủ chữ ký giới thiệu của Dân biểu và Thượng Nghị sĩ theo luật đòi hỏi thời đó, trong mục chuyện phiếm, rất châm biếm, nhưng vô trách nhiệm, cuả báo Hoà Bình do Cha Trần Dụ (?) chủ trương, tác giả VIP KK viết về tin đồn nầy. Dân Biểu Dương Văn Ba tường thuật lại cho Đại Tướng Dương Văn Minh và Bộ Tham Mưu chánh trị của ông biết. Giáo Sư Võ Văn Hải liền đề nghị cho tôi liên lạc thử với Thiếu Tá Đặng Văn Hoa nguyên Chánh Văn Phòng của Trung Tướng Trần Văn Đôn trong thời gian 1950-1960 để mượn tất cả các "cùi" (souches) chi phiếu trong chương mục Nha Tổng Giám Đốc Ngân khố của văn phòng đặc biệt Phủ Tổng Thống thời ông Diệm do Giáo sư Hải phụ trách. Tôi liền nhớ ra các cùi chi phiếu nầy Thiếu Tá Đặng Văn Hoa đã giao lại tôi hồi tháng 11 năm 1963 nên đã tìm và thấy trong một souche có ghi trị giá của nó và bên cạnh có ghi rõ ràng như sau: "số tiền bán vàng tịch thâu của Bình Xuyên, Tổng Thống cho Cô Nhi Viện Quốc Gia Thủ Đức".

Luật sư Võ Văn Quan đại diện Đại Tướng Dương Văn Minh yêu cầu Báo Hoà Bình đăng bài đính chánh và bài này có kèm theo phóng ảnh cùi chi phiếu nói trên. Luật Sư Võ Văn Quan cũng là người đã biện hộ cho Ông Ngô Đình Cẩn, hiên định cư tại Florida.

Tôi cũng tự ý trao một bản cho ký giả Lê Hiền, báo Công Luận của Thượng Nghị Sĩ Tôn Thất Đính. Ngày hôm sau, nhật báo Công Luận đăng liền phía trên góc phải và báo Hoà Bình cũng phải cải chánh và đăng thư của Luật sư Quan bên cạnh mục thường xuyên của VIP KK.

Vảo năm 2003 hoăc 2004 gì đó, sau khi Đaị Tướng Dương Văn Minh qua đời, tập san "Con Ong" ở Houston, trong mục của VIP KK lại đăng tải một bài tương tợ như thế. Lần nầy chính Luật sư Nguyễn Văn Chức tự nhận mình là VIP KK.

Rồi Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh cũng bắt chước theo bằng lời lẽ như sau: "...Với tư cách Bộ Trưởng Nội Vụ, tác giả bài nầy được chỉ thị đích thân điều tra mật về trường hợp tẩu tán kho vàng Bảy Viển chứa trong một thùng kẽm lớn, theo phúc trình của Đại Tá Nguyễn Văn Y, Tỉnh Trưởng Chợ Lớn, Phụ Tá Hành Quân cho Ông Minh trong cuộc tảo thanh Rừng Sát. Người viết có mời Tướng Minh đến để giải thích. Vì lý do chính trị, hồ sơ tạm xếp. Bộ Tư Lệnh Hành Quân Bị giải tán, tướng Minh được cử làm Cố Vấn Quân Sự Phủ Tồng Thống, một chức vụ tượng trưng"...(Về Nguồn - Trang 85).

Làm sao tôi phản bác lại bây giờ? Báo Hoà Bình và Công Luận năm 1971 cũng như các cùi chi phiếu cũ tìm đâu được nữa? Ra khỏi Sài Gòn không kịp chuẩn bị, gia đình tôi bốn người, chỉ có bốn giỏ nhỏ vì đi bằng trực thăng của Air America, đâu có ngày giờ nghĩ đến các cùi chi phiếu không còn giá trị thực tiễn ?

May thay, một tình cờ hiếm có, tôi xem được Quyển “1945-1954 Việc Từng Ngày - Hai Mươi Năm Qua”, của Ông Đoàn Thêm mà tôi có dịp nói đến trong một bài viết trước đây. Tác giả ghi lại rất trung thực hiếm thấy một cách phi chánh trị, những gì nhờ chức vụ cao cấp Ông đảm nhiệm tại Phủ Thủ Tướng và Phủ Tổng Thống Đệ Nhất Cộng Hoà. Gần như tất cả những gì xảy ra trong thời gian nầy dù nhỏ hay lớn ông đều ghi một cách chính xác và có kèm theo ngày tháng rõ ràng. Thí dụ như nơi trang 198, Ông ghi:

- 25-6-1956: - không biết ai đề nghị làm lễ Thánh Bổn mạng T.T. Ngô Đình Diệm.

Sách này xuất bản lần đầu tiên tại Sài Gòn vào giữa thập niên 60, do Lãng Nhân đề tưạ, có đoạn viết: . . ."Soạn giả thừa biết rằng không thể nào kể hết các việc đáng chú trọng, và còn tự hạn chế vì phải thận trọng, nên chỉ ghi lại nếu thấy hội đủ những điều kiện sau:

- khi có ngày tháng đích xác;

- khi việc đã được nhiều người biết, đã xẩy ra thật, hoặc ít nhất là được cơ quan ngôn luận loan truyền: nếu chỉ là tin đồn, soạn giả cũng ghi rõ"...

Và đây, điều quý giá mà tôi tình cờ đọc được nơi cuối trang 191 và đầu trang 192:


3.3.1956 - . . .

- Thiếu-Tướng Dương-văn-Minh họp báo nói về các chiến-dịch miền Tây và sự hợp tác của Tướng Trần Văn Soái. Tướng Minh cho biết trong chiến-dịch Hoàng-Diệu, đã tịch thâu 20 kí vàng và 16 triệu 1/2 bạc, số tiền nầy sẽ dùng để xây cất một Cô-Nhi-Viện Quốc-Gia.

Tôi đọc kỹ nhiều lần hai trang nầy. Tôi sợ rằng mình nằm mơ. Tôi làm phóng ảnh gởi vài người bạn hỏi ý kiến, không hiểu mình lầm chăng?

Như quí vị vừa thấy, Thiếu Tướng Dương Văn Minh đã công khai hoá chiến lơị phẩm nầy lối năm tháng sau khi hoàn tất chiến dịch Hoàng Diệu. Trước đó vì tính cách giá trị to lớn Ông phải tường trình các cấp chi huy theo hệ thống quân giai với nhiều đề nghị khác nhau lên đến Tổng Thống VNCH để nhận quyết định tối hâu. Và chiến lợi phẩm là quí kim và tiền mặt đã phải được ghi rõ ràng trong báo cáo nên không sợ bị thất thoát hoặc hư hại. Vào thời điểm nói trên, muôn tổ chức cuộc họp báo, các cấp chỉ huy trong quân đội dù là Tư Lệnh Chiến dịch đều phải được sự chấp thuận trước của Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc phòng, và với giá trị to lớn của vụ vàng và tiền mặt tịch thu trong chiến dịch Hoàng Diệu, việc dùng để xây Cô Nhi Viện Quốc Gia phải do quyết định của Tổng Thống VNCH.

Hồi tháng 9 năm vừa qua, tôi được đọc qua tác phẩm "Can Trường Trong Chiến Bại của Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại" cũng có một đoạn nói đến "Vụ Vàng và Tiền Bình Xuyên" nơi trang 28, 29, 30, 31 nhưng dè dặt hơn.

Tôi viết thư gởi tác giả và gửi tác giả xem những điều tôi nghiên cứu để phát biểu về vấn đề vàng Bình Xuyên. Tôi nghĩ rằng giữa hai quân nhân, giữa tình chiến hữu và nhứt là Ông đã từng là Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, tôi Tùy Viên của Đại Tướng Dương Văn Minh, hai lần giữ chức vụ cao nhứt của đất nước, vị Đô Đốc nầy và tôi dễ thông cảm hơn là với các chính trị gia chuyên nghiệp có nhiều định kiến.
Và đúng như tôi đã nghĩ, dù Đô Đốc Hồ Văn Kỳ Thoại và tôi chưa hề quen biết và lúc nhận điện thư của tôi Ông đang phải có mặt tại California vì việc hệ trọng, Ông vẫn tìm cách trả lời tôi ngày 10-6-2008:

”Anh Lộc thân,

Thành thật cám ơn anh Lộc đã làm việc hết sức chu đáo và vô cùng cảm động về sự chú ý đến Danh Dự của Quân đội để cho tôi xem trước câu trả lời. Lý luận rất vững chắc. Sẽ có dịp hàn huyên thêm với anh.”

Thoại

Vấn đề nơi đây là cách xử dụng chiến lợi phẩm vàng và tiền mặt đã được phồ biến rộng rãi từ lâu, đáng lẽ VIP KK tức Luật Sư Nguyễn Văn Chức, một chánh trị gia, và nhứt là Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh, Chủ Nhiệm kiêm Chủ Bút Tạp Chí Song Ngữ Anh-Pháp Human Rights-- Droits de l'Homme từ 1996, Cố Vấn Mạng Lưới Nhân Quyền phải biết từ lâu. Đáng lẽ họ phải làm việc có khoa học hơn đàng này lại làm một việc thiếu thận trọng, không công bằng và cẩu thả, thật không đúng tư cách của một Luật Sư, một Tiến sĩ Luật Khoa, Tiến Sĩ Giáo Dục.

Hơn nữa nếu ông VIP KK Nguyễn Văn Chức bây giờ cũng chính là VIP KK của báo Hòa Bình ngày xưa thì chắc chắn ông phải nhớ rằng chính tờ báo của ông đã phải đăng bài đính chánh kèm theo vật chứng là phóng ảnh của các cùi chi phiếu. Thế mà ông vẫn diễn lại cái tuồng đặt điều vu không mà chính mình đã bị đímh chánh thì không biết là vì lý do gì?

Tôi cũng xin được nói đôi điều về Ông Lâm Lễ Trinh:

- Ngày 13-4-1956, Ba Cụt bị bắt và trong phiên tòa xử án Ba Cụt, Thẩm phán Lâm Lể Trinh được chỉ định đại diện Công Tố viện.

- Ngày 13/7/1956. Tướng Lê Quang Vinh bị hành quyết.

- Ngày 5-11- 1956 L.S. Nguyễn Hữu Châu từ chức Bộ Trưởng Nội Vụ. Ông Lâm Lễ Trinh thay thế.

Như vậy trong thời gian đó ông Trinh đã là một nhân vật tên tuổi đại diện pháp luật, chả lẽ ông không biết ít nhiều gì về cuộc họp báo ngày 3/3/1956?

Thôi cứ cho rằng ông không còn nhớ chuyện xưa nữ đi. Nhưng sao ông lại viết rằng khi được chỉ định đích thân tra vụ "tẩu tán kho vàng Bình Xuyên Ông đã mời Tướng Minh đến để giải thích...". Đặt chuyện như vậy thì rõ ràng Ông quá coi thường sự hiểu biết của đọc giả giới quân nhân. Một vụ hoàn toàn thuộc thẩm quyền cuả Quân Đội có liên quan đến chiến lợi phẩm và một sĩ quan cấp tướng không lẽ Tổng Thống Ngô Đình Diệm và nhất là ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu laị không biết? Và nếu cần điều tra một việc như thế thì Ông Diệm chỉ cần chỉ thị cho người thật sự được Tổng Thống tín nhiệm là Ông Bộ Trưởng tại Phủ Tổng Thống kiêm Bộ Trưởng Phụ Tá Quốc Phòng Trần Trung Dung hoặc Nguyễn Đình Thuần là mới là hợp luật và hợp quân pháp. Bộ Quốc Phòng VNCH có hai Nha trực thuộc là Nha Quân Pháp và Nha An Ninh Quân Đội với đầy đủ thẩm quyền và phương tiện về nhân sự để điều tra một việc hệ trọng như vậy.

• Tới đây tôi xin được có một lời nói thẳng với Ông Trinh rằng: dù Ông là Bộ Trưởng Nội Vụ mà ông muốn mời Tướng Minh đến để giải thích việc gì, ít nhất Ông Trinh phải xin phép Bộ Quốc Phòng. Tổng Thống Ngô Đình Diệm đâu cần phải làm lòng vòng như thế.

• Ông Lâm Lể Trinh lại viết thêm: “Vì lý do chánh trị, hồ sơ tạm xếp. Bộ Tư Lệnh Hành Quân giải tán, tướng Minh được cử làm Cố Vấn Quân sự tại Phủ Tổng Thống, một chức vụ tượng trưng…”

• Ông Lâm Lễ Trinh quên rằng Ông bị mất chức Bộ Trưởng Nội Vụ ngày 18-10-1960, trong khi Bộ Tư Lệnh Hành Quân bị giải tán ngày 8-12-1962 đễ lấy quân số thành lập Bộ Tư Lệnh Lục Quân và Bộ Tư Lệnh Quân Đoàn IV.

• Sau khi bị cách chức ngày 8-4-64 Đại Sứ Lâm Lễ Trinh trở về Sài Gòn và tác phẩm của Đoàn Thêm xuất bản lần đầu năm 1965 tức là sau khi ông Trinh về nước, ông đã vô tình không hay biết. Tác phẩm này lại được tái bản tại Hoa kỳ nhiều năm trước khi Tiến Sĩ Trinh xuất bản Quyển Về Nguồn. Một Tiến Sĩ Luật khoa đang viết lại một phần lịch sử của đất nước như ông Trinh một lần nữa cũng không biết sự hiện hữu của một tài liệu có giá trị lịch sử như vầy?

• Tôi đã mạng phép gởi phóng ảnh hai trang sách nầy đến Ông Hồng Phúc. Sách của Đoàn Thêm hiện lưu trữ tại thư viện thành phố Fort Smith, Arkansas (mã số 20075233).

Để kết thúc câu trả lời, tôi xin được nhắc nhở những người đang và đã vu khống kẻ khác rằng: ngụy tạo sử sách cũng là làm chứng dối, và là một giáo dân xin ông Francis Lâm Lễ Trinh nhớ lại lời Chúa đã dạy rằng:

“18. Đừng giết người, đừng ngoại tình, đừng trộm cấp, đừng làm chứng dối” Mathieu 19 ?

Trịnh Bá Lộc




Xác chết của Tử Tội Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, Lãnh Tụ Hòa Hảo Dân Xã Ở Đâu?

Đến ngày 13-7-08 tới đây là ngày Tướng Hảo Dân Xã, Lê Quang Vinh tức Ba Cụt bị hành quyết tại Cần Thơ, 42 năm trước đây. Trong tác phẩm "Về Nguồn", tác giả T.S. Lâm Lễ Trinh có viết đoạn như sau..."

…”Nhung đã chết một cách bí ẩn trong tù. Nguyên Đại Tướng Khánh cho biết đã tìm thấy xác của Nhung treo cổ bằng giây thừng”. (Nhung cũng là người được Dương Văn Minh giao phận sự thủ tiêu xác của Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, lãnh tụ Hoà Hảo, sau án tử hình). (Về Nguồn trang 64).

Đối với đọc giả 60 hay trẻ hơn, đoạn văn ngắn ngủi trên đây chỉ tạo thêm thắc mắc hơn là dữ kiện lịch sử.

Ngày 22/6/2008 vừa qua, Ông Hồng Phúc của Đài Phát Thanh (VN) Hải Ngoại tại Hoa Thịnh Đốn có nêu câu hỏi liên quan đến vụ án nầy với người được phỏng vấn là Trịnh Bá Lộc, nguyên Sĩ Quan Tùy Viên của Đại Tướng Dương Văn Minh từ năm 1958 đến chiều ngày 29-4-1975.

Dưới đây là câu hỏi và phần trả lời:

Câu hỏi: Trong vụ án Tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt của Hòa Hảo, bị xử tử tại Cần Thơ, cũng có dư luận cho rằng người cận vệ của Đại Tướng Dương Văn Minh, lúc bấy giờ là Ðại úy Nguyễn văn Nhung, đã bằm thây của Tướng Ba Cụt ra làm nhiều mảnh, sau khi thi thể ông này đã được chôn cất. Ông có biết chuyện này như thế nào không ?

Trả lời: Để có được một cái nhìn thuận lý về sự việc, tôi có ba ý để thưa cùng quý vị: Trước hết là kể sơ lược về quá trình bắt giữ Lê Quang Vinh (LQV), thứ hai là các phiên tòa và bản án của LQV và cuối cùng là vấn đề thanh toán xác chết.

Tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt là lãnh tụ Hoà Hảo Dân Xã đã bị phục kích bắt sống trong khuôn khổ chiến dịch Nguyễn Huệ vào năm 1956. Lúc nầy tôi chưa phục vụ dưới quyền chỉ huy của Đại Tướng Dương Văn Minh. Tôi đựơc biết qua báo chí lúc bấy giờ và theo lời thuật lại của Đại Úy Nguyễn Lễ Trí và Đại Úy Nhung khi tôi làm việc chung với những người nầy từ năm 1958. Ông Trí là em rể cuả Bà Dương Văn Minh cũng là thuộc cấp của ĐT Minh từ các chiến dịch Hoàng Diệu, Nguyễn Huệ, Thoại Ngọc Hầu. Chức vụ sau cùng của Đại Tá Nguyễn Lễ Trí là Cục Trưởng Cục Xã Hội QLVNCH, hiện ông đang định cư ở California. Ngoài ra sau này tôi còn được biết thêm một cách chi tiết hơn, khi Đại Tướng Minh sang Hoa Kỳ. Mặt khác tôi còn tìm thấy được những tài liệu rất đáng tin cậy được viết rõ ràng trong quyển "1945-1954 Việc Từng Ngày Hai Mươi Năm Qua". Tác giả là Đoàn Thêm.

Sau khi hoàn tất Chiến Dịch Hoàng Diệu, Thiếu Tướng Dương Văn Minh được đề cử giữ chức vụ Tư lệnh Chiến Dịch Nguyễn Huệ từ ngày 1-1-1956 để đối phó với lực lượng Hòa Hảo, cụ thể là để thu phục các tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt và tướng Trần Văn Soái tức Năm Lửa . Đại Úy Nguyễ Lễ Trí, thuộc cấp tin cậy của ThT Minh lúc bấy giờ, đã gây được sự tín nhiệm đặc biệt với Ông Phan Hà, bạn học cũ. Chỉ sau vài lần trao đổi điều kiện với đại diện của ThT Minh, Ông Phan Hà, Cố Vấn Tướng Năm Lửa, đã thuyết phục được Bà Trần Văn Soái, nhũ danh Lê Thị Gấm, người được biết nhiều với biệt danh Phàn Lê Huê. Tuy là lãnh tụ của khối quân sự lớn nhứt Hoà Hảo, Tướng Trần Văn Soái lại chịu sự chi phối cứng rắn của phu nhân mình nhứt là các vấn đề tài chánh nên Ông chấp thuận nhanh chóng những điều kiện do Bộ Tư Lệnh Chiến dịch đưa ra và được soạn thảo bởi Đại Sứ Nguyễn Ngọc Thơ.

Ngảy 8/3/1956 tại Cái Vồn, trước Thiếu Tướng Dương Văn Minh, Tướng Trần Văn Soái, với 1.056 sĩ quan và 4.600 binh sĩ Hoà Hảo, làm lễ tuyên bố về hợp tác với Chánh phủ.

Thu phục xong Trần Văn Soái, ThT Minh tiếp đối phó với Tướng Lê Quang Vinh, tức Ba Cụt. Ông cũng rất muốn thâu phục LQV nên đã được sự giúp đỡ của Đại Sứ Nguyễn Ngọc Thơ, qua trung gian Ông Giáo Huỳnh Kim Hoành, là Cậu Tư cũng là Thầy dạy học của Ba Cụt tiếp xúc để thỏa hiệp với Ba Cụt nhưng không thành vì sự đòi hỏi quá đáng. Lê Quang Vinh tức Ba Cụt muốn được nhìn nhận là Trung Tướng Quân Đội VNCH, ngang hàng với Trung Tướng Lê Văn Tỵ, Tổng Tham Mưu Trưởng QLVNCH và sắc lệnh công nhận này phải ban hành trước ngày về hợp tác. Tôi được Đại Tướng Minh cho biết trong thời gian đó Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch xử dụng tối đa các đơn vị thuộc quyền, hành quân liên tục dọc theo vùng Thất sơn, Châu Đốc ngăn chận đường về núi Sam, Thường Phước, thuộc quận Hồng Ngự gần sát biên giới Kampuchia, là cứ địa an toàn của Ba Cụt. Vì chiến thuật tấn công của ThT Minh lúc đó là “chặn mất đường về hang của hổ, buộc hổ phải di động liên tục thì chắc chắn hổ phải sa lưới.” Các Tiểu Khu tại Miền Tây cũng nhận được lệnh của ông mở nhiều cuộc phục kích ngày và đêm trong vùng trách nhiệm Tiều Khu để làm giao động tướng Ba Cụt. Đúng như ý muốn của Thiếu Tướng Dương Văn Minh, Tướng Lê Quang Vinh phải luôn luôn bị động, không thể ở yên một nơi nào, nhứt là sau khi Tướng Trần Văn Soái đã quy thuận. Và cuối cùng hổ sa lưới thật.

Ngày 13-4-1956, Lê Quang Vinh tức Ba Cụt bị một tiểu đội Bảo An phục kích bắt sống tại Chắc Cà Đao cách Long Xuyên 15 cây số cùng với 5 hộ vệ. Trung sĩ Giàu chỉ huy tiểu đội nầy đã thuật lại rằng, Tiểu Đội của Ông đang phục kích từ khuya đêm 12 rạng 13/4/56, vào khoảng 6 giờ sáng, Ông thấy một toán người từ một chiếc đò cập bến để bước lên bờ. Ông hô to:

- Ai đó! Đứng lại

- Đừng bắn! Tôi là Ba Cụt đây! Tôi đầu hàng!"

Sau nầy được báo chí hỏi, Thượng sĩ Giàu nhìn nhận là Ông có cảm giác run sợ, nếu biết rõ trong toán người đó có Ba Cụt, không hiểu ông có phản ứng ra sao. Ông và Tiểu đội cuả Ông được thưởng một triệu đồng trong một buổi lễ ngày 22-5-1956. Vào thời điểm đó tôi đang thụ huấn tại TVBLQ Dalat, sau khi trừ tiền cơm, chúng tôi, độc thân, lãnh được lối hơn 1.200$ và một tô phở BẰNG chỉ có 5$.

Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch liền giải Ba Cụt về Cần Thơ rồi chuyển phạm nhân sang Bộ Tư Pháp và Bộ Quốc Phòng. Kể từ lúc đó mọi quyết định về Ba Cụt đều thuộc hai bộ này còn Bộ Tư Lệnh Chiến Dịch của ThT MINH chỉ yểm trợ Tỉnh Cần Thơ trong việc bảo vệ an ninh khám đường mà thôi.

Ngày 11-6-1956: Tòa Sơ thẩm Đại Hình họp tại Cần Thơ, với thành phần:

Chánh án: Ông Huỳnh Hiệp Thành, đại diện Công Tố Viện: Ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh, các Luật Sư biện hô bị can là Ông Vương Quang Nhường, Lê Ngọc Chấn, Đinh Xuân Các và Phạm Văn Thu. Toà tuyên án tử hình theo đề nghị của Ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh.

Bị can chống án

25-6-1956: Toà Thượng Thẩm Đại Hình họp tại Cần Thơ với thành phần: Chánh Án: Lê Văn Thu- Công Tố Viện: Lê Văn Tuấn, để phúc lại án Lê Quang Vinh và ngày 26-6-56, y án tử hình của tòa Sơ Thầm Đại Hình Cần Thơ.

3-7-1956: Toà Án Quân sự họp tại Cần Thơ để xét về khía cạnh an ninh quốc gia với thành phần Chánh Án: Vũ Tiến Tuân - Ủy Viên Chánh Phù: Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, và ngày hôm sau, 4-7-1956, toà tuyên án Lê Quang Vinh: tử hình cộng thêm tước đoạt binh quyền và tịch thâu tài sản.

Tử tội Lê Quang Vinh tự Ba Cụt xin Tổng Thống VNCH ân xá.

Tổng Thống Ngô Đỉnh Diệm bác đơn ân xá

Luật sư Lê Ngọc Chấn thay mặt Lê Quang Vinh xin Tổng Thống kiêm Tổng Tư Lệnh Tối Cao Q.Đ.V.N.C.H cho tử tội được bị xử bắn theo quân luật thay vì bị hành quyết bằng máy chém. Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng bác đơn xin nầy và ngày 13-7-1956. Trung Tá trừ bị Lê Quang Vinh tự Ba Cụt, 32 tuổi, bị hành quyết tại nghĩa địa đường Hoà Bình, Cần Thơ bằng máy chém "guillotine" có từ thời Pháp thuộc, chở từ Sàigòn xuống, đao thủ phủ là Ông Đội Phước.

Vấn đề được đặt ra nơi đây: Việc Luật sư Lê Ngọc Chấn, thay mặt tử tội Lê Quang Vinh, Trung Tá Trừ bị Quân Đội QGVN kể từ ngày 14-1-54 dưới thời Thủ Tướng Bửu Lộc, yết kiến Tổng Thống để xin đặc ân cuốí cùng là bị xử bắn thay vì bị chém nhưng rồi Ba Cụt vẫn bị chặt đầu!! Ai là người có thẩm quyền chuyên quyết theo hiến pháp? Tôi muốn nói là có ai đó cứ một mực muốn Ba Cụt phải bị chặt đầu nên mới không ban cho đặc ân bị xử bắn mà đáng lý ra Ba Cụt phải đươc hưởng, vì tử tội là một Trung Tá trừ bị, và hơn thế nữa là Đại Tá giả định.?? Tôi xin nhường quyền phán xét lại quý vị.

Cũng cần nói thêm một chi tiết khác: Ngày 17 tháng 3, 1965, tất cả 3 bản án của Toà Án Quân sự và của Tòa Đại Hình bị hủy bỏ do phán quyết của Phòng Tái Thẩm toà Thượng Thẩm Sài Gòn.

Sau khi, hoàn tất vụ án Ba Cụt, Ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh, trở về Sài Gòn đảm nhận chức Tham Lý, ngang hàng Thứ Trưởng, rồi chức Bộ Trưởng Bộ Nội Vụ thay thế Ông Nguyễn Hữu Châu, từ chức kể từ ngày 5-11-1956.(Phải chăng là để thưởng công?).

Còn Tướng Dương Văn Minh tiếp tục phục vụ tại Miền Tây, chỉ huy Chiến Dịch Thoại Ngọc hầu (8-6-1956) rồi được kiêm nhiệm thêm Tổng Thư Ký Thường Trực Quốc Phòng, trực thuộc Tổng Thống Phủ, Tư Lệnh Phân Khu Sàigon/ChợLớn sau nầy trở thành Biệt Khu Thủ Đô (29-8-1956). Chiến Dịch Thoại Ngọc Hầu chấm dứt ngày 30-10-1956

Câu hỏi cuả phóng viên Hồng Phúc có hai chữ “bằm thây”. Hai chữ nầy, năm vừa qua, người được phỏng vấn, năm vừa qua, cũng có nghe. Một người bạn của tôi thuật lại trong một dịp gặp gỡ với người từng là Sĩ Quan Tùy Viên của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cho đến hết ngày 1-11-1963, trong lúc vui miệng đã kể lại, một hôm, tháp tùng Tổng Thống đi kinh lý, người nầy được Ông Tỉnh Trưởng Cần Thơ cho biết là xác Ba Cụt đã bị bằm ra.

Tôi không tận tai nghe được cuộc đàm thoại nầy. Nhưng tôi biết chắc chắn vị Tỉnh Trưởng Cần Thơ trong thời gian các chiến dịch Nguyễn Huệ và Thoại Ngọc Hầu cũng không ai khác hơn là vị Sĩ quan cao cấp có tên trong bài viết về cái chết của hai Ông Ngô Đình Diệm và Ngô Đình Nhu. Tiết lộ của Ông với Sĩ Quan Tuỳ Viên của Tổng Thống chỉ là một hình thức báo cáo lệnh trên đã được thi hành, không phải là thưa gởi. Sau chiến dịch, Vị Tỉnh Trưởng nầy được thuyên chuyển làm Tỉnh Trưởng Phước Tuy một thời gian khá lâu.

Trong sách của Bà Trần Thị Hoa tự Phấn, phu nhân của Tướng Lê Quang Vinh, hiện định cư ở Houston, có viết ... "Khi đã chết rồi, thi thể tướng Lê Quang Vinh còn bị hành hạ, chặt ra nhiều khúc cho tan nát, cho tuyệt diệt. Hành động nầy có làm cho phía chiến thắng được thêm hả hê thoả mãn trong nềm kiêu hãnh tự hào chút nào không? Đối với phương Đông, đây là một điều bất nhân vô đạo. Phương Đông có truyền thống đạo học, kẻ không theo Phật cũng biết Nho. Không ai nỡ đối xử tàn tệ với người đã chết như thế ... (trang 229).

Với ý đồ gì mà người lãnh đạo tối cao lại muốn phải thi hành bản án theo đúng kiểu như vây? Chúng ta hãy đọc trong “hồi Ký LQV trang 228 để có thể tìm câu trả lời: “chỉ có 90 ngày có lẽ còn ngắn hơn nếu kể từ ngày khởi đầu tố tụng. Rõ ràng là một cố ý chánh trị, một thái độ vội vã, cố tình đạt cho được mục tiêu thật mau lẹ, giống như một kẻ đã có ý định muốn bóp chết địch thủ ngay lập tức, để dứt khoát cho xong”.

Và chúng ta nghĩ sao về sự kiện tử tội xin bị xử bắn thay vì bị chém đứt đầu nhưng Tổng Thống đã cương quyêt từ chối. Nếu Tổng Thống đúng là mẫu như ông Lâm Lễ Trinh ca ngợi trong Về Nguồn, trang 88: “Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một tín đồ công giáo thuần thành, phân biệt tội phước ...” Vậy thì vì lý do gì ông lại lạnh lùng quyết tâm không cho Ba Cụt được chết toàn thây? Tại sao ông lại muốn công chúng trước pháp trường tận mắt chứng kiến Ba Cụt bị chặt ra làm hai khúc?. Rồi theo như hồi ký Tướng LQV, tại sao người lãnh đạo tối cao lại không chỉ thị rõ rệt cho nhân viên thừa hành là phải chiếu theo luật pháp mà giao ngay xác chết hai mảnh lại cho thân nhân trước sự chứng kiến của Ông Chánh Án Huỳnh Hiệp Thành, của Công Tố viện, Biện Lý Lâm Lễ Trinh cũng như của báo chí, của công chúng với biên bản của Thừa phát lại?

Nếu thật sự có việc phi tán xác chết Ba Cụt thì rõ ràng vì có ai đó đã sợ rằng nơi chôn cất Tướng Lê Quang Vinh ngày nào đó sẽ trở thành một địa điểm hành hương của tín đồ Hòa Hảo.

Vậy câu hỏi là:

- Ai là những người sợ nơi chôn cất Tướng Lê Quang Vinh tự Ba Cụt ngày nào đó sẽ trở thành một địa điểm hành hương?

- Và nếu thật sự Thiếu Tướng Dương Văn Minh đã chỉ thị cho ông Nhung làm việc này thì ông có lợi gì trong đó? hay chỉ có hại mà thôi? Vậy tại sao ông phải làm như vậy? Có phải vì ông phải chấp hành lệnh của thượng cấp hay không?

Ngoài ra nếu muốn phân tích xem cho rõ “có phải Thiếu Tướng Dương Văn Minh đã chỉ thị cho ông Nhung bầm thây Ba Cụt hay không” tôi xin được kể lại gút mắc của tôi về quyển sách Về Nguồn của ông Lâm Lễ Trinh. Bởi vì nếu chúng ta giải tỏa được gút mắc này thì đó chính là phần lớn sự thật về việc thủ tiêu xác Ba Cụt.

Khoản đầu tháng 4 năm 2007, Giao Chỉ phổ biến trên Take2Tango, bài viết "Tác giả Lâm Lễ Trinh tại San Jose Từ Về Nguồn đến Thức Tỉnh..."

Khi đọc xong bài viết, tôi liền gởi một điện thư đến tác giả để yêu cầu Ông giải thích cho thắc mắc của tôi về một đoạn trong tác phẩm của Ông. Đoạn ấy như sau:

… ”Nhung đã chết một cách bí ẩn trong tù. Nguyên Đại Tướng Khánh cho biết đã tìm thấy xác của Nhung treo cổ bằng giây thừng”. Nhung cũng là người được Dương Văn Minh giao phận sự thủ tiêu xác của Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, lãnh tụ Hoà Hảo, sau án tử hình. (Về Nguồn trang 64).

Ngày 19-4-2007 tôi vừa gửi điện thư đến Ông Lâm Lể Trinh vừa gửi bằng thư "Ưu tiên" của Bưu điện có số chứng nhận đã giao số 0305 1720 0000 5965 4441 (Delivery Confirmation) ngày 21-4-2007 đến tư gia của Ông ở Huntington Beach, CA 92646 lúc 11:08 sáng.

Đến 13/5/07, không nhận được hồi âm nên tôi công khai hoá điện thư trên take 2tango:

Đại ý tôi đã viết cho ông Trinh như sau:

Một mặt tôi đưa ra những tài liệu nói rằng khi Lê Quang Vinh bị chém thì Công tố viên của Toà Đại hình thuộc Bộ Tư Pháp VNCH có trách nhiệm thi hành bản án nầy. Và khi đó đại diện Bộ Tư Pháp là Ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh có trách nhiệm phải chứng kiến và xác nhận tội phạm đúng thực là Lê Quang Vinh, cũng như ông Trinh phải xác nhận tội phạm thực sự đã bị chặt đầu và đã chết. Theo luật pháp thì Bộ Tư Pháp và Ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh còn phải có trách nhiệm và cũng như có đầy đủ thẩm quyền quyết định một trong hai việc:

* Hoặc là giao xác chết của tội phạm (tướng) Lê Quang Vinh lại cho thân nhân để mai táng,

* hoặc là giữ xác chết hai mảnh, phần đầu và phần mình của (tướng) Lê Quang Vinh rồi chôn cất tại nơi nào đó.

Mặt khác tôi đã nhắc lại lời ông LLTrinh viết: “Nhung cũng là người được Dương Văn Minh giao phận sự thủ tiêu xác của Lê Quang Vinh tức Ba Cụt, lãnh tụ Hoà Hảo, sau án tử hình.”

Và đã hỏi ông Trinh hai câu:

Câu hỏi thứ nhất: Ông là người có quyền quyết đinh về hậu sự của LQ Vinh cho nên nếu Thiếu Tướng Dương Văn Minh chịu trách nhiệm thủ tiêu xác chết thì chắc chắn ông biết rõ ai đã ra lệnh này cho Thiếu Tướng Dương Văn Minh? Bộ Tư Pháp hay Bộ Quốc Phòng, hay một vị nào đó có thẩm quyền cao hơn hai Bộ nầy?

Nên nhớ, lúc bấy giờ Thiếu Tướng Dương Văn Minh chỉ là Tư Lệnh chiến dịch Thoại Ngọc Hầu thì Thiếu Tướng Dương Văn Minh có thẩm quyền gì trong việc hành quyết Tướng Lê Quang Vinh để mà có thể giao phận sự thủ tiêu xác chết cho Đại Úy Nhung?

Và câu hỏi thứ hai: Sự hiện diện của Ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh và Ông Chánh Án Huỳnh Hiệp Thành tại pháp trường Cần Thơ đã được phu nhân tướng Lê Quang Vinh tức Ba Cụt xác nhận nơi trang 231 và 233, quyển Hồi Ký Tướng Lê Quang Vinh.

Ông Lâm Lễ Trinh chính là người có quyền quyết định về số phận xác chết Tướng Lê Quang Vinh cho nên ông phải biết rõ là làm sao Đại Úy Nhung có được xác chết để thủ tiêu? Ông Nhung đã khống chế ông để cướp đi xác chết hay là chính ông đã giao nó lại cho ông Nhung?

Nếu là cướp xác, tại sao ông lại im lặng trước một việc trọng đại như vậy mà không báo cáo lên cho cấp trên? Và im lặng luôn cho đến bây giờ?

Còn nếu chính ông giao xác chết đó cho ông Nhung thì tại sao ông lại làm như vậy? Ông Biện Lý Lâm Lễ Trinh đã căn cứ theo điều luật nào? Hay vì tuân theo lệnh của thượng cấp hoặc tự ý cá nhân?

Ông Lâm Lễ Trinh.
Thưa quý vị thư của tôi đã đến tận tay Tiến Sĩ Lâm Lễ Trinh nhưng Ông cứ bảo là không đọc được và yêu cầu gửi lại. Tôi lại yêu cầu Ông vào website Take2tango để đọc, nhưng tôi vẫn không thấy Ông trả lời.

Không bỏ cuộc, tôi đã lái xe đi Houston cách nơi tôi cư ngụ lối 530 miles để tham dự buổi Hội thảo bán sách của Tiến Sĩ Trinh tổ chức vào chiều ngày 27/5/07. Trong phần phát biểu ý kiến, tôi đã lập lại những câu hỏi như đã gởi Ông hồi tháng Tư, nhưng người điều khiển chương trình đã cắt ngang khi tôi chưa đọc hết các câu hỏi của tôi. Tôi muốn nói rằng ông Lâm Lễ Trinh đã không muốn đọc và cũng không muốn nghe hai câu hỏi trên của tôi. Tại sao lại như vây? Tôi xin nhường câu trả lời lại cho quý vị.

Tôi tin rằng nếu ông Lâm Lễ Trinh chịu thành thật trả lời hai hỏi trên, thì vấn đề ai thủ tiêu và vì sao lại phải thủ tiêu xác Ba Cụt sẽ hoàn toàn được giải đáp. Tôi vẫn còn giữ đoạn video nầy.

Nhưng tôi nghĩ rằng có lẽ sau khi hành hình Ba Cụt, Ông Biện Lý Việt Nam Francis Lâm Lễ Trinh cũng muốn học theo Pilate, là sai người đem nước đến để Ông rửa tay.

Trịnh Bá Lộc



No comments:

Post a Comment