Nguyễn Ðạt Thịnh
Tôi mượn 3 chữ “Ðáy Ðịa Ngục” của anh bạn quá cố, họa sĩ, văn sĩ Tạ Tỵ; anh dùng 3 chữ này để đặt tên tác phẩm cuối cùng anh viết, mô tả cuộc sống khiếp đảm trong các trại khổ sai cải tạo do bọn Việt Cộng lập trên mặt đất, trên cổng trời, để thực hiện những đọa đầy chỉ có dưới 9 tầng địa ngục.
Áp lực quốc tế bắt Việt Cộng đóng cổng những trại “địa ngục”, nhưng chúng chỉ đóng cái cổng bên ngoài; bên trong địa ngục vẫn còn nguyên, dù không cổng, không khóa. Chúng còn mở rộng địa ngục bao trùm lãnh thổ để đầy đọa toàn dân Việt Nam.
Ðây là một cảnh địa ngục: “TT - Trụ mới được đến ngày thứ mười tôi sụt mất 3kg. Những cô gái đôi tám, hai mươi làm nghề này bề ngoài coi bộ phổng phao nhưng nhìn kỹ sẽ thấy xanh rớt, bệu bạo vì Anh Thắng làm ở khâu thành phẩm, vợ anh làm ở khâu tạo hình, thu nhập hai vợ chồng tròm trèm 3 triệu đồng/tháng. Tiền thuê nhà, điện nước, sinh hoạt, tằn tiện lắm vợ chồng anh mới dư mỗi tháng chừng 200.000 đồng gửi về quê nuôi đứa con nhỏ. Một tuần anh làm ca ngày, một tuần làm ca đêm, sức khỏe mau xuống do giờ giấc sinh hoạt đảo lộn. Anh nói nhiều khi đang làm giấc ngủ cứ ập đến, thế là phải hút thuốc, nhấp cà phê liên tục chống lại cơn buồn ngủ. “Tới khi tan ca về nhà đã kiệt sức, muốn ngủ nhưng không tài nào chợp mắt” - anh cười buồn.
Đặc trưng của công việc này là chủ khoán theo sản phẩm, thế nên cuộc chạy đua trong mưu sinh ở nơi khắc nghiệt này thêm nghiệt ngã. Thường thu nhập bình quân một người 1,2 triệu đồng/tháng, cao nhất là trên 3 triệu đồng/tháng. Ai kiếm được con số này đồng nghĩa với việc phải làm như máy.”
Hai chữ TT đầu đoạn bài phóng sự vừa trích là hai chữ tắt tên tờ báo Tuổi Trẻ xuất bản tại Sài Gòn; bài báo đăng ngày 23 tháng Mười 2008, cách đây gần một tháng, cảnh địa ngục mới toanh. Cảnh 2 vợ chồng mạnh tay, khỏe chân, làm việc cật lực, mỗi tháng dư được 6 mỹ kim (200,000 đồng), gửi về quê nuôi con.
Ðừng nói chuyện tương lai với vợ chồng anh Thắng, hai người công nhân thủy sản này sẽ tưởng bạn chế diễu họ. Ðể có được 6 mỹ kim sau khi trả tiền ăn, tiền nhà, họ phải làm việc đến mức không có thì giờ đi tiêu, đi tiểu nữa. Tờ tuổi trẻ viết, “… sáng thức dậy sớm từ 3-4 giờ đi lãnh cá. Trong công việc từng thao tác phải cần mẫn, chính xác. Tự vắt kiệt cả sức, hạn chế tối đa cả chuyện vệ sinh, bởi mỗi lần đi vệ sinh phải thay bộ đồ công nhân, đến khi đi vệ sinh xong phải mặc lại. Đối với họ khoảng thời gian hao phí đó là xa xỉ nên phần lớn tự hạn chế tối đa, tranh thủ lúc dùng cơm trưa đi vệ sinh luôn. Chị Loan - một công nhân khâu tạo hình - là một người như thế: lúc nào cũng cắm cúi làm, sợ ngẩng đầu lên tốn thời gian, lâu ngày thành thói quen, lưng bị tôm, dáng đi bị niễng một bên. Không chỉ chị Loan, nhiều cô gái trẻ trong nghề này đều có dáng đi ít bình thường.”
Chị Loan là vợ anh Thắng; hai vợ chồng lao lực làm việc, nhưng còn có việc để mà làm, họ mới ở lưng chừng địa ngục.
Ðây mới là cảnh đáy địa ngục, “Dáng vẻ tiều tụy, những khuôn mặt ủ dột, mắt đỏ hoe chực chờ khóc, rất nhiều công nhân nữ đang lâm vào cảnh thất nghiệp, tâm sự: “Bọn tôi đã gọi điện về quê thông báo với ba mẹ tết này sẽ không về nhà”. Nguyễn Thị Hằng - quê ở xã Vọng Đông, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang, công nhân Công ty TNHH một thành viên Công nghệ may mặc VN, quận Thủ Đức - nghẹn ngào nói: “Mỗi năm nai lưng ra làm, cực mấy cũng chịu, chỉ mong đến tết là dịp sum họp gia đình. Năm nay sát tết lại thất nghiệp, không có tiền, chắc đành ở lại TP lang thang, lây lất qua ngày chờ ra giêng xin việc. Không về được ai chẳng nhớ nhà, nhưng nếu về với bộ dạng “không tiền” ba má càng buồn hơn”.
Hằng tính toán với vài trăm ngàn đồng cô dành dụm được nhiều tháng qua cũng chỉ đủ cho những ngày tiếp tục vác đơn đi xin việc. Mà cuối năm, tết nhất cận kề, biết tìm đâu ra được việc! Cô và những người bạn cùng phòng đã chạy khắp nơi tìm việc những ngày qua nhưng chưa nơi nào nhận. “Hết tháng này không tìm được việc trong công ty chắc tôi cũng đành xin làm tiếp viên trong mấy quán ăn hoặc phụ bán cà phê, quán nhậu ...” - Hằng nói với vẻ đầy tâm trạng.
Cô gái trẻ Lê Thị Thương rời vùng quê Bình Thuận vào làm công nhân may tại Công ty Quang Sung Vina từ đầu năm 2008. Sau khi có việc làm, Thương cũng vừa lập gia đình ở ngoài quê được vài ba tháng. Nhưng hạnh phúc ngày tân hôn còn chưa trọn vẹn thì một ngày Thương nhận được “hung tin” công ty phá sản, vị giám đốc người Hàn Quốc bỏ trốn. Vậy là lâm vào cảnh thất nghiệp. Hơn 2,8 triệu đồng tiền lương của cô mà công ty còn nợ cũng mới nhận được một phần. Hơn ba tháng nay, cô sống vật vờ bữa cơm trắng, bữa mì gói với rau tạp nham hái được ở vườn nhà bên khu ở trọ.
Chị đang hâm lại nồi cơm để dằn bụng, chiều đi tìm việc |
Thương kể có bữa chủ nhà trọ báo mấy bà trong xóm cúng “cô hồn”, phát gạo làm phước, chị em công nhân trong phòng chạy đến xin được vài ký về dành dụm, ăn dè chừng. Thế rồi gạo “cô hồn” cũng hết, nhiều người đành phải chịu “mặt dày” ra quán đầu ngõ tiếp tục xin mua chịu. “Tiền gạo, đồ ăn, tiền nhà trọ đều thiếu, các chủ nợ nặng nhẹ, mắng nhiếc, tôi đành phải bán chiếc nhẫn cưới và đôi bông tai được 700.000 đồng. Trả nợ hết còn hơn trăm ngàn về quê làm hồ sơ để tiếp tục xin việc. Bữa nay nghe công ty phát mãi tài sản, tôi ra đây mong họ trả cho ít tiền sống qua ngày...” - cô gái trẻ rơm rớm nước mắt kể.
Đáng thương hơn, chị Nguyễn Thị Kiều, quê Hồng Ngự, Đồng Tháp, mấy ngày nay bữa nào cũng bế con nhỏ đến trước cổng Công ty Quang Sung Vina để đòi lương. Công ty còn thiếu chị gần 2 triệu đồng tiền lương tháng bảy và hơn nửa tháng tám. Chị Kiều tâm sự, chồng chị làm nghề lượm ve chai, nhặt nhạnh cả ngày cũng chỉ được vài chục ngàn đồng. Vợ chồng con cái sống lây lất bữa cơm với nước tương, đậu hũ kho, bữa thì mì gói.
Mấy hôm nay, bé Huỳnh Thị Kiều Oanh, con gái chị, bỗng dưng lại bị nổi hai cục hạch to tướng trên cổ. Hỏi vì sao không đưa con đến bệnh viện chữa trị, chị Kiều phân trần: “Cũng muốn lắm nhưng không có tiền, đành chịu. Vợ chồng tui đã đưa cháu đến mấy ông thầy lang nhưng chờ hoài vẫn chưa thấy khỏi ...”.
Bé Kiều Oanh, chị Kiều, ông chồng lượm ve chai của chị, cô Thương, chị Loan, anh Thắng, và tất cả những người đang sống dưới đáy địa ngục, xin quý chị, quý anh, nhận lời tạ tội của tôi, một người lính bất tài không giữ được quê hương, khiến giặc Cờ Ðỏ tràn về hành hình, đọa đầy quý chị, quý anh.
Nguyễn Ðạt Thịnh
No comments:
Post a Comment