Saturday, November 22, 2008

Cô Tim ở Đức

Trần Văn Tích

Trong mấy tuần lễ vừa qua, dư luận đồng hương hải ngoại xôn xao trên internet về câu chuyện một phụ nữ được mô tả là gốc người Thụy sĩ đang và sẽ đi vận động người Việt hải ngoại tại Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Bỉ, Đức, Úc đóng góp tiền bạc cho một chương trình gọi là xã hội ở Việt Nam do cô điều hành. Đó là cô Aline Rebeaud, với tên Việt là Tim. Từ trước đến nay, chuyện giúp đỡ người trong nước là chuyện xảy ra như cơm bữa. Chế độ cộng sản tàn bạo sử dụng đồng bào như những con tin và chúng ta đành buộc lòng vì con tin mà hành động. Tuy nhiên đối với chuyện xin tiền của cô Tim thì lại xảy ra tình huống ngược ngạo, quái gở là cô Tim yêu cầu dẹp bỏ cờ quốc gia nền vàng ba sọc đỏ tại một buổi hội ngộ quyên góp rồi mới chịu tham gia.

Theo các tin tức trên mạng thì cô Tim yêu cầu không treo cờ quốc gia khi cô đến quyên tiền đồng bào tỵ nạn cộng sản tại San Fernando Valley ngày 25.10.2008. Người thiếu phụ Âu châu đã có một lề lối suy nghĩ, một cung cách hành động lạ đời. Cô đến xin tiền người Việt nhưng lại đặt điều kiện qua đòi hỏi chủ nhà phải làm theo yêu cầu của mình! Có ai van xin cô đến quyên góp đâu; chính cô thỉnh cầu đồng hương Việt Nam cho cô đến gặp để xin tiền nhằm yểm trợ chương trình gọi là xã hội của cô. Người đi xin lại giao hẹn với kẻ cho tiền là phải thế này, thế nọ, không được thế ấy, thế kia! Rõ ràng là cô Tim suy nghĩ không bình thường. Cô Tim có thể vì một hay những lý do nào đó không ưa quốc kỳ Việt Nam Cộng Hòa. Đó là chuyện cá nhân riêng tư. Nhưng lúc đến cùng cộng đồng tỵ nạn hải ngoại, cô không thể cấm đoán cộng đồng tỵ nạn sử dụng biểu tượng thiêng liêng của cộng đồng. Nhất là khi Vietland đồng thời đưa lên mạng hình ảnh của cô đứng trước cờ máu và tượng cáo Hồ nhân nhận giải mang tên người đồng hương của cô là Henry Dunant!

Có người ở Kưln cho tôi biết trong tuần lễ vừa qua tại Đức đã có một nhóm đồng bào ở Mưnchengladbach định tổ chức quyên góp cho cô Tim nhưng khi được biết tin cô chủ trương hạ bỏ cờ quốc gia thì buổi gặp gỡ đã bị hủy bỏ. Mặt khác, tờ Diễn Đàn Việt Nam số 198, tháng 11.2008, cũng có đăng một bài viết và một bản tin liên quan đến cô Tim với nội dung mời gọi bà con đến tham dự “trà đàm“ cùng cô Tim, do Nhóm thân hữu Muenchen tổ chức. Điều kỳ quặc là nhóm tổ chức chỉ cho biết địa điểm “trà đàm“ nhưng không hề ghi rõ ngày “trà đàm“. Tuy nhiên trước phản ứng quyết liệt của đồng hương tỵ nạn, người đứng đầu nhóm tên Trần Tú Trinh đã đưa lên mạng lưới thông báo cho biết việc gặp gỡ với cô Tim đã bị hủy bỏ. Gần đây nhất, lại có một vài cá nhân đứng ra vận động đồng hương gặp cô Tim tại Kưln trong những ngày tới, mặc dầu những người tổ chức không phải là không biết thái độ đáng trách của cô ta đối với quốc kỳ của chúng ta. Cuối cùng, trên trang nvtn-bonn, cũng có một thành viên của Nhóm Người Việt Tỵ Nạn Bonn đã đăng tải thư mời ủng hộ cô Tim trong một buổi gặp gỡ sắp được triệu tập, dường như ở Mannheim.

Theo tôi, chuyện giúp đỡ người trong nước là chuyện không ai nỡ lòng chống đối. Nhưng phải giúp thế nào để đồng tiền đến trực tiếp tận tay người nhận. Nếu giúp qua một cá nhân hay tổ chức trung gian có lý lịch mờ ám, có hành động thiếu lễ (đối với tập thể người giúp) thì giúp như vậy trở thành một hành vi thiếu cảnh giác, vô ý thức. Cơ quan UNICEF thuộc Liên Hiệp Quốc là một thiết chế có uy tín lớn, có danh vọng cao. Nhưng năm ngoái, cũng chính thiết chế đó đã bị mang tai tiếng về tiền bạc do dân chúng Đức quyên góp ủng hộ, khiến toàn ban điều hành phải từ chức và phải bầu cử một ban điều hành mới.

Vậy ai muốn mời gọi đến gặp Tim thì cứ mời gọi, nhưng một khi đã biết thái độ, lập trường của Tim thì cá nhân tôi và gia đình, bạn bè đáp ứng rất đơn giản: chúng tôi ở nhà, chúng tôi nhắn với Tim “góp tiền cho Tim, nein, danke!“(không, cám ơn).

Trần Văn Tích
Bonn, 21.11.2008


No comments:

Post a Comment