Sunday, November 9, 2008

Thư trả lời của LS Đỗ Thái Nhiên đến Tôn Nữ Hoàng Hoa


Đỗ Thái Nhiên

Kính gửi Tác Giả Tôn Nữ Hoàng Hoa

Ngôn ngữ là ngôn ngữ chung. Dùng ngôn ngữ chung để diễn tả suy nghĩ riêng bao giờ cũng dễ dàng
dẫn tới hiểu lầm và/hoặc bất đồng ý kiến. Đó là cội nguồn của tính đa nguyên trong đời sống xã hội.
Đó cũng là lý do giải thích tại sao dân chủ đa nguyên trở thành giải pháp vận hành của các xã hội văn minh nhân văn: bất đồng nhưng không bất hoà. Khó khăn không nằm ở kỷ thuật trình bày những quan điểm dị biệt, quan điểm xung khắc. Khó khăn chính là khả năng TỰ CHẾ của các bên trong tranh luận.

Phần dẫn nhập cẩn thân này xin hãy xem như lời cảm ơn chân thành của tôi kính gửi tới tác giả TNHH về việc đã cho tôi cơ hội đọc một bài "góp ý" dứt khoát bất đồng ý nhưng cũng rất dứt khoát nhã nhặn.

Đứng trước một nghi án, nhất là loại nghi án hàm chứa những bất đồng gay gắt, chúng ta không thể làm gì khác hơn là đưa nội vụ ra trước toà án. Nói tới toà án, không thể không nói tới luật pháp. Xin đừng quên rằng luật pháp là sự phóng chiếu tâm lý, tình cảm, phong tục tập quán, văn học nghệ thuật của cả một dân tộc. Đặc biệt đối với một vụ án kiểu "Vô Đề/Hoa Địa Ngục", luật pháp phân xử phải là luật pháp của dân tộc tính Việt + dân tộc tình Việt. Tại hải ngoại này và ngay cả tại trong nước Việt Nam ngày nay làm thế nào có được loại luật pháp kia? Nhiều lắm nay mai người ta sẽ kiện nhau về tội nhục mạ, vu khống nhân khi tranh cãi lẩn nhau chung quanh vụ Vô Đề.

Phải chăng Vô Đề và Vô Giải Pháp có một liên hệ đau đớn mang tính định mệnh? Biết trước Vô Đề và Vô Giải Pháp là một cặp bài trùng khắc nghiệt tại sao chúng ta vẫn hăng say tiến vào trận địa xung đột ý kiến? Để làm gì? Để thấy một cộng đồng vỡ tan tành ư?

Bây giờ, nhằm có thêm thông cảm từ phía người đọc, tôi xin phép viết vài lời về những suy nghĩ căn bản của tôi mỗi khi tôi cầm bút.

Mỗi khó khăn (tạm gọi là chính đề) trong đời sống bao giờ cũng sản sinh hai phản ứng: môt là phản đề (chống đối gay gắt), hai là tổng hợp đề (một giải pháp có thể chấp nhận được). CSVN độc tài và tham ô hiển nhiên là chính đề. Các lực lượng chống đối bằng bạo lực: bạo lực ngôn ngữ và bạo lực quân sự (nếu hoàn cảnh cho phép), đó là phản đề.

Sau khi CSVN bị giải trừ, thể chế dân chủ đa nguyên ra đời, đó là tổng hợp đề. Nhớ rằng không có phản đề không thể có tổng hợp đề. Không có tổng hợp đề, phản đề sẽ là con thuyền không bến. Một ngòi bút có thể khi này viết theo phản đề để gây sức ép, buộc chính đề phải đầu hàng. Khi khác viết theo tổng hợp đề để mọi người trong cuộc đấu tranh không đi lạc đường lịch sử.

Nguyễn Chí Thiện là tác giả Vô Đề, đó là chính đề. Những cố gắng nêu bật ý kiến chống đối NCT là phản đề. Tổng hợp đề là sự thể rằng: không thể có toà án và pháp luật để phân xử vụ Vô Đề, chúng ta nên chiếu hiện trạng hồ sơ để tạm đóng hồ sơ Vô Đề nhằm giữ lấy hoà khí cho cộng đồng. Bài viết "ANH KHÔNG CHẾT" chỉ vỏn vẹn 2800 chữ nhưng lại chất chứa cả phản đề lẩn tổng hợp đề. Điều này khiến bài viết bị trách cứ là viết phê phán thay vì viết gợi ý dẫn đường.

Một buổi hội thảo nhiều giờ, may ra mới tìm ra giải pháp tạo lại bình tâm cho cộng đồng trong vụ Vô Đề. Hiện nay chúng ta không có điều kiện để thực hiện cuộc hội thảo kia. Vả lại hãy nghĩ tới tội ác ngút ngàn của chế độ Hà Nội, chúng ta sẽ nhận ra rằng: nghệ thuật sống cao cấp nhất là nghệ thuật "biết quên". Hãy tạm quên Vô Đề, một tranh chấp không giải pháp pháp lý, hãy dồn mọi nỗ lực để đánh thẳng về Hà Nội, đòi cơm áo và dân chủ cho người dân.

Cảm ơn tác giả TNHH, cảm ơn quí vị thức giả quan tâm tới Vô Đề đã dành thì giờ đọc "bài viết" này của tôi.

Nay kính,
Đỗ Thái Nhiên

  • Góp Ý Cùng Luật Sư Đỗ Thái Nhiên Qua Bài Viết "Anh Không Chết“
Tôn Nữ Hoàng Hoa

Ý kiến cuả một số vi hữu trên các diễn đàn yahoo về vấn đề ai là tác giả cuả tập thơ Vô Đề chung quanh nghi án ông Nguyễn Chí Thiện như vậy đã quá đủ. Không cần tốn thì giờ thêm cho câu chuyện này. Tôi rất đồng tình với ý kiến của các vi hữu trên.

Nhưng hôm nay một người bạn foward bài viết của ông Đỗ Thái Nhiên "Anh Không Chết", tôi lại phải xin lỗi người đọc cho phép tôi góp ý cùng ông ĐTN sau khi tôi đọc xong bài viết này. Tôi cũng xin hứa với các vi hữu là sẽ không đào sâu vào việc Ai là tác giả của thập thơ Vô Đề.

Tôi không có quan niệm không tin ai là chống đối và thù hằn người đó. Tôi không tin anh nhưng tôi không chống anh hay thù ghét anh như đã có một vi hữu trên diễn đàn bảo là tuy không "tin tưởng" tôi nhưng vẫn đồng tình về bài viết cuả tôi.

Vì lẽ đó đã có một số nhận định của một số người viết cho là nhóm người không tin ông NCT là tác giả của tập thơ Vô Đề là VC nằm vùng, là chống đối ông NCT vân vân và vân vân.

Người ta không tin ông NCT nhưng chưa chắc người ta đã ghét ông NCT hay chống đối ông ta.

Người ta chống ông NCT vì ông NCT có những lời tuyên bố mở đường cho hoà hợp hoà giải với VC và kêu gọi người Việt hải ngoại không nên chống CSVN mà cứ ngồi chờ chúng giải thể hay là kêu gọi người dân đừng đi biểu tình.

Những ý kiến tiêu cực này không đáp ứng nguyện vọng đấu tranh cuả người Việt tỵ nạn CS tại hải ngoại trên tôn chỉ quyết tâm giải thể chế độ CS tại VN.

Hoặc giả chúng tôi cũng không có quan niệm miệt thị ai nếu người đó không đồng quan điểm với mình. Như chúng tôi đã thưa với quý vị chúng tôi là đàn bà do đó thiếu thốn chữ nghĩa hơn quý vị thức giả trên các Diễn Đàn.

Do đó chúng tôi vào các diễn đàn Yahoo không ngoài mục đích học hỏi để mở mang kiến thức.

Trong suốt thời gian qua, có những người viết, cả hai phía tin hay không tin ông NCT là tác giả tập thơ VÔ ĐỀ, trong đó có cả cá nhân chúng tôi, chỉ bày tỏ ý kiến chủ quan của mình qua nghi án văn học này thành ra những bài viết đôi lúc công phu mà mất đi tính tìm tòi chân lý của sự thật. Do đó như nhà văn Duyên Lãng Hà Tiến Nhất đã đặt cho cái tên là "Vũ Như Cẩn".

Chính trong thời điểm này, chúng tôi vẫn hy vọng sẽ có một tiếng nói tỉnh táo, sáng suốt để khắc phục tình trạng khó khăn đang bẻ đôi tình đoàn kết của người Việt Quốc Gia.

Do đó bài viết của Luật sư Đỗ Thái Nhiên là một hy vọng sẽ trở thành tiếng nói sáng suốt để khắc phục tình trạng.

Nhưng qua bài bài viết "Anh Không Chết" của LS ĐTN đã làm tôi không những thất vọng mà lại càng chán nản ê chề.

Mở đầu bài viết ông ĐTN lấy hai tiêu đề:

Một của phim đề "Chúng Tôi Muốn Sống", hai là nhạc đề "Anh Không Chết Đâu Anh" cuả cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.

Hai cái tiêu đề này cần phải thêm chút muối vì không đủ mặn mà để tô hồng cho những đoạn kế tiếp của bài viết.

Chúng Tôi Muốn Sống là một cuốn phim của những người miền Bắc vượt biên muốn sống, trốn chạy sự truy lùng của Việt Cộng thời bấy giờ.

Diễn đạt ra là ông Đỗ Thái Nhiên đã cho những người không tin ông NCT là tác giả của tập thơ Vô Đề là tượng hình như CSVN đang ráo riết dồn người di cư Miền bắc vào chỗ chết (1).

Thứ hai khi ông Đỗ Thái Nhiên dùng nhạc đề "Anh Không Chết" để ca ngợi ông NCT đã bị ráo riết truy lùng mà không chết. Ông Đỗ Thái Nhiên viết: (trích)

" ....Văn hóa Việt Nam là văn hóa yêu cuộc sống, đến độ phủ nhận ngay cả cái chết: “Anh, Anh không chết đâu Em. Anh chỉ về với Mẹ mong con”. Thế nhưng, thời gian gần đây, tại hải ngoại có một số người Việt Nam lại viện dẫn nhiều lý do khác nhau để buộc một người phải chết, mặc dầu “nạn nhân” đã nhiều lần xác định: “Tôi chưa hề chết. Tôi vẫn đang sống”. Câu chuyện “Anh Không Chết” có nội dung như sau (hết trích)

Qua câu dẫn trích trên đây của bài viết “Anh Không Chết” làm tôi nhớ là khoảng thập niên 90 chúng tôi có cơ hội đọc bài "Từ Đề Cương Văn Hóa 1943 đến Nghị Quyết Văn Nghệ 1987" của ông Đỗ Thái Nhiên mà trong đó ông đã nhận định trong văn hoá có văn học và nghệ thuật là hai bộ môn có tính hấp dẫn quần chúng cao độ và ông đã viết như sau:

(Trích) "văn hoá hiển nhiên là sản phẩm ra đời từ dòng tâm sinh mệnh cuả mỗi dân tộc. Vì vậy không thể có văn hoá nếu không có dòng sống dân tộc. Mặt khác dòng sống của bất kỳ dân tộc nào cũng chất chứa đầy đủ mỹ tục và hủ tục, thương yêu và thù hận, ổn định và rối loạn, hưng thịnh và suy thoái và vô số cặp phạm trù đối lập khác. Tuy nhiên nhờ vào tính thống nhất giữa dân tộc tính và nhân loại toàn tính theo luật tắc "động bất ổn tìm về động ổn định, động tìm về tĩnh những đối lập trong dòng sống dân tộc dân tộc đều có xu thế tìm đến thống nhất." (Hết trích)

Như vậy khi ông cho rằng một nhóm người ráo riết rượt đuổi ông NCT và muốn “mưu sát ông NCT” qua việc không tin ông NCT là tác giả tập thơ Vô Đề là xuất phát từ đâu? hay là từ sản phẩm ra đời của dòng tâm sinh mệnh của một dân tộc mà theo ông thì trong đó có cả ổn định và rối loạn. Rồi từ rối loạn đó theo luật động tìm về tĩnh mà có xu thế tìm về thống nhất như ông đã viết. Như vậy những bất ổn và rối loạn này đi từ dòng tâm sinh mệnh của mỗi dân tộc có đủ điều kiện ắt có và đủ để ông phán đoán những người không tin ông NCT là tác giả của tập thơ Vô Đề đã chủ tâm mưu sát ông NCT Thiệt và GIẢ hay không?

Sau khi ông phán đoán việc mưu sát ông NCT thiệt và giả xong qua những vấn đề giảo nghiệm, sự liên hệ giữa Hoa Địa Ngục 1 và 2 rồi ông tự vỗ tay tán thưởng mình qua câu "Anh Không Chết". Trong 3 chữ Anh Không Chết ông lại viện dẫn Văn Hoá VN và cho rằng vì yêu cuộc sống mà đã phủ nhận ngay cái chết cho rằng "Anh không chết đâu anh anh chỉ về với Mẹ mong con". Nói như vậy là Văn Hóa VN mà trong đó có cả văn học và nghệ thuật là nói chuyện mộng du hay sao mà bảo là vì yêu cuộc sống mà phủ nhận cái chết trong khi ông đã hơn một lần viết Văn hóa VN: "văn hóa hiển nhiên là sản phẫm ra đời từ dòng tâm sinh mệnh của mỗi dân tộc. Vì vậy không thể có văn hoá nếu không có dòng sống dân tộc".

Hơn nữa khi cố nhạc sĩ Trần Thiện Thanh viết bài nhạc Anh Không Chết Đâu Anh là một sản phẩm có thực từ dòng sinh mệnh trên chiều dài lịch sử chống sự xâm lăng của CSVN. Cái chết hào hùng của Cố Đại uý Nguyễn Văn Đương là cái chết hào hùng từ một con dân trong dòng sinh mệnh của dân tộc VN. Người lính VNCH không nhân danh bất cứ chủ nghĩa nào mà chiến đấu. Họ đi từ lòng dân tộc, bảo vệ dân tộc và đã đem xương máu vào đất đai để làm nên trang sử oai hùng của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà.

Cái chuyện người dân không tin ông NCT có ăn nhằm gì vào trang sử oai hùng của những Người Lính VNCH mà ông lại ví von vô thưởng vô phạt, đem cái nghi vấn tầm thường của ông NCT mà đi so sánh vơi sự hy sinh cao cả của những ngươi Lính VNCH đã Vị Quốc Vong Thân. Hay là ông có ý cho rằng những người lính VNCH những anh hùng của dân tộc VN trên cuộc chiến chống Cộng Sản xâm lăng cũng đang nằm trong một nghi vấn hay sao ?

Thưa ông Đỗ Thái Nhiên. Đây chính là lý do mà chúng tôi muốn thưa chuyện với ông. Trước hết về vấn đề Nghi án Nguyễn Chí Thiện?

Khi nói đến nghi án là chưa tìm ra sự thật. Xin lỗi tôi lại múa gậy vườn hoang vì ông là Luật sư. Do đó bổn phận của Luật sư là biết hóa giải những điều "Đúng" hay "Sai". Nhất là những Luật sư đúng đắn trong chức năng của mình thì ít khi phán đoán kẻ khác. Không nên có thái độ ưa thích người này và ghét bỏ người kia. Như vậy sẽ đưa sự việc vào tính tích cực tuyệt đối hay vào tính tiêu cực tuyệt đối thì khó để chúng ta có một căn bản để quyết định.

Nói một cách khác khi con người muốn đi tìm sự thật thì tuỳ theo mục đích họ sẽ bị lôi cuốn vào những ý kiến thích hợp mong cầu vào ý muốn của họ. Nếu họ muốn đi tìm sự thật cho qua chuyện thì họ sẽ chú ý đến những ý kiến trên đầu môi, chót lưỡi. Do đó sự thật họ muốn tìm kiếm chỉ là một sự thật của một hình thức bên ngoài. Còn muốn tìm hiểu đích thực của sự thật thì không cần quảng cáo hay hứa hẹn mà chỉ có những con người thật tâm muốn đi tìm sự thật để đem lại tính thống nhất trong tập thể mà thôi.

Như đã thưa ở trên với ông ĐTN là chức năng của một Luật sư là phải biết phân biệt để trả lời Đúng hay Sai hoặc Yes hay No. Chứ không thể phán đoán. Đi từ mỉa mai cái này hay chê bai mưu sát cái kia đều bắt nguồn từ sự phán đoán. Chính sự phán đoán bắt nguồn từ cảm xúc qua bài viết của ông Đỗ Thái Nhiên đã cho thấy phán đoán là một căn bịnh của trí óc.

Nếu ông Đỗ Thái Nhiên biết dùng phép phân biệt trong bài viết này để hóa giải giữa sự việc ĐÚNG hay SAI THÌ CHẮC CHẮN BÀI VIẾT ĐÃ ĐẠT ĐƯỢC MỘT GIÁ TRỊ CAO TRONG CÔNG VIỆC đem lại bình an trong tâm hồn và làm cho mọi người tránh xa được phiền não trên những ý kiến bất đồng.

Tiếc thay bài viết đã không đi đúng chức năng của nghề nghiệp luật sư mà trái lại chính hững phán đoán của ông Đỗ Thái Nhiên chỉ là những cảm xúc nhất thời không đem được ổn định trong tập thể, không giúp được gì cho sự phát triển tình đoàn kết và tai hại nhất khiến con người sẽ bị mù quáng mà tạo ra những sai lầm khác.

Mong rằng trong thời gian tới chúng tôi sẽ được đọc những bài phân biệt đúng đắn của Luật sư Đỗ Thái Nhiên trong công cuộc tìm ra sự thật AI LÀ TÁC GIẢ CỦA TẬP THƠ VÔ ĐỀ, chứ không phải là những PHÁN ĐOÁN như trong bài "Anh Không Chết" này.

Vì Phân Biệt chính là chức năng của luật sư. Cũng như biết phân biệt đúng thì sẽ giúp cho con người chọn được thái độ đúng đắn trong vấn đề hôm nay.

Tôn Nữ Hoàng Hoa
  • Thư gửi LS Đỗ Thái Nhiên của Nhóm LyTranLeNguyen/ Paris
Kính gửi Luật sư ÐỗThái Nhiên

Thưa Luật Sư,

Theo dõi sự việc và sau khi đọc hồi âm của Luật Sư, cho phép chúng tôi chiêm nghiệm rằng:

Chấp nhận "Cá cược 200.000 USD " và những điều kiện nêu ra của Tiến-Sĩ & Giáo-Sư Nguyễn Phúc Liên chính là "Tổng Hợp Ðề ". Như vậy "Vô Ðề" đã có "Giải Pháp ".

Bởi, Luật sư chiếu vấn đề theo cái nhìn "Lý đáng".

Cho nên, hoặc là đứng bên nguyên cáo hay bị cáo, "Lý đáng" không bao giờ có sự "Trung dung".

Nghệ thuật sống cao cấp nhất là Nghệ thuật "biết quên" (trích lời LS ).

"Biết quên" là Nghệ thuật ?! Xin Luật Sư hướng dẫn nghệ thuật đó cho chúng tôi, để: Quên đi tội ác của Việt Cộng.

Ngõ hầu sở đắc: "Nghệ thuật sống cao cấp nhất".

Nhưng mà, thưa Luật Sư:

"Nghệ thuật sống cao cấp nhất" là sống như thê nào ???
Thật tình, chúng tôi bất khả tri.

Kính.
Nhóm LyTranLeNguyen / Paris


No comments:

Post a Comment