Saturday, November 8, 2008

Theo Chân Người Pháo Thủ SĐ 23BB


Kính Chuyển
Bài viết của Đại Úy PB/SĐ23BB Từ Đức Tài
MG

Kính Thưa các Bác, Chú, Cô

Cháu tên là Tăng Ngọc Thanh muốn biết thêm về cha cháu là Tăng Thanh Tâm thuộc Sư đoàn 23 Bộ Binh Tiểu đoàn 231 Pháo binh trước 75 đóng quân ở Ban Mê Thuột. Cháu không biết ba cháu đã chết hoặc mất tích ở đâu. Có người thì nói đã chết v.v.v. nhưng chưa bao giờ thấy xác. Các Bác, Chú, Cô ai biết được lúc cha cháu còn sống xin gửi cho cháu vài lời cháu muốn biết rõ thêm về cha mình. Cháu xin cảm ơn

Xin gửi về địa chỉ e-mail

thanhtang71@ hotmail.com

Theo Chân Người Pháo Thủ SÐ23BB

Ưu ái gửi cháu Tăng Ngọc Thanh, thứ nam cố Ðại úy Pháo binh Tăng Thanh Tâm, Pháo đội trưởng Pháo Ðội B thuộc Tiểu Ðoàn 231 Pháo binh đã kiên cường chiến đấu đến giây phút cuối cùng tại căn cứ hỏa lực Ðức Lập, Quảng Ðức vào ngày 7 và ngày 8 tháng Ba năm 1975.

Oct 8th 2008

Từ Đứ Tài

Portland

Cháu Thanh thân ái:

Cháu chào đời vài năm trước ngày tàn cuộc chiến, đi đứng nói năng chưa thành thạo, cả tiếng kêu ba thân yêu còn ngọng nghịu, và cháu đã sớm mất cơ hội bập bẹ thêm tiếng ba ngọt ngào trên đầu môi. Ba cháu đã từ giã các cháu trong lúc các cháu còn nhỏ dại. Ba cháu đã vĩnh viễn ra đi, thân xác tả tơi tan nát theo đoàn quân VNCH, theo đất nước miền Nam thân yêu& vào ngày 7 và 8 tháng Ba năm 1975. Các cháu dần dần trưởng thành trong tình thương yêu đùm bọc của người mẹ đầy bất hạnh, đã sớm thành quả phụ trong lúc tuổi còn thanh xuân. Mẹ các cháu, bà mẹ hiền thêm nặng gánh làm cha dạy dỗ nuôi nấng các con nên người. Thật vô vàn trân quý!

Bác lớn hơn ba cháu vài tuổi, ba cháu nhập ngũ trước bác một khóa, cùng đi Pháo binh. Ðơn vị ba cháu Tiểu Ðoàn 231 PB đóng ở Ðà Lạt, bác ở Bộ chỉ huy PBSÐ23BB (Ban Mê Thuột). Bác liên lạc với ba cháu vài lần qua điện thoại và đã gặp ba cháu môt lần tại Ban Mê Thuột. Từ đó hai người quen biết nhau 3, 4 năm sau, đến năm 1974 tình cờ bác gặp ba cháu tại Pleiku. Ba cháu đi với một người bạn; dường như Ðại úy Bùi Minh Ngọc, Phan Thiết. Cuộc tao ngộ trong chớp nhoáng, chỉ nhìn nhau thăm hỏi vài câu rồi chia tay&vĩnh viễn. Bác đi với người bạn về lại đơn vị đang đóng ở Hàm Rồng, Pleiku. Bác ở Pleiku cho đến ngày tàn cuộc chiến.

Mọi việc tưởng như đã chìm trong dĩ vãng. Kẻ mất để lại bao thương nhớ đau buồn cho gia đình, vợ con và người thân, người còn cũng trải qua những năm tháng dài đắng cay chua chát. Bây giờ vợ con người đồng đội năm xưa đã làm trỗi dậy một thời khói lửa trong lòng bác, biết bao hình ảnh của những chàng trai trẻ, đầy ước mơ mộng đẹp cho tương lai. Tất cả đều trôi theo dòng định mệnh của dân tộc.

Mới đây bác có điện thoại hỏi người bạn năm xưa. Quách Văn Ðại, San Jose, còn nhớ buổi chiều trên phố Pleiku gặp Ðại úy Tăng Thanh Tâm. Mọi chuyện xảy ra gần 40 năm cho nên ai cũng còn lờ mờ trong tâm trí. Ông bạn nói: “Còn nhớ lúc đó Ð/úy Tâm đẹp trai, hào hoa, và phong độ, tướng tá giống như đại ca nhưng đại ca ngày ấy hơi ốm hơn.”

Lúc nào bác cũng nhớ đến ba con, và nhớ cả tên họ rõ ràng. Ngày mới vào trại tù cải tạo, gặp ai người Ðà Lạt bác cũng hỏi thăm ba con. Bác có hỏi Ð/úy Nho, Ðà Lạt, cùng đơn vị với ba con: “Không biết anh Tâm, sau trận Ðức Lập có về lại Ðà Lạt không?". Chiến tranh vốn đã phũ phàng! Trận chiến Ðức Lập quá ác liệt. Không nghe thấy ai được trở về!

Những ngày tháng cuối cùng của cuộc chiến ba cháu có mặt tại Ðức Lập chỉ huy pháo đội trừ (-) 4 khẩu 105 ly. Pháo đội của ba cháu được phối trí bên trong Chi khu Ðức Lập, và 2 khẩu tại Núi Lửa cách Ðức Lập vài cây số thuộc Pháo binh Diện Ðịa Quảng Ðức. Chắc chắn hôm đó ba cháu có mặt tại hầm chỉ huy vừa là Ðài tác xạ của Pháo đội bên trong khuôn viên Chi khu Ðức Lập. Phía trên đồi cách Bộ chỉ huy Chi khu khoảng nửa cây số đường chim bay là Căn cứ hỏa lực của Chiến đoàn 53 (-). Dĩ nhiên đều có hầm hố kiên cố phòng thủ vững vàng. Ðại úy Bùi Minh Ngọc, bạn của ba cháu là Sĩ quan liên lạc Pháo binh (SQLL/PB) cạnh Trung tá Trần Nguyên Khoa, Trung đoàn phó Tr. Ð 53. Căn cứ hỏa lực còn có một Chi đội Thiết giáp 4 chiếc M41 trang bị đại bác 76 mm và một Tiểu đoàn bộ binh của Trung đoàn 53.

Quận Ðức Lập, thuộc tỉnh Quảng Ðức, nằm trên quốc lộ 14 đường Ban Mê Thuột đi Quảng Ðức. Ðức Lập cách Ban Mê Thuột từ 45 đến 50 cây số về hướng Tây nam và cách biên giới Cam Bốt từ 6 đến 7 cây số, và xa hơn nữa gần tới Quảng Ðức có chỗ chỉ cách Cam Bốt 3 cây số. Có ngã ba Tam biên, ranh giới giữa Trung phần, Nam phần của Việt Nam và Cam Bốt. Dân chúng phần lớn là người Bắc di cư sống bằng nghề trồng cà phê, ngũ cốc hoa màu. Có những vườn cà phê ngút ngàn xa tít tận chân núi. Rừng có nhiều gỗ quý.

Bác cũng có mặt trên vùng Ðức Lập vài lần. Mỗi lần độ 2 hay 3 tháng, theo Bộ Tư Lệnh nhẹ, Sư Ðoàn hành quân. Lần mới nhất trước ba cháu độ nửa năm. Lúc đó các trận chạm súng giữa đôi bên còn chưa tới cấp Tiểu đoàn.

Quốc Lộ 14 chạy dài từ Bắc xuống Nam: lần lượt qua các tỉnh Kontum, Pleiku, Darlac, Quảng Ðức, Phước Long. Vào khoảng thập niên 1950 bọn thổ phỉ Fulro thường xuất hiện chặn xe đò, xe taxi chở khách để cướp bóc, bắn giết và hãm hiếp; gây bao tang tóc cho dân lành trên đoạn đường từ Ðức Lập đi Quảng Ðức. Và cũng trên quốc lộ 14 này vào thời Pháp thuộc đã xảy ra nhiều trận đánh đẫm máu và ác liệt. Chiến tích được ghi lại bằng các tên gọi: ÐỒI ÔNG HOÀNG, và ÐÈO TỬ SĨ. Có đoạn rừng già mọc lấn ra đường, cây lá um tùm bao phủ cả con đường. Khúc đường từ Ðức Lập tới quận Nghi Xuân sắp đến Quảng Ðức, hai bên đồi cát chập chùng nối tiếp nhau nhấp nhô đến tận biên giới Cam Bốt, đường hẹp quanh co khúc khuỷu, dễ bị phục kích. Chiến tích được truyền miệng: Ðồi Ông Hoàng. Ngược lại đoạn từ Ban Mê Thuột đi Pleiku, ra khỏi Buôn Hô chừng hơn chục cây số, xe vừa lên tới đầu dốc, ai đó đã dựng một bia đá bên đường: Ðèo Tử Sĩ. Chắc chắn nơi này là nấm mồ chung của cả hai bên. Dân tộc ta triền miên đau khổ! Chiến tranh xảy ra từ ngàn xưa, bao thế hệ cha ông đã tiếp nối nhau nằm xuống cho quê hương được trường tồn.

Thưở xưa bác là lính, một đời Pháo thủ “trấn thủ lưu đồn”, theo chân người lính bộ binh Sư đoàn 23, “Nam bình, Bắc phạt, Cao nguyên trấn”, gót giầy một thời cũng xuyên rừng vượt suối khắp cả cao nguyên. Có lúc bác theo doàn quân hộ tống đoàn xe xuôi ngược trên Quốc lộ 14 và Quốc lộ 21 đường về Nha Trang. Ðời chiến binh mấy người đi trở lại!

Bác may mắn còn lại sau cuộc chiến, hôm nay làm người bạn vong niên của các cháu, ba người con trai của cố Ðại úy Tăng Thanh Tâm. Bác là người trong cuộc, bác ghi lại vài địa danh, và phác họa một vài hình ảnh. Hy vọng các cháu sẽ hình dung được đôi nét những nơi ba các cháu đã đến, đã đi, để người thân chờ mãi không thấy về!

Ðêm ngày 9 rạng 10 tháng Ba năm 1975 vào khoảng 2 đến 3 giờ sáng, giữa đêm trường tịch mịch cả thị xã Ban Mê Thuột bừng tỉnh dậy trong kinh hoàng, hoảng hốt, và lo sợ nhốn nháo khác thường với những tiếng nổ long trời vỡ đất. Tiếng đạn pháo vèo vèo xé nát không gian, tóe lửa làm sáng rực cả bầu trời. Bom đạn khô khan, chát chúa vô tình cày nát một phần mảnh đất quê hương. Mảnh đạn tung tóe xé nát da thịt người vô tội thành trăm mảnh. Quân đội Bắc Việt đã khai pháo bất ngờ, rót hàng trăm hàng ngàn quả đạn pháo vào Ban Mê Thuột, vào tổng hành dinh của Bộ Chỉ Huy Sư Ðoàn 23 Bộ Binh.

Tiếng thét, tiếng kêu đau thương vì mảnh bom đạn của cả hai bên. Tiếng gọi nhau ơi ới tìm nhau trong hỗn loạn. Xác người, lớp chết lớp bị thương nằm la liệt bên đường. Dòng người tìm nơi an toàn; xa lánh vùng giao tranh ác liệt.

Cảnh tượng hãi hùng và kinh hoàng đã diễn ra trước mắt của Bác gái và hai người con trai của Bác lúc ấy độ 10-13 tuổi. Hơn 30 năm trôi qua, gia đình có dịp nhắc lại vẫn còn bị ám ảnh hãi hùng.

Lúc đó bác đang ở Pleiku và vài ngày sau theo cả Sư đoàn trực thăng vận về Phước An, cách Ban Mê Thuột 30 cây số, định giải tỏa Ban Mê Thuột. Bác gái và hai người con của bác, nhà sát bên Bộ Tư Lệnh Sư đoàn nên đã trải qua mấy ngày sống trong vùng lửa đạn và gánh chịu bao nhiêu hiểm nguy như người lính chiến. Phập phồng, lo sợ, và số mệnh rủi may phó thác cho Trời Ðất. Gia đình mất hết tất cả, chịu đựng khổ cực và nguy hiểm còn hơn 10 năm tuổi lính của bác. Gia đình tan tác, không tin tức, đến hai tháng sau mới đoàn tụ đầy đủ tại quê hương Phan Thiết. Nhờ Phật Trời phù hộ, may mắn tất cả đều an toàn nguyên vẹn!

Cháu Thanh thương mến!

Các cháu thiếu tình thương yêu của cha trong tuổi còn thơ dại. Khi trưởng thành và tương đối đầy đủ điều kiện vẫn không biết cha được chôn cất nơi nào, để đi thăm mộ, thắp cho cha một nén huơng. Hài cốt cha bây giờ ở đâu?. Không nghe ai kể chuyện cha mình trong những giây phút lâm chung, trước khi từ giã cõi đời có trăn trối nhắn nhủ với bạn bè cùng cảnh ngộ chuyển cho vợ con điều gì không?. Trường hợp của gia đình cháu là trường hợp của trăm ngàn gia đình Việt Nam đau thương khác. Nhiều khi bất hạnh hơn bác cháu mình, còn ở lại bên nhà giờ này đang sống lây lất qua ngày.

Mọi gia đình Việt Nam đều bị cuốn theo giòng lịch sử đau thương của dân tộc, vận nước lúc đó đã đến hồi suy yếu, như ánh tà dương trong buổi bóng xế chiều tà, dần dần nhường lại cho đêm đen dầy đặc. Chiến tranh phũ phàng, tàn nhẫn đã gây bao tang tóc cho nhiều gia đình bị phân chia ly tán, mất mát do con người tàn ác gây ra. Chúng ta cùng chung số phận. Gia đình bác ai ai cũng đã trải qua những giờ phút hãi hùng trong những ngày hấp hối của miền Nam, và sau đó còn bị ảnh hưởng, chịu đựng thêm những năm dài gian nan vất vả của gần 8 năm tù cải tạo của bác. Cháu Thanh! Cuộc đời như đám phù vân dễ tan biến, đầu hôm sớm mai thành mây khói.

Trong những ngày khói lửa Ban Mê Thuột, có một cô giáo dạy cùng trường với bác gái, vợ của một Thiếu tá Bác sĩ, gia đình giàu có. Trong lúc chạy loạn gặp bác gái hỏi: “Chị Tài có dư cái áo, cái quần nào, tôi xin một cái.” Ðời vô thường, không có gì vĩnh cửu cả; vạn vật đều thay đổi.

Cháu Thanh, cháu đã cho bác biết không rõ từ trại tù nào đã gửi cho gia đình một tờ giấy viết tay sơ sài, không con dấu chứng nhận ba cháu đã chết vào ngày 1 tháng 7 năm 1975. Như vậy, ba cháu là tù binh, bị bắt tại mặt trận. Tiếc thay! Quy chế tù binh cũng trôi theo nước.

Bác phác họa đôi nét về cuộc đời của những người chung số phận như ba cháu vào những ngày tháng đầu tiên trong trại tù cải tạo. Gia đình cháu có thể hình dung được phần nào hình ảnh của người cha quá cố. Chắc chắn ba cháu cũng đã trải qua cái buổi giao thời đầy ác mộng đó. Ðời tù cải tạo nơi nào cũng giống nhau “Nhất nhật tại tù, Thiên thu tại ngoại.”

Vào đầu tháng 5 năm 1975 bác đi “trình diện học tập” tại Phan Thiết. Bác gặp một số bạn bè cũ hồi còn ở bậc Tiểu học, Trung học “Sĩ quan ngụy” cấp Thiếu tá trở xuống, kể cả Bác sĩ. Cả trăm cả ngàn người được đưa vào rừng Cà Tót, chỗ mật khu của họ ngày xưa cách Phan Thiết độ 15-20 cây số về hướng Tây Bắc. Rừng thiêng nước độc! Họ bắt tất cả cởi giầy nhà binh, tịch thu mùng mền, những gì thuộc “Mỹ Ngụy”. Gạo, sữa, kể cả thuốc men, muối mè, chà bong, cá khô, nuớc mắm, xì dầu, cũng đều bị tập trung. Trong thoáng mắt tất cả thành vô sản. Mỗi bữa ăn một chén cơm độn (khoai nhiều hơn gạo, em bé lên 5 ăn chưa thấy no) với nước trà pha muối cho giống nước mắm, chút ớt bột nổi lềnh bềnh, “canh toàn quốc” với vài con cá khô trơ xương chìm đáy nước.

Có người lúc “đi cải tạo” mập mạp khoảng 60 kg, vài ngày sau ốm thấy rõ và chừng một tháng sau đã có người chống gậy lê từng bước đi không nổi! Người bị bệnh sốt rét nằm la liệt. Mới gần hai tháng đi tù đã thấy có người chết vì bệnh không thuốc chữa. Chính bác khiêng một người bạn ra góc rừng đào lỗ chôn. Người chết được cuốn tròn trong manh chiếu, kẹp bảy thanh tre, vùi nong một nấm, chẳng nhang đèn bia mộ gì cả. Anh em xin bộ đội cho làm thủ tục quân đội tiễn biệt người chiến binh một thời về cõi vĩnh hằng. “Nghiêm! Chào tay. Vĩnh biệt anh ở lại với núi rừng, an giấc nghìn thu.” Bác cũng bị bệnh sốt rét, nhưng may mắn cả trại lần lượt được chuyển ra khỏi rừng sang trại khác. Bác mượn tiền, nhờ mua thuốc uống khỏi bệnh và đi tiếp quãng đời cải tạo đầy nghiệt ngã còn lại.

Ngày mới vào trại tù cải tạo, người trại trưởng biết bác là Pháo binh đã nói: “Nhất Phi, nhì Pháo, không có chính sách khoan hồng, ta làm ráo.” Khiếp!

Cháu Thanh, ngày xưa ba cháu đường đường là một sĩ quan Pháo binh QLVNCH, đầy đủ phong độ. Binh chủng Pháo binh hào hoa thông thái, vừa là sát thủ chiến trường. Dân gian thường khôi hài: “Ai ơi đừng lấy pháo binh, đêm đêm súng nổ rung rinh cửa nhà.”

Kể từ khi Ðồng Minh Hoa Kỳ phản bội bỏ rơi miền Nam Việt Nam bằng cách rút quân và cắt viện trợ, VNCH phải một mình đương đầu chiến đấu với cả khối Cộng Sản. Quân Lực VNCH cạn nguồn tiếp liệu, thiếu đạn dược, thuốc men, xăng dầu. Quân đội phải phân chia mỏng để bảo vệ vẹn toàn lãnh thổ. Trong khi đó CS Bắc Việt được cả hai siêu cường CS Nga Tàu hậu thuẩn, ủng hộ triệt để. Họ viện trợ súng đạn tối đa để quân Bắc Việt ồ ạt xâm nhập vào Nam, hầu thanh toán sớm chiến trường Việt Nam. Cán cân lực lượng giữa hai miền Nam Bắc đã nghiêng hẳn về phía Quân đội Bắc Việt. VNCH như con bệnh ngày một yếu, không thuốc chữa, chờ chết và tử thần đã vung lưỡi hái từ Căn cứ Hỏa lực Ðức Lập-Quảng Ðức.

Cháu Thanh! Bác nhớ rất rõ trước khi tấn công vào Ban Mê Thuột, vào Bộ Tư Lệnh Sư Ðoàn 23 BB, trước đó hai ngày vào ngày 7 và 8 tháng 3 năm 1975, Bộ đội Bắc Việt đã ồ ạt tấn công Ðức Lập.

Quận Ðức Lập đang trong đêm trường tĩnh mịch vụt bừng bừng rực lửa chiến tranh. Tiếng còi báo động, tiếng đạn nổ dồn dập, những chiến sĩ VNCH đang ngon giấc bỗng giật mình choàng dậy, phút chốc tại các hầm hố chiến đấu những tay súng đã sẵn sang tác chiến chờ địch.

Những tiếng nổ sấm sét long trời vỡ đất của đại bác, hỏa tiển hòa cùng những tràng đại liên súng to, súng nhỏ tứ phía của toàn vùng Ðức Lập đã xé tan bầu không khí hiền hòa yên tĩnh của vùng rừng núi cao nguyên Ðức Lập. Tiếng đạn pháo kinh thiên động địa của cả hai bên đã làm rung chuyển một vùng trời. Ðến nỗi người con trai lớn của bác ở Ban Mê Thuột còn nhớ đêm đó có nghe tiếng đại bác từ xa vọng về. Có thể từ Ðức Lập hay một nơi nào khác cũng đang có chạm súng lớn.

Với quyết tâm chiếm trọn miền Nam Việt Nam, Cộng Sản Bắc Việt bằng mọi giá bất ngờ tấn công Ðức Lập, chiếm Ðức Lập làm bàn đạp, làm mồi lửa châm ngòi tiến đánh Ban Mê Thuột và toàn miền Nam. Họ sử dụng một lực lượng hùng hậu gồm mấy sư đoàn bộ binh, pháo binh, thiết giáp T54 tấn công vào Ðức Lập và Ban Mê Thuột, trong đó có Sư Ðoàn 320 Thép. Trước đó 3 năm, vào mùa hè đỏ lửa năm 1972 SÐ 320 đã đụng độ nảy lửa với SÐ 23 BB tại chiến trường Kontum. Bác theo SÐ23 vào khoảng hạ tuần tháng 4 năm 1972, có mặt suốt cuộc chiến tại Kontum. Chiến trường Kontum cũng đầy máu lửa, sự sống và cái chết kề nhau trong gang tấc, sinh mạng con người rất mong manh!. T54 của Cộng quân đã xâm nhập vào doanh trại của TÐ 69 PB, ven thị xã. Anh em binh sĩ PB đã hợp đồng tác chiến với bộ binh “bắt sống” một chiếc còn mới toanh. Anh em thiết giáp lái qua Bộ Tư Lệnh/Hành Quân, tướng Lý Tòng Bá, Tư Lệnh SÐ có lên ngồi lái thử, và sau đó đưa về Sài Gòn triển lãm. Có một khu dân cư trong thị xã, bom đạn đã cày nát thành bình địa. Bác không nhớ ba các cháu vào thời điểm đó có mặt ở Kontum hay không?. Bác còn nhớ trên chiếc áo trận của người lính SÐ23 còn đính thêm phù hiệu “Kontum Kiêu Hùng”. Lúc đó còn trẻ bác thấy mình cũng “ngầu” lắm! Ba năm sau vào thời kỳ suy thoái của miền Nam, khởi đi từ mặt trận Ðức Lập, SÐ23 phải trả đủ món nợ cũ đã tạo ra ngày trước; chưa đánh đã tan rã và cuốn theo đôi chân mềm của toàn dân miền Nam.

Bộ đội Bắc Việt áp dụng chiến thuật tiền pháo hậu xung, dũng mãnh và ác liệt, lợi dụng đêm trường tịch mịch vạn vật đều chìm trong bóng đêm, bất ngờ nã những tràng đạn pháo 130 mm, hỏa tiễn 122 mm từ phía bên kia biên giới Việt Miên liên tục phủ đầy trận địa Ðức Lập hầu làm tê liệt sức kháng cự và uy hiếp tinh thần chiến đấu của QLVNCH. Không một sinh vật nào có thể tồn tại trong đêm đó, sắt thép cũng không chịu nổi! Sau đó T54 và bộ đội Bắc Việt ào ạt xung phong vào trận địa. QLVNCH sử dụng toàn bộ hỏa lực: pháo đội (-) 4 khẩu 105 mm kể cả hai khẩu tại Núi Lửa hợp đồng với 4 khẩu pháo 76 mm đặt trên thiết giáp M41 cùng với súng lớn nhỏ của lực lượng phòng thủ căn cứ và Chi khu đã bắn gục ngã và chận đứng nhiều đợt xung phong của địch. Những tiếng mìn bẫy nổ ngoài hàng rào phòng thủ, và những xác người tung lên khỏi mặt đất. Một trận cận chiến bằng súng cá nhân và lựu đạn đã diễn ra. Máu đổ thịt rơi, thây phơi nơi chiến địa của cả hai bên. Lực lượng quân Bắc Việt ngay đêm đó rất hùng hậu có thể gấp 5-10 lần bên QLVNCH, cho nên dù có gan trời cũng đành thất thủ thành người bại trận. Người bị thương hay còn sống sót, theo lệnh của lưỡi lê, họng súng của người chiến thắng. Hận thù, chiến tranh tự cổ chí kim phủ phàng và tàn bạo. Mạnh được, yếu thua.

Ðồi Ðức Lập kể từ ngày 7 và ngày 8 tháng 3 năm 1975 thành “Ðồi Tử Sĩ”, chiến tích thứ ba trên Quốc lộ 14, mồ chung của người Việt Nam, kể cả bộ đội Bắc Việt, sanh Bắc tử Nam. Chết, hết hận thù!

Cháu Thanh!

Mấy ngày qua bác cháu mình lần theo dấu chân của người lính Pháo binh SÐ 23 BB xuyên suốt gần hết Quốc Lộ 14, từ Kontum, Pleiku, Darlac (Ban Mê Thuột), Quảng Ðức (Ðức Lập)&vào thời điểm chiến trường nơi nơi đếu sôi động. Bác đưa cháu đi qua những vùng toàn máu, lửa và nước mắt. Ðưa cháu đi thăm chiến trường xưa -Mặt trận Ðức Lập- ít người biết đến nhưng nơi đó ba các cháu, Ðại úy Tăng Thanh Tâm, bạn của bác Ðại úy PB Bùi Minh Ngọc (Phan Thiết) và những chiến sĩ QLVNCH đã kiên cường, dũng cảm chiến đấu mất còn với Bắc quân đến sức tàn, lực tận&Con cháu hãnh diện với tinh thần kiên cường bất khuất của Cha Ông.

Khi Nỏ Thần hết linh nghiệm thì thành An Dương Vương một thời oanh liệt đã làm kinh tâm tán đởm quân thù cũng bị thất thủ phải rơi vào tay giặc Triệu Ðà (207-107 trước Công nguyên)

Than ôi!

***

Từ Ðức Tài

Ðầu Thu Oregon 2008

Kính gửi Quý Sư Phụ Lê Ðình Ninh và Trần Văn Hiệp

Thân tặng Quý Ðồng Môn Khóa 22 SQ PB Thủ Ðức

Thư của cháu Thanh:

Con Kinh gửi bác Tài:

Ðọc những dòng chữ của bác, con như người trong cuộc. Tất cả những gì bác diễn tả, con thấy như rõ từng chi tiết. Con cứ đọc đi đọc lại mãi.

Con đã đọc rất nhiều sách báo, bài viết về cuộc chiến này, nhưng những gì bác viết gây cho con sự xúc động đến tột cùng. Con không hiểu sao ? Có lẽ đó là vì bác viết về những giây phút cuối cùng của cuộc đời ba con chăng?

Con xin cảm ơn bác nhiều lắm. Bác đã làm sống lại hình ảnh người cha trong con ...

Má con nói có biết về Ðại úy Nho. Má con gửi lời cảm ơn bác.

Tăng Ngọc Thanh
*****

Các cháu thân thương!

Bác kể thêm vài người bạn cùng chiến đấu với ba các cháu. Trước cuộc chiến Ðức Lập, ba các cháu và Ðại úy Bùi Minh Ngọc (Phan Thiết), rất thâm tình và thường gặp Trung tá Nguyễn Cao Vực, khóa 13 Ðà Lạt,Quận trưởng Ðức Lập, nguyên là Tiểu Ðoàn trưởng TÐ 230 PB (BMT). Trong chiến đấu, mỗi người mỗi nơi, đều có trách nhiệm riêng.

* Trung tá Vực thoát ra khỏi vùng tử địa 3, 4 ngày sau được trực thăng bốc về Quảng Ðức rồi về Ðà Lạt. Trước 30/4 vài ngày trong khi bác chờ bổ nhiệm đơn vị mới, bác và Tr. Tá Vực có thoáng thấy nhau trên đường phố Sài Gòn. Khoảng năm 1962-1963, bác Vực là Trung úy Pháo đội trưởng Biệt khu Bình Lâm. Lúc đó bác là giáo sư toán vài trường Trung học tư thục tại Phan Thiết; bác quen biết và thân với bác Vực từ đó. Khi bác còn ở TÐ 232 PB (BMT), năm 1969 Ðại úy Vực về giữ chức TÐ phó, sau đó lên Thiếu tá, và Trung tá TÐ trưởng TÐ 230 PB. Trung tá Vực có mặt ở mặt trận Kontum trước khi được bổ nhiệm làm Quận trưởng Ðức Lập. Hình như ông lập gia đình sau năm 1972, ông có hỏi bác thủ tục lập hôn thú&

Tr. Tá Nguyễn Cao Vực, người đôn hậu, vui vẻ, khí khái, tánh tình phóng khoáng, thẳng thắn, và tiêu xài rất rộng rãi. Người thích uống rượu và hút thuốc liên miên. Khi bác được tin bác Vực thì bạn bè cho biết ông đã mất trước đó vài năm; chắc tại hút thuốc nhiều quá!

* Ðại úy Ngọc bị thương rất nặng cùng với Tr. Tá Khoa gãy gần lìa cánh tay vì đạn pháo 130 mm trúng hầm chỉ huy trong những giờ đầu cuộc chiến tại Ðức Lập. Tr. Tá Khoa bị thương nhưng còn đi được. Anh em binh sĩ dìu ra khỏi vùng lửa đạn và sau đó bị bắt. Bác Khoa có thể bị nhốt cùng trại với ba cháu. Ông đang sống ở Hoa Kỳ; chúng ta có thêm hy vọng.

* “Ðại úy Tánh, Phú Long, Phan Thiết, Chi đội trưởng Thiết giáp bị thương và chết tại mặt trận.

* “Trung tá Nguyễn Cao Vực, Ðại úy Bùi Minh Ngọc, Ðại úy Tăng Thanh Tâm, “Ba chàng Ngự Lâm Pháo Thủ” “Les trois Mousque taires”, một thời “hô phong hoán vũ”, kẻ trước người sau vào ba thời điểm, ba hoàn cảnh khác nhau, cùng hội ngộ tại miền miên viễn, nơi đó không có đau thương và không hận thù.

* “Chúng tôi, bạn bè, đồng đội vô cùng đau xót mong được chia sẻ niềm thương tiếc, nổi nhớ nhung với gia đình các chị và các cháu thân thương.

Trân trọng


No comments:

Post a Comment