Monday, November 3, 2008

Một Cái Nhìn Khác Về Ông Nguyễn Văn Thiệu



Một Cái Nhìn Khác Về Ông Nguyễn Văn Thiệu:
TT Nguyễn Văn Thiệu không phải là bù nhìn của Mỹ (1)
Tác giả: Lewis Sorley
Toàn Như chuyển dịch

Lời giới thiệu: Nhân dịp Liên Hội Cựu Chiến Sĩ VNCH vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn, Hoa Kỳ, vừa tổ chức Lễ Giỗ lần thứ 7 cố Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu vào ngày 28-9-2008 vừa qua, chúng tôi xin giới thiệu đến quý bạn một bài báo của tác giả Lewis Sorley đã có một cái nhìn khác về ông Nguyễn Văn Thiệu. Tác giả là một cựu đại tá trong quân đội Hoa Kỳ đã hồi hưu, từng phục vụ tại Việt Nam trong thập niên 1960. Bài báo đăng trên tạp chí VIETNAM Magazine, tạp chí của các cựu chiến binh Mỹ tham chiến tại Việt Nam, ấn bản tháng Tư 2004. (TN)

Đọc những báo chí Mỹ trong thời kỳ Chiến Tranh Việt Nam, người ta có thể nghĩ rằng vị cựu tổng thống Việt Nam Cộng Hòa từ 1965 đến 1973 (2) là một kẻ bất tài, làm theo sự sai khiến của Hoa Kỳ. Nguyên nhân là vì cái tinh thần phản chiến mạnh mẽ trong thời gian đó và cái khuynh hướng nghi ngờ việc chọn lựa các vị tổng thống đang phải đương đầu với một cuộc chiến bất bình thường. Cho nên, Thiệu không là gì khác hơn là một gã bù nhìn.

Trong những giai đoạn đẫm máu nhất của cuộc chiến, ông (Thiệu) đã chủ trì những diễn biến chính trị phức tạp và sôi nổi và mỗi chuyển động của ông đều được ghi lại trên trang nhất của báo chí Hoa Kỳ mô tả chiến tranh trong đầy rẫy khổ ải. Mặc dù vậy, trong khi chiến đấu chống lại một sự xâm lấn từ bên ngoài và một sự nổi dậy từ bên trong đang được ủng hộ và yểm trợ bởi Trung Quốc và Liên Sô, ông đã thực hiện được các chính quyền dân cử từ cấp quốc gia cho tới các xã ấp. Ông đã mở rộng và – với sự yểm trợ cố vấn và trang bị của Hoa Kỳ – chấn chỉnh quân lực để đảm nhận cái gánh nặng từ việc rút lui của quân lực Hoa Kỳ. Thiệu đã đích thân chỉ huy một chương trình bình định để phá vỡ sự xâm nhập (của VC) đang diễn ra tại nông thôn qua cưỡng ép và khủng bố, bằng cách ban hành một chương trình cải cách ruộng đất cấp cho 400.000 nông dân chủ quyền khoảng 2,5 triệu mẫu ruộng. Ngoài ra, ông còn tổ chức cho 4 triệu dân vào Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ, một lực lượng bán quân sự với 600.000 vũ khí.

Thiệu sinh ra ở Ninh Thuận và đi học tại những trường Thiên Chúa Giáo tại Huế. Ngay sau Thế Chiến II, ông đã có thời gian ngắn theo Việt Minh, nhưng đã sớm từ bỏ vì những khuynh hướng thiên về cộng sản của nó. Thiệu sau đó theo học trường Võ Bị Quốc Gia ở Huế rồi chiến đấu cho Pháp chống lại Việt Minh. Sau khi người Pháp ra đi và Việt Nam bị chia đôi, Thiệu đã tiến rất nhanh trong QLVNCH và trở thành một sĩ quan cấp tướng năm 1962 (3). Năm 1963, ông là một trong những người lãnh đạo cuộc đảo chánh lật đổ Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Năm 1967, Thiệu được bầu làm tổng thống theo một bản hiến pháp mới.

Đại Sứ Ellsworth Bunker biết rất rõ về Thiệu. Bunker nhận xét, “Ông ta giải quyết vấn đề một cách khôn khéo và thông minh. Ông ta là một cá nhân có khả năng hiểu biết rất sâu sắc. Ông ta quyết định ngay từ đầu tuân thủ theo hiến pháp, chứ không cai trị theo kiểu các ông tướng mà nhiều người trong số đó mong muốn ông thực hiện.”

Thiệu bị áp lực phải thay thế những kẻ tham nhũng và kém khả năng đang ở trong những vị trí cao, và chỉ giữ lại một số trung thành, nếu không thể loại trừ tất cả. Thời gian đầu trong nhiệm kỳ tổng thống ông đã giải thích lý do với một sĩ quan cao cấp Hoa Kỳ rằng: “Việc thanh lọc toàn bộ số sĩ quan Miền Nam không thể nào đơn giản, bất cứ sự thay đổi chỉ huy chính yếu nào cũng phải được nghiên cứu phối hợp một cách cẩn thận. Quân đội không thể để cho chính trị loại bỏ trong một đêm. Quân đội đã và đang là người hỗ trợ về chính trị chủ yếu và là lực lượng duy nhất nối kết quốc gia.”

Bunker và vị tư lệnh Hoa Kỳ, Tướng Creighton Abrams, hiểu rõ chuyện này và cả hai đều kiên nhẫn và thông cảm, nhưng họ cũng đưa ra những đề nghị nhắm vào một số sĩ quan cao cấp không thích hợp. Vì vậy thỉnh thoảng đã có những sự thay đổi trong việc chỉ huy ở miền Nam Việt Nam. Nhưng chưa bao giờ có thể có một sự trong sạch hóa toàn diện. Không chỉ vì e sợ những xáo trộn về chính trị, mà còn vì một số những sự thay đổi thiết yếu vẫn chưa sẵn sàng.

So sánh với sự lãnh đạo của Hoa Kỳ trong cùng thời gian người ta có thể có những kết qủa thú vị. Chẳng hạn như Nguyễn Văn Thiệu khi tranh luận có thể được coi là một người lương thiện và đứng đắn hơn cả Lyndon Johnson và – tuy khác biệt trong một một số trường hợp – hoàn toàn như là một vị tổng thống có ảnh hưởng hơn của quốc gia ông. Vào lúc đó, người ta cũng cho rằng Thiệu có nhiều tự do quyết định cho xứ sở ông hơn cả LBJ (4) đối với nước Mỹ.

Những viên chức hàng đầu của Mỹ đều nhìn nhận tầm quan trọng của Thiệu, đặc biệt trong việc bình định. Abrams nhận xét, “Ông ấy biết về bình định hơn bất kỳ người Việt Nam nào.” William Colby (5) nói, Thiệu là “viên chức bình định số một.”

Tại Vũng Tàu, 1400 trưởng ấp, đại diện cho khoảng ba phần tư các trưởng ấp ở Miền Nam Việt Nam, đã tham dự một khóa huấn luyện trong năm 1969. Thiệu đã đến thăm từng người trong các lớp học này, khuyến khích các trưởng ấp trở về nhà hãy nói rằng “Tổng thống Thiệu đã nói với tôi rằng ...”

Cuối năm 1969, tình hình đã tiến triển khả quan đến nỗi John Paul Vann (6), người đã đóng một vai trò rất quan trọng trong công tác bình định, đã nói với cử tọa ở Princeton rằng, “Hoa Kỳ đã thắng cuộc chiến tranh quân sự và đang thắng một cuộc chiến tranh chính trị xuyên qua Thiệu.”

Mặc dù Cộng Sản không ngừng tiên đoán về một “cuộc tổng nổi dậy” ở Miền Nam Việt Nam, nhưng trên thực tế đã không hề có một cuộc tổng nổi dậy nào như thế. Đối với bất kỳ một nhà quan sát cụ thể nào, dường như chẳng ai ngạc nhiên về những thành tích của cộng sản qua những vụ ám sát, bắt cóc, đánh bom khủng bố, cưỡng bách và pháo kích bừa bãi vào những khu dân cư ở Miền Nam Việt Nam. Đó là những hành động khó mà chinh phục được trái tim và khối óc của các nạn nhân.

Vào tháng 4 năm 1968, Tổng Thống Thiệu đã chống lại lời khuyên của tất cả các vị cố vấn để tổ chức Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ. Ông biện luận, “chính phủ phải dựa vào sự ủng hộ của dân chúng, và nó cũng chẳng có gía trị gì nếu chúng ta không dám trang bị vũ khí cho họ.”

Sau cùng khoảng 4 triệu người, những người qúa gìa hoặc qúa trẻ cho quân vụ chính quy, được ghi danh vào Lực Lượng Nhân Dân Tự Vệ. Qua sự thiết lập này, chính quyền Thiệu đã có sự ủng hộ của chính dân chúng, qua Lực Lượng Tự Vệ với những vũ khí mà nó có không phải để chống lại chính quyền mà là để chiến đấu chống lại sự thống trị của Cộng Sản. Tháng Mười năm 1971, trong một cuộc chiến đấu cam go, Tổng Thống Thiệu đã được tái cử trong một cuộc bầu cử độc diễn. Nhiều người chỉ trích ông về việc này, và đề nghị không công nhận cuộc thắng cử của ông. Nhưng trong cuộc bầu cử đó, mặc dù kẻ thù kêu gọi tẩy chay và cử tri là mục tiêu bị đe dọa, nhưng kết qủa 87.7 % cử tri đi bầu và 91.5 % bầu cho Thiệu đã là một sự ngạc nhiên. Đó là con số cử tri đi bầu lớn nhất trong lịch sử Việt Nam. Nếu nó chẳng ra gì (vì không có đối thủ), hay nếu công chúng không chấp thuận sự lãnh đạo của Thiệu, tại sao họ lại đi bầu đông như thế, với những rủi ro cá nhân có thể hay thực sự xảy ra, nếu không phải để biểu lộ sự ủng hộ việc tái cử của Thiệu? Câu trả lời rõ ràng là đại đa số đồng bào đánh gía cao các việc làm của Thiệu và mong mỏi ông tiếp tục ở lại nhiệm vụ.

Khoảng tháng Giêng năm 1972, John Paul Vann nói, “Thực tế không thể chối cãi là đại đa số dân chúng ... khoảng 95 phần trăm – thích chính quyền Việt Nam (Cộng Hòa) hơn là một chính quyền Cộng Sản hay là chính quyền trao cho phía bên kia.”

Thật đáng buồn, ngày nay nhiều người miền Nam Việt Nam đang chỉ trích theo quan điểm của họ về Tổng Thống Thiệu. Tôi đã nói chuyện về vấn đề này với nhiều người bạn Việt Nam đang sống ở Mỹ. Gần đây, một người đặc biệt, có học thức và thông thái, đã làm tôi ngạc nhiên khi nói rằng người Việt đã cho rằng Tổng Thống Thiệu đã lừa dối họ. Tôi đã hỏi lại ông ấy là lừa dối như thế nào. Người bạn đó đã trả lời: “Ông ấy biết người Mỹ sẽ bỏ chúng tôi, nhưng đã không nói cho chúng tôi biết.”

Tôi cho rằng đó là một quyết đoán qúa khe khắt và còn cần tranh luận. Đại Sứ Bunker còn nhớ đã trao riêng cho Tổng Thống Thiệu ba lá thư của Tổng Thống Nixon mà trong đó “ông đã cam kết” sẽ trợ giúp miền Nam Việt Nam “trong bất kỳ sự vi phạm hiệp ước bởi phía bên kia.” Nhưng, Bunker nhận xét, “Quốc Hội ... đã làm cho nó bất khả thi.”

Kết quả ra sao? Bunker nói một cách rõ ràng rằng “Tôi nghĩ đó thực sự là một sự phản bội miền Nam Việt Nam.” Cũng thật khó cho Tổng Thống Thiệu có thể tiên đoán được cái hành động đáng hổ thẹn như vậy của Hoa Kỳ.

Vài ngày trước khi Sài Gòn thất thủ trong năm 1975, Thiệu đã phải sống cuộc đời lưu vong, đầu tiên là ở Đài Loan, sau tới Anh quốc và cuối cùng là Hoa Kỳ. Ông đã từ trần trong năm 2001. Nguyễn Văn Thiệu đã đương đầu một cách anh hùng trong những năm dài chiến tranh đầy cam go, ông đã nhận được – dù ông có nhận hay không – sự ngưỡng mộ và lòng biết ơn của tất cả những ai mong muốn cho một miền Nam Việt Nam tốt đẹp.

Toàn Như chuyển ngữ

Chú thích:

(1) tạm dịch từ “South Vietnamese President Nguyen Van Thieu was far from the American patsy he is often portrayed to have been”, Vietnam Magazine, APR. 2004, Volume 16/Number 6.

(2) đúng ra ông Nguyễn Văn Thiệu làm tổng thống từ năm 1967 đến ngày 30/4/1975; còn từ năm 1965 đến 1967, ông là chủ tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia (chức vụ tương đương quốc trưởng).

(3) năm 1962, ông Thiệu còn là đại tá.

(4) LBJ là chữ viết tắt tên TT. Lyndon Baine Johnson

(5) William Colby là trưởng Chi Nhánh CIA tại Việt Nam, sau giữ chức giám đốc CIA tại Hoa Kỳ.

(6) John Paul Vann (1924-1972): Nguyên là một Trung Tá trong quân lực Hoa Kỳ sau đã giải ngũ, phục vụ 2 nhiệm kỳ tại Việt Nam trong vai trò cố vấn. Từ năm 1962 đến 1963, là cố vấn cho Đại Tá Huỳnh Văn Cao (sau là thiếu tướng), tư lệnh Sư Đoàn 7. Trở lại VN năm 1965 làm việc cho cơ quan USAID, sau là cố vấn cho Vùng II Chiến Thuật và bị tử nạn máy bay năm 1972 tại Kontum.



No comments:

Post a Comment