Mai Thịnh
... Bây giờ chúng tôi đã mất hết, may chỉ còn lại cái danh dự của một con người. Danh dự đã nuôi dưỡng chúng tôi, giúp chúng tôi còn đứng thẳng mà không hổ thẹn với con cháu và người bản xứ.
Danh dự của một người cựu sĩ quan trẻ tốt nghiệp trường Bộ Binh Thủ Ðức. Vì chúng tôi đã chu toàn bổn phận rất khiêm nhường của một người lính. Chúng tôi đâu có để nơi chúng tôi gìn giữ bị mất. Chúng tôi đâu có để pháo địch bắn vào thành phố khi chúng tôi được lệnh bảo vệ vòng đai. Chúng tôi không có ra lệnh rút lui mà chỉ ra lệnh xung phong chiếm mục tiêu. Chúng tôi không bao giờ cãi lệnh dù cái lệnh ấy là cái lệnh thí quân ngu xuẫn. Chúng tôi đã đánh giặc với trái tim đầy nhân bản. Chúng tôi không hổ thẹn bỏ rơi đồng đội. Chúng tôi đã ngẩng đầu khinh mạn dù chúng tôi ở trong tù tội ... Chúng tôi cũng mang trên vai những tấn nợ như cả miền Nam đã mang. Chúng tôi cũng đã vác thập tự giá trên những triền đá sắc của quê hương đất nước như cả một thế hệ đã vác. (Trần Hoài Thư trong Thủ Đức Gọi Ta về)
Hàng năm cứ đến ngày 9 tháng 10 ở các nước có các cựu sinh viên sĩ quan (CSVSQ/TĐ) của trường Bộ Binh Thủ Đức đều tổ chức họp mặt truyền thống để kỷ niệm ngày thành lập trường; có nơi vài chục người họp mặt như ở các nước Âu Châu, có nơi hàng trăm người họp mặt như ở Úc Châu và Hoa Kỳ. Đây dịp họ tìm gặp lại những bạn bè, đàn anh đàn em xa xưa; có những cựu sinh viên nay là ông lão trên dưới 80 tuổi là những người nhập học những khoá đầu tiên , năm 1951, và có những người trẻ nhất cũng trên năm 50 tuổi, những khoá cuối cùng năm 1975.
Trường Bộ Binh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà còn có nhiều tên gọi khác nhau theo từng giai đoạn lịch sử của trường như sau:
Ngày 6 tháng 6 năm 1948, Quốc Trưởng BẢO ĐẠI chỉ thị Thiếu Tướng Nguyễn văn Xuân, Thủ Tướng Chính phủ Trung ương của nước Việt Nam Thống nhất cả 3 Miền, xúc tiến việc thành lập QUÂN ĐỘI QUỐC GIA VIỆT NAM (QĐQGVN), khởi sự bằng việc tổ chức TRƯỜNG SĨ QUAN VIỆT NAM HIỆN DỊCH tại Huế (tiền thân của Trường Võ Quốc Gia Đà Lạt)
Ngày 11 tháng 5 năm 1950 Quốc trưởng Bảo Đại và Thủ Tướng Nguyễn Văn Tâm, Chính phủ Trung ương của Việt Nam thống nhất cả 3 Miền, chính thức thành lập Quân Đội Quốc Gia. Quân số của Quân Đội Quốc Gia dự trù là 60 ngàn người bao gồm Chủ lực quân và Phụ Phương quân .
Ngày 27 tháng 7 1951 Sắc lệnh số 372/Cab/DN của Chính Phủ Việt Nam động viên Thanh niên nhập ngũ để huấn luyện thành sĩ quan trừ bị của Quân Đội Quốc Gia Việt Nam mới thành lập.
Ngày 1 tháng 10 năm 1951 thành lập hai trường Sĩ Quan Trừ Bị, một tại Nam Định (Bắc Phần) và một tại Thủ Đức (Nam Phần).
Ngày 9 tháng 10 năm 1951 cùng một lúc chính thức khai giảng khoá 1 Sĩ quan trừ bị tại hai Trường Thủ Đức và Nam Định.
Tháng 6 năm 1952 sau khi hoàn tất huấn luyện khóa 1 trường Nam Định giải tán và sát nhập vào Trường Thủ Đức.
Trường Thủ Đức trở thành trường duy nhất có nhiệm vụ đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa (QLVNCH).
Trường Bộ Binh nằm trên ngọn đồi Tăng Nhơn Phú cách thủ đô Sàigòn 18 cây số về hướng Đông Bắc, Nếu từ phía Biên Hòa nhìn về, Trường Bộ Binh là một bức tranh tuyệt đẹp với dốc đồi thỏai mái, những dãy nhà san sát mái ngói và nắng ban mai tô vàng bên những hàng cây um tùm xanh mát.
Sau 4 năm hoạt động trong trách vụ đào tạo Sĩ Quan Bộ Binh đến năm 1955 phạm vi hoạt động của trường được nới rộng, trường được giao phó thêm nhiệm vụ đào tạo chuyên viên các ngành vì thế trường cải danh thành Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức gồm các trường:
- Trường Bộ Binh
- Trường Thiết Giáp
- Trường Pháo Binh
- Trường Công Binh
- Trường Truyền Tin
- Trường Thông Vận Binh
- Trường Quân Chánh
Vào tháng 10 năm 1961, trước tình trạng khẩn cấp của đất nước, nhu cầu của chiến trường gia tăng, các trường huấn luyện chuyên môn được tách rời khỏi Liên Trường Võ Khoa ngoại trừ 2 trường Bộ Binh và Thiết Giáp để lấy chỗ huấn luyện cho các thanh niên được động viên tới thụ huấn trong một chương trình huấn luyện đại quy mô của thời bấy giờ.
Từ tháng 10 năm 1962, Liên Trường phụ trách huấn luyện những Sĩ Quan Lục Quân (Bộ Binh) về theo học lớp Đại Đội Trưởng Bộ Binh.
Kể từ ngày 1 tháng 8 năm 1963, Liên Trường lấy lại danh hiệu Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức và chỉ đảm trách việc đào tạo Sĩ Quan Trừ Bị cho toàn thể Lục Quân Việt Nam .
Đến tháng 4 năm 1964, trường được giao phó thêm việc huấn luyện lớp Tiểu Đoàn Trưởng Bộ Binh.
Để phù hợp với nhiệm vụ hiện tại ngày 1 tháng 7 năm 1964, Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức được đổi lại danh xưng Trường Bộ Binh cho đến năm 1975.
Các vị Chỉ Huy Trưởng liên tiếp và thời gian phục vụ:
1. Vị Chỉ huy trưởng đầu tiên là một Sĩ Quan người Pháp Thiếu Tá Bouillet, đảm nhiệm chức vụ từ ngày 09-10-1951 đến 31-10-1953.
2. Đại Tá Phạm Văn Cảm, Chỉ huy trưởng trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ ngày 01-11-1953 đến ngày 30-9-1956.
3. Thiếu Tướng Lê Văn Nghiêm, Chỉ huy trưởng Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức từ ngày 01-10-1956 đến ngày 26-5-1961.
4. Đại Tá Nguyễn Văn Chuân, Chỉ huy trưởng Liên Trường Võ Khoa Thủ Đức từ ngày 27-5-1961 đến ngày 27-7-1961.
5. Thiếu Tướng Hồ Văn Tố, Chỉ huy trưởng Liện Trường Võ Khoa Thủ Đức từ ngày 28-7-1961 đến ngày 19-5-1962.
6. Đại Tá Lam Sơn, Chỉ huy trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ ngày 19-5-1962 đến ngày 03-11-1963.
7. Thiếu Tướng Trần Ngọc Tám, Chỉ huy trưởng Trường Sĩ Quan Trừ Bị Thủ Đức từ ngày 04-11-1963 đến ngày 07-4-1964.
8. Chuẩn Tướng Bùi Hữu Nhơn, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 07-4-1964 đến ngày 20-11-1964.
9. Chuẩn Tướng Cao Hảo Hớn, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 21-11-1964 đến ngày 20-2-1965.
10. Chuẩn Tướng Trần Văn Trung, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 21-2-1965 đến ngày 02-12-1966.
11. Thiếu Tướng Bùi Hữu Nhơn, Chỉ huy trưỏng Trường Bộ Binh từ ngày 02-12-1966 đến 14-4-1967.
12. Chuẩn Tướng Lâm Quang Thơ, Chỉ huy trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 15-4-1967 đến ngày 20-8-1969.
13. Trung tướng Phạm Quốc Thuần Chỉ Huy Trưởng Trường Bộ Binh từ ngày 20-8-1969
14. Trung tướng Nguyễn Văn Minh
15. Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi 1975
16. Đại tá Trần Đức Minh 1975
Thành quả của Trường Bộ Binh:
Giữa thập niên 60 cuộc chiến gia tăng mảnh liệt với sự xâm nhập quy mô của Quân Cộng sản Bắc Việt vào lảnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, để chận đứng làn sóng đỏ chính quyền VNCH phải gắp rút gia tăng quân của Quân Đội VNCH. Trường Bộ Binh thủ Đức phối hợp với Quân Trường Quang Trung (Saigon) và Đồng Đế (Nha Trang) để huấn luyện hàng chục ngàn Sĩ quan trừ bị mỗi năm. Có những khoá SVSQ Thủ Đức phải học quà hoặc nhiều khác nhau trong 2 hoặc 3 giai đoạn : Quân trường Quang Trung huấn luyến Căn bản chiến đấu của người lính bộ binh, Quân Trường Thủ Đức và Đồng Đế huấn luyện cho sinh viên c ăn bản Tiểu đội trưởng và Trung đội trưởng.
Từ ngày thành lập trường Bộ Binh được chia làm 2 giai đoạn huấn luyện. Giai đoạn từ 1951 đến cuối năm 1967 được xem là thời kỳ huấn luyện bình thường, trong khoảng thời gian này trường bị gián đoạn huấn luyện từ tháng 2 năm 1955 đến tháng 3 năm 1957 vì ảnh hưởng bởi hiệp định Genève năm 1954. Khoá 6 SVSQ/TB được tiếp tục huấn luyện vào ngày 25-3-1957. Mức độ hàng năm tuy có tăng lên nhưng không vượt quá con số 5,619 SVSQ tốt nghiệp, đó là con số cao nhất trong giai đọan này được ghi nhận vào năm 1966.
Giao đoạn từ đầu năm 1968 (tức sau Tết Mậu Thân) đến sau vì nhu cầu cấp bách của chiến trường và sự trưởng thành của QLVNCH nên nhu cầu huấn luyện được gia tăng rất nhanh, năm 1968 số SVSQ tốt nghiệp là 9,479 Sĩ Quan, năm 1969 số SVSQ tốt nghiệp lên đến 10,862 Sĩ Quan. Con số 10,862 là con số cao nhất từ ngày thành lập trường đến nay.
Sau đây là kết quả tổng quát về số lượng các sĩ quan xuất thân từ trường Bộ Binh qua 74 các khóa đã được đào tạo:
Tính từ ngày 9 tháng 10 năm 1951 đến tháng 9 tháng 10 năm 1973 qua 74 khoá: (Theo Đặc San Bộ Binh Số Đặc Biệt khoá 8 \ 72 (khoá Bất Khuất) và Bản Phúc trình của James Nach” the RVNAF reserve officer schools at Thu Duc and Nam Dinh”).
80,115 Sĩ Quan Trừ Bị và gần 4,000 SVSQ/TB Đặc biệt
Khóa Tiểu Đoàn Trưởng và Bộ Binh Cao Cấp: 18 khóa trên 1,500 Sĩ Quan trúng tuyển.
Khóa Đại Đội Trưởng: 44 khóa trên 5,000 Sĩ Quan thụ huấn.
Ngoài những khóa trên trường Bộ Binh còn tổ chức các khóa:
- Khóa hoàn hảo Sĩ Quan Địa Phương Quân.
- Khóa Bổ Túc Quân Sự cho các Sỉ Quan Quân Y Trưng tập, và Sĩ quan Cảnh Sát Quốc gia.
- Khóa đào tạo Sĩ Quan Huấn Luyện Viên và huấn luyện quân sự hàng ngàn Sĩ Quan do các Bộ Tư Lệnh Không Quân, Hải Quân và Cảnh Sát Quốc Gia gửi đến thụ huấn.
Từ tháng 9 năm 1973 đến tháng 4năm 1975 không có tài liệu chính xác về số Sĩ quan Trừ Bị Thủ Đức được đào tạo.. Theo sự ước tính qua 14 khoá con số SVSQ Thủ Đức tốt nghiệp không dưới 15 ngàn người. Như vậy tổng cộng lại Trường Bộ Binh Thủ Đức đã đào tạo khoảng 100 ngàn Sĩ quan Trừ bị cho QLVNCH.
Các vị tướng xuất-thân từ các trường Sĩ quan trừ bị :
Rời Thủ Đức có người thành chiến tướng
Cũng có người thành chiến sĩ vô danh.
Đời binh nghiệp là đường sát nghiệp
“Nhất tướng công thành vạn cốt khô.”
(Tăng Nhơn Phú Túy Hà)
Khóa 1 Nam-Định gồm có:
- Trung-tướng Nguyễn Đức Thắng (Bộ Trưởng Xây Dựng Nông Thôn)
- Trung-tướng Lê Nguyên Khang (Tư-lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến)
- Trung-tướng Nguyễn Bảo Trị (Tổng Cục-trưởng Quân-huấn)
- Thiếu-tướng Nguyễn Cao Kỳ, (Tư lệnh Không Quân, Chủ-tịch Ủy-ban Hành-pháp Trung-ương)
- Thiếu-tướng Nguyễn Ngọc Loan (Tư lệnh Cảnh Sát)
- Thiếu-tướng Nguyễn Duy Hinh (Tư lệnh Sư-đoàn 3 Bộ-binh)
- Chuẩn-tướng Vũ Đức Nhuận
- Chuẩn-tướng Phan Phụng Tiên
- Chuẩn tướng Nguyễn Văn Điềm
Khóa 1 Thủ-Đức:
- Trung tướng Trần Văn Minh (Tư-lệnh Không-quân)
- Trung tướng Đồng Văn Khuyên (Tổng Cục trưởng Quân-vận)
- Thiếu tướng Nguyễn khắc Bình (Tổng Giám-đốc Cảnh-Sát Quốc-gia)
- Thiếu tướng Phạm Hữu Nhơn
- Chuẩn-tướng Huỳnh Bá Tính
Khóa 2 Thủ –Đức:
- Chuẩn-tướng Bùi Quý Cảo (Tổng Giám-đốc Tài-chánh và Thanh-tra quân-phí)
Khóa 3 Thủ-Đức
- Thiếu-tướng Nguyễn Khoa Nam (Tư-lệnh Quân-đoàn IV, tuẫn-tiết ngày miền Nam lọt vào tay Cộng-Sản Bắc Việt)
Khóa 4 Thủ-Đức
- Trung-tướng Ngô Quang Trưởng (Tư-lệnh Quân-đoàn I)
- Thiếu-tướng Bùi Thế Lân (Tư-lệnh Thuỷ Quân Lục Chiến)
- Thiếu-tướng Lê Quang Lưỡng (Tư-lệnh Nhảy Dù)
- Chuẩn-tướng Hồ Trung Hậu
- Chuẩn-tướng Trần Quốc Lịch
Khóa 5 Thủ-Đức
- Chuẩn-tướng Lê Văn Hưng (Tư-lệnh phó Quân-đoàn IV, tuẫn-tiết ngày miền Nam bị cưởng chiếm bởi Cộng Sản Bắc Việt)
Khóa 16 Thủ-Đức
- Chuẩn-tướng Cảnh Sát Trang Sĩ Tấn (Chỉ-huy-trưởng BCH Cảnh Sát Đô-thành Sàigòn)
Sinh Viên Thủ Đức, anh là ai?
Những khoá đầu tiên SVSQ là những học sinh, sinh viên tuổi đôi mươi xếp bút nghiêng theo việc đao binh, theo lịnh động viên vào Trường Sĩ quan Trừ bị . Từ năm 1964 và 1968 lịnh Động viên và Tổng động viên gọi nhập ngũ các nam công dân từ 18 đến 45 tuổi bao gồm đủ các thành phần trong xã hội như: Sinh viên học sinh, các Giáo chức thuộc các trường Tiểu học, Trung Học và Đại học; các Viên chức các Tổng bộ của Chính phủ từ Bộ trưởng, Giám đốc cho đến Thơ ký, các người làm nghề tự do như ký giả , văn nghệ sĩ: Võ Long Triều (Bộ Thanh Niên) nhập ngũ khóa 24, Dương Kích Nhưởng (Điện Lực) nhập ngũ khóa 22 , Lưu Tường Quang ( Ngoại Giao) nhập ngũ khóa năm 1868 , Giáo Sư Trần Bích Lan tức thi sĩ Nguyên Sa nhập ngũ khóa 24 v .v..
Với sự nhập ngũ đông đảo của giới trí thức và cán bộ cao cấp trong chính quyền đã mang lại sự cảm thông và hoà đồng giữa người lính chiến đấu và người ở hậu phương. Trải qua 9 tháng huấn luyện gian khổ nơi quân trường người SVSQ đã thay đổi từ thể xác đến tâm hồn : Thương đời lính gian truân và yêu đất nước qua từng bàn chân mình bước đi trên mảnh đất quê hương.
Nhà thơ Nguyên Sa, tác giả của những bài thơ tình lảng mạng nổi tiếng qua "Paris có gì lạ không em ?", "Áo lụa Hà Đông" cũng đã thay đổi nhiều sau bao tháng thao luyện trong quân trường Thủ Đức:
bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
ta mới biết rằng những thỏi sắt đó nặng như thế
ta mới biết rằng trong cuộc đời dạy học ta là thằng dốt nát
trong mười mấy năm ta làm bao nhiêu tội lỗi
trong mười mấy năm ta không nói cho học trò ta biết
những thỏi sắt đó nặng như thế
ta không nói cho vợ con bạn bè đồng bào ta biết
anh em ta và quê hương ta
vác những thỏi sắt nặng như thế
từ bao nhiêu năm nay
…………
(Xin lỗi về những nhầm lẫn dĩ vãng thơ Nguyên Sa)
Các công chức và Chuyên viên sau khi thụ huấn xong có thể được trở về nhiệm sở cũ nếu có nhu cầu đòi hỏi của Cơ quan liên hệ. Các giáo chức sau một vài năm trong quan ngũ đa số được trở về trường sở cũ.
Ngoài những người được biệt phái đa số sĩ quan trừ bị phải ở lại Quân đội mặt dù nhiệm kỳ trừ bị là 4 năm nhưng bị lưu giữ lại vì tình trạng chiến tranh.
Bây giờ anh ở đâu ?
Không có một thống kê hay sử liệu nào đề biết số lượng chính xác các Cựu SVSQ/TD hiện nay; có một vài tài liệu phỏng đoán có 15 ngàn SVSQ/TD đã bỏ mình trong cuộc chiến bảo vệ Vùng đất Tự Do VNCH như vậy còn lại hơn 80 ngàn mà một số rất lớn còn ở lại Việt Nam và rải khắp năm châu.
Sau cuộc bể dâu kẻ còn người mất và sau nhưng năm tháng trôi nổi nơi quê người ai được gặp lại người quen là điều hạnh phúc và quý báo vô cùng. Riêng những cựu Sinh viên Thủ Đức Đa số đã trãi qua những năm tháng tù đày trong lao tù cải tạo của Cộng sản. Trong lao tù có ai dám nghĩ tới một ngày nào đó gặp lại bạn bè đồng môn, đồng ngũ cũ, một ngày được nhìn thấy lá Cờ Vàng thân yêu, một ngày được thở không khí Tự do!.
Nước mất nhà tan
Đệ huynh Thủ Đức
Lại lạc nhau rồi, một cuộc bể dâu
Niên trưởng tôi ơi!
Bên trời bạc tóc,
Có nghe không
Tiếng vọng Vũ đình trường
Có nghe không tiếng hờn ai oán,
Binh đao oan nghiệt một kiếp người.
(Tăng Nhơn Phú thơ Túy Hà)
Những mơ ước không bao giờ dám nghĩ đến đó đã trở thành hiện thực : Những cựu SVSQ/TB cũng như các cựu chiến Binh VNCH thoát được ra nước ngoài đã dịp được gặp lại đồng môn đồng ngũ; được nhìn lại màu cờ sắc áo thân yêu, được nghe lại những khúc quân hành qua những buổi họp mặt bên ly rượu chun trà : Mừng cho người còn sống và buồn cho người còn ở lại hay đã ra đi vĩnh viễn.
Người viết xin mượn câu thơ của CSVSQ Túy Hà để kết thúc bài này và câu chúc quý chiến hữu đồng môn Trường Bộ Binh Thủ Đức được nhiều An bình an và Hạnh phúc :
Tăng Nhơn Phú ta sẽ về thăm lại
Đốt nén nhang thơm tạ Đất Trời.
Đã cho ta một thời hào sảng
Đã luyện ta thành thép thành đồng
Nhập cuộc chơi có tên Sinh-Tử
Giữa làn ranh nghiệt ngã chiến trường.
Đã cho ta ngẩn cao đầu ngạo nghể
Thủ Đức làm người không hổ thẹn lương tâm.
Tăng Nhơn Phú - đồi xưa – Ta trở lại
Cắm ngọn cờ vàng rực rỡ trời Nam.
Ta sẽ về – dù nương theo gió
Bởi thân tàn , chí lớn còn nguyên.
(Tăng Nhơn Phú Túy Hà)
Mai Thịnh
(Viết nhân Ngày truyền Thống của CSVSQ/TD tháng 10 năm 2008)
Tài liệu tham khảo:
- Đặc san Bộ Binh Số Đặc biệt Khóa 8\ 72 năm 1973
- The RVNAF reserve officer schools at Thu Duc and Nam Dinh James Nach
- Tìm hiển Ngày Quân Lực 19-6 của Cựu Đại tá Nguyễn Huy Hùng
- Lịch sử Trường Sĩ quan Trừ bị của Đặng GhiKhoá 25
- Thủ Đức Gọi Ta Về của Trần Hoài Thư
- Hình ảnh trích từ Web CSVSQ/TD Úc Châu:
http://csvsqthuduc.googlepages.com/td.html Và KBC4100: http://www.kbc4100.com
No comments:
Post a Comment