Sunday, October 12, 2008

Không ai có thể chứng minh Nguyễn Chí Thiện là giả tập thơ “Hoa Ðịa Ngục”

Không ai có thể chứng minh Nguyễn Chí Thiện là tác Giả tập thơ "Hoa Địa Ngục", ngoài Nguyễn Chí Thiện


Sơn Tùng


Cuộc tranh cãi lại đang bùng lên chung quanh đề tài “Nguyễn Chí Thiện thật, Nguyễn Chí Thiện giả”, một cuộc tranh cãi dai dẳng kéo dài từ năm 1995, sau khi ông Nguyễn Chí Thiện đặt chân lên nước Mỹ.

Trong 13 năm qua, người Việt hải ngoại đã tốn khá nhiều thì giờ và giấy mực mà cho đến nay, vấn đề “Nguyễn Chí Thiện thật, Nguyễn Chí Thiện giả” vẫn chưa ngã ngũ, chưa đi đến đâu, và vẫn chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm”. Ðúng như lời của chính ông Nguyễn Chí Thiện - những ai tin thì đã tin rồi, còn những người không tin thì vẫn tiếp tục không tin. Không ai thuyết phục được ai. Bên chống vẫn tiếp tục chống và bên bênh vẫn tiếp tục bênh.


Vì sao?


Vì cả hai bên đều không có những bằng chứng vật chất hay nhân chứng khả tín. Tất cả lập luận của hai bên đều dựa trên suy đoán hay căn cứ vào lời kể của đệ tam nhân.


Nói chung, bên không tin ông Nguyễn Chí Thiện là tác giả tập thơ Hoa Ðịa Ngục gồm ba nhóm với những lập luận như sau:


1. Ông Nguyễn Chí Thiện đã ăn cắp những bài thơ của Thái Dịch Lý Ðông A, lãnh tụ Ðảng Duy Dân trước kia.

2. Ông Nguyễn Chí Thiện đã chiếm đoạ t những bài thơ của một người nào đó từng ở tù chung với ông ta tại Bắc Việt mà người ấy, tức tác giả thật, đã chết trong tù.

3. Nguyễn Chí Thiện đã được CSVN đưa ra nhận là tác giả tập thơ “Hoa Ðịa Ngục” sau khi tác giả thật đã đem bản thảo tập thơ vào tòa đại sứ Anh ở Hà-nội và bị công an CSVN thủ tiêu.


Lập luận thứ nhất do ông Lê Tư Vinh, lãnh đạo Ðảng Duy Dân ở Virginia, nêu lên nhưng đã không đưa ra được chứng từ nào cho thấy có liên hệ giữa Lý Ðông A và những bài thơ trong Hoa Ðịa Ngục.


Lập luận thứ hai và thứ ba được nhiều người nói đến, nhưng cho đến nay cũng không chứng minh được “tác giả thật sự” là ai mà chỉ nêu lên những nghi vấn và sự mâu thuẫn giữa những bài thơ trong Hoa Ðịa Ngục và thân thế, cuộc sống hiện nay của ông Nguyễn Chí Thiện để suy đoán rằng ông ta không phải là tác giả của tập thơ Hoa Ðịa Ngục.


Những lập luận và suy đoán của những người này không phải là vô lý nhưng đã không đưa ra được bằng cớ về sự hiện hữu của “tác giả thật sự” ấy. Nếu “tác giả thật sự” ấy đã có mặt trên đời thì khó mà tin rằng người ấy không có thân nhân, bạn hữu để đứng ra tố cáo – như trường hợp hai chi em Nông Thị Xuân, Nông Thị Vàng bi thủ tiệu sau khi được đưa tới Hà-nội “phục vụ” Hồ Chí Minh. “Tác giả thật sự” ấy không thể biến đi khỏi mặt đất này mà không để lại dấu vết gì, và không có ai hay biết, nhất là qua những năm làm thơ trong tù chắc chắn phải quen biết nhiều người.


Nhưng ngược lại, ông Nguyễn Chí Thiện, ngoài những lý lẽ để trả lời các thắc mắc, cũng không đưa ra được bằng chứng cho thấy chính ông là người đã đưa tập bản thảo Hoa Ðịa Ngục vào tòa đại sứ Anh ở Hà-nội ngày 16-7-1979 như lời tự thuật của ông. Không có nhân viên nào ở Bộ Ngoại Giao Anh từng phục vụ tại tòa đại sứ ở Hà-nội năm 1979 xác nhận Nguyễn Chí Thiện chính là người đã xâm nhập khuôn viên tòa đại sứ và đưa cho họ tập thơ Hoa Ðịa Ngục. Và tập thơ nằm ở Bộ Ngoại Giao Anh cũng chưa bao giờ được giảo nghiệm dấu tay để xem có dấu tay ông Nguyễn Chí Thiện trong đó không, vì nếu chính Nguyễn Chí Thiện đã chép tay tập bản thảo ấy và cầm vào tòa đại sứ Anh, như lời thuật của ông, thì không thể không có dấu tay ông trong đó.


Tôi đã nói điều này với Nguyễn Chí Thiện trong dịp ông sang Vùng Hoa Thịnh Ðốn vào tháng 6 năm 2006 để ra mắt tập Hoa Ðịa Ngục do Tổ Hợp Miền Ðông tái bản, và tôi đã đề nghị ông làm chứng thư (affidavit) ủy nhiệm cho tôi để liên lạc với Bộ Ngoại Giao Anh tìm tập bản thảo và giảo nghiệm dấu tay. Ðây là bước đầu tiên để xác định Nguyễn Chí Thiện có phải là người đã mang tập bản thảo vào tòa đại sứ Anh ở Hà-nội hay không.


Tôi cũng cho ông Nguyễn Chí Thiện biết tôi sẽ làm việc này một cách khách quan và sau đó sẽ điều tra thêm để viết một tài liệu về vụ này hầu làm sáng tỏ một “nghi án” về văn học và chính trị quan trọng vì tập thơ đã vào văn học sử và Nguyễn Chí Thiện đã trở thành một khuôn mặt văn học và chính trị trong cộng đồng người Việt hải ngoại.


Ðể việc giảo nghiệm dấu tay có giá trị, tôi cho ông Nguyễn Chí Thiện biết khi Bộ Ngoại Giao Anh đồng ý giao tập bản thảo, tôi sẽ nhờ một văn phòng luật sư ở London tiếp xúc với Bộ Ngoại Giao để nhận tập bản thảo, lập biên bản, và đưa đi giảo nghiệm. Cho đến khi việc giảo nghiệm có kết quả, ông Nguyễn Chí Thiện không được đụng tay vào tập bản thảo. Ông Nguyễn Chí Thiện đồng ý như vậy và đã làm “Affidavit”, thị thực chữ ký ngày 21.6.2006, ủy nhiệm cho tôi làm công việc nói trên.


Ngày 26.6.2006, tôi đã gửi thư cho Bà Bộ trưởng Ngoại giao Anh Margaret Beckett để yêu cầu được tiến hành việc giảo nghiệm tìm dấu tay ông Nguyễn Chí Thiện trên tập thơ đã được đưa vào tòa đại sứ Anh ở Hà-nội ngày 16.7.1979.


Nên biết gần 30 năm đã trôi qua kể từ ngày bản thảo tập thơ Hoa Ðịa Ngục được tác giả đưa vào tòa đại sứ Anh ở Hà-nội, sau đó được chuyển về Bộ Ngoại Giao Anh ở London, và rồi một phóng ảnh của tập thơ đã được chuyển đến ban Việt ngữ đài BBC và sau đó đến bán nguyệt san Văn Nghệ Tiền Phong tại Virginia, Hoa Kỳ, do ông Nguyễn Thanh Hoàng làm chủ nhiệm.


Trên phóng ảnh tập bản thảo viết tay được chuyển đến Văn Nghệ Tiền Phong không có tên tác giả mà cũng không có nhan đề, nên khi xuất bản tập thơ đã được đặt tên là “Bản Chúc Thư của Một Người Việt Nam” và tác giả được ghi là “Khuyết Danh”. Một ấn bản khác lại được đặt tên là “Tiếng Vọng Từ Ðáy Vực”, và cũng không có tên tác giả.


Cho đến khi ông Nguyễn Chí Thiện ra tù và nhận là tác giả, tập thơ mới có tên tác giả là Nguyễn Chí Thiện và được mang tựa đề là “Hoa Ðịa Ngục”, sau đó được dịch ra tiếng Anh là “Flowers from Hell”, cùng vài ngôn ngữ khác như Pháp, Nhật, Ðức, Triều Tiên...


Khi ông Nguyễn Chí Thiện sang Mỹ vào tháng 11.1995, ông đã được cộng đồng người Việt tại đây đón tiếp nồng nhiệt. Sau đó ông cũng đã được nhiều cộng đồng người Việt tị nạn ở khắp nơi mời tới ra mắt với tư cách là tác giả tập thơ Hoa Ðịa Ngục và được mọi người ngưỡng mộ. Nhưng cũng từ đó, vấn đề “Nguyễn Chí Thiện thật, Nguyễn Chí Thiện giả” được đặt ra và được tranh cãi cho đến nay.


Nhưng cũng cho đến nay, chưa có vụ tranh tụng nào trước pháp luật liên quan đến tác quyền tập thơ Hoa Ðịa Ngục trong khi nó đã được ông Nguyễn Chí Thiện xuất bản và tái bản, đã đăng ký bản quyền tại Thư Viện Quốc Hội Hoa Kỳ. Do đó, cuộc tranh cãi mang tính chất chính trị và văn học hơn là pháp lý.


Còn đối với ông Nguyễn Chí Thiện, cuộc tranh cãi chỉ là một vấn đề danh dự. Và chỉ có Nguyễn Chí Thiện mới có thể chứng minh chính ông là tác giả tập thơ Hoa Ðịa Ngục để chấm dứt mọi nghi ngờ, bảo toàn danh dự cho ông.


Có lẽ cũng nghĩ như vậy nên năm 2006 ông Nguyễn Chí Thiện đã muốn tôi giúp ông làm sáng tỏ sự thật, và tôi cũng muốn thực hiện một cuộc điều tra khách quan và khoa học để chấm dứt một “nghi án” văn học trong cộng đồng người Việt hải ngoại – khởi đầu với việc giảo nghiệm dấu tay trên tập bản thảo.


Nhưng sau gần 30 năm, số phận tập bản thảo nguyên thủy là điều rất đáng lo ngại. Liệu nó có còn được lưu giữ tại Bộ Ngoại Giao Anh? Và nếu còn, nó đang nằm nơi xó xỉnh nào và do ai trách nhiệm? Hiển nhiên, tập bản thảo không phải là một tài liệu quan trọng cần được xếp hạng và lưu giữ giữa hàng triệu giấy tờ, hồ sơ của Bộ Ngoại Giao Anh. Có thể nó đã bị thất lạc vì không ai có trách nhiệm lưu giữ.


Sự lo ngại của tôi về sau đã chứng tỏ là không xa sự thật. Sau mấy tháng không nhận được hồi âm của Bộ Ngoại Giao Anh, tôi nhờ một người bạn tại Virginia dò hỏi vì ông có liên hệ hoạt động về nhân quyền với tổ chức Ân Xá Quốc Tế (Amnesty International) ở London. Không bao lâu sau, vào giữa tháng 12.2006, người bạn chuyển cho tôi e-mail của một viên chức tại tổ chức Ân Xá Quốc Tế báo tin đã tiếp xúc với ông Nick Alexander, Trưởng Ban Mekong và Miến Ðiện thuộc Nhóm Ðông Nam Á và Thái Bình Dương tại Bộ Ngoại Giao Anh. Ông Alexander cho biết đã có nhiều người hỏi về tập thơ, và ông cho số điện thoại với đề nghị Nguyễn Chí Thiện gọi cho ông ta, nếu muốn hỏi về tập thơ. Tôi đã chuyển ngay những tin tức này cho ông Nguyễn Chí Thiện.


Về sau, tôi được Nguyễn Chí Thiện cho biết ông đã gọi nói chuyện với ông Alexander và ông ta cũng không biết tập thơ ở đâu, và nói rằng nếu ông Thiện biết tập thơ đang do ai giữ thì cho ông ta biết!


Ðúng như tôi lo ngại, tập bản thảo đã bị thất lạc. Bô Ngoại Giao Anh không thấy cần phải lưu giữ tập bản thảo sau khi đã làm theo yêu cầu của tác giả là phổ biến ra ngoài Việt Nam. Người Anh không biết đến cuộc tranh cãi trong cộng đồng người Việt hải ngoại chung quanh tập thơ.


Bẵng đi hơn một năm không có tin gì thêm về tập bản thảo, bỗng vào tháng 4.2008, tôi được ông Nguyễn Chí Thiện cho biết ông đã nhận được tập bản thảo do vợ một nhà văn người Anh gửi tới. Theo lời ông Thiện, nhà văn này (tôi quên tên) vừa qua đời, bà vợ trong khi dọn dẹp kho sách của chồng đã thấy tập bản thảo nên tìm cách liên lạc với ông để trả lại. Cũng theo lời Nguyễn Chí Thiện, ông đã yêu cầu bà vợ nhà văn Anh gửi tập bản thảo cho ông Ðinh Quang Anh Thái, một nhà báo quen thân với ông tại Orange County, California. Khi nhận được tập bản thảo, ông Thái đã bóc ra, sau đó giao lại cho ông Nguyễn Chí Thiện. Ông Thiện cho biết ông Thái không chịu cất giữ, vì sợ thất lạc.


Vào đầu tháng 8 vừa qua, trong dịp sang Virginia, ông Nguyễn Chí Thiện ngỏ ý muốn tôi thực hiện việc giảo nghiệm dấu tay và chữ viết trên tập bản thảo. Tôi đã từ chối, cả vì lý lẫn vì tình.


Về lý, ông Nguyễn Chí Thiện đã nhận và giữ tập bản thảo, nó không còn giá trị để giảo nghiệm dấu tay nữa. Nó đã bị “ô nhiễm” (contaminated), theo cách gọi của khoa học hình sự. Tôi không rõ với tiến bộ khoa học hiện nay, các chuyên viên giảo nghiệm có thể phân biệt được dấu tay mới với dấu tay 30 năm về trước hay không, nhưng dù sao vai trò của tôi cũng không còn cần thiết nữa khi ông Nguyễn Chí Thiện đã cầm trong tay tập bản thảo.


Về tình, năm 2006 ông Nguyễn Chí Thiện đã làm chứng thư ủy nhiệm cho tôi liên lạc với Bộ Ngoại Giao Anh tìm bản thảo tập thơ để giảo nghiệm dấu tay. Tôi đã tiến hành công việc một cách nghiêm túc. Khi được tin về tập bản thảo, thay vì báo cho tôi, ông Thiện lại tự quyết định gửi tập thơ cho người khác. Hành động này, dù suy diễn cách nào cũng cho thấy ông Nguyễn Chí Thiện đã chấm dứt sự ủy nhiệm đối với tôi.


Hành động của ông Nguyễn Chí Thiện có thể đưa tới nhiều suy đoán, nhưng kết quả vẫn là ông đã bỏ lỡ một cơ hội “có một không hai” để chứng minh ông chính là người đã cầm tập bản thảo “Hoa Ðịa Ngục” vào tòa đại sứ Anh ở Hà-nội ngày 16.7.1979.


Tôi đã đề nghị với ông Nguyễn Chí Thiện, nay đang có tập bản thảo trong tay, nên tự tiến hành việc giảo nghiệm chữ viết và tìm dấu tay, nếu có thể phân biệt dấu tay mới và dấu tay 30 năm trước.


Chỉ cách đó mới có bằng chứng vật chất để bác bỏ suy đoán của những người nói rằng Nguyễn Chí Thiện không phải là người cầm tập bản thảo vào tòa đại sứ Anh ở Hà-nội năm 1979. Nếu không làm được như vậy, suy đoán này vẫn còn tiếp tục được nói đến mà không ai có thể dứt khoát bác bỏ.


Trong những lần nói chuyện với tôi trước đây, ông Nguyễn Chí Thiện cho biết khi trao tập bản thảo cho nhân viên tòa đại sứ Anh, ông có viết nhan đề tập thơ là “Hoa Ðịa Ngục” và tên ông cùng địa chỉ trên một tờ giấy kèm vào tập thơ. Rất tiếc cho đến nay, không có ai đủ thẩm quyền để xác định có tờ giấy ấy và giải thích vì sao tờ giấy ấy không còn trong tập bản thảo.


Trước những nghi ngờ và tranh cãi đang diễn ra, việc “Nguyễn Chí Thiện thật, Nguyễn Chí Thiện giả” đã trở thành một “nghi án” văn học và chính trị, và tạo chia rẽ trong cộng đồng người Việt hải ngoại. Mặt khác, tuy việc nghi ngờ không trực tiếp đe dọa tác quyền của ông Nguyễn Chí Thiện trên tập thơ Hoa Ðịa Ngục, không thể chối cãi việc ấy đã gây phiền nhiễu cho ông và làm tổn thương danh dự của ông.


Một số người đặt câu hỏi rằng tại sao Nguyễn Chí Thiện không viết hồi ký, một việc ông có thể làm để sự thật được sáng tỏ. Với quá khứ nhiều biến cố và tư thế hiện nay của ông Nguyễn Chí Thiện, cuốn hồi ký của ông sẽ là một tác phẩm bán chạy, và là một tài liệu ghi lại những diễn biến của đời ông liên quan đến quá trình sáng tác tập thơ Hoa Ðịa Ngục mà mọi người có thể dùng để so chiếu, tìm hiểu sự thật.


Trong những lần gặp gỡ trước đây, vài người quen khuyên ông Nguyễn Chí Thiện nên viết một cuốn hồi ký. Ông đồng ý, nhưng đến nay tôi không được biết ông có viết hay không.


Nếu ông không viết là một điều rất đáng tiếc, vì đó là cơ hội có thể là cuối cùng để ông tự chứng minh là “Nguyễn Chí Thiện thật”, và là tác giả của tập thơ “Hoa Ðịa Ngục”.


Sơn Tùng





No comments:

Post a Comment