Saturday, October 18, 2008

Bài Học Phạm Xuân Ẩn

Đại Dương

Vai trò tình báo chiến lược của Phạm Xuân Ẩn chỉ được biết đến sau ngày 30-4-75. Trước đó, Cơ quan An ninh VNCH và CIA hầu như không biết gì về hoạt động gián điệp của Ẩn. Làng báo thủ đô Sài Gòn thường lấy tin từ Ẩn cũng không một chút nghi ngờ.

Dựa vào yếu tố nào mà Phạm Xuân Ẩn đã hoàn thành nhiệm vụ tình báo chiến lược trong lòng VNCH?

Thứ nhất, tâm lý "đèn nhà ai nấy sáng" của dân chúng Miền Nam khiến cho hoạt động của Ẩn được bảo mật tuyệt đối. Chúng ta không muốn xoi mói vào công việc hoặc vi phạm quyền tự do cá nhân của nhau. Chúng ta phó mặc tình trạng an ninh quốc gia cho các cơ quan hữu trách. Phải chăng đó là thái độ vô trách nhiệm của công dân ?

Thứ hai, tâm lý "vọng ngoại" khiến chúng ta tin rằng Ẩn là người của CIA. Và những tin tức do Ẩn cung cấp xuất phát từ Hoa Thịnh Đốn. Ẩn do Mỹ đào tạo và sử dụng thì CIA là cái chắc. Tin do hắn cung cấp làm sao sai được. Khỏi lo, cứ phổ biến thả giàn. Sự quen biết rộng rãi của Ẩn khi cùng các phóng viên ngoại quốc săn in giới chức Mỹ đến Việt Nam càng thêm xác tín vai trò CIA của ông ta. Chớ chơi dại mà chạm vào "ông CIA" có ngày vỡ mặt. Thế là, viên chức cao cấp VNCH, làng báo Sài Gòn thi nhau moi tin từ "nhân vật thạo tin" Phạm Xuân Ẩn. Chiêu "cáo mượn oai hùm" được Ẩn sử dụng thuần thục.

Thứ ba, tâm lý "cạnh tranh" khiến cho phóng viên ngoại quốc cố sức moi móc cho bằng được những tin tức của "phía bên kia". Ẩn là người cung cấp loại đó. Không những thông tín viên báo Times mà hầu hết các nhà báo ngoại quốc đến Sài Gòn đều tìm gặp Ẩn để săn tin liên quan đến "phía bên kia". Trung Ương Cục Miền Nam của Cộng Sản mớm cho Ẩn những tin tức mới toanh chưa hề phổ biến trên hệ thống truyền thanh của cộng sản trước đó khiến cho mấy tay phóng viên ngoại quốc cứ mê tít thò lò. Họ tưởng Ẩn đã mua được các tin tức có giá tri.. Nhưng sự thực đó là những bản tin do Trung Ương Cục chế tạo. Tại Sài Gòn là thủ đô VNCH, có rất nhiều trạm chuyển tin mà sau 1975 cộng sản "biểu dương" là "địa chỉ đỏ" (nơi nuôi, giấu cán bộ CS hoạt động). Do đó, Ẩn chỉ quanh quẩn ở Sài Gòn cũng nhận được đầy đủ chỉ thị của Hà Nội.

Thứ tư, viên chức VNCH và Mỹ muốn dùng Ẩn như nhân vật trung gian để chuyển đạt cho "đồng minh" những thông điệp bán chính thức. Nhưng Ẩn lại là đài chặn bắt làn sóng để truyền về Trung Ương Cục Miền Nam của Cộng Sản. Chủ trương của VNCH và Mỹ cùng các xích mích được Trung Ương Cục nghiên cứu cẩn thận. Chiến lược chiến thuật của cộng sản được điều chỉnh thích đáng. Xích mích giữa VNCH và Mỹ được kích thích thành hiềm khích qua trung gian Phạm Xuân Ẩn.

Trong các cuộc phỏng vấn của hệ thống truyền thông cộng sản sau 30-4-75, Ẩn nói rất ít về vai trò của mình tại Sài Gòn, đúng với bản tính kín đáo. Tuy nhiên có 3 điều tác hại to lớn đối với cuộc chiến tranh Việt Nam.

1. Những nhà soạn thảo chính sách, người thực hiện và dư luận Hoa Kỳ thực sự đã hiểu khá sai lạc về cuộc chiến Việt Nam. Điển hình là những điều cựu Bộ Trưởng Quốc Phòng Robert S. McNamara trình bày trong cuốn "In Retrospect: The Tragedy and Lessons of Vietnam" xuất bản năm 1995. McNamara thú nhận không những bản thân mà nhiều nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ đã không am tường về mưu đồ của cộng sản quốc tế; không rõ quyết tâm của đảng cộng sản Việt Nam; mù tịt về con người và đất nước Việt Nam. Hậu quả, Hoa Thịnh Đốn coi cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam là "chiến tranh giải phóng dân tộc" và Hồ Chí Minh là "người quốc gia yêu nước". Giở lại chồng báo cũ của Hoa Kỳ và thế giới trong những thập niên 1950-1970 chúng ta cũng thấy dư luận sai lầm tương tự.

2. Dân chúng miền Nam hiểu lơ mơ về bản chất thực sự của chủ nghiã Mác-Lênin. Nó được truyền đạt qua giới khoa bảng bằng các hình dung từ đẹp đẽ song song với hình ảnh cán binh cộng sản nửa người nửa ngợm do bộ máy thông tin (dân sự) và tâm lý chiến (quân sự) VNCH thêu dệt nên khiến cho dân chúng nuôi cảm tình với lý tưởng cộng sản. Bản chất của chủ nghĩa xã hội, thủ đoạn của cộng sản đã không được mô tả, phân tích tường tận, giải thích sâu rộng. Thông tin, tâm lý chiến chỉ tập trung vào việc biêu riếu sự thất học, dáng dấp quê mùa của đảng viên cộng sản mà quên rằng 80% người Việt Nam là nông dân.

3. Dư luận thế giới, kể cả VNCH, phân biệt cộng sản Bắc Việt và Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là 2 thực thể độc lập. Bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của Quốc Tế cộng sản và tay sai Bắc Bộ Phủ lại biến thành chiến tranh giải phóng. Cơ quan Việt Tấn Xã với bao nhiêu bằng cấp, tiếng nói chính thức của VNCH; báo chí chống cộng của miền Nam; phóng viên ngoại quốc dạn dày kinh nghiệm cũng bị cộng sản bịp đến sói đầu. Trong cuộc chiến tranh ý thức hệ, cộng sản đã thắng chúng ta trên mặt trận tư tưởng. Họ đẩy chúng ta vào thế mất chính nghĩa, làm cho tinh thần bạc nhược, mất ý chí chiến đấu.

Khi khối cộng còn mạnh, cộng sản Việt Nam không mấy quan tâm đến sức đối kháng của người Việt hải ngọai. Thời đó, Bắc Bộ Phủ chỉ muốn giao dịch trong khối cộng. Họ muốn dồn mọi nỗ lực để tiêu diệt tên đế quốc đầu sỏ là Hoa Kỳ. Do đó, mạng lưới tình báo cộng sản Việt Nam tại Hoa Kỳ chỉ tập trung vào việc vận động dư luận Mỹ và thu thập tin tức. Họ chỉ dùng cộng đồng Việt Nam hải ngoại như phương tiện cho các hoạt động chống Mỹ.

Họ không có kế hoạch chống cộng đồng. Họ cho rằng khi toàn cầu bị nhuộm đỏ thì sự chống đối của người Việt hải ngoại tất phải tiêu vong. Ngày 31-1-78, FBI bủa lưới bắt Ronald Humphrey (cưới gái Việt khi phục vụ tại VNCH); Trương Đình Hùng (con trai Trương Đình Dzu) cưới gái Mỹ. Sau đó toà phạt mỗi tên 15 năm tù về tội làm gián điệp. Đinh Bá Thi, đại sứ cộng sản tại Liên Hiệp Quốc, bị trục xuất khỏi Hoa Kỳ. Sau đó chết trong một tai nạn xe hơi ở Phan Thiết làm cho người ta ngờ đến vụ thanh toán.

Nhưng khi khối cộng tan rã, chỗ dựa mất, viện trợ không còn khiến cho Bắc Bộ Phủ phải tính đường giao thương với khối tư bản để tồn tại. Sự chống đối của người Việt hải ngoại làm cho cộng sản Việt Nam khó lòng thực hiện trót lọt mọi kế họach. Tiêu diệt sức chống đối của người Việt hải ngoại là ưu tiên hàng đầu trong chính sách ngoại giao của Bắc Bộ Phủ. Cần phải chuyển hướng dư luận của người Việt hải ngoại từ chống đối sang yểm trợ cho nhà nước Cộng Hoà Xã Hội Chủ Nghiã Việt Nam. Nhiều Phạm Xuân Ẩn khác đã được tạo ra để đáp ứng nhu cầu.

Mô hình Phạm Xuân Ẩn phải thuộc loại người có thành tích chống cộng (để dư luận không nghi ngờ), hiểu biết rành rẽ về kỹ thuật truyền thông, am tường hoạt động chính trị, giao thiệp rộng rãi trong giới truyền thông thế giớị Tin mật từ Bắc Bộ Phủ được tung ra qua nhân vật thạo tin để tạo uy tín. Phân tích, bình luận kèm theo với lập luận có lợi cho chính sách của cộng sản Việt Nam. Trước đây, người Việt hải ngoại quyết tâm lật đổ chế độ cộng sản Việt Nam, vì đó là thảm họa của đất nước và dân tộc. Ngày nay, nhiều người chỉ nghĩ đến giải pháp dân chủ hóa chế độ do đảng cộng sản chủ trương. Chúng ta từng chê đảng viên cộng sản bất lực nhưng giờ đây lại tin rằng chỉ có họ mới làm nên lịch sử. Đến lúc nào chúng ta sẽ toàn tâm toàn ý yểm trợ cho đường lối, chính sách đảng cộng sản?

Ai đang thủ diễn vai trò Phạm Xuân Ẩn tại hải ngoại? Chúng ta rút tỉa được gì qua bài học cũ? Chúng ta sẽ hành động như thế nào để khỏi đi vào vết xe cũ?

Đại Dương


Kẻ nằm vùng: Phạm Xuân Ẩn

Vi Anh

Trường hợp các lãnh tụ đảng phái, tôn giáo Quốc gia tham gia mặt trận Việt Minh trong đó có Cộng sản để chống Pháp giành độc lập cho nước nhà Việt Nam, bị Cộng sản ám hại, thủ tiêu để Cộng sản độc chiếm quyền hành quốc gia là một bài học tập thể về Cộng sản. Người Quốc gia thua vì không thể hành động vô đạo đức, vô lương tâm như Cộng sản, lấy phương pháp bá đạo lấy cứu cánh biện minh cho phương tiện. Thí dụ trường hợp Cộng sản nhờ phục Đức Huỳnh Giáo chủ về Miền Tây dàn xếp xung đột giữa Cộng sản và Phật Giáo Hoà Hảo, lợi dụng lời mời hội họp để ám hại Ngài. Một bài học để đời, khiến nhiều thế hệ người Việt Quốc gia chống Cộng tới cùng, chống Cộng hết mình. Chống suốt hai thời Đệ nhứt và Đệ nhị Cộng hoà, sau khi Saigòn sụp đổ, di tản chiến thuật ra hải ngoại vẫn tiếp chống Cộng.

Trường hợp Ông Phạm Xuân Ẩn, nhà báo ăn cơm Quốc gia thờ ma Cộng sản, bán mạng làm gián điệp cho Cộng sản Hà nội, đã qua đời, thọ 78 tuổi, phải ôm hận xuống Âm phủ là một bài học cá nhân về Cộng sản. Qua những nhà báo Pháp, Mỹ, độc lập và từng thâm giao với Ông Ẩn khi còn làm cho làng báo Anh Mỹ ở Saigòn và sau Chiến tranh Việt Nam trở lại thăm Ông Ẩn ở Sàigòn, cho biết Ông Ẩn rất thất vọng, bất mãn, cay đắng trước những tồi tệ, tham nhũng của chế độ Cộng sản, và thú thật lý tưởng của Ông theo suốt đời bị phản bội.

Nhưng đã dính với Cộng sản rồi khó mà thoát thân cho toàn mạng. Không phải riêng với Ông Ẩn thời Cộng sản mới bắt đầu chiếm được nửa nước. Mà thời bây giờ Cộng sản đã tóm thâu tất cả quyền hành và toàn bộ đất nước. Họ có đầy đủ phương tiện và thế lực để chiêu dụ và bắt hồn lẫn xác những người lỡ dính với họ. Yếu bóng vía, thiếu kinh nghiệm Cộng sản, tưởng chơi với Cộng sản Hà nội cũng giống như chơi với người Việt Quốc gia, chơi với dân Tây Phương là sẽ mắc mồi Cộng sản. Lúc đó "cá cắn câu biết đâu mà gỡ, chim vào lồng biết thuở nào ra". Lịch duyệt, cảnh giác như Ông Ẩn làm gián điệp cho Cộng sản suốt Chiến tranh Việt Nam mà không bị lộ kia, giờ chót còn không lối thoát khỏi Cộng sản, chớ đừng nói cỡ những người trẻ Việt ăn học cao ở Tây Phương, chưa biết Cộng sản thực sự là gì.

Ba nhận định trên có thể chứng nghiệm qua trường hợp Ông Phạm Xuân Ẩn. Là một người đi du học ở Mỹ về trong thời Mỹ mới vào, Ông có quá nhiều cơ may để thành đạt trong chế độ mới ở Miền Nam. Thế mà Ông Ẩn không thoát được "tổ chức" dù người đầu mối của Ông đã bị chánh quyền mới của Miền Nam bắt. Và trớ trêu nhứt, chính nhân vật có thế lực an ninh cao nhứt của Việt Nam Cộng Hòa, Bác sĩ Trần KTuyến là người đã vô tình cứu Ông Ẩn và mở đường và tạo vỏ bọc cho Ông Ẩn thi hành điệp vụ - điệp vụ phục vụ cho Cộng sản Hà nội.

Theo ký giả Dan Southerland, vốn là bạn đồng nghiệp trong báo Chistian Science Monitor, Time, nay là Phó Giám đốc Chương trình của Đài Phát Thanh RFA, nói sau khi biết Ông Ẩn đã qua đời. Đến thăm Ông Ẩn hai lần mới được gặp xưa là người làm chung với Ông Ẩn trong báo chí. Ẩn vận động giúp cho Bác sĩ Trần Kim Tuyến di tản ngày 29 tháng tư, là điều có thật và thuần ơn nghĩa vì Bác sĩ Tuyến đã cứu Ẩn trước kia. Dan Sotherland chính là người mà ông Phạm Xuân Ẩn nhờ giúp tìm cách đưa bác sĩ Tuyến rời Việt Nam vào ngày 29 tháng 4. Ông Southerland nói đó là vấn đề thuần ơn nghĩa, "lý do sâu xa là khi ông Phạm Xuân Ẩn đi học báo chí ở Hoa Kỳ trở về Việt Nam năm 1959 trong một tâm trạng hết sức lo lắng vì người chỉ huy trực tiếp của ông đã bị chính quyền VNCH bắt. Thời gian trước và sau năm 1960, chính phủ ông Ngô Đình Diệm truy quét hầu hết các phần tử Việt minh cộng sản cài lại miền Nam. Ông Ẩn đã trốn trong nhà cả tháng trời và sau đó nhờ mối quan hệ gia đình, bắt liên lạc được với bác sĩ Trần Kim Tuyến, lúc đó đang là giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị của chính phủ ông Diệm, tức là cơ quan mật vụ của chế độ, có trụ sở ngay trong dinh Độc Lập. Nhờ mới du học về báo chí ở Hoa Kỳ (Đại học Cộng đồng OCC và Fullerton) về, ông Phạm Xuân Ẩn được bác sĩ Tuyến bố trí phụ trách các ký giả nước ngoài làm việc cho Việt Nam Thông Tấn Xã. Nhờ vỏ bọc này và nhiệm vụ phù hợp, ông Ẩn dần dần xây dựng niềm tin và phát triển hoạt động, chuyển qua làm việc cho hãng thông tấn Reuters, nhật báo The Christian Science Monitor và rồi tuần san Time. "Nếu không có vỏ bọc đó và sự quen biết với Bác sĩ Tuyến thời Đệ nhứt và thân thiện thời Đệ nhị Cộng Hoà, Ông Ẩn khó mà trở thành một gián điệp như Hà nội đã đánh bóng.”

Nhưng sự thật, theo nhà báo Southerland quen biết và thân thiện với Ông Ẩn từ rất lâu "về một nghĩa nào đó Ông Ẩn ít nhất có thể cung cấp thông tin cho Hà Nội về một số việc, chẳng hạn như cách suy nghĩ, lý luận của người Mỹ. Đó là khả năng lớn nhất của ông Ẩn. Ông ta có thể cảm nhận sự thật. Nhiều người Việt Nam tôi biết, người miền Nam Việt Nam, rất thông minh, rất luận lý, thường cho là nước Mỹ rất hùng mạnh có thể làm tất cả mọi sự. Nếu Mỹ muốn chiến thắng thì họ đã có thể thắng ngay lập tức. Ông Ẩn lại có một cái nhìn rõ nét hơn về những điểm yếu của phía Hoa Kỳ, về hệ thống hoạt động, về mối tương quan kiểm tra chồng chéo nhưng hữu hiệu giữa Hành pháp và Lập pháp. Kiến thức đó dĩ nhiên là giúp ích Hà Nội rất nhiều, vốn không có chuyên viên đầy đủ kiến thức về đối phương như ông Ẩn." Theo Ông Southerland, chính sự thân thiện đã khiến Bác sĩ Trần kim Tuyến thời Đệ nhị Cộng Hoà dù không còn làm tình báo nhưng quảng giao trong chánh quyền, đã vô tình nói lại một số chiến lược của Mỹ thời Bác sĩ Tuyến còn làm trùm tình báo Việt Nam và giúp cho Ông Ẩn có thêm dữ kiện so sánh để phân tích và báo cáo tình hình cho Hà nội.

Theo Thông tấn xã Pháp AFP viết sau khi ông Ẩn chết 1 ngày, rằng sau khi Sàigòn rơi vào tay Cộng sản ngày 30 tháng năm 1975, Cộng sản Hà Nội thoạt tiên định đưa Ông tham gia cùng những nhân vật nằm vùng chưa bị lộ diện chạy sang Hoa Kỳ tỵ nạn để tiếp tục hoạt động gián điệp. Nhưng rồi họ nghi ngờ, đổi ý. Họ xét lại quan điểm, lập trường của Ông vì Ông làm gián điệp đơn tuyến cho họ, quá lâu ở Miền Nam trong lòng địch. Họ móc lại hồ sơ Ông đã góp phần giúp đỡ một số người như trường hợp ký giả Robert Sam Anson, đồng nghiệp ở tuần báo Time, bị Cộng sản bắt bên Kampuchia. Hà nội nghi là Ông Ẩn đã vận động để Mặt trận Giải phóng và phe Khmer Đỏ thả. Và trường hợp bác sĩ Trần Kim Tuyến, nguyên giám đốc Sở Nghiên cứu Chính trị thời đệ nhất Cộng hòa, Hà nội nghi là Ông Ẩn đã dàn xếp với nhà báo Mỹ để được rước đi ngày 29 tháng 4 năm 1975.
Rốt cuộc cộng sản Hà nội chỉ đưa những cán bộ tình báo khác mà chưa lộ diện theo các đợt di tản, vượt biên, ODP v.v... sang Mỹ để tiếp tục làm gián điệp.

Từ đó, Ông Ẩn coi như bị Cộng sản Hà nội thực sự "quản thúc tại gia" ở một biệt thự tại Quận 3. Ai thăm cũng phải có sự đồng ý của "tổ chức." Ông Ẩn không thể thoát ra ngoài "tổ chức" Cộng sản được dù đã thất vọng ê chề và bất mãn tột độ đối với chế độ Cộng sản Hà nội vì cảm thấy bị phản bội trắng trợn. Nhưng bên ngoài Cộng sản Hà nội đánh bóng Ông như một James Bond tại thế, một gián điệp toàn vẹn, báo cáo tình báo của Ông được Hồ Chí Minh và Tướng Võ Nguyên Giáp khen khi đọc như đang ở ngay trong Phòng Tình Hình Chiến tranh của Bộ Quốc Phòng Mỹ. Khi Cộng sản khen là coi chừng, sắp có tai họa lớn đó.

Trong cô đơn, thất vọng và bất mãn, Ông Ẩn chỉ còn một ít cơ hội hiếm hoi, liều mạng bộc lộ với một vài nhà báo Tây Phương bạn cũ được Cộng sản cho gặp với ý đồ dùng bài viết để kiểm soát tư tưởng Ông Ẩn hay đánh bóng cho ngành gián điệp của Cộng sản Hà nội. Trong những dịp hiếm hoi này, trong chỗ tín cẩn riêng tư với nhau (lương tâm con người và nhà báo chân chính không cho phép tiết lộ những gì được dặn giữ kín khi nguồn tin còn sống và có thể gây hại cho đương sự), nên một số tiết lộ về Ông Ẩn là những gì về thất vọng của Ông Ẩn chỉ nói phớt qua thôi và được giữ kín đến sau khi Ông Ẩn chết mới tiết lộ rõ ràng như vụ Bác sĩ Tuyến. Năm ngoái, ông Ẩn tâm tình với nhà báo Dan Southerland đến thăm Ông Ẩn hai lần mới được gặp. Rằng "Họ, tức những người ngoài Bắc vào tham nhũng tệ hại hơn nhiều lắm, ông vỡ mộng vì đã hỗ trợ họ hết sức mình, để rồi họ hành xử không xứng đáng khi chiến thắng."

Cũng trong thời gian năm ngoái, Ông Ẩn còn đắng cay hơn khi tâm sự với nhà báo của tờ New York Times ghi lại trong bài viết về ông Ẩn như một điệp viên trọn vẹn, trong một bài dài 10 ngàn chữ. Ông Ẩn nói đã đau đớn thấy lý tưởng suốt đời Ông theo đuổi bị phản bội. Ông "tự khẳng định là chưa thể chết được. Lý do: Không có chỗ nào giành cho ông cả. Địa ngục chỉ dành cho những tên bợm bãi, mà Việt Nam đang còn quá nhiều, nên chật chỗ rồi." Với một nhà báo Pháp cũng thân lâu đời với Ông Ẩn, Ông Ẩn cũng nói nội dung tương tự.

Sai lầm, hối hận, thất vọng, bất mãn và bất lực của Ông Ẩn đến chết không thoát được tổ chức Cộng sản là một bài học cho lớp trẻ Việt Nam có ăn học nhiều mà ít kinh nghiệm về Cộng sản. Xe trước đổ, xe sau phải tránh. Kể cũng có ích, lời khuyên của Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu, đừng nghe những gì Cộng sản nói mà hãy nhìn những gì Cộng sản làm. Ông Ẩn làm việc "bán mạng" cho Cộng sản Hà nội mà sau cùng vẫn ôm hận Cộng sản xuống âm ty. Huống hồ gì lớp trẻ ở Mỹ là những người mỏ trắng, bị Cộng sản chiêu dụ công khai bằng Nghị quyết 36 là thí dụ đường mật rẻ tiền, "ấn tượng" không đẹp là "khúc ruột ngàn dặm của quê hương." Trường hợp Phạm Xuân Ẩn đáng cho lớp trẻ ở hải ngoại có ăn học nhiều chuyên môn mà thiếu kinh nghiệm Cộng sản suy gẫm.
Có những người nổi tiếng trong cộng đồng mà lập trường quốc gia không vững vàng cũng bị cộng sản mua chuộc, cam tâm làm tay sai cho chúng. Mà đã dính vào cộng sản rồi thì khó lòng mà gỡ ra được, như trường hợp Phạm Xuân Ẩn nói trên.

Vi Anh

No comments:

Post a Comment