Nguyễn Châu
Tháng 10, năm 1988, cựu Ðại Ðức Thích Nguyên Tánh, thế danh là Phạm Công Thiện, đã viết một bài nhan đề "Hai Vị Thiền Sư" với nội dung tán tụng Lê Mạnh Thát và Tuệ Sĩ, đồng thời cũng để tự giới thiệu thân thế và sự nghiệp của bản thân Phạm Công Thiện (Ðại Ðức Thích Nguyên Tánh đã hoàn tục ngay sau 30-4-1975, và đang định cư tại Úc, con gái đầu của ông năm nay cũng trên 40 tuổi).
Phạm Công Thiện viết:
"Tôi được may mắn quen biết Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát khi hai vị này còn rất trẻ và còn dưới hai mươi tuổi. Bây giờ cả hai vị đã được 45 tuổi (cả hai đều sinh năm 1943).
"Lúc tôi quen biết hai vị thì hai vị hãy còn là những chú tiểu ở chùa; bây giờ thì hai vị đã trở thành hai vị Thiền sư lỗi lạc và lại cũng là Anh Hùng Dân Tộc của Lịch Sử Việt Nam hiện đại. Tại sao gọi là “Anh Hùng Dân Tộc" thì rất dễ nhận thấy (mà cụ thể nhất là cái án tử hình về tội "phản cách mạng và bạo động vũ khí lật đổ chế độ", vân vân).
"Nhưng tại sao gọi Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ là "hai vị Thiền sư lỗi lạc nhất, thông minh nhất, uyên bác nhất, trong sạch nhất của Việt nam hiện nay"?
"Thiền sư" à? Chỉ nội cái danh hiệu "thiền sư" đã là mệt rồi, lại còn thêm mấy chữ mơ hồ như "lỗi lạc nhất, thông minh nhất.."? Tôi muốn nói về Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát với tất cả thận trọng và suy nghĩ chín chắn cặn kẽ, và tôi xin chịu mọi trách nhiệm về cái nhìn khác thường của tôi đối với nhị vị.
"Tại sao là "thiền sư"? Và "thiền sư": Là thế nào?
Không cần trả lời trực tiếp về những câu hỏi bất thường này. Nơi đây, tôi chỉ xin nhấn mạnh đôi điều gián tiếp và ai muốn hiểu gì thì cứ hiểu. Không ai có thể tự nhận đủ thẩm quyền tôn giáo và tâm linh để trả lời dứt khoát những câu hỏi bất thường trên. Chỉ có những kẻ bỏ cả trọn đời mình lặng lẽ sống chết với cái gọi là "Bồ Ðề tâm" hay "Phát Bồ Ðề Tâm" thì may ra mới trực nhận đâu đó khí phách và thần dụng bảng lảng của "nghịch hành thiền".
"Mấy chữ "thiền sư" đã bị người ta lạm dụng để tự truy tặng một cách lố bịch hay truy tặng kẻ khác với nông nổi dễ dãi tự mãn phè phỡn nông cạn, nhất là từ lúc Thiền hay Zen trở thành cái mốt trí thức đốn mạt. Bất cứ người nào tỏ vẻ "kiêu ngạo khác thường" một chút là có những hành động cử chỉ "ngược đời trái đạo" một chút thì tự gán hay bị gán là "thiền sư”.
"Lê Mạnh Thát và Tuệ Sỹ không bao giờ tự nhận lời "thiền sư" và cũng không bao giờ nghĩ mình là cái gì cả trên mặt đất này. Hai người này chỉ là những kẻ lễ độ khiêm tốn một cách tự nhiên và không bao giờ biết giả vờ "hạ mình" với ý đồ kín đáo chà đạp lên trên kẻ khác.
"Có sống bên cạnh Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát từ ngày này qua ngày khác, trong những hoàn cảnh khác nhau, thì mới may ra cảm nhận đôi chút tác phong thiền sư kín đáo toát ra một cách tự nhiên và một cách "vô công dụng hạnh" từ đời sống thường nhật và tinh thần "diệu nhập" của hai vị. Tôi xin gọi hai vị này là "thiền sư" với tất cả đắn đo thận trọng và với tất cả ý nghĩa cao đẹp và "như thực" của một danh xưng "xung thiên chí"...
Giữa dòng thác lũ ào ạt và địa chấn thường trực của sinh mệnh, thế mệnh, và tính mệnh của quê hương, một sớm hôm nào đó, tôi đã được xô đẩy lặn hụp với Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát; tất cả ba anh em chúng tôi đều xuất thân từ Viện Phật Học miền Trung mà vị cha già của chúng tôi Hòa Thượng Trí Thủ (người đã bị Cộng sản Hà Nội thủ tiêu ngay lập tức sau khi Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị bắt giam vào ngày 1 tháng 4 năm 1984, vì "tội tán thành, ủng hộ, che chở, đùm bọc hành động phản cách mạng, lật đổ chế độ Cộng sản").(Ngưng trích).
Phạm Công Thiện (tuổi Tân Tị, 1941 - "Ngày Sinh của Rắn") viết bài này sau khi các Ðại Ðức Tuệ Sĩ, Lê Mạnh Thát và Ni sư Trí Hải bị nhà cầm quyền Hà Nội buộc tội "âm mưu lật đổ chính quyền". Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát bị kết án tử hình, Ni sư Trí Hải 20 năm tù giam.
Theo Phạm Công Thiện thì "Thực sự từ những năm 1966 cho đến 1970, Lê Mạnh Thát đang còn du học tại Hoa Kỳ, học ban tiến sĩ tại Viện Ðại Học Wisconsin, Madison, hình như mãi đến năm 1973 mới về Ðại Học Vạn Hạnh nhưng chúng tôi vẫn liên lạc với nhau thường xuyên, nhất là qua bài vở của tạp chí Tư Tưởng. Tuệ Sỹ và Lê Mạnh Thát đều sinh năm 1943 (Thát sinh quán tại Quảng Trị và Tuệ Sỹ thì nguyên quán tại Quảng Bình và ra đời ở Paksé tại Lào)."
Phạm Công Thiện chỉ nói từ năm 1966 đến 1970, Lê Mạnh Thát đang còn du học tại Hoa Kỳ, học ban tiến sĩ, mà không cho biết là học Tiến sĩ ngành nào.
Viện Ðại Học Wisconsin - Madison là một Viện Ðại Học danh tiếng của Hoa Kỳ, có rất nhiều người xuất thân từ Ðại Học này được giải Nobel. Tôi đã tìm vào danh sách các Tiến sĩ (Ph.D.) của Viện Ðại Học Wisconsin - Madison, nhưng không thấy tên Lê Mạnh Thát và cũng chẳng thấy tên của Luận án tiến sĩ (tức là đề tài nghiên cứu) của Lê Mạnh Thát. Thế mà nhà báo Hoàng Hải Vân của báo Thanh Niên (trong nước) đã viết:
"Thượng Tọa Thích Trí Siêu là một nhà tu hành xuất gia từ bé, ông không chỉ là một thiền sư, mà còn là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Ðức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ...), ông còn là một người Việt Nam "nguyên chất" với tất cả lòng tự trọng tự hào về dân tộc mình, thể hiện một cách lạ lùng ngoạn mục ở tất cả các công trình khoa học của ông. Với những khám phá của ông, chúng ta có đủ tư liệu để dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước...
"Là một nhà tu hành xuất gia từ bé, nhưng Thượng Tọa Thích Trí Siêu (tức giáo sư tiến sĩ Lê Mạnh Thát) vẫn để tóc. Thú thật là quá tò mò về chuyện đó, tôi mạnh dạn hỏi ông vì sao như vậy. Ông cười phá lên, chỉ vào bức ảnh Ðức Bồ Ðề Ðạt Ma: "Ông ấy có cạo đầu đâu! Tôi còn thua ông ấy một bộ râu". Tôi ngộ ra rất nhiều điều trong tiếng cười của ông.
"Tôi đã gặp ông nhiều lần, trước hết là để viết bài về Ðại lễ Phật Ðản Liên Hiệp Quốc (VESAK) được tổ chức tại Việt Nam sắp tới mà ông là Chủ Tịch Ủy ban Quốc tế (IOC) đồng thời là Tổng thư ký Ủy ban điều phối quốc gia Ðại lễ này. Tôi cũng đã đọc nhiều sách ông viết. Nhưng với trình độ nông cạn của tôi, hiểu về con người cùng sở học mênh mông vi diệu của vị cao tăng này thật không dễ chút nào."
Những lời tâng bốc mê muội (nếu không muốn nói là ngu dốt) của nhà báo Hoàng Hải Vân trên báo Thanh Niên đã làm cho giới học giả và nhiều nhà nghiên cứu tại Việt Nam nhẩy thót lên. Nhất là khi cái anh nhà báo "với trình độ nông cạn" này bị lóa mắt trước cái mà anh ta gọi là "sở học mênh mông vi diệu của vị cao tăng" Lê Mạnh Thát trong tham vọng "dựng lại lịch sử vẻ vang của dân tộc ta từ hai ngàn năm trước."
Qua loạt bài báo tâng bốc Lê Mạnh Thát, cái dốt của Hoàng Hải Vân (báo Thanh Niên) đã lòi hết ra và "thói nói trạng"- một bẩm tính của phong thủy Quảng Trị - nơi Lê Mạnh Thát sinh, cũng lộ nguyên hình.
Trước hết là cái dốt của nhà báo Hoàng Hải Vân về hệ thống bằng cấp. Hoàng Hải Vân viết "ông không chỉ là một thiền sư, mà còn là nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ, thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Ðức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ...).
- Nhà khoa học có nhiều bằng tiến sĩ. Theo cách nói này thì quả thật là Hoàng Hải Vân mù tịt, không biết tiến sĩ là cái bằng gì, làm thế nào để có được. Ông Lê Mạnh Thát "có nhiều bằng tiến sĩ". Thử hỏi: nhiều là bao nhiêu? Tiến sĩ là một học vị được các trường Ðại Học cấp cho những sinh viên, những nhà nghiên cứu đã bảo vệ thành công luận án của mình trước Hội Ðồng Giám Khảo. Hầu hết các luận án tiến sĩ đúng nghĩa đều phải đưa ra một khám phá hoặc một phát minh mới về khoa học, văn chương, hoặc triết lý. Không có khám phá mới thì không thể gọi là luận án tiến sĩ. Trường hợp Lê Mạnh Thát, có lẽ ông đã có bằng Master. Vào thập niên 1970, tại Việt Nam khi có nhiều người xuất thân từ hệ thống giáo dục Hoa Kỳ về nước, Bộ Giáo Dục đã đề nghị xem bằng Master của Mỹ tương đương với bằng Tiến sĩ (Docteur -Doctorat trong hệ thống giáo dục Pháp). Có lẽ vì đó mà người ta tôn Lê Mạnh Thát là tiến sĩ, chứ thực sự Lê Mạnh Thát chưa có bằng Ph. D. (Philosophy Doctor) của Mỹ. Thông thường, sau khi trình luận án tiến sĩ và được chấm đậu, luận án này được in ra và lưu trữ ở thư khố Ðại Học, nhiều tiến sĩ đã in luận án của mình thành sách. Ðiều này không xẩy ra đối với Lê Mạnh Thát. Ông Thát không thể có nhiều bằng tiến sĩ như Hoàng Hải Vân đã tâng bốc.
- Ông Lê Mạnh Thát "thông thạo hơn 15 ngôn ngữ (Anh, Pháp, Nga, Ðức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ...)” lời tâng bốc này thì thật là ghê gớm nó có thể làm cho người nghe "ngất xỉu", nhưng ông Hoàng Hải Vân lại không kể ra đủ 15 ngôn ngữ, chứ đừng nói là hơn.
Ðây cũng là kiểu ca ngợi Hồ Chí Minh "Bác Hồ biết bảy thứ tiếng" bởi vì "Bác"từng đi làm bồi, làm tay sai cho cộng sản Ðệ Tam quốc tế khắp thế giới, đến đâu cũng có một "nữ gia sư" cận kề dạy cho. Còn Lê Mạnh Thát thì ăn cơm chùa, ngủ nhà chùa, nên có thời suốt ngày đêm đọc sách chữ Tàu, sách chữ Phạn... "Anh, Pháp, Nga, Ðức, Nhật, Trung Quốc, Ấn Ðộ, Do Thái, Hy Lạp, Ả Rập, Tây Tạng, chữ Phạn, chữ Hán cổ... (theo Hoàng Hải Vân) chỉ thiếu ngôn ngữ Lào, Khờ-Me, Chăm-Pa!
Thứ hai, là cái dốt của Hoàng Hải Vân về "Công trình khoa học". Một công trình khoa học đích thực thường khởi đi từ "giả thuyết" (hypothèse - hypothesis) qua "thí nghiệm kiểm chứng" (Expérience - vérification) đến kết luận. Nhưng Hoàng Hải Vân đã xem những suy diễn Lê Mạnh Thát về thời "huyền sử" của Việt Nam, những suy đoán chưa được kiểm chứng một cách có phương pháp như là "tư liệu để dựng lại lịch sử".
Thứ ba, nhà báo Hoàng Hải Vân cũng đã cho thấy sự yếu kém của ông trong nghiệp vụ thông tin: Chính ông phải biết rõ rằng "Thượng Tọa Thích Trí Siêu đã hoàn tục", nay chỉ còn là Lê Mạnh Thát, một người không bình thường như mọi người: Thượng Tọa Thích Trí Siêu không có cái đầu trọc như các thầy tu Phật khác! Do đó, dù nhà báo Hoàng Hải Vân được chỉ đạo của Ðảng Cộng sản đến gặp Lê Mạnh Thát để viết bài bốc ông ta lên mây, nhằm mục đích mà mắt thiên hạ, thì thiết nghĩ Hoàng Hải Vân cũng nên giữ lại một chút lương tri, chứ sao mà táng tận như vậy. Cách Hoàng Hải Vân ca tụng Lê Mạnh Thát giống hệt như Ðảng ca ngợi Bác "suốt đời vì lo việc nước mà không có thời giờ lập gia đình" (tuy Bác vẫn sống "độc thân" với hơn mười bà vợ đủ mọi quốc tịch, vừa có hôn thú vừa già nhân nghĩa non vợ chồng mà cả thế giới đều biết.)
Trở lại với Lê Mạnh Thát. Nhà báo Hoàng Hải Vân đã kể lại sự "đốn ngộ" của ông khi tò mò hỏi về chuyện “đầu Thượng Tọa Thích Trí Siêu" Lê Mạnh Thát "vẫn để tóc".
"Thú thật là quá tò mò về chuyện đó, tôi mạnh dạn hỏi ông vì sao như vậy. Ông cười phá lên, chỉ vào bức ảnh Ðức Bồ Ðề Ðạt Ma: "Ông ấy có cạo đầu đâu! Tôi còn thua ông ấy một bộ râu". Tôi ngộ ra rất nhiều điều trong tiếng cười của ông."
Như thế là trong phòng Lê Mạnh Thát có bức ảnh Bồ Ðề Ðạt Ma. Lê Mạnh Thát lấy hình tượng Bồ Ðề Ðạt Ma để biện minh cho sự vi phạm "giáo luật tu trì" của bản thân. Hoàng Hải Vân khoe là "Tôi ngộ ra nhiều điều trong tiếng cười của ông". Thực ra, Hoàng Hải Vân chỉ ngụy tín mà thôi. Bởi vì, chính Lê Mạnh Thát được xem là đã tu trì khoảng 50 năm, nhưng chưa chứng được một quả vị nào, thì đã hoàn tục vì vọng nghiệp.
Ðến đây, tưởng có thể nhắc lại nhận định của Phạm Công Thiện về ý niệm và danh xưng "Thiền sư" để nhà báo Hoàng Hải Vân mở mắt, mở lòng, đừng mê muội nữa!
"Mấy chữ "thiền sư" đã bị người ta lạm dụng để tự truy tặng một cách lố bịch hay truy tặng kẻ khác với nông nổi dễ dãi tự mãn phè phỡn nông cạn, nhất là từ lúc Thiền hay Zen trở thành cái mốt trí thức đốn mạt. Bất cứ người nào tỏ vẻ "kiêu ngạo khác thường" một chút là có những hành động cử chỉ "ngược đời trái đạo" một chút thì tự gán hay bị gán là "thiền sư”.
"Thiền sư" mà còn chấp tướng
Lê Mạnh Thát còn treo hình Bồ Ðề Ðạt Ma rất lớn trên tường, nhiều tượng Phật trên bàn làm việc. Ðiều này cho thấy trong tâm Lê Mạnh Thát chưa có Phật, Bồ Ðề Ðạt Ma cũng chỉ là vọng tưởng mà thôi. "Ông ấy có cạo đầu đâu! Tôi còn thua ông ấy một bộ râu!"
Ôi! Ðây là tư tưởng (hay tư duy) của một người tu hành hay của một phàm nhân? So sánh để biện minh cho bản ngã của mình, rồi từ "chấp ngã", Lê Mạnh Thát nghĩ đến chuyện hơn thua "bộ râu". Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma) là Tổ sư thứ 28 của Thiền Tông (Zen Shu) bên Trung Hoa thế kỷ thứ 6. Hạnh nguyện và phương pháp tu trì của phái Thiền này là "Tham thiền để thấy Phật nơi ta. Kiến Phật nơi mình là đắc đạo." Nghe nói rằng "Thuở ấy, đức Thế Tôn ở trong núi Kỳ Xà Quật. Ðức vua thời Ðại Phạm Thiên có cúng dường cho Ngài một cái hoa sen vàng (kim liên) và cầu Ngài thuyết pháp. Ðức Phật Thế Tôn cầm hoa sen lộn vòng qua các ngón tay, không nói một lời nào cả. Bấy giờ hầu hết đạo chúng đi theo Ngài, không ai hiểu được sự im lặng ấy có ý nghĩa gì, chỉ có ông Ca Diếp mỉm cười. Ðức Thế Tôn liền nói với ông Ca Diếp rằng: "Ta có cái tư tưởng hay và lạ về Niết Bàn, cái chìa khóa của Chánh Pháp muốn truyền cho ngươi."
Sự im lặng đó là đặc trưng của Thiền Tông: các hành giả (người cùng tu) hiểu được nhau bằng tương truyền tư tưởng, ý hội chứ không ngôn ngữ. Pháp này được Ca Diếp (Kacyapa) truyền lại cho A Nan rồi Thương Na Hoa Tu cho đến Bồ Ðề Ðạt Ma là Tổ sư thứ 28. Sau 60 năm đi thuyết pháp từ Thiên Trúc đến Trung Hoa, Bồ Ðề Ðạt Ma đã đi vào Tung Sơn, trú tại chùa Thiếu Lâm. Ngài ngồi quay mặt vào vách mà tham thiền trong vòng 9 năm và viên tịch năm 529.
Lê Mạnh Thát tôn thờ Bồ Ðề Ðạt Ma để tu theo hạnh nguyện của vị sư này. Lê Mạnh Thát nói là "ông chỉ còn thua Bồ Ðề Ðạt Ma một bộ râu". Xin mách bảo cho ông Lê Mạnh Thát một kế để có thể bằng ông Ðạt Ma trong một thời gian ngắn: đó là mua thuốc mọc tóc, mọc râu, xức đâu mọc đó, đang được quảng cáo rầm rộ khắp nơi, giá cả phải chăng, công năng diệu dụng!
Thực ra, Lê Mạnh Thát hơn Bồ Ðề Ðạt Ma nhiều lắm. Tháng 9, năm 520, Bồ Ðề Ðạt Ma đến thành Kiến Khương, kinh đô của Lương Võ Ðế. Võ Ðế có tiếng là mộ đạo, nhưng căn cơ thấp kém, lại có tâm ác, nên Ðạt Ma không truyền được pháp Tâm ấn và Thiền Ðịnh, phải rời khỏi nước của Lương Võ Ðế.
Trong lúc, Lê Mạnh Thát, sau khi được Cộng sản ân xá khỏi án tử hình và các thứ án khác, ông đã thức thời hoàn tục, và đến ngày 10 tháng 11 năm 2007, Lê Mạnh Thát đã được báo chí Cộng sản Việt Nam tôn lên làm Chủ Tịch Ủy Ban Tổ Chức Ðại Lễ Phật Ðản Liên Hiệp Quốc "VESAK" tại Việt Nam, đồng thời là Tổng Thư Ký Ủy Ban Ðiều Phối Quốc gia của đại lễ này.
Tuy biết Lê Mạnh Thát đã hoàn tục, đang sống đời một cư sĩ, nhưng Cộng sản Việt Nam vẫn cố lập lờ đánh lận thế giới với cái "tít lớn" trên báo "Thượng Tọa Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát". Tinh thần "vô liêm sỉ" và "vô úy" (không sợ ai) đã thúc giục Lê Mạnh Thát hăng hái nhận luôn, không một chút do dự. Thượng Tọa Thích Hoàn Tục Lê Mạnh Thát đã họp báo và lấy làm vinh dự lắm với cái chức "Ai-Âu-Xi (IOC) cho nên không còn biết chính tà gì nữa.
Nhà cầm quyền Hà Nội đã sử dụng công cụ Lê Mạnh Thát để phá hoại nền nếp sinh hoạt của Phật giáo chính thống. Thay vì mời một vị tăng đạo cao đức trọng đứng ra chủ trì và chứng minh Ðại Lễ Phật Ðản Quốc Tế, Hà Nội đã chọn một tu sĩ đã hoàn tục và phong cho một giáo phẩm kỳ cục "Thượng Tọa Giáo Sư Tiến Sĩ Lê Mạnh Thát".
Một thượng tọa không có Pháp danh, nhưng lại có nhiều tham vọng thế tục, được nhà cầm quyền Hà Nội nhử miếng mồi "xây dựng đại học Khuôn Việt" tại Sài Gòn trị giá 40 triệu Mỹ kim, mà cái chức Viện Trưởng thì Lê Mạnh Thát tưởng như đã nắm chắc trong tay. Do đó, Lê Mạnh Thát mở miệng ra là nhắc tới chính quyền, ca tụng Nhà Nước, nịnh bợ Hồ Chí Minh.
Lê Mạnh Thát nói với báo Thanh Niên "Sau ngày độc lập, cụ Hồ Chí Minh rất chính xác khi lấy tên Hùng Vương đặt cho con đường chính giữa thủ đô, ngang qua Hội trường Ba Ðình, đó là điều hết sức có ý nghĩa."
Cựu tử tù về tội âm mưu lật đổ chế độ Cộng sản, Lê Mạnh Thát đã thành một tên nịnh thần. Vừa nịnh cộng sản vừa nói sảng "Giữa lúc người Mỹ tuyên bố đưa Việt Nam vào thời đại đồ đá, thì Việt Nam lại có một cuộc khảo sát lớn về thời đại Hùng Vương do chính Thủ Tướng Phạm Văn Ðồng chỉ đạo. Giữa cuộc kháng chiến chống Mỹ, chúng ta đã thực hiện 4 tập sách về thời đại Hùng Vương. Ðó là một cuộc nghiên cứu nghiêm túc nhất từ trước tới nay..." (nguyên văn).
Nhân được làm chủ tịch Ủy Ban Tổ Chức Ðại Lễ Phật Ðản Liên Hiệp Quốc "VESAK", Lê Mạnh Thát đã "thừa thắng xông lên" đả phá các nhà viết sử Việt Nam từ xưa tới nay, đòi viết lại lịch sử theo cuốn sách có tên là "Lục Ðộ tập kinh" mà ông ta cho là một nguồn tài liệu cơ bản để tìm hiểu lịch sử dân tộc Việt Nam. Lê Mạnh Thát đã tự cho mình là uyên bác lỗi lạc nhất. Khi được Hoàng Hải Vận bốc: "Nói như vậy có nghĩa là để đối chiếu chỉ hai chữ "trung tâm" thầy đã phải đọc hết tất cả của Trung Quốc trong 3 thế kỷ?" Lê Mạnh Thát đáp ngay "Ðúng vậy. Không đọc hết thì làm sao mà khảo sát, đối chiếu được!"
Cuốn "Lục Ðộ Tập Kinh" mà Lê Mạnh Thát đã đọc và xem như bửu bối của sự nghiệp nghiên cứu của ông, viết bằng chữ Hán. Nhưng ông Lê Mạnh Thát nói "căn cứ vào những "tàn dư" của ngữ vựng, ngữ pháp và cú pháp tiếng Việt, chỉ có thể giải thích là tập kinh đó đã được dịch ra chữ Hán từ một nguyên bản tiếng Việt."
Ðây là một hoang tưởng, tương tự như tại Mỹ hiện nay có một số người đang tìm cách chứng minh là Việt Nam đã có chữ viết, có văn tự từ ngàn xưa, và ngôn ngữ Việt là khởi đầu của ngôn ngữ nhân loại. Có người đã đưa ra "bằng chứng" là Chúa Jesus đã nói tiếng Việt khi bị đóng đinh trên Thập Tự giá! (Bác sĩ Nguyễn Xuân Quang).
Căn cứ vào “Lục Ðộ Tập Kinh”, Lê Mạnh Thát đưa ra nhiều luận chứng thiếu nền tảng khoa học về lịch sử, nhưng lại tự cho là duy nhất đúng, còn tất cả tài liệu khác đều sai. Lê Mạnh Thát đã nói về sử gia Ngô Sĩ Liên như sau:
"Bộ Việt luật còn đó. Bài Việt ca còn đó. Truyện trăm trứng còn đó... Thế mà cứ nhắm mắt nói càn nước ta thành ra nước văn hiến từ Sỹ Vương. Thật khốn nạn hết chỗ nói!"
Ông Lê Quý Ðôn và những bài thơ sưu tập trong Kiến Văn tiểu lục, Lê Mạnh Thát tìm thấy một vài bài không đúng tên tác giả, và đã nói với Hoàng Hải Vân rằng "Ông Lê Quý Ðôn mà cũng lôi thôi quá!".
Qua những hành trạng và ngôn ngữ trên đây, chúng sanh tính của Lê Mạnh Thát đã lộ rõ ra hết. Cái ngã mạn trong Lê Mạnh Thát đã biến ông thành một kẻ cuồng ngôn, loạn ngữ đối với tất cả mọi người, trừ nhà báo Hoàng Hải Vân, môn đồ mê muội của ông và chính quyền Cộng sản mà ông đang tôn thờ.
Lê Mạnh Thát đọc và nghiên cứu Lục Ðộ Tập Kinh, nhưng lại quên câu "Nhất niệm tâm sân khởi bát vạn chướng môn khai", thì thật rất nguy hiểm cho một con người ở tuổi gần "thất thập" mà vẫn con bị "huyễn hoặc" bởi "hư danh".
Kinh "Tứ Thập Nhị Chương" - Tu Lục Ðộ Hạnh, Phật nói "Người tùy theo thế tình, tham cầu danh vọng. Khi được công danh hiển đạt, thì thân thể đã già yếu. Kẻ tham danh lợi ở đời, không hiểu thấu đạo, chỉ uổng công nhọc xác. Ví như cây hương đốt, khi được người ta ngửi thấy mùi thơm, thì thân hương đã hóa thành tro bụi, vì lửa lung đốt cháy liền thân hương vậy."
Ðại Lễ Phật Ðản VESAK đã xong. Môn đồ mê muội Hoàng Hải Vân đã bốc Lê Mạnh Thát lên tận đỉnh mây làm cho nhiều người bất bình, bất phục, bất mãn, nhất là khi nghe Lê Mạnh Thát thóa mạ các tiền nhân quá vãng. Báo chí cộng sản đã bắt đầu phản ứng. Thiết nghĩ, Lê Mạnh Thát cũng nên tụng lại phẩm Lục Ðộ Hạnh trên đây để cầu sám hối trước khi quá muộn. Chúng sanh sở tại chư vọng nghiệp, giai do vô thỉ tham sân, si.
Mục Kiền Liên, đệ nhất Thần Thông vì đã ỷ vào phép thần thông mà vong mạng. Mê, Ngộ cách nhau một niệm.
Nguyễn Châu
No comments:
Post a Comment