Friday, October 17, 2008

Phan Nhật Nam liên hệ với việt-gian Đỗ Ngọc Yến (tập-đoàn báo Người Việt) từ bao giờ?

Hình cố chủ nhiệm nhật báo Người Việt Đỗ Ngọc Yến chủ toạ buổi họp với việt-gian cộng sản Nguyễn Tấn Dũng - khi đó Dũng là phó thủ tướng vgcs đặc trách kinh tế

Luật sư Đỗ Phủ của đài truyền hình SBTN đã có một cuộc phỏng vấn ông Phan Huy Đạt và cô Đỗ Bảo Anh (con gái của ông Đỗ Ngọc Yến) về sự kiện bức hình của ông Đỗ Ngọc Yến chủ tọa buổi họp với Nguyễn Tấn Dũng và cuộc biểu tình đang diễn ra phản đối tờ Người Việt trong những ngày qua. Chúng tôi xin mạn phép đài truyền hình SBTN để phát lại đoạn Video này.

NB Đỗ Ngọc Yến: Người bạn tới với nụ cười

Phan Nhật Nam

Trong tháng, năm biệt giam dài lâu ở những căn hầm tối nơi đất Bắc, tôi có đủ thời giờ, năng lực vật chất, tinh thần (qua một thế sống cách biệt: Không Nói-Không Nghe-Không Làm) để nhớ lại, tự tìm hiểu, giải thích về người, sự việc (tại sao) đã xẩy ra từ một thuở rất lâu, ngày còn ấu, thiếu.. Để cuối cùng (phải đến như một điều tất nhiên), giúp dần hiểu ra - Tất cả được xếp đặt, điều khiển từ một Lý và Lực siêu nhiên rất cụ thể mà cũng vô vàn kỳ diệu – Trong diễn tiến tính trạng ấy, Mỗi Người Bạn giữ một vai trò rất tích cực không thể thay thế. Đỗ Ngọc Yến - Đôi Kính - Nụ Cười là “Một Hình Tượng Thông Tin” hiện rất rõ.

Một, 1970 .. Tôi phải ở trong tình cảnh “Ngày nằm võng ngủ.. Đêm đi phục kích”, một cách tệ hại bất đắc dĩ, vì bị buộc phải rời bỏ đơn vị tác chiến nhảy dù, chuyển qua nhận công việc tại cơ quan quân sự thị xã, thành phố tỉnh lẻ, Tiểu Khu Phước Tuy; tiếp “chức vụ” Đồn Trưởng Điạ Phương Quân, Nghĩa Quân Tân Bữu, Chợ Đệm, Long An. Đêm đêm vác hai máy truyền tin, hai anh lính, nhét cây súng colt vào thắt lưng đi phục kích cộng sản để xây dựng nông thôn! Thế nên, tôi phải gắng bứt thoát ra khỏi vị thế chật chội nầy, và phải trở lại trú ẩn nơi Sàigòn với những vụn vặt bình bình, thụ động, vây quanh, chụp xuống. Quả thật chịu không nổi. Một buổi sáng, gặp nhau nơi đường Võ Tánh, không thấy tôi mở lời bông đùa như bình thường. Yến cười cười nói nhỏ, thúc dục: “Ông viết cái gì đi. Theo tôi lên trên nầy gặp Chu Tử.” Yến đưa tôi lên lầu nhà in Nguyễn Bá Tòng. Chu Tử đứng giữa những máy in đang chạy những cuộn giấy lớn. Ông Chu nói nhanh, tin cậy ngay từ bắt tay đầu tiên: “Cậu viết đi, xong đưa cho anh Yến.” Yến đang là Thư Ký Tòa Soạn của Sóng Thần – Hậu thân của Báo Sống sau lần ông Chu bị oán nghiệp báo chí thanh toán với viên đạn xuyên qua cổ họng.

Kể từ thúc dục như trên, đêm đêm, nơi căn phòng 9C Building Cửu Long, Đường Hai Bà Trưng, nhìn xuống Sài Gòn yên ngủ dậy mùi thơm từ những khối cây lá xanh thẫm nơi khu Đường Duy Tân; xa hơn, nóc Nhà Thờ Đức Bà đơn độc nhô lên trên bầu trời tĩnh mịch lấp lánh những ngôi sao xanh nhỏ. Trong không gian rì rầm âm động đều nhịp của Nhà Máy Nước trước Hồ Con Rùa, tôi có được cảnh giới bình an để trình bày ra trên trang báo Sóng Thần những Bữa Cơm Trên Lưng (1) tình cảnh, phận nghiệp tang thương của người sống trong lửa đạn mà cuốn sách đầu tay, Dấu Binh Lửa (2) dẫu đã viết thật lòng vẫn chưa đủ. Chưa nói cho hết tận cùng nỗi tân toan, khó nhọc của dân và lính trong chiến tranh. Thế nên, trong bình an có được của hôm ấy, mỗi lần đưa bài viết đến Yến, tôi luôn lập lại lời: “Được viết là một điều vui, thêm có tiền lai rai. Lại có được lúc bình an. Cám ơn bác lắm lắm.” Tôi nghĩ Yến hẳn hiểu tại sao tôi nói lên lời thâm tạ, nhưng anh thường che dấu phần cảm thông nầy dưới nụ cười thân mật với cách vui đùa: “Nầy, nhớ nhá, tôi đã là ủy viên trung ương của Hội Hướng Đạo, anh chỉ mới là thiếu sinh chưa lên tráng.” Yến luôn giữ sự chừng mực như cách xử thế “Đạm thủy chi giao” mà người xưa hằng tôn trọng để giao tình giữa những người bạn luôn được duy trì. Không nồng nhiệt quá, không quá gần gũi để có thể sinh ra đụng chạm. Bởi chung gây nên đụng.

Yến không phải là “Bạn Thân” theo nghĩa thông thường. Tôi thân với những “ông” khác hơn - Những anh chàng lính tráng, giang hồ với chai rượu, tiếng cười lớn quanh bàn nhậu sôi nổi, ồn ào. Nhưng quả thật Yến cho anh phần yên ổn như khi anh đi với Lê Chí Thảo, gã bạn thời niên thiếu từ ngày rong chơi ở Đà Nẵng, Huế, kể cả hôm nay nơi đất Mỹ ki cả hai đã qua tuổi 60. Một điều nghịch lý thường xẩy ra: Anh chỉ tìm tới những người bạn nầy trong những lúc khó khăn, phiền nhiễu. Tình cảnh bình yên vừa kể ra nhận rất rõ mỗi khi anh ngồi sau chiếc Suzuki màu đỏ của Yến cột chiếc cặp ở bình xăng.. “Bác đi cái xe vớiø cái cặp nầy cứ như là mấy ông đi thâu tiền điện.” Nó chạy từ từ ấáy thế mà được việc. Yến chậm rãi đáp lại sự châm chọc với nụ cười “không biết ông ấy đang tính toán những gì”. Và quả thật, Yến làm được nhiều chuyện với bề ngoài tỉnh lặng của anh. Yến đã làm được rất nhiều chuyện hơn người một cách bình thường.

Đỗ Ngọc Yến là khuôn mặt bình tĩnh, ôn hòa sau hàng ghế Chủ Tịch Đoàn Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn với những người năng nổ bộc lộ ra bên ngoài, lên phía trước. Nguyễn Hữu Bôi, Nguyễn Trọng Nho. Đỗ lặng lẽ theo dõi, ghi chép đầy đủ, chính xác về những cuộc họp bốc lửa với cách trình bày sắc xảo, mạnh mẽ của Nguyễn Hữu Doãn, Tôn Thất Tuệ. Nhưng sau những biến động chính trị, xã hội với phong trào sinh viên làm hạt nhân kéo dài trong những năm 1963, 64, 65. Những khuôn mặt tranh đấu tuổi trẻ nổi bật điển hình kể trên dần vắng bóng trên diễn trường, chỉ riêng Đỗ Ngọc Yến vẫn tiếp tục hiện diện với cách bình thản, tự tin. Chỉ trừ khi nào ông ấy cất cái kính và cười tươi mới “biết”ra ông ấy như thế nào.” Ngô Vương Toại, Ban Đại Diện Văn Khoa đã một lần nói lên nhận xét. Và tôi đã đồng ý với Toại qua xác nhận: “Tóm lại, chỉ nên chơi với ông Yến khi ông ta cười mà thôi.” Tôi chưa hề thấy Yến “đặt vấn đề” với ai trong tháng năm dài tiếp xúc với rất nhiều hạng người (những người khác biệt nhau về cá tính, khả năng, môi trường sinh hoạt); cũng không ai có tiếng nói phản kích đối với Anh. Đỗ Ngọc Yến quả có một khả năng dàn xếp cao độ đáng nể phục. Nhưng Anh không hề là người thoả hiệp vô nguyên tắc. Tên Rừng Hướng Đạo “Nai Lý Luận” hiện thựïc chính xác phong cách của Đỗ Ngọc Yến - Đấy là một bản tính ôn hòa. Rất Ôn Hòa - Tuy nhiên luôn giữ nguyên vẹn Tính Lý Luận.

Rời Sóng Thần vì những dàn xếp, tranh chấp trong nội bộ tòa báo (Sự kiện có thật, nhưng Yến không bao giờ nói ra dưới bất cứ hình thức nào, với bất kỳ ai (kể cả những người thân cận, liên hệ trực tiếp với tờ báo như Chu Tử, Đằng Giao (Rễ ông Chu, Tổng Thơ Ký Sóng Thần, bạn thân của Yến) – Làng báo hải ngoại hôm nay hình như không mấy ai áp dụng biện pháp mã thượng hào hiệp nầy), Đỗ Ngọc Yến sang làm cho Báo Đại Dân Tộc nơi có một nhân vật nổi danh là người “Kỳ thị Nam-Bắc Kỳ”, Chủ Nhiệm Võ Long Triều. Nhưng chính tại toà soạn đường Gia Long, họ Võ đã nhiều lần lớn tiếng xác nhận: “Các thầy lo bài vở, chữ nghĩa với nhau. Tôi có chuyện khác.” Một trong những “thầy” được Chủ Nhiệm Võ tin cậy nhất: Ký Giả Mai Phương, Đỗ Ngọc Yến. Cũng là Công Cán Uûy Viên của Bộ Trưởng Thanh Niên Võ Long Triều. Điều nầy giúp tôi phần tin tưởng và tin đúng: Tính “kỳ thị” nếu có, cũng chỉ xẩy ra nơi những cá nhân “không mấy bản lãnh”- Kẻ Sĩ, Chiến Sĩ thuần thành đởm lược không hề vướng phải tiểu tâm vụn vặt nầy - Tư Lệnh Đỗ Cao Trí luôn cần sự trợ lực của Tham Mưu Trưởng Nguyễn Văn Hiếu - Một vị tướng thuần chất Kẻ Sĩ Đất Bắc với nhân cách sáng ngời cao trọng. Cũng với Tướng Quân Nguyễn Văn Hiếu, Người Thầy Tiết Tháo, Cương Trực của Miền Nam Trần Văn Hương đã giao hết trọng trách của gánh nặng điều tra Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội – Hệ thống siêu tài chánh-kỹ nghệ xây dựng từ đồng tiền máu của Quân Lực Việt Nam Cộng Hoà. Người Thầy Trần Văn Hương cũng chỉ truy cứu vụ án tham những Quỹ Tiết Kiệm do từ khởi đầu của hai viên sĩ quan hảo thủ “Bắc Kỳ” bắn phát pháo hiệu trên Báo Diều Hâu. Hai sĩ quan (gốc người miền Bắc) tên gọi Nguyễn Đạt Thịnh, Phạm Huấn nếu không có sự bảo chứng của Phó Tổng Thống Trần Văn Hương khó mà thực hiện lần “Đội Đá Vá Trời” công khai tuyên chiến với hệ thống tham nhũng quân đội. Cũng cả chính quyền Miền Nam.

Năm 1972, chiến trận nổ ra khắp Miền Nam, từ Quảng Trị, lên Tây Nguyên, An Lộc, Bình Long. Biết tôi là người chuyên viết tường trình chiến trận với xác tín cao, Chủ Nhiệm Võ nhắn đến tòa báo qua Yến. Nhưng Bạn đã giải quyết trước: “Tôi đưa anh đến chơi theo lời ông ấy, nhưng anh cứ viết cho bên Sóng Thần”, Yến đã tránh được cho tôi sự khó khăn (phải chọn lựa) ngay từ đầu, nhưng lại rất khôn khéo khai triễn những điều thuận lợi để hai bên không ai phải chịu thiệt thòi, đụng chạm.. Ngày 4 tháng 3, 1973 tôi là “Người Nam Hà đầu tiên đi Hà Nội” (Cách gọi của Yến, bởi Phạm Huấn, Dương Phục là hai “ông Bắc Kỳ), bài báo và hình ảnh Hà Nội (do tôi chụp) được đăng lên trang nhất, người Sài Gòn, cả Miền Nam chờ đợi mỗi buổi chiều nơi các sạp báo. Sóng Thần và Đại Dân tộc dẫn đầu số lượng phát hành vượt rất xa so với Chính Luận, những báo đang ăn khách.. “Anh viết cho bên Sóng Thần với “Đi Bắc-Về Nam”; tôi đi ở Đại Dân Tộc loạt bài về “Người Nam Hà.” Hoá ra, Yến đã phân công rất chính xác, và tôi “cứ thế mà làm..” để ai cũng được vui. Tôi không hiểu ra điều nầy nếu sau đó không có vụ viết kịch bản cho người Pháp quay phim. Nhà ông Chu Tử, 104 Công Lý, Sài Gòn là nơi tập họp của nhiều người, nhiều giới, cũng nhiều mục đích. Gặp Đằng Giao để nói về tranh ảnh, làm bìa sách, làm báo; gặp ông Chu để bàn về cơ sở văn hóa-chính trị.. Và cũng bày ra bàn xì-phé với những ông đỏ đen chuyên nghiệp; mạt-chược với những “tay xoa” tài tử. Tôi đến đó, hôm ấy để tham dự vào một “projet”: Viết truyện phim về chiến tranh Việt Nam sẽ được một hãng phim Pháp thực hiện. Hai ông Trần Lê Nguyễn, Hoàng Anh Tuấn phụ trách kịch bản, đạo diễn. Hai ông nói nhiều và nói lớn hơn bất kỳ ai. Trần Lê Nguyễn đập bàn, nêu bật kinh nghiệm về “Bão Rớt Trong Thành Phố”(*) và giải thưởng về kịch bản mà ông đã thâu đạt. Hoàng Anh Tuấn ào ào phản công: “Đấy là viết kịch, truyện phim phải khác, như Xa Lộ Không Đèn, và Ngàn Năm Mây Bay của moa.” Đỗ Quý Toàn mặt nghiêm, tỉnh táo cho ý kiến: “Xa lộ mà không đèn thì chỉ có mà đụng xe”. Yến để xấp giấy trên bàn ngồi ghi chăm chỉû, im lặng theo dõi mỗi người qua lớp kính dày với nụ cười. “Các ông cứ nói hết đi, tôi ghi đủ.” Cuối buổi, khi tất cả đã nói hết tất cả những gì (có thể nói và muốn nói), Yến từ tốn: “Bây giờ quý vị đã nói hết. Tôi xin đọc tất cả ý kiến của quý vị, xong rồi ta chọn ý kiến hay nhất, cách làm tốt nhất. Cậu Nam theo đó mà viết với kinh nghiệm đánh đấm của cậu.” Khi xuống cầu thang để xuống tầng dưới, Chu Tử cười vui: “Không có anh Yến thì cứ cải đến bao giờ!!”

Năm 1973, nhân việc ký kết Hiệp Định Paris (27 tháng 1), Bộ Dân Vận Chiêu Hồi mở mặt trận tuyên vận lớn trong giới sinh viên hải ngoại. Đỗ Quý Toàn, Đỗ Ngọc Yến và những nhân sự trong “Chương Trình Phát Triển Sinh Hoạt Học Đường” đồng nhập cuộc với “Đường Việt Nam”. Thêm một lần, tôi chứng kiến Đỗ Ngọc Yến tháo vác, tài giỏi khôn ngoan giữa vòng vây của đám sinh viên từ lâu chịu ảnh hưởng tuyên truyền đỏ ở Paris, Bruxelles, Bonn, Berlin, Tokyo. Trên nền nhà văn phòng Tổng Hội Sinh Viên Đường Kỳ Đồng, giữa những sinh viên về từ Tây Âu (vốn có thành kiến, và tâm lý chống đối nhà cầm quyền Miền Nam, dẫu đã ra đi từ Sài Gòn trong những năm 1960), Đỗ Ngọc Yến trình bày lý chiến đấu chính đáng của Miền Nam khách quan, trung trực. Anh giải thích sự độc đoán tàn nhẫn của phía cộng sản với tâm không hận thù, lời lẻ khoan hòa mẫu mực. Rõ ràng Yến đã thu phục những người tuổi trẻ một cách toàn vẹn bởi sự nhiệt thành và tính trong sáng của trái tim chân thật. Không Thật không nói được như thế. Tôi tin chắc mình đánh giá Đỗ trung thực và chính xác – Gần bốn-mươi năm sau, độ chính xác càng thêm củng cố vững chắc. Nếu Bộ Thanh Niên, Bộ Giáo Dục, Bộ Thông Tin VNCH.. có những cán bộ với tầm cỡ, năng lực nầy chắc chắn chế độ Miền Nam sẽ có một khuôn mặt khác trước dư luận, cộng đồng thế giới, trong lòng người. Bao lâu và như thế nào, những người cầm quyền (kể cả hiện nay) ở Việt Nam hiểu được “Sức mạnh tác động và hiệu quả của Giáo Dục đối với Tuổi Trẻ” – Tương lai của tất cả các dân tộc không thể xây dựng trên lực lượng quân đội với súng đạn. Người Lính không là nhân tố Xây Dựng Đất Nước – Người Lính trước sau chỉ với nhiệm vụ Bảo Quốc-An Dân – Thực hiện được đã là Kỳ Công Lịch Sử lớn lao.

Hai, 1980. Khi bóng tối hoàn toàn chụp xuống trong phòng kiên giam, những gã vệ binh đã kéo thanh sắt chận chân cùm, hỏi to tên người tù để xong kiểm soát. Tôi bắt đầu điều hành “thế giới” lý tưởng của mình: Sắp xếp một thành phần lãnh đạo Miền Nam!! (Tôi chỉ nghĩ về Miền Nam như một phản ứng tự nhiên. Vậy xin đừng trách cứ phần chủ quan, hạn chế, mà cũng chỉ là “ý niệm” đâu xúc phạm, thiệt hại gì đến ai?!). Đầu tiên là những người chỉ huy quân đội. Tôi lý luận, phân tích (rất nghiêm trang với chiính bản thân (!)). Nên để cho ông “Lô Lọ Rượu” (Trung Tá Nguyễn Lô, Tiểu Đoàn Trưởng TĐ7Dù, người bạn cùng khóa) hay ông “Robert Lửa Nguyễn Xuân Phúc” (Tiểu Đoàn Trưởng TĐ2TQLC, “Trâu Điên”) coi về “Lực Lượng Xung Kích Quốc Gia”? Ông Lô thì can trường có dư nhưng nóng nảy quá; ông “Robet Lửa” nhiều cơ mưu, tính hoán hơn; phụ tá xếp cho Trần Công Hạnh (Tiểu Đoàn 2 Dù, gương chiến đấu kiên cường của Lam Sơn 719, Hạ Lào). Thế thì ông Phán “râu” của Tiểu Đoàn 8 TQLC để vào đâu? Phán nên để phụ trách “Lực Lượng Phòng Vệ” bởi tính trung hậu, luôn sống, chết hết lòng với anh em.. Sống chết với anh em thì bạn anh ai chẳng vậy, chẳng cứ gì ông Phán, sao anh bỏ người nầy, binh người kia? Anh tính sao với Phạm Như Đà Lạc, sống chết với anh từ ngày ra trường về nhảy dù kia mà?! Lại còn phải xếp chỗ cho Mê Linh (Trung Tá Lê Văn Mễ, Tiểu Đoàn Trưởng 11 Dù) và Lã Quý Trang nữa? Hai ông nầy nhiều khả năng tham mưu, chuyên về tổ chức, hành quân đặt làm tham mưu trưởng liên quân là đúng nhất. An Ninh-Tình Báo là cơ quan tối cần thiết trong mặt trận gián điệp, phản tình báo thì chỉ định cho ông Hiển (Hoàng Khởi Phong) hoặc Lưu Văn Chương (Tổng Hội Sinh Viên Sài Gòn trong những năm 60; bạn cùng Khóa 18 Đà Lạt), vì hai ông nầy chuyên môn coi về tù binh, quân cảnh, an ninh quân đội. Thế nhưng, ai giữ chức Tổng Tư Lệnh? À đây là một chức vụ quan trọng không thể chỉ căn cứ trên cảm tính cá nhân được. Anh phải nghiêm túc, khách quan với chính mình! Vậy thì có thể để chỗ cho Khôi Nguyên, hoặc Tố Quyên (Trung Tá Trần Đăng Khôi, Bùi Quyền, những sĩ quan niên trưởng thuộc Khóa 16 Đà Lạt. Những người tôi quen thân, kính nể từ đầu ngày lính). Thôi, chức nầy tạm để trống, biết đâu khi xét qua phía dân sự mình sẽ tìm thấy một ông văn võ toàn tài hơn. Tổng tư lệnh xưa nay đâu chỉ có giới hạn với người võ biền, Khổng Minh, Trương Lương, Tôn Tử.. đâu phải là nhân sự giỏi quyền cước, võ thuật, chuyên “giương cung bắn ó, diều”? tôi thúc dục, cân nhắc như thể có một nội các sắp sửa cầm quyền để đưa Miền Nam đến chiến thắng! Qua phía dân sự, thì “Ông Cả Doãn”” được chỉ định mau mắn đảm nhiệm chức vụ Bộ Trưởng Giáo Dục. Phải đặt Ông Cả làm Tổng Trưởng hoặc Quốc Vụ Khanh mới xứng, sao chỉ là bộ trưởng? Ông Cả là người tài đức, nhưng không biết giữ chức vụ hành chánh “thầy tôi” có chịu nổi không? Tôi tập trung ý nghĩ chung quanh nhà văn niên trưởng Doãn Quốc Sỹ. Thầy là người quá khiêm nhượng, đạo đức cao, sợ rằng khi giữ chức lớn thầy không thể có những quyết định mạnh mẽ được!. Trời đất, anh chưa giao gì cho Ông Cả, sao lại đặt vần đề sớm thế. Ai làm Thầy cho cả nước xứng đáng bằng Ông Cả Doãn?! (Xin nhắc lại ý niệm “cả nước” áp dụng đây chỉ đối với Miền Nam) Cũng trong lãnh vực giáo dục, hai ứng viên thân thiết Tôn Thất Hải và Lê Tự Hỷ (Hai người bạn cùng lớp ở Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng (1954-1960), rất xuất sắc trong giới giáo dục, và lãnh vực toán học, khoa học) được nhắc tên để làm thành phần “trừ bị chiến lược”. Lê Tự Hỷ còn có thể đặt làm Tổng Trưởng Kế Hoạch bởi khả năng toán học đặc biệt của anh. Lê Tự Hỷ còn có thể đặt làm Tổng Trưởng Kế Hoạch bởi khả năng toán học đặc biệt của anh. Sở dĩ Bộ Giáo Dục được nghĩ trước hết vì tôi hiểu ra rằng không còn con đường nào khác để tránh họa cộng sản và tranh chấp bạo lực bằng sách lược “Tân Dân Trí” – Do lớn lên ở Quảng Nam, học Trường Phan Châu Trinh, Đà Nẵng nên ảnh hưởng từ cụ Phan là một điều tất nhiên vậy (Tôi tự giải thích cho bản thân về việc đặt ưu tiên về vấn đề giáo dục với những người bạn thiết của ngôi trường nầy). Đến Bộ Thanh Niên (Vì là Hướng Đạo sinh, và tâm thức Hướng Đạo là một nguồn lực tinh thần mạnh mẽ rất dễ nhận thấy trong những hoàn cảnh khó khăn). Việc nầy giao cho ai giữa Tô Phạm Liệu, Phạm Gia Cổn, hoặc Ngô Vương Toại? Tôi lại rơi vào tình cảnh bối rối khi phải “cân nhắc, chọn lựa” giữa Liệu, Cổn, và Toại. Cậu Liệu là đội trưởng Hướng Đạo của mình, đã là đại đội trưởng quân y nhảy dù nếu xét về khả năng tổ chức, sinh hoạt thanh niên tất nhiên quen việc, thích hợp khả năng.. Nói thế thì Phạm Gia Cổn không là bác sĩ nhẩy dù, lại là võ sư thượng thặng chẳng kể đến sao? Coi chừng cứ loanh quanh mấy ông bạn lính, người ta lại bảo anh nặng tính “quân phiệt”, thôi để Toại giữ bộ thanh niên, hai ông kia cho về coi quân y hoặc bộ y tế. Và thường thường, khi gặp trường hợp phải quyết định khó khăn thì tôi lại áp dụng biện pháp “nhảy” qua với người và nhiệm vụ khác dễ xác định hơn. Tôi tiếp tục: Ngoại giao không ai hơn Lê Chí Thảo hoặc Nguyễn Hữu Doãn! (Những luật sư trẻ tuổi, chuyên viên ngoại giao trước 1975). Tôi reo lên đắc thắng như thể chức vụ đã giao cho người tương xứng chính đáng. Ấy, coi chừng dân chúng lại bảo anh “kỳ thị”, vì chẳng thấy “anh Nam Kỳ” nào giữ chức vụ lớn cả?! Nói thế là không hiểu quan điểm của người đạo diễn, xếp đặt công việc (tức là bản thân tôi).. Làm gì có “Bắc, Nam, Trung kỳ” ở đây, tất cả đều lớn lên với Miền Nam - Đã là “Nam Kỳ Hoá” toàn diện. Với độ tuổi ba-mươi mà ở Miền Nam hơn hai-mươi năm thì còn đâu là “Bắc, Trung kỳ” nữa, nói như thế chỉ lộ ý niệm chật hẹp tầm phào của sinh hoạt làng xã đầu thế kỷ do Tây bày ra mà thôi.

“Trò chơi” nghiêm chỉnh – Rất nghiêm chỉnh và thành thật kéo dài trong bóng tối thường kết thúc với những người bạn gần gũi: Vũ Ngự Chiêu, Nguyễn Bá Trạc. Tôi lý luận: Mấy ông nầy học giỏi, có tài, nhưng tính khí khác biệt nhau, vậy cho vào Ban Cố Vấn để làm công tác chỉ cho ý kiến chỉ đạo (một cách không chính thức) kiểu Như Phong đối với mấy ông cầm đầu Miền Nam (trong những năm sau 1963). Cuối cùng, chức vụ cao nhất của chính quyền quốc gia: Thủ Tướng Chính Phủ – Chức nầy phải giao cho cậu Yến! Tôi cười to đắc thắng bởi quyết định đã hoàn tất. Phải, Đỗ Ngọc Yến là “Thủ Tướng Chính Phủ Lý Tưởng” của người tù nằm trong phòng cấm cố tử hình giữa bóng tối. Tôi nói ra lời: “Tôi biết Bác (Khi nói chuyện nghiêm trọng, anh không dùng từ “cậu” để nói với bạn mình!!) là người kín đáo, khiêm nhượng. Nhưng Bác không được im lặng, từ chối. Bác từ chối là có tội. Tôi với Bác chỉ có một lần.” Tôi quơ tay trong bóng đêm. Không biết đã mấy giờ? Chỉ biết mình đang Sống Tận Cùng với mỗi Người Bạn.

“Sinh hoạt” sống động như trên không phải là hậu quả cảnh sống của một kẻ bị mê sảng dài lâu trong bóng tối đơn độc – Hiện tượng “traumatism” trầm trọng của người bị ức chế, hành hạ quá mức – Nhưng hiểu ra rằng, qua hệ thống thông tin ấy, mình đang được bảo vệ, nhắc nhở, an ủi bằng hình tượng từ, của những Người Bạn – Những người tôi thật tâm yêu quý, tin cậy. Và mỗi người (không trừ một ai) với tên họ, dáng dấp, hành vi, lời nói tất cả kết cấu thành một thông điệp rõ ràng: Tôi sẽ được Cứu Chuộc. Được Đỗ Đạt. Được Thành Tựu. Vào những thời điểm biểu hiện bằng những con số 1, 2.. 7, 8, 9.. 14, 21, 22. Ví dụ như hình tượng: “Ngô Vương Toại nằm ngủ trên núi đầu Sông Mã” cho thông tin về “biến cố quan trọng sẽ xẩy ra vào năm Con Ngựa” – Thông tin nầy cũng được lập lại nhiều lần (để nhấn mạnh) như với hoạt cảnh: “Nguyễn Lô (Tiểu Đoàøn Trưởng Thứ 7 của Tiểu Đoàn 7 Dù) ngồi ăn Hộp Bơ mở nắp sẵn đầu một chiếc Bàn Gỗ Rất Lớn với Lê Nin (Người Số 1, sinh năm Ngọ (1870) của nhà nước vô sản đầu tiên (Chỉ Số 1) khai sinh từ Cách Mạng 7/11/1917 – Nêu bật các Số 1; Số 7) ngồi ở đầu bàn đối diện.”

Trong ý nghĩa hệ thống thông tin kể trên. Đỗ Ngọc Yến với Đôi Kính nổi cộm của Bạn chuyển cho tôi thông điệp: “Sẽ được Đỗ. Sẽ được Thấy. Sẽ được Dự Tiệc Lớn”. “Yến” cũng là tên “Cô Giáo Đầu Tiên- Chỉ Số 1” dạy học vỡ lòng với cuốn tập (có thật) màu “Vàng - Chỉ sự Hoàn Trả” bìa hình “Con Voi- Con vật Lớn Nhất, Số 1)” ở năm 1949 (Năm Sửu trùng với năm Sửu, 1973 của bài báo Đỗ viết trên Đại Dân Tộc). Với hình tượng của những danh vị linh thiêng (Phật Thích Ca, Chúa Ky-tô; Mẹ Maria, Phật Bà Quán Thế Âm, Thượng Tọa Thích Quảng Đức.), hoặc sự xuất hiện (có hệ thống) hình ảnh của mỗi người thân yêu (mẹ, em, vợ, con, người chung gia tộc.), tất cả bằng hữu, hoặc những người mà tôi chỉ thấy thoáng đâu đó. Tôi được nâng đỡ dần qua từng giờ của mỗi ngày, của mỗi đêm từ 7 tháng 9, 1981 đến chiều 29 tháng 5, 1988 – Tôi ra khỏi hầm giam Trại Nam Hà (Theo đoàn tù “Người Miền Nam cuối cùng”) trở về Nam – Tái hiện thực từ ngữ “Người Nam Hà Đầu Tiên” của “Mai Phương, Đỗ Ngọc Yến” viết về tôi năm 1973.

Ba, 1990. 2005

Tôi đẩy chiếc cổng gỗ khu nhà tranh ở Lái Thiêu hân hoan mời hai người khách, Doãn Quốc Sỹ và Như Phong bước vào: “Mời Anh Cả và Ông Ba vào đây, nhà nầy em đặt tên là “Bằng Hữu Gia Trang”, đây là tài sản đầu tiên anh Út Lu (chòm xóm, trẻ con trong khu đặt tên theo ý thân của họ) có được sau ba-mươi năm lăn lóc với đời.”

Hai người bạn vong niên ngồi xuống những chiếc ghế gỗ nhỏ. Anh Sỹ cởi dép.. Như Phong bật cười vang: Khổ chưa, bác kiếm đâu “đôi dép” quý thế nầy?! Anh Sỹ đã mang một chiếc dép da và chiếc kia thuộc loại cao su mũ! Doãn Quốc Sỹ cười nhẹ tự nhiên, xong nói thong thả. Ấy thế ấy thế phan nhật nam sinh năm bao nhiêu?Lại thêm một lần anh giải thích: “Thì em sinh năm 1943, tức năm Quý Mùi, nhỏ hơn Anh Cả 20 năm. Anh Cả tuổi Quý Hợi, sinh 1923”. Thế thì Ông Ba (Như Phong) là bao nhiêu? “Ông Ba sinh năm 1922, năm Nhâm Tuất, bằng tuổi mẹ em.” Ờ nhỉ! Doãn Quốc Sỹ nhìn mông ra khu vườn, ánh mắt vui hoà dung dị. Như Phong nằm lên chiếc võng.. Tôi ngủ đây, cậu làm cái gì ăn đi, đói bỏ xừ rồi.

Khi đứng nấu nước sôi chuẩn bị làm tô mì ăn liền cho hai người bạn lớn tuổi, Tôi nhớ lại câu hỏi (nhiều lần lập lại) của Doãn Quốc Sỹ và hiểu ra rằng: Những năm, tháng của đời người kia không hề là ngẫu nhiên, chúng được kể đến, đặt nên chữ số với một giá trị riêng (đối với từng cá nhân, mỗi gia đình, một dân tộc. ) và con người (chỉ qua con người chứ không ai khác) đã hiện thực nó trong đời sống với tất cả tình tiết (tưởng như là ngẫu nhiên, rối rắm) – Nhưng thật ra Được Chỉ Huy trong Một Thể Thống Nhất – Tất cả chỉ là Một.

Ngày 17 tháng 1, 1994 lần đầu tôi xuống Miền Nam Cali, đến Báo Người Việt, Đỗ Ngọc Yến rút hết tiền có được của Ban Quản Lý do Tống Hoằng phụ trách bỏ vào một bì thư. Hoàng Khởi Phong đếm hộ vì thấy tôi lúng túng với những tờ giấy bạc (quá nhiều) lần đầu cầm giữ: Ông ấy đưa cho ông “Bảy Trăm” đấy. Những con số 1, 7, 17.. của ngày, tháng nầy; số lượng những tờ giấy bạc nầy tôi đã Thấy nhiều lần, đã được Thông Báo nhiều lần. Như cặp Mắt Kiếng long lanh và Nụ Cười của Yến.

Hẳn tất cả chúng ta hôm nay ở hải ngoại đều đồng ý: “Người Việt là Báo Số 1”. Cũng như Chu Tử của Báo Sống, Sóng Thần ở Sài Gòn ngày trước có danh hiệu, “Ông Vua Không Ngai” của báo giới vậy. Tối hôm đó, 18 tháng 1, Vùng San Fernando Valley bị Một Trận Động Đất lớn.

Mười hai năm sau, 2005, trên giường bệnh của Fountain Valley Regional Hospital, người bị cột bởi vô số giây, móc. Nhưng như một phép lạ rất bình thường: Đỗ Ngọc Yến hình như không bị tác động bởi những cơ quan hư hỏng nào đó trong cơ thể, vừa thấy tôi bước vào (sau chuyến đi đến với những bằng hữu ở DC, ở San José.) Yến cười tươi (như đang trong một buổi của ba-mươi lăm năm trước) với câu hỏi ân cần: “Tôi luôn thắc mắc làm sao mà ông sống được qua mấy năm trong những cái hầm kia.” Người Bạn hằng có mặt với tôi trong bóng tối nơi những căn hầm tử hình cấm cố. Và ngay bây giờ. Không có chi đổi khác.

“Khi nào ông ấy cất cái kính và cười.. Lúc ấy Con Người Đỗ Ngọc Yến hiện đủ toàn diện, trung hậu, trung trực, chân tình.” Nhận xét của Ngô Vương Toại nói với tôi hôm tháng Mười ở DC về Đỗ Ngọc Yến được nhớ lại rất chính xác. Bây giờ Yến đã cất đôi kính và hằng nở rộ Nụ Cười.

(1) Nhất Anh, Bữa Cơm Trên Lưng; Nhật Báo Sóng Thần, Sàigòn, VN1970.
(2) Phan Nhật Nam, Dấu Binh Lửa; NXB Đại Ngã, Sàigòn,VN1969.
(3) Trần Lê Nguyễn, Kịch Bão Thời Đại; Sàigòn, VN1958.

Ngày 11 tháng 11, 2005

Bệnh Viện Fountain Valley,
Bên cạnh Đỗ Ngọc Yến sau 12 năm ở Mỹ.

Phan Nhật Nam


No comments:

Post a Comment