Wednesday, October 1, 2008

Cái chết của bạo chúa

Cái chết của bạo chúa

LM. Anphong Trần Đức Phương

(Hãy Xỏ Gươm Vào Vỏ… (Mat-thêu 26,51)

Bạo chúa Phalaris hành hình dân chúng
Có một câu chuyện cổ nói về lãnh chúa Phalaris (Khỏang 570-554). Phalaris sinh ở đảo Crete, sau đó di chuyển đến ở Agrigente (Đảo Sicile, thuộc nước Ý hiện nay). Nhờ thời cuộc và mưu trí, ông đã lập nên sự nghiệp và ông đã trở nên một ‘lãnh chúa’; rồi khi đã nắm trọn quyền hành, ông trở nên một ‘bạo chúa’, hà hiếp dân lành, bắt dân chúng phải chịu ‘sưu cao thuế nặng’, chiếm các đất đai của dân chúng để xây các lâu đài. Càng nhiều quyền thế, ‘bạo chúa’ càng trở nên tàn bạo, không còn biết nghe lời nói phải. Ai chống đối và chỉ trích chính sách tàn bạo của ông đều bị bắt bỏ tù hoăc giết chết; kể cả nhà hiền triết Zenon rất được mọi người mến chuông thời đó, cũng bị buộc tội vì dám can gián ‘bạo chúa’. Nhưng ‘bạo chúa’ cũng có nhiều nịnh thần tâng bốc ông, làm ông ta càng ngày càng trở nên hống hách, tàn bạo hơn. Có một kẻ nịnh thần tên là Bedilos nghĩ ra một khổ hình để giết những người mà ‘bạo chúa’ không ưa. Anh ta làm một con bò mộng bằng đồng, bụng rỗng có thể đút vừa một người vào trong đó rồi nung nóng lên để xử tội. Bạo chúa thấy sáng kiến đó rất tốt để ông trừng trị những kẻ nào dám chống đối việc cai trị tàn bạo của ông. Nhưng ‘bạo chúa’ này cũng có tính ‘quái gở’ như thường thấy nơi các ‘bạo chúa.’ Ông liền bảo Bedilos là người có công sáng chế ra một khí cụ tuyệt vời như vậy, sẽ được ‘danh dự’ thử nghiệm trước. ‘Bạo chúa’ sai nhốt Bedilos vào trong bụng con bò đồng và nung lên. Thế là kẻ nịnh thần Bedilos phải lãnh khổ hình trước tiên. Tiếp theo là bao nhiêu người khác mà ‘bạo chúa’ không ưa đều bị giết như vậy. ‘Bạo chúa’ cho đốt lửa chầm chậm để nung con bò đồng, có ý cho người bị tử hình trong đó phải chết đau đớn từ từ và phải la hét lên những tiếng khủng khiếp để răn đe kẻ khác. Còn ‘bạo chúa’ thì cười nói vui vẻ khi nghe những tiếng rên la đau đớn khủng khiếp đó.

Nhưng bạo chúa nào cũng chỉ có một thời! Dân chúng càng ngày càng khổ cực và uất ức vì bị áp bức bất công (mà "đâu có áp bức, đấy sẽ có bùng dậy!") Dân chúng thấy không còn cách nào chịu đựng được sự cai trị độc tài và quá tàn bạo của ‘bạo chúa’ và các kẻ nịnh thần, nên liều chết vùng lên và lật đổ được chế độ, bắt tên bạo chúa Phalaris và những kẻ nịnh thần phải đền tội bằng chính khổ hình khủng khiếp mà bao người dân lành đã phải chịu.

Trong lịch sử nhân loại, đã có biết bao bạo chúa và những nịnh thần. Tât cả đều tàn bạo cách này hay cách khác, nhưng tất cả đều ‘mù quáng’ (nhất là do các nịnh thần tâng bốc) cứ tưởng như chế độ của mình là muôn đời tồn tại, mà quên rằng ‘cái chết đến cho mọi người’ và mọi sự ở đời này đều qua đi cùng với thời gian. Những bạo chúa như Tần Thủy Hoàng, Néron… thời xưa, và những Hitler, Stalin, Mao Trạch Đông, Polpot… thời nay, cũng đã lần lượt phải bước qua ‘cửa tử’ để lại cả một quá khứ xấu xa cho bao đời phỉ nhổ, chẳng bao giờ có thể phai mờ, như cha ông chúng ta đã nói: “Trăm năm bia đá thì mòn, ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ…”

Nhìn vào những cuộc đàn áp ngày nay trên quê hương Việt Nam, đặc biệt trong vụ chiếm đất ở Thái hà và đất Tòa Khâm Sứ (Hà Nội), chúng ta thấy sự kiện ‘đàn áp bất công’ vẫn tiếp tục tái diễn ở Việt Nam. Đây không phải là sự chiếm đất duy nhất. Chúng ta nhớ lại những cuộc chiếm đất đai của nhân dân, của các tôn giáo ở Miền Bắc Việt Nam, được mệnh danh là ‘Cải cách ruộng đất’, đi kèm theo là những cuộc đấu tố dã man vào giữa thập niên 1950, giết bao nhiêu người lành, vô tội; vừa bị mất nhà cửa, mất ruộng vườn, còn bị vu oan cho bao nhiêu điều xấu xa. Sau khi chiếm Miền Nam cũng có bao nhiêu cuộc lấn chiếm đất đai của nhân dân. Các cán bộ địa phương đã dựa vào quyền thế, lộng hành chiếm đất đai ở các địa phương, kể cả chiếm đất của những người dân thiểu số để cho gia đình cán bộ làm nhà ở; hoặc để bán cho các công ty nước ngoài khai thác. Hầu hết người dân vì ‘bé cổ thấp họng’ nên đành đau khổ chịu đựng, chỉ có một số lên tiếng chống đối, như ở vùng Hố nai (Biên Hòa), ở Thái Bình (Bắc Việt), hoặc một số rất nhỏ đi lên tỉnh để khiếu nại. Nhưng cuối cùng cũng thất bại, không lấy lại được gì, mà nhiều trường hợp còn bị tù đày khốn khổ.

Bây giờ đến việc lấn chiếm đất đai tại Thái hà, phá khu vực Tòa Khâm Sứ. Giáo dân và hàng giáo sĩ không biết làm gì hơn là cầu nguyện và muốn nói lên những bất công chung của dân tộc thay bao nhiêu người uất ức khác. Nhưng cuộc bầy tỏ ý kiến này cũng đang bị đàn áp mạnh mẽ. Nhà nước đã dùng lại những chính sách của cộng sản Sô viết xưa: dùng thông tin một chiều để vu cáo bậy bạ, xúi dục một số kẻ vô lương tâm (những kẻ nịnh thần) để viết những bài chửi bới lung tung, thu tập các nhóm ‘cao bồi du đãng’, biến thành những kẻ hung bạo đến đập phá tại Thái Hà, tấn công những nhóm tín hữu đang cầu nguyện; ngoài ra, còn hăm dọa ‘bỏ tù’ họ.

Tuy nhiên, cuộc bầy tỏ ý kiến lần này ở Thái hà và Hà nội đã không còn phải chỉ là riêng của Thái hà, của Hà nội nữa, mà đã trở thành tiếng nói của toàn dân Việt Nam. Hơn nữa, những biến cố này đã có tiếng vang khắp thế giới, chẳng những nơi các công đồng người Việt nam ở hải ngoại, mà còn vang vọng mạnh mẽ trên các phương tiện truyền thông quốc tế.

Nhìn vào thái độ của người tín hữu âm thầm cầm cầu nguyện, không bạo động, có người cho là Giáo hội Công giáo đã quá ‘nhẫn nhục’ khi đứng trước những phản ứng hung bạo của công an và cán bộ và những lối cư sử bất công của nhà nước. Hơn nữa lại có một số kẻ xấu ‘xúi xiểm’ dương đông kích tây, để xúi bẩy hàng giáo phẩm và giáo dân đi đến ‘bạo động’; nhưng Chúa Thánh Thần vẫn làm việc trong Giáo Hội, vẫn soi sáng cho giáo dân và hàng giáo sĩ khôn ngoan, sáng suốt và khéo léo, như chính Chúa Giêsu đã nói với các Tông đồ: “Thày sai các con đi như chiên giữa sói rừng: Hãy khôn ngoan như con rắn và đơn sơ như chim bồ câu.” (Matthêu 10,16). Giáo hội không gây bạo động, chỉ cầu nguyện, và tiếp tục ‘chịu những đau khổ, những nhục mạ, như cha ông trước đã từng chịu đựng và đổ máu ra qua hàng thế kỷ dưới triều đại nhà Nguyễn trước đây. Rồi triều Nguyễn cũng đã qua đi, còn Giáo hội Việt Nam vẫn tồn tại và phát triển.

Ngày xưa trong vườn ‘Cây Dầu’, khi nhóm người hung bạo đến bắt Chúa Giêsu, có những cử chỉ rất hỗn xược, Chúa Giêsu vẫn dịu dàng chấp nhận. Phêrô (theo Phúc Âm Thánh Gioan 18, 10) thì không chịu nổi thái độ xấc xược đó, nên đã rút gươm chém một tên, nhưng Chúa Giêsu ôn tồn bảo Phêrô: “Con hãy xỏ gươm vào vỏ, ai dùng gươm sẽ chết vì gươm!” (Matthêu 26,52); rồi Chúa Giêsu nói tiếp: “Con tưởng Thày không thể kêu với Chúa Cha được sao? Người sẽ cấp ngay cho Thày hơn mười hai đạo binh thiên thần…” (Matthêu 26,53) và như vậy chắc chắn sẽ quét sạch mọi kẻ gian ác đang đứng đó!

Nhưng chương trình chịu khổ nạn để cứu nhân lọai của Thiên Chúa thì khác hẳn lối suy nghĩ của loài người. Trong dinh Tổng Trấn, Chúa Giêsu đã nói với Philatô: “Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc thế gian này, những người của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái. Nhưng nước tôi không thuộc về thế gian này. (Phúc Âm Gioan 18, 36…). Ở mọi nơi, mọi thời, Giáo Hội Chúa luôn bị bách hại cách này hay cách khác (Bóng tối luôn ghét Ánh sáng). Nhưng noi gương Chúa, Giáo hội vẫn âm thầm chấp nhận chịu đựng, không bạo động, mà trái lại còn theo Lời Chúa “cầu nguyện cho những kẻ bách hại mình” (Mat. 5, 44… Luc. 6, 27…) Vâng lời Chúa, Thánh Phaolô cũng nhắc nhở các tín hữu: “Hãy chúc lành cho những người bách hại anh em, chúc lành chứ đừng chúc dữ… (Thơ Rôma 12, 14).

Tuy không bạo động, nhưng Giáo hội cũng không sợ hãi, luôn giữ vững Đức Tin trước mọi mọi cuộc bách hại tàn bạo qua từng thế kỷ, theo lời Chúa đã bảo: “Chúng con đừng sợ…” (Luca 12,4…). Thánh Phaolô cũng nói với Giáo dân thành Philipphê: “Anh em đừng sợ những kẻ chống đối anh em…” (Phil. 1,28..). Khi trao quyền điều hành Giáo Hội trần gian cho Thánh Phêrô, Chúa Giêsu đã nói: “Con là Đá, trên đá này, Thày sẽ xây Giáo Hội của Thày, và không quyền lực nào có thể thắng nổi…” (Matthêu 16,18…) và Chúa đã hứa “Chúa vẫn ở cùng Giáo Hội mọi ngày cho đến tận thế” (Matthêu 28,20) để che chở gìn giữ và giúp Giáo Hội vượt qua mọi cuộc bách hại tàn bạo nhất qua mọi thời đại.

Hơn nữa, nhờ ơn Chúa Thánh Thấn soi sáng, dù luôn bị bách hại, Giáo hội vẫn có những giáo dân, những tu sĩ nam nữ hiến thân cả cuộc đời để phục vụ nhân loại, không phân biệt mầu da, chủng tộc, tôn giáo. Giáo hội vẫn cố gắng hiện diện các nơi: làm các trường học để mở mang văn hóa; xây cất các bệnh viện, các nhà cô nhi, viện dưỡng lão, các trại phong cùi để săn sóc giúp đỡ những con người đau khổ trên thế giới. Ngay ở Việt nam hiện nay, dù gặp nhiều khó khăn, nhưng Giáo hội cũng vẫn hiện diện nơi các trại phong cùi qua các tu sĩ nam nữ để săn sóc các bịnh nhân.

Luôn tin tưởng vào việc Chúa quan phòng, các tín hữu cùng toàn thể Giáo Hội của Chúa luôn cầu nguyện và phó thác; đồng thời chấp nhận mọi đau khổ, khốn khó để sống Tin Mừng và tiếp tục đem tình thương của Chúa đến cho mọi người, kể cả những ai bách hại họ. Chính những đau khổ, những hy sinh, những giọt máu đổ ra vì chân lý là mầm mống để tình thương của Chúa được phát triển khắp nơi trên thế giới, và Đức Tin, qua các thử thách, tôi luyện, sẽ được tinh tuyền và vững mạnh trong những tâm hồn thành tâm thiện chí trên thế giới.

Xin dâng các hy sinh và hiệp lời cầu nguyện nhiều cho Quê hương và Giáo hội Việt nam, cho toàn thể Gíáo hội, nhất là các nơi đang bị bách hại.

LM. Anphong Trần Đức Phương



No comments:

Post a Comment