- Phiên Tòa Lịch Sử: Thành Viên Kiện Chủ Tịch Cộng Đồng
Nguyễn Quang Duy
Lần đầu tiên trong lịch sử tỵ nạn cộng sản Việt Nam một chủ tịch cộng đồng ông Nguyễn Thế Phong (chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria - Úc châu nhiệm kỳ 2007-2009) đã bị một thành viên ông Võ Ngọc Anh (tự là Võ Long Ẩn, Chủ tịch Hội Thiện Chí Tỵ Nạn Việt Nam) mời hầu tòa Trung Thẩm Victoria (County Court). Ông Anh thưa ông Phong với tội danh phỉ báng vì trong phiên họp Cộng Đồng ngày 15-3-2009 ông Nguyễn Thế Phong đã nói ông Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng.
Vụ xử đã liên tục 10 ngày từ thứ tư 10/3/2010 đến ngày thứ ba 22/3/2010. Toà án đã phán xử ông cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria Nguyễn Thế Phong đã hành xử đúng vai trò được cộng đồng giao phó và đã không nói như ông Võ Ngọc Anh đã kiện.
Thiết nghĩ đây là một bài học chung cho người Việt hải ngọai, người viết xin không đi vào chi tiết vụ kiện, cố gắng trong khả năng trình bày đến bạn đọc xa gần những sự việc chung quanh vụ kiện nói trên.
Lý do vụ kiện
Ngày 16-2-2009, CĐNVTD-VIC có tổ chức một cuộc biểu tình phản đối cuộc triển lãm quảng cáo du lịch Việt Nam “Impressive Vietnam” tại Crown Casino. Nhiều thành viên cộng đồng quan tâm việc Crown Casino sẽ trở thành một trung tâm văn hóa vận cho cộng sản Việt Nam nên đề nghị Ban Chấp Hành Cộng đồng tổ chức cuộc biểu tình này. (Xin ghép Hình 1: Cuộc biểu tình “Impressive Vietnam ” tại Crown Casino)
Người viết có tham dự cuộc biểu tình và có một kỷ niệm nhỏ khó quên. Trong cuộc biểu tình, khi phát truyền đơn và giải thích đến khách vào chơi Casino, người viết có nói chuyện với một cựu chiến binh Úc đã chiến đấu tại Việt Nam đến từ Queensland. Sau đó người viết mời ông John tham dự cuộc biểu tình và phát biểu cảm tưởng của ông về việc Úc tham chiến tại Việt Nam . (Xin ghép Hình 1036: Người đội nón tay cầm cờ là người viết, bên cạnh là chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân ông Nguyễn Việt Long và người cựu chiến binh Úc ông John)
Vài tuần sau người viết nhận được Thông cáo Cộng đồng mời tham dự một phiên họp đặc biệt ngày 15-3-2009 để nghe tường trình về việc một thành viên đã điện thọai đến Crown Casino cho tin sai lạc về mục đích của cuộc biểu tình nói trên. Người viết không tham dự cuộc họp này. Nhưng sau đó có nhận được thông cáo báo chí kết quả cuộc họp.
Chỉ ít lâu sau có tin đồn là trong buổi họp ông Võ Ngọc Anh đã bị ông Nguyễn Thế Phong quy kết là Việt cộng, bị Việt cộng mua chuộc với dụng tâm đánh phá cộng đồng. Người viết đã liên lạc với một số vị có tham dự buổi họp để kiểm chứng và mọi người đều trả lời không có chuyện trên.
Sau đó ít lâu vào cuối tháng 5-2009, người viết lại nhận được thông báo cho biết ông Võ Ngọc Anh đã kiện ông chủ tịch Nguyễn thế Phong tội phỉ báng vì đã nói ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng.
Người Việt tại Úc châu khi bị người khác gán ghép là Việt cộng hay cộng sản thì đúng là một sự phỉ bang, một sự mạ lỵ không thể chấp nhận được.
Một vụ kiện Cộng Đồng khác
Vào tháng 6, một thông cáo khác cho biết ông Võ Ngọc Anh lại đứng đơn kiện cáo buộc CDNVTD-VIC do ông Nguyễn Thế Phong làm chủ tịch đã “tham lũng” công quỹ của cộng đồng. Cùng đứng chung đơn kiện với ông Anh còn có hai ông Nguyễn Thanh Hùng và ông Nguyễn Như Long.
Ngừơi viết vừa từ một tiểu bang khác dọn về Melbourne Victoria sinh sống nên không gần gũi lắm với ông cựu chủ tịch Nguyễn thế Phong. Tuy nhiên vẫn thầm phục chỉ trong vòng vài năm, ông là đầu tầu đã vận động và xây dựng được ngôi Đền Thờ Quốc Tổ. Đền Thờ Quốc Tổ là tên đồng hương tại Victoria gần gũi và trang trọng đặt cho. Còn tên chính thức là Trung Tâm Di Sản Văn Hóa Việt Nam .
Lần đầu người viết đến Đền Thờ Quốc Tổ để tham dự lễ tri ân một chiến sỹ Úc hy sinh tại Việt Nam vừa được cải táng. Bên tay phải của bàn thờ Quốc Tổ là bàn thờ các chiến sỹ Úc đã hy sinh tại Việt Nam. Người viết rất cảm phục sự sâu sắc của những người đã xây dựng đền thờ để con cháu không quên tổ tiên và những ân nhân đã bỏ mình chiến đấu cho miền Nam tự do. Thật đúng với văn hóa Việt vốn trọng ân trọng nghĩa.
Người viết không phải chỉ cảm phục ông Phong mà còn chân thành cám ơn nhiều người đã đồng lòng để xây dựng đền thờ. Trong đó có những người đang đưa, hay ủng hộ việc đưa, ông Phong ra tòa.
Nhưng rồi những bất đồng nội bộ đã xảy ra và mỗi ngày một thêm căng thẳng. Rồi báo chí địa phương đưa tin và dư luận hoang mang về việc sử dụng tài chánh xây dựng đền thờ và chi thu Cộng đồng.
Khách quan nhận xét thì việc tài chánh đều có sổ sách và báo cáo đến Chính Phủ, báo cáo trong các Đại Hội Thường Niên Cộng Đồng đến mọi đồng hương. Cũng theo nội quy mọi chi tiêu trên $500 Úc kim cần có chữ ký của ông chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn Giám Sát, nay chính ông lại đứng về phía những người thưa kiện để đưa Cộng đồng ra hầu tòa. Thật là khó hiểu.
Ngay khi vấn đề được đưa lên báo chí, một ban Kiểm tra Tài Chính đã được các tổ chức trong Cộng Đồng đề cử để xem lại sổ sách kế tóan. Kết quả không tìm thấy điều gì sai sót.
Ngày 12-2-2010, việc cáo buộc CDNVTĐ-VIC “tham lũng” tiền công qũy của cộng đồng đã không đựơc tòa sơ thẩm xét xử. Tòa cho rằng đây chỉ là tranh chấp nội bộ không thuộc phận sự của tòa án. Tòa quyết định đưa sự vụ xuống Trung Tâm Giải Quyết Các Tranh Chấp (Dispute Center) để hai bên tìm cách hòa giải vấn đề.
Trong một cuộc phỏng vấn gần nhất với đài 2VNR, tân chủ tịch ông Nguyễn văn Bon cho biết phía Cộng đồng đã đưa ra tất cả hồ sơ sổ sách kế toán nhưng phía đứng đơn đòi Cộng đồng phải làm lại kiểm toán hàng chục năm về trước. Theo ông Bon đây là đòi hỏi không thể chấp nhận được vì hằng năm Cộng đồng đã có kiểm toán độc lập.
Hơn thế nữa trong mọi phiên họp với bên nguyên đơn, cũng như trong buổi họp ở Trung Tâm Giải Quyết các Tranh Chấp, luật sư Cộng đồng đã nói là hồ sơ tài chánh kế toán của Cộng đồng lúc nào cũng sẵn có để cho bên nguyên đơn nghiên cứu. Trước phiên tòa ngày 12-02-2009, bên nguyên đơn đã gởi một kế toán viên đến xem xét và nghiên cứu các hồ sơ này. Nếu bên nguyên đơn muốn thực hiện kiểm toán lại những hồ sơ tài chánh này thì họ cứ tiến hành, tuy nhiên chi phí kiểm toán phải do bên nguyên đơn trả.
Chính trị hóa vấn đề
Thế rồi việc Đền thờ Quốc Tổ lại lan sang việc đấu tranh chống văn hóa vận cộng sản, trong khi đồng hương biểu tình phản đối cuộc triển lãm “Impressive Vietnam” tại Crown Casino như đã tường trình bên trên.
Gần đến các ngày biểu tình thì hằng ngàn tờ A3 với hình ông Nguyễn Thế Phong và những lời cáo buộc được âm thầm dán khắp các khu vực đông người Việt sinh sống tại Melbourne. Lần biểu tình gần đây nhất, riêng người viết đã tự tay cạo xé trên 20 tấm tại khu Footscray. Nhiều người khác bất bình cũng đã tiếp tay cạo xé. Nhưng có cạo mấy hiện tại các khu đông người Việt sinh sống vẫn còn những dấu tích nham nhở do những kẻ “ném đá dấu tay” gây ra.
Rồi trên báo mạng Công An Nhân Dân, giữa tháng 3-2009, có bài viết xuyên tạc CĐNVTĐ tại Úc châu. Cá nhân ông Nguyễn Thế Phong bị mang ra bôi nhọ, những điều chẳng khác gì nội dung tờ cáo buộc tại khu Footscray. Cũng cần biết ông Nguyễn thế Phong hiện là chủ tịch Cộng Đồng người Việt tự do tại Úc Châu. Bài viết cũng đề cao 3 thành viên đã bất đồng trong việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ. Không hiểu vì sao bài viết được gỡ xuống chỉ sau ít ngày trên mạng báo Công An Nhân Dân.
Ban Chấp Hành Mới
Tháng 9-2009, nhiệm kỳ ông Nguyễn Thế Phong thụ lý chấm dứt. Trước đó CĐNVTĐ tại Victoria đã tổ chức một cuộc bầu cử. Mọi đồng hương sinh sống tại Victoria đều được quyền tham gia ứng cử và bầu cử. Đa số các thành viên trong Tân Ban Chấp Hành vừa đắc cử đều chỉ trên dưới 30 tuổi. Người viết biết được các bạn trẻ nhận ra nỗi bất công nên đã dấn thân gánh vác cộng đồng trong cơn thử thách pháp lý. Thật đáng ngưỡng phục.
Ông Nguyễn văn Bon, tân chủ tịch CĐ đã thông báo đến đồng hương như sau: “Chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng: Ông Nguyễn Thế Phong và Ban Chấp Hành do ông lãnh đạo đã hành xử đúng với những gì Nội Quy CÐNVTD-VIC đòi hỏi và cho phép trong cương vị Chủ tịch của mình.”
Bên cạnh đó là một Ủy Ban Pháp Lý đã được thành lập do cô Nguyễn Lê Thanh Trúc làm chủ tịch. Cô Thanh Trúc cũng chỉ vừa hơn 30 tuổi. Cô đã tuyên bố như sau: "Ủy Ban Pháp Lý không phải chỉ bảo vệ pháp lý cho ông Nguyễn Thanh Phong, Ủy Ban sẽ bảo vệ pháp lý cho bất cứ thành viên nào thực hiện đúng nội quy của cộng đồng mà phải lâm vào vòng pháp lý". Người viết rất cảm phục câu xác quyết trên.
Để đối phó với Nghị Quyết 36, cộng sản sẽ tung tiền ra để các thành viên tích cực của cộng đồng phải bị kiện tụng. Do đó nếu không được hỗ trợ tài chính thì khó có thể nói đến công lý và công bằng. Tại Úc châu hiện đang có một cao trào kiện tụng: nhà sư kiện nhà báo, nhà sư kiện đệ tử, cá nhân kiện cá nhân về những việc có liên quan đến sinh họat cộng đồng ... Có xác quyết như cô Thanh Trúc thì mới có người tiếp tục sẵn sàng dấn thân gánh vác, phục vụ cộng đồng.
Theo lời khuyên của luật sư, trước khi tòa án phán quyết, ông Nguyễn Thế Phong và các anh chị em trẻ trong tân Ban Chấp Hành phải cố gắng không làm một điều gì có thể gây bất lợi cho vụ kiện. Trong khi ấy như một chiến dịch đã đựơc tung ra, nhiều câu hỏi được đặt ra qua các điện thơ, qua diễn đàn một số báo chí, thơ nặc danh được gởi đến một số Hội Đoàn, Đoàn Thể, các cáo buộc được liên tục dán trong những khu đông người Việt ... nếu trả lời hay lên tiếng sẽ có thể vướng mắc các ràng buộc luật pháp. Việc phía Cộng Đồng từ chối trả lời lại gây thêm nhiều câu hỏi từ phía công luận tạo ảnh hưởng bi quan đến đồng hương và ngay cả một số thành viên hết lòng với cộng đồng.
Người viết quan niệm khi tòa án chưa xét xử thì ông Nguyễn thế Phong vẫn hoàn toàn vô tội, ông đã làm đúng Nội quy Cộng đồng và có thiện chí hòa giải nội bộ nhưng việc đã không xong.
Người viết còn phải đứng về phía Cộng đồng vì nếu bị thua kiện sự việc sẽ trở thành một tiền lệ gây khó khăn cho các cộng đồng hải ngoại.
Thêm vào đó người viết cảm thấy có một trách nhiệm rất nặng bắt buộc phải chia sẻ với những người trẻ đã được đồng hương tín nhiệm bầu ra. Nếu không sát cánh với những người trẻ đang nhận lãnh trọng trách sẽ không còn thế hệ tiếp nối để gánh vác việc chung.
Tại Tòa Trung Thẩm
Do không thể thu xếp nghỉ được người viết chỉ có thể thu xếp để dự ngày đầu (thứ Tư 10-3) và ngày cuối. Thế nhưng ngày cuối như dự định là ngày thứ sáu 19-3, đã kéo dài thêm 2 ngày nữa (thứ hai 22-3 và thứ ba 23-3-2010). Như vậy người viết tham dự 4 trên 10 ngày xét xử.
Bài học đầu tiên đã ra tòa thì không thể nào đoán được ngày cuối. Ngay chính bà chánh án người nắm luật và điều hành toàn bộ phiên tòa cũng không ngờ được những chuyện xảy ra ở phút cuối.
Ngày đầu phiên tòa, thứ Tư 10-3-2010, phòng xử án hôm đó đã không đủ ghế ngồi, có một số người phải ngồi chung ghế, một số người phải đứng và một số ngồi ở bên ngoài. Đa số người tham dự là các thành viên ủng hộ Cộng đồng, việc này có lẽ ngoài ước tính của mọi người.
Việc đông đảo đồng hương tham dự là kết quả của một cuộc họp trước đó vài ngày (6/3/2010). Mặc dù trời Melbourne mưa đá và ngập lụt trên 40 người tham dự cuộc họp này. Mọi người đều đồng ý bốn điều.
Tại Úc các bồi thẩm viên sẽ lắng nghe hai bên và các nhân chứng. Sau đó họ được chánh án hướng dẫn về luật pháp để có thể phán quyết vụ án. Các bồi thẩm viên sẽ dựa trên những bằng chứng những dữ kiện từ đương đơn, bị đơn và nhân chứng áp dụng vào luật pháp để phán xét vụ kiện. Vai trò bồi thẩm đoàn do đó vô cùng quan trọng.
Tiếp theo, trạng sư hai bên trình bày sơ khởi vụ kiện. Bên phía đưa đơn cho rằng việc ông Phong triệu tập cuộc họp ngày 15/3/2010, tổ chức cuộc họp và thông cáo kết quả cuộc họp đến báo chí, hội đoàn, đoàn thể nằm trong một chiến dịch (campaign) nhắm đến cá nhân nguyên đơn ông Võ Ngọc Long. Trạng sư Cộng Đồng bác bỏ điều này cho rằng đây chỉ là những thủ tục cần thiết theo đúng nội quy cộng đồng. Bà chánh án đồng ý tuyên bố đây chỉ là những phương cách ứng xử (code of conduct).
Trên là điểm chính trong toàn vụ kiện. Nếu xem là một chiến dịch có thể dẫn đến việc cá nhân ông Phong vì một vấn gì đó với ông Anh và tìm cách để phỉ báng ông Anh là cộng sản. Trong khi nếu xem đây là chỉ là những phương cách ứng xử thì lời ông Nguyễn văn Bon tuyên bố là đúng: "Ông Nguyễn Thế Phong và Ban Chấp Hành do ông lãnh đạo đã hành xử đúng với những gì Nội Quy CÐNVTĐ-VIC đòi hỏi và cho phép trong cương vị Chủ tịch của mình.” Nghĩa là mặc dù ông Anh đứng đơn kiện cá nhân ông Phong, nhưng vụ kiện chính là ông Anh đã kiện toàn thể cộng đồng. Ông Phong đã thực hiện các việc trên để thực thi bổn phận mà cộng đồng đã giao cho ông. Do đó ông Anh đã kiện những đồng hương mà ông Nguyễn thế Phong đại diện.
Trạng sư bên phía Cộng đồng cũng nhấn mạnh đến những từ ngữ liên quan đến từ cộng sản (communist). Như đã trình bày phía bên trên do đương đơn kiện ông Nguyễn Thế Phong đã tuyên bố ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng. Để tránh trường hợp trạng sư bên ông Anh chứng minh rằng ông Phong đã "ám chỉ" ông Anh như trên. Về phía Cộng đồng mọi người biết rất rõ đây chỉ là những điều vu cáo không có bằng chứng cụ thể. Suốt phiên tòa, từ ngữ “cộng sản” đã trở thành trọng tâm của vụ kiện.
Cũng cần nói ngày thứ tư tuần lễ kế tiếp 17-3-2010, ông Nguyễn thế Phong được tòa mời lên làm chứng về những cáo buộc. ông Phong đã phải giải thích rõ ràng cho câu hỏi bà quan tòa về sự khác biệt giữa 2 từ ngữ "làm lợi cho cộng sản" (benefiting communist) và "tay sai cộng sản" (communist henchman). Ông phong cũng giải thích từ "phá họai" trong tiếng Việt chỉ nghĩa là làm giảm tiềm năng (undermining) chứ không phải là phá vỡ hay phá đổ (sabotage) như phía đưa đơn đã dùng.
Tiếp đến ông Võ Ngọc Anh đã được mời lên để làm chứng trước tòa mọi dữ kiện đưa đơn. Ông Anh cho biết ông là một cựu sỹ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, ông bị tù cải tạo và sau đó bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Ông đến Úc và từ lâu đã tham dự các sinh họat cộng đồng. Ông là Chủ tịch Hội Thiện Chí Tỵ Nạn Việt Nam ...
Ông cho biết theo lời kêu gọi của ông Nguyễn thế Phong, ông tham dự một cuộc biểu tình tại Dallas Brook Hall ( Duyên Dáng Việt Nam ) với trên 3,000 người tham dự. Ông cho biết cuộc biểu tình đã xảy ra xô sát (sự thực là một người đàn bà bị ngất xỉu vì trời hôm đó quá nóng, và một cậu bé đã bị an ninh của cộng sản đánh khi em vào bên trong hội trường và hô to các khẩu hiệu "Freedom for Vietnam", "Democracy for Vietnam", "Human Rights for Vietnam"). Ông cũng cho biết không tham dự nhưng tới xem ba đêm biểu tình tại nhà hàng Đại Dương vào tháng 6-2008.
Ông cho biết trước ngày 16-02-2009, ông và bốn người bạn có ý định vào ngày này sẽ đến nhà hàng tại Crown Casino dùng bữa. Ông lên website Ánh Dương và biết đựơc có cuộc biểu tình. Các bạn ông đề nghị ông gọi điện thoại đến nơi này để xem nhà hàng có mở cửa hay không? Ông gọi lại và nhân viên giữ máy có thể không hiểu ông nói gì nên đã ghi sai những điều ông đã nói về lý do cuộc biểu tình. (Theo ghi chú từ nhân viên giữ cuộc biểu tình chỉ do một nhóm người Việt chống việc cờ bạc. Đây chính là lý do ông Nguyễn Thế Phong triệu tập cuộc họp.)
Ông Anh cho biết ông không tham dự cuộc họp ngày 15-3- 2009. Nhưng có một số người đã gọi điện thọai báo cho ông rằng trong cuộc họp ông Phong tuyên bố ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng. Như vậy bằng chứng của ông Anh có thể chỉ từ các nhân chứng tham dự cuộc họp nói trên.
Theo ông Anh việc khép ông như trên là một phỉ bang danh dự cá nhân ông. Theo ông khi bị khép như trên người bị khép có thể gặp vấn đề với các thành viên khác trong cộng đồng. Tại các quốc gia Tây Phương khác người bị khép như vậy còn bị tấn công. Vì thế ông đã phải ngủ qua đêm tại các nhà người quen bạn bè ... Trong thời gian qua ông bị suy thoái tinh thần, ăn ngủ không được ...
Một chuyện đáng tiếc đã xẩy ra. Gần 4 giờ chiều, bà chánh án đột nhiên lên tiếng đại khái "đây không phải là chỗ giải trí để ngồi mà mỉm cười, nếu quý vị không thể ngồi thẳng lên, thì xin mời quý vị rời khỏi phiên tòa". Người viết giật mình biết bà chánh án nói về mình, vì người viết ngồi trong góc nghiêng mình hẳn sang một bên để có thể thấy ông Anh đang được trạng sư của ông chất vấn, tay ghi những điểm chánh ông Anh đang trình bày trước tòa. Bà chánh án nhìn người viết và báo cho biết "phải rời khỏi tòa ngay tức thì". Người viết đã tuân thủ lời bà và được biết sau đó bà tuyên bố chấm dứt phiên tòa ngày hôm ấy. Nhiều người nhận xét khuôn mặt của người viết luôn luôn nở một nụ cười. Có lẽ bà chánh án có cảm tưởng là người viết không nghiêm trang tôn trọng tòa án. Là lần đầu tiên dự tòa, người viết nhận đây là điều vô tình đáng tiếc. Người viết thật buồn và biết lỗi do mình gây ra để không tái phạm trong ba ngày sau đó.
Ngày thứ năm 11/3/2010, ông Võ long Anh lại được mời lên tiếp tục làm chứng cho vụ kiện và được trạng sư hai bên chất vấn về các bằng chứng và dữ kiện. Sau đó là nhân chứng của bên đưa đơn lên làm chứng. Chứng cớ duy nhất là một biên bản do ông Trần Đức Vũ (còn được biết dưới tên Vương Thiên Vũ) viết trong cuộc họp và sau cuộc họp. Tuy vậy khi được trạng sư Cộng đồng chất vấn, ông Vũ đã không chứng minh được đây là một biên bản đáng tin cậy. Nói cách khác những lời chứng của ông không đáng tin cậy để có thể sử dụng phán xét vụ kiện. Sau này bà chánh án đã quyết định chứng cớ này không có giá trị để sử dụng trong phiên tòa.
Phía đưa đơn cũng mời một nhân chứng khác là ông Nguyễn Hải Đăng người cũng đã tham dự buổi họp ngày 15-3-2009 lên làm chứng. Ông Đăng cho biết đã không nghe ông Phong nói ông Võ Ngọc Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng. Bắt đầu buổi họp ông Phong có dùng từ tay sai, nhưng đến khi bàn thảo về việc làm của ông Võ ngọc Anh, ông Phong đã không còn dùng từ này. Vào ngày 22-03-2010, phán quyết cuối cùng của Bồi thẩm đòan đã dựa trên lời thẩm vấn của hai ông Nguyễn Thế Phong (bị đơn) và Nguyễn Hải Đăng (nhân chứng phía nguyên đơn). Các lời chứng khác đều đáng tin cậy và minh bạch, các bồi thẩm viên muốn xét thật kỹ hai lời thẩm vấn trên để đối chiếu các bằng chứng.
Sau đó đến phiên ông Phong và các nhân chứng phía Cộng Đồng được gọi lên. Tất cả đều xác nhận không một người nào nói ông Võ Ngọc Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng. Cô Mai Lan Cựu Tổng thư ký đã được chất vấn khá kỹ về biên bản của buổi họp ngày 15-3-2009, để minh xác đây là một biên bản trung thực đáng tin cậy để có thể sử dụng trong phiên tòa.
Ngày thứ sáu 19-3-2010, trạng sư hai bên tóm tắt và trình bày đến bồi thẩm đoàn nhằm thuyết phục các bồi thẩm viên mang lẽ phải về phía mình. Trạng sư bên Cộng đồng tiến sỹ Matthew Collins đã mở đầu đại khái như sau: trong những ngày qua ông đã rất vui khi đại diện cho cộng đồng một tập thể trong đó có nhiều người đã đổi sinh mạng của mình chỉ để được hưởng quyền tự do ngôn luận và hôm nay trước tòa ông đại diện cho cộng đồng này để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của họ trên nước Úc ...
Buổi sáng ngày thứ hai, 21-3-2010, đến phiên bà chánh án chính thức giải thích vai trò của người bồi thẩm viên trong việc phán xét, thủ tục để phán xét và tóm tắt cho bồi thẩm đoàn những điểm chính hai bên đương đơn và bị đơn để có thể quyết định phán xét của mình.
Sau đó các bồi thẩm đòan vào phòng thảo luận để tìm đến một phán quyết tuyệt đối cả sáu vị đều phải đồng thuận.
Sau 4 tiếng đồng hồ chờ đợi các thành viên trong cộng đồng có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu lẫn nhau. Tới phút này mọi người tham dự đều đã nhận rõ bộ mặt nổi của phiên tòa. Mọi người đều tin vào kết qủa của phiên tòa sẽ có lợi cho phía cộng đồng. Tuy nhiên mọi người đều nhận ra một điều kết quả cuối cùng sẽ là quyết định của Bồi thẩm đòan. Những người này lại gần như không có mấy hiểu biết về cộng đồng của chúng ta. Nhiều người, trong đó có người viết, chỉ còn biết dựa vào niềm tin Thượng Đế, Phật, Trời hay hồng ân Quốc Tổ cho phán xét cuối cùng.
Chừng 4 giờ chiều mọi người được mời dự lại phiên tòa để được biết các vị bồi thẩm viên cần hiểu rõ hơn là toàn câu hay chỉ một phần của câu "nói ông Võ Ngọc Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng". Bà chánh án cho biết chỉ cần một phần của câu như "tay sai cộng sản" là có thể trả lời có. Tại Úc nếu bồi thẩm đoàn trả lời có thì họ sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi kế tiếp và căn cứ trên các trả lời kế tiếp mà chánh án sẽ quyết định việc bồi thường danh dự, hay bồi thường các tổn thương về thể xác hay tinh thần và các chi phí pháp luật.
Sau đó bà chánh án hỏi bồi thẩm đoàn có cần bản chuyển âm của vụ kiện hay không? Bà trưởng Bồi thẩm đoàn cho biết cần, bà Chánh án thu xếp với các bồi thẩm đoàn trở lại ngày hôm sau lúc 9 giờ 30 phút để có được bản chuyển âm của hai ông Nguyễn thế Phong (bị đơn) và ông Nguyễn Hải Đăng (nhân chứng phía đưa đơn) để các vị này đọc lại, đối chiếu và phán xét. Ngoại trừ lời chứng của ông Trần Thiên Vũ đáng tin cậy để dùng trước tòa. Các lời chứng khác đều đáng tin cậy và minh bạch, các bồi thẩm viên chỉ muốn xét thật kỹ lời thẩm vấn của hai ông trên để đối chiếu các bằng chứng.
Lại một đêm không ngủ cho nhiều người. Thú thật đêm ấy người viết chỉ thiếp đi chưa đến một tiếng đồng hồ. Sau đó người viết đầu thì nghĩ, tay lại tiếp tục gõ bài viết này, tự tin vào phán quyết công lý, đôi khi nhìn ra sân nhà lên bầu trời mà mong nhờ hồng ân Quốc Tổ .
Sáng thứ ba 22-3-2010, chừng 11 giờ phiên tòa mở lại, sau chừng 10 phút thủ tục, sau câu hỏi của cô thư ký phiên tòa về việc ông Nguyễn Thế Phong (đại diện cộng đồng) có nói ông Võ ngọc Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng hay không? Bà trưởng bồi thẩm đoàn đã trả lời không.
Phòng xử vẫn im lặng như tờ. Khi bồi thẩm đoàn rời phòng xử, ông trạng sư Cộng đồng đứng lên xin phép nói chuyện tài chánh. Bà chánh án quay xuống phía dưới tuyên bố đại khái như sau: "như vậy là quý vị đã biết kết quả, bây giờ chỉ còn bàn về vấn đề kỹ thuật, ai muốn rời phiên tòa thì cứ rời". Lạ một điều là mọi ngồi im như cả chục ngày nay. Bà chánh án mỉm cười. Tôi nhận thấy bà rất thích thú nắm vai trò chánh án phiên tòa và cũng rất vui về phán quyết của Bồi thẩm đoàn. Xong một phiên tòa vô cùng phức tạp, một sinh viên luật đến từ Tân Tây Lan cho biết anh tham dự phiên tòa vì xứ anh chưa bao giờ xảy ra việc này, và cũng có thể tại Úc.
Trạng sư bị cáo khi ấy mới cho biết biên bản buổi họp 15-3-2009 chưa được bên nào dịch ra tiếng Anh. Ông lấy lý do trên để xin chỉ phải trả một phần chi phí pháp lý cho phía Cộng đồng. Bà chánh án cho rằng biên bản là một chứng cớ quan trọng lại không được dịch ra để cung cấp cho tòa. Để tránh phải mở lại phiên tòa khác bà cho phép bên nguyên đơn chỉ phải trả một phần chi phí pháp lý cho phía Cộng đồng.
Mọi người rời khỏi phòng xử, có đồng hương lớn tuổi đến hỏi về kết quả ông Phong mừng rỡ trả “thắng rồi chị”. Một số đồng hương tham dự phiên tòa ủng hộ ông Phong chỉ với một niềm tin tuyệt đối vào cá nhân ông Phong một người (ngay cả chỉ tuần trước đây khi phiên tòa đang diễn biến) luôn luôn tuyên bố trước công chúng “Cộng đồng Úc châu là một cộng đồng chống cộng”. Xin nhắc lại ông Nguyễn Thế Phong hiện là chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu. Người ngồi bên cạnh hôm quyết án, đi song song với người viết rời phiên xử đã nói với người viết "có lẽ việc mọi người răm rắp theo anh Phong, bà chánh án có thể nghĩ cộng đồng mình là một cộng đồng rất kỷ luật, do đó bà đã mỉm cười".
Vài bài học rút ra từ phiên tòa lịch sử này
Nếu không có một vị trạng sư tài giỏi như tiến sỹ Matthew Collins và vị luật sư tận tâm Bernard Moore chưa chắc kết quả đã được như trên. Có ngồi tòa mới thấy rõ vai trò của hai vị nói trên. Trong thời gian tới bản chuyển âm (transcript) của vụ kiện sẽ được công khai hóa đến công chúng. Lúc đó chúng ta sẽ có trong tay một tập tài liệu, một chứng cứ hùng hồn giúp cho mọi người thấy rõ trắng đen trong phiên tòa lịch sử “thành viên kiện chủ tịch cộng đồng”. Và thấy rõ khả năng đối ứng của tiến sỹ Matthew Collins, vị trạng sư của Cộng đồng.
Xuyên suốt phiên tòa, số người tham dự luôn vượt quá số ghế phòng xử án. Nhận ra điều này bà chánh án đã phải cho phép mang thêm một hàng ghế ở ngoài vào. Ngày đầu còn từ hai phía. Các ngày sau đại đa số là các thành viên cộng đồng. Nhiều đồng hương đã phải xin nghỉ việc nhiều ngày để có thể tham dự phiên tòa. Điều này nói lên sự quan tâm và đoàn kết ủng hộ Cộng Đồng. Đây là một điều vô cùng khích lệ cho những người trẻ đã và đang có ý đem tâm sức ra gánh vác Cộng Đồng.
Một bạn trẻ cũng chỉ vừa 30 tuổi, xin nghỉ để tham dự chín ngày tòa, đã tâm sự với người viết cô chưa bao giờ sinh hoạt cộng đồng. Nhưng nhờ phiên tòa cô đã hiểu thêm rất nhiều về cộng đồng, cũng nhờ phiên tòa cô biết thêm nhiều anh chị và hiểu rõ tình đồng hương trong những lúc khó khăn. Tôi tự tin sẽ gặp cô sau này trong các sinh hoạt của cộng đồng sắp tới.
Chiều thứ sáu 19/3/2010, tôi nhận thấy có 4 bạn rất trẻ có thể là sinh viên tham dự. Người viết định sau phiên tòa sẽ hỏi xem các bạn là du sinh hay con em trong cộng đồng và lý do tham dự. Nhưng các em đã vội vàng rời ngay khi phiên tòa chấm dứt. Có lẽ như tôi các em này cũng đoán ngày ấy là ngày cuối phiên tòa nên đến xem kết quả.
Phía đương đơn ông Anh trong ngày đầu còn một số thân hữu tham dự. Phiên tòa kéo dài nhiều vị không còn thấy xuất hiện hay chỉ xuất hiện giây lát rồi biến mất. Ông Anh trong những lúc nghỉ trưa thường ngồi một mình. Một đôi lần người viết đã muốn đến trò chuyện với ông. Nhưng lại sợ ông không hiểu thiện ý. Người viết biết ông nhưng chưa bao giờ nói chuyện cùng ông. (Xin ghép hình 2: Luật sư Nguyễn Bá Đại và nguyên đơn ông Võ Ngọc Anh)
Ông Anh vì đã trên 70 tuổi, theo quan sát của người viết với độ tuổi ấy một vụ kiện kéo dài đến 10 ngày đã quá sức ông có thể chịu đựng. Ngày thứ sáu 12-03-2010, sau giờ ăn trưa ông Võ Ngọc Anh xin phép bà chánh án được ra về với lý do mệt mỏi và căng thẳng trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tại Úc, nguyên đơn phải có mặt trong tòa suốt vụ kiện. Ngược lại ông Nguyễn Thế Phong còn trẻ chưa đến 50 tuổi lại được hưởng sự hỗ trợ hết mình của đồng hương vụ kiện càng kéo dài lại càng thấy vui vẻ trẻ trung hơn.
(Xin ghép hình 3: Ông Nguyễn Thế Phong đeo caravate, trạng sư tiến sỹ Mattheư Collins và luật sư Bernard đang giải thích cho đồng bào diễn biến phiên tòa)
(Xin ghép hình 4: Những nụ cười sau 10 ngày căng thẳng)
Nhờ uyên bác cả hai ngôn ngữ và kiến thức về luật pháp, ông Phong và các nhân chứng trẻ phía Cộng đồng đã góp phần không ít vào kết quả vụ kiện.
Một sự khác biệt rất lớn về tuổi tác giữa phía người đưa đơn và ủng hộ (trên dưới 70 tuổi) và những người trẻ đang gánh vác cộng đồng. Người viết cho rằng vụ án có thể xuất phát từ những xung đột giữa các thế hệ trong cộng đồng.
Các thành viên tích cực trong cộng đồng hiện tại bao gồm ba thế hệ. Thế hệ đàn anh (60-70 tuổi), thế hệ chúng tôi (40-50 tuổi) và thế hệ các bạn trẻ hơn. Mọi chuyện xẩy ra có thể phát xuất từ những bất đồng trong phương cách suy nghĩ, phương cách làm việc, phương cách ứng xử. Rồi đi dần đến việc đối đầu nhau thay vì tìm cách hòa giải vấn đề. Qua kinh nghiệm sinh hoạt cộng đồng, một số người trong thế hệ đi trước thường quy kết nhau là Việt cộng. Có lẽ cũng vì suy nghĩ bị quy kết như trên mà phía nguyên đơn mới muốn việc được giải quyết trước tòa.
Ở thế hệ người viết sự kiện này đã giảm đi rất nhiều. Ôn hòa bất bạo động và tôn trọng luật pháp là kỷ cương hàng đầu của thế hệ chúng tôi. Tìm hiểu và tôn trọng sự khác biệt giữa các thành viên trong cộng đồng là quan tâm của những người đại diện cộng đồng.
Ở thế hệ trẻ hơn 20-30 tuổi, thế hệ của những người hiện đang gánh vác đang lãnh đạo cộng đồng tại Victoria, Úc châu. Nếu ông Nguyễn thế Phong nói ông Võ ngọc Anh như trên (không bằng chứng) sẽ bị quý vị này coi thường và từ chối hỗ trợ vụ kiện tụng. Cũng cần nói thêm chỉ vài ngày trước khi chấm dứt nhiệm kỳ, tháng 8-2009, ông Phong đã ra một thông cáo báo chí khác với những bằng chứng rõ ràng về một thành viên khác. Trong những năm đầu 1990, thành viên này đã là quyền chủ tịch CĐNVTĐ tại Victoria , nay đã có những bằng chứng rõ ràng không tuân thủ Nội quy Cộng đồng. Mong sự vụ đơn gỉan chỉ là những xung đột giữa các thế hệ trong cộng đồng.
Người viết cũng nhận thấy những khó khăn mà phía cộng đồng phải gánh chịu. Các anh chị vừa phải tiếp tục duy trì mọi sinh họat cộng đồng. Năm nay, cộng đồng tại Victoria đã đưa ra một chương trình để kỷ niệm 35 năm ngày Thành lập Cộng đồng. Để hoàn tất tốt đẹp chương trình này đã khó, lại còn phải đương đầu với hai cuộc kiện tụng nói trên. Nhưng cũng nhờ thế mà mọi người tới gần nhau hơn, gát bỏ chuyện riêng tư, để cáng đáng cộng đồng qua những ngày kiện tụng. Khó khăn thường giúp chúng ta trưởng thành.
Việc có nhân viên tình báo cộng sản trực tiếp đằng sau vụ kiện này không ? là một câu hỏi ngoài khả năng người viết. Có lẽ chỉ khi chế độ cộng sản sụp đổ chúng ta mới hy vọng trả lời được câu hỏi này. Tuy nhiên như người viết đã trình bày có nhiều dấu hiệu cho thấy an ninh cộng sản đã lợi dụng sự phân hóa của cộng đồng để làm giảm uy tín, giảm sự hỗ trợ của đồng hương trong vụ kiện.
Chắc chắn rằng phải có an ninh cộng sản tại Victoria. Thí dụ như theo cuộc điều tra của báo The Age, cảnh sát liên bang Úc nghi ngờ ông Lương Ngọc Anh (không phải là ông Võ Ngọc Anh nguyên đơn) đóng vai trò trung gian chính yếu mua sắm trang bị máy móc cho Bộ Công An. Công ty Phát Triển Công Nghệ do ông Anh làm tổng giám đốc có thể chính là một công ty tư nhân thành lập với tiền của Bộ Công An và nhiều viên chức quyền thế của chế độ cộng sản Việt Nam. Ông Anh bị nghi ngờ là một nhân viên an ninh cao cấp có nhiệm vụ kiểm soát an ninh tình báo tại Úc. Ông Anh là một thường trú nhân và có công ty tại Victoria Úc Châu .
Hay theo báo Người Việt, sáng 29-10-2008, có 3 nhân viên FBI đã đến nói chuyện với các nhà báo ở Little Saigon tại quận Cam, họ đã báo động về việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gởi nhiều cán bộ tình báo sang Hoa Kỳ để thâu nhận tin tức. Với những tin tức này, cộng sản Việt Nam dùng để tuyển mộ những người làm việc có lợi cho cộng sản Việt Nam. Tại cuộc họp báo nầy, ký giả Đỗ Sơn có hỏi rằng theo FBI, “cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có những nhược điểm nào khiến cộng sản Việt Nam dễ xâm nhập ?”. Một nhân viên FBI trả lời rằng, “một trong những nhược điểm quan trọng nhất là sự chia rẽ !”
Cũng thế tại Hoa Kỳ, ngày 20.11.2008, Uỷ Ban Thẩm Định Kinh Tế và An Ninh Mỹ – Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission) của Hoa Kỳ đã trình lên Quốc Hội một bản báo cáo nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đang thực hiện chương trình tình báo đặc biệt nhắm vào hệ thống tin học của Mỹ. Bản báo cáo có phần ghi về tình trạng hiện nay Trung Cộng và phe thân Trung Cộng trong đảng Cộng sản Việt Nam và ngành an ninh Việt Nam (Tổng Cục 4) đã nhắm vào cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ và người Hoa định cư tại Mỹ để phát triển mạng lưới tình báo.
Kết
Ngay sau rời khỏi phiên tòa, người viết có dịp để nói chuyện với ông Phong, được ông cho biết “Trong vụ kiện này người thiệt hại nhiều nhất chính là cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, về tài lực cũng như về nhân lực, vì nó đã làm cho sự đòan kết và sức mạnh của cộng đồng bị sứt mẻ. Kẻ vui mừng và đắc chí chính là cộng sản Việt Nam”. Người viết hoàn toàn đồng ý với ông Phong.
Người viết nhớ lại 30-4-2009, lần đầu tiên người viết có dịp nói chuyện với ông Nguyễn Văn Bon, khi ấy là phó chủ tịch, nay là chủ tịch CĐNVTD tại Victoria, khi ông được hỏi “Bon nghĩ sao về cộng đồng của mình”. Ông Bon một người trẻ sinh sau 30-4-1975 thong thả trả lời “em nghĩ cũng như miền Nam trước đây, Việt cộng đánh riết mà mình thì không được quyền đánh trả cho đến khi hết sức chống trả thì chúng chiếm miền Nam”. Lúc ấy tôi nghĩ ông Bon nói đúng thực tế nhưng hơi bi quan.
Một năm qua tôi biết thêm về ông Bon. Ông không phải là một người bi quan. Ngược lại ông Bon đã chuyển cho người viết một tín hiệu các cuộc tấn công Cộng đồng Hải ngoại sẽ chỉ chấm dứt khi Việt Nam trở thành một quốc gia tự do dân chủ. Và muốn làm được điều này chỉ có một phương cách duy nhất là những người, những hội đòan đảng phái yêu chuộng tự do trong và ngoài nước phải liên kết, đồng thuận phương cách đấu tranh, phân công tác, dồn tổng lực để mang lại tự do và dân chủ cho Việt Nam – Quê hương của chúng ta.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
24/3/2010
__________________________________________
Về Nghị Hội Người Việt Tòan Thế Giới tại Úc Châu: Trả Lời Ông Hữu Nguyên Chủ Bút Saigon Times.
Nguyễn Quang Duy
Lời mở đầu
Hai mươi tám năm trên đất khách quê người tôi luôn luôn gắn bó với các cộng đồng tiểu bang nơi sinh sống (Tasmania, Canberra và Victoria) và liên bang Úc Châu nên cảm thấy có trách nhiệm trả lời bài "Suy nghĩ về Bài trả lời phỏng vấn Saigon Times của Ông Võ Minh Cương", phần số 5 “Quyết Nghị của CĐNVTĐ Liên Bang Úc châu” của ông Hữu Nguyên (HN) chủ bút Saigon Times (số thứ năm ngày 11/3/2010). Trong bài viết này ông Hữu Nguyên đã cố tình gán ghép cho hầu hết các vị đại diện tiểu bang và liên bang là đảng viên đảng Việt Tân, rồi Việt tân Hóa Cộng Đồng với dụng ý xấu. Ông cũng bịa đặt một số chuyện về tôi. Ông lại còn cho biết chờ đợi sự lên tiếng của tôi để “đính chính” những điều hòan tòan sai lạc do ông đưa ra. Nhưng khi tôi gởi bài viết đến Saigon Times thì ông Hữu Nguyên đã từ chối đăng.
Bài này nội dung đựơc giữ nguyên chỉ được sửa lại đôi chỗ để nhờ cậy đăng trên các cơ quan ngôn luận khác. Xin quý cơ quan ngôn luận cho phổ biến bài cậy đăng này để độc giả, thính giả được sáng tỏ hai vấn đề. Thứ nhất giải thích nguyên nhân ông Hữu Nguyên đã có những suy nghĩ riêng tư về việc Việt Tân hóa Cộng đồng. Thứ hai, minh xác ông Hữu Nguyên lời bịa đặt, tôi Nguyễn Quang Duy không phải là đảng viên đảng Việt Tân.
Là một nhà báo tự do, tôi luôn luôn trân quý độc gỉa. Nhưng do việc hành xử thiếu đạo đức nhà báo của ông Hữu Nguyên, mong nhờ bà con thông báo nhau tôi sẽ không có thời giờ đọc hay viết trả lời những gì do Saigon Times viết về cá nhân tôi. Xin thành thật cám ơn.
Việt Tân Hóa Cộng Đồng
Ông chủ bút Saigon Times cho rằng: "chúng tôi nghi ngờ những vị sau đây là đảng viên đảng VT: Đoàn Công Chánh Phú Lộc (Chủ tịch Nam Úc), Lê Công (Chủ tịch Canberra), Bùi Trọng Cường (Chủ tịch QLD), Phạm Lê Hoàng Nam (Chủ tịch Tây Úc). Chúng tôi cũng nghi ngờ những vị sau đây có thể là đảng viên hoặc là thân hữu của VT: Nguyễn Thế Phong (Chủ tịch Liên Bang), Nguyễn Văn Bon (Chủ tịch VIC), Lê Tấn hiện (Chủ tịch Bắc Úc). "
Cuối phần thứ 5 của bài viết ông chủ bút cho biết "... độc giả tại VIC cho biết, NQD là đảng viên quan trọng của đảng VT..." NQD là tôi, Nguyễn Quang Duy.
Chủ trương Cộng Đồng là cộng tác trong tinh thần tương kính và đoàn kết. Khi được đồng hương tín nhiệm giao trách nhiệm đại diện, để chu tòan nhiệm vụ, người đại diện cộng đồng trở thành thân hữu của tất cả Hội Đòan, Đòan Thể, Đảng phái, Tổ Chức trong cộng đồng.
Cộng đồng chúng ta là một cộng đồng chống cộng. Người đại diện lúc nào cũng phải sẵn sàng tổ chức các cuộc biểu tình chống các phái đòan cộng sản hay văn hóa vận. Người đại diện lúc nào cũng cần có một lực lựơng chống cộng, có tổ chức, có năng lực và kiến thức để có thể chu tòan nhiệm vụ đã được cộng đồng giao phó. Vì thế người đại diện luôn gần gũi hơn với các tổ chức như Hội Cựu Quân Nhân, Hậu Duệ, Liên Minh Quang Phục Việt Nam, Phục Hưng hay đảng Việt Tân. Những tổ chức này, vừa có thực lực, vừa là lực lượng tiên phong sẵn sàng gánh vác trách nhiệm bảo vệ bức tường thành chống cộng luôn bị đánh phá.
Còn nếu ông chủ bút cho rằng các người đại diện hiện nay là đảng viên đảng Việt Tân thì ông cần phải có bằng chứng cụ thể để chứng minh, chứ đừng dùng thể nghi vấn bắt người bị cáo buộc phải trả lời. Người làm chủ tịch cộng đồng tình nguyện, có trăm chuyện và luôn luôn đặt mình túc trực để đáp ứng với những vấn đề nan giải của cộng đồng. Họ không có thì giờ để cứ lo trả lời những nghi vấn của báo Saigon Times.
Lại nữa tất cả đồng hương đang sinh sống tại Úc châu qua các thông cáo báo chí đều đã được chính thức mời tham dự Đại Hội Cộng Đồng Liên Bang. Dầu không tham dự Đại Hội ông Hữu Nguyên cho rằng "Ngoài ra, tại Đại Hội còn nhiều nhân vật khác là thân hữu hoặc là đảng viên (có thẻ đảng hoặc không có thẻ đảng) của đảng VT." để từ đó dẫn đến kết luận "... cộng đồng liên bang đang bị Việt Tân Hoá!". Những suy diễn và kết luận của ông Hữu Nguyên, trong thực chất đã có dụng ý của nó, tôi sẽ phân tích ở phần sau.
Bốn năm trước Saigon Times đưa vấn đề phân hóa nội bộ Việt Tân lên diễn đàn. Vài số đầu tôi hòan tòan đồng ý, đó là vai trò của thông tin báo chí. Nay lại đến chuyện gán ghép “Việt Tân hoá Cộng Đồng” cho những người đang gánh vác cộng đồng là xúc cảm cá nhân không đứng đắn.
Trong lúc này chúng ta, những người tự coi mình là chống cộng, phải cần dẹp việc riêng tư sang một bên để dồn tổng lực đánh đổ thành trì độc tài của đảng cộng sản giành lại quyền tự quyết cho dân tộc. Không làm được những điều như trên, thì cũng xin đừng công kích lẫn nhau chỉ tạo hoang mang cho những đồng hương ít tham dự những sinh họat cộng đồng và sinh họat đấu tranh.
Khi đọc xong bài viết của ông chủ bút Hữu Nguyên, tôi cảm thấy buồn cho tổ chức mà ông Hữu Nguyên xưa nay công khai hổ trợ. Buồn vì trong tương lai khi tổ chức này muốn thăm viếng Úc châu hay có công tác nào cần khai triển ở Úc châu sẽ không gặp thuận tiện vì ông đã công khai tuyên bố không bằng chứng trên báo chí "Việt Tân hóa Cộng Đồng". Ngay cả các vị đại diện cộng đồng có bỏ qua, nhưng các thành viên tích cực của cộng đồng cũng khó lòng chấp nhận những câu văn thái quá mà ông chủ bút đã gán ghép cho họ.
Đại Hội lần thứ 19 của CĐNVTĐ Liên Bang Úc Châu và Quyết Nghị Đại Hội
Mỗi hai năm Cộng Đồng cấp Liên Bang đều tổ chức Đại Hội. Tất cả đồng hương đang sinh sống tại Úc châu, qua các thông báo báo chí, đều được chính thức mời tham dự Đại Hội.
Trước kỳ Đại Hội các cá nhân các tổ chức chính trị thường vận động để có tiếng nói trong kỳ Đại Hội. Có tiếng nói là có cơ hội để đóng góp ý kiến xây dựng và được sự chấp nhận như một công tác của Cộng đồng ở cả cấp Liên Bang lẫn Tiểu Bang. Ban chấp hành cấp Liên bang đương nhiệm chịu trách nhiệm chọn lọc những tiếng nói thích hợp và những ý kiến khả thi để đưa vào Đại Hội qua các bài thuyết trình. Tòan Đại Hội quyết định việc gì nên được đưa vào Quyết Nghị. Đại Hội đề cử và biểu quyết một vài nhân sỹ hay đại diện đứng ra sọan Quyết Nghị. Tòan Đại Hội thông qua Quyết Nghị. Tân Ban chấp hành Cộng Đồng Liên Bang có bổn phận phải thi hành Quyết Nghị.
Vì vậy mọi Quyết Nghị của Cộng Đồng Liên Bang là tâm huyết và viễn kiến của rất nhiều thành viên. Trong tinh thần sinh họat dân chủ và mở rộng đến mọi đồng hương cư ngụ tại Úc châu, các Quyết Nghị đều thể hiện nhu cầu trung hạn và trường kỳ của công cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản.
Biết rất rõ điều trên nên ông chủ bút Saigon Times mới đặt ra chuyện "Nhìn vào những người có thẩm quyền thông qua bản Quyết Nghị đó, chúng tôi thực sự nghi ngờ có sự lũng đoạn của đảng Việt Tân." rồi gán ghép cho hầu hết đại diện các tiểu bang và tham dự viên là đảng viên đảng Việt Tân.
Đại Hội lần thứ 19 của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu đã diễn ra vào ngày 07 và 08 tháng 6 năm 2008 tại thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland. Xin xem phần tham khảo để nắm được tòan văn Quyết Nghị Đại Hội.
Điều 1 của Quyết Nghị:
Điều 1. Tái khẳng định lập trường:
. Không chấp nhận độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam.
. Không tiếp xúc, không đối thoại, không thoả hiệp, không hoà hợp, hoà giải với tập đoàn CSVN, khi nào họ vẫn còn duy trì độc quyền cai trị đất nước.
. Tiếp tục công tác ngoại vận nhằm hổ trợ các phong trào đòi dân chủ, tự do trong nước; phong trào công đoàn độc lập; các phong trào đòi tài sản và bồi thường của các tôn giáo và dân oan tại Việt Nam.
Điều 1 này chỉ nhằm tái khẳng định lập trường xưa nay của cộng đồng chúng ta. Xin quý vị đọc lại điều 1, xem nội dung có ý nào nói đến việc "hòa hợp hòa giải với cộng sản" như ông chủ bút Hữu Nguyên đã cố tình gán ghép.
Quyết Nghị lần này chỉ là tiếp nối của các Quyết Nghị trước đây. Trong đó có Quyết Nghị có chữ ký của tôi, đại diện Canberra và Úc châu (chủ tịch Canberra và phó chủ tịch ngọai vụ Úc Châu). Các Quyết Nghị này đã nói rất rõ cộng đồng của chúng ta không chấp nhận điều 4 Hiến Pháp do đảng cộng sản Việt Nam vẽ ra để duy trì độc quyền chính trị, và do đó Cộng Đồng quyết tâm đấu tranh để dẹp bỏ điều này.
Gần đây, ngày 27/8/2007 tại Tổng cục Chính trị Quân đội Cộng sản, còn gọi là Tổng Cục 4 một cơ quan do tình báo Trung Cộng trực tiếp chỉ đạo, Chủ tịch nhà nước cộng sản Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố: “… bỏ Điều 4 hiến pháp ... đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát,…” Tiếng nói của ông Triết là tiếng nói chính thức của đảng cộng sản. Việc ông Triết công khai cảnh giác về đòi hỏi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp trước thành phần lãnh đạo quân đội cho thấy ngay trong nội bộ quân đội cộng sản đã có những thách thức về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản, cũng như những đòi hỏi đảng cộng sản phải bỏ Điều 4 Hiến pháp, và việc này đã làm cho giới cầm quyền lo sợ.
Như đã trình bày bên trên mỗi Quyết Nghị là tâm huyết và viễn kiến của rất nhiều thành viên. Do đó mỗi đồng hương (thành viên) trong cộng đồng của chúng ta đều có quyền hãnh diện chúng ta đã tiên kiến điều 4 là điểm tự sát của chế độ cộng sản Việt Nam.
Điều 5 của Quyết Nghị:
Điều 5 ghi rõ "Ban Chấp Hành Cộng Đồng Liên Bang nhiệm kỳ 2008-2010 sẽ nghiên cứu việc tổ chức một Nghị Hội của các cộng đồng người Việt tự do trên toàn thế giới." và Đại Hội đã chính thức ủy thác ông Võ Minh Cương trách nhiệm nghiên cứu, vận động và tổ chức Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới này.
Tôi không tham dự Đại Hội lần thứ 19. Nhưng trước Đại Hội tôi có vận động, tham dự bàn thảo về Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới để được đưa vào điều 5 của Bản Quyết Nghị. Và sau Đại Hội trong gần hai năm qua đã cùng làm việc với ông Võ Minh Cương.
Ông chủ bút Saigon times còn tự hỏi "'... Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới” viết hoa của VMC trong bài viết của NQD, do CĐ NVTD tổ chức vào tháng 11 năm nay và cái gọi là “Hội Nghị Người Việt Nam Toàn Thế Giới” do VC tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 2009 có gì khác biệt, ngoài việc đảo lộn chữ “Hội Nghị” thành “Nghị Hội”? "' Một người đã quá sức quan tâm đến Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới tại Úc châu như ông chủ bút tại sao không tự hỏi "cái nào được thông báo trước ?".
Vào tháng 6/2009, khi nghe tin đảng cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Hội Nghị của chúng tại Hà Nội tháng 11/2009, khiến chúng tôi nghĩ rằng đảng cộng sản đã bị động trước Quyết Nghị Đại Hội 19 của CĐNVTD tại Úc Châu. Và vì bị động đảng cộng sản đã phải tổ chức vội vã cái Hội Nghị của chúng.
Nếu để tâm theo dõi cũng vì Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới tại Úc châu đang được vận động và chuẩn bị tổ chức, cộng sản đã tăng cường đánh phá cộng đồng Úc châu trong thời gian qua.
Theo ông Hữu Nguyên: "được biết, hiện tại đảng VT đang tìm cách móc nối mời mọc một số nhân vật, hội đoàn, đoàn thể, tổ chức, chính đảng… có uy tín và có tên tuổi tại hải ngoại tham gia “Nghị Hội” được dự định sẽ tổ chức vào cuối năm nay." Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu không phải là một hội kín. Quyết Nghị Đại Hội đã được chính thức Thông Báo đến đồng hương, các tổ chức hội đòan trong cộng đồng gần 2 năm nay. Ông chủ bút đã tham dự buổi ra mắt báo chí Quyết Nghị 19 của Đại Hội Cộng Đồng Liên Bang Úc Châu tại Sydney như chính ông cho biết.
Nếu đúng như lời ông Hữu Nguyên cho biết thì đây không phải là chuyện lạ, việc tổ chức Nghị Hội là một công tác công khai của cộng đồng, là một công việc chung, các tổ chức các cá nhân đã tình nguyện tiếp tay thay vì còn chờ đợi Ban tổ chức liên lạc. Điều này đã chứng tỏ Nghị Hội đáp ứng được mong đợi của nhiều thành phần trong cộng đồng. Cá nhân tôi xin kêu gọi các tổ chức trong cộng đồng hãy tiếp tay với chúng tôi để Nghị Hội có thể thành công và chúng ta có thể dồn tổng lực đánh đổ bạo quyền Việt cộng giành lại tự do, dân chủ cho đồng bào hiện còn đang bị kềm tỏa trong lao tù Việt cộng.
NQD là đảng viên quan trọng của đảng VT
Tôi đấu tranh chính trị chống cộng. Lẽ đương nhiên tôi không thể hoạt động đơn độc một mình. Ngay sau ngày mất nước cũng như suốt thời gian còn ở trong nước, mẹ tôi và tôi, đã gia nhập một tổ chức đấu tranh chống cộng sản Việt Nam. Một số thân hữu của chúng tôi hiện đang cư ngụ tại Úc Châu và Hoa Kỳ.
Ra hải ngọai, khi đọc Cương lĩnh Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do chiến hữu Hoàng Cơ Minh lãnh đạo. Tôi đã tự tìm đến, sinh hoạt với anh chị em và sau đó xin gia nhập Mặt Trận.
Dầu vậy tôi có cách nhìn và hành động riêng. Khi cộng sản loan tin chiến hữu Hoàng cơ Minh hy sinh, nếu có ai hỏi tôi trả lời :
"chọn đấu tranh là chọn hy sinh điều tôi quan tâm là tổ chức có còn tồn tại và tiếp tục con đường Đề Đốc Hòang cơ Minh đã vạch ra hay không ?".
Hay việc lễ tưởng niệm chiến sỹ Trần văn Bá, nếu ai hỏi tôi đều trả lời:
"với tôi anh Trần văn Bá là một vị anh hùng dân tộc và nếu ai đó muốn kêu gọi cá nhân tôi cộng tác để tổ chức lễ tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc tôi sẵn sàng cộng tác và coi việc cộng tác này là một vinh dự cho cá nhân tôi."
Khi lên Canberra học tiếp tôi đã sinh hoạt công khai với cơ sở Mặt Trận tại đây. Năm 1989, tôi tham gia bên cạnh các sinh viên Trung Hoa để hỗ trợ và thâu đạt những kinh nghiệm đấu tranh từ Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ Trung Hoa. Cùng thời gian các du sinh Việt Nam cho tôi biết sinh viên trong nước cũng biểu tình và cần liên kết. Tôi đề xướng kêu gọi anh chị em thanh niên sinh viên gia nhập Phong Trào Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Tranh Đấu. Đến nay tôi vẫn giữ liên lạc với nhiều anh chị em trong Phong Trào. Tôi cũng là thành viên sáng lập Liên Minh Việt Nam Tự Do và là hội viên Hội Chuyên Gia.
Sau đó, tôi được đề cử và được đồng hương Canberra tín nhiệm bầu ra làm đại diện (hai nhiệm kỳ). Tâm niệm của tôi là Tổ Quốc trên hết. Sống ở hải ngoại cộng đồng là một tổ quốc nhỏ của tôi. Tôi luôn luôn đặt cộng đồng bên trên tổ chức Mặt Trận. Tôi quan niệm Mặt Trận cũng chỉ là một tổ chức quần chúng đấu tranh trong giai đọan.
Trong sinh họat cộng đồng tôi chưa bao giờ hành sử thiên vị Mặt Trận. Bất cứ một tổ chức chính trị khi muốn tổ chức biểu tình tại Canberra, nhờ tổ chức gặp gỡ đồng hương hay chính giới Úc, tôi đều hỗ trợ hết khả năng của mình. Sở dĩ tôi phải trình bầy ngọn nguồn như trên, chỉ để làm sáng tỏ sinh họat chính trị và cộng đồng của tôi.
Tôi tự tin rằng trong thời gian tôi đại diện cho cộng đồng Canberra, là lúc sinh họat cộng đồng Canberra có nhiều dấu hiệu chung sức, đoàn kết, gắn bó ... để xây dựng sức mạnh Cộng Đồng. Tết, Tết Trung Thu đa số đồng hương tham dự. Mọi sinh họat đều thu hút hàng trăm đồng hương cùng góp công góp sức. Thâm tâm tôi luôn luôn cám ơn mọi đóng góp, không có đóng góp của các thành viên nêu trên tôi đã không hòan tất được nhiệm vụ. Tôi là sáng lập viên và hiệu trưởng trường Việt Ngữ cho đến ngày rời Canberra (1994).
Để thực hiện điều trên, chính là vì tôi luôn luôn biết đặt cộng đồng trên tổ chức. Nhờ đó tôi đã học được một bài học cho cá nhân tôi “cần độc lập với các tổ chức chính trị”. Từ khi về sống tại Melbourne 1994 tôi không còn sinh hoạt với Mặt trận. Đến nay tôi vẫn xem các anh chị em sinh họat trong Mặt Trận là chiến hữu. Tôi vô cùng đau buồn khi thấy sự phân hóa của tổ chức Việt Tân.
Người đại diện cộng đồng có quyền sinh họat với các tổ chức chính trị hay được các tổ chức chính trị đề cử để tranh cử. Điều cần bàn là khi họ đại diện cộng đồng họ có làm điều gì mâu thuẫn quyền lợi cộng đồng hay thiên vị cho tổ chức chính trị họ sinh họat hay không. Chúng ta đang sống tại Úc một quốc gia dân chủ nên cố gắng gạn lọc điều hay lẽ phải trong sinh họat chính trị của xứ này.
Nhờ hoạt động chính trị tôi đã được nhiều đảng phái chính trị kêu gọi gia nhập tổ chức của họ. Mặc dù tạm coi là một thân hữu kỳ cựu của Việt Tân, cho đến nay tôi vẫn chưa được Việt Tân ngỏ ý hay kêu gọi tham gia. Họ đã biết câu trả lời của tôi để không tốn thì giờ vô ích. Nói trắng ra việc ông Hữu Nguyên quy kết tôi “NQD là đảng viên quan trọng của đảng VT” chỉ vì thói quen đã trở thành chuyên nghiệp.
Với các đảng phái khác tôi đã thẳng thắn trả lời vì muốn được độc lập tôi không muốn tham gia các tổ chức chính trị. Tôi viết bài đưa lên báo lên mạng, tôi cần sự độc lập, trong hành động và trong quan điểm chính trị của mình trước vận mệnh của Tổ Quốc.
Ngày 08/4/2006, Khối 8406 được thành lập từ trong nước. Sau khi đọc cương lĩnh Khối tôi thiết nghĩ có khả năng giúp anh chị em trong nước nên đã tự nguyện xin gia nhập. Khối là một tổ chức quần chúng đấu tranh chống bạo quyền cộng sản. Trong cách nhìn cá nhân, Khối 8406 cũng có thể xem như một Cộng Đồng Người Việt Tự Do Quốc Nội, có ban đại diện và thành viên bao gồm nhiều người từ nhiều tổ chức chính trị khác nhau. Khối cũng chủ trương đấu tranh công khai, ôn hòa, bất bạo động. Trong thời gian gần đây (2009) Khối 8406 phát triển ra hải ngọai. Các anh chị trong Khối đã liên lạc với tôi để cùng sinh họat.
Tôi và ông Hòang Ngọc Tuấn
Ông Hữu Nguyên đã viết về tôi như sau: “Tôi được thấy ông lần đầu tại TTVH & SHCĐ trong dịp CĐNSW họp bàn về cuộc biểu tình phản đối Casula Powerhouse vào đầu năm 2009. Khi Sàigòn Times có những bài viết đóng góp với ông Hoàng Ngọc-Tuấn, ông NQD có gửi cho chúng tôi một, hai bài phê phán HNT. Thấy bài viết tương đối tích cực, nên chúng tôi cho đăng trên Diễn Đàn SGT. Nhưng những bài viết sau đó của ông lại chuyển hướng, có vẻ mời gọi ông HNT tham gia cộng đồng, nên chúng tôi đã không đăng.” Trong lời viết của ông Hữu Nguyên có rất nhiều điểm không đúng sự thật.
Mười lăm năm về trước (1995) trong một Hội Nghị do Cộng đồng NVTD tại NSW tổ chức, tôi đã thuyết trình về đề tài với nội dung Truyền Thông Mạng Tòan Cầu sẽ đánh đổ chế độ độc tài cộng sản. Nhìn ra điều này tôi đã sớm gia nhập cộng đồng mạng.
Ngay khi ông Hoàngg Ngọc Tuấn đưa lên mạng bài phỏng vấn về cuộc triển lãm Nambang gây dư luận mạng bất lợi cho cộng đồng, tôi đã sớm lên tiếng. Do là tuần báo, Sàigòn Times sau đó ít ngày cũng có những bài viết đóng góp với ông Hoàng Ngọc-Tuấn. Ngay khi đưa lên mạng tôi đã gởi những bài viết của tôi đến các cơ quan truyền thông Úc châu. Saigon Times có đăng lại hai bài tôi viết trong số báo này.
Tôi đã viết 6 bài liên quan đến cuộc triển lãm Nambang đưa lên mạng và một bài tôi viết riêng cho báo Việt Luận. Bài viết này tôi quyết định không đưa lên mạng vì chủ yếu viết cho đồng hương trong cộng đồng tại Úc châu.
Ngay bài đầu tiên tôi đã kết luận rất rõ ràng: "Tôi theo dõi kỹ lần biểu tình vừa qua, tôi không nghe, không thấy ai hô hào hay viết lách gì mà nêu tên Hoàng Ngọc-Tuấn hay chống đối ông, mặc dù qua quảng cáo, ai cũng biết ông có tham gia, hỗ trợ cho Ban Tổ chức triển lãm. Vậy thì cớ gì ông lại đứng về phía Ban Tổ chức triển lãm trách móc lung tung mà không ngồi lại đối thoại?" Bài này đã được đăng trên Saigon Times.
Nhận vai trò đại diện cho cộng đồng, chúng tôi luôn luôn chủ trương công khai, ôn hòa, đối thoại và tôn trọng luật pháp. Vì chịu trách nhiệm trước đồng hương và trong vai trò người làm việc cộng đồng, tôi không thể làm gì khác hơn kêu gọi ông Hòang ngọc Tuấn đối thoại với Ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại NSW.
Việc Saigon Times tiếp tục "mở hồ sơ" ông Hòang Ngọc Tuấn là quyền của tờ báo. Đăng các bài viết sau này của tôi hay không cũng là quyền của tờ báo. Tôi cũng theo dõi kỹ Saigon Times nên đã phát hiện ra một điều là tên tôi đã được sử dụng cho một thơ độc giả, nói rõ hơn thơ này không do tôi viết.
Nhờ ôn hòa và tôn trọng ông Tuấn, ngày nay tôi có thêm một người bạn trong cộng đồng mạng: anh Hòang Ngọc Tuấn. Mặc dù chưa một lần gặp gỡ, chúng tôi vẫn thường hay chia sẻ nỗi vui buồn trong công cuộc đấu tranh chung. Chúng tôi đã nhận rõ sự khác biệt, tôn trọng lẫn nhau và nhận ra một việc mà cả hai chúng tôi cần phải làm là mang lại tự do dân chủ cho đồng bào trong nước.
Các bài viết khác của tôi
Trong vòng năm sáu năm nay tôi đã phổ biến cả trăm bài viết trên mạng tòan cầu. Trong vòng năm qua tôi có gởi bài viết đến một số báo giấy tại Úc châu. Một số báo tại Hoa Kỳ, Canada và Âu châu liên lạc yêu cầu được đăng. Một số bài cũng được các các đài phát thanh như Viễn Xứ, Hậu Duệ, Hoa Mai, Khối 8406,... phát thanh đến đồng bào trong và ngoài nước. Tôi sử dụng tên thật viết bài để sẵn sàng chịu trách nhiệm về các bài viết của tôi. Tôi quan niệm viết để chia sẻ đến bạn đọc, người nghe nên sẵn sàng chấp nhận việc các bài viết của tôi được phổ biến rộng rãi (không giữ bản quyền). Tôi cũng sẵn sàng đón nhận những ý kiến góp ý nếu có.
Trước đây tôi có gởi bài viết đến Saigon times và vì không cùng cách nhìn cách suy nghĩ cách lập luận với ông chủ bút nên các bài viết không được đăng. Không chỉ riêng Saigon Times, tôi cũng gởi và có bài đăng trên cho báo Nhân Quyền, Nam Úc Thời Báo, Dân Việt và Việt Luận ... và nhiều cơ quan truyền thông khác ngòai Úc châu.
Việc ông Hữu Nguyên cho rằng các bài viết của tôi: "... có nội dung cố tình khuấy động lòng thù hận của người Việt với Trung Quốc, để người đọc không thấy được kẻ thù nguy hiểm, ngay trước mắt cần phải tiêu diệt là bè lũ CSVN bán nước và lũ tay sai cò mồi, nên chúng tôi không đăng những bài viết này của ông." Hầu hết các bài viết của tôi đều đã được đăng trên Việt Luận. Việc không dựa trên những bài viết của tôi để tranh luận lại sử dụng báo Saigon Times tuyên bố như trên thì đã có độc giả khách quan đánh giá.
Kết
Trước 1975, khi còn quân còn đất nước, cha anh chúng tôi còn đưa ra chính sách chiêu hồi. Qua hồi ký ông Hữu Nguyên viết tôi nhận ra rằng nếu không có chính sách chiêu hồi và nếu không có người hạ sỹ quan khuyên ông Hữu Nguyên khai xin hưởng chính sách hồi chánh với chính quyền Quốc Gia, thay vì là tù binh, thì chưa chắc cộng đồng Úc châu của chúng ta có được một Hữu Nguyên chủ bút của Saigon Times.
Ngày nay những người đại diện, người làm việc cộng đồng như chúng tôi, không quyền lực, không quyền lợi, chỉ với tấm lòng là chính, chúng tôi đã cùng đồng hương tại Úc giữ vững thành trì Úc Châu nhờ nắm vững phương châm thêm bạn bớt thù mà hành động.
Trong tình hình hiện tại đảng cộng sản đang rối lọan đang hỏang sợ vì cái mà họ gọi là “diễn biến hòa bình” hay “tự diễn biến”. Hai cụm từ trên để diễn tả sự thách thức độc quyền chính trị của đảng cộng sản. Việc gì sẽ xảy ra thật khó biết trước, để chủ động đòi hỏi các cá nhân các đòan thể cần liên kết, đồng nhất phương cách đấu tranh và phân công tác. Nhu cầu trên không nằm ngòai mục tiêu của Nghị Hội. Để từ đó mọi người Việt yêu chuộng tự do trên tòan thế giới dồn tổng lực tấn công đánh đổ chế độ độc tài cộng sản. Phương châm thêm bạn bớt thù sẽ luôn luôn là kim chỉ nam hướng dẫn chúng tôi.
Xin cám ơn qúy vị đã đọc bài viết này và xin đánh giá một cách khách quan. Cũng xin quý vị đồng lòng hổ trợ Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới tại Úc châu để chúng ta có thể dồn tổng lực mang lại dân chủ và tự do cho đồng bào Quốc nội.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
24/3/2010
Tài Liệu Tham Khảo
QUYẾT NGHỊ: ĐẠI HỘI LẦN THỨ 19 CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỰ DO LIÊN BANG ÚC CHẤU (toàn văn)
Đại Hội lần thứ 19 của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu đã diễn ra vào ngày 07 và 08 tháng 6 năm 2008 tại thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, với sự tham dự của các đại diện các Ban Chấp Hành CĐNVTD Liên Bang, các tiểu bang NSW, Victoria, Queensland, Nam Úc, Tây Úc, các Lãnh Thổ ACT, Bắc Úc và thành phố Wollongong. Sau khi bàn thảo, Đại Hội đã đồng thuận và đưa ra những quyết định như sau:
1. Tái khẳng định lập trường:
. Không chấp nhận độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam.
. Không tiếp xúc, không đối thoại, không thoả hiệp, không hoà hợp, hoà giải với tập đoàn CSVN, khi nào họ vẫn còn duy trì độc quyền cai trị đất nước.
. Tiếp tục công tác ngoại vận nhằm hổ trợ các phong trào đòi dân chủ, tự do trong nước; phong trào công đoàn độc lập; các phong trào đòi tài sản và bồi thường của các tôn giáo và dân oan tại Việt Nam.
2. Độc lập với các tổ chức chính trị, các Hội Đoàn Đoàn thể, cộng tác trong tinh thần tương kính và đoàn kết.
3. Đại Hội quan tâm đến tình trạng lao động của người Việt Nam hiện đang làm việc tại hải ngoại và lên án hành động vô trách nhiệm của chế độ Cộng Sản Việt Nam trong việc xuất cảng mà không bảo vệ được người lao động.
4. Đại Hội tích cực hỗ trợ những công tác của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (được thành lập tại Ba Lan vào năm 2006).
5. Ban Chấp Hành Cộng Đồng Liên Bang nhiệm kỳ 2008-2010 sẽ nghiên cứu việc tổ chức một Nghị Hội của các cộng đồng người Việt tự do trên toàn thế giới.
6. Để đối phó với nguy cơ cắt giảm các nguồn tài trợ từ chính phủ, Ban Chấp Hành các CĐNVTD tại các địa phương sẽ nỗ lực nghiên cứu những phương cách để tiến dần đến tình trạng có thể tự túc về mặt tài chánh.
7. Nghiên cứu và tìm mọi phương cách để khuyến khích giới trẻ tham gia thêm vào các cơ chế Cộng Đồng cũng như những sinh hoạh chung.
8. Tiểu bang Victoria sẽ phụ trách tổ chức Đại Hội lần thứ 20 của CĐNVTDLB Úc Châu vào năm 2010.
Brisbane ngày 08 tháng 6 năm 2008
. CT/BCH/CĐNVTD/Úc Châu: Ông Nguyễn Thế Phong
. CT/BCH/CĐNVTD/NSW: LS Võ Trí Dũng
. PCT/BCH/CĐNVTD/VIC : Ông Nguyễn Văn Bon
. CT/BCH/CĐNVTD/NamÚc:ÔngĐCChánh Phú Lộc
. CT/BCH/CĐNVTD/Tây Úc: Ông Phạm L.H Nam
. CT/BCH/CĐNVTD/ACT: Ông Lê Công
. CT/BCH/CĐNVTD/Wollongong: Cô Trần Hương Thủy
. CT/BCH/CĐNVTD/Bắc Úc: Ông Lê Tấn Thiện
. CT/BCH/CĐNVTD/Queensland: BS Bùi Trọng Cường
Lần đầu tiên trong lịch sử tỵ nạn cộng sản Việt Nam một chủ tịch cộng đồng ông Nguyễn Thế Phong (chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Victoria - Úc châu nhiệm kỳ 2007-2009) đã bị một thành viên ông Võ Ngọc Anh (tự là Võ Long Ẩn, Chủ tịch Hội Thiện Chí Tỵ Nạn Việt Nam) mời hầu tòa Trung Thẩm Victoria (County Court). Ông Anh thưa ông Phong với tội danh phỉ báng vì trong phiên họp Cộng Đồng ngày 15-3-2009 ông Nguyễn Thế Phong đã nói ông Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng.
Vụ xử đã liên tục 10 ngày từ thứ tư 10/3/2010 đến ngày thứ ba 22/3/2010. Toà án đã phán xử ông cựu chủ tịch Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Victoria Nguyễn Thế Phong đã hành xử đúng vai trò được cộng đồng giao phó và đã không nói như ông Võ Ngọc Anh đã kiện.
Thiết nghĩ đây là một bài học chung cho người Việt hải ngọai, người viết xin không đi vào chi tiết vụ kiện, cố gắng trong khả năng trình bày đến bạn đọc xa gần những sự việc chung quanh vụ kiện nói trên.
Lý do vụ kiện
Ngày 16-2-2009, CĐNVTD-VIC có tổ chức một cuộc biểu tình phản đối cuộc triển lãm quảng cáo du lịch Việt Nam “Impressive Vietnam” tại Crown Casino. Nhiều thành viên cộng đồng quan tâm việc Crown Casino sẽ trở thành một trung tâm văn hóa vận cho cộng sản Việt Nam nên đề nghị Ban Chấp Hành Cộng đồng tổ chức cuộc biểu tình này. (Xin ghép Hình 1: Cuộc biểu tình “Impressive Vietnam ” tại Crown Casino)
Người viết có tham dự cuộc biểu tình và có một kỷ niệm nhỏ khó quên. Trong cuộc biểu tình, khi phát truyền đơn và giải thích đến khách vào chơi Casino, người viết có nói chuyện với một cựu chiến binh Úc đã chiến đấu tại Việt Nam đến từ Queensland. Sau đó người viết mời ông John tham dự cuộc biểu tình và phát biểu cảm tưởng của ông về việc Úc tham chiến tại Việt Nam . (Xin ghép Hình 1036: Người đội nón tay cầm cờ là người viết, bên cạnh là chủ tịch Hội Cựu Quân Nhân ông Nguyễn Việt Long và người cựu chiến binh Úc ông John)
Vài tuần sau người viết nhận được Thông cáo Cộng đồng mời tham dự một phiên họp đặc biệt ngày 15-3-2009 để nghe tường trình về việc một thành viên đã điện thọai đến Crown Casino cho tin sai lạc về mục đích của cuộc biểu tình nói trên. Người viết không tham dự cuộc họp này. Nhưng sau đó có nhận được thông cáo báo chí kết quả cuộc họp.
Chỉ ít lâu sau có tin đồn là trong buổi họp ông Võ Ngọc Anh đã bị ông Nguyễn Thế Phong quy kết là Việt cộng, bị Việt cộng mua chuộc với dụng tâm đánh phá cộng đồng. Người viết đã liên lạc với một số vị có tham dự buổi họp để kiểm chứng và mọi người đều trả lời không có chuyện trên.
Sau đó ít lâu vào cuối tháng 5-2009, người viết lại nhận được thông báo cho biết ông Võ Ngọc Anh đã kiện ông chủ tịch Nguyễn thế Phong tội phỉ báng vì đã nói ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng.
Người Việt tại Úc châu khi bị người khác gán ghép là Việt cộng hay cộng sản thì đúng là một sự phỉ bang, một sự mạ lỵ không thể chấp nhận được.
Một vụ kiện Cộng Đồng khác
Vào tháng 6, một thông cáo khác cho biết ông Võ Ngọc Anh lại đứng đơn kiện cáo buộc CDNVTD-VIC do ông Nguyễn Thế Phong làm chủ tịch đã “tham lũng” công quỹ của cộng đồng. Cùng đứng chung đơn kiện với ông Anh còn có hai ông Nguyễn Thanh Hùng và ông Nguyễn Như Long.
Ngừơi viết vừa từ một tiểu bang khác dọn về Melbourne Victoria sinh sống nên không gần gũi lắm với ông cựu chủ tịch Nguyễn thế Phong. Tuy nhiên vẫn thầm phục chỉ trong vòng vài năm, ông là đầu tầu đã vận động và xây dựng được ngôi Đền Thờ Quốc Tổ. Đền Thờ Quốc Tổ là tên đồng hương tại Victoria gần gũi và trang trọng đặt cho. Còn tên chính thức là Trung Tâm Di Sản Văn Hóa Việt Nam .
Lần đầu người viết đến Đền Thờ Quốc Tổ để tham dự lễ tri ân một chiến sỹ Úc hy sinh tại Việt Nam vừa được cải táng. Bên tay phải của bàn thờ Quốc Tổ là bàn thờ các chiến sỹ Úc đã hy sinh tại Việt Nam. Người viết rất cảm phục sự sâu sắc của những người đã xây dựng đền thờ để con cháu không quên tổ tiên và những ân nhân đã bỏ mình chiến đấu cho miền Nam tự do. Thật đúng với văn hóa Việt vốn trọng ân trọng nghĩa.
Người viết không phải chỉ cảm phục ông Phong mà còn chân thành cám ơn nhiều người đã đồng lòng để xây dựng đền thờ. Trong đó có những người đang đưa, hay ủng hộ việc đưa, ông Phong ra tòa.
Nhưng rồi những bất đồng nội bộ đã xảy ra và mỗi ngày một thêm căng thẳng. Rồi báo chí địa phương đưa tin và dư luận hoang mang về việc sử dụng tài chánh xây dựng đền thờ và chi thu Cộng đồng.
Khách quan nhận xét thì việc tài chánh đều có sổ sách và báo cáo đến Chính Phủ, báo cáo trong các Đại Hội Thường Niên Cộng Đồng đến mọi đồng hương. Cũng theo nội quy mọi chi tiêu trên $500 Úc kim cần có chữ ký của ông chủ tịch Hội Đồng Tư Vấn Giám Sát, nay chính ông lại đứng về phía những người thưa kiện để đưa Cộng đồng ra hầu tòa. Thật là khó hiểu.
Ngay khi vấn đề được đưa lên báo chí, một ban Kiểm tra Tài Chính đã được các tổ chức trong Cộng Đồng đề cử để xem lại sổ sách kế tóan. Kết quả không tìm thấy điều gì sai sót.
Ngày 12-2-2010, việc cáo buộc CDNVTĐ-VIC “tham lũng” tiền công qũy của cộng đồng đã không đựơc tòa sơ thẩm xét xử. Tòa cho rằng đây chỉ là tranh chấp nội bộ không thuộc phận sự của tòa án. Tòa quyết định đưa sự vụ xuống Trung Tâm Giải Quyết Các Tranh Chấp (Dispute Center) để hai bên tìm cách hòa giải vấn đề.
Trong một cuộc phỏng vấn gần nhất với đài 2VNR, tân chủ tịch ông Nguyễn văn Bon cho biết phía Cộng đồng đã đưa ra tất cả hồ sơ sổ sách kế toán nhưng phía đứng đơn đòi Cộng đồng phải làm lại kiểm toán hàng chục năm về trước. Theo ông Bon đây là đòi hỏi không thể chấp nhận được vì hằng năm Cộng đồng đã có kiểm toán độc lập.
Hơn thế nữa trong mọi phiên họp với bên nguyên đơn, cũng như trong buổi họp ở Trung Tâm Giải Quyết các Tranh Chấp, luật sư Cộng đồng đã nói là hồ sơ tài chánh kế toán của Cộng đồng lúc nào cũng sẵn có để cho bên nguyên đơn nghiên cứu. Trước phiên tòa ngày 12-02-2009, bên nguyên đơn đã gởi một kế toán viên đến xem xét và nghiên cứu các hồ sơ này. Nếu bên nguyên đơn muốn thực hiện kiểm toán lại những hồ sơ tài chánh này thì họ cứ tiến hành, tuy nhiên chi phí kiểm toán phải do bên nguyên đơn trả.
Chính trị hóa vấn đề
Thế rồi việc Đền thờ Quốc Tổ lại lan sang việc đấu tranh chống văn hóa vận cộng sản, trong khi đồng hương biểu tình phản đối cuộc triển lãm “Impressive Vietnam” tại Crown Casino như đã tường trình bên trên.
Gần đến các ngày biểu tình thì hằng ngàn tờ A3 với hình ông Nguyễn Thế Phong và những lời cáo buộc được âm thầm dán khắp các khu vực đông người Việt sinh sống tại Melbourne. Lần biểu tình gần đây nhất, riêng người viết đã tự tay cạo xé trên 20 tấm tại khu Footscray. Nhiều người khác bất bình cũng đã tiếp tay cạo xé. Nhưng có cạo mấy hiện tại các khu đông người Việt sinh sống vẫn còn những dấu tích nham nhở do những kẻ “ném đá dấu tay” gây ra.
Rồi trên báo mạng Công An Nhân Dân, giữa tháng 3-2009, có bài viết xuyên tạc CĐNVTĐ tại Úc châu. Cá nhân ông Nguyễn Thế Phong bị mang ra bôi nhọ, những điều chẳng khác gì nội dung tờ cáo buộc tại khu Footscray. Cũng cần biết ông Nguyễn thế Phong hiện là chủ tịch Cộng Đồng người Việt tự do tại Úc Châu. Bài viết cũng đề cao 3 thành viên đã bất đồng trong việc xây dựng Đền Thờ Quốc Tổ. Không hiểu vì sao bài viết được gỡ xuống chỉ sau ít ngày trên mạng báo Công An Nhân Dân.
Ban Chấp Hành Mới
Tháng 9-2009, nhiệm kỳ ông Nguyễn Thế Phong thụ lý chấm dứt. Trước đó CĐNVTĐ tại Victoria đã tổ chức một cuộc bầu cử. Mọi đồng hương sinh sống tại Victoria đều được quyền tham gia ứng cử và bầu cử. Đa số các thành viên trong Tân Ban Chấp Hành vừa đắc cử đều chỉ trên dưới 30 tuổi. Người viết biết được các bạn trẻ nhận ra nỗi bất công nên đã dấn thân gánh vác cộng đồng trong cơn thử thách pháp lý. Thật đáng ngưỡng phục.
Ông Nguyễn văn Bon, tân chủ tịch CĐ đã thông báo đến đồng hương như sau: “Chúng tôi một lần nữa khẳng định rằng: Ông Nguyễn Thế Phong và Ban Chấp Hành do ông lãnh đạo đã hành xử đúng với những gì Nội Quy CÐNVTD-VIC đòi hỏi và cho phép trong cương vị Chủ tịch của mình.”
Bên cạnh đó là một Ủy Ban Pháp Lý đã được thành lập do cô Nguyễn Lê Thanh Trúc làm chủ tịch. Cô Thanh Trúc cũng chỉ vừa hơn 30 tuổi. Cô đã tuyên bố như sau: "Ủy Ban Pháp Lý không phải chỉ bảo vệ pháp lý cho ông Nguyễn Thanh Phong, Ủy Ban sẽ bảo vệ pháp lý cho bất cứ thành viên nào thực hiện đúng nội quy của cộng đồng mà phải lâm vào vòng pháp lý". Người viết rất cảm phục câu xác quyết trên.
Để đối phó với Nghị Quyết 36, cộng sản sẽ tung tiền ra để các thành viên tích cực của cộng đồng phải bị kiện tụng. Do đó nếu không được hỗ trợ tài chính thì khó có thể nói đến công lý và công bằng. Tại Úc châu hiện đang có một cao trào kiện tụng: nhà sư kiện nhà báo, nhà sư kiện đệ tử, cá nhân kiện cá nhân về những việc có liên quan đến sinh họat cộng đồng ... Có xác quyết như cô Thanh Trúc thì mới có người tiếp tục sẵn sàng dấn thân gánh vác, phục vụ cộng đồng.
Theo lời khuyên của luật sư, trước khi tòa án phán quyết, ông Nguyễn Thế Phong và các anh chị em trẻ trong tân Ban Chấp Hành phải cố gắng không làm một điều gì có thể gây bất lợi cho vụ kiện. Trong khi ấy như một chiến dịch đã đựơc tung ra, nhiều câu hỏi được đặt ra qua các điện thơ, qua diễn đàn một số báo chí, thơ nặc danh được gởi đến một số Hội Đoàn, Đoàn Thể, các cáo buộc được liên tục dán trong những khu đông người Việt ... nếu trả lời hay lên tiếng sẽ có thể vướng mắc các ràng buộc luật pháp. Việc phía Cộng Đồng từ chối trả lời lại gây thêm nhiều câu hỏi từ phía công luận tạo ảnh hưởng bi quan đến đồng hương và ngay cả một số thành viên hết lòng với cộng đồng.
Người viết quan niệm khi tòa án chưa xét xử thì ông Nguyễn thế Phong vẫn hoàn toàn vô tội, ông đã làm đúng Nội quy Cộng đồng và có thiện chí hòa giải nội bộ nhưng việc đã không xong.
Người viết còn phải đứng về phía Cộng đồng vì nếu bị thua kiện sự việc sẽ trở thành một tiền lệ gây khó khăn cho các cộng đồng hải ngoại.
Thêm vào đó người viết cảm thấy có một trách nhiệm rất nặng bắt buộc phải chia sẻ với những người trẻ đã được đồng hương tín nhiệm bầu ra. Nếu không sát cánh với những người trẻ đang nhận lãnh trọng trách sẽ không còn thế hệ tiếp nối để gánh vác việc chung.
Tại Tòa Trung Thẩm
Do không thể thu xếp nghỉ được người viết chỉ có thể thu xếp để dự ngày đầu (thứ Tư 10-3) và ngày cuối. Thế nhưng ngày cuối như dự định là ngày thứ sáu 19-3, đã kéo dài thêm 2 ngày nữa (thứ hai 22-3 và thứ ba 23-3-2010). Như vậy người viết tham dự 4 trên 10 ngày xét xử.
Bài học đầu tiên đã ra tòa thì không thể nào đoán được ngày cuối. Ngay chính bà chánh án người nắm luật và điều hành toàn bộ phiên tòa cũng không ngờ được những chuyện xảy ra ở phút cuối.
Ngày đầu phiên tòa, thứ Tư 10-3-2010, phòng xử án hôm đó đã không đủ ghế ngồi, có một số người phải ngồi chung ghế, một số người phải đứng và một số ngồi ở bên ngoài. Đa số người tham dự là các thành viên ủng hộ Cộng đồng, việc này có lẽ ngoài ước tính của mọi người.
Việc đông đảo đồng hương tham dự là kết quả của một cuộc họp trước đó vài ngày (6/3/2010). Mặc dù trời Melbourne mưa đá và ngập lụt trên 40 người tham dự cuộc họp này. Mọi người đều đồng ý bốn điều.
- Thứ nhất, đây không phải là việc riêng của ông Phong hay của Tân BCH CĐ nên phải tìm mọi cách để có đủ tiền trang trải án phí cho phiên tòa và phải sửa soạn tinh thần vì vụ án có thể còn kéo dài.
Thứ hai, cần phải có trạng sư giỏi nếu không phần thắng lại càng nghiêng về phía bên kia. Khi đâm đơn thưa lẽ đương nhiên phía đưa đơn đã nắm được hay ít nhất tự tin là nắm được phần thắng.
Thứ ba, đã bị thưa thì thắng thua là quyết định của tòa, Cộng đồng cố gắng làm những gì có thể làm tốt nhất. Và cuối cùng cần kêu gọi bà con tham dự phiên tòa để hỗ trợ tinh thần cho ông Phong nói riêng và cho Ban Chấp hành Cộng Đồng nói chung.
Tại Úc các bồi thẩm viên sẽ lắng nghe hai bên và các nhân chứng. Sau đó họ được chánh án hướng dẫn về luật pháp để có thể phán quyết vụ án. Các bồi thẩm viên sẽ dựa trên những bằng chứng những dữ kiện từ đương đơn, bị đơn và nhân chứng áp dụng vào luật pháp để phán xét vụ kiện. Vai trò bồi thẩm đoàn do đó vô cùng quan trọng.
Tiếp theo, trạng sư hai bên trình bày sơ khởi vụ kiện. Bên phía đưa đơn cho rằng việc ông Phong triệu tập cuộc họp ngày 15/3/2010, tổ chức cuộc họp và thông cáo kết quả cuộc họp đến báo chí, hội đoàn, đoàn thể nằm trong một chiến dịch (campaign) nhắm đến cá nhân nguyên đơn ông Võ Ngọc Long. Trạng sư Cộng Đồng bác bỏ điều này cho rằng đây chỉ là những thủ tục cần thiết theo đúng nội quy cộng đồng. Bà chánh án đồng ý tuyên bố đây chỉ là những phương cách ứng xử (code of conduct).
Trên là điểm chính trong toàn vụ kiện. Nếu xem là một chiến dịch có thể dẫn đến việc cá nhân ông Phong vì một vấn gì đó với ông Anh và tìm cách để phỉ báng ông Anh là cộng sản. Trong khi nếu xem đây là chỉ là những phương cách ứng xử thì lời ông Nguyễn văn Bon tuyên bố là đúng: "Ông Nguyễn Thế Phong và Ban Chấp Hành do ông lãnh đạo đã hành xử đúng với những gì Nội Quy CÐNVTĐ-VIC đòi hỏi và cho phép trong cương vị Chủ tịch của mình.” Nghĩa là mặc dù ông Anh đứng đơn kiện cá nhân ông Phong, nhưng vụ kiện chính là ông Anh đã kiện toàn thể cộng đồng. Ông Phong đã thực hiện các việc trên để thực thi bổn phận mà cộng đồng đã giao cho ông. Do đó ông Anh đã kiện những đồng hương mà ông Nguyễn thế Phong đại diện.
Trạng sư bên phía Cộng đồng cũng nhấn mạnh đến những từ ngữ liên quan đến từ cộng sản (communist). Như đã trình bày phía bên trên do đương đơn kiện ông Nguyễn Thế Phong đã tuyên bố ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng. Để tránh trường hợp trạng sư bên ông Anh chứng minh rằng ông Phong đã "ám chỉ" ông Anh như trên. Về phía Cộng đồng mọi người biết rất rõ đây chỉ là những điều vu cáo không có bằng chứng cụ thể. Suốt phiên tòa, từ ngữ “cộng sản” đã trở thành trọng tâm của vụ kiện.
Cũng cần nói ngày thứ tư tuần lễ kế tiếp 17-3-2010, ông Nguyễn thế Phong được tòa mời lên làm chứng về những cáo buộc. ông Phong đã phải giải thích rõ ràng cho câu hỏi bà quan tòa về sự khác biệt giữa 2 từ ngữ "làm lợi cho cộng sản" (benefiting communist) và "tay sai cộng sản" (communist henchman). Ông phong cũng giải thích từ "phá họai" trong tiếng Việt chỉ nghĩa là làm giảm tiềm năng (undermining) chứ không phải là phá vỡ hay phá đổ (sabotage) như phía đưa đơn đã dùng.
Tiếp đến ông Võ Ngọc Anh đã được mời lên để làm chứng trước tòa mọi dữ kiện đưa đơn. Ông Anh cho biết ông là một cựu sỹ quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Sau năm 1975, ông bị tù cải tạo và sau đó bị đuổi đi vùng kinh tế mới. Ông đến Úc và từ lâu đã tham dự các sinh họat cộng đồng. Ông là Chủ tịch Hội Thiện Chí Tỵ Nạn Việt Nam ...
Ông cho biết theo lời kêu gọi của ông Nguyễn thế Phong, ông tham dự một cuộc biểu tình tại Dallas Brook Hall ( Duyên Dáng Việt Nam ) với trên 3,000 người tham dự. Ông cho biết cuộc biểu tình đã xảy ra xô sát (sự thực là một người đàn bà bị ngất xỉu vì trời hôm đó quá nóng, và một cậu bé đã bị an ninh của cộng sản đánh khi em vào bên trong hội trường và hô to các khẩu hiệu "Freedom for Vietnam", "Democracy for Vietnam", "Human Rights for Vietnam"). Ông cũng cho biết không tham dự nhưng tới xem ba đêm biểu tình tại nhà hàng Đại Dương vào tháng 6-2008.
Ông cho biết trước ngày 16-02-2009, ông và bốn người bạn có ý định vào ngày này sẽ đến nhà hàng tại Crown Casino dùng bữa. Ông lên website Ánh Dương và biết đựơc có cuộc biểu tình. Các bạn ông đề nghị ông gọi điện thoại đến nơi này để xem nhà hàng có mở cửa hay không? Ông gọi lại và nhân viên giữ máy có thể không hiểu ông nói gì nên đã ghi sai những điều ông đã nói về lý do cuộc biểu tình. (Theo ghi chú từ nhân viên giữ cuộc biểu tình chỉ do một nhóm người Việt chống việc cờ bạc. Đây chính là lý do ông Nguyễn Thế Phong triệu tập cuộc họp.)
Ông Anh cho biết ông không tham dự cuộc họp ngày 15-3- 2009. Nhưng có một số người đã gọi điện thọai báo cho ông rằng trong cuộc họp ông Phong tuyên bố ông là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng. Như vậy bằng chứng của ông Anh có thể chỉ từ các nhân chứng tham dự cuộc họp nói trên.
Theo ông Anh việc khép ông như trên là một phỉ bang danh dự cá nhân ông. Theo ông khi bị khép như trên người bị khép có thể gặp vấn đề với các thành viên khác trong cộng đồng. Tại các quốc gia Tây Phương khác người bị khép như vậy còn bị tấn công. Vì thế ông đã phải ngủ qua đêm tại các nhà người quen bạn bè ... Trong thời gian qua ông bị suy thoái tinh thần, ăn ngủ không được ...
Một chuyện đáng tiếc đã xẩy ra. Gần 4 giờ chiều, bà chánh án đột nhiên lên tiếng đại khái "đây không phải là chỗ giải trí để ngồi mà mỉm cười, nếu quý vị không thể ngồi thẳng lên, thì xin mời quý vị rời khỏi phiên tòa". Người viết giật mình biết bà chánh án nói về mình, vì người viết ngồi trong góc nghiêng mình hẳn sang một bên để có thể thấy ông Anh đang được trạng sư của ông chất vấn, tay ghi những điểm chánh ông Anh đang trình bày trước tòa. Bà chánh án nhìn người viết và báo cho biết "phải rời khỏi tòa ngay tức thì". Người viết đã tuân thủ lời bà và được biết sau đó bà tuyên bố chấm dứt phiên tòa ngày hôm ấy. Nhiều người nhận xét khuôn mặt của người viết luôn luôn nở một nụ cười. Có lẽ bà chánh án có cảm tưởng là người viết không nghiêm trang tôn trọng tòa án. Là lần đầu tiên dự tòa, người viết nhận đây là điều vô tình đáng tiếc. Người viết thật buồn và biết lỗi do mình gây ra để không tái phạm trong ba ngày sau đó.
Ngày thứ năm 11/3/2010, ông Võ long Anh lại được mời lên tiếp tục làm chứng cho vụ kiện và được trạng sư hai bên chất vấn về các bằng chứng và dữ kiện. Sau đó là nhân chứng của bên đưa đơn lên làm chứng. Chứng cớ duy nhất là một biên bản do ông Trần Đức Vũ (còn được biết dưới tên Vương Thiên Vũ) viết trong cuộc họp và sau cuộc họp. Tuy vậy khi được trạng sư Cộng đồng chất vấn, ông Vũ đã không chứng minh được đây là một biên bản đáng tin cậy. Nói cách khác những lời chứng của ông không đáng tin cậy để có thể sử dụng phán xét vụ kiện. Sau này bà chánh án đã quyết định chứng cớ này không có giá trị để sử dụng trong phiên tòa.
Phía đưa đơn cũng mời một nhân chứng khác là ông Nguyễn Hải Đăng người cũng đã tham dự buổi họp ngày 15-3-2009 lên làm chứng. Ông Đăng cho biết đã không nghe ông Phong nói ông Võ Ngọc Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng. Bắt đầu buổi họp ông Phong có dùng từ tay sai, nhưng đến khi bàn thảo về việc làm của ông Võ ngọc Anh, ông Phong đã không còn dùng từ này. Vào ngày 22-03-2010, phán quyết cuối cùng của Bồi thẩm đòan đã dựa trên lời thẩm vấn của hai ông Nguyễn Thế Phong (bị đơn) và Nguyễn Hải Đăng (nhân chứng phía nguyên đơn). Các lời chứng khác đều đáng tin cậy và minh bạch, các bồi thẩm viên muốn xét thật kỹ hai lời thẩm vấn trên để đối chiếu các bằng chứng.
Sau đó đến phiên ông Phong và các nhân chứng phía Cộng Đồng được gọi lên. Tất cả đều xác nhận không một người nào nói ông Võ Ngọc Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng. Cô Mai Lan Cựu Tổng thư ký đã được chất vấn khá kỹ về biên bản của buổi họp ngày 15-3-2009, để minh xác đây là một biên bản trung thực đáng tin cậy để có thể sử dụng trong phiên tòa.
Ngày thứ sáu 19-3-2010, trạng sư hai bên tóm tắt và trình bày đến bồi thẩm đoàn nhằm thuyết phục các bồi thẩm viên mang lẽ phải về phía mình. Trạng sư bên Cộng đồng tiến sỹ Matthew Collins đã mở đầu đại khái như sau: trong những ngày qua ông đã rất vui khi đại diện cho cộng đồng một tập thể trong đó có nhiều người đã đổi sinh mạng của mình chỉ để được hưởng quyền tự do ngôn luận và hôm nay trước tòa ông đại diện cho cộng đồng này để bảo vệ quyền tự do ngôn luận của họ trên nước Úc ...
Buổi sáng ngày thứ hai, 21-3-2010, đến phiên bà chánh án chính thức giải thích vai trò của người bồi thẩm viên trong việc phán xét, thủ tục để phán xét và tóm tắt cho bồi thẩm đoàn những điểm chính hai bên đương đơn và bị đơn để có thể quyết định phán xét của mình.
Sau đó các bồi thẩm đòan vào phòng thảo luận để tìm đến một phán quyết tuyệt đối cả sáu vị đều phải đồng thuận.
Sau 4 tiếng đồng hồ chờ đợi các thành viên trong cộng đồng có nhiều cơ hội hơn để tìm hiểu lẫn nhau. Tới phút này mọi người tham dự đều đã nhận rõ bộ mặt nổi của phiên tòa. Mọi người đều tin vào kết qủa của phiên tòa sẽ có lợi cho phía cộng đồng. Tuy nhiên mọi người đều nhận ra một điều kết quả cuối cùng sẽ là quyết định của Bồi thẩm đòan. Những người này lại gần như không có mấy hiểu biết về cộng đồng của chúng ta. Nhiều người, trong đó có người viết, chỉ còn biết dựa vào niềm tin Thượng Đế, Phật, Trời hay hồng ân Quốc Tổ cho phán xét cuối cùng.
Chừng 4 giờ chiều mọi người được mời dự lại phiên tòa để được biết các vị bồi thẩm viên cần hiểu rõ hơn là toàn câu hay chỉ một phần của câu "nói ông Võ Ngọc Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng". Bà chánh án cho biết chỉ cần một phần của câu như "tay sai cộng sản" là có thể trả lời có. Tại Úc nếu bồi thẩm đoàn trả lời có thì họ sẽ tiếp tục trả lời các câu hỏi kế tiếp và căn cứ trên các trả lời kế tiếp mà chánh án sẽ quyết định việc bồi thường danh dự, hay bồi thường các tổn thương về thể xác hay tinh thần và các chi phí pháp luật.
Sau đó bà chánh án hỏi bồi thẩm đoàn có cần bản chuyển âm của vụ kiện hay không? Bà trưởng Bồi thẩm đoàn cho biết cần, bà Chánh án thu xếp với các bồi thẩm đoàn trở lại ngày hôm sau lúc 9 giờ 30 phút để có được bản chuyển âm của hai ông Nguyễn thế Phong (bị đơn) và ông Nguyễn Hải Đăng (nhân chứng phía đưa đơn) để các vị này đọc lại, đối chiếu và phán xét. Ngoại trừ lời chứng của ông Trần Thiên Vũ đáng tin cậy để dùng trước tòa. Các lời chứng khác đều đáng tin cậy và minh bạch, các bồi thẩm viên chỉ muốn xét thật kỹ lời thẩm vấn của hai ông trên để đối chiếu các bằng chứng.
Lại một đêm không ngủ cho nhiều người. Thú thật đêm ấy người viết chỉ thiếp đi chưa đến một tiếng đồng hồ. Sau đó người viết đầu thì nghĩ, tay lại tiếp tục gõ bài viết này, tự tin vào phán quyết công lý, đôi khi nhìn ra sân nhà lên bầu trời mà mong nhờ hồng ân Quốc Tổ .
Sáng thứ ba 22-3-2010, chừng 11 giờ phiên tòa mở lại, sau chừng 10 phút thủ tục, sau câu hỏi của cô thư ký phiên tòa về việc ông Nguyễn Thế Phong (đại diện cộng đồng) có nói ông Võ ngọc Anh là cộng sản, là tay sai cộng sản và đánh phá cộng đồng hay không? Bà trưởng bồi thẩm đoàn đã trả lời không.
Phòng xử vẫn im lặng như tờ. Khi bồi thẩm đoàn rời phòng xử, ông trạng sư Cộng đồng đứng lên xin phép nói chuyện tài chánh. Bà chánh án quay xuống phía dưới tuyên bố đại khái như sau: "như vậy là quý vị đã biết kết quả, bây giờ chỉ còn bàn về vấn đề kỹ thuật, ai muốn rời phiên tòa thì cứ rời". Lạ một điều là mọi ngồi im như cả chục ngày nay. Bà chánh án mỉm cười. Tôi nhận thấy bà rất thích thú nắm vai trò chánh án phiên tòa và cũng rất vui về phán quyết của Bồi thẩm đoàn. Xong một phiên tòa vô cùng phức tạp, một sinh viên luật đến từ Tân Tây Lan cho biết anh tham dự phiên tòa vì xứ anh chưa bao giờ xảy ra việc này, và cũng có thể tại Úc.
Trạng sư bị cáo khi ấy mới cho biết biên bản buổi họp 15-3-2009 chưa được bên nào dịch ra tiếng Anh. Ông lấy lý do trên để xin chỉ phải trả một phần chi phí pháp lý cho phía Cộng đồng. Bà chánh án cho rằng biên bản là một chứng cớ quan trọng lại không được dịch ra để cung cấp cho tòa. Để tránh phải mở lại phiên tòa khác bà cho phép bên nguyên đơn chỉ phải trả một phần chi phí pháp lý cho phía Cộng đồng.
Mọi người rời khỏi phòng xử, có đồng hương lớn tuổi đến hỏi về kết quả ông Phong mừng rỡ trả “thắng rồi chị”. Một số đồng hương tham dự phiên tòa ủng hộ ông Phong chỉ với một niềm tin tuyệt đối vào cá nhân ông Phong một người (ngay cả chỉ tuần trước đây khi phiên tòa đang diễn biến) luôn luôn tuyên bố trước công chúng “Cộng đồng Úc châu là một cộng đồng chống cộng”. Xin nhắc lại ông Nguyễn Thế Phong hiện là chủ tịch Cộng đồng Người Việt Tự Do tại Úc châu. Người ngồi bên cạnh hôm quyết án, đi song song với người viết rời phiên xử đã nói với người viết "có lẽ việc mọi người răm rắp theo anh Phong, bà chánh án có thể nghĩ cộng đồng mình là một cộng đồng rất kỷ luật, do đó bà đã mỉm cười".
Vài bài học rút ra từ phiên tòa lịch sử này
Nếu không có một vị trạng sư tài giỏi như tiến sỹ Matthew Collins và vị luật sư tận tâm Bernard Moore chưa chắc kết quả đã được như trên. Có ngồi tòa mới thấy rõ vai trò của hai vị nói trên. Trong thời gian tới bản chuyển âm (transcript) của vụ kiện sẽ được công khai hóa đến công chúng. Lúc đó chúng ta sẽ có trong tay một tập tài liệu, một chứng cứ hùng hồn giúp cho mọi người thấy rõ trắng đen trong phiên tòa lịch sử “thành viên kiện chủ tịch cộng đồng”. Và thấy rõ khả năng đối ứng của tiến sỹ Matthew Collins, vị trạng sư của Cộng đồng.
Xuyên suốt phiên tòa, số người tham dự luôn vượt quá số ghế phòng xử án. Nhận ra điều này bà chánh án đã phải cho phép mang thêm một hàng ghế ở ngoài vào. Ngày đầu còn từ hai phía. Các ngày sau đại đa số là các thành viên cộng đồng. Nhiều đồng hương đã phải xin nghỉ việc nhiều ngày để có thể tham dự phiên tòa. Điều này nói lên sự quan tâm và đoàn kết ủng hộ Cộng Đồng. Đây là một điều vô cùng khích lệ cho những người trẻ đã và đang có ý đem tâm sức ra gánh vác Cộng Đồng.
Một bạn trẻ cũng chỉ vừa 30 tuổi, xin nghỉ để tham dự chín ngày tòa, đã tâm sự với người viết cô chưa bao giờ sinh hoạt cộng đồng. Nhưng nhờ phiên tòa cô đã hiểu thêm rất nhiều về cộng đồng, cũng nhờ phiên tòa cô biết thêm nhiều anh chị và hiểu rõ tình đồng hương trong những lúc khó khăn. Tôi tự tin sẽ gặp cô sau này trong các sinh hoạt của cộng đồng sắp tới.
Chiều thứ sáu 19/3/2010, tôi nhận thấy có 4 bạn rất trẻ có thể là sinh viên tham dự. Người viết định sau phiên tòa sẽ hỏi xem các bạn là du sinh hay con em trong cộng đồng và lý do tham dự. Nhưng các em đã vội vàng rời ngay khi phiên tòa chấm dứt. Có lẽ như tôi các em này cũng đoán ngày ấy là ngày cuối phiên tòa nên đến xem kết quả.
Phía đương đơn ông Anh trong ngày đầu còn một số thân hữu tham dự. Phiên tòa kéo dài nhiều vị không còn thấy xuất hiện hay chỉ xuất hiện giây lát rồi biến mất. Ông Anh trong những lúc nghỉ trưa thường ngồi một mình. Một đôi lần người viết đã muốn đến trò chuyện với ông. Nhưng lại sợ ông không hiểu thiện ý. Người viết biết ông nhưng chưa bao giờ nói chuyện cùng ông. (Xin ghép hình 2: Luật sư Nguyễn Bá Đại và nguyên đơn ông Võ Ngọc Anh)
Ông Anh vì đã trên 70 tuổi, theo quan sát của người viết với độ tuổi ấy một vụ kiện kéo dài đến 10 ngày đã quá sức ông có thể chịu đựng. Ngày thứ sáu 12-03-2010, sau giờ ăn trưa ông Võ Ngọc Anh xin phép bà chánh án được ra về với lý do mệt mỏi và căng thẳng trước sự ngỡ ngàng của mọi người. Tại Úc, nguyên đơn phải có mặt trong tòa suốt vụ kiện. Ngược lại ông Nguyễn Thế Phong còn trẻ chưa đến 50 tuổi lại được hưởng sự hỗ trợ hết mình của đồng hương vụ kiện càng kéo dài lại càng thấy vui vẻ trẻ trung hơn.
(Xin ghép hình 3: Ông Nguyễn Thế Phong đeo caravate, trạng sư tiến sỹ Mattheư Collins và luật sư Bernard đang giải thích cho đồng bào diễn biến phiên tòa)
(Xin ghép hình 4: Những nụ cười sau 10 ngày căng thẳng)
Nhờ uyên bác cả hai ngôn ngữ và kiến thức về luật pháp, ông Phong và các nhân chứng trẻ phía Cộng đồng đã góp phần không ít vào kết quả vụ kiện.
Một sự khác biệt rất lớn về tuổi tác giữa phía người đưa đơn và ủng hộ (trên dưới 70 tuổi) và những người trẻ đang gánh vác cộng đồng. Người viết cho rằng vụ án có thể xuất phát từ những xung đột giữa các thế hệ trong cộng đồng.
Các thành viên tích cực trong cộng đồng hiện tại bao gồm ba thế hệ. Thế hệ đàn anh (60-70 tuổi), thế hệ chúng tôi (40-50 tuổi) và thế hệ các bạn trẻ hơn. Mọi chuyện xẩy ra có thể phát xuất từ những bất đồng trong phương cách suy nghĩ, phương cách làm việc, phương cách ứng xử. Rồi đi dần đến việc đối đầu nhau thay vì tìm cách hòa giải vấn đề. Qua kinh nghiệm sinh hoạt cộng đồng, một số người trong thế hệ đi trước thường quy kết nhau là Việt cộng. Có lẽ cũng vì suy nghĩ bị quy kết như trên mà phía nguyên đơn mới muốn việc được giải quyết trước tòa.
Ở thế hệ người viết sự kiện này đã giảm đi rất nhiều. Ôn hòa bất bạo động và tôn trọng luật pháp là kỷ cương hàng đầu của thế hệ chúng tôi. Tìm hiểu và tôn trọng sự khác biệt giữa các thành viên trong cộng đồng là quan tâm của những người đại diện cộng đồng.
Ở thế hệ trẻ hơn 20-30 tuổi, thế hệ của những người hiện đang gánh vác đang lãnh đạo cộng đồng tại Victoria, Úc châu. Nếu ông Nguyễn thế Phong nói ông Võ ngọc Anh như trên (không bằng chứng) sẽ bị quý vị này coi thường và từ chối hỗ trợ vụ kiện tụng. Cũng cần nói thêm chỉ vài ngày trước khi chấm dứt nhiệm kỳ, tháng 8-2009, ông Phong đã ra một thông cáo báo chí khác với những bằng chứng rõ ràng về một thành viên khác. Trong những năm đầu 1990, thành viên này đã là quyền chủ tịch CĐNVTĐ tại Victoria , nay đã có những bằng chứng rõ ràng không tuân thủ Nội quy Cộng đồng. Mong sự vụ đơn gỉan chỉ là những xung đột giữa các thế hệ trong cộng đồng.
Người viết cũng nhận thấy những khó khăn mà phía cộng đồng phải gánh chịu. Các anh chị vừa phải tiếp tục duy trì mọi sinh họat cộng đồng. Năm nay, cộng đồng tại Victoria đã đưa ra một chương trình để kỷ niệm 35 năm ngày Thành lập Cộng đồng. Để hoàn tất tốt đẹp chương trình này đã khó, lại còn phải đương đầu với hai cuộc kiện tụng nói trên. Nhưng cũng nhờ thế mà mọi người tới gần nhau hơn, gát bỏ chuyện riêng tư, để cáng đáng cộng đồng qua những ngày kiện tụng. Khó khăn thường giúp chúng ta trưởng thành.
Việc có nhân viên tình báo cộng sản trực tiếp đằng sau vụ kiện này không ? là một câu hỏi ngoài khả năng người viết. Có lẽ chỉ khi chế độ cộng sản sụp đổ chúng ta mới hy vọng trả lời được câu hỏi này. Tuy nhiên như người viết đã trình bày có nhiều dấu hiệu cho thấy an ninh cộng sản đã lợi dụng sự phân hóa của cộng đồng để làm giảm uy tín, giảm sự hỗ trợ của đồng hương trong vụ kiện.
Chắc chắn rằng phải có an ninh cộng sản tại Victoria. Thí dụ như theo cuộc điều tra của báo The Age, cảnh sát liên bang Úc nghi ngờ ông Lương Ngọc Anh (không phải là ông Võ Ngọc Anh nguyên đơn) đóng vai trò trung gian chính yếu mua sắm trang bị máy móc cho Bộ Công An. Công ty Phát Triển Công Nghệ do ông Anh làm tổng giám đốc có thể chính là một công ty tư nhân thành lập với tiền của Bộ Công An và nhiều viên chức quyền thế của chế độ cộng sản Việt Nam. Ông Anh bị nghi ngờ là một nhân viên an ninh cao cấp có nhiệm vụ kiểm soát an ninh tình báo tại Úc. Ông Anh là một thường trú nhân và có công ty tại Victoria Úc Châu .
Hay theo báo Người Việt, sáng 29-10-2008, có 3 nhân viên FBI đã đến nói chuyện với các nhà báo ở Little Saigon tại quận Cam, họ đã báo động về việc nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã gởi nhiều cán bộ tình báo sang Hoa Kỳ để thâu nhận tin tức. Với những tin tức này, cộng sản Việt Nam dùng để tuyển mộ những người làm việc có lợi cho cộng sản Việt Nam. Tại cuộc họp báo nầy, ký giả Đỗ Sơn có hỏi rằng theo FBI, “cộng đồng người Việt tại Hoa Kỳ có những nhược điểm nào khiến cộng sản Việt Nam dễ xâm nhập ?”. Một nhân viên FBI trả lời rằng, “một trong những nhược điểm quan trọng nhất là sự chia rẽ !”
Cũng thế tại Hoa Kỳ, ngày 20.11.2008, Uỷ Ban Thẩm Định Kinh Tế và An Ninh Mỹ – Trung (U.S.-China Economic and Security Review Commission) của Hoa Kỳ đã trình lên Quốc Hội một bản báo cáo nhấn mạnh đến việc Trung Quốc đang thực hiện chương trình tình báo đặc biệt nhắm vào hệ thống tin học của Mỹ. Bản báo cáo có phần ghi về tình trạng hiện nay Trung Cộng và phe thân Trung Cộng trong đảng Cộng sản Việt Nam và ngành an ninh Việt Nam (Tổng Cục 4) đã nhắm vào cộng đồng người Việt tỵ nạn tại Hoa Kỳ và người Hoa định cư tại Mỹ để phát triển mạng lưới tình báo.
Kết
Ngay sau rời khỏi phiên tòa, người viết có dịp để nói chuyện với ông Phong, được ông cho biết “Trong vụ kiện này người thiệt hại nhiều nhất chính là cộng đồng người Việt tỵ nạn cộng sản, về tài lực cũng như về nhân lực, vì nó đã làm cho sự đòan kết và sức mạnh của cộng đồng bị sứt mẻ. Kẻ vui mừng và đắc chí chính là cộng sản Việt Nam”. Người viết hoàn toàn đồng ý với ông Phong.
Người viết nhớ lại 30-4-2009, lần đầu tiên người viết có dịp nói chuyện với ông Nguyễn Văn Bon, khi ấy là phó chủ tịch, nay là chủ tịch CĐNVTD tại Victoria, khi ông được hỏi “Bon nghĩ sao về cộng đồng của mình”. Ông Bon một người trẻ sinh sau 30-4-1975 thong thả trả lời “em nghĩ cũng như miền Nam trước đây, Việt cộng đánh riết mà mình thì không được quyền đánh trả cho đến khi hết sức chống trả thì chúng chiếm miền Nam”. Lúc ấy tôi nghĩ ông Bon nói đúng thực tế nhưng hơi bi quan.
Một năm qua tôi biết thêm về ông Bon. Ông không phải là một người bi quan. Ngược lại ông Bon đã chuyển cho người viết một tín hiệu các cuộc tấn công Cộng đồng Hải ngoại sẽ chỉ chấm dứt khi Việt Nam trở thành một quốc gia tự do dân chủ. Và muốn làm được điều này chỉ có một phương cách duy nhất là những người, những hội đòan đảng phái yêu chuộng tự do trong và ngoài nước phải liên kết, đồng thuận phương cách đấu tranh, phân công tác, dồn tổng lực để mang lại tự do và dân chủ cho Việt Nam – Quê hương của chúng ta.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
24/3/2010
__________________________________________
Về Nghị Hội Người Việt Tòan Thế Giới tại Úc Châu: Trả Lời Ông Hữu Nguyên Chủ Bút Saigon Times.
Nguyễn Quang Duy
Lời mở đầu
Hai mươi tám năm trên đất khách quê người tôi luôn luôn gắn bó với các cộng đồng tiểu bang nơi sinh sống (Tasmania, Canberra và Victoria) và liên bang Úc Châu nên cảm thấy có trách nhiệm trả lời bài "Suy nghĩ về Bài trả lời phỏng vấn Saigon Times của Ông Võ Minh Cương", phần số 5 “Quyết Nghị của CĐNVTĐ Liên Bang Úc châu” của ông Hữu Nguyên (HN) chủ bút Saigon Times (số thứ năm ngày 11/3/2010). Trong bài viết này ông Hữu Nguyên đã cố tình gán ghép cho hầu hết các vị đại diện tiểu bang và liên bang là đảng viên đảng Việt Tân, rồi Việt tân Hóa Cộng Đồng với dụng ý xấu. Ông cũng bịa đặt một số chuyện về tôi. Ông lại còn cho biết chờ đợi sự lên tiếng của tôi để “đính chính” những điều hòan tòan sai lạc do ông đưa ra. Nhưng khi tôi gởi bài viết đến Saigon Times thì ông Hữu Nguyên đã từ chối đăng.
Bài này nội dung đựơc giữ nguyên chỉ được sửa lại đôi chỗ để nhờ cậy đăng trên các cơ quan ngôn luận khác. Xin quý cơ quan ngôn luận cho phổ biến bài cậy đăng này để độc giả, thính giả được sáng tỏ hai vấn đề. Thứ nhất giải thích nguyên nhân ông Hữu Nguyên đã có những suy nghĩ riêng tư về việc Việt Tân hóa Cộng đồng. Thứ hai, minh xác ông Hữu Nguyên lời bịa đặt, tôi Nguyễn Quang Duy không phải là đảng viên đảng Việt Tân.
Là một nhà báo tự do, tôi luôn luôn trân quý độc gỉa. Nhưng do việc hành xử thiếu đạo đức nhà báo của ông Hữu Nguyên, mong nhờ bà con thông báo nhau tôi sẽ không có thời giờ đọc hay viết trả lời những gì do Saigon Times viết về cá nhân tôi. Xin thành thật cám ơn.
Việt Tân Hóa Cộng Đồng
Ông chủ bút Saigon Times cho rằng: "chúng tôi nghi ngờ những vị sau đây là đảng viên đảng VT: Đoàn Công Chánh Phú Lộc (Chủ tịch Nam Úc), Lê Công (Chủ tịch Canberra), Bùi Trọng Cường (Chủ tịch QLD), Phạm Lê Hoàng Nam (Chủ tịch Tây Úc). Chúng tôi cũng nghi ngờ những vị sau đây có thể là đảng viên hoặc là thân hữu của VT: Nguyễn Thế Phong (Chủ tịch Liên Bang), Nguyễn Văn Bon (Chủ tịch VIC), Lê Tấn hiện (Chủ tịch Bắc Úc). "
Cuối phần thứ 5 của bài viết ông chủ bút cho biết "... độc giả tại VIC cho biết, NQD là đảng viên quan trọng của đảng VT..." NQD là tôi, Nguyễn Quang Duy.
Chủ trương Cộng Đồng là cộng tác trong tinh thần tương kính và đoàn kết. Khi được đồng hương tín nhiệm giao trách nhiệm đại diện, để chu tòan nhiệm vụ, người đại diện cộng đồng trở thành thân hữu của tất cả Hội Đòan, Đòan Thể, Đảng phái, Tổ Chức trong cộng đồng.
Cộng đồng chúng ta là một cộng đồng chống cộng. Người đại diện lúc nào cũng phải sẵn sàng tổ chức các cuộc biểu tình chống các phái đòan cộng sản hay văn hóa vận. Người đại diện lúc nào cũng cần có một lực lựơng chống cộng, có tổ chức, có năng lực và kiến thức để có thể chu tòan nhiệm vụ đã được cộng đồng giao phó. Vì thế người đại diện luôn gần gũi hơn với các tổ chức như Hội Cựu Quân Nhân, Hậu Duệ, Liên Minh Quang Phục Việt Nam, Phục Hưng hay đảng Việt Tân. Những tổ chức này, vừa có thực lực, vừa là lực lượng tiên phong sẵn sàng gánh vác trách nhiệm bảo vệ bức tường thành chống cộng luôn bị đánh phá.
Còn nếu ông chủ bút cho rằng các người đại diện hiện nay là đảng viên đảng Việt Tân thì ông cần phải có bằng chứng cụ thể để chứng minh, chứ đừng dùng thể nghi vấn bắt người bị cáo buộc phải trả lời. Người làm chủ tịch cộng đồng tình nguyện, có trăm chuyện và luôn luôn đặt mình túc trực để đáp ứng với những vấn đề nan giải của cộng đồng. Họ không có thì giờ để cứ lo trả lời những nghi vấn của báo Saigon Times.
Lại nữa tất cả đồng hương đang sinh sống tại Úc châu qua các thông cáo báo chí đều đã được chính thức mời tham dự Đại Hội Cộng Đồng Liên Bang. Dầu không tham dự Đại Hội ông Hữu Nguyên cho rằng "Ngoài ra, tại Đại Hội còn nhiều nhân vật khác là thân hữu hoặc là đảng viên (có thẻ đảng hoặc không có thẻ đảng) của đảng VT." để từ đó dẫn đến kết luận "... cộng đồng liên bang đang bị Việt Tân Hoá!". Những suy diễn và kết luận của ông Hữu Nguyên, trong thực chất đã có dụng ý của nó, tôi sẽ phân tích ở phần sau.
Bốn năm trước Saigon Times đưa vấn đề phân hóa nội bộ Việt Tân lên diễn đàn. Vài số đầu tôi hòan tòan đồng ý, đó là vai trò của thông tin báo chí. Nay lại đến chuyện gán ghép “Việt Tân hoá Cộng Đồng” cho những người đang gánh vác cộng đồng là xúc cảm cá nhân không đứng đắn.
Trong lúc này chúng ta, những người tự coi mình là chống cộng, phải cần dẹp việc riêng tư sang một bên để dồn tổng lực đánh đổ thành trì độc tài của đảng cộng sản giành lại quyền tự quyết cho dân tộc. Không làm được những điều như trên, thì cũng xin đừng công kích lẫn nhau chỉ tạo hoang mang cho những đồng hương ít tham dự những sinh họat cộng đồng và sinh họat đấu tranh.
Khi đọc xong bài viết của ông chủ bút Hữu Nguyên, tôi cảm thấy buồn cho tổ chức mà ông Hữu Nguyên xưa nay công khai hổ trợ. Buồn vì trong tương lai khi tổ chức này muốn thăm viếng Úc châu hay có công tác nào cần khai triển ở Úc châu sẽ không gặp thuận tiện vì ông đã công khai tuyên bố không bằng chứng trên báo chí "Việt Tân hóa Cộng Đồng". Ngay cả các vị đại diện cộng đồng có bỏ qua, nhưng các thành viên tích cực của cộng đồng cũng khó lòng chấp nhận những câu văn thái quá mà ông chủ bút đã gán ghép cho họ.
Đại Hội lần thứ 19 của CĐNVTĐ Liên Bang Úc Châu và Quyết Nghị Đại Hội
Mỗi hai năm Cộng Đồng cấp Liên Bang đều tổ chức Đại Hội. Tất cả đồng hương đang sinh sống tại Úc châu, qua các thông báo báo chí, đều được chính thức mời tham dự Đại Hội.
Trước kỳ Đại Hội các cá nhân các tổ chức chính trị thường vận động để có tiếng nói trong kỳ Đại Hội. Có tiếng nói là có cơ hội để đóng góp ý kiến xây dựng và được sự chấp nhận như một công tác của Cộng đồng ở cả cấp Liên Bang lẫn Tiểu Bang. Ban chấp hành cấp Liên bang đương nhiệm chịu trách nhiệm chọn lọc những tiếng nói thích hợp và những ý kiến khả thi để đưa vào Đại Hội qua các bài thuyết trình. Tòan Đại Hội quyết định việc gì nên được đưa vào Quyết Nghị. Đại Hội đề cử và biểu quyết một vài nhân sỹ hay đại diện đứng ra sọan Quyết Nghị. Tòan Đại Hội thông qua Quyết Nghị. Tân Ban chấp hành Cộng Đồng Liên Bang có bổn phận phải thi hành Quyết Nghị.
Vì vậy mọi Quyết Nghị của Cộng Đồng Liên Bang là tâm huyết và viễn kiến của rất nhiều thành viên. Trong tinh thần sinh họat dân chủ và mở rộng đến mọi đồng hương cư ngụ tại Úc châu, các Quyết Nghị đều thể hiện nhu cầu trung hạn và trường kỳ của công cuộc đấu tranh chống độc tài cộng sản.
Biết rất rõ điều trên nên ông chủ bút Saigon Times mới đặt ra chuyện "Nhìn vào những người có thẩm quyền thông qua bản Quyết Nghị đó, chúng tôi thực sự nghi ngờ có sự lũng đoạn của đảng Việt Tân." rồi gán ghép cho hầu hết đại diện các tiểu bang và tham dự viên là đảng viên đảng Việt Tân.
Đại Hội lần thứ 19 của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu đã diễn ra vào ngày 07 và 08 tháng 6 năm 2008 tại thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland. Xin xem phần tham khảo để nắm được tòan văn Quyết Nghị Đại Hội.
Điều 1 của Quyết Nghị:
Điều 1. Tái khẳng định lập trường:
. Không chấp nhận độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam.
. Không tiếp xúc, không đối thoại, không thoả hiệp, không hoà hợp, hoà giải với tập đoàn CSVN, khi nào họ vẫn còn duy trì độc quyền cai trị đất nước.
. Tiếp tục công tác ngoại vận nhằm hổ trợ các phong trào đòi dân chủ, tự do trong nước; phong trào công đoàn độc lập; các phong trào đòi tài sản và bồi thường của các tôn giáo và dân oan tại Việt Nam.
Điều 1 này chỉ nhằm tái khẳng định lập trường xưa nay của cộng đồng chúng ta. Xin quý vị đọc lại điều 1, xem nội dung có ý nào nói đến việc "hòa hợp hòa giải với cộng sản" như ông chủ bút Hữu Nguyên đã cố tình gán ghép.
Quyết Nghị lần này chỉ là tiếp nối của các Quyết Nghị trước đây. Trong đó có Quyết Nghị có chữ ký của tôi, đại diện Canberra và Úc châu (chủ tịch Canberra và phó chủ tịch ngọai vụ Úc Châu). Các Quyết Nghị này đã nói rất rõ cộng đồng của chúng ta không chấp nhận điều 4 Hiến Pháp do đảng cộng sản Việt Nam vẽ ra để duy trì độc quyền chính trị, và do đó Cộng Đồng quyết tâm đấu tranh để dẹp bỏ điều này.
Gần đây, ngày 27/8/2007 tại Tổng cục Chính trị Quân đội Cộng sản, còn gọi là Tổng Cục 4 một cơ quan do tình báo Trung Cộng trực tiếp chỉ đạo, Chủ tịch nhà nước cộng sản Nguyễn Minh Triết đã tuyên bố: “… bỏ Điều 4 hiến pháp ... đồng nghĩa với chúng ta tuyên bố chúng ta tự sát,…” Tiếng nói của ông Triết là tiếng nói chính thức của đảng cộng sản. Việc ông Triết công khai cảnh giác về đòi hỏi hủy bỏ Điều 4 Hiến pháp trước thành phần lãnh đạo quân đội cho thấy ngay trong nội bộ quân đội cộng sản đã có những thách thức về vai trò lãnh đạo của đảng cộng sản, cũng như những đòi hỏi đảng cộng sản phải bỏ Điều 4 Hiến pháp, và việc này đã làm cho giới cầm quyền lo sợ.
Như đã trình bày bên trên mỗi Quyết Nghị là tâm huyết và viễn kiến của rất nhiều thành viên. Do đó mỗi đồng hương (thành viên) trong cộng đồng của chúng ta đều có quyền hãnh diện chúng ta đã tiên kiến điều 4 là điểm tự sát của chế độ cộng sản Việt Nam.
Điều 5 của Quyết Nghị:
Điều 5 ghi rõ "Ban Chấp Hành Cộng Đồng Liên Bang nhiệm kỳ 2008-2010 sẽ nghiên cứu việc tổ chức một Nghị Hội của các cộng đồng người Việt tự do trên toàn thế giới." và Đại Hội đã chính thức ủy thác ông Võ Minh Cương trách nhiệm nghiên cứu, vận động và tổ chức Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới này.
Tôi không tham dự Đại Hội lần thứ 19. Nhưng trước Đại Hội tôi có vận động, tham dự bàn thảo về Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới để được đưa vào điều 5 của Bản Quyết Nghị. Và sau Đại Hội trong gần hai năm qua đã cùng làm việc với ông Võ Minh Cương.
Ông chủ bút Saigon times còn tự hỏi "'... Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới” viết hoa của VMC trong bài viết của NQD, do CĐ NVTD tổ chức vào tháng 11 năm nay và cái gọi là “Hội Nghị Người Việt Nam Toàn Thế Giới” do VC tổ chức tại Hà Nội vào cuối tháng 11 năm 2009 có gì khác biệt, ngoài việc đảo lộn chữ “Hội Nghị” thành “Nghị Hội”? "' Một người đã quá sức quan tâm đến Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới tại Úc châu như ông chủ bút tại sao không tự hỏi "cái nào được thông báo trước ?".
Vào tháng 6/2009, khi nghe tin đảng cộng sản Việt Nam sẽ tổ chức Hội Nghị của chúng tại Hà Nội tháng 11/2009, khiến chúng tôi nghĩ rằng đảng cộng sản đã bị động trước Quyết Nghị Đại Hội 19 của CĐNVTD tại Úc Châu. Và vì bị động đảng cộng sản đã phải tổ chức vội vã cái Hội Nghị của chúng.
Nếu để tâm theo dõi cũng vì Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới tại Úc châu đang được vận động và chuẩn bị tổ chức, cộng sản đã tăng cường đánh phá cộng đồng Úc châu trong thời gian qua.
Theo ông Hữu Nguyên: "được biết, hiện tại đảng VT đang tìm cách móc nối mời mọc một số nhân vật, hội đoàn, đoàn thể, tổ chức, chính đảng… có uy tín và có tên tuổi tại hải ngoại tham gia “Nghị Hội” được dự định sẽ tổ chức vào cuối năm nay." Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại Úc Châu không phải là một hội kín. Quyết Nghị Đại Hội đã được chính thức Thông Báo đến đồng hương, các tổ chức hội đòan trong cộng đồng gần 2 năm nay. Ông chủ bút đã tham dự buổi ra mắt báo chí Quyết Nghị 19 của Đại Hội Cộng Đồng Liên Bang Úc Châu tại Sydney như chính ông cho biết.
Nếu đúng như lời ông Hữu Nguyên cho biết thì đây không phải là chuyện lạ, việc tổ chức Nghị Hội là một công tác công khai của cộng đồng, là một công việc chung, các tổ chức các cá nhân đã tình nguyện tiếp tay thay vì còn chờ đợi Ban tổ chức liên lạc. Điều này đã chứng tỏ Nghị Hội đáp ứng được mong đợi của nhiều thành phần trong cộng đồng. Cá nhân tôi xin kêu gọi các tổ chức trong cộng đồng hãy tiếp tay với chúng tôi để Nghị Hội có thể thành công và chúng ta có thể dồn tổng lực đánh đổ bạo quyền Việt cộng giành lại tự do, dân chủ cho đồng bào hiện còn đang bị kềm tỏa trong lao tù Việt cộng.
NQD là đảng viên quan trọng của đảng VT
Tôi đấu tranh chính trị chống cộng. Lẽ đương nhiên tôi không thể hoạt động đơn độc một mình. Ngay sau ngày mất nước cũng như suốt thời gian còn ở trong nước, mẹ tôi và tôi, đã gia nhập một tổ chức đấu tranh chống cộng sản Việt Nam. Một số thân hữu của chúng tôi hiện đang cư ngụ tại Úc Châu và Hoa Kỳ.
Ra hải ngọai, khi đọc Cương lĩnh Mặt Trận Quốc Gia Thống Nhất Giải Phóng Việt Nam do chiến hữu Hoàng Cơ Minh lãnh đạo. Tôi đã tự tìm đến, sinh hoạt với anh chị em và sau đó xin gia nhập Mặt Trận.
Dầu vậy tôi có cách nhìn và hành động riêng. Khi cộng sản loan tin chiến hữu Hoàng cơ Minh hy sinh, nếu có ai hỏi tôi trả lời :
"chọn đấu tranh là chọn hy sinh điều tôi quan tâm là tổ chức có còn tồn tại và tiếp tục con đường Đề Đốc Hòang cơ Minh đã vạch ra hay không ?".
Hay việc lễ tưởng niệm chiến sỹ Trần văn Bá, nếu ai hỏi tôi đều trả lời:
"với tôi anh Trần văn Bá là một vị anh hùng dân tộc và nếu ai đó muốn kêu gọi cá nhân tôi cộng tác để tổ chức lễ tưởng niệm các vị anh hùng dân tộc tôi sẵn sàng cộng tác và coi việc cộng tác này là một vinh dự cho cá nhân tôi."
Khi lên Canberra học tiếp tôi đã sinh hoạt công khai với cơ sở Mặt Trận tại đây. Năm 1989, tôi tham gia bên cạnh các sinh viên Trung Hoa để hỗ trợ và thâu đạt những kinh nghiệm đấu tranh từ Phong Trào Đấu Tranh Dân Chủ Trung Hoa. Cùng thời gian các du sinh Việt Nam cho tôi biết sinh viên trong nước cũng biểu tình và cần liên kết. Tôi đề xướng kêu gọi anh chị em thanh niên sinh viên gia nhập Phong Trào Thanh Niên Sinh Viên Học Sinh Tranh Đấu. Đến nay tôi vẫn giữ liên lạc với nhiều anh chị em trong Phong Trào. Tôi cũng là thành viên sáng lập Liên Minh Việt Nam Tự Do và là hội viên Hội Chuyên Gia.
Sau đó, tôi được đề cử và được đồng hương Canberra tín nhiệm bầu ra làm đại diện (hai nhiệm kỳ). Tâm niệm của tôi là Tổ Quốc trên hết. Sống ở hải ngoại cộng đồng là một tổ quốc nhỏ của tôi. Tôi luôn luôn đặt cộng đồng bên trên tổ chức Mặt Trận. Tôi quan niệm Mặt Trận cũng chỉ là một tổ chức quần chúng đấu tranh trong giai đọan.
Trong sinh họat cộng đồng tôi chưa bao giờ hành sử thiên vị Mặt Trận. Bất cứ một tổ chức chính trị khi muốn tổ chức biểu tình tại Canberra, nhờ tổ chức gặp gỡ đồng hương hay chính giới Úc, tôi đều hỗ trợ hết khả năng của mình. Sở dĩ tôi phải trình bầy ngọn nguồn như trên, chỉ để làm sáng tỏ sinh họat chính trị và cộng đồng của tôi.
Tôi tự tin rằng trong thời gian tôi đại diện cho cộng đồng Canberra, là lúc sinh họat cộng đồng Canberra có nhiều dấu hiệu chung sức, đoàn kết, gắn bó ... để xây dựng sức mạnh Cộng Đồng. Tết, Tết Trung Thu đa số đồng hương tham dự. Mọi sinh họat đều thu hút hàng trăm đồng hương cùng góp công góp sức. Thâm tâm tôi luôn luôn cám ơn mọi đóng góp, không có đóng góp của các thành viên nêu trên tôi đã không hòan tất được nhiệm vụ. Tôi là sáng lập viên và hiệu trưởng trường Việt Ngữ cho đến ngày rời Canberra (1994).
Để thực hiện điều trên, chính là vì tôi luôn luôn biết đặt cộng đồng trên tổ chức. Nhờ đó tôi đã học được một bài học cho cá nhân tôi “cần độc lập với các tổ chức chính trị”. Từ khi về sống tại Melbourne 1994 tôi không còn sinh hoạt với Mặt trận. Đến nay tôi vẫn xem các anh chị em sinh họat trong Mặt Trận là chiến hữu. Tôi vô cùng đau buồn khi thấy sự phân hóa của tổ chức Việt Tân.
Người đại diện cộng đồng có quyền sinh họat với các tổ chức chính trị hay được các tổ chức chính trị đề cử để tranh cử. Điều cần bàn là khi họ đại diện cộng đồng họ có làm điều gì mâu thuẫn quyền lợi cộng đồng hay thiên vị cho tổ chức chính trị họ sinh họat hay không. Chúng ta đang sống tại Úc một quốc gia dân chủ nên cố gắng gạn lọc điều hay lẽ phải trong sinh họat chính trị của xứ này.
Nhờ hoạt động chính trị tôi đã được nhiều đảng phái chính trị kêu gọi gia nhập tổ chức của họ. Mặc dù tạm coi là một thân hữu kỳ cựu của Việt Tân, cho đến nay tôi vẫn chưa được Việt Tân ngỏ ý hay kêu gọi tham gia. Họ đã biết câu trả lời của tôi để không tốn thì giờ vô ích. Nói trắng ra việc ông Hữu Nguyên quy kết tôi “NQD là đảng viên quan trọng của đảng VT” chỉ vì thói quen đã trở thành chuyên nghiệp.
Với các đảng phái khác tôi đã thẳng thắn trả lời vì muốn được độc lập tôi không muốn tham gia các tổ chức chính trị. Tôi viết bài đưa lên báo lên mạng, tôi cần sự độc lập, trong hành động và trong quan điểm chính trị của mình trước vận mệnh của Tổ Quốc.
Ngày 08/4/2006, Khối 8406 được thành lập từ trong nước. Sau khi đọc cương lĩnh Khối tôi thiết nghĩ có khả năng giúp anh chị em trong nước nên đã tự nguyện xin gia nhập. Khối là một tổ chức quần chúng đấu tranh chống bạo quyền cộng sản. Trong cách nhìn cá nhân, Khối 8406 cũng có thể xem như một Cộng Đồng Người Việt Tự Do Quốc Nội, có ban đại diện và thành viên bao gồm nhiều người từ nhiều tổ chức chính trị khác nhau. Khối cũng chủ trương đấu tranh công khai, ôn hòa, bất bạo động. Trong thời gian gần đây (2009) Khối 8406 phát triển ra hải ngọai. Các anh chị trong Khối đã liên lạc với tôi để cùng sinh họat.
Tôi và ông Hòang Ngọc Tuấn
Ông Hữu Nguyên đã viết về tôi như sau: “Tôi được thấy ông lần đầu tại TTVH & SHCĐ trong dịp CĐNSW họp bàn về cuộc biểu tình phản đối Casula Powerhouse vào đầu năm 2009. Khi Sàigòn Times có những bài viết đóng góp với ông Hoàng Ngọc-Tuấn, ông NQD có gửi cho chúng tôi một, hai bài phê phán HNT. Thấy bài viết tương đối tích cực, nên chúng tôi cho đăng trên Diễn Đàn SGT. Nhưng những bài viết sau đó của ông lại chuyển hướng, có vẻ mời gọi ông HNT tham gia cộng đồng, nên chúng tôi đã không đăng.” Trong lời viết của ông Hữu Nguyên có rất nhiều điểm không đúng sự thật.
Mười lăm năm về trước (1995) trong một Hội Nghị do Cộng đồng NVTD tại NSW tổ chức, tôi đã thuyết trình về đề tài với nội dung Truyền Thông Mạng Tòan Cầu sẽ đánh đổ chế độ độc tài cộng sản. Nhìn ra điều này tôi đã sớm gia nhập cộng đồng mạng.
Ngay khi ông Hoàngg Ngọc Tuấn đưa lên mạng bài phỏng vấn về cuộc triển lãm Nambang gây dư luận mạng bất lợi cho cộng đồng, tôi đã sớm lên tiếng. Do là tuần báo, Sàigòn Times sau đó ít ngày cũng có những bài viết đóng góp với ông Hoàng Ngọc-Tuấn. Ngay khi đưa lên mạng tôi đã gởi những bài viết của tôi đến các cơ quan truyền thông Úc châu. Saigon Times có đăng lại hai bài tôi viết trong số báo này.
Tôi đã viết 6 bài liên quan đến cuộc triển lãm Nambang đưa lên mạng và một bài tôi viết riêng cho báo Việt Luận. Bài viết này tôi quyết định không đưa lên mạng vì chủ yếu viết cho đồng hương trong cộng đồng tại Úc châu.
Ngay bài đầu tiên tôi đã kết luận rất rõ ràng: "Tôi theo dõi kỹ lần biểu tình vừa qua, tôi không nghe, không thấy ai hô hào hay viết lách gì mà nêu tên Hoàng Ngọc-Tuấn hay chống đối ông, mặc dù qua quảng cáo, ai cũng biết ông có tham gia, hỗ trợ cho Ban Tổ chức triển lãm. Vậy thì cớ gì ông lại đứng về phía Ban Tổ chức triển lãm trách móc lung tung mà không ngồi lại đối thoại?" Bài này đã được đăng trên Saigon Times.
Nhận vai trò đại diện cho cộng đồng, chúng tôi luôn luôn chủ trương công khai, ôn hòa, đối thoại và tôn trọng luật pháp. Vì chịu trách nhiệm trước đồng hương và trong vai trò người làm việc cộng đồng, tôi không thể làm gì khác hơn kêu gọi ông Hòang ngọc Tuấn đối thoại với Ban chấp hành Cộng Đồng Người Việt Tự Do tại NSW.
Việc Saigon Times tiếp tục "mở hồ sơ" ông Hòang Ngọc Tuấn là quyền của tờ báo. Đăng các bài viết sau này của tôi hay không cũng là quyền của tờ báo. Tôi cũng theo dõi kỹ Saigon Times nên đã phát hiện ra một điều là tên tôi đã được sử dụng cho một thơ độc giả, nói rõ hơn thơ này không do tôi viết.
Nhờ ôn hòa và tôn trọng ông Tuấn, ngày nay tôi có thêm một người bạn trong cộng đồng mạng: anh Hòang Ngọc Tuấn. Mặc dù chưa một lần gặp gỡ, chúng tôi vẫn thường hay chia sẻ nỗi vui buồn trong công cuộc đấu tranh chung. Chúng tôi đã nhận rõ sự khác biệt, tôn trọng lẫn nhau và nhận ra một việc mà cả hai chúng tôi cần phải làm là mang lại tự do dân chủ cho đồng bào trong nước.
Các bài viết khác của tôi
Trong vòng năm sáu năm nay tôi đã phổ biến cả trăm bài viết trên mạng tòan cầu. Trong vòng năm qua tôi có gởi bài viết đến một số báo giấy tại Úc châu. Một số báo tại Hoa Kỳ, Canada và Âu châu liên lạc yêu cầu được đăng. Một số bài cũng được các các đài phát thanh như Viễn Xứ, Hậu Duệ, Hoa Mai, Khối 8406,... phát thanh đến đồng bào trong và ngoài nước. Tôi sử dụng tên thật viết bài để sẵn sàng chịu trách nhiệm về các bài viết của tôi. Tôi quan niệm viết để chia sẻ đến bạn đọc, người nghe nên sẵn sàng chấp nhận việc các bài viết của tôi được phổ biến rộng rãi (không giữ bản quyền). Tôi cũng sẵn sàng đón nhận những ý kiến góp ý nếu có.
Trước đây tôi có gởi bài viết đến Saigon times và vì không cùng cách nhìn cách suy nghĩ cách lập luận với ông chủ bút nên các bài viết không được đăng. Không chỉ riêng Saigon Times, tôi cũng gởi và có bài đăng trên cho báo Nhân Quyền, Nam Úc Thời Báo, Dân Việt và Việt Luận ... và nhiều cơ quan truyền thông khác ngòai Úc châu.
Việc ông Hữu Nguyên cho rằng các bài viết của tôi: "... có nội dung cố tình khuấy động lòng thù hận của người Việt với Trung Quốc, để người đọc không thấy được kẻ thù nguy hiểm, ngay trước mắt cần phải tiêu diệt là bè lũ CSVN bán nước và lũ tay sai cò mồi, nên chúng tôi không đăng những bài viết này của ông." Hầu hết các bài viết của tôi đều đã được đăng trên Việt Luận. Việc không dựa trên những bài viết của tôi để tranh luận lại sử dụng báo Saigon Times tuyên bố như trên thì đã có độc giả khách quan đánh giá.
Kết
Trước 1975, khi còn quân còn đất nước, cha anh chúng tôi còn đưa ra chính sách chiêu hồi. Qua hồi ký ông Hữu Nguyên viết tôi nhận ra rằng nếu không có chính sách chiêu hồi và nếu không có người hạ sỹ quan khuyên ông Hữu Nguyên khai xin hưởng chính sách hồi chánh với chính quyền Quốc Gia, thay vì là tù binh, thì chưa chắc cộng đồng Úc châu của chúng ta có được một Hữu Nguyên chủ bút của Saigon Times.
Ngày nay những người đại diện, người làm việc cộng đồng như chúng tôi, không quyền lực, không quyền lợi, chỉ với tấm lòng là chính, chúng tôi đã cùng đồng hương tại Úc giữ vững thành trì Úc Châu nhờ nắm vững phương châm thêm bạn bớt thù mà hành động.
Trong tình hình hiện tại đảng cộng sản đang rối lọan đang hỏang sợ vì cái mà họ gọi là “diễn biến hòa bình” hay “tự diễn biến”. Hai cụm từ trên để diễn tả sự thách thức độc quyền chính trị của đảng cộng sản. Việc gì sẽ xảy ra thật khó biết trước, để chủ động đòi hỏi các cá nhân các đòan thể cần liên kết, đồng nhất phương cách đấu tranh và phân công tác. Nhu cầu trên không nằm ngòai mục tiêu của Nghị Hội. Để từ đó mọi người Việt yêu chuộng tự do trên tòan thế giới dồn tổng lực tấn công đánh đổ chế độ độc tài cộng sản. Phương châm thêm bạn bớt thù sẽ luôn luôn là kim chỉ nam hướng dẫn chúng tôi.
Xin cám ơn qúy vị đã đọc bài viết này và xin đánh giá một cách khách quan. Cũng xin quý vị đồng lòng hổ trợ Nghị Hội Người Việt Toàn Thế Giới tại Úc châu để chúng ta có thể dồn tổng lực mang lại dân chủ và tự do cho đồng bào Quốc nội.
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
24/3/2010
Tài Liệu Tham Khảo
QUYẾT NGHỊ: ĐẠI HỘI LẦN THỨ 19 CỘNG ĐỒNG NGƯỜI VIỆT TỰ DO LIÊN BANG ÚC CHẤU (toàn văn)
Đại Hội lần thứ 19 của CĐNVTD Liên Bang Úc Châu đã diễn ra vào ngày 07 và 08 tháng 6 năm 2008 tại thành phố Brisbane, tiểu bang Queensland, với sự tham dự của các đại diện các Ban Chấp Hành CĐNVTD Liên Bang, các tiểu bang NSW, Victoria, Queensland, Nam Úc, Tây Úc, các Lãnh Thổ ACT, Bắc Úc và thành phố Wollongong. Sau khi bàn thảo, Đại Hội đã đồng thuận và đưa ra những quyết định như sau:
1. Tái khẳng định lập trường:
. Không chấp nhận độc quyền cai trị của đảng Cộng Sản Việt Nam.
. Không tiếp xúc, không đối thoại, không thoả hiệp, không hoà hợp, hoà giải với tập đoàn CSVN, khi nào họ vẫn còn duy trì độc quyền cai trị đất nước.
. Tiếp tục công tác ngoại vận nhằm hổ trợ các phong trào đòi dân chủ, tự do trong nước; phong trào công đoàn độc lập; các phong trào đòi tài sản và bồi thường của các tôn giáo và dân oan tại Việt Nam.
2. Độc lập với các tổ chức chính trị, các Hội Đoàn Đoàn thể, cộng tác trong tinh thần tương kính và đoàn kết.
3. Đại Hội quan tâm đến tình trạng lao động của người Việt Nam hiện đang làm việc tại hải ngoại và lên án hành động vô trách nhiệm của chế độ Cộng Sản Việt Nam trong việc xuất cảng mà không bảo vệ được người lao động.
4. Đại Hội tích cực hỗ trợ những công tác của Ủy Ban Bảo Vệ Người Lao Động Việt Nam (được thành lập tại Ba Lan vào năm 2006).
5. Ban Chấp Hành Cộng Đồng Liên Bang nhiệm kỳ 2008-2010 sẽ nghiên cứu việc tổ chức một Nghị Hội của các cộng đồng người Việt tự do trên toàn thế giới.
6. Để đối phó với nguy cơ cắt giảm các nguồn tài trợ từ chính phủ, Ban Chấp Hành các CĐNVTD tại các địa phương sẽ nỗ lực nghiên cứu những phương cách để tiến dần đến tình trạng có thể tự túc về mặt tài chánh.
7. Nghiên cứu và tìm mọi phương cách để khuyến khích giới trẻ tham gia thêm vào các cơ chế Cộng Đồng cũng như những sinh hoạh chung.
8. Tiểu bang Victoria sẽ phụ trách tổ chức Đại Hội lần thứ 20 của CĐNVTDLB Úc Châu vào năm 2010.
Brisbane ngày 08 tháng 6 năm 2008
. CT/BCH/CĐNVTD/Úc Châu: Ông Nguyễn Thế Phong
. CT/BCH/CĐNVTD/NSW: LS Võ Trí Dũng
. PCT/BCH/CĐNVTD/VIC : Ông Nguyễn Văn Bon
. CT/BCH/CĐNVTD/NamÚc:ÔngĐCChánh Phú Lộc
. CT/BCH/CĐNVTD/Tây Úc: Ông Phạm L.H Nam
. CT/BCH/CĐNVTD/ACT: Ông Lê Công
. CT/BCH/CĐNVTD/Wollongong: Cô Trần Hương Thủy
. CT/BCH/CĐNVTD/Bắc Úc: Ông Lê Tấn Thiện
. CT/BCH/CĐNVTD/Queensland: BS Bùi Trọng Cường
No comments:
Post a Comment