Sunday, March 21, 2010

Phản ứng sau khi nghe BBC phỏng vấn LM Nguyễn Văn Lý - Bác sĩ Vũ Linh Huy

    Tâm Sự Cùng Cha Thadeus Nguyễn Văn Lý
Lm Nguyễn Văn Lý: thà cứ để yên cho Đảng Cộng Sản lãnh đạo.

Bác sĩ Vũ Linh Huy


T
hưa cha khả kính,

Con đang vui mừng vì cha được thả về, thấy cha khoẻ mạnh, hồng hào, tinh thần sáng suốt … thì bỗng nhiên bài phỏng vấn cha do đài BBC thực hiện được phổ biến khắp nơi. Con đọc xong mà bàng hoàng, chóng mặt, không tin mắt mình, không tin tai mình, nhất là đoạn sau cùng con xin ghi lại sau đây:

“Thực tế công việc thế nào thì tôi còn phải suy nghĩ, tập hợp thêm dữ liệu, tiếp cận cuộc sống xã hội để̉ mà có thể̉ quyết định.

Nhưng tôi nghĩ quan trong là phải nghiêm túc suy nghĩ, công việc hiện nay phải được hướng dẫn bởi một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Phải có một học thuyết đủ sức thay thế chủ nghĩa Marx – Lenin, có đường hướng sát thực tế để người ta nhìn vào mà hy vọng rằng con đường ấy, tổ chức ấy sẽ làm cho Việt Nam ổn định hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines. Nếu chúng ta ảo tưởng thì sẽ thất bại.

Bao nhiêu người có tâm huyết, muốn thay đổi, nhưng thay đổi thế nào? Nếu thay đổi mà mất ổn định, tình hình xấu hơn cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, thì thà cứ để yên cho Đảng Cộng Sản lãnh đạo.

Muốn để Việt Nam huy hoàng hơn, thăng tiến hơn, đạo đức hơn, có nền tảng vững chắc hơn thì tổ chức ấy phải hội đủ nhiều điều kiện lắm. Nếu như không, cũng chỉ mơ tưởng với nhau vậy thôi còn trong thực tế, không thể thành công”.

Thưa cha,

Cha vừa ở tù ra, mà thời gian hơn ba năm ở trong tù cha không có thông tin nào khác ngoài hai tờ báo do cộng sản cung cấp. Sự thiếu trung thực của các phương tiện truyền thông công sản thì ai cũng biết: thổi phồng các thành quả (đôi khi tưởng tượng), che dấu các lỗi lầm tày trời, khủng khiếp của đảng và nhà nước, cắt bỏ hoặc bóp méo các thông tin bất lợi và lúc nào cũng sẵn sàng bẻ cong ngòi bút, nói dối đến trơ trẽn. Trong khi đó thì tin tức xấu ở các nước khác như bất ổn an ninh, xáo trộn chính trị, đình công, bãi thị, kinh tế suy thoái, v.v... lại được phổ biến hết sức rộng rãi để chứng tỏ sự xấu xa cuả các chế độ tư bản hoặc không cộng sản. Mặc dù cha nói rằng cha “… còn phải suy nghĩ, tập hợp thêm dữ liệu, tiếp cận cuộc sống xã hội để mà có thể có quyết định”, tuy nhiên cha mới chỉ thoát cảnh ngục tù mới có mấy ngày, chắc chắn cha chưa thể thu thập đầy đủ dữ liệu, vậy con xin phép cung cấp cho cha các tin tức sau đây:

Từ ngày cha bị bắt lại và bị xử án trong phiên tòa “bịt miệng” nổi tiếng khắp thế giới ngày 17 tháng 3 năm 2007, phong trào tranh đấu ở quốc nội đã lớn mạnh vượt bực, với sự tham dự ngày càng đông của các nhà trí thức, đa số còn rất trẻ. Cộng sản đã đàn áp thẳng thay, đưa hàng mấy chục người ra toà, trừng phạt họ với những bản án nặng nề, nhưng họ không nhụt chí, người này bị bắt thì người khác xông ra. Mạng internet được họ xử dụng tối đa để phổ biến các ý tưởng tự do, dân chủ, nhân quyền và phản đối bạo quyền cộng sản VN đàn áp nhân dân và dâng đất dâng biển cho Tàu cộng. Rất nhiều cựu tướng lãnh cộng sản cũng đã nhập cuộc. Nhiều giáo sư đại học cũng công khai đứng vào hàng ngũ những người dám lên tiếng cho sự thật. Về phía tôn giáo thì cuộc tranh đấu của Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất, Phật Giáo Hoà Hảo và các Hội Thánh Tin Lành vẫn liên tục, bền bỉ, khi âm ỉ, khi bùng nổ, nhưng không bao giờ tàn lụi. Các cuộc tranh đấu của các giáo xứ, dòng tu công giáo cũng liên tiếp nổ ra. Dù bị bạo quyền cộng sản đàn áp rất dã man nhưng tu sĩ, giáo dân vẫn không hề khiếp sợ. Tất cả những người tham gia vào các cuộc tranh đấu ấy không hề mơ tưởng một điều gì không sát thực tế hoặc đòi hỏi Việt cộng làm điều gì ngoài sức của Đảng và nhà nước. Họ chỉ lên tiếng đòi nhà cầm quyền Việt cộng bảo vệ chủ quyền đất nước khỏi tay Tàu Cộng xâm lược và tôn trọng các quyền tự do như đã được ghi trong hiến pháp của Việt Nam hiện nay.

Cha muốn thành quả của cuộc tranh đấu của chúng ta phải đưa đến một xã hội ổn định hơn Indonesia, Thái Lan và Philippines. Còn nếu tranh đấu mà đưa đến một xã hội bất ổn hơn cả Thái Lan, Indonesia hoặc Philippines “thì thà cứ để yên cho đảng cộng sản lãnh đạo”. Trước hết, tình hình ở ba nước nói trên không tồi tệ như tin tức do báo đài Việt cộng loan đi. Indonesia giờ đây đã có bầu cử tự do và việc chuyển giao quyền hành diễn ra rất ôn hoà khiến thế giới phải khâm phục. Một số phần tử Hồi Giáo quá khích đánh bom giết hại khá nhiều người, đánh giết các Ki-tô hữu … nhưng chính quyền vẫn là chính quyền dân chủ, tự do. Thái Lan thì đã từng bất ổn từ hơn bảy mươi năm qua do các cuộc đảo chính liên miên cuả phe quân phiệt chứ không phải do các người tranh đấu ôn hoà. Gần đây các phe tranh đấu “dân sự” quả thực có làm quá lố, coi thường luật pháp quốc gia, chiếm giữ phi trường, dinh thủ tướng v.v., nhưng như vậy là họ đâu có còn tranh đấu ôn hoà, bất bạo động như các nhà đấu tranh dân chủ cuả chúng ta đang làm ở Việt Nam. Hơn nưã, dù có bất ổn ở thủ đô Bangkok, Thái Lan vẫn là một đất nước thanh bình, có tự do dân chủ và không có cảnh tàn sát đẫm máu các người tranh đấu. Nền dân chủ của Philippines bị một vết đen lớn do cuộc thảm sát chủ trương bởi một ứng cử viên thân chính quyền nhắm vào các người thân của một ứng cử viên khác và phóng viên báo chí tháp tùng, nhưng đây là hành động cuả một cá nhân, một phe nhóm và họ đang bị trừng trị. Còn Philippines vẫn là một đất nước dân chủ tự do. Đem từng nước trong ba nước kể trên mà so sánh với Việt Nam thì họ vẫn trội vuợt Việt Nam nhiều lần về lợi tức đầu người và các quyền tự do dân chủ mà nhân dân họ được hưởng.

Chính cha cũng nói rằng bạo quyền cộng sản hiện nay còn tệ hơn cả chế độ thực dân Pháp và thực dân Anh. Ai có chút kiến thức và suy tư cũng thấy chế độ cộng sản là chế độ tàn bạo nhất, xấu xa nhất, lừa lọc nhất, gian dối nhất trong suốt chiều dài lịch sử của nhân loại. Như vậy, nếu chúng ta dành lại được chính quyền từ tay cộng sản, chúng ta không đủ sức kiến tạo một xã hội tốt đẹp hơn hay sao? Chúng ta hèn kém đến vậy hay sao? Cứ nhìn vào các quốc gia cựu cộng sản Đông Âu thì rõ. Gần gũi nhất là Ba Lan. Khi cộng sản sụp đổ thì thủ lãnh Công Đoàn Đoàn Kết được bầu làm tổng thống. Ông này chỉ là một người thợ điện, có tâm huyết, nhưng không đủ bản lãnh chính trị lãnh đạo nước Ba Lan hậu cộng sản vì vậy ông thất bại. Vị tổng thống kế tiếp được dân Ba Lan bầu lên là một cựu đảng viên cộng sản nhưng đã dứt khoát theo các nguyên tắc dân chủ tự do. Ông thành công và làm cho nước Ba Lan ổn định, phát triển và trở thành một thành viên được nể phục trong Liên Hiệp Âu Châu và trong Liên Minh Quân Sự Bắc Đại Tây Dương (NATO). Tiệp Khắc, Hung, Đức, Roumania … cũng có những diễn tiến tương tự. Tóm lại, một chế độ tự do dân chủ đích thực, dù có tập tễnh, thiếu kinh nghiệm, cũng còn tốt đẹp hơn chế độ độc tài cộng sản hàng ngàn lần.

Cha tỏ ra tha thiết muốn tìm một minh chủ, một lãnh tụ tài đức vẹn toàn cho phong trào tranh đấu hiện nay và cho đất nước mai sau. Thưa cha, người tham gia tranh đấu hiện nay, ở trong nước cũng như ngoài nước, thuộc đủ mọi thành phần, đủ mọi trình độ kiến thức, thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau hoặc không theo tín ngưỡng nào. Tất cả đều có chung một mục tiêu là giải thể chế độ cộng sản để đem lại tự do no ấm cho nhân dân và cứu đất nước thoát hiểm hoạ xâm lăng cuả Tàu cộng. Chúng ta phải sẵn sàng đoàn kết làm việc với mọi người để cùng nhau tiến đến mục tiêu cuối cùng nêu trên. Khác biệt, bất đồng ý kiến, thậm chí “cãi nhau như mổ bò” là dấu hiệu cuả dân chủ, tự do. Còn “Nhất trí”, “Cả nước triệu người như một” là dấu hiệu của độc tài đảng trị, của quốc hội bù nhìn, của khối nhân dân ù lì, vô cảm, chán chường. Chúng ta không phải cố tìm hay cố nặn ra một lãnh tụ, một “minh chúa” tài đức vẹn toàn. Huống chi một lãnh tụ lý tưởng dường ấy làm gì có trên thế gian này. Chúng ta cứ để các hội đoàn, đoàn thể, chính đảng làm việc song song bên nhau, hỗ trợ nhau mà không cần áp đặt một cơ chế lãnh đạo nào hay một thủ lãnh nào cho toàn thể cuộc tranh đấu. Cứ có mục tiêu chính đáng, ích quốc lợi dân, giải thể bạo quyền cộng sản, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ là mọi người đoàn kết. Cứ xem việc Khối 8406 do cha thành lập và lãnh đạo được mọi người, mọi giới ủng hộ thì rõ. Một khi bạo quyền cộng sản đã bị giải thể, thì trong quá trình bầu cử dân chủ, chúng ta sẽ tìm được người lãnh đạo quốc gia. Người ấy không cần tài đức vẹn toàn, chỉ cần thành tâm phục vụ quốc gia, thành tâm tôn trọng hiến pháp, luật pháp và các định chế dân chủ là được rồi. Trong một chế độ dân chủ như nước Mỹ, người ta có thể chọn lầm một người kém tài, thiếu đức lên làm tổng thống, hệ thống, “bồi thẩm đoàn nhân dân” có thể kết án lầm người ngay và tha lầm kẻ có tội, nhưng chế độ dân chủ tự do này vẫn là một trong những chế độ tốt đẹp nhất trên thế giới. Tốt đẹp không phải vì nó hoàn hảo mà tốt đẹp vì nó luôn luôn sẵn sàng dành chỗ cho cải tiến, sửa sai. Tốt đẹp vì nó không bao giờ tự nhận là “đỉnh cao cuả trí tuệ loài người”. Tóm lại, không cần lãnh tụ tài đức vẹn toàn, chỉ cần lãnh tụ thành tâm tôn trọng dân chủ và hiến pháp, làm không được việc, không được nhân dân tín nhiệm nưã thì từ giã chính trường về nhà làm nghề khác, thế thôi.

Cha cũng muốn tìm một hệ thống lý thuyết tốt đẹp, vững vàng, khả dĩ thay thế được hệ thống triết học Mác-Lê. Thưa cha, vấn đề tối yếu không phải là một lý thuyết hoàn hảo, tốt đẹp. Vẽ ra một lý thuyết đầy hào quang công bình, nhân ái, yêu thương, bình đẳng nào có khó gì. Vấn đề là có con người thành tâm thi hành lý thuyết ấy hay không? Đem một lý thuyết tốt đẹp ra để dụ dỗ nhân dân theo mình, ủng hộ mình, hy sinh cùng với mình dành chính quyền; đến khi có chính quyền trong tay thì mình bỏ hết lý thuyết, lý tưởng cũ, trở thành tham nhũng, thối nát và quay lại bóc lột, hành hạ chính nhân dân đã ủng hộ mình khi trước thì phỏng được ích gì. Vả lại hiện nay, chính người cộng sản cũng chẳng còn tin tưởng gì vào lý thuyết Mác-Lê, tuy chưa dám công khai từ bỏ nó, thì tại sao chúng ta phải bận tâm tìm lý thuyết khác để thay thế nó?

Thưa cha khả kính,

Con tin vào sự thành tâm của cha, lòng nhiệt thành yêu nước, thương dân của cha. Con tin cha đang cố tìm một kế sách lâu dài để cứu dân, cứu nước, nhưng trước mắt chúng ta phải đoàn kết người tranh đấu lại với nhau, làm sáng tỏ những hiểu lầm để cộng sản và tay sai không thể lợi dụng. Nếu lo sợ rằng tranh đấu làm mất ổn định mà chấp nhận “thà cứ để yên cho đảng cộng sản lãnh đạo” đất nước thì chính cộng sản và tay sai cũng không ao ước gì hơn. Chúng chỉ mong muốn có “ổn định chính trị” để tiếp tục áp đặt một chế độ độc tài vô nhân lên đầu lên cổ nhân dân mình trong khi lại khúm núm quỳ gối dâng đất dâng biển cho quan thày Tàu cộng. Xin cha vui lòng lên tiếng càng sớm càng tốt, minh định lập trường của cha và làm yên lòng mọi người.

Boston, ngày 20 tháng 3 năm 2010

Kính thư,

Bác sĩ Vũ Linh Huy

BBC Phỏng vấn linh mục Nguyễn Văn Lý

Linh mục Lý phải tiếp tục thi hành án sau thời gian chữa bệnh

Linh mục bất đồng chính kiến Thadeus Nguyễn Văn Lý vừa được thả tù về nhà chữa bệnh. Ông Lý được chở từ trại giam Ba Sao, Nam Hà, về Huế hôm thứ Hai 15/03. Ông có cuộc nói chuyện với BBC, trước hết là về tình hình sức khỏe.

Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi vẫn khỏe, tuy có hơi mệt vì mấy ngày hôm nay người đến thăm đông. Ngoài chân và tay phải bị liệt thì tôi vẫn bình thường, có thể ăn uống, trò chuyện tiếp khách được.

Cho tới nay tôi bị tai biến thế là ba lần rồi, lần này mọi thứ cũng đang hồi phục dần dần, tuy có hơi chậm. Ba, bốn tháng vẫn chưa bình thường lại.

Đằng sau não bên trái có một cái u, và đó là lý do tôi được về điều trị ở ngoài. Điều trị thế nào, thì tùy giáo hội và gia đình.

Họ tạo điều kiện cho ra ngoài điều trị cho thuận lợi hơn.

Có nghĩa không phải là chính quyền trả tự do cho tôi, mà chỉ tạm đình chỉ thi hành án. Tôi còn "nợ" nhà nước 5 năm tù giam và 5 năm quản chế nữa, tổng cộng 10 năm. Cái án này vẫn treo đó.

Mỗi lần đình chỉ thi hành án cũng chỉ dài nhất là 12 tháng, sau thời hạn đó thì phải tiếp tục xin gia hạn, nếu không xin thì tôi cũng chưa biết sẽ thế nào.

Bản thân tôi không đề xuất ra ngoài điều trị, mà đó là đề nghị của gia đình, tôi chấp thuận. Hiện tôi vẫn ở Nhà Chung của Tòa Tổng giám mục Huế.

BBC: Thưa, linh mục có thấy đây là hành động khoan hồng, nhân đạo của chính quyền không ạ?

Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi không muốn trả lời câu hỏi này, vì cho rằng nhà nước nào cũng biết khôn ngoan xử sự như thế thôi.

BBC: Về bản án mà tòa đã tuyên mấy năm trước, nay linh mục đã chấ nhận các tội trạng đó chưa ạ?

Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi đã nói rõ tại phiên tòa, là tôi không chấp nhận các tội danh, và chính phiên tòa không diễn ra một cách công bằng theo công ước quốc tế. Cách đây hơn 160 năm, ông Karl Marx viết Tuyên ngôn Cộng sản và Tư bản luận ở London, không bị bắt. Cách đây gần 100 năm, nhóm Nguyễn Ái Quốc viết báo, viết bài ở ngay thủ đô Paris của thực dân Pháp, cũng không bị bắt.

Rồi cụ Huỳnh Thúc Kháng, Nguyễn An Ninh làm báo ở ngay tại Việt Nam ngay dưới chế độ thực dân, không bị bắt. Thì tại sao, nay tôi cũng làm những công việc như vậy thì lại bị bắt?. Về tự do ngôn luận thì luật pháp Việt Nam hôm nay còn lạc hậu hơn thời thực dân Pháp và đế quốc Anh trước đây.

Vì vậy tôi bác bỏ bản án, và coi mình là tù nhân lương tâm.

BBC: Trong thời gian bị giam giữ, ông có biết dư luận phản hồi thế nào về bản án dành cho ông không ạ?

Linh mục Nguyễn Văn Lý: Tôi không biết chính xác, nhưng có thể suy đoán được. Hàng ngày tôi chỉ được đọc báo Nhân Dân, và gia đình có gửi thêm tờ Pháp luật, có hai tờ báo đó thôi.

BBC: Các ưu tiên của linh mục hiện giờ là gì, thưa ông?

Linh mục Nguyễn Văn Lý: Ưu tiên hàng đầu của tôi có lẽ là việc điều trị bệnh theo ý nguyện của giáo hội và gia đình. Còn lý tưởng của tôi thì tôi vẫn theo.

Thực tế công việc thế nào thì tôi còn phải suy nghĩ, tập hợp thêm dữ liệu, tiếp cận cuộc sống xã hội để mà có thể quyết định.

Nhưng tôi nghĩ quan trong là phải nghiêm túc suy nghĩ, công việc hiện nay phải được hướng dẫn bởi một lãnh tụ tài đức vẹn toàn. Phải có một học thuyết đủ sức thay thế chủ nghĩa Marx - Lenin, có đường hướng sát thực tế để người ta nhìn vào mà hy vọng rằng con đường ấy, tổ chức ấy sẽ làm cho Việt Nam ổn định hơn Indonesia, Thái Lan, Philippines. Nếu chúng ta ảo tưởng thì sẽ thất bại.

Bao nhiêu người có tâm huyết, muốn thay đổi, nhưng thay đổi thế nào? Nếu thay đổi mà mất ổn định, tình hình xấu hơn cả Thái Lan, Indonesia, Philippines, thì thà cứ để yên cho Đảng Cộng Sản lãnh đạo.

Muốn để Việt Nam huy hoàng hơn, thăng tiến hơn, đạo đức hơn, có nền tảng vững chắc hơn thì tổ chức ấy phải hội đủ nhiều điều kiện lắm. Nếu như không, cũng chỉ mơ tưởng với nhau vậy thôi còn trong thực tế, không thể thành công.




No comments:

Post a Comment