Sunday, March 21, 2010

THÁNH NỮ, Đứa Con của Thằng Cuội - Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

Duyên-Lãng Hà Tiến Nhất

Tại Việt Nam , trước sau chỉ mấy ngày, có hai người tù nổi tiếng được ra khỏi nhà giam. Đó là cô Ls Lê Thị Công Nhân và Lm Nguyễn Văn Lý. Cả hai đều là những nhà tranh đấu rất có tiếng tăm cả ở trong lẫn ngoài nước. Điểm đặc biệt là cả hai đều có liên hệ với Khối 8406 và đảng Thăng Tiến VN. Cha Lý là người sáng lập ra Khối 8406, còn Ls Công Nhân là một thành viên. Đối với đảng Thăng Tiến VN, cha Lý được coi là linh hồn của đảng, nhưng ngài không giữ chức vụ gì trong đảng, trong khi Ls Lê Thị Công Nhân là Phát Ngôn Viên của đảng, với ông Nguyễn Phong là đảng trưởng. Ông Phong hiện còn đang ở tù, bị coi như một người vô danh, bị dư luận và giới truyền thông hoàn toàn bỏ quên. Ba nhân vật này và một vài người nữa đấu tranh ở trong nước mà tôi không tiện nêu tên ở đây, là những người mà theo tôi nhận xét, có lý tưởng và đã dấn thân một cách đáng khâm phục.

Thế nhưng rất đáng tiếc, vật đã đổi, sao đã rời, Lê Thị Công Nhân hôm nay không còn phải là cô Lê Thị Công Nhân ngày hôm qua nữa. Cô đã khác, khác với người mà trước đây tôi khâm phục. Lê Thị Công Nhân khác thế nào, và tại sao lại ra khác, thì đó là những vấn đề người viết bàn tới trong bài này.

Thép Đã Tôi Thế Đấy

Chẳng hiểu làm sao mà trước đây có một thời kỳ, trong nước, ngoài nước, phong trào, tổ chức, đảng phái chính trị mọc ra như nấm. Người dân quèn cứ ngớ ra, tưởng phen này, nói theo Ls Đinh Thạch Bích, VC đã được Mỹ đỡ xuống khỏi lưng cọp, và chúng đã cho bầu cử đa đảng rồi. Nhưng, thời gian trôi cứ trôi, mọi chuyện vẫn cứ “vũ như cẩn”. Thuở trời đất trăm hoa đua nở đó, có Khối 8406 và đảng Dân Chủ là bề thế hơn cả. Đảng Dân Chủ gồm toàn họ hàng con cháu nhà Cuội, như cuội Hoàng Minh Chính, cuội Trần Khuê v.v. hợp tác với bọn chính khứa lưu manh tại hải ngoại, như Nguyễn Xuân Ngãi và đám lâu la Việt Tân (VT). Bọn này cuội quá nên mất tín nhiệm với người dân ngay từ đầu. Trái lại, Khối 8406 và đứa con đẻ của nó là đảng Thăng Tiến VN, được hình thành do một vài nhà tu hành cùng với một số các bạn trẻ giầu lòng yêu nước, nên được quần chúng tin tưởng hơn. Thế nhưng, vỏ quít của người dân dầy thì VGCS lại có móng tay nhọn. Trong Khối 8406 và đảng Thăng Tiến, những thành phần chỉ có năng khiếu chạy cờ thì VGCS cứ để cho nhởn nhơ ở ngoài nhà tù mà chạy cờ. Còn những thành phần cốt cán, khó trị, thì chúng cho đi nằm ấp hết. Ở trong ấp, ai cải tạo được thì chúng cải tạo. Người không cải tạo nổi, thì hoặc bị chúng nhốt không có ngày ra, hoặc có trở về thì chắc chắn phải thành thân tàn ma dại, chỉ còn nước chờ ngày làm bạn với ông Sáu (tấm) là xong. VGCS xứng danh là lưu manh, bịp bợm số một trên thế giới ở chỗ là, sau khi đã triệt hạ thành phần lãnh đạo của Khối 8406, chúng không ra tay dẹp tổ chức đó, mà chúng cài người vào trong, để biến tổ chức thành công cụ phục vụ cho chúng. Nhìn vào thành phần lãnh đạo và các hoạt động của Khối 8406 hiện nay, người ta không còn nghi ngờ gì về chuyện này.

Trong số những người của hai tổ chức mẹ con này (Khối 8406 và Thăng Tiến) có hai nhân vật nòng cốt là Lm Nguyễn Văn Lý và Ls Lê Thị Công Nhân, bị VGCS cho đi nằm ấp. Hai người cùng vào một cái lò đúc của VGCS, và ra lò trong cùng một thời gian, trở thành hai “tác phẩm” khác nhau mỗi người một vẻ. Ông linh mục thành anh “thương binh chống nạng cầy bừa”. Còn cô gái, với hào quang “Người Con Của Thượng Đế”, xuất hiện trước đám quần chúng mà đa số thật là vô tư lự. Nhưng cũng đã có người tinh mắt nhìn ra cô gái chỉ là miêu duệ của dòng nhà cuội. Thật bất ngờ, tính chất cuội trong cái hào quang Người Con Của Thượng Đế của cô gái, không biết vì vô tình hay quá tự tin, lại do chính cô tự phô bầy ra.

Vài ba năm tù, mười năm tù, hay lâu hơn nữa, thời gian ở tù không phải là cái thước đo giá trị của đấu tranh. Giá trị của một cuộc đấu tranh là mục tiêu tranh đấu, và sự kiên định lập trường cho mục tiêu này. Nguyễn Thái Học bị Pháp bắt và ở tù chỉ có 4 tháng (2-1930 đến 6-1930) rồi bị đưa lên đoạn đầu đài. Mặc dù cuộc Tổng Khởi Nghĩa Yên Bái không thành, nhưng ông vẫn là một vị đại Anh Hùng của dân tộc, được toàn dân kính mến. Ls Lê Thị Công Nhân, sau khi ra tù, thường cứ nhắc đi nhắc lại, và hình như có ý khoe khoang cái thời gian 3 năm tù của cô. Điều này cũng là tâm lý tự nhiên, và cũng tốt thôi. Nhưng cái thực sự quan trọng trong công cuộc tranh đấu là lập trường của cô thì xem ra đã biến đổi nhiều. Tôi dùng chữ “xem ra” để nói lên sự dè dặt khi lên tiếng về một sự việc quan trọng. Chúng ta hãy nghe lời đanh thép của người tù Lê Thị Công Nhân khi cô bước chân vào nhà tù: “Tôi khẳng định với tất cả lương tâm và trách nhiệm của mình đối với đất nước Việt Nam và dân tộc Việt Nam tôi sẽ chiến đấu đến cùng dù chỉ còn một mình tôi đấu tranh” “Và CSVN đừng có mong chờ bất cứ một điều gì, dù thoả hiệp chứ đừng nói là đầu hàng từ phiá tôi. ”. Câu nói có thép và lửa này, nội dung không khác gì lời từ biệt đồng bào của anh hùng Nguyễn Thái Học trước khi ông bước lên máy chém: Không thành công cũng thành nhân. Nhưng ngưòi trí thức trẻ Lê Thị Công Nhân sau khi vừa bước chân ra khỏi cổng nhà tù, trong lời nói của cô lửa đã tắt ngúm, và thép đã hoá bùn. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn của nhà báo Dương Phục, cô nói: (vì âm thanh không tốt, chúng tôi không ghi được nguyên văn, nhưng đại để là): Quốc-hội Mỹ và Quốc Hội VN cần phải giao lưu và làm việc với nhau. Mong Quốc Hội Mỹ hãy khoan hòa, bao dung, và giúp đỡ Quốc-hội VN, đừng đẩy họ vào con đường cùng. Cho dù 1 lấn, 2 lần, 5 lần hay 100 lần hoặc hơn nữa, Quốc Hội Mỹ cũng vẫn tiếp tục giúp đỡ Quốc-hội VN, như thế thì mới mong thay đổi được.

Lạ thật, một người đã bước vào con đường đấu tranh với VGCS, có học và thành danh ở Hànội như cô Lê Thị Công Nhân, lại không biết quốc hội CSVN là cái gì. Trong cái cơ cấu tổ chức gọi là quốc hội này, Nông Đức Mạnh là đại biểu, Nguyễn Minh Triết là đại biểu, Nguyễn Tấn Dũng là đại biểu, Hồ Chí Minh xưa kia cũng là đại biểu, vân vân và vân vân. Tóm lại tất cả các ủy viên Bộ Chính Trị, các bộ trưởng, thứ trưởng trong chính phủ, các bí thư thành, tỉnh ủy và thị xã, các tướng lãnh nắm trọng trách trong công an, quân đội, lãnh đạo các ngành kinh tế quan trọng trong nước, nói chung, tất cả mọi tên chủ chốt hiện nắm quyền hành trong đảng và nhà nước từ trung ương đến địa phương, đều là dân biểu quốc hội cả. Rõ ràng ai cũng thấy được, cái gọi là quốc hội này 100%, hay ít nữa 99% (xin chừa lại 1% dè dặt) đều là đảng viên CS, hoặc người suốt đời cúc cung tận tụy phục vụ đảng. Không bao giờ có người ngoài nào lạc vô đó được. Nhiệm vụ duy nhất của quốc hội là biểu quyết thuận tất cả các chủ trương đường lối của đảng CS. Như vậy, quốc hội chỉ là một cơ quan phục vụ đảng, không hề phục vụ quyền lợi của người dân. Đan cử một thí dụ cụ thể là, bao nhiêu vụ dân oan và giáo oan xẩy ra trong nước, quốc hội có giúp giải quyết được cái gì đâu, thậm chí có ngó ngàng tới đâu. Sự thật không thể chối cãi được là, chẳng có cái gì khác nhau giữa đảng VGCS và cái gọi là quốc hội của chúng. Câu người ta vẫn thường nói: mình với ta tuy hai mà một, ta với mình tuy một mà hai, áp dụng vào trường hợp này hoàn toàn chính xác. Đảng VGCS và quốc hội là một thể duy nhất. Thế mà Ls Lê Thị Công Nhân hoàn toàn không biết điều đó. chống đảng VGCS, nhưng lại kêu gọi quốc hội Mỹ giúp đỡ quốc hội VGCS. Có hợp lý không lời kêu gọi này của cô. Nó giống như việc cô vừa giơ gậy đập Nông Đức Mạnh, vừa kêu gọi người ta đến giúp hắn. Tư tưởng mâu thuẫn này không thể phát xuất từ một cái đầu, nhất là cái đầu của một người học luật. Một người không có học, không hiểu biết gì về tình hình, lỡ có nói bậy thì may ra còn châm chế được. Nhưng Lê Thị Công Nhân ăn nói tào lao như thế thì không thể. Cô chỉ có thể lựa chọn một trong hai cách, đập cho tên Mạnh chết, hoặc đã không đập hắn mà còn bảo người ta giúp đỡ hắn nữa. Có phải 3 năm ở trong cái lò đúc của VGCS, người con gái kiên cường với những câu tuyên bố đầy thép và lửa kia đã được tôi để trở thành như thế? Đây là cái keynote trong vấn đề Lê Thị Công Nhân hiện nay. Điều mà mọi người VN chúng ta cần ghi nhớ là, nhà tù VGCS còn có cái tên gọi rất nhân bản là Trại Cải Tạo.

Thép Tôi Cách Nào

Khi người tù Lê Thị Công Nhân chưa bước chân ra khỏi cổng nhà tù, thì báo chí hải ngoại đã rầm rộ đưa tin VGCS sắp sửa thả cô. Và khi vừa được thả về, chưa kịp bước vô nhà, thì nhiều nhà báo ở đây đã có sẵn số cell phone của cô để gọi phỏng vấn. Khi cô vừa bị công an bắt lại trong lúc đi mua sắm thì đài Chân Trời Mới của Việt Tân (VT) tại Mỹ đã lập tức loan tin. Tin của đài Mỹ cũng không thể sốt dẻo hơn của đài Chân Trời Mới của VT. Nhiều bài viết đăng lên tới tấp ca ngợi cô. Người ta tặng cô những danh hiệu cao quý nhất như đệ nhất anh thư nước Việt, viên ngọc quý của nhân dân, người con của Thượng Đế v.v... Cả đến bà mẹ cô cũng viết một bản tiểu sử tràng giang đại hải để bốc thơm con. Theo bà, tên của con gái bà mang ý nghĩa một trái tim nhân ái chỉ biết đem sự công bằng đến cho mọi người. Con bà mang diện mạo của Đức Phật và cả tâm cũng giống Phật nữa. Mới một tuổi, cô đã nuôi chí hướng đi tu để giúp đời …

Kết quả là, sự đánh bóng quá đáng đã gây tác dụng ngược. Người ta đã nhìn ra được trên bức tranh tố nữ Lê Thị Công Nhân có nhiều nét đẹp giả tạo của vô số họa sĩ thiếu tay nghề thêm thắt vào. Thực tế hơn, có người đem hai bức chân dung Lê Thị Công Nhân và Lm Nguyễn Văn Lý, một người tù không tội cũng mới vừa được tạm thả khỏi nhà giam, ra so sánh để tìm chân, giả của vấn đề. Xét về thời gian ở tù, về sáng kiến và đường lối áp dụng cho từng hành động, về công sức đổ ra cho cuộc tranh đấu, về kinh nghiệm đấu tranh, về uy tín cá nhân, và nhất là về sự kiên trì lập trường, thì Ls Lê Thị Công Nhân không thể bằng Lm Nguyễn Văn Lý. Thế nhưng, việc ra khỏi nhà tù của cô nữ luật sư trẻ này lại được báo chí và dư luận quan tâm một cách đặc biệt hơn rất nhiều so với cha Lý.

Từ các sự kiện đó đưa đến nghi ngờ rằng, đây là một chiến dịch đã được hoạch định sẵn. Mục đích để làm gì, và ai, tổ chức nào là người đứng ra dàn dựng chiến dịch này mới là chuyện đáng nói?

Trước hết, nếu đã là một chiến dịch có hoạch định, thì dứt khoát mục đích phải là để giới thiệu đường lối đấu tranh mới của nhà dân chủ Lê Thị Công Nhân. Như đã nói trên, đường lối đấu tranh của Ls Công Nhân là kêu gọi Mỹ giúp đỡ CSVN. Chưa lành nghề, nhưng cô cũng đã biết nói thuật ngữ chính trị lắt léo: Quốc Hội Hoa Kỳ giúp đỡ quốc hội VN. Chứ nếu kêu gọi chính phủ Mỹ giúp đỡ chính phủ VN thì lộ liễu quá, dễ bị lật tẩy. Khôn khéo đấy. Cái quốc hội VN hiện nay hay là cái quốc hội tương lai với sự có mặt của tổng bí thư đảng, của chủ tịch nước, của thủ tướng, và của toàn thể bộ sậu lớn bé CS trong đó, cùng với vài ba tên dân chủ cuội có thể là Trần Khuê, Đỗ Nam Hải, Bùi Tín … cộng thêm một mớ tranh đấu bịp như Nguyễn Xuân Ngãi, Đỗ Hoàng Điềm, Nguyễn Hữu Chánh v.v. thì có gì khác nhau. Nó chỉ là bình mới, rượu cũ. Mafia VGCS vẫn là mafia VGCS. Cái thể chế dân chủ tiền chế này chỉ là phiên bản của cái mô hình của Campuchea mà thôi. Hunsen khoái cái mô hình dân chủ này vì nó bảo đảm tài sản, địa vị, và tính mạng cho hắn, vợ con và bè lũ của hắn. Với phiên bản này, người Mỹ có cớ để khoe khoang rằng họ đã cải đạo được cho bọn CS trở thành tư bản rồi, và bọn bán nước, tham ô thì được an toàn hạ cánh. Cái mánh lới hòa hợp hòa giải trá hình này không đánh lừa nổi người tỵ nạn. Nhiều con bài đã đem ra thử trước rồi, nhưng đều bị cháy hết. Con bài người luật sư trẻ Lê Thị Công Nhân có thành tích đấu tranh chắc chắn cũng chẳng đánh lừa được ai.

Câu hỏi đặt ra là, ai hay tổ chức nào đứng ra giàn dựng lá bài Lê Thị Công Nhân?

Cách đây nhiều năm, một người bạn của tôi ở xa, anh là đồng chí của cả Lm Nguyễn Văn Lý và Ls Lê Thị Công Nhân. Anh kể cho tôi nghe, trong một lần, để đề phòng các thành viên trong tổ chức bị các tổ chức khác dụ dỗ hoặc mua chuộc, vói tư cách là một người vừa lớn tuổi, có kinh nghiệm hơn, vừa có vai vế hơn trong tổ chức, anh đã thành thật khuyên Ls Công nhân không nên giao du với các đảng viên Việt Tân mà anh đã biết rõ về họ. Nhưng cô trả lời anh một cách rất tự tin rằng: “Thế thì anh đã có suy nghĩ khác với em rồi”. Anh bạn tôi chỉ còn biết than trời vì sự khờ dại và tự kiêu của tuổi trẻ trước các cạm bẫy trong môi trường chính trị. Rồi một lần khác, trong khi Lê Thị Công Nhân đang ở trong tù, thì bà Trần Thị Lệ, mẹ của cô, đi du lịch Âu Châu. Anh kể sự việc và cho tôi biết cả tên tuổi của những người bên Âu Châu đỡ đầu và tài trợ cho chuyến đi của bà Lệ. Họ là thành viên của đảng Thăng Tiến, nhưng đồng thời cũng là đảng viên rất tích cực của Việt Tân tại Đức và Pháp. Như thế, ít nhất cũng đã có được vài sự kiện đầu mối giúp hiểu được sự thay đổi lập trường của cô gái này.

Trước hết phải nói đến cá tính của con người Lê Thị Công Nhân. Câu trả lời người đồng chí của cô “Thế thì anh đã có suy nghĩ khác với em rồi” cho thấy, Lê Thị Công Nhân là một con người tự cao tự đại, nông cạn và hời hợt. Một người có bản lãnh có thể thu hút hoặc khuất phục người khác, nhưng không bao giờ để người khác thu hút và khuất phục mình. Sự thay đổi dễ dàng cho thấy Ls Công Nhân thiếu bản lãnh chính trị. Với một cá tính như thế, một người dấn thân vào làm chính trị, dù tinh thần có hăng say, cũng rất dễ đánh mất lập trường. Người con gái trẻ yêu lý tưởng và sẵn sàng hy sinh cho lý tưởng trước kia, đã thay đổi lập trường lúc nào có lẽ cũng không hay, từ chỗ chống cộng triệt để đến chỗ kêu gọi Mỹ không nên bỏ rơi cộng sản VN và cần phải giúp đỡ chúng. Ai đã ảnh hưởng đến lập trường của cô, người viết không nói ra, nhưng bạn đọc chắc đã thấy.

Về phần gia đình, bà Trần Thị Lệ ảnh hưởng đến con gái ra sao thì khỏi nói, sự thể cũng đã phơi bầy. Bà Lệ đi Tây du lịch trong lúc con gái bà bị nhốt trong tù. Sự việc đủ nói lên rằng con cá đã cắn câu. Chẳng cần phải đoán già đoán non, hiển nhiên là người giăng câu là bọn VT, kẻ bảo trợ, tài trợ, và đưa đón bà Trần Thị Lệ ỏ bên Pháp. Chủ nhân cái hồ nuôi cá không ai khác hơn là VGCS. Sự toa rập giữa chủ hồ cá và người thả câu vẫn thường xẩy ra như ta thấy. Bà Trần Thị Thức đi Mỹ vận động cho chồng là ông Đoàn Viết Hoạt trong khi ông Hoạt đang ở Tù. Ca sĩ Tâm Vấn đang ở Mỹ để gián tiếp rao bán món hàng Nguyễn Đan Quế đang khi ông Quế bị cấm túc tại VN. 3 người cháu cha Lý được qua Mỹ học hành sau khi cha Lý vừa bị bắt. Bà Lệ được CS cho đi Tây du lịch cũng vậy thôi. Tất cả đều nằm trong chính sách mua chuộc của VGCS. Vấn đề chỉ là chuyện giữa con cá và miếng mồi. Con cá khôn thì rỉa mồi, no bụng mà vẫn không mắc câu. Con cá dại ham ăn, táp cả cái mồi lẫn lưỡi câu thì chết chắc. Kinh nghiệm con nít của những đứa trẻ đi câu cá như người viết thời thơ ấu là thế đấy. Bà Lệ, trong bài viết tiểu sử con gái, xác nhận nhiều lần rằng, gia đình bà không khá giả gì, chỉ cần 1.500 dollars chạy việc cho con mà không kiếm ra. Vậy thì tiền ở đâu để bà có thể đi du lịch Âu Châu, và khi về còn đi từ Bắc vô Nam thăm người này người nọ? Câu hỏi thiết tưởng cũng đã là câu trả lời chính xác rồi vậy.

Thêm một tí nữa. Cội nguồn cũng còn có thể là nguyên nhân khiến Ls Lê Thị Công Nhân thay đổi quan điểm. Bà Trần Thị Lệ, một người Nam lấy chồng Bắc Kỳ là Ts Hoàng Phương (Bắc Kỳ 75). Ông Phương chẳng may chết sớm. Lý do gì khiến bà Lệ cố thủ ở lại miền Bắc mà không trở về Nam sau khi chồng chết, con còn dại? Phải chăng Hànội mới là cái cội cho mẹ con bà bám víu? Cái cội này lớn quá, hứa hẹn quá, và hấp dẫn quá nên mẹ con bà phải lá rụng về cội, nưóc chẩy về nguồn? Người ta chỉ nghe bà Lệ nói đến người cha ghẻ của Lê Thị Công Nhân là ông Hoàng Phương, mà tuyệt nhiên không thấy bà đá động gì đến người cha ruột của con gái, tức người chồng trước của bà. Người này là Nam hay Bắc, là quân nhân, công chức miền Nam, hay anh cán Bắc Kỳ? Tỉnh Gò Công có công trình gì mà Ông Ts Hoàng Phương, một nhà khoa học từ miền Bắc vô, phải xuống đó làm việc? Nên biết, sau tháng 4-75, con gái miền Nam rất sợ bị CS ép phải lấy chồng bộ đội, nhất là thương binh. Chồng chết rồi, gia đình lại không khá giả, mảnh đất miền Nam dù sao cũng dễ cho mẹ con bà sinh sống hơn. Chỉ có dân miền Bắc vô Nam lập nghiệp, chứ không bao giờ thấy dân miền Nam ra Bắc sinh sống. Vả lại còn có bà con, lối xóm ở Gò Công, tại sao bà Lệ không quyến luyến mà trở về? Nếu chiếc lá đã quyết rụng về cội, và ngọn nước đã quyết chẩy về nguồn, thì việc nhà tranh đấu Lê Thị Công Nhân muốn trở thành cái cầu giữa Washington và Hànội cũng chẳng có gì lạ. Đó là con đường dễ đi và có lợi hơn con đường đấu tranh xa vời vợi, lại đầy rẫy chông gai, gian khổ. Bốn chục tuổi đầu, người con gái nào không lo lắng cho bản thân, và không nghĩ đến một mái ấm cho riêng mình. Con đường tranh đấu xa xôi, diệu vợi, làm sao bảo đảm tương lai. Phải chăng ba năm tù, cô gái Lê Thị Công Nhân đã nghĩ thấu suốt, chỉ có sỏi đá mới dám thi gan cùng tuế nguyệt, con người thì ít ai dám lắm.

Thay Cho Kết Luận

Người viết xin có vài điều muốn nói.

Thứ nhất, nhân dân Việt Nam coi các vị anh hùng dân tộc là thần thánh nên vẫn đời đời hương khói phụng thờ. Nếu người ta đã xưng tụng Ls Lê Thị Công Nhân là Người Con Yêu Của Tổ Quốc, là Người Con Của Thượng Đế, là Đệ Nhất Anh Thư Nước Việt, là Viên Ngọc Quý Của Nhân Dân, thì cô xứng đáng được kể là thần linh rồi. Sau này, người ta cũng nên xây đền lập miếu, nhang đèn kính bái như các bậc Anh Thư Bà Trưng, Bà Triệu cho phải đạo. Người viết chỉ dựa vào đó, và để cho đỡ dài dòng, gọi cô là Thánh Nữ cho gọn, chứ chẳng phải phịa ra để có ý gì cả. Đó là lý do có chữ Thánh Nữ trên tiêu đề của bài viết.

Thứ hai, người VN, nhất là dân tỵ nạn chúng ta, đã bị lừa quá nhiều rồi. Và cũng phải tự nhận, đã trông gà hóa cuốc cũng không phải ít. Nhưng hiện nay, nhiều người vẫn còn thấy đỏ tưởng là chín, thấy tranh đấu tưởng là đồng chí, thấy vô tù tưởng là quốc gia. Nguyễn Du nói rồi: chữ trinh kia cũng có ba bẩy đường. Vậy thì người đấu tranh nhan nhản ngoài đường chắc gì đã là đồng chí, đồng rận với nhau cả, nhà tù chật ních người, nhưng đâu phải tù nào cũng như tù nào, có tù đấu tranh thiệt, tù đấu tranh cuội, tù ăn cắp, tù hiếp dâm v.v.. Vào cái thời thế sự nhiễu nhương này, vàng thau lẫn lộn, Thánh Nữ tưởng đâu là dòng dõi người anh hùng áo vải đất Lam Sơn, chẳng hóa ra lại là đứa con của thằng cuội cây đa Tân Trào, hang Pác Bó. Chán thiệt.

Duyên-Lãng Hà Tìến Nhất


No comments:

Post a Comment