Thursday, March 25, 2010

Phỏng vấn Giáo Sư Carlyle Thayer


(Sau cuộc vận động ký tên yêu cầu Hội Địa Lý Quốc Gia Hoa Kỳ xóa bỏ tên China tại Hoàng Sa)

NTHF - 23.03.2010

Cũng trong ngày kết thúc chiến dịch ký Thư Yêu Cầu, Nhã Trân, trưởng ban báo chí của NTHF, phỏng vấn một chuyên gia về khu vực Đông Nam Á, Giáo sư Carlyle A. Thayer, Giám đốc Diễn đàn Nghiên cứu quốc phòng Đại học New South Wales – Australia, theo dõi và quan tâm đến các vấn đề liên quan đến Việt Nam.

Nhã Trân: Xin được nghe quan điểm của GS trước sự kiện Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ (NGS) ghi quần đảo Hoàng Sa thuộc Trung Hoa trong một bản đồ mới đây của họ?

GS Thayer: NGS năm nay đã sai phạm khi ghi là quần đảo Hoàng Sa thuộc lãnh thổ Trung Hoa. Ít ra NGS nên chú thích rằng chủ quyền khu vực này đang trong tình trạng tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Hoa.

Nhã Trân: GS khẳng định việc ghi Hoàng Sa thuộc Trung Hoa là sai phạm. Có phải đó là vì quần đảo này thuộc chủ quyền của Việt Nam mãi cho đến khi bị Trung Hoa dành lấy sau lần xâm lược năm 1974?

GS Thayer: Đúng vậy. Quần đảo Hoàng Sa chia thành hai nhóm, nhóm đảo Amphrite ở phía bắc và nhóm đảo Crescent ở phía nam. Kể từ khi thời kỳ thuộc địa Pháp kết thúc ở Việt Nam, chính phủ miền Nam, sau này là chính phủ Việt Nam Cộng Hòa, được chiếm lĩnh nhóm đảo Crescent. Tháng Giêng 1974, một năm sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Hải quân Trung Hoa đã tấn công Hải quân VNCH và chiếm cứ phía nam Hoàng Sa.

Nhã Trân: Nói đến lịch sử của Hoàng Sa, theo chúng tôi được biết thì khi đó phía chính phủ miền Nam Việt Nam đã mạnh mẽ phản đối hành vi xâm lược của Trung Hoa ?

GS Thayer: Khi Trung Hoa cưỡng chiếm quần đảo Hoàng Sa năm 1974 chính phủ Việt Nam Cộng Hòa đã phản đối, tuy nhiên không thay đổi được tình thế là mấy. Hoa Kỳ khi ấy đã rút quân khỏi Việt Nam, và không có ý định hỗ trợ một cuộc chiến chống lực lượng quân đội Trung Hoa. Ngược lại với miền Nam, miền Bắc cộng sản khi đó không phản đối hành động của Trung Hoa. Bộ Ngoại Giao miền Bắc sau này viện lẽ rằng kẻ thù chính của họ là chủ nghĩa đế quốc của Mỹ, và họ không muốn Hoa Kỳ thiết lập căn cứ trên Hoàng Sa. Nói một cách khác là chính quyền Hà Nội đã không hề phản đối.

Nhã Trân: Là một chuyên gia về Đông Nam Á và về quốc phòng, GS nhận định ra sao về cơ sở mà Trung Hoa thời gian sau này dựa vào để tuyên bố chủ quyền của họ ở Hoàng Sa?

GS Thayer: Căn bản là Trung Hoa tuyên bố chủ quyền trên toàn thể Biển Đông, trong đó bao gồm Hoàng Sa, viện lý do họ là người khám phá vùng biển này. Chiếu theo luật quốc tế, khi hai xứ sở tranh cãi chủ quyền về lãnh thổ, trong trường hợp này là chủ quyền đối với các quần đảo trong vùng Biển Đông, lợi thế nghiêng về quốc gia chứng minh được sự sở hữu và quản trị.

Nhã Trân: Như GS vừa nói thì Việt Nam có thể ở vào thế bất lợi vì Hoàng Sa đã bị Trung Hoa chiếm đóng từ năm 1974 và chính thức lập đơn vị hành chính thời gian gần đây ?

GS Thayer: Trường hợp Việt Nam có thể được biện luận là chủ quyền [đối với Hoàng Sa] được chính quyền Pháp chuyển giao cho chính quyền Việt Nam lúc chế độ thuộc địa cáo chung vào năm 1954, vùng phía nam của Hoàng Sa được sở hữu và cai quản bởi Chính phủ Việt Nam Cộng Hòa trong suốt hai thập niên liên tục.

Nhã Trân: Tranh chấp về chủ quyền Biển Đông, trong đó bao gồm Hoàng Sa, ngày càng căng thẳng. Các nước liên quan, tất nhiên kể cả Việt Nam, đang nỗ lực quốc tế hóa vấn đề, nhưng Trung Hoa một mực phản kháng. Ý kiến GS ra sao về khả năng Trung Hoa không từ bỏ ý định làm bá chủ Biển Đông, và Hoàng Sa nói riêng?

GS Thayer: Lịch sử đã chứng minh rõ rằng Trung Hoa xưa nay vừa cương quyết vừa hung hăng trong việc khẳng định chủ quyền đối với Biển Đông. Trước tháng Giêng 1974 Trung Hoa chỉ kiểm soát được phía bắc quần đảo Hoàng Sa. Kể từ khi đó Trung Hoa đã sử dụng lực lượng quân đội trong hai trường hợp để chiếm hữu các đảo này. Trường hợp đầu xảy ra tháng Giêng 1974 ở phía nam Hoàng sa. Trường hợp thứ nhì vào tháng Ba 1988 khi các chiến hạm của Trung Hoa tấn công lực lượng Hải quân cộng sản Việt Nam gần khu vực đá ngầm Johnston trong quần đảo Trường Sa. Trung Hoa sau đó tiếp tục chiếm thêm nhiều nơi trong vùng. Năm 1992, Trung Hoa lại gia tăng sự chiếm đóng của họ tại Trường Sa bằng cách cưỡng chiếm thêm nhiều vùng hơn. Năm 1995, trong một bành trướng mới, Trung Hoa chiếm vùng đá ngầm Mischief tại biên giới phía đông quần đảo Trường Sa, vùng mà trước kia Phillipines tuyên bố chủ quyền. Kế đó Trung Hoa xây dựng căn cứ quân sự trên Mischief. Cả Việt Nam lẫn Trung Hoa đều quân sự hóa những quần đảo và khu vực mà họ chiếm giữ.

Việt Nam hiện đang ở vào vị trí không mấy lạc quan vì đòi chủ quyền mà không có phương cách để yểm trợ đòi hỏi này. Trung Hoa từ chối thảo luận về vấn đề Hoàng Sa, và điều đó làm hỏng mọi ý định đưa vấn đề này ra tòa án quốc tế. Cả hai chính quyền đang bất đồng về vấn đề chủ quyền phải cùng đồng ý để vấn đề được phân xử. Việt Nam hiện không có biện pháp ngoại giao hoặc quân đội để khẳng định, hỗ trợ cho việc đòi chủ quyền của mình. Lấy ví dụ, trong những năm cuối thập niên 1990 khi Khối Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã cùng Trung Hoa đàm phán về luật lệ hành xử cho vùng Biển Đông, Việt Nam muốn hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa được bao gồm vào khu vực này thì Trung Hoa đã phản đối, và các nước láng giềng của VN đã nhượng bộ. Hoàng Sa [vì vậy] không được đề cập đến; luật hành xử trong khu vực Biển Đông sau đó phai nhạt, tan biến vào Bản Tuyên Ngôn năm 2002 về Luật của các chính quyền vùng Biển Đông.

Nhã Trân: Trở lại chuyện Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ sai phạm trong phán đoán của họ, GS có nghĩ sửa sai là điều cần thực hiện ?

GS Thayer: Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ lẽ ra có thể chính xác hơn nếu ghi rõ là các đảo thuộc phía nam của Hoàng Sa đang bị Trung Hoa chiếm đóng.

Nhã Trân: Phản ứng của người dân Việt trước sự kiện này có chính đáng, họ có quyền yêu cầu NGS đáp ứng yêu cầu đòi sửa lại chú thích về quần đảo Hoàng Sa để duy trì sự thật và công lý ?

GS Thayer: Có thể hiểu được sự phẫn nộ của những người Việt hải ngoại yêu nước trước sự sai lạc trong phán đoán của Hội Địa lý Quốc gia Hoa Kỳ. Sự sai sót, lầm lẫn này nếu được để yên có thể trở thành một thí dụ cho thấy sự đồng ý [của người Việt] đối với sự xâm lược của Trung Hoa. Người Việt hải ngoại phải tiếp tục áp lực, nêu quan điểm bằng cách không cho phép kỷ niệm cuộc xâm lăng của Trung Hoa hồi tháng Giêng 1974 trôi qua trong câm lặng. Họ cũng có thể nêu vấn đề này lên với các đại diện quốc hội, các định chế quốc tế thẩm quyền, và nhà cầm quyền Hà Nội.

Nhã Trân: Là một người nghiên cứu chính trị và quan tâm đến tình hình Việt Nam xưa nay, GS có điều gì muốn nhắn nhủ người dân và chính quyền Việt Nam ?

GS Thayer: Luật quốc tế đứng về phía những quốc gia có cơ sở trong việc tuyên bố chủ quyền. Sự yên lặng của Việt Nam có thể phương hại đến việc khẳng định chủ quyền của mình. Ngạn ngữ Anh có câu "sự sở hữu là chín phần mười của luật pháp." Để ngăn ngừa điều này, trong trường hợp của Hoàng Sa, Viêt Nam phải tiếp tục thúc đẩy việc khẳng định chủ quyền của mình, phải phản đối tất cả mọi hành động mà Bắc Kinh sử dụng để xác nhận, khẳng định chủ quyền của họ. Thất bại trong việc duy trì vấn đề này sẽ đưa đến kết quả là Việt Nam đã chối bỏ chủ quyền của đất nước mình.

Nhã Trân: Cám ơn GS đã dành cho Nguyễn Thái Học Foundation cuộc phỏng vấn đặc biệt này.

Source: http://www.lyhuong.net/viet/index.php?option=com_content&view=article&id=2303:2303&catid=39:sinhhoatcongdong&Itemid=58



No comments:

Post a Comment